Pages

Wednesday, September 19, 2012

"Chết vì tai nạn giao thông là cái chết có ý thức, chết tự nguyện chết..."

"Chết vì tai nạn giao thông là cái chết có ý thức, chết tự nguyện chết..."

Suốt hai tháng học lớp quản lý hành chính nhà nước, ngày hôm qua mới được nghe một tiết giảng hay. Thầy giáo giảng về "Quản lý nhà nước về kinh tế". Thầy đến đúng giờ, lớp mới có 6 trên tổng số 90 học viên. Ngồi đợi thêm 1 giờ đồng hồ thì lớp được khoảng 25 người. Thầy ngao ngán: "chỉ cần nhìn cách đi học của các anh chị thì biết ngay nền hành chính của nước ta sẽ còn lâu mới cải thiện được". Đúng rồi, nhưng quả thật là khi chỉ có 1/60 bài giảng hay, thì nền giáo dục của chúng ta sẽ ra sao nhỉ?!

Thầy giáo bắt đầu từ các khái niệm, rồi làm rõ một số vai trò, chức năng của nhà nước trong quản lý kinh tế. Cả lớp bật cười khi thầy bảo: "Cái ông nhà nước kể cũng lạ, việc của mình - quản lý vĩ mô - thì chẳng chịu đầu tư vào mà nghiên cứu tìm giải pháp để mà làm, đâu có ai làm hộ được, cứ đi lo bắt nạt mấy doanh nghiệp, chúng nó làm sao mà làm ăn tử tế được chứ...". Nói về mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế thị trường, thầy phân tích: "đúng nhất là phải có hàm lượng thị trường cao nhất có thể trong mỗi chính sách của nhà nước, nhà nước không phải để xóa bỏ kinh tế thị trường, mà để khắc phục những khuyết tật của nó mà thôi". Rồi thầy ví von: "người ta phải xuống nước mà đẩy bè theo ý mình, thế mới vinh quang, chứ không phải leo tót lên bè ngồi, rồi để người khác đẩy, ý thức để đi đâu hết rồi...". Đang giảng về kinh tế, nói về việc phải giữ môi trường ổn định để phát triển, thầy bảo: "số người bị giết chóc vì khủng bố ở mấy nước chưa chắc đã nhiều hơn số người bị tai nạn giao thông ở chúng ta, vì mỗi ngày tới vài chục người chết vì tai nạn giao thông. Nhưng, khủng bố kinh hoàng vì nó gây tâm lý hoang mang, chấn động cả xã hội, còn tai nạn giao thông thì ngược lại, xảy ra rất êm đềm, đó là những cái chết có ý thức, chết tự nguyện chết". Cả lớp phì cười. Thầy giảng thêm: "đúng như vậy, nhìn cái cách người dân chúng ta tham gia giao thông bất chấp luật lệ mà xem, tai nạn xảy ra liệu có phải tự nguyện không?!".

Đúng như thế, cuối cùng vẫn là vấn đề tự giác, vấn đề ý thức của từng cá nhân, vấn đề của từng con người. Đã đành, ước gì nhà nước làm thật đúng chức năng quản lý vĩ mô của mình! Thế nhưng mà, sự vận hành của nhà nước, nói cho đến cùng, cũng phụ thuộc vào công việc của cá nhân những thành viên, những con người tham gia vào bộ máy hành chính ấy. Một khi mà ý thức trách nhiệm của mỗi người chưa bằng, chứ không nói là phải hơn, chưa tương xứng với trách nhiệm anh ta được giao thì hỏi bằng cách nào công việc chạy tốt được?!

Lớp học vẫn chỉ có 6/90 người đến học đúng giờ, tỷ lệ 1/15!

Và bài giảng hay còn tệ hơn nữa, tỷ lệ là 1/60!

ANN

7 comments:

  1. Hề hề hề,
    Hoan hô ANN là 1 trong 1/15 những người còn coi việc học là thật ......
    Vậy chừng nào thì ANN thành HỌC GIẢ nhỉ?????

    ReplyDelete
    Replies
    1. @ anh Bình: Nghề của em là phải viết mà. Học giả thì không dám đâu ạ, nhưng viết suốt ngày, phát mệt luôn!!! Có mấy bài nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, khi nào em gửi anh Bình đọc cho vui.
      Hì, hì...

      Delete
    2. Hề hề hề,
      Cám ơn ANN trước nhé.
      Có điều là đọc xong chắc chả vui nổi đâu ANN ạ. Dù cho ANN có "tô hồng" đến mấy thì cái thực trạng giáo dục nước nhà cũng chả thể vui được. Tuy vậy mình vẫn rất muốn biết về quan điểm của một trothayKhai như ANN về vấn đề này.
      Gửi nhanh ANN nhé, mình chờ.
      Hề hề hề,...

      Delete
    3. Em không gửi được bài, trích một số nội dung gửi anh Bình đọc cho "không vui" nhé...
      yêu cầu phải đổi mới (căn bản, toàn diện) giáo dục VN:
      Thứ nhất, đổi mới mục đích giáo dục:
      - Cần chuyển mạnh từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang giáo dục hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực người học.
      + Ở đây không chỉ là vấn đề phương pháp giáo dục: nhồi nhét kiến thức hay là dạy cho học sinh cách tiếp thu kiến thức. Cho đến hôm nay, kiến thức của loài người cứ khoảng vài ba năm thì nhân lên gấp đôi. Việc áp đặt, nhồi nhét kiến thức trở nên phiến diện, không khả thi và thậm chí phản giáo dục vì khó có thể cập nhật những kiến thức mới nhất vào hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, vốn tương đối ổn định. Phải đổi từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, nhưng không có nghĩa là số lượng kiến thức của các em học sinh bị giảm đi. Ở đây chú ý khái niệm về kiến thức bên ngoài - tiếp thu thụ động (học) và kiến thức bên trong - kiến thức tiếp thu được chuyển hóa thành kiến thức của riêng từng cá nhân (hiểu). Chỉ có kiến thức bên trong này, mới có thể được phát huy thành năng lực cá nhân...
      + Ở đây còn có vấn đề xây dựng lại khung chương trình giáo dục, phân ban, cho phép học sinh lựa chọn môn học, số lượng môn học cho từng lớp, từng cấp học, phân chia cấp học, xây dựng chương trình phù hợp với đặc tính tâm sinh lý của trẻ, xem xét số năm học phổ thông (10, 11 hay 12 năm), số năm học đại học...
      - Trong mục tiêu giáo dục, phải quan tâm đặc biệt tới giáo dục cho đối tượng con em nông dân, nông thôn. Yêu cầu CNH, HĐH sẽ làm thay đổi cơ cấu xã hội theo hướng chuyển từ 70-75% dân số là nông dân sau 10 đến 15 năm nữa chỉ còn 30-35% thôi. Tức là, 40% dân số sẽ phải đổi nghề, thay đổi cả cuộc sống... Chưa nói đến việc mục tiêu này có đạt được không, có khả thi không, nhưng trước hết thì phải đặt ra mục tiêu đào tạo cho số lượng con em nông dân nói trên. Mâu thuẫn lớn hiện nay đang cản trở mục tiêu nêu trên là hiện tượng con em nông dân bỏ học, không có điều kiện học tập càng ngày càng phổ biến (vô cùng bức xúc). Thêm vào đó, đầu tư cho giáo dục ở khu vực nông thôn quá thấp cả về chất lượng và số lượng.
      Thứ hai về việc đánh giá chất lượng giáo dục: thi cử, bằng cấp...
      Thứ ba về quản lý giáo dục, phân cấp quản lý...
      Thứ tư về chất lượng giáo viên, yêu cầu về giáo viên các cấp học, bậc học, đổi mới việc đào tạo giáo viên, chế độ đãi ngộ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm...
      Thứ năm về cơ sở vật chất, trường lớp, đặc biệt như trên đã nêu, điều kiện dạy và học cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...
      Rồi vấn đề giáo dục và hợp tác giáo dục với nước ngoài, vấn đề công lập, dân lập...
      Tóm lại, vấn đề giáo dục là vấn đề của toàn xã hội, đồng thời là vấn đề của mỗi gia đình, mỗi con người. Do đó cần có được sự đồng thuận của xã hội mới có thể thực hiện được. Để có được sự đồng thuận này là khó, nhưng cũng vô cùng đơn giản nếu tất cả việc nghiên cứu, tham mưu cho hoạch định chính sách xuất phát từ quyền lợi của người dân và của toàn xã hội.
      Em làm TÓM TẮT sơ lược mấy bài viết như trên, chẳng hiểu có làm anh Bình điên đầu lên không. Vì không phải học giả, nên viết có gì lộn xộn, không rõ ý tứ, làm phức tạp vấn đề ... thì mong anh Bình lượng thứ. Tiếp theo, anh quan tâm đến vấn đề nhỏ nào thì lại tiếp tục trao đổi, được không ạ?!
      Em cảm ơn anh đã quan tâm. Hì, hì...

      Delete
    4. This comment has been removed by a blog administrator.

      Delete
    5. Hề hề hề,
      Xin phép ANN, mình chuyển bài post này qua chủ đề ICVA và vấn đề giáo dục, du học cho nó thuận hơn nhé. Có thể mọi người sẽ tham gia nhiều ý kiến hơn là để nó ở chủ đề này

      Delete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete