Pages

Sunday, September 23, 2012

Ở nhà Chủ nhật...



Sáng Chủ nhật, bố và con còn đang ngủ, mẹ tranh thủ đi gội đầu. Nếu có ai hỏi tại sao mẹ phải đi 5km vào buổi sáng Chủ nhật, khi cả nhà còn đang ngủ nướng, chỉ để gội đầu và ăn một bát bánh đa cua ở gánh hàng rong vỉa hè trước cửa tiệm gội đầu trên phố Trần Quốc Toản, thì chắc chắn mẹ chẳng biết trả lời thế nào,
chỉ có thể cười trừ. Sở thích nó "không bình thường" vậy thôi.

Trên đường đi, đẩy đĩa The best of Andrea Bocelli vào ổ đĩa (đĩa hát này được một đồng nghiệp mang từ Cali về tặng). Ngay sau bài Besame mucho là bài Con te partirò, Bocelli hát cùng Sarah Brightman, chợt nhớ... sáng anh CT kêu ANN viết bài về Hồ Xuân Hương, tự hứa sẽ viết một bài nghiêm túc chứ không "nhìn rau, gắp thịt" như mọi lần. Nhưng mà, về Hồ Xuân Hương thì có cả một kho sách khổng lồ viết về bà, hàng chục luận án, luận văn trong và ngoài nước nghiên cứu về người nữ sĩ tài hoa, sẽ phải "đánh trống qua cửa nhà sấm" bằng cách nào đây?!

Anh CT à, thông thường "ý tại, ngôn ngoại", bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào, từ âm nhạc, ca từ của bài hát, múa, tranh, truyện, thi ca, nhiếp ảnh, điện ảnh... đến kiến trúc, điêu khắc đều có gửi gắm những thông điệp mà tác giả bị thôi thúc khi làm ra các tác phẩm của mình. Cho nên, đương nhiên là chúng "đa nghĩa", thậm chí đa nghĩa với cùng một người thưởng thức nữa. Ví dụ, khi ta mô tả bóng dáng một ai đó trong cảnh chiều chạng vạng thường là để diễn tả sự cô đơn, nhưng đôi khi không phải thế. Ngược lại, trong những bức tranh nhiều màu sắc, đầy hoa lá và thậm chí có rất nhiều người, thì nỗi cô đơn còn được mô tả một cách đau lòng, cắt ruột và tuyệt vọng hơn nhiều...



Trở lại với Hồ Xuân Hương đa tài. Bà đã viết, chơi chữ, tìm tứ thơ, thể hiện điều mình muốn nói. Trong hai bài thơ "Cợt ông Chiêu - Hổ" và "Ông Chiêu - Hổ họa" bà viết một cách đơn sơ về quy luật ngàn đời của tình yêu nam nữ:

Cợt ông Chiêu - Hổ
Anh đồ tỉnh anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chỗ ấy hang hùm chớ mó tay.

Ông Chiêu - Hổ họa
Này ông tỉnh này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng tuột tay.

Một loạt bài thơ của bà tả cảnh núi non, mà không ai lại không có những liên tưởng đến "mảnh ruộng ba bờ ở dốc mông", nhưng tài tình là, những bài thơ ấy có đọc to lên cũng chẳng làm cho ai đỏ mặt cả:

Đèo ba dội
(hay Ba đèo tên chữ là đèo Tam Điệp, thuộc huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá)
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân, quân tử ai mà chẳng...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

Động Hương Tích 
Bày đặt đá ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom,
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hươu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khọm
Lam tuyền quyết cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già để dở dom

Hang Cắc cớ
Trời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.

Hang Thánh Hóa (Chùa Sài Sơn - theo bản khắc 1922)
*
Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố giương ra biết mấy ngoàm.
Lườn đá cỏ leo, sờ rậm rạp.
Lách khe nước rỉ, mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Đến mới biết là hang Thánh Hóa,
Chồn chân, mỏi gối, hãy còn ham!


* Chùa Thầy

Qua Kẽm Trống
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là Kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
Trong hang đá hơi còn hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.

Bà còn có những bài thơ "tả chân" hơn nữa, mà được mọi người chấp nhận vì tính ước lệ và duy mỹ của nó:

Ốc nhồi
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Vịnh Cái quạt (1)
Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa.
Vành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?

Vịnh Cái quạt (2)
Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.
Mỏng dầy chừng ấy chành ba góc,
Rộng hẹp dường nào cắm một cây.
Càng nóng bao nhiêu càng muốn mát,
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy,
Chúa dấu vua yêu một cái này.

Giếng nước
Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông!
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng 

Quả Mít
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra taỵ

Thiếu nữ ngủ ngày
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.

Tranh hai Tố nữ
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình! 

Giễu quan Hậu
Tình cảnh ấy, nước non này,
Dẫu không Bồng Đảo cũng tiên đây.
Hoành Sơn mực điểm đôi hàng nhạn,
Thúy lĩnh đen trùm một thức mây.
Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch,
Phất phơ sườn núi lá thu bay.
Hỡi người quân tử đi đâu đó?
Đến cảnh sao mà đứng lượm ta
y.

Bà còn mạnh tay hơn khi mô tả những cảnh ân ái:

Dệt vải
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.

Tát Nước 
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè,
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve.
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dang bang một lúc đã đầy phe.

Đánh Đu 
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.

Đánh Cờ 
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà

Ngoài đề tài muôn thủa của thi ca ấy, bà còn nhiều bài thơ được ngợi ca như sự phản kháng của nữ quyền trong cái xã hội thời nhiễu nhương, trọng nam, khinh nữ:

Đền Thái Thú 
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu.

Đền Trấn Quốc
Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau!
Một tòa sen lạt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong điểm áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn.
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ đâu đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
 

Bọn đồ dốt
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống, đem vôi quét trả đền


...

Em thì thích thơ nôm của Bà vì có thể học tiếng Hán - Nôm qua thơ của bà. Ví dụ, bài thơ "Chửa hoang", bà viết:

Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm có thấy hỡi chăng chàng?
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đành nẩy nét ngang
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
Không có nhưng mà có mới ngoan.

Chữ "thiên" - trời và chữ "phu" - chồng chỉ khác nhau có mỗi nét sổ nhô lên trong chữ "phu" mà thôi (duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc - ý nói phận gái chưa chồng). Chữ "liễu" và chữ "tử" khác nhau có một nét ngang ở giữa chữ mà thôi (phận liễu sao đã nảy nét ngang - gái chưa chồng mà lại có con)...

Có một bài thơ nữa mà em rất thích vì nó rất "Xuân Hương" trung thực, nồng nàn, quyết liệt và đằm thắm:

Mời ăn Trầu 
Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

Em chẳng phải nhà văn, càng không phải nhà phê bình văn học, được anh CT giao nhiệm vụ, lại đang "ở nhà Chủ nhật", nên gắng viết mấy dòng, chủ yếu giới thiệu với icva mấy bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Còn rất nhiều tranh cãi về thơ của bà, rồi về chính bà nữa... Nhưng mà đó là những câu chuyện khác, không phải câu chuyện ở nhà Chủ nhật hôm nay, thì phải. Có gì, em xin được mọi người "chỉ giáo"...

ANN

21 comments:

  1. Hoan hô em ANN, quả không hổ danh là nữ sĩ iCVA!
    Anh đã "sáng mắt" khi em nhắn tin công bố bài mới và không nghĩ là "Ở nhà chủ nhật". Đầu tiên bập vào ảnh nhà em rất đẹp và rất Tây, cảm thấy bài này có lẽ không phải viết về Ta.
    Nội dung bài viết anh chưa dám bình ở đây vì còn phải tìm hiểu thêm, nhưng anh dám chắc là sẽ có nhiều comments vì các chàng iCVA sẽ không chịu "thua" ANN một cách dễ dàng đâu!

    ReplyDelete
  2. Comment 1: Hang Thanh Hóa
    "Chồn nhân, mỏi gối, hãy còn ham". Sai chính tả, nhưng điều đó chứng tỏ ANN "viết thực" chứ không phải cắt dán từ tác phẩm của người khác. Tất nhiên là biên tập viên sẽ sửa lại thành: "Chồn chân, mỏi gối, hãy còn ham".
    Câu này là câu cửa miệng của cánh đàn ông, nhưng ít ai biết nó lại xuất phát từ bài thơ Hang Thanh Hóa! Có lẽ chính vì bài thơ này nên "Thanh Hóa" bây giờ mới nổi tiếng trên cả nước chăng? (Cho vào ngoặc kép mọi người tự hiểu là nổi tiếng vì cái gì nhá). Trong tương lai "Thanh Hóa" có nổi tiếng trên thế giới không? phần lớn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngành du lịch.
    Nhưng Thanh Hóa coi chừng vì ngay bên cạnh đã nổi lên Quất Lâm - Nam Định như một "thiên đường của sự sung sướng". Không biết Hang Nam Định có "hàm hố" như Hang Thanh Hóa không? Xin mời các huynh đệ có kinh nghiệm lên tiếng.
    Và không biết ai đã từng đến Hang Thanh Hóa này chưa? Riêng tôi thì "hổ thẹn" nói se sẽ rằng "chưa"!

    ReplyDelete
  3. He he,
    Tôi sai, ANN đúng. Mới vào trận đã bị thua ngay một bàn phút đầu tiên! 0 - 1
    Anh em iCVA hãy giúp đỡ "thủ môn" tội nghiệp này nhé! Thủ môn chuyên nghiệp Minh Hải 70-73 vào thay.
    Đến bây giờ vẫn chưa hiểu sao HXH lại viết là "Chồn nhân"? Chắc nhân này ở giữa hai chân chăng? Bị qua háng xấu hổ quá!!!

    ReplyDelete
  4. @ anh Công Thành, em xin lỗi vì chưa trả lời anh ngay đc. Tuần này em phải "chạy xô", mà vào icva bằng mobile khó quá. Em sẽ tìm xem lại nguyên bản bài thơ đã nhé, xem là nhân hay chân. Có khi cũng phải "Chủ nhật ở nhà" mới trả lời anh đc. Thông cảm cho em nhé.

    ReplyDelete
  5. Hề hề hề,
    Thua là phải rồi, kêu chi nữa.
    Bàn về thơ Hồ Xuân Hương thì thú thực là Lùn tui không dám lạm. Chỉ biết rằng nó hay, chứ còn hay thế nào thì dã có nhiều người như ANN chỉ dẫn. Lùn tui chỉ có thể nói nôm rằng nó hay kiểu tục, và tục kiểu Hồ Xuân Hương. Cái hay này nó làm cho người ta rộng bụng hơn và có thể thấy được những cái hay khác trong cuộc đời.
    Thực tình tôi cũng như Công Thành cho là "chồn chân" mới đúng. Còn "chồn nhân" thì lần đầu mới nghe. Tuy nhiên cái anh cu Công Thành này giả bộ ngu ngu để lừa anh em thật không khéo tí nào. Kiều này thì còn bị xỏ kim dài dài Công Thành à....... Lùn tui đá bóng không hay và cũng hay bị xỏ kim qua háng lắm. Nhưng Lùn tui có cái võ bóng đi người ở lại nên buộc phải chặn anh cu CÔng Thành lại và để cho bóng nó trôi.
    Hề hề hề,...

    ReplyDelete
  6. Comment 2
    He he,
    Cám ơn Bình vì tinh thần đồng đội nhé, nhưng Bình bị lừa nhiều hay sao mà cảnh giác thế?
    Thành chưa bao giờ lừa đồng đội cả, có thể là bản thân mình chưa biết thôi chứ không chủ ý đi lừa.
    Chuyện Hồ Xuân Hương thì Thành đã tra sách thượng, hạ đủ cả. Bản nào cũng ghi là "chồn nhân" chứ không phải "chồn chân" như Thành và Bình nghĩ. Cũng chưa có một ai nói về cái từ kỳ lạ này, nên làm sáng tỏ được có khi lại được đề tài cấp nhà nước chứ chẳng chơi.
    Có thể đề ra cách sau: Tìm nguyên bản tiếng Nôm và xem chữ đó là chữ gì, hy vọng là chữ Nôm hai chữ "chân" và "nhân" khác nhau nhiều để có thể phân biệt được. Chứ Hồ Xuân Hương lại bị sai lỗi chính tả chữ quốc ngữ thì vô lý quá!!
    Thực ra trong bài thơ Đèo Ba dội, Hồ Xuân Hương cũng đã có ý "chồn chân":

    Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

    Đến bài này chuyển sang "hãy còn ham" thì "chồn chân" chuyển thành "chồn nhân", phải chăng HXH lại chơi chữ ở đây? Có người thậm chí còn nhận xét chữ "trèo" trong câu thơ trên là nói trại của chữ "đ..éo" với nghĩa bậy. Với thơ Hồ Xuân Hương ta phải rất cảnh giác!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hang Thánh Hoá*
      Khen thay con tạo khéo khôn phàm
      Một đố giương ra biết mấy ngoàm
      Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp
      Lách khe nước rỉ mó lam nham
      Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
      Hai tiểu lừng tròn đứng giữa am
      Đến mới biết là hang Thánh Hoá
      Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham!

      * Tên một cái hang trong chùa Thầy. Tương truyền Từ Đạo Hạnh đã hoá tại đây nên gọi là hang Thánh hoá

      @ Anh CT: đây là một trong những bài thơ Nôm truyền miệng của bà HXH. Vì là truyền miệng nên chắc có nhiều sai lệch và việc trên mạng copy của nhau nên có sai sót.
      Bài thơ em vừa sửa lại trên đây lấy từ cuốn "HXH - Thơ và Đời, Nxb Văn học 2011, tr.51.
      Em xin lỗi anh CT và cảm ơn anh vì đã kịp thời đính chính!

      Delete
    2. Hai tiểu lưng tròn...
      Em vừa viết sai ở còm, nhg đã sửa lại trong bài viết rồi.

      Delete
    3. Còn một ý nữa là, trong tiếng Hán, kể cả Hán Nôm, một chữ có thể cùng biểu đạt nhiều âm và do đó mang nhiều nghĩa khác nhau đấy ạ. Chữ chân và chữ nhân trong tiếng Hán hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên, chữ Nôm và chữ Hán lại không hoàn toàn giống nhau, có những chữ Nôm giữ hình và nghĩa trong tiếng Hán nhg lại đổi âm, đổi cách đọc, có chữ thì giữ hình giữ âm, nhưng đổi nghĩa... Trình độ của em còn rất kém, ko dám lạm bàn. Những khác biệt trong các bản, nhất là thơ truyền miệng thì em phải hỏi lại thầy giáo đã ạ.

      Delete
    4. Ơ ơ ơ!!!
      Hóa ra Hang Thánh Hóa ở Chùa Thầy, nơi mà Thành và Bình cùng lớp mình đã đến thăm từ hồi lớp 9, Bình còn nhớ không? Hôm ấy còn tí nữa đánh nhau với dân địa phương!
      Cũng hơi tiếc lời comment về "Thanh Hóa" nhưng biết làm sao được, thơ Hồ Xuân Hương nổi tiếng về mỗi cái ấy thôi mà. :))
      Cũng may là chưa về Thanh Hóa hỏi Hang ở đâu, khéo ăn gậy mất!
      Chết thật, trên mạng 100% là "Thanh Hóa" và "Chồn nhân". Bây giờ có muốn cũng không thể sửa được nữa.
      Thật là:

      Hang Thanh Hóa ở Chùa Thầy.
      Còn hang Thầy ở lại tần (tận) Thánh Hoa!

      Một hồi đảo đi đảo lại cuối cùng không biết đâu là chân đâu là giả?

      Delete
    5. Hề hề hề,
      Vậy là xong cái vụ "chồn nhân". Còn cái hang Thánh Hóa thì quả thực là cũng đã có nghe về cái hang này ở chùa Thầy tuy rằng chửa lần nào thấy Thánh cả.
      Lùn tui đã thăm chùa Thầy chả phải một lần năm lớp 9, vì thời kỳ đi lính, đóng quân ở Phùng nên vẫn thi thoảng sang đó thăm..... Chùa. Tuy nhiên cái vụ uýnh nhau với trai làng thì không dính nữa, do thời kỳ này có lon có liếc nên cũng có tí oai, trai làng họ cũng ...... nể. Hơn nữa trong đơn vị lại có anh ở ngay Sài Sơn nên càng oai tợn.
      Cũng đã lâu không ghé thăm Chùa rồi, chả biết bây giờ nó có đẹp hơn không chứ ngày ấy cái hang Thánh Hóa quả có giông giống với lời thơ của Hồ Xuân Hương thật. Có khác chăng là chả phải chỉ có một sư với hai tiểu lưng tròn mà còn có lắm tiểu .... yêu lắm.
      Từ cửa hang Thánh Hóa mà dòm xuống thấy nhiều cảnh đẹp lắm mà sao không thấy bà chúa thơ Nôm vịnh được câu nào. Hình như bà chỉ chú ý tới mỗi cái hang mà quên cả mọi thứ xung quanh hay sao ấy nhể ????
      Có nhẽ bà để dành cho icva's poet bổ sung chăng???
      Hề hề hề,....

      Delete
  7. Comment 3
    Trên đường giải nghĩa chữ "chồn nhân", bắt gặp bài thơ CU CỤ sau đây, tuy chưa thể hay bằng thơ Hồ Xuân Hương nhưng cũng đáng để anh em bàn ra tán vào.

    Củng khởi đầu Cờ (C) đứng cạnh U
    Sao cho rằng CỤ lớn hơn CU ?
    Râu ria rậm rạp CU như CỤ
    Da dẻ nhăn nheo CỤ giống CU
    Chớ cậy ngày nay lên mặt CỤ
    Mà quên thuở nọ vốn thằng CU
    Lạ gì CU nặng CU thành CỤ
    CỤ chẳng … nặng thì CỤ hóa CU

    Thế sự đảo huyền chuyện CỤ, CU
    Lộn sóng “Thằng CỤ” với “Ông CU”
    CU “Quân tử kiếm” là “CU CỤ”
    CỤ “Lảo ngoan đồng” ấy “CỤ CU”
    Ra chốn đình trung ưng gọi CỤ
    Giữa vòng hương phấn muốn là CU
    Giai nhân có hỏi CU hay CỤ?
    “Ngũ thập niên tiền … CỤ vốn CU”.

    ReplyDelete
  8. Hề hề hề,
    Cứ theo Lùn tui nhớ thì Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm, mà chữ Nôm thì không giống chữ quốc ngữ hiện thời. Vậy nên cái sự nhầm chính tả của Hồ Xuân Hương chắc hẳn là không phải. Có chăng ấy là nhầm của mấy chú nhà in sách thôi.
    Về chữ Nôm thì Lùn tui không biết, nhưng trộm nghĩ hẳn là chữ NHÂN không nằm giữa hai CHÂN như Công Thành đã đoán đâu. Còn trong chữ Hán thì chữ nhân nó còn dạng chân tè he ra kia và chả có cái gì giữa hai chân nó cả.......(Cứ theo kiểu nhìn hình tóm chữ thì có nhẽ chữ nhân này chắc chỉ toàn là giống cái cả?????)
    Về nghĩa của "chồn nhân" nếu có thì Lùn tui xin mạn phép nói liều như sau:
    Chồn vốn là một loài thú ở rừng, và thường được ví như loài cáo tức là cùng họ với lũ khuyển ở nhà. Phải chăng khi dùng "chồn nhân" Hồ Xuân Hương muốn chửi cha những đứa "hãy còn ham" và muốn ví chúng như loài chồn hôi ấy vậy.
    Nếu cái lý giải này mà đúng thì Công Thành hãy đăng ký ngay cái đề tài cấp nhà nước ấy nhé, và biết đâu giật giải Nobel chứ chả đùa......
    Về cái vụ bị lừa thì Lùn tui vốn được nhiều rồi, sự cảnh giác chẳng bao giờ thừa, nhất là khi chơi với các bạn viện sĩ, toàn ăn văn nói chữ. Lùn tui văn dốt vũ dát nên sợ các chú viện sĩ lắm lắm. Công Thành thông cảm cho cái sự dát chết ấy của mình nhé.
    Về bài thơ CU NẶNG Lùn tui xin góp ý như sau:
    1/- Cái câu:
    "Da dẻ nhăn nheo CỤ giống CU"
    xem ra hổng phải lý lắm, có nhẽ nên thay bằng:
    Mặt mày nhẵn nhụi CỤ giống CU
    2/- Cái câu:
    "CU “Quân tử kiếm” là “CU CỤ”"
    xem ra cũng chửa hợp với cái sự ngông, có nhẽ đổi thành:
    CU “Quân tử dại” là “CU CỤ”
    3/- Cái câu:
    “Ngũ thập niên tiền … CỤ vốn CU”
    xem ra kém thế quá. Giai nhân mà đã hỏi thì phải hăng lên chứ, thều thào như vậy đâu có ổn. Nhưng còn hăng thế nào thì dành cho Công Thành sửa nốt nhé.....
    Hề hề hề, .....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ấy chết, thơ của người khác chớ có dại sửa, nhất là người ta còn sống sờ sờ ra đấy!
      Có thể vô tư sửa thơ Hồ Xuân Hương, vì có sai thì bảo chưa hiểu thấu hoặc là bảo tưởng đấy là thơ của thằng chết trôi nào đó. Sửa thơ người sống có khi mang vạ vào thân, mở cửa ra thấy dao phay trước mặt!
      Về mặt văn học, Thành cũng không đồng tình với Bình về điểm 2/. Muốn hiểu đúng nghĩa câu thơ này phải đọc truyện chưởng Kim Dung. Trong "Tiếu ngạo giang hồ" Quân tử kiếm là tên hiệu của Nhạc Bất Quần, một nhân vật đặc trưng cho ngụy quân tử, đã từng tự thiến để học tà công "Tịch tà kiếm pháp", đã từng đeo râu giả để trở thành người già hơn đồng thời che dấu "xăng pha nhớt"... Cho nên câu thơ: "Cu Quân tử kiếm là Cu Cụ" có ý chê những người còn trẻ khoảng 40 tuổi nhưng để râu để cho nó già thành người 60.
      Còn Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông là trong truyện "Anh Hùng xạ điêu" cũng của Kim Dung. Người này không bao giờ già, luôn nghịch ngợm những trò trẻ con.
      Câu "Quân tử dại" của Bình chèn vào chẳng ăn nhập gì về ý tứ cả!!!
      Điểm 1/, Bình đọc lại thấy rõ là nói về "da" chứ không phải nói về "thịt" như Bình nghĩ!
      Điểm 3/ Thành rất thích câu này vì nó đúng với tuổi ngũ thập niên mà cánh 76-79 vừa trải qua (sinh nhật TN). "tiền CỤ" có nghĩa là chưa là cụ, vẫn còn sung sức lắm "vốn CU" mà.

      Delete
    2. Hề hề hề,
      Có nhẽ tại văn chương hơi Lùn nên mình hiểu sai chăng???
      1/- CU mà da dẻ nhăn nheo thì thành CỤ mới đúng, chứ CỤ có nhăn thế chứ nhăn nữa cũng chả thể nói giống CU.
      2/- Quân tử kiếm là quân tử ngụy. Còn Quân tử dại lại là thứ quân tử có thể làm người ta được coi là cụ đấy. Xuất phát từ câu châm ..... chọc:
      Quân tử nhất ngôn là quân tử dại.
      Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn
      Ấy vậy mới nói là ngông.
      3/- Ngũ thập niên tiền..... Được hiểu là 50 năm trước, mà đã năm mươi năm trước thì ông nào chả là CU, kể cả ông ......Bành.
      Vậy nên Lùn tui liều mình như chả có để sửa phát nữa thành:
      Cụ đâu mà cụ,... cụ vẫn CU.
      cho nó hăng cái máu của mấy anh CỤ khi giả nhời giai nhân.
      Hề hề hề,...

      Delete
    3. Bình ơi,
      Câu 3 và 4 CU không phải là thằng, mà là "hạ bộ" cho nên nó mới có râu và da dẻ nhăn nheo!
      Còn câu cuối phải tách ra "Ngũ thập niên, tiền CỤ, vốn CU" với chữ tiền là chỉ giai đoạn như "tiền ung thư", "tiền mãn kinh". Chữ tiền không đi với ngũ thập niên mà đi với chữ CỤ.

      Delete
    4. Hề hề hề, chửa thông, chửa thông được
      Chết tôi rồi, chả nhẽ da dẻ cái thằng ấy của Công Thành nhăn nheo rồi ư??? Khổ quá , khổ quá quá??? Phải ráng mà làm cho nó mặt mày nhẵn nhụi chớ.......
      Tiền CỤ chả phải là CU ư??? Giả nhời giai nhân thế thì còn chi là phong độ nữa????
      Giá như là "hạ CỤ" thì nó còn có tí hăng, nghĩa là nửa trên là Cụ dưới vẫn CU hoặc hiểu đểu thêm tí nữa là có đến chết Cụ vẫn cứ CU.....
      Hề hề hề.
      Khổ quá cái tiếng Việt còn chửa thông lại còn cãi nhau về tiếng Hán Việt nữa. Có ông "đèn giời" nào vô phân xử giúp không hè?????

      Delete
    5. Hì hì (học điệu cười của em ANN)
      Hai anh cãi nhau thế này "lộ hết hàng". Giá Bình có cái ảnh lên thì khi lại vào kỷ lục Guiness mất.
      "Phải ráng mà làm cho nó mặt mày nhẵn nhụi chớ......" -->> Bình đúng là playboy đóng phim cấp 3! Ha ha :-))))

      Delete
    6. Hề hề hề,
      Ảnh thì khối, nhưng mà Lùn tui chửa muốn oai. Phim thì cũng muốn đóng lắm, chả kể cấp 3 hay cấp Đại học, song còn đang chờ đạo diễn kiêm Viện sĩ Công Thành tuyển lựa. Nếu được tuyển, Lùn tui xin cảm ơn lắm lắm và gia đình sẽ hậu tạ.
      Hề hề hề.....

      Delete
  9. Giời ơi, Em ANN quá giỏi, quá giỏi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi, sao Anh Thái lại khen E, A định khen bà Hồ Xuân Hương, phải thế ko ạ?! Hì, hì...

      Delete