Pages

Sunday, October 21, 2012

Nhừ Xương Canh Gà - Sấm Dương Khuê!

Tôi đã định giấu ý tưởng Sấm Dương Khuê vào trong comment, nhưng hôm qua lại đọc bài trên blog Hiệu Minh (http://hieuminh.org/2012/10/19/tu-hay-tay/), thấy các cụ nhà ta thực quá thể: chữ Tác đánh chữ Tộ.

Cùng một từ mà có 3 phương án đọc khác nhau: "Hà Nội tức cảnh"; "Hà Nội tây cảnh" và "Hà Nội tứ cảnh". Hay nữa là phương án nào cũng có lý, người thì mang chữ Hán cãi với người chữ Nôm, chữ Nôm cãi với chữ Quốc ngữ, cuối cùng chẳng ông nào chịu ông nào.
Như tôi đã viết trong bài "Canh Gà Thọ Xương", các con cháu của Dương Khuê đưa 4 câu thơ của Cụ vào cuốn "Hà Nội tức cảnh". Gần đây PGS. TS. Trịnh Khắc Mạnh đăng trên
báo ANTĐ, bài thơ của Dương Khuê được đăng trong cuốn "Hà Nội Tây Cảnh" và có chụp trang bìa cuốn sách. Một độc giả của blog hieuminh đã phát hiện ra đó không phải chữ Tây (西,), mà là chữ Tứ (giống chữ Tây nhưng không có đầu) đồng thời cũng đưa ra câu đối nổi tiếng của Vua Duy Tân:


“Rút ruột vua, tam phân thiên hạ”
Chữ Vương = 王, là vua, nếu bỏ đi một nét giữa (ruột) thành chữ Tam. Câu này có ý nói Pháp muốn bỏ vua, chia nước ta ra làm ba kỳ.
Vua Duy Tân nghe xong, liền ứng khẩu đối ngay:
Chặt đầu tây, tứ hải giai huynh. Chặt đầu tây bốn bể đều là anh em.
Chữ Tây = 西, nếu bỏ đầu thì thành chữ Tứ, câu này rõ ràng thể hiện sự căm ghét Pháp của vị vua thiếu niên.
Theo như ảnh chụp bài thơ dẫn ở trên thì đề bài thơ gồm 4 chữ Hán là HÀ NỘI TỨ CẢNH (Bốn cảnh Hà nội) không phải là “TÂY” cảnh.
Bởi vậy chữ canh ở đây dù tác giả viết bằng mẫu tự nào (vì lối phiên tiếng Việt bằng chữ Nôm của các cụ rất tùy tiện, tuy cách tạo chữ Nôm có quy luật nhưng chưa được nhà nước quy định thống nhất) thì vẫn phải là “canh giờ”. Đề bài khẳng định là 4 cảnh đẹp ở Hà nội .

Thế nhưng cách giải thích trên vẫn tồn tại những điều vô lý, chung quy mọi người chưa hiểu lời Sấm Dương Khuê, được trình bày dưới đây:

BÀI THƠ DƯƠNG KHUÊ KHÔNG PHẢI TẢ CẢNH TÂY HỒ

Thiết nghĩ chúng ta phải tìm lại bản gốc của Dương Khuê.


Năm 1886 Cụ đã từ quan Sơn - Hưng - Tuyên Tổng đốc lui về làm nông dân ở xứ ruộng vườn Bình Lục, tỉnh Hà Nam và làm Thầy dạy học tại dinh Tổng đốc Hoàng Cao Khải tại Hà Nội. Ở tuổi ngoài vòng càn khôn, đôi bạn tri kỷ mặc sức bình Kiều, lẫy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Lúc sinh thời, cụ Nghè Vân Đình, tổng Phương Đình, huyện Ứng Hòe, tỉnh Hà Đông làm quan lớn của triều đình Huế, rồi cuối đời giữ chức Tham tá nha Kinh lược sứ tại Bắc Kỳ vào thời mạt vận của vua quan nhà Nguyễn. Sở trường của thi sĩ Vân Trì là sáng tác ca trù, vì thế cụ Nghè trở thành một danh sĩ của Bắc Hà. Dương Khuê đã để lại cho hậu thế bài lục bát gồm 4 câu ca ngợi cảnh đẹp hồ Tây dưới nhan đề "Hà Nội Tức Cảnh":

"Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trần Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Dịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ”

 

Chúng ta lưu ý mấy điểm sau:
1. Ngọn trúc: đúng nguyên tác, chớ không phải cành trúc

2. Trấn Võ: tên cũ là Trấn Vũ. Viết đọc Vũ hoặc Võ, quán Trấn Vũ thờ Trấn Vũ tức là "Trấn Thiên Chân Vũ Đế Quân" mà trước đây người Pháp dịch là Grand Bouddha.
3. Dịp chày: Viết đúng chính tả là "Nhịp chày". Các nhà Nho thời bấy giờ không phân biệt cặn kẽ chữ nào phải viết bằng phụ âm đầu là "d", "nh" hoặc "gi". Viết một cách tự nhiên, chẳng ai bắt lỗi ai cả.
4. An Thái: gọi đúng tên làng là Yên Thái. Lãng  Nhân Phùng Tất Đắc trong tác phẩm "Giai Thoại Làng Nho" ghi đúng tên làng Yên Thái. Tục danh của làng này là Kẻ Bưởi tức làng Bưởi ở bên hồ Tây, nổi tiếng với nghề làm giấy, kẹo mạch nha và cất rượu. Làng Yên Thái và làng bên Trích Sài làm được giấy in và cả giấy cao cấp để bộ Lễ viết sắc phong. Tá lý Trần Trinh Cáp, chuyên viết sắc phong dưới triều vua Khải Định và Bảo Đại đã khẳng định việc nầy.


Trong bài thơ gốc của Dương Khuê nổi lên 2 vô lý:
- Trấn Vũ và Thọ Xương (ở cùng một câu) lại cách nhau khá xa và ở giữa 2 địa danh này không phải là Hồ Tây.
- Câu 3 "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" mâu thuẫn với câu 4 "..., mặt gương Tây Hồ". Đã phủ kín sương làm sao nhìn thấy mặt gương Tây Hồ? Như vậy hai câu này về mặt thời gian là khác nhau. Từ đấy cũng suy ra Dương Khuê chỉ mượn chuyện Hồ Tây để nói chuyện khác.

Rõ ràng Dương Khuê đăng bài thơ này (khoảng năm 1880), trước khi Phạm Quỳnh đăng năm 1918:

"Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"

Vậy rất có lý khi nói Phạm Quỳnh mang thơ từ Hà Nội vào Huế như tôi viết trong bài "Canh Gà Thọ Xương". Thế nhưng nó chỉ có lý khi thơ Dương Khuê là thơ tả cảnh, còn nếu không phải thơ tả cảnh thì phải xem lại!

Cái xem lại đó như sau:
Câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" là câu ca dao "xịn" có trước ở Huế, tả cảnh dòng sông Hương với 2 địa danh Thiên Mụ và Thọ Xương nằm 2 bên. Trong trường hợp này "canh gà" đúng là chỉ giờ gà gáy chứ không thể nhầm lẫn sang "canh thịt gà" được.
Suy ra Dương Khuê "mượn" câu ca dao này của Huế và mang ra Hà Nội, thay Thiên Mụ bằng Trấn Vũ còn Thọ Xương giữ nguyên vì cả hai nơi đều có đia danh này. Điều cần nói là địa danh Thọ Xương ở Huế có trước và sau đó bị mất tên, địa danh Thọ Xương ở Hà Nội có sau nhưng lại giữ được tên tới bây giờ nên cũng vì thế mọi người tưởng rằng câu ca dao ở Hà Nội có trước Huế. Phạm Quỳnh chỉ đơn giản chép lại câu ca dao Huế thôi chứ không phải "chôm" thơ Dương Khuê.
Dương Khuê đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1868) và làm quan dưới thời Vua Tự Đức, ở Huế. Thời gian này Dương Khuê phản đối Vua ngả về ngoại bang Pháp nên bị Vua phê: "Bất thức thời vụ" (không biết gì về thời cuộc) và bị giáng chức 2 lần, đuổi về quê. Dương Khuê bất mãn mới mượn ca dao Huế để gửi gắm tâm thư mình vào đó.
Ý nghĩa ẩn hàm (implied) của bài thơ.

Phất phơ ngọn trúc trăng tà. Ngọn trúc chỉ người quân tử; mặt trăng chỉ nhà vua; tà có nghĩa là xuống thấp, đang suy thoái. Câu này ám chỉ người quân tử (cụ Dương Khuê) đang đứng trước tình trạng nhiễu nhương, uy tín của triều đình Tự Đức đang suy thoái.

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Cụ Dương Khuê ước chi có được “tiếng chuông” và “tiếng gà gáy” lúc ban mai để đánh thức vua, quan, và dân chúng đang “ngủ vùi” trong tình trạng bi đát của đất nước. Có thể là cụ Dương Khuê muốn gián tiếp làm thức tỉnh vua quan tại triều đình Huế cho nên Cụ đã cố ý dùng câu thứ hai của câu hò xứ Huế (Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương) nhưng thay bằng địa danh của Hà Nội: Trấn Vũ thay cho Thiên Mụ. Tiếng chuông Trấn Vũ để đánh động người dân Bắc Kỳ đứng lên chống Pháp. Hà Nội và Huế đều có địa danh Thọ Xương cho nên Cụ dùng bốn chữ “canh gà Thọ Xương” để nói lên lòng ao ước của mình, ước gì tiếng gà gáy sáng ở vùng Thọ Xương (Huế) sẽ đánh động vua quan tại triều đình Huế về tình hình nước nhà đang gặp nguy biến.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương. Ám chỉ tình hình nguy biến của đất nước.

Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ. Câu này nói lên lòng mong ước của cụ Dương Khuê; mong rằng cả nước từ vua đến quan, đến dân đều một lòng trong công cuộc chống Pháp để người dân có được một cuộc sống an bình (nhịp chày An Thái; an = an lành; thái = thịnh vượng) và phẳng lặng như mặt nước Hồ Tây.
Đây là ý của BS. Trần Tiễn Sum viết ngày 11/2/2010 mà tôi đọc được qua web: http://khungcuanho.blogspot.com/2012/10/chua-thien-mu-hay-chua-tran-vu.html#more

Nhưng bài thơ Dương Khuê có lẽ không chỉ dừng ở đó. Nếu lấy điểm giữa Trấn Vũ Quán và Thọ Xương Ngõ, ta thấy không phải là Hồ Tây mà là khu Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu. Và chữ "trăng tà" ở câu trên đang chiếu vào khu "Trung Nam Hải của Việt Nam" này.

Tiếp theo câu "Mịt mù khói tỏa ngàn sương" thể hiện cuộc giao tranh dữ dội trên thượng tầng. Điều đó cũng ứng với Hội nghị Trung ương 6 diễn ra trong khoảng 06 -16/10/2012.

Rất may là câu kết lại tươi sáng "Dịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ": trời yên, hồ lặng, dân an, thái bình. Chúng ta đều mong và hiểu như vậy! Cách đọc "Dịp" có vẻ đúng hơn cách đọc "Nhịp" trong trường hợp này.

Lời sấm Dương Khuê có lẽ khó hiểu, nên Dương Khuê mới phải bày ra món "canh gà Thọ Xương" để tới khi phát tác ra sự kiện này thì lời sấm mới ứng nghiệm! Cô giáo Thủy và học trò trường Lomonoxop ngẫu nhiên làm bùng lên sự kiện "nhừ xương canh gà" vào đúng thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 6, tương ứng với Sấm Dương Khuê.

Chúng ta hãy xem "con tạo xoay vần ra sao". 

No comments:

Post a Comment