Pages

Sunday, December 23, 2012

Gửi nắng cho em ...


 

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam


Muốn gửi ra em một chút nắng vàng
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này

Anh vẫn hiểu sức vươn của những cánh đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em

Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào trận một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh thấu hiểu lòng em

Gửi nắng cho em gửi nắng cho em
Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay.
 



Để trả lời cho nhận xét của DC, mươn quyền admin, NC Thành post lại bài báo của Vũ Duy "Người mở tiệc nắng gữa đời" nói về tác giả Bùi Văn Dung và bài thơ "Gửi nắng cho em" được sáng tác từ năm 75. Xin lưu ý với các độc giả, nhac sĩ Phạm Tuyên đã phổ nhạc nguyên bài thơ, không cắt xén hay thay đổi từ ngữ trong bài thơ như các nhạc sĩ phổ thơ khác.

Người mở “tiệc nắng” giữa đời
Trong căn nhà nhỏ ấm cúng tại một làng quê trung du Vĩnh Tường (Phú Thọ). Ông Bùi Văn Dung, tác giả của bài thơ Gửi nắng cho em được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát cùng tên, cười tếu táo nói: “Mình có phải là nhà thơ, nhà văn gì đâu, chỉ là anh lính pháo binh, cảm nhận cái nắng của Sài Gòn mà ứng khẩu thôi!”
Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy
Ông Dung cho hay, ông nhập ngũ năm 1962, làm lính pháo binh, đến năm 1967, làm chính trị viên đại đội thì được vào chiến trường miền Nam chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước. “Đó là buổi trưa ngày 17.12.1975, Sài Gòn nắng lắm, nắng rực rỡ. Chúng tôi bận quần xà lỏn, áo may ô ăn cơm trưa. Ăn xong, ngồi xỉa răng, uống nước nghe bản tin dự báo thời tiết thấy miền trung du Bắc bộ bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nhiệt độ xuống tới 5 độ C. Tôi nhớ đến nhà tôi, một nông dân tần tảo. Giờ này, chắc nhà tôi vẫn còn trên ruộng cấy. Chúng tôi cưới nhau năm 1965, tới năm 1967 thì tôi đi vào Nam và chưa một lần được về thăm nhà. Tôi bần thần… các câu thơ cứ bật ra dần dần…” Ông Dung nhớ lại.Buổi trưa hôm ấy, tôi không ngủ. Đến giờ làm việc, tôi lên nhà ban chỉ huy, lấy điện thoại điện cho nhà báo Cung Văn (lúc đó làm cho tờ Sài Gòn Giải Phóng) nói rằng, tôi vừa nghĩ ra một bài thơ mà tôi rất tâm đắc. Cung Văn bảo tôi đọc qua điện thoại nghe. Nghe xong, Cung Văn bảo tôi đọc lại để Cung Văn chép. Tôi bảo để tôi chép ra giấy, mai đem qua toà soạn nộp. Cung Văn bảo: “Mai báo đăng luôn, ông không cần mang bản thảo đến làm gì cho mất thì giờ”.Bài thơ Gửi nắng cho em được ra đời như thế. Và thượng uý Bùi Văn Dung cũng quên khuấy đi “đứa con tinh thần” của mình do công việc bộn bề của nhà binh. Một năm sau, thượng uý Dung ngồi uống càphê ở bến cảng Nhà Rồng vào một buổi chiều, bỗng người bạn đập vào vai nhắc khẽ: “Này, bài thơ của mày được phổ nhạc đang được hát trên loa truyền thanh kia kìa!” Bùi Văn Dung lắng nghe và vui mừng khôn xiết. “Tôi không ngờ, bài thơ, giờ lại được một nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Tuyên phổ nhạc”, ông Dung cười hóm hỉnh, kể lại.Một lần nữa, Bùi Văn Dung lại có bài thơ Con kênh ta đào ông gửi đăng báo Tuổi Trẻ TP.HCM, mấy tháng sau, bài thơ này cũng được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc. Bài hát còn được báo Tuổi Trẻ TP.HCM in thành tờ rơi phát cho hàng vạn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới.Năm 1978, biên giới phía Tây Nam nóng bỏng, từ Sài Gòn, Bùi Văn Dung được cấp trên điều động tăng cường mặt trận này rồi năm 1979, lại điều ra mặt trận phía Bắc. Thời gian này, Bùi Văn Dung làm khá nhiều thơ nhưng không gửi đăng báo nào. Thêm nữa, ông cũng buồn, khi nghe phong phanh chuyện bài hát Gửi nắng cho em có vấn đề chính trị. Trong hội nghị toàn quân khu lúc ấy họp tại Phú Thọ, ông còn nghe một vị thượng cấp nói: “Phải viết và sáng tác đúng định hướng, tránh để xảy ra tình trạng như vừa rồi có bài hát còn Gửi nắng từ Sài Gòn ra Bắc. Tại sao lại để “lọt lưới” thế được, Sài Gòn là nơi hơn 30 năm thực dân mới cai trị, vừa mới giải phóng lại “gửi nắng” ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa là sao?. “Nắng” là gì, là ánh sáng. Sao lại để có chuyện ánh sáng được gửi từ nơi đã từng được coi là vùng tăm tối một thời ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa được”. Ông Dung ngồi nghe phía dưới, lặng đờ người…
Gửi nắng cho em
Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam
Muốn gửi ra em một chút nắng vàng
Thương cái rét của thợ cày thợ cấy
Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy
Có tình thương tha thiết của trong này
Anh vẫn hiểu sức vươn của những cánh đào
Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết
Như cây thông vững vàng trong giá rét
Em hãy làm cây thông xanh nghe em
Khi hai miền cùng vào một vụ chiêm
Hai vựa thóc cùng nặng tình của đất
Cùng vào trận một ngày vui thống nhất
Hơn lúc nào anh thấu hiểu lòng em
Gửi nắng cho em gửi nắng cho em
Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay
Một buổi tối mùa đông năm 1981, trong một dịp về Hà Nội họp, Bùi Văn Dung đã tìm gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên tại một căn nhà nhỏ tại phường Khương Thượng, quận Thanh Xuân. Đây là cuộc gặp đầu tiên của tác giả thơ và tác giả nhạc sau năm năm, khi ca khúc được phổ biến. Nhạc sĩ Phạm Tuyên vui mừng khôn xiết vì ông cứ nghĩ ông Dung phải là nhà thơ có tiếng trong… Sài Gòn. Rồi ông Tuyên nhìn trung tá Dung thở dài, nói: “Bài hát đã ngưng phổ biến, Dung có biết lý do gì không?” Ông Dung nói: “Em có nghe vì đã chạm đến vấn đề chính trị. Khổ quá, em viết thật lòng vì thương vợ em, thương những thợ cày, thợ cấy vất vả trong mùa đông xứ Bắc”. Ông Tuyên lẳng lặng vào buồng trong, lục tủ đưa cho Bùi Văn Dung một tập giấy, đó là những lá thư và đơn yêu cầu đài Tiếng nói Việt Nam ngưng phát bài hát Gửi nắng cho em.
Người viết sử làng
Năm 1986, ông Bùi Văn Dung nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Mới chân ướt chân ráo về quê nghỉ hưu được ba tháng, địa phương nơi ông ở đã đến tận nhà mời ông ra tham gia công tác hội cựu chiến binh xã. Làng quê trung du những năm đầu đổi mới bộn bề công việc, nhiều hợp tác xã kiểu cũ đã tan vỡ hoặc tự giải thể do lối làm ăn bao cấp, kế hoạch quan liêu. Ông Dung được mời làm chủ tịch hội cựu chiến binh rồi kiêm chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã.Năm 1996, sau khi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ bí thư Đảng uỷ xã, ông Dung về nhà nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Có thời gian, ông đã hoàn thành cuốn sử làng, tiếp đến lại nhận lời mời làm cuốn lịch sử quân sự huyện, ông Dung cứ tất bật liên tục đi đến các làng xã xác minh các nhân chứng, sự kiện. Ở tuổi 70, tính tình vui vẻ, hóm hỉnh thêm với sức khoẻ dẻo dai, tác phong nhà binh nhanh nhẹn, khiến ông Dung cảm thấy ham thích việc viết lách.Ông kể, mãi mới đây, ông đã gửi in tập thơ Gửi nắng cho em đến nhà xuất bản. Khi cầm tập thơ trên tay lần đầu ra với công chúng, ông đã làm một bữa “tiệc nắng” mời bà con xóm làng, anh em đồng chí đến… ăn mừng. Ngày mở “tiệc nắng”, vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên đã lặn lội từ Hà Nội chúc mừng ông. Ông Dung mở hộc tủ, đưa cho tôi xem bản thảo của bốn cuốn tiểu thuyết dày cộm có các tựa đề: Phế nhân, Kiếp rừng, Làng chảy máu, Quá khứ khác. Tôi hỏi, sao ông không tìm nhà xuất bản để in ra cho công chúng xem. Ông Dung cười hóm hỉnh: “Chưa được, tôi nghe thời tiết vẫn chưa thuận”. Từ trong nhà, tôi cùng ông Dung trầm ngâm nhìn ra mảnh sân nhỏ trước cửa. Bỗng ông Dung ồ lên một tiếng và chỉ tay ra ngoài sân. Tôi ngỡ ngàng khi thấy giữa trưa mùa đông xứ Bắc, sân nhà ông Dung lấp lánh những vệt nắng dài! 

8 comments:

  1. Thơ TN hay thơ ai đấy? Rất hay, nhưng có một hình ảnh chưa chuẩn. Nếu là của TN, thì cậu sửa câu này cho bài thơ thành hoàn mỹ (còn nếu là thơ của "thiên hạ" thì MACKENO):
    >> Như cây thông vững vàng trong giá rét
    >> Em hãy làm cây thông xanh nghe em
    Lý do: người ta ví cây tùng cây bách với nam giới, còn cây đào cây liễu với nữ giới. Ai lại ví "Em" với "cây thông", chả hóa bảo em là đổi giống khô cứng như phái nam à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bài hát "Gửi nắng cho em" của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác sau giải phóng SG.
      Hồi ấy nhạc sĩ PT là một trong những người Bắc được vào SG sau giải phóng vì đã kịp thời có bài hát "Như có Bác Hồ..." năm 75. Ông đã được lên Đà Lạt và rất có ấn tượng với cây thông nên mới viết như vậy.
      Thực ra thông Đà Lạt không phải là cây thông chính thức mà nó có tên khác. Thông ở VN nói chung không phải là thông chính hiệu.

      Delete
    2. Thực ra là nhạc sỹ Phạm Tuyên phổ nhạc thơ Bùi Văn Dung, và TN muốn gửi vài giọt nắng bên thềm ra Bắc ... He he
      Ngày ấy, Sài Gòn mới giải phóng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với thành phố thân yêu này. Ông hết sức xúc động khi lần đầu tiên được gặp gỡ những con người phóng khoáng, cởi mở, nhưng cũng rất đỗi anh hùng ở đây. Đặc biệt là những chiến sĩ trẻ, quê Nam, quê Bắc đang hối hả trên đường đi làm nhiệm vụ, trong đó có nhà thơ Bùi Văn Dung.



      Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh trái) và nhà thơ Bùi Văn Dung (ảnh phải)

      Từ nỗi xúc cảm ấy, nhạc sĩ đã bắt liền một bài thơ còn tươi nguyên nét mực in trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày ấy:

      Anh ở trong này không có mùa đông
      Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ
      Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
      Thật lạ kỳ là mùa đông phương Nam


      Người chiến sĩ trẻ ấy đang đi giữa Sài Gòn và thương nhớ quê hương đã cách xa sau bao năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

      Bài thơ như sự đồng tình, đồng điệu với tâm hồn người nghệ sĩ. Ông thấy xúc cảm trào dâng, và liền trong đêm ấy, nhạc sĩ đã thao thức phổ nhạc, trở thành bài hát Gởi nắng cho em nổi tiếng sau này. Và tên nhạc sĩ lần đầu gắn với tên một nhà thơ trẻ: Bùi Văn Dung.

      Bài hát được thu thanh, được phát rộng rãi nhiều lần theo yêu cầu của bạn yêu âm nhạc đài phát thanh.

      Nhạc sĩ nhận được nhiều thư khen của công chúng. Nhưng có một lá thư đặc biệt làm ông xúc động: lá thư của Bùi Văn Dung được gửi về từ chiến hào biên giới Tây Nam. Nhạc sĩ không ngờ rằng, nhà thơ ấy lại là một chiến sĩ đang cầm súng đánh giặc. Và trong lá thư gửi về cho ông, anh bày tỏ một nguyện vọng nhỏ: Nhờ nhạc sĩ can thiệp để vào một ngày bài hát được phát lại trên sóng đài phát thanh cho anh và đồng đội nơi xa cùng thưởng thức.

      Một thời gian sau, tại nhà riêng của nhạc sĩ giữa lòng Hà Nội, có một chiến sĩ trẻ rụt rè gõ cửa. Nhạc sĩ hết sức vui mừng vì đó chính là Bùi Văn Dung - sau nhiều năm tháng chiến đấu nay được về thăm gia đình. Đêm ấy, hai người đã tâm sự với nhau rất nhiều, và sớm hôm sau trước khi chia tay, người chiến sĩ ký thác cho nhạc sĩ: “Sắp tới đây đơn vị em lại đi chiến đấu xa hơn anh Tuyên ạ. Em lại có một việc nhỏ phiền anh: Những năm tháng qua cầm súng, em có viết được ít bài thơ, em muốn anh đọc giùm và lưu giữ giúp em”.

      Năm 1978, nhạc sĩ lại vào Nam. Lòng ông hướng về những đoàn Thanh niên xung phong của TPHCM, đang rộn rã khơi kênh, đào mương trên những mảnh đất khô cằn. Hơn lúc nào hết, những vần thơ của Dung gửi cho ông lại trỗi dậy, trong đó có một bài thơ mà từ chiến hào người chiến sĩ trẻ đã mở lòng đến với những dòng kênh này:

      Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua
      Chỉ có nắng mùa hè cháy bỏng
      Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng
      Con kênh ta đào chưa là con kênh xanh

      Trong một đêm lửa trại với các chiến sĩ Thanh niên xung phong, nhạc sĩ đã mang bài thơ này ra đọc và được các bạn trẻ ở đây rất yêu thích.

      Năm 1979, sau biên giới Tây Nam, tiếng súng lại vang lên trên biên giới phía Bắc. Là một nhạc sĩ luôn nhanh nhạy với các đề tài nóng bỏng, nhạc sĩ liền có ngay một hành khúc ra trận “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới”. Và rồi cùng với hành khúc đó, ông đã lên đường với các đoàn quân.

      Thế rồi có một đêm biên giới, trong lờ mờ ánh trăng non đầu tháng, đang hành quân nhạc sĩ bỗng nghe tiếng gọi: “Anh Tuyên”. Một chiến sĩ chạy tới ôm chầm lấy ông: “Em đây, Dung đây. Đơn vị em vừa cấp tốc hành quân từ Nam ra”. Nhạc sĩ ôm chặt hơn người chiến sĩ, xúc động vì những năm tháng xa cách: “Thế Dung đã nghe Con kênh ta đào chưa?”- “Có anh ạ. Cám ơn anh rất nhiều”- “Thế với sự kiện này, Dung có thơ mới không?”. Dung bỗng trở nên bẽn lẽn: “Em có viết được một bài. Anh đọc xem nhé”. Người chiến sĩ trao vội bài thơ, siết chặt tay nhạc sĩ một lần nữa, rồi hối hả chạy theo đơn vị về phía trước.

      Delete
    3. Ồ ngày xưa mỗi khi nghe trên đài phát hai bài này mình cũng ngêo ngao hát theo. Giờ mới biết câu chuyện này. Cám ơn TN và anh Thành.

      Delete
  2. Mọi người hãy đọc và bình luận thêm về bài báo của Vũ Duy đăng trên tờ Sài Gòn tiếp thị năm 2010. NC Thành đã post thêm vào bài của Tuấn Nguyễn.

    http://sgtt.vn/Loi-song/117214/Nguoi-mo-%E2%80%9Ctiec-nang%E2%80%9D-giua-doi.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc bài này mới nhớ lại ngày xưa cũng lắm chuyện động chạm chính trị kỳ quái như thế nào!

      Thêm một đọan tiểu sử của nhà thơ này (thivien.net):
      Bùi Văn Dung sinh năm 1941 (Tân Tỵ), quê và chỗ ở hiện nay đều là xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước 1975 anh đi bộ đội chiến đấu ở miền Nam, tháng 12-1975 anh còn đóng quân ở Sài Gòn, sắp tết nhớ vợ nhớ quê tâm hồn anh lính nông dân xứ Bắc trào lên thành một tứ thơ "Gửi nắng cho em" với những câu thơ có cánh: "Anh ở trong này chưa thấy mùa đông, Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ..." Bài thơ đăng báo, được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc, danh ca Đài tiếng nói Việt nam hát... bài hát đi vào lòng người dâng trào khắp nơi, anh bộ đội miền Bắc Bùi Văn Dung thành nhà thơ nổi tiếng.

      Sau đó anh về quê đi cày và tham gia công tác địa phương như bao nhiêu người chiến sĩ vô danh khác. Năm 1990 anh sáng tác bài thơ "Trăng nguyên" với ý thơ chia sẻ với thi sĩ quá cố Hoàng Hữu về "hai nửa vầng trăng" tuyệt tác mà định mệnh. Bài thơ được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc cũng vào loại hay! Năm 2002, NXB Hội Nhà Văn in cho Bùi Văn Dung tập thơ "Gửi nắng cho em" gồm 74 bài. Thơ Bùi Văn Dung là hồn thơ của chàng trai quê có học, phong vị hàn lâm pha chút Nguyễn Bính...

      Bài báo anh Thành dẫn ra cũng được 2 năm rồi. Không biết số phận 4 cuốn truyện của ông Dung thế nào nhỉ?

      Delete
  3. Hay nhỉ, hóa ra mình cũng làm được nhà "phê bình văn học" hoặc "người dọn vườn" gì gì đó, kể cả đối với các tác phẩm đã đi vào cuộc sống của công chúng. Hehehe.

    ReplyDelete
  4. Gửi gì cho em?
    Hồi sau giải phóng SG, hậu phương miền Bắc được tiếp cận với những hàng viện trợ của Mỹ trong chiến tranh và các vật dụng thông thường như TV, tủ lạnh, máy giặt...
    Nhìn anh lính ngơ ngáo trên sân ga Hàng Cỏ, mười người như một, ba lô sau nhô ra đầu con búp bê nhựa với 2 mắt thao láo, thỉnh thoảng còn khóc "nghe, nghe". Trong balo chắc chắn có vài gói bột ngọt Nhật mà miền Bắc gọi là mỳ chính. Thậm chí mỳ ăn liền 2 cua, 3 tôm cũng là món quà giá trị với làng quê miền Bắc.
    Năm 81 bố tôi vào Nam chơi, khi ra còn xách thêm 2 cái quạt trần và chiếc TV 12 inch đen trắng. Quạt trần còn dùng đến bây giờ, dù Người đã đi xa. :((

    Chuyện cấm bài hát "Gửi nắng cho em" xuất phát từ ông Tố Hữu - Phó thủ tướng thời bấy giờ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng khốn khổ trong sáng tác. Bài hát "Con kênh ta đào" cũng bị vạ lây vì chung 2 tác giả...
    Nhắc lại chuyện cũ, nhớ lại kỷ niệm thời bao cấp...
    Buồn mênh mang :(((

    ReplyDelete