Pages

Wednesday, December 19, 2012

Hắc - Bạch công tử

Tuần vừa rồi khá im ắng trên blog iCVA và cả mail đàn trothaykhai. Dường như sau 20/11 và những cuộc tiệc tùng liên miên của Chi hội Xanh Đỏ Tím Vàng - phía Nam, cùng với các bài phóng (nhiễu) sự của ... đa sĩ Tuấn Nguyễn (họa sĩ, nhiếp ảnh gia, du lịch sĩ, hoạt náo viên, còm sĩ...) mọi người đang chờ một sự bùng nổ mới liên quan đến "Ngày tận thế 21/12/2012" chăng? Trong khi chờ đợi câu trả lời, tôi xin post bài về các công tử miền Tây nổi tiếng của Việt Nam (và cả trên thế giới) với hai cái tên Hắc - Bạch công tử.

Cả hai công tử là những tay chơi nổi tiếng ở miên Nam những năm 1920 - 1930, để lại nhiều giai thoại về ăn chơi hoang phí, và sau này hậu vận thê thảm. Tuy nhiên những giai thoại họ đẻ lại xúng đáng được ghi vào kỷ lục Guiness và mang đậm phong cách ăn chơi theo kiểu Việt Nam.


1. Bạch công tử.
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, còn thường gọi George Phước, là con thứ tư của Đốc Phủ Lê Công Sủng người ở làng Điều Hòa, Mỹ Tho xưa. Ông này người gốc miền Trung vào làm quận trưởng quận Châu Thành và sau là quận Chợ Gạo và đinh cư ở đây., đã từng là đại diện của Việt  Nam đi dự Hội chợ ở Pháp. Sau này các con đều cho du học tại Pháp, trong đó cậu Tư George Phước nổi tiếng vì đi du học chỉ để học.. nhảy đầm. Thời ấy giới nhà giàu, quan lại ở miền Tây Nam bộ xem việc cho con đi du học ở “mẫu quốc” là mốt thời thượng, họ sẵn sàng chịu tốn kém để được tiếng có con đi Pháp du học, và khi con học thành đạt trở về họ đón rước long trọng, xem đó là sự kiện lớn, là niềm, tự hào của gia đình, dòng họ. Thế nhưng, không ít con cái của giới địa chủ, nhà giàu khi ấy đi Tây chơi giỏi hơn học, mà điển hình là Hắc công tử và Bạch công tử. Sau khi đón rước rỉnh rang đứa con đi học bên Pháp về, Đốc phủ Sủng khi biết con mình không học hành nên trò trống gì, đã giận tới mức bắt phạt cậu “quý tử” gánh hồ phục vụ cho thợ xây khi ông cất ngôi nhà mới ở thành phố Mỹ Tho. 

George Phước đã nổi tiếng với danh hiệu này ngay từ khi còn ở Paris, những người Việt tại Pháp và cả giới ăn chơi Paris tôn sùng Lê Công Phước là “ông hoàng”, một phần do không biết nhờ đâu mà ông đã “sắm” được cho mình một người tình quý tộc thuộc dòng dõi Nga Hoàng Nicolai II, một cô gái Nga tuyệt đẹp tên là Princesse Olga. Lúc ấy dân ăn chơi quý tộc ở Pháp gọi George Phước là "Ông Hoàng xứ Galles" (Prince de Galles), là tước hiệu danh giá của giới quý tộc Châu Âu cho tới tận ngày nay.
Một người bạn tên Thanh của George Phước còn lưu lại lịch trình 1 ngày của “ông hoàng xứ Galles” như sau: Khoảng 4 giờ chiều, George Phước cùng cả nhóm đến họp bạn tại một quán cà phê ở khu Montmartre. Tại đây, chủ nhà hàng luôn kê sẵn hai bàn dài trải thảm đỏ chỉ dành riêng cho họ. sau đó, từ 5 giờ chiều đến khoảng 7 – 8 giờ tối, cả nhóm kéo nhau đi “trà vũ”. Rồi họ đến một nhà hàng quen thuộc Tables des Mandarins dùng cơm tối. Sau đó họ đi khiêu vũ cho đến 1 gìờ khuya. Ăn khuya xong, họ về khách sạn thay đồ Smoking hoặc Habit để đi đến các hộp đêm cho tới sáng. Khoảng 6 giờ sáng, họ ăn điểm tâm nhẹ, thường là món Soupe d’oignons. Xong, họ kéo vào rừng Boulogne chèo thuyền trên những chiếc hồ nhỏ hoặc câu cá giải trí. Khoảng 8 – 9 giờ họ về khách sạn ngủ đến 2 - 3 giờ trưa. Thức dậy, George Phước ra vườn hoa đi bách bộ, tập thể dục, trong khi ở khách sạn người đầu bếp riêng từ Việt Nam sang đang làm sẵn cho ông bữa ăn trưa với nhiều món ăn thuần Việt. Không biết do ăn chơi mãi rồi cũng chán hay do chi phí ăn chơi ở “thủ đô ánh sáng” Paris quá tốn kém, mà vào cuối năm 1932 Lê Công Phước rời nước Pháp trở về “cố quốc”, bỏ lại nàng công chúa xinh đẹp dòng dõi Sa hoàng.
Nhà của Đốc Phủ Lê Công Sủng, nay là trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo, Mỹ Tho
Tuy nhiên Bạch công tử là người có công phát triển và quảng bá cải lương ở Việt Nam. Vốn là người rất mê cải lương, trong thời gian ở Pháp George Phước từng học về ngành sân khấu. Về nước, George Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của hai người). Gánh hát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo... Nhưng chỉ một năm sau George Phước tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ. Và cô đào nổi tiếng nhất Bảy Phùng Há chính là vợ của Bạch công tử.

Sau gần 2 năm ăn chơi trên khắp nước Pháp, trở về nước Lê Công Phước nổi danh “ông hoàng”, không có đối thủ về ăn chơi, ngoại trừ công tử Bạc Liêu. Về nước, Lê Công Phước “vừa làm vừa chơi” bằng cách lập gánh hát Huỳnh Kỳ, đi lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Thời đó đường bộ chưa phát triển, việc đi lại ở miền Tây chủ yếu bằng đường sông. Các đại điền chủ ở miền Tây thường đi lại bằng ghe bầu, ai sang lắm thì sắm ca nô, nhưng riêng cậu Tư Phước, nhờ học lóm ở bên Pháp, đã đặt đóng cho riêng mình một chiếc du thuyền để đi lại trên sông, thường đậu túc trực dưới sông Bảo Định trước chợ Mỹ Tho.
Do lúc đó du thuyền của Pháp chưa nhập vào Việt Nam, mà cũng có thể George Phước không đủ khả năng đặt mua du thuyền trị giá hàng triệu đồng bảng Pháp, nên ông đã sáng kiến đặt đóng chiếc ghe bầu loại lớn, cao 2 tầng, trang bị đầy đủ các tiện nghi giống như du thuyền, có cả phòng ngủ riêng từng người, nhà vệ sinh, chỗ ăn uống, nơi ngồi câu cá giải trí…Tất nhiên là “du thuyền” này di chuyển bằng máy động cơ nhập từ Pháp về, chứ không giống như hầu hết ghe bầu trên sông rạch miền Tây di chuyển còn bằng chèo tay. Khỏi phải nói, chiếc “du thuyền” 2 tầng có cả đèn điện của George Phước đi tới đâu là gây xôn xao ở đó, người dân miền Tây cứ trồm trồ về chiếc “ghe bầu nhà lầu” của cậu Tư Phước.


Bạch Công tử đã tiêu tốn rất nhiều tiền vì sự nghiệp cải lương. Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền. Theo mô tả thì chiếc đi đầu chở Bạch Công tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh... Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát. Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát. Và cho dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời xem hát. Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia... đều có gánh hát tới. Được biết trong hồi ký của nghệ sĩ Ba Vân cũng có nhắc tới việc này. Ông xem Bạch Công tử như là người ơn, vì đã có công đóng góp, tạo điều kiện cho sân khấu cải lương phát triển.
Chính George Phước chứ không ai khác đã lần đầu tiên đưa cải lương ra Bắc để thử thị hiếu khán giả ngoài ấy. Năm 1932, George Phước đưa gánh hát Phước Cương của mình ra Hà Nội, Hải Phòng trình diễn và được dư luận đánh giá là 1 trong 3 sự kiện văn hóa – xã hội nổi bật trong năm trên đất Bắc (hai sự kiện còn lại là Hội chợ Kẹch Mếch (hay còn gọi là Hội chợ Bạch Yến, tại Hà Nội) và Chợ phiên trong vườn Bách thảo). Tại Hà Nội, George Phước được các bạn bè từng quen biết bên Tây tiếp đón trọng thể như một ông hoàng.  
Ra Hà Nội cùng với đại bang Phước Cương, cậu Tư Phước được Câu Lạc Bộ 15 đón tiếp đặc biệt trọng thể. Khách sạn Métropole của Jean, thành viên câu lạc bộ, tình nguyện dành riêng cho cậu Tư Phước một căn phòng danh dự mà không lấy tiền trong suốt thời gian lưu lại trên đất Bắc. Đáp lại, cậu Tư Phước sẵn sàng đem gánh hát với những cô đào lừng danh trong làng kịch nghệ phương Nam phục vụ mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu của nhóm Câu lạc bộ 15. Nhờ tiếng tăm “ông hoàng George Phước” và nhờ sự lăng xê của Câu lạc bộ 15 mà đoàn hát Phước Cương đã gây tiếng vang khi lần đầu tiên đem cải lương ra Bắc. Sự kiện này đã khơi mào cho những đợt sóng cải lương đi lưu diễn miền Bắc trong những thập niên sau đó, kéo dài cho tới năm 1954. Sau ngày miền Nam giải phóng 1975, cải lương tiếp tục được khán giả phía Bắc đón nhận với tình cảm yêu thương, một phần nhờ những kỷ niệm đẹp của cải lương trên đất Bắc từ thập niên 1930, 1940. Không những thế, việc đưa cải lương ra phục vụ khán giả phía Bắc từ thập niên 1930 đã là tiền đề để bộ môn nghệ thuật này cắm rể và phát triển trên một nửa đất nước cho tới ngày nay.

2. Hắc công tử. 
Hắc công tử tên thật là Trần Trinh Quy, sau đổi thành Trần Trinh Huy (vì chữ Huy hay hơn chữ Quy), là con thứ của ông Trần Trinh Trạch tức ông Hội đồng Trạch. Ông này là người Triêu Châu, lấy được cô con gái của Vua lúa gạo xứ Nam Kỳ - bá hộ Phan Văn Bì. Với trình độ văn hóa tương đối khá, lại có ông già vợ cho đất, giúp vốn nên không bao lâu thầy ký Trạch phất lên. Có huê lợi hàng năm, ông sắm thêm đất điền. Điều ông Bá hộ không thích là đất ông tách hộ cho các con của ông lần lượt chạy về tay chàng rể thứ tư. Nguyên do là các con ông mê cờ bạc nên đem đất điền cầm cố nơi anh rể. Cầm cố lâu năm không chuộc kể như mất luôn. Ông Bá hộ chỉ tự an ủi là "lọt sàng xuống nia", các sở đất đó không rơi vào người ngoài, thương con gái thì phải thương rể. Nhờ vậy, Hội Đồng Trạch càng ngày càng giàu có, đồn điền ruộng lúa có thể được xếp vào hàng bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ. Ông Trạch là chủ của 74 sở điền với 110.000 ha trồng lúa và 100.000 ha ruộng muối chiếm gần như hai phần ba tỉnh Bạc Liêu. Ông Trạch có 3 người con trai, trong đó Trần Trinh Huy ăn chơi nổi tiếng nhất với thành ngữ "công tử Bạc Liêu". 
Trần Trinh Huy từng đi du học ở Pháp, sau ba năm về nước không một mảnh bằng, để lại một người vợ Pháp và một đứa con ở lại Paris. Khi Ba Huy về nước ông Trạch kéo gia đình lên Sài Gòn đón quí tử. Chiếc xe Ford đang dùng tốt nhưng ông nói nhân sự kiện đặc biệt này phải sắm thêm một chiếc xe mới, cho xứng với học hàm, học vị của cậu Ba, cho rạng mặt Trần gia. Về mặt con người, Trần Trinh Huy cao lớn (1m70), da đen (nên được gọi là Hắc công tử), tính tình hào sảng, coi khinh tiền bạc. Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa. Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi "Hoa hậu miệt đồng" đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.
Khách sạn Công tử Bạc Liêu, nơi còn giữ lại một số kỷ vật của nhân vật lừng danh (xem bài Về Cực Nam Tổ quốc).
Giường công tử Bạc Liêu
Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng qui tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác. Có hai món đồ quí hiện được giữ nguyên vẹn ở chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng là chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng chạm trổ công phu. Đây là hai món quà do Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa.
Hiện nay, ngôi biệt thự đó trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu) với 6 phòng ngủ. Trong đó 5 phòng bình thường và căn phòng Ba Huy từng ở trước đây có giá gấp đôi. "Phòng công tử" có một giường đôi, TV, điều hòa, một bàn viết, một tủ áo và toilet khá rộng kế bên. Điểm độc đáo nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Căn "phòng công tử" luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Du khách muốn nghỉ đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng. Cách khách sạn Công Tử Bạc Liêu không xa, còn có một cụm khách sạn, nhà hàng khác cũng mang tên Công Tử. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng. Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều.

Ba Huy có 4 vợ, người vợ đầu tiên người Pháp ở Paris cùng đưá con trai sinh trong thời gian du học của Hắc công tử tại đó. Về nước ông cưới người vở ở quê tên là Ngô Thị Đen, sinh được cô con gái tên là Hai Lưỡng, sau này cũng sang Pháp sinh sống. Từ năm 1945 ông lên Sài Gòn ở hẳn, lấy vợ tên là Nguyễn Thị Hai sinh ra 3 người con là Thảo, Nhơn và Đức. Năm 1968 Ba Huy lại cưới thêm vợ mới kém ông 50 tuổi và sinh thêm được 4 người con là Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ. Các con với các nhân tình khác ông đều nhận và chu cấp trong thời gian còn sung túc.
Ông mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

3. Những giai thoại của Hắc - Bạch công tử.
3.1. Hắc - Bạch công tử và những vệ sĩ người Pháp.
Hắc - Bạch công tử gần như là đồng tuổi với nhau, một người (Hắc) sinh năm 1900, một người (Bạch) sinh năm 1901, cùng có thời gian du học ở Paris và nổi tiếng ăn chơi tại đó. Bạch công tử được phong là "ông hoàng ăn chơi" tại Paris thì ít người Việt còn nhớ tới , chứ thành ngữ "công tử Bạc Liêu" của Trần Trinh Huy thì ai ai cũng biết. Cuộc đấu ăn chơi giữa hai công tử lại càng quyết liệt hơn khi về Việt Nam và để lại những giai thoại bất hủ.
Cũng chính Lê Công Phước từ nước Pháp trở về đã mang theo một trào lưu mới trong lối sống của giới nhà giàu trong nước, đó là ai cũng “sắm” cho mình những võ sĩ theo bảo vệ như các nhân vật quan trọng trong chính phủ các nước Châu Âu, mà họ thường gọi là "garde corps". Riêng cậu Tư Phước có 2 võ sĩ người Phi lai Pháp tên Puncher và Kid Demsey. Học theo George Phước, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy cũng “cò măng” cho riêng mình 1 vệ sĩ tên Batandier vốn là lính Tây của trung đoàn thuộc địa đóng ở Cần Thơ.
Một lần, vào năm 1933, George Phước đưa gánh hát Huỳnh Kỳ từ Mỹ Tho đi lưu diễn các tỉnh miền Tây, ghé lại diễn ở nhà lồng chợ Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng ngày nay). Từ du thuyền bước lên chợ Sóc Trăng, cậu Tư Phước luôn được người vệ sĩ Phi lai Pháp theo sát làm "garde corps", ngoài dáng vóc cao lớn, người vệ sĩ còn rất oai vệ với khẩu súng lục hiệu Browning 6 mm 35 luôn kè kè bên hông. Một bữa sáng, cậu Tư Phước tự cầm lái chiếc xe thể thao hiệu Fiat chở ban tham mưu gánh hát Huỳnh Kỳ đi ăn sáng tại một nhà hàng trên đường Đại Ngải – Sóc Trăng. Chiếc Fiat của cậu Tư đậu không sát lề, bị một cảnh sát công lộ địa phương tới đòi xử phạt.
Là một người lịch lãm, hiểu biết luật pháp, cậu Tư Phước nhìn nhận mình có lỗi và móc tiền đóng phạt, nhưng người vệ sĩ người Pháp lai ấy có vẻ bực tức, nhất là khi viên cảnh sát công lộ ghi giấy phạt với thái độ hống hách. Không cầm được lòng, người vệ sĩ của George Phước nổi nóng bật tiếng chửi thề. Viên cảnh sát cũng không vừa, hất hàm thách đố người vệ sĩ: “Mày ỷ có súng, nhưng dám bắn tao không?”. Người vệ sĩ phân trần bằng tiếng Việt trước hàng trăm người dân bu quanh: “Bà con cô bác làm chứng dùm, tôi không chọc ghẹo anh ta, nhưng nếu anh ta thách tôi, tôi bắn ráng chịu”.
Viên cảnh sát không vừa, thách tiếp: “Mày giỏi bắn con … tao nè!”. Tức thì một tiếng nổ chát chúa vang lên, viên cảnh sát ngã quỵ trên vũng máu trước sự kinh hãi của mọi người. Sau đó, cậu Tư Phước chở viên cảnh sát đi bệnh viện và chở người cận vệ đến sở cảnh sát nộp mình. Thời đó, xâm hại đến cảnh sát là tội rất nặng, nhưng chỉ mấy năm sau, có lẽ nhờ cậu Tư Phước lo lót, mà người vệ sĩ được ra tù, tiếp tục làm vệ sĩ cho ông đến năm 1945. Khi Pháp trở lại chiếm Nam Kỳ, người vệ sĩ ấy trở thành cảnh sát trưởng một quận ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

Trong khi đó Hắc công tử lại là người rất mê võ. Vào nửa đầu của thế kỷ 20 chuyện học võ được coi là nâng cao khí phách anh hào, nhưng Ba Huy lại không thích học võ Tây bocxing mà lại học võ Thái. Ông sang Xiêm thuê một thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò - em út của ông ta. Hắc công tử cũng nổi tiến vì dám thuê Tây làm công ăn lương. Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội Đồng Trạch, dưới quyền ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưỏng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ "mẫu quốc" qua làm mướn cho bên vợ, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.
Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

3.2. Thú chơi các phương tiện di chuyển.
Bạch công tử là người nổi tiếng trên sông nước miền Tây với dàn du thuyền chở gánh hát Huỳnh Kỳ của diễn viên Phùng Há. Chính bà đã kể lại:
"Cậu Tư chịu chơi, mua lại một ghe chài lớn như cái nhà của ông đốc phủ Mầu. Mới đầu ông phủ Mầu không chịu bán, bởi ông giàu nứt đố, đổ vách, không cần tiền. Cậu Tư quyết mua cho bằng được nên ra giá ngất ngưởng, riết ông Mầu cũng lung lay, chịu bán. Mua ghe chài xong, cậu Tư cho trang hoàng lại, như một tòa lâu đài nổi trên sông, với đầy đủ tiện nghi để cậu và tôi ở. Trước mũi ghe, cậu chơi ngông, cắm hai lá cờ tam sắc của chính quyền Pháp (xâm lược, đô hộ), nhỏ xíu bên lá hai lá cờ vàng rất lớn là biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Việc này bị chính quyền thời đó làm khó dễ nhiều lần, nhưng cậu không chịu sửa mà vung tiền ra lo lót nên mọi thứ đều êm xuôi, trót lọt. Ngoài ra, cậu Tư còn sắm thêm 3 chiếc ghe chài nhỏ để vận chuyển đạo cụ, đồng thời là chỗ tá túc của anh em hậu đài. Tôi làm đào chánh trong gánh, chỉ biết say sưa với những vai tuồng, hoàn toàn cống hiến tâm trí cho nghệ thuật nên mọi việc đều để cậu Tư lo liệu. Tánh cậu Tư phóng khoáng, không quan tâm đến chuyện tiền bạc nên hàng đêm lời, lỗ thế nào, cậu ít để ý mà phó hết cho người quản lý. Vé bán được không nói gì, còn không bán được, thiếu tiền trả cho anh em, cậu Tư về Mỹ Tho, bán đất, lấy tiền lấp vô. Cách bán đất của cậu Tư cũng không giống ai, không bao giờ đo diện tích bao nhiêu mà bán theo “mớ”, rồi làm giấy tờ sau. Người mua chỉ cần mang tiền đến chung đủ, rồi cậu chỉ tay vào phần đất nào đó. Nếu người mua cảm thấy bị thiệt thòi, nói với cậu, cậu sẽ chỉ thêm một “mớ” nữa. Thông thường, người mua rất lời, vì mua được miếng đất rộng gấp bốn, năm lần số tiền phải bỏ ra."
Ai có dịp đến thành phố Cần Thơ sẽ hình dung được chiếc du thuyền của Bạch công tử ngày trước ra sao. Tại khách sạn Xuân Khánh (đường 40/4, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) có chiếc du thuyền bằng gỗ đậu bên bờ sông Cái Răng. Chiếc du thuyền có 2 tầng này dùng để đưa khách quốc tế đi theo tour tham quan dọc theo dòng sông Hậu và chợ nổi Cái Răng. Theo thời giá hiện nay, để đóng chiếc du thuyền này phải cần đến 5 – 6 tỉ đồng. 
Hắc công tử cũng là tay mê tốc độ từ hồi thanh niên. Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc này là một sự kiện đặc biệt, Ba Huy đi đến đâu tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại. 
Hắc công tử cũng là người đầu tiên sở hữu máy bay và đã từng lái nó lạc sang Thái Lan. Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí tranh lái với phi công Pháp, bay ra biển Ha Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.
3.3. Cuộc giao tranh hột soàn (kim cương) của Hắc - Bạch công tử.

Ở Nam kỳ, vào các thập niên 1920 và 1930, có một người đàn bà nổi tiếng về sắc đẹp, thường được phong cho danh hiệu “Hoa hậu Đông Dương” mặc dù trên thực tế chưa có cuộc thi Hoa hậu Đông Dương nào được tổ chức tới lúc đó. Bà tên là Trần Ngọc Trà (không rõ năm sinh), là con thứ ba trong gia đình, lại quê ở Trà Vinh, nên người ta gọi bà cô cô Ba Trà. Cô Ba Trà đẹp nổi tiếng trong giai đoạn Hắc công tử và Bạch công tử thi nhau ăn chơi, vì vậy không lạ gì khi cả hai ông cùng ném tiền vào để chinh phục “Hoa hậu Đông Dương” này.
Cô Ba Trà là con gái thầy Thông Chánh với bà vợ nổi tiếng xinh đẹp ở Trà Vinh, vì vậy mà viên chánh án Trà Vinh tên Jaboin cứ theo ve vãn, tức mình thầy Thông Chánh Chung đã rút súng bắn chết kẻ ve vản vợ mình ngay tại lễ độc lập của Pháp. Thầy Thông Chánh bị kết án tử hình, cô Ba Trà rời Trà Vinh về Sài Gòn và trở nên nổi tiếng nhờ sắc đẹp. Hình ảnh của cô Ba Trà đã được in trên tiền Đông Dương, tem thư bưu điện và cả trên hộp xà phòng của hãng Trương Văn Bền lớn nhất Việt Nam lúc đó.

Trên một tờ báo xưa, tác giả Nguyễn Thiện đã viết:
"Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc.
Hai người vừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi..."
Giai thoại mua kim cương bằng rá của cô Ba Trà không rõ liên quan tới vị nào trong Hắc - Bạch công tử. Cô Ba đổ đống hột xoàn ra để chọn viên đẹp thì vị Công tử xua tay bảo mua hết vì không có thời gian chọn cả đống kim cương đó. Theo mọi người kể lại thì chắc đây là Hắc công tử vì tại thời điểm đó ông ta luôn tỏ ra giàu hơn Bạch công tử. Điều đó cũng được kiểm chứng trong cuộc thi đốt tiền nổi tiếng được kể sau đây.

3.4. Hai cuộc thi đốt tiền làm nên danh tiếng của Hắc - Bạch công tử.

Trong các cuộc ăn chơi vô độ của 2 đại công tử nổi tiếng nhất Nam kỳ thuở ấy, trong các cuộc tỉ thỉ triền miền giữa họ, có lẽ nổi tiếng hơn cả là việc họ thi nhau đốt tiền để chứng tỏ đẳng cấp, sự giàu có, bản lĩnh của mình. Không phải đốt tiền 1 lần, mà đến 2 lần.
Thực ra trong lần đốt tiền thứ nhất, Bạch công tử là người bị động, không tham gia, chính Hắc công tử đã chứng tỏ là người sành đời, đã tung độc chiêu hạ gục đối thủ.
Đó là khi gánh hát Huỳnh Kỳ do Bạch công tử mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, ngay tại nhà của Hắc công tử. Lúc đó cả 2 người đang đua nhau trên còn đường dẫn đến trái tim của cô Bảy Phùng Há, đào chính của gánh hát Huỳnh Kỳ. Bạch công tử đã mời Hắc công tử đến xem tuồng hát để khoe việc mình tậu được đoàn hát nổi tiếng, hai người ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh bạc Liêu.
Khi tuồng hát đang diễn ra, trong rạp lờ mờ ánh sáng từ sân khấu hắt xuống, khi rút thuốc hút từ trong túi, tình cờ Bạch công tử làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Người chủ gánh hát cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp tối mờ, nên tìm không ra. Hắc công tử hỏi: “Toa làm gì đó?”. Bạch công tử thiệt thà đáp: “Moa làm rớt tờ giấy bạc “bộ lư””.
Không nói không rằng, Hắc công tử móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc’ soi cho Bạch công tử tìm tờ giấy bạc “bộ lư” bị rớt mất.
Vụ việc ấy diễn ra trước mắt nhiều người, sau đó họ đồn thổi thành câu chuyện ly kỳ giữa Bạch công tử và Hắc công tử. Tất nhiên, Bạch công tử đã bị Hắc công tử chơi 1 vố quá nặng, quá mất mặt trước mọi người và trước cô đào Phùng Há. Thế nhưng, câu chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì với cô Bảy Phùng Há, bởi sau đó bà và Bạch công tử đã thành hôn với nhau.

Bị thua 1 vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, Bạch công tử rắp tâm nghiên cứu cách trả đủa lại Hắc công tử, và ông đã thách đấu cũng liên quan đến chuyện đốt giấy bạc. Nội dung thách đấu là: Mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu, địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Hắc công tử, người làm chứng (trọng tài) là cô Ba Trà, cũng là đối tượng mà cả 2 đại công tử đang theo đuổi.
Giấy bạc làm bằng loại giấy khó cháy, khi cháy tỏa nhiệt không nhiều, vì vậy phải mất gần 1 giờ cuộc thi mới kết thúc. Hàng trăm người căng thẳng theo dõi cuộc thi có một không hai này. Cả Hắc công tử và Bạch công tử đều chăm chú đốt tiền nấu nồi đậu xanh, mồ hôi nhễ nhại. Hắc công tử đốt những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, từ 50 đến 100 đồng Đông Dương, vì ông nghĩ tờ giấy lớn sẽ cháy lửa lớn, nồi chè mau sôi.
Thế nhưng, do là người chủ động đề xuất cuộc thi, Bạch công tử đã nghiên cứu và đốt thử trước nên biết rằng, tờ giấy bạc 10 đồng Đông Dương tuy nhỏ nhưng cháy nhanh và tỏa nhiệt nhiều, vì vậy ông chuẩn bị toàn tờ 10 đồng để thi nấu đậu xanh. Tất nhiên là Bạch công tử đã chiến thắng sau gần 1 giờ thi đấu căng thẳng. Hắc công tử đã thua mà không biết vì sao mình thua, ông chỉ biết nói cho đỡ quê: “Chú em nhỏ tuổi nên háu thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.
Theo tính toán của nhiều người, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh, trong thời gian gần 1 giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5 ngàn đồng Đông Dương, số tiền có thể mua được 3 ngàn giạ lúa lúc đó, tương đương với khoảng 300 triệu đồng hiện nay.
Dù vậy Hắc công tử vẫn cứ bị thua trong cuộc thi. Quả là quá đau! Người đời sau thắc mắc 1 chuyện: ngày ấy trên tờ giấy bạc có ghi “Ai làm giả hoặc hủy hoại giấy bạc sẽ bị phạt tù khổ sai”, vậy tại sao các công tử công khai đốt giấy bạc mà chẳng ai làm gì họ? Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì họ là các đại công tử, số tiền họ đốt chỉ là phần nhỏ trong gia sản của họ, họ có thể dùng số tiền tương tự để “chữa cháy” vụ đốt tiền nói trên!

3.5. Hậu vận của Hắc - Bạch công tử.
Trong khi Hắc công tử còn duy trì được cuộc sống phong lưu cho tới khi chết vì tuổi già (năm 1974), chỉ đến đời các con ông mới bị khánh kiệt, nghèo khổ, thì những đam mê “tứ đổ tường” đã làm cho Bạch công tử sớm trắng tay khi còn khá trẻ và chết trong nghèo khổ, bệnh tật (năm 1950), khi chết không có đất để chôn. Câu chuyện của Bạch công tử (và cả Hắc công tử) làm người đời quan tâm theo dõi vì nó là bài học dễ thấy nhất, dễ thuộc nhất về luật nhân quả của cuộc đời.
Bạch công tử chết không có đất chôn
Kể về chuyện tình giữa mình và Bạch công tử, cô Bảy Phùng Há thừa nhận, ngay từ khi mới biết nhau, Bạch công tử đã đeo đuổi bà như hình với bóng, đêm nào ông cũng đến rạp hát. Là người đã từng có 1 đời chồng, cô Bảy Phùng Há không phải dễ xiêu lòng trước sự giàu sang phú quý, địa vị của gia đình Bạch công tử, nhưng chính sự quý trọng bà với tư cách 1 “đào hát”, quý trọng cái nghề ca hát, nhất là những hiểu biết, ý tưởng mới lạ về nghệ thuật sân khấu của Bạch công tử, đã làm cho bà Phúng Há xiêu lòng. Bà cho biết, dù là một công tử hào hoa, con nhà quyền quý, lại du học bên Tây về, nhưng Bạch công tử không có tính kiêu căng, mà luôn đối xử tốt với mọi người chung quanh. Thời gian 7 năm chung sống với Bạch công tử, cô Bảy hạ sinh 2 người con, con trai đầu đặt tên Paul Lộc, con gái kế tên Suzane 
Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây đi đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả, thiên hạ quanh vùng bơi xuồng coi hát đậu chật bến. Nhìn vô ai cũng nghĩ rằng gánh hát làm ăn phát đạt, vợ chồng cô Bảy hạnh phúc tràn trề.
Thế nhưng, cùng với thành công trong sân khấu cải lương, thói ăn chơi hoang phí vốn có của Bạch công tử càng có điều kiện bộc phát dữ dội hơn, ông dồ hết thời gian, tiền của vào rượu chè, bài bạc, gái tơ, chẳng thèm ngó ngàng gì đến vấn gánh hát. Trong khi cô Bảy vừa lo con nhỏ vừa lo về nghệ thuật, không có thời gian cho việc điều hành gánh hát. Gánh hát bắt đầu bị lỗ, đào kép dần bỏ đi, thời vàng son của gánh Huỳnh Kỳ kéo dài chưa tới 7 năm, bằng với thời gian cuộc tình Bạch công tử - cô bảy Phùng Há.
Gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, cô Bảy Phùng Há đau khổ ôm 2 đứa con bị bệnh cùng với 4 chiếc ghe chài hư hỏng nằm chơi vơi cạnh chợ cầu Ông Lãnh – Sài Gòn. Trong cảnh khốn cùng, cô đánh liều ẵm con đi tìm chồng ở khắp các chốn ăn chơi nổi tiếng ở Sài Gòn. Cuối cùng, cô bắt gặp Bạch công tử đang vui sống với một cô gái trẻ đẹp tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân.
Chẳng những không hối lỗi khi thấy vợ con trong hình hài bệnh hoạn, ốm đói, Bạch công tử còn trách mắng vợ thiếu lịch sự, rồi xua đuổi 3 mẹ con cô Bảy. Trở về nằm trên mấy chiếc ghe đã rệu rã, do không tiền chạy chữa, thuốc thang, đứa con trai chết trên tay cô, ngay cả khi ấy Bạch công tử vẫn chưa thoát khỏi cảnh u mê để trở về gia đình. Cô Bảy đã quyết định li dị với công tử Bạc Liêu và mấy năm sau đứa con gái cũng mất vì bệnh. Cô gắng gượng đứng dậy, làm lại từ đầu, và chẳng bao lâu sau tiếng tăm cô đào Phùng Há lại nổi như cồn trong đời sống xã hội miền Nam.
Về phần Bạch công tử, sau khi bán hết 4 chiếc ghe chài, đồ đạc của gánh hát để đổ vào cuộc ăn chơi, đến cả tài sản, vườn ruộng của Đốc phủ Sủng để lại cũng không cánh mà bay, rồi ngôi nhà đồ sộ ở thành phố Mỹ Tho, rạp hát Huỳnh Kỳ lớn nhất miền Tây cũng đổi tên chủ sở hữu. Hết tiền ăn chơi, Bạch công tử rơi vào nghèo khó, lại mang bệnh ghiền, thân tàn ma dại sống cảnh lang thang không nhà cửa ở Sài Gòn.
Người ta thấy ông suốt ngày lang thang như kẻ vô hồn trong vườn Ông Thượng (công viên Tao Đàn), càng ngày càng bệ rạc. Khi còn giàu sang tột đỉnh, Bạch công tử từng tuyên bố nếu lỡ mai sau ông sạt nghiệp, ông sẽ không nhờ cậy ai bất cứ đồng nào, mà chính ông sẽ lái xe đi Vũng Tàu để chạy thẳng xuống biển tự kết liễu đời mình. Thế nhưng, khi đã rơi vào nghèo khổ, chẳng còn đâu chiếc xe hơi để ông tự lái đi Vũng Tàu tự vẫn như lời nguyền năm nào, thế nhưng cái “sĩ khí” kiên quyết không nhờ vã vào ai thì ông giữ được cho đến chết. Chỉ đến khi chết không có đất chôn, Bạch công tử mới “nhờ” đất của người bạn để làm nơi yên nghỉ nghìn thu.

Con trai Hắc công tử làm xe ôm, dặt dẹo sống qua ngày
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy mất ngày 13/01/1974, lúc đó kinh tế gia đình cũng đang đi xuống, ruộng đất ở Bạc Liêu đã bán gần hết, nhà cửa trên Sài Gòn cũng đội nón ra đi. Trong bài viết mới đây đăng trên Báo Lao động ngày 12/12/2012, chúng ta được biết thêm số phận cực khổ của vị con trai công tử Bạc Liêu.
Theo lời kể của Trần Trinh Đức con của bà Ba vợ công tử Bạc Liêu, mặc dù sinh ra vào giai đoạn “Trần gia” đã qua cực thịnh, nhưng năm 7 tuổi, anh Đức vẫn được cha gửi vào học nội trú  trường Lasan Taber thuộc dòng La Salle Saigon – một trong những trường học nổi tiếng nhất Việt Nam thời bấy giờ. Và mỗi dịp cuối tuần, anh Đức vẫn được đích thân cha đánh chiếc Ford –Mercury - dòng xe  sang trọng dành cho giới thượng lưu lúc ấy - rước về nhà lớn của gia đình ở Bạc Liêu. Thời gian học ở Sài Gòn, “anh Đức” sống trong biệt thự sang trọng số 117 đường Nguyễn Du, quận 1 và sau đó là một biệt thự trên đường Nhất Linh (nay là Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp).
Con trai công tử Bạc Liêu hiện làm "nhậu viên" với khách.





Tuy nhiên, “con đường nhung lụa” của “anh Đức” bắt đầu đi xuống từ năm 1973, khi công tử Bạc Liêu cha ông qua đời. Lúc này, gia cảnh “Trần gia” đã đến hồi kết của sự suy sụp, các dãy phố, biệt thự... ở Sài Gòn đã lần lượt bị bán đi. Sau năm 1975, ông nhận phần của mình từ việc bán ngôi biệt thự trên đường Nhất Linh, chuyển qua  nhà vợ ở đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3) và sống bằng nghề buôn bán hàng điện tử nhập lậu. Ông khoe “tôi là người đầu tiên bán tivi màu ở đất Sài Gòn”.
Sau đó, “anh Đức” bỏ nghề buôn lậu để mở nhà hàng, tuy nhiên do năng lực quản lý hạn chế, cộng với việc con gái ông luỵ tình một con bạc, sau đó sa vào cờ bạc nên bị mắc nợ - số nợ lớn đến mức ông bán cả gia sản vẫn không trả hết. Sau trận này, con gái ông đâm ra ngớ ngẩn rồi mắc tâm thần phân liệt, thuốc thang đến giờ vẫn không khỏi. Năm 1998, trừ đứa con trai lớn, gia đình còn lại 3 người phải dắt díu sang tận Campuchia để lánh nợ. Ở đất khách, dù đã làm đủ nghề nhưng vẫn không sống nổi nên hai năm sau, gia đình ông lại đùm nhau về Sài Gòn sống cảnh nhà thuê rày đây mai đó.
Cùng đường, “anh Đức” sắm xe máy ra ngã tư Pasteur - Điện Biên Phủ hành nghề xe ôm. Trong thời gian chạy xe ôm, số phận đã đưa đẩy cho anh gặp được một vị khách tốt bụng. Sau khi ngỡ ngàng, không tin nổi số phận bi thảm của con trai công tử Bạc Liêu, vị khách nọ hướng dẫn và liên hệ với chính quyền Bạc Liêu để tạo cho anh một cơ hội về quê hương sinh sống. Tháng 7.2010, anh đưa vợ con trở về Bạc Liêu và tại đây, “anh Đức” và vợ được ông Nguyễn Chính Luận - Giám đốc Cty cổ phần địa ốc Bạc Liêu, ông chủ của khu du lịch sinh thái Hồ Nam - nhận vào làm việc. “Nhưng chỉ được một thời gian thì bả bị té gãy chân nên nghỉ làm, giờ chỉ còn mỗi anh Đức làm việc để nuôi cả nhà, giống như hồi chạy xe ôm trên Sài Gòn”.

Tôi muốn kết bài viết này với câu so sánh về sự ăn chơi đời xưa và đời nay từ miệng của chính con trai công tử Bạc Liêu và cũng thấy sự lãng phí đến cùng cực của thói ăn chơi mang đậm phong cách Việt Nam. Trong các giai thoại về công tử Bạc Liêu, giai thoại người hùng đánh một cây bài 30.000 đồng Đông Dương tương đương với 1,5 tỷ đồng bây giờ, được coi là xác thực. Nên nhớ là lương của Thống đốc Bắc Kỳ hồi đó cũng chưa tới 3000 đồng Đông Dương một tháng.
"Lại nói chuyện công tử Bạc Liêu đời mới khiến nhớ tới một chuyện, ngày xưa cha anh Đức có giai thoại đánh một ván bài tương đương 1,5 tỉ đồng bây giờ, nhưng xem ra chừng đó vẫn chưa ăn thua gì so với ông Sáu Lèo ở Sóc Trăng (ngày xưa thuộc Bạc Liêu) đánh một ván cờ hết 5 tỉ đồng. Mà ngày xưa, cha anh Đức có đánh bạc cũng là đánh bằng tiền của gia đình mình, còn ông Sáu Lèo đánh cờ có phải tiền của ổng không thì chưa ai biết. Hay đại gia ngành thuỷ sản Diệu Hiền ở Cần Thơ dạo nọ định mượn máy bay riêng của bầu Đức ở Gia Lai để rước dâu, chuyện này còn ghê hơn giai thoại mua máy bay đi thăm ruộng của cha anh Đức nhiều...” 

Nguyễn Công Thành (tổng hợp từ các báo)

4 comments:

  1. Anh chị em bình loạn cho sôi nổi tị nhé.
    Xem ra trong XĐTV chỉ có Bang trưởng Ngọc BQ và "đại gia" Binh TG mới đủ đô chơi ván bài 1,5 tỷ như công tử Bạc Liêu thôi!

    ReplyDelete
  2. Hề hề hề,
    Công Thành dạo này lại đi sưu tầm thú ăn chơi à???
    Xem ra chắc phải đổi tên thành Nguyễn Công ...... Tử mất rồi.
    Hề hề hề,..

    ReplyDelete
  3. Hắc Công Tử, Bạch Công Tử và Huỳnh Công Tử đều chào thua ... Thành Công Tử ... He he !

    ReplyDelete
  4. Chuyện Công tử Bạc Liêu này trước đay chỉ được nghe phong thanh đồn đại, không ngờ có thực và bây giờ lại được biết tường tận các chi tiết như thế này.
    Rất cảm ơn anh NCT đã bỏ nhiều công sức sưu tập và đăng bài này. Công Thành có khác!

    Không thể so sánh cách chơi của Hắc - Bạch Công tử với Nhị vị đại huynh XDTV được. Một người đốt tiền triệu nấu chè, một người bỏ tiền triệu ra để mua quà tặng thầy học, khác nhau xa.

    ReplyDelete