Pages

Friday, January 4, 2013

Quê hương


Có lẽ ai cũng nhớ những vần thơ nhẹ nhàng tha thiết từ thủa học trò
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước trong xanh soi tóc những hàng tre,
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp hoáng
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm của đời tôi…”

Trong lý lịch, quê tôi là Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, là nơi bố tôi, bố Trần Công Mân, sinh ra và lớn lên. Còn đối với tôi, sinh ra sau ngày hòa bình lập lại ở Hà Nội, lớn lên ở đây, và quê hương chỉ còn phảng phất trong những câu chuyện của bà và bố mẹ, rồi ấn tượng của những lần về quê. Ở xa quê, vài ba năm mới về một lần mà.
Tôi gắn bó ở Hà Nội này với con đường phố Lý Nam Đế, nhiều cây sấu già, cây xà cừ luôn tỏa bóng mát. Hồi còn nhỏ, phố rất yên tĩnh, ít người qua lại, buổi tối, mỗi lần về muộn còn cảm thấy sờ sợ. Bên cạnh nhà tôi là Tòa nhà Tạp chí QĐND, mái ngói cong vút, cổ kính. Hai cây hoa đại trước cửa mùa hè nào cũng nở hoa trắng xóa. Trụ sở báo Quân đội nhân dân, cơ quan của bố tôi cũng ở ngay đầu phố. Phố Lý Nam Đế có rất nhiều khu tập thể gia đình quân đội, xung quanh toàn là đồng nghiệp của bố mẹ tôi từ nhiều cơ quan khác nhau trong Bộ Quốc phòng. Các cô chú các bác cũng đều về Hà Nôi sau khi giải phóng thủ đô, cùng chung sức xây dựng thủ đô, đất nước. Cho đến bây giờ tôi vẫn kính trọng hết mực những người lính tuyệt vời đó, những người trung thành hết mực với Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh tất cả vì dân tộc. Không còn nhiều các cô chú các bác đó còn sống đến hôm nay. Và nếu còn lại, không ít người bị coi là cổ hủ, cổ lỗ sĩ, không theo kịp thời đại, … Những cô chú, các bác đó đến bây giờ vẫn chia nhau với mẹ tôi, mẹ Hồ Thị Xuân Mùi, từng củ sắn, củ khoai, vài chiếc kẹo lac xìu Nam Định, một nửa cái bánh cu-đơ Hà Tĩnh mà có lẽ các cụ chỉ còn nhấm nháp được. Rồi Hồ Tây mát rượi, nơi có đường Thanh niên mà hầu như ngày nào tôi cũng đi qua. Mái trường Chu Văn An bên bờ hồ rợp bóng mát. Dòng sông Hồng chảy xiết, cây cầu Long Biên vắt qua sông Hồng từ bao năm nay. Phường Hàng Mã nhà tôi luôn nhộn nhịp với chợ Đồng Xuân, chợ Hoa Tết mỗi khi xuân về, chợ Trung Thu mỗi mùa thu tới…

Với bà nội và bố mẹ tôi, quê hương là Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Càng về già tôi càng cảm thấy tình yêu quê hương của các cụ thật sâu nặng biết chừng nào. Khúc ruột miền Trung cũng là nơi gánh chịu nhiều khó khăn, nhiều phong ba bão tố nhất. Trong bài “ Nỗi đau về thiên tai quê nhà” bố tôi đã viết: “Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 10 (năm 1989) ba cơn bão lớn ấp đến vùng đất Nghệ Tĩnh quê tôi. Sức tàn phá của gió mưa thật khủng khiếp, trải rộng trên 22 huyện, thành phố, thị xã suốt từ ven biển, trung du đến miền núi. Người dân Nghệ Tĩnh đã từng chịu đựng những đợt máy bay B52 rải thảm, nhưng so với những gì đế quốc Mỹ làm ở một vùng thì sức mạnh tàn phá của thiện nhiên còn gấp bội: gần 6 vạn ngôi nhà bị đổ…” Thật sót xa biết chừng nào. 
Bố tôi đứng trên Đèo Ngang, ranh giới giữa Kỳ Anh, Hà Tĩnh và Quảng Bình

Bà nội tôi, bà Võ Thị Tiu, ra Hà Nội từ năm 1957 ở cùng gia đình tôi. Bà luôn nhắc nhở rằng khi nào bà mất đưa bà về cùng ông nội. Ông nội tôi mất sớm, từ khi bà nội đang mang thai bố tôi. Những kỷ niệm về ông luôn khắc đậm trong lòng bà. Rồi những năm tháng vất vả bà nuôi bố tôi khôn lớn, nuôi bố tôi đi học thành người, rồi động viên bố tôi đi kháng chiến, vào bộ đội. Bà luôn nhớ đến Kỳ Thư, những người em ruột họ Võ thân thiết, những món ăn quê ta. Cá biển ở Hà Nội không bao giờ ngon được như cá của Kỳ Anh. Từ bao nhiêu năm nay, nhà tôi như quán trọ thân tình của những người họ hàng bên nội ngoại. Mẹ tôi vốn là người rất sởi lởi phóng khoáng, mẹ dành cả tầng 3, 3 phòng  ngủ cho khách của mẹ. Anh chị em, họ hàng bạn bè con cháu qua thăm gia đình, bà nội, bố mẹ tôi, đến Hà Nội để chữa bệnh, để công tác, để mua bán kinh doanh. Ai cũng được mẹ chân tình niềm nở tiếp đón. Bà nội và mẹ tôi rất mong mỏi những thông tin tin tức, mong ngóng những người thân từ quê hương. Hồi còn trẻ, trước khi lấy bố tôi, mẹ tôi đã hoạt động phụ nữ là Bí thư phụ nữ huyện Kỳ Anh, quan hệ  quen biết trong xã, trong huyện rất nhiều. Mẹ tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng bố tôi nghỉ phép cưới mẹ tôi. Từ Kỳ Thư đến Kỳ Thọ đi đò qua sông Cửa Khẩu. Tình sử của các cụ lãng mạng thật. Khác với bố tôi, mẹ tôi có đến 9 người anh chị em ruột thịt, nhiều cháu chắt, họ hàng tại xã Kỳ Thọ rất đông. Ở lại quê bây giờ chỉ còn một cậu và một dì ruột đã gần 90 tuổi, các dì các cậu tản đi Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc sinh sống. Những người nông dân, dân chài bình dị bần hàn nghèo đói đều phải bươn trải trong cuộc sống từng tháng từng ngày. Ở Hà Nội, mẹ lại càng cảm thấy có trách nhiệm hơn với gia đình nội ngoại.
Năm 2012, chi họ Trần Công của bố tôi góp sức xây lại nhà thờ. Mẹ tôi cùng các bác, các chú mự, o dượng động viên con cháu tham gia đóng góp và về tham dự lễ khánh thành nhà thờ. Mẹ tôi đã 83 tuổi, lại mổ thoái vị đĩa đệm từ năm 2003, đến bây giờ vẫn luôn phải đi lại cùng cây gậy. Nhưng mẹ vẫn quyết tâm đi vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh, mấy chị em tôi ngăn mãi cũng không được.Mẹ chuẩn bị cả tháng cho chuyến đi này; uống thuốc, luyện tập đi lại, rồi còn chuẩn bị cả bài phát biểu, làm thơ với tư cách con dâu họ Trần Công. Đầu tháng 12, chuyến xe ô-tô khởi hành từ 5 giờ sáng cùng đoàn với các o dượng, anh chị họ. Tôi sợ mẹ mệt vì dậy quá sớm. Nhưng may quá càng vào đến gần miền Trung, mẹ tôi càng phấn khởi.mẹ nói chuyện không ngớt, kể chuyện chuẩn bị thế nào, xây nhà thờ ra sao, liên lạc với bác Trần Công Dị trong Kỳ Anh, với bác Trần Công Bảo trong Vũng Tàu như thế nào… Mẹ tôi vui, tôi càng yên tâm hơn. Vào đến nơi, thấy nhà thờ xây dựng khang trang, đẹp, mọi người đều thấy rất vui và thỏa lòng góp sức đóng góp xây dựng. Lễ khánh thành cũng được tổ chức long trọng, đàng hoàng nhưng tiết kiệm, không phô trương, cho con cháu thấy được nề nếp gia phong của chi họ. 
Nhà thờ chi họ Trần Công tại xã Kỳ Thư, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Mẹ đọc thơ "Họ Trần chồng tôi"
Đây cũng là dịp mẹ tôi gặp được nhiều cô dì chú bác từ Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Vinh, Thanh Hóa… về đây. Mẹ con tôi cũng có dịp thăm viếng mộ ông bà nội tôi. Ngày xưa, từ xã Kỳ Thư về xã Kỳ Thọ quê mẹ tôi phải đi đò qua sông. Nhưng nay mới xây được cầu rồi. Ông cậu, anh cả của mẹ tôi đã hơn 90 tuổi. Ra về bịn rịn, mẹ tôi với những mong muốn mỗi năm được về một lần. Xe đi cả ngày, ra đến Hà Nội đã gần tối. Thỉnh thoảng mẹ hỏi: con còn thuốc giảm đau không? Tôi thấy ứa nước mắt, thương mẹ quá. Mong muốn tuổi già, tưởng chừng như rất đơn giản mà sao khó là vậy.

19 comments:

  1. Chị Liên ơi ,
    Thế này thì phải ra vế đối cho các anh XDTV tha hồ đối vui nhé:

    KỲ NỮ QUÊ Ở KỲ ANH VIẾT KỲ THƯ THẬT ... KỲ DIỆU

    :-)))

    ReplyDelete
  2. Tuấn chơi khó ACE quá, lắm kỳ thế sao mà đố được. Thử 1 phát cho vui chứ chưa chuẩn lắm:
    "NAM THANH XỨ TẠI THANH HÓA HÁT THANH NHẠC .. THANH TAO"

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gõ nhầm, xin chữa lại 1 chút:
      NAM THANH TẠI XỨ THANH HÓA HÁT THANH NHẠC .. THANH TAO"

      Delete
    2. Chuẩn không cần ... Chỉnh :-))
      Đúng là danh ca Trọng Tấn hình như người Thanh Hoá !

      Delete
    3. Hoặc là

      THANH HOA VỀ XỨ THANH HOÁ HÁT THANH NHẠC ... THANH BÌNH

      Mượn ý của anh Ngọc thôi

      Delete
    4. Trò đối cũng là Sudoku với các chữ cái ..
      Cũng phải thử phương án, rẽ nhánh nhốt chuồng ... Vv ;-)

      CÔNG THÀNH ĐẾN CHỖ CÔNG TY LÀM CÔNG TÁC ... CÔNG ĐOÀN

      Delete
    5. Hehe,
      Biết được vế đối này của TN, mình đã đi làm CÔNG ĐOÀN từ trước. :))
      Đáp trả cũng có vế đối cho Tuấn Nguyễn, xin lỗ trước là "hơi nặng đô" và đây chỉ là đùa nghịch các con chữ thôi:

      TUẤN NGUYỄN THAM QUAN TÂY NGUYÊN VƯỚNG LỜI NGUYỀN VỀ NHÀ... CẦU NGUYỆN

      Delete
    6. Vế đối thất niêm thất luật của anh CT xứng đáng giải thưởng một chai ...
      AQUAFINA ... Hế hế

      Đúng ra phải là
      NGUYỄN TUẤN THAM QUAN NGUYÊN TÂY MẮC PHẢI NGUYỀN LỜI VỀ NHÀ NGUYỆN CẦU ...
      Là đã "châm chước" các phạm luật của anh về thanh bằng trắc hỏi ngã nặng ...vv

      Xem vế đối của em kêu Coong coong thế chứ :-))))

      Delete
    7. Vế đối của anh không phải là đối với vế của TN đề ra mà nó chỉ mượn ý tưởng thôi. Khó là ở chỗ các thanh bằng, ngã, nặng và không dấu!(không có hỏi)
      Khó có ai đối được câu này:

      TUẤN NGUYỄN ĐI THĂM TÂY NGUYÊN MẮC PHẢI LỜI NGUYỀN VỀ NHÀ CẦU NGUYỆN

      Các chữ phụ cũng chuyển thành 2 âm cho cân xứng, chứ không lúc 1 lúc 2 như TN

      Delete
    8. Anh quên mất chữ THẬT trong vế đối gốc nên các bạn về sau đối tiếp ko thật chuẩn. Anh có sửa đôi chút để có được câu đối khá sát như sau về đối nghĩa (đối âm anh chưa dám bàn tới, cao siêu quá).
      "KỲ NỮ QUÊ Ở KỲ ANH VIẾT KỲ THƯ THẬT ... KỲ DIỆU
      NAM THANH GỐC TẠI THANH HÓA HÁT THANH NHẠC THẬT ... THANH TAO
      Tuy nhiên 1 tỉnh đối với 1 huyện cũng chưa thật đạt. THANH NHẠC đối với KỲ THƯ cũng chưa thật đạt cho lắm.
      Những vế đối khác của các bạn chỉ được vần điệu, nhưng ko sát nghĩa đối

      Delete
  3. PL viết lên tay rồi đấy, rất đáng tuyên dương.
    Câu chuyện về quê hương của bạn rất cảm động. Quê hương là cái gì đó không mô tả được. Chỉ tiếc rằng với các thế hệ sau này, khái niệm đó sẽ ngày càng mờ nhạt.
    Khi xưa một anh bạn Vịt Cừu của tôi có ghen tỵ với tôi khi tôi về quê (bố tôi) ở Hưng Yên "Bạn còn có quê mà vể". Bây giờ ngẫm lại thấy câu nói đó đúng quá.
    Cho gửi lời thăm mẹ Liên nhé, lâu rồi ko ghé thăm bác được. Thỉnh thoảng Liên có giới thiệu các trang web của bọn mình cho bác xem ko?
    Năm kia tôi cũng tham gia tích cực việc xây nhà thờ họ ở quê (bố tôi). Còn năm nay thì xây được nhà thờ họ của vợ tôi. Cũng vẹn cả đôi bên, hehe.

    ReplyDelete
  4. Phải công nhận là có tình cảm với quê Hương như thé nào mới viết được một bài hay như thế này.
    Mà cũng tại vì Liên không thể dựa dẫm vào ai nên ...đành gánh vác trọng trách này phải không?
    Đáy là mình đoán như vậy thôi

    ReplyDelete
  5. Liên ơi,
    tài năng bây chừ mới "nộ". Đằm thắm tình quê, quá hợp với độ tuổi chúng mình. Mình đến tận năm 35 tuổi mới được về quê, mặc dù chỉ cách HN có 160km, bởi trước kia không có điều kiện và gần như chẳng còn ai ở đó. Ông bà đã rời quê từ 100 năm trước để vào Huế. Nhưng từ ngay đó trở đi, hàng năm vào thăm ít là 3 lần với cả đại gia đình. "Lá rụng về cội", "quê hương mỗi người chỉ một" là thế đó.
    Báo tin mừng cho Liên: sau một hồi tranh đấu, khúc ruột miền Trung đã có thêm được 2 nhân vật (Thanh, Huệ) ngồi vào các ghế ở TW để nhăm nhe vào "Hợp tác xã vua". Các vị có 2 đề xuất: Nhập 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh thành tỉnh Bình Tĩnh để làm chính trị cho thuận tiện và đổi tên "Đèo Ngang" thành "Đèo Nghếch" để cho vùng đó thoát nghèo (có đề xuất khác là đổi thành "Đèo Đứng" để giải quyết tệ nạn xã hội). Hy vọng 2 đề xuất trên sẽ được Quốc hội chấp thuận và khúc ruột miền trung sẽ có cơ phát triển.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thằng Thái dò này lúc nào cũng tiếu lâm được.
      Nói chung tao bây giờ ít tin tưởng vào hiệu lực của party lắm.
      Mày có biết, bây giờ VN xếp hạng thứ 85 về môi trường đầu tư? Mấy năm trước là hạng 55, sau cứ tụt dần, tụt dần. (tất nhiên có loại cứ tụt đân, tụt dần làm anh em mình thích, nhưng tuyệt nhiên ko phải là tụt xếp hạng của VN)

      Delete
    2. Nhân chữ " party" của anh Ngọc lại liên tưởng đến ăn chơi, nhảy múa. Lâu quá rồi XĐTV toàn online buồn quá, hôm nào đẹp trời đề nghị anh tổ chức off-line tất niên cũng là mừng cả hội sống sót sau ngày tận thế, không biết ý kiến các anh, chị, em thế nào ạ.

      Delete
    3. Bình tĩnh Hạnh ơi, anh sẽ tìm cách có 1 party mới, nhưng e cho tất cả XĐTV hơi bị khó. Có thể nhóm nhỏ hơn. Lý do và thời gian phù hợp cũng phải tính toán.
      Vừa rồi anh khá bận nhiều việc của cty (cuối năm cũ đầu năm mới), gia đình (cháu ngoại), và 1 vài việc khác nen cũng chưa tích cực cho XĐTV.

      Delete
    4. Quảng Bình và Hà Tĩnh- Nhất trí ạ.

      Delete
    5. @Ngọc: Tao cũng chẳng còn thích ở Pa-Rờ-Ty của mày mà chỉ thích kiểu Pa-Rờ-Ty của em Hạnh I-đỏ thôi. Qua Tết gặp nhau thôi.
      @Hạnh: Còn nhiều đề xuất lắm em ơi. Bọn miền Nam thích kinh doanh nên ghép thằng Cần thơ với Tiền Giang. Bọn Tây nguyên thích hội hè nhảy múa nên ghép cả mấy tỉnh luôn: lâm Đồng, đắc Lắc, Kon tum, plây Ku, đắc Nông lại với nhau. :))

      Delete
  6. Cảm ơn các ACE đã động viên. Càng về già mới càng thấy thấm thía hai từ "quê hương". Mình chỉ mong sao các con các cháu cũng cảm nhận được nét đẹp của quê hương mình.

    Ngọc à, mình thỉnh thoảng vẫn mở cho mẹ mình xem các trang web của bọn mình đấy. Mẹ mình rất thích, thỉnh thoảng còn đi khoe với các bà bạn. Ngày xưa, mẹ mình khám bệnh chữa răng, say sưa nghề nghiệp lắm. Bây giở già rồi không làm được nữa, mẹ mình đọc sách, đọc báo, viết hồi ký, làm thơ, giao lưu với các cụ câu lạc bộ. Cụ luôn có niềm vui mà.

    Hòa Bình à, được gánh vác trọng trách biết thêm được nhiều điều và cũng học hỏi được nhều đấy. Mình cũng học theeo gương các bạn thôi, chứ ngày xưa cũng ngố lắm.

    Thật tuyệt vời khi các ACE chuyên toán lại rât giỏi chữ nghĩa: câu đối, từ ngữ với đủ lác loại đổi chiều. Mình học mãi vẫn chưa tới... ha ha

    ReplyDelete