Vào dịp cuối thu này, hàng ngày đưa đón con tôi thường được
nghe bản nhạc Nhớ Mùa Thu HN của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhất là những khi ùn
tắc giao thông. Mỗi khi bản nhạc vang
lên là tâm hồn tôi xao xuyến lạ. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng
lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”.
http://tainhaccho.vn/loi-bai-hat/trinh-cong-son/cc4/nho-mua-thu-ha-noi.htm
Ôi! Hà nội của
tôi! Sao mà yêu đến thế! Tôi tự hỏi mình tại sao sống ở Hà Nội bao nhiêu năm
nay mà tôi lại không nhận ra những vẻ đẹp diệu kỳ này của Hà Nội?!!! Rồi cuối
cùng tôi cùng tìm ra câu trả lời cho mình. Đó là vì tâm hồn tôi cằn cỗi, cho
nên tôi chỉ nhận thấy những cành lá khẳng khiu tẻ nhạt của cây cơm nguội, những
con sâu róm to đùng trên cây bàng, những ngôi nhà cũ bẩn lụp xụp, những cống
rãnh hôi thối, những đường phố bụi mù tắc nghẽn giao thông… chứ không nhận ra
những vẻ đẹp diệu kỳ của Hà Nội như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi đã không nhận
ra vẻ đẹp của “nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…” như nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, vẻ đẹp của những con
“Đường thênh thang ba đình lịch sử. Đường tấp nập hoàn kiếm đồng xuân... những đường phố mà thấy sao tha thiết”…
như nhạc sĩ Vũ Thanh hay biết bao thi sĩ, nhạc sĩ ...và biết bao người khác.
Quả vậy con người ta thường dễ dàng nhận ra những gì đồng cảm với mình. Bởi thế
khi tâm hồn người ta đã cằn cỗi, tẻ nhạt hay tệ hại hơn nữa là xấu xa… thì
người ta cũng dễ dàng và thường nhận ra trước tiên là những gì cằn cỗi, tẻ nhạt,
xấu xa… gần gũi với mình. Điều này không phải đến nay chúng ta mới biết mà thực
ra nó đã được ghi vào sách từ rất lâu trước Thiên Chúa Giáng Sinh, từ đó đến
nay đã hai thiên niên kỷ rưỡi, mà có lẽ con người đã biết điều này từ lâu hơn
thế nữa. Một ví dụ đơn cử là chuyện của nhà triết học lỗi lạc Socrates.
Một hôm Socrates và các học trò ngồi chơi ở cổng thành Athena.
Một du khách từ xa tới nghiêng mình kính cẩn:
-Thưa ngài tôi từ thành Mycenae, xứ Peloponnese tới, xin ngài cho biết
trước mặt tôi là thành nào và dân ở đó sống ra sao?
Socrates hỏi lại:
-Trước tiên xin ngài cho biết dân ở thành Mycenae. xứ Peloponnese của ngài
sinh sống ra sao?
Người du khách trả lời:
-Thưa ngài đó là một lũ láo toét, bệnh hoạn, ích kỷ…và xấu
xa!
Socrates trả lời:
-Dân thành Athena cũng là một lũ láo toét, bệnh hoạn, ích
kỷ…và xấu xa, thưa ngài!
Một lúc sau lại có một du khách tới và hỏi Socrates một câu
tương tự như du khách ban nãy đã hỏi:
-Thưa ngài tôi từ thành Mycenae, xứ Peloponnese tới, xin ngài cho biết
trước mặt tôi là thành nào và dân ở đó sống ra sao?
Và Socrates cũng hỏi lại:
-Trước tiên xin ngài cho biết dân ở thành Mycenae, xứ Peloponnese của ngài
sinh sống ra sao?
Người du khách cười tươi trả lời:
-Thưa ngài dân thành Mycenae, xứ Peloponnese chúng tôi là những người
tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống
của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ.
Socrates trả lời:
-
Thưa ngài cổng thành Athena đang rộng mở để đón chào
ngài! Dân thành Athena cũng là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh
thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ
cười luôn nở trên môi họ để đón chào ngài!
Khi những người du khách đã đi xa, các môn đệ của Socrates
hỏi ông:
Thưa thầy! Tại sao thầy vừa nói “Dân thành Athena là một lũ
láo toét, bệnh hoạn, ích kỷ…và xấu xa”, rồi thầy lại nói ngay “Dân thành Athena là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ
nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ”?
Socrates trả lời:
Các con phải hiểu rằng người du khách thứ nhất chỉ thấy
những gì xấu xa của thành Mycenae thì ông ta cũng sẽ chỉ thấy được những gì
xấu xa của thành Athena. Còn người du khách thứ hai thấy được những gì tốt đẹp
của thành Mycenae, thì ông ta cũng sẽ thấy được những gì tốt đẹp của thành
Athena. Xấu hay đẹp đều ở chính mình mà ra cả!
Giờ đây sắp phải chia tay với Mùa Thu Hà Nội, sao mà lưu
luyến thế? "Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta! Như bâng khuâng nghe gió đưa..." (Vũ Thanh). Lại còn phải chuẩn bị đương đầu với sự hà khắc của Mùa Đông Giá Buốt
nữa chứ! Ôi tôi ngàn lần xin lỗi Mùa Đông! Bởi vì Mùa Đông tuy giá buốt, nhưng
vẫn có những ngày nắng đẹp tuyệt vời. Phải không nhỉ?