Pages

Sunday, June 15, 2014

Vượt Lên Chính Mình

Tháng 5 - 2014 vừa qua Nick Vujicic chàng trai người Úc, gốc Serb không có tứ chi kỳ diệu đã trở lại Việt Nam lần thứ 2. Sinh ra là một người khuyết tật, Nick Vujicic đã chiến thắng số phận. "Không có khiếm khuyết nào lớn hơn và tồi tệ hơn là đầu hàng số phận", anh đã chia sẻ như vậy với người hâm mộ trên 47 quốc gia nơi anh từng đi qua. Anh đã lấy chính bản thân mình để chứng minh cho câu nói đó, trở thành niềm tin, động lực, hướng những người khuyết tật trên khắp hành tinh sống có ích, có ý nghĩa trong cuộc đời.

Qua câu chuyện của Nick Vujicic tôi lại nhớ tới tấm gương vượt lên chính mình của Michael Dowling. Ngày ấy, sau khi phát hiện ra một khối u 2x2x3 cm ở thuỳ thái dương phải vào cuối năm 1995, tôi vô cùng lo lắng. Để động viên tinh thần cho tôi, một người thầy đáng kính - cụ Hồng Y Phao Lô Giuse Phạm Đình Tụng đã kể cho nghe câu chuyện về Michael Dowling.
Nghe câu chuyện của ông, tôi đã có cảm nhận bình yên trong tâm hồn, cảm thấy phải cố gắng hơn nữa để vượt qua chính mình và giờ đây, theo lời của bác sĩ thì chuyện phục hồi của tôi là chắc chắn. Ông là một nhà kinh doanh thành đạt, có một gia đình thật hạnh phúc, nhưng nhiều người đã không biết rằng ông phải vượt qua muôn vàn khó khăn để vượt qua chính mình. (Ngày ấy chưa có internet như bây giờ). Trong điều kiện thông tin thuận lợi như hiện nay chẳng khó khăn gì để chúng ta có thể tìm được những bài viết về tấm gương của ông, đây xin mời các bạn:
Vượt lên chính mình
Thành công của mỗi người dựa vào việc họ có dám đặt ra mục tiêu phấn đấu không và mức độ nhẫn nại để thực hiện mục tiêu ấy.

Michael Dowling là chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất tiểu bang Minnesota, từng được phòng thương mại Mỹ bầu chọn là vị lãnh đạo tiêu biểu của năm. Ông không những là người rất thành công trên thương trường, mà còn có được một mái ấm hạnh phúc mà rất nhiều người phải mơ ước.
Nhờ những thành công trong sự nghiệp và gia đình như vậy, ông trở thành nhân vật khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình, báo chí hoặc các buổi họp mặt truyền thống. Một lần, ông được mời đến thăm các thương bệnh binh ở London - nơi những con người đã phải đối mặt trực tiếp với Thế chiến thứ II khốc liệt.
Khán giả buổi nói chuyện đặc biệt ngày hôm ấy là những thương bệnh binh đã mất đi hoặc đôi mắt, hoặc cánh tay, hoặc đôi chân, và cả những phần thân thể khác nữa. Không những thế, họ còn chịu một dư chấn nặng nề về tâm lý trước những đau thương, mất mát đã chứng kiến hoặc gặp phải nơi chiến trường.
Mở đầu buổi nói chuyện, Michael nói với các khán giả của ông rằng những thương tích mà họ đang gánh chịu chẳng đáng là gì; rằng thay vì chìm đắm trong thất vọng, đau khổ, họ hãy đứng lên, hăng hái trở lại và tiếp tục cống hiến cho cuộc sống.
Ngay lập tức, nhiều tiếng xì xào phản đối nổi lên. Những người thương bệnh binh cảm thấy mình bị xúc phạm trước những lời nói đó, bởi họ cho rằng một người đang có trong tay tất cả như Michael Dowling làm sao có thể hiểu được những đau đớn, mất mát mà họ phải gánh chịu.
Rất bình thản, Michael tiếp tục bài phát biểu của mình ông khuyên họ hãy giữ vững niềm tin vào bản thân và tự đặt ra những mục tiêu để phấn đấu. Đó là một bài phát biểu ngắn gọn và súc tích, nhưng qua phản ứng gay gắt của khán giả thì có vẻ nó hoàn toàn không đúng lúc, đúng chỗ chút nào.
Khi ông kết thúc, cơn thịnh nộ của các thương bệnh binh đã lên tới đỉnh điểm. Họ lớn tiếng phản đối, chê bai ông. Nhưng lạ thay, vị chủ tịch không hề nao núng. Ông im lặng, bình thản ngồi xuống chiếc ghế gần đó và bắt đầu "tháo" chân phải của mình ra. Thật là một tình huống quá bất ngờ. Trông thấy cảnh đó, những người lính có vẻ lắng dịu đi một chút. Họ chăm chú quan sát hành động kỳ lạ của ông, vẫn với những cử động khoan thai, từ tốn, Michael tháo tiếp một bên chân còn lại của mình.
Đến lúc này, những tiếng la ó đã ngừng bặt. Nhưng không chỉ có vậy, Michael lặng lẽ tháo luôn cánh tay phải, bàn tay trái của mình. Và cuối cùng, ông ngồi đó như một gốc cây cụt, không còn đôi chân hay cánh tay, chỉ có đôi mắt vẫn ánh lên cái nhìn kiên nghị.
Hơn cả hàng trăm dẫn chứng hùng hồn, hàng nghìn lời chia sẻ, Michael đã hoàn toàn chinh phục được tất cả những người có mặt ngày hôm đó. Ông tiếp tục nói, những lời tâm tình dịu dàng của một người đồng cảnh ngộ, rằng thành công của mỗi người phụ thuộc vào việc họ có dám đặt ra cho mình những mục tiêu phấn đấu hay không và mức độ nhẫn nại để thực hiện những mục tiêu ấy đến đâu. Những người cựu chiến binh yên lặng. Người đàn ông tật nguyền đang phát biểu trên bục kia đã thực sự truyền vào lòng họ một sức sống mới. Tất cả họ có thể làm theo những gì ông đã làm và rồi họ sẽ thành công như ông vậy.
Chính thái độ nhụt chí đã tạo nên sức ì không nhỏ kéo họ lại phía sau, khiến họ không thể vượt qua tình trạng bệnh tật của bản thân mình. Ngày hôm ấy, Michael Dowling đã kể lại câu chuyện cuộc đời ông.
Năm 14 tuổi, trong một cơn bão tuyết kinh hoàng, cậu bé Michael Dowling bị rơi ra khỏi xe ngựa. Cú ngã đó đã khiến toàn thân Michael bị giập nát, và khi được mang vào bệnh viện thì đã quá muộn để có thể cứu được tứ chi của cậu. Hai chân, cánh tay phải và bàn tay trái của Michael đã hoại tử vì cái lạnh chết người giữa mùa đông. Tương lai nào cho một thiếu niên nghèo khó và khuyết tật như Michael?
Trong tình trạng có thể làm nản lòng cả những con người mạnh mẽ nhất ấy, sức sống và những ước mơ trong Michael Dowling lại bừng lên mãnh liệt. Một mình, cậu tìm đến và xin gặp bằng được các nhà lãnh đạo địa phương để trình bày nguyện vọng của mình. Cậu xin họ hỗ trợ chi phí gắn các chi giả cho cậu, bù lại, cậu sẽ là người tham gia tích cực mọi hoạt động tình nguyện tại địa phương. Và sau này lớn lên, khi trở thành một doanh nhân thành đạt, cậu sẽ hoàn trả lại mọi chi phí và tài trợ cho các chương trình kinh tế, giáo dục của quê nhà.

Và lời cam kết của cậu bé 14 tuổi lúc ấy đã trở thành hiện thực. Michael Dowling, người đàn ông tật nguyền ấy đã trở thành một tấm gương vĩ đại về sự thành đạt, không phải bằng một nền tảng vững chắc của sự giàu có, không phải bằng một cơ thể khỏe mạnh, mà bằng việc đặt ra một mục tiêu trong khối óc và trái tim mình. Nếu bạn vững tin, mọi chuyện đều có thể trở thành hiện thực.

8 comments:

  1. Câu chuyện về ông Michael Dowling rất ấn tượng Minh à.

    Mình hơi hoang mang confused một chút khi tìm hiểu thêm tin tức về ông này. Theo wikipedia thì ông MD (bị băng hoại[1] mất hết chân tay từ năm 14 tuổi) này đã chết từ năm 1921. Vậy chắc là ông ta nói chuyện với các thương bệnh binh thời Thế chiến thứ I chứ không phải là Thế chiến thứ II nhỉ?

    Ông MD này làm nghề xuất bản báo, buôn bán bất động sản và đã từng là dân biểu, đồng thời là người phát ngôn[2] của Hạ nghị viện Mỹ!

    Còn cái ông Michael Dowling cười rất tươi trong ảnh[3] thì có lẽ là một thương nhân giỏi và khỏe mạnh bình thường.


    [1] = frostbite
    [2] = speaker of the house of representatives: hay có thể gọi là chủ tịch Hạ nghị viện nhỉ?
    [3] hiện đang là CEO của LJI Health System

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em truy tìm và thấy có ít nhất 2 ông Michael Dowling đáng kính, ông trong ảnh là CEO. Liệu có phải tác giả bài Vượt Lên Chính Mình đã gộp 2 ông làm 1 hoặc có nhầm lẫn nào đó giữa 2 người? Bài viết này đăng trên Books sau đó được dịch và đưa lên nhếu trang khác nữa! Trang Books có uy tín nên không thấy mọi người có ý kiến gì, hơn nữa có lẽ người đọc chỉ quan tâm đến tính giáo dục ở đây, nên không quan tâm đến những chi tiết khác?

      Delete
    2. Thực ra về Nick Vujicic nói rằng không có tứ chi cũng không chính xác, mà phải nói là gần như không có tứ chi. Hoặc phải nói là không có tay và chỉ có 2 chân rất nhỏ mới chính xác.

      Delete
  2. Hề hề hề,
    Cám ơn Minh rất nhiều về bài viết.
    Đúng là để tồn tại cần có một nghị lực không nhỏ không chỉ với những người khuyết tật mà là cả với những người lành lặn khỏe mạnh.
    Mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ từ bên ngoài đều chỉ là có giới hạn. Chỉ có nghị lực của bản thân người trong cuộc là vô hạn .Nếu không có sự nỗ lực từ bản thân thì mọi sự hỗ trợ đó đều trở thành vô nghĩa.
    Với cá nhân hay với một quôc gia cũng đều là như vậy cả.
    Bản thân Minh cũng đã là một tấm gương không nhỏ về nghị lực vượt lên chính mình rồi đó. Hãy cố gắng và hoàn thành được mục tiêu cuộc sống của mình.
    Cầu chúc cho em chóng bình phục và luôn hạnh phúc.

    ReplyDelete
  3. Đúng như Minh nói, niềm tin vào chính bản thân mình là điều quan trọng nhất.

    Câu chuyện về bản thân Minh đã vượt qua khó khăn hiểm nghèo, hiện nay đang trên con đường bình phục hoàn toàn là một điều rất mừng đấy Minh.

    ReplyDelete
  4. Đánh Golf là một hình thức ... Vượt lên chính mình" ....
    Nhưng có lẽ là dễ nhất trong các thể loại "vượt lên chính mình" ...
    Hoặc "cai thuốc lá" cũng khó như ... "Vượt lên chính mình" nên nhiều người ... Đành "nhường đường cho chính mình" chứ không "còi to cho (mình) vượt (mình) " ... Đúng không VH ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đi chơi golf có chuyện gì hay? Có phải "lên bờ xuống ruộng", lặn lội chui bờ chui bụi để nhặt quả golf mướt mồ hôi ra sao thì kể đi Tuấn ơi!

      Delete
  5. Về ông Dowling theo mình, nếu là câu chuyện viết trong sách thì thường người ta không nhầm đâu.

    Còn thông tin truyền miệng hoặc đăng trên các trang mạng thì ngộ nhận, nhầm lẫn, thiếu sót hoặc bị trích dẫn ngoài ngữ cảnh của nguyên bản và gây ra hiểu nhầm là chuyện thường tình.

    ReplyDelete