Pages

Wednesday, October 8, 2014

60 Năm Giải Phóng Thủ Đô Và 65 Năm Bài Hát Tiến Về Hà Nội

Trùng trùng quân đi như sóng - Toàn cảnh quân tiếp quản đang tiến
 vào ngã  năm Hàng Đào ( Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục)
Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử. Đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân. Nghe náo nức trong lòng. Thủ Đô ta sục sôi đánh Mỹ... (Vũ Thanh)
Ôi! Hà nội của tôi với không biết bao nhiêu chiến công oai hùng,  hiển hách từ bao đời! Nhà tôi và khu tập thể của tôi toạ lạc trên chính khu đất của một đơn vị Phòng Không- Không Quân anh hùng năm xưa. Nằm trong khu tập thể là các phố mang tên những vị tướng nổi tiếng Vương Thừa Vũ, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn và các anh hùng quân đội như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Ngọc Nại, Nguyễn Viết Xuân, Cù Chính Lan. Báo Người Lao Động 11-10-2014 đưa tin: 
...Tướng Vương Thừa Vũ là người Hà Nội, chỉ huy lực lượng chiến đấu ở Hà Nội trong giai đoạn Toàn Quốc Kháng Chiến rồi lại dẫn đầu đại quân tiến về thủ đô tiếp quản ngày 10-10-1954...
Phố Vương Thừa Vũ lại chính là một cửa ngõ ra vào khu tập thể của tôi. Vì thế mỗi khi đi về qua phố Vương Thừa Vũ tôi lại liên tưởng tới hình ảnh tướng Vương Thừa Vũ đã chiến đấu, đã trở về tiếp quản thủ đô. Thêm vào đó ra khỏi khu tập thể là gặp ngay Khương Thượng, đi tiếp một đoạn nữa là gò Đống Đa, những nơi ghi dấu chiến thắng quân Thanh vang dội, đi xa hơn một chút là Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Đôi khi tự hỏi mình sao mà hạnh phúc đến vậy? Bởi lẽ tôi luôn được gặp những chiến công vang dội và gặp những tinh hoa văn hoá của Hà Nội mến yêu, của đất nước Việt Nam nghàn năm văn hiến, anh hùng bất khuất!
Ngày 4- 10 đi trên đường Hà Nội, khắp nơi vang lên câu hát:
Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố.
Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây.
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh.
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên...
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa Xuân xuống cành được nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca.
( Văn Cao)
Những câu hát nhắn nhủ mọi người thế là đã 60 năm tròn giải phóng thủ đô yêu quý của chúng ta!


Về đến khu tập thể một lần nữa lại được nghe tốp ca cựu chiến binh đã ngoài 60, 70, 80 tuổi hát vang bài Tiến Về Hà Nội này! Họ hát say sưa, hùng dũng... khiến tôi vô cùng xúc động! Bởi lẽ trong số họ có những người đã được chứng kiến ngày "tiến về Hà Nội", nên họ rất tâm huyết, họ cảm nhận được thật sâu sắc bài ca đi cùng năm tháng này của Văn Cao! Tôi đứng nghe mà nước mắt tuôn trào! Câu hát:
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về
Khiến tôi liên tưởng mình đi về nhà như đoàn quân tiến về Hà Nội
Một ông tướng già đứng cạnh tôi và bảo:
-Chúng tôi chẳng bao lâu nữa là tiến về thiên đàng rồi! Các anh, các chị phải hết sức cố gắng cho xứng đáng là người Hà Nội đấy!
Tôi đùa:
- Vâng ạ! Nhưng ngày xưa các bác gặp may có hai cuộc chiến lớn và hai cuộc chiến biên giới, nên mới có điều kiện để thể hiện, còn chúng cháu ngày nay chẳng lẽ lại phải đi gây chiến?
Ông cụ bảo:
- Tại sao cứ phải có chiến tranh mới thể hiện được mình, các anh các chị cứ xây dựng kinh tế cho thật mạnh, cứ trở thành anh hùng lao động cho tôi xem nào?
Tôi thưa:
- Nếu bọn cháu trở thành anh hùng lao động, thì khu nhà mình sẽ mất gốc, bởi vì lúc đó khu mình toàn là anh hùng, không có dân thường, lấy dân ở đâu để làm gốc ạ?
Ông cụ cười, véo tai tôi:
- Học cho lắm vào để mà lý sự, anh thì chỉ giỏi bẻm mép thôi!
...
Buổi trình diễn văn nghệ rồi cũng kết thúc mà tôi vẫn đứng như trời trồng giữa đường. Chú tổ trưởng dân phố mời tôi vào liên hoan cùng đội văn nghệ, nhưng tôi phải về vì đã muộn và cũng vì sợ mình lạc lõng trong buổi liên hoan toàn những người già.
Về nhà, tôi lại nghe bài Tiến Về Hà Nội, nhớ một lần trong bữa cơm tôi đã nói những bài hát của văn Cao vừa hào hùng, vừa lãng mạn. Em trai tôi bảo chính vì lãng mạn mà Văn Cao và bài Tiến Về Hà Nội bị phê bình là lạc quan tếu. Ngày đó điều kiện thông tin chưa có như bây giờ, nên tôi chưa có dịp kiểm chứng việc này. Giờ đây xem những thông tin về bài hát Tiến Về Hà Nội, tôi thật bất ngờ khi biết rằng cố nhạc sĩ đã sáng tác nó từ 1949, như vậy nó đã ra đời trước ngày giải phóng thủ đô những 5 năm và Nguyễn Trọng Tạo đã viết về nó như sau: "Mỗi bài hát đều có số phận của nó, và bài hát TIẾN VỀ HÀ NỘI cũng mang một số phận cay đắng - vinh quang. Những ngày này, tôi bỗng thấy trong cuốn hồi ký viết về Tướng Lê Quang Đạo có bài viết của Văn Cao, trong đó có đoạn nói về sự ra đời của bài hát này. Thật là tuyệt vời về sự đồng điệu giữa vị Tướng chỉ huy và người Nhạc sĩ...." Thì ra tướng Lê Quang Đạo là người đã gợi ý cho Văn Cao viết bài hát này.  Văn Cao đã viết nó với “Giấc mơ ngày đất nước hòa bình độc lập ám ảnh tâm trí..."
Trên Thể Thao & Văn Hoá cuối tuần 04-10-2014 thì Nguyên Minh đã coi bài hát gần như trở thành "quốc ca" cho ngày giải phóng thủ đô và đã hết lời khen ngợi "bài hát này đã có những tiên đoán thần kỳ, bởi ngày trở về tiếp quản thủ đô với những hình ảnh không khác gì “kịch bản” mà Văn Cao đã vẽ ra trong Tiến về Hà Nội". Ngoài ra còn không biết bao nhiêu bài viết, lời khen ngợi bài hát này cùng tác giả của nó, bởi vì tác giả và bài hát đã đi vào lòng những chiến binh, người Hà Nội, dân tộc Việt Nam anh hùng. Tác giả cùng bài hát sẽ còn gắn bó với Hà nội, với dân tộc không biết đến bao giờ...
Nhưng chúng ta sẽ nói, rằng năm nay kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô và 65 năm bài hát Tiến Về Hà Nội, năm 2019 kỷ niệm 65 năm giải phóng thủ đô và 70 năm bài hát Tiến Về Hà Nội, năm 2024 kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô và 75 năm bài hát Tiến Về Hà Nội...


Nhạc sĩ Văn Cao tác giả Tiến Quân Ca-Quốc ca Việt Nam, Tiến Về Hà Nội...

5 comments:

  1. Tìm được bản này http://www.youtube.com/watch?v=vUJ6aRC1AlU có vẻ được được để chèn vào bài. Minh hay ai thấy bản nào hay hơn thì giới thiệu nhé.

    Bài viết rất đúng lúc, tuyệt vời. Cảm ơn Minh đã kể lại một kỷ niệm đẹp và những điều thú vị về bài hát này.

    Bài này, bài "5 anh em trên một chiếc xe tăng" và nhất là "Tiểu đoàn 307" là những bài mà hồi nhỏ cứ khi nào cao hứng (ví dụ đang tắm hay ...) là mình hát ông ổng.

    Sắp tới họp nhau ở TP HCM thì phải chuyển sang hát bài "Tiến về Sài gòn" chứ nhỉ ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh đã chèn bài Tiến về Hà Nội, rất hay và hợp cảnh!

      Delete
  2. Em còn nghe nói sau khi bị phê bình lạc quan tếu, Văn Cao đã không sáng tác được hay như trước nữa! Bởi vậy công tác quản lý đối với giới văn nghệ sĩ phải rất cẩn trọng!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Văn Cao bị dính vào vụ "nhân văn giai phẩm" tuy chưa bị đi tù thôi. Nhưng đối với người nghệ sĩ thì khác nào tù đâu, vì họ không được thể hiện cái họ cảm nhận được từ cuộc sống. Sau năm 54 Văn Cao hầu như không sáng tác được.
      Bài hát cuối cùng của Văn Cao là bài "Mùa xuân đầu tiên" sáng tác sau năm 75 cũng bị giam không phổ biến gần 20 năm vì "...từ đây người biết yêu người". Người ta đặt câu hỏi: Thế trước đấy người VN không biết yêu à?
      Cho nên nếu vào vòng ngắm "có vấn đề về tư tưởng" thì không nên sống tại VN, vì chẳng bao giờ gỡ nổi vòng kim cô đó.

      Delete
    2. Thế mà em cứ tưởng "Mùa Xuân Đầu Tiên" là mùa xuân 1955! Cám ơn anh và cám ơn ichuvanan rất nhiều!

      Delete