Pages

Sunday, August 23, 2015

Bài Ca Trên Những Song Sắt


Bây giờ là mùa thu, tôi đã thấy nhiều nơi trên đường phố bày bán hàng trung thu! Tết trung thu đã gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm thời thơ ấu, những câu chuyện về thiếu nhi... Có một câu chuyện tôi đã đọc lâu lắm rồi, vì thế tôi chẳng nhớ nổi mình đã đọc ở đâu, thời gian nào và tác giả là ai nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ tên câu chuyện là "Bài Ca Trên Những Song Sắt" và nội dung câu chuyện như sau:
Chuyện kể rằng, có một cậu học trò nhỏ hàng ngày đi học qua một con đường. Trên đường đi, cậu phải qua một công viên và một dãy những tòa biệt thự kín đáo.


Một hôm, trên đường đi học về cậu bé lấy từ trong cặp sách cái thước bằng sắt. Cậu thử gõ vào những song sắt bên đường và những âm thanh thánh thót vang lên. Cậu bé liên tiếp gõ vào những song sắt, những âm thanh lảnh lót những bản nhạc vang lên bên tai cậu bé... và từ đó hàng ngày cậu bé luôn sáng tác những bản nhạc tuyệt diệu. Khi thì cậu sáng tác cho cây Sồi già, khi thì cho cây Tùng, cây Bách...
Cho tới một hôm, khi cậu đang sáng tác bài ca trên những song sắt cho cây Thông nhỏ trong công viên. Đang say sưa với bản nhạc của mình, cậu bé bỗng nhiên giật mình sợ hãi, khi có một ông già xuất hiện sau cánh cổng lớn. Ông già tóm lấy cậu và quát lên:
- Này thằng nhóc, tại sao trưa nào mày cũng quấy phá giấc ngủ của tao như thế hả? Lần sau tao mà bắt được mày thì hãy liệu hồn đấy...!
Vô cùng sợ hãi cậu bé xin lỗi cụ già và hứa sẽ không dám quấy rầy cụ nữa.
.....................
Năm tháng trôi qua, cậu bé ngày nào đã trở thành một chính khách nổi tiếng. Cậu trở về quê hương và thăm ngôi trường cũ, bâng khuâng nhớ lại những năm tháng xa xưa của mình... Vị chính khách đi lại con đường xưa từ nhà tới trường và từ trường về nhà, trong lòng mong mỏi gặp lại tuổi ấu thơ.
Bỗng nhiên, từ một góc phố xuất hiện một chú bé tung tăng tới trường. Vị chính khách chợt nhớ lại thời thơ ấu với niềm vui dào dạt. Từ góc phố, chú bé dừng lại, mở cặp và lấy ra một cây thước sắt. Trong lòng vị chính khách liền vang lên những bản nhạc cho cây Sồi già, cây Thông nhỏ...
Nhưng rồi, khi cậu học trò nhỏ bắt đầu gõ vào những song sắt bên đường... những âm thanh chát chúa vang lên. Ôi sao mà chối tai đến vậy!? Nhức đầu quá đi thôi!
Chỉ đến lúc này vị chính khách mới hiểu được rằng Người Lớn Làm Sao Mà Hiểu Được Tâm Hồn Của Trẻ Thơ.
Bạn thân mến!

Tôi không biết có phải vì không hiểu trẻ thơ, mà chúng ta đưa ra những chương trình giáo dục bị phê phán không tiếc lời! Ví dụ như chúng ta đưa ra chương trình đào tạo cho tất cả các em cùng một khuôn mẫu. Nhưng mỗi con người là một cá thể riêng biệt, vì thế có những đứa trẻ không thể theo nổi khuôn mẫu này. Chúng sẽ trở thành học sinh cá biệt chọc phá, hoặc tụt lại phía sau. Và thế là, chúng luôn đứng bét trong các kì thi chuẩn mực, và thật khó có một sân chơi nào phù hợp với chúng. Nhưng chúng ta cũng từng thấy có những người xuất chúng đi lên từ những đứa trẻ này. Chúng ta phải chấp nhận sự phát triển nhận thức không đồng đều của các trẻ. Vì vậy với mỗi trẻ phải có một khuôn khác nhau, đòi hỏi những người nuôi dạy trẻ, thầy, cô, phụ huynh... lắng nghe đầy kiên nhẫn, tôn trọng, cảm thông và yêu thương.




7 comments:

  1. Hề hề hề, cá biệt vẫn luôn là cá biệt cho dù cá biệt đó là cá biệt tốt hay cá biệt xấu. Không cứ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng có các cá biệt. Và cá biệt nào thì cũng cần được hòa nhập với cộng đồng. Giáo dục không chỉ dành cho cộng đồng mà còn phải dành cho cả các cá nhân cá biệt nữa với mục tiêu là để các cá nhân cá biệt đó hòa nhập được với cộng đồng và phát triển được theo tinh cách cá biệt của họ. Có nghĩa là chương trình giáo dục phải được dựa trên thực trạng xã hội cụ thể và với những đối tượng học trò cụ thể chứ không thể xây dựng một chương trình giáo dục trên nền tảng duy ý chí, bắt mọi người phải theo một khuôn mẫu hay một mô hình con người cụ thể nào đó. Vậy nên cái chương trình giáo dục mà lấy mục tiêu "sống , chiến đấu và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại " làm kim chỉ nam thì tất yếu sẽ phá sản thôi.
    Một chương trình giáo dục tốt phải là một chương trình có tính linh hoạt cao, có khả năng thích ứng tốt với các nhu cầu đa dạng của người học, đồng thời phải luôn mở rộng để có thể tiếp thu các tiến bộ về khoa học và xã hội từ những nền văn hóa khác.

    ReplyDelete
  2. Bài viết ngộ nghĩnh và rất hay, chắc tâm hồn mình chưa ... Già :-)

    ReplyDelete
  3. Mình có lẽ sẽ không thành chính khách được nhưng hoàn toàn thông cảm được hoàn cảnh của vị chính khách mà Minh đã hình tượng hoá trong bài viết.

    Nói chuyện với con bây giờ thỉnh thoảng cũng có những giây phút mình ngớ người ra, nhận thấy khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng lớn dần. Không chỉ da dẻ, xương cốt, mắt mũi mà dường như cả đầu óc mình cũng bị già cỗi đi dần dần...

    ReplyDelete
  4. Em đang nghĩ có lẽ cần viết 1 bài: "Giáo dục phải dựa trên nền tảng của tình yêu thương"?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề, hãy viết đi, đó cũng là một phương cách hữu hiệu để cải thiện tình trạng sức khỏe của Minh đấy. Chỉ cần đừng quá đau đầu về những gì cần viết mà nên viết những gì mình thích là Ok Minh ạ.

      Delete
    2. Em không đau đầu đâu ạ! NGhĩ sao là viết vậy ngay à! 2-9 này anh chị em xem nhé!

      Delete
    3. Cái gì được thực hiện trên nền tảng tình yêu thương, rất dễ gặt hái thành công

      Delete