Tôi có chiếc kính cắt cước (Loại kính gọng chỉ bao
1/2 mắt kính) rất đẹp! Một hôm, sơ ý đánh rơi, thế là bị sứt tí
tẹo cỡ gần bằng con kiến. Tiếc quá! Cả buổi tôi nhìn, ngắm đi, ngắm
lại chiếc kính và cực kỳ khó chịu. Vì không thể chịu nổi vết sứt
này, tôi đã quyết định đi mua chiếc khác. Vào hàng kính mắt quen
thuộc tôi đùa cậu thanh niên là nhân viên mới:
- Tao là khách quen, mà sao mày dám bán cho tao cái
kính vừa rơi đã vỡ?
Cậu thanh niên líu lưỡi:
- Dạ...dạ...
Tôi quát:
- Gọi bà cửa hàng trưởng ra đây!
Chị cửa hàng trưởng nghe thấy chạy ra, chứ cậu thanh
niên và hai cô bé bán hàng chưa kịp gọi. Thấy người quen, chị mắng
hai cô bé:
- Chúng mày không nhận ra chú à? Trơ mắt ếch ra mà
nhìn!
Thế rồi chị tươi cười giảng giải cho cậu thanh niên:
- Chú đùa tí mà đã sợ cứng cả lưỡi, ngoan thì tao
bảo chú dạy cho, thằng Hoàng được chú dạy cho đổi đời rồi đấy!
Chị bảo tôi:
- Thằng Hoàng bây giờ được làm sếp rồi, không còn
là nhân viên phọt phẹt nữa, cứ đà này nó vượt cả em cho mà xem! Thằng
này mới vào thay thằng Hoàng, anh ạ! Cho nên nó mới ngố tầu như thế
chứ!
Rồi chị liếc mắt cười:
- Còn anh thì sao? Có việc gì thế? Lại lên đời à?
Tham việc vừa thôi, cứ lên đời ào ào thế này, chả mấy mà 5, 6, 7,...có khi lên tận 10, 15, 20 không biết chừng! Anh mà cứ lên đời ào ào
thế này thì sẽ có ngày bọn mình phải chia tay, vì chúng
em lấy đâu ra kính số cao như thế để mà phục vụ, cho dù anh có là
khách quen cũng chịu thua!
- Làm gì có chuyện lên đời nhanh thế, cái kính này
vỡ rồi!
- Vỡ thế nào? Vỡ ở đâu? Em chả thấy làm sao hết,
vẫn đẹp như xưa! Hay là hôm nay vợ cho xả hơi, không được nhậu, không
biết tiêu gì, đành mua kính mới cho oai, cho hết tiền?
Tôi đưa kính và chỉ chỗ sứt cho chị xem. Chị tươi
cười:
- Bé chưa bằng con kiến thế này, chả làm sao hết.
Nếu anh không chỉ thì em chả nhìn thấy vết sứt này đâu! Hay là bồ
nhí bắt phải thay?
Sau khi cậu thanh niên đo lại mắt cho tôi, hai cô cháu khuyên không nên phí tiền vô ích. Cuối cùng tôi quyết định dùng kính cũ
và ra về. Lúc chia tay tôi hỏi:
- Cô cháu nhà chị làm thuê có khác, không muốn bán
hàng hay sao mà lại khuyên em đừng mua kính mới?
- Bọn em hết lòng, chân thành với khách hàng thì
mới có nhiều khách quen như anh chứ, bọn em sẽ bán kính cho anh và
các khách quen mỗi khi lên đời, chứ có phải chỉ bán một lần
đâu? Chơi bẩn người ta chỉ được một
lần thôi!
Giờ đây, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ tôi lại thấy vui
buồn lẫn lộn. Vui vì được mấy bài học quý báu, buồn vì tại sao
mình không nhớ lời dạy của cha, ông ngoại và của Đức Hồng Y Giuse PhaoLo Phạm
Đình Tụng. Để đến nỗi phải dằn vặt chỉ vì một vết sứt chưa bằng
con kiến!
Chuyện là thế này! Cha tôi, ông ngoại tôi và ĐHY Tụng thường
dạy tôi bằng các chuyện ngụ ngôn. Trước khi ra đi ĐHY Tụng còn cho tôi
thừa kế một bộ sách quý 6 tập. Bộ sách này gồm những chuyện ngụ
ngôn do ngài góp nhặt và tự tay đánh máy và đóng thành quyển (Từ
thời đánh máy chữ). Trong đó có những câu chuyện như: Hai Viên Gạch Xấu Xí - Dấu Chấm Đen
Trên Tờ Giấy Trắng.
Hai câu chuyện này dạy chúng ta bỏ qua những lỗi lầm
nhỏ của người khác. Nếu tôi nhớ một trong hai chuyện này, thì tôi đã
không phải dằn vặt vì vết sứt nhỏ chưa bằng con kiến kia.
-Thầy không nhận ra đôi mắt dịu hiền đáng yêu? |
Hai viên gạch xấu
xí
Sửa sang tu viện, các tu sĩ phải tự xây dựng mọi
thứ. Họ mua đất, gạch, mua dụng cụ và bắt tay vào việc.
Một tu sĩ được giao xây một bức tường gạch. thầy
rất tập trung vào công việc, luôn luôn kiểm tra những viên gạch đã
thẳng hàng hay chưa, có ngay ngắn hay không. Công việc chậm vì thầy đặc
biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thầy không lấy làm phiền lòng, bởi vì thầy
biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.
Cuối cùng thầy cũng hoàn thành công việc vào lúc
hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lùi ra xa để ngắm công trình lao động
của mình, thầy bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù thầy
đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt
nghiêng. Và điều tồi tệ nhất đó là hai viên gạch đó nằm ngay giữa
bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn mọi người.
Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm tu viện, thầy
đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ bức tường mà thầy xây dựng.
Một hôm, có hai vị giám mục đến tham quan tu viện. Mặc
dù thầy đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người cứ nằng nặc
đòi đến khu vực có bức tường kia. Một vị giám mục thốt lên:
-Ôi bức tường mới đẹp làm sao!
-Thật thế ạ! Thế còn hai viên gạch xấu xí ngay giữa
bức tường thì sao ạ?
Có chứ, nhưng tôi cũng thấy cả bức tường còn lại
mới thật đẹp làm sao?
- Các bạn thấy gì? |
Dấu Chấm Đen Trên
Tờ Giấy Trắng.
Giờ đây, thông tin mạng phát triển, bởi vậy thay vì
đánh máy lại chuyện này, tôi tìm trên mạng chuyện tương tự của Hoa Thủy Tinh:
Tại buổi diễn
thuyết hàng trăm người, diễn giả bắt đầu buổi nói chuyện bằng một bài tập nhỏ.
Ông đưa ra một tờ giấy trắng trên đó có một dấu chấm đen vào đặt câu hỏi với
hội trường: “Các bạn nhìn thấy gì?” Một người giơ tay phát biểu: "Tôi thấy
một điểm đen"; một người khác: "Đó là một vết mực đen"; lại có ý
kiến hài hước cho rằng: "Là một nốt ruồi". . . Hầu hết mọi người
trong khán phòng đều gật gù đồng ý với những ý kiến đó, họ đều chỉ thấy mỗi
điểm đen. Diễn giả để hội trường lắng xuống, nhìn khắp lượt hội trường, giơ tờ
giấy lên bằng hai tay, giật mạnh và hỏi "các bạn không còn thấy gì nữa
sao?". Bấy giờ mọi người mới ồ lên: "Tờ giấy trắng và một chấm
đen".
Người diễn giả mỉm cười và nói: "Cảm ơn những câu trả lời của các bạn, dấu chấm đen này đúng là rất nổi bật trên tờ giấy trắng, tôi đã làm ví dụ này với rất nhiều người và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy vết đen, vết bẩn, nhìn thấy cái xấu, cái sai của người khác mà lờ đi những khoảng trắng, những cái tốt đẹp của người ta. Cũng dễ hiểu thôi vì đó là tâm lý chung của con người, theo học thuyết của Abraham Maslow về nhu cầu tự nhiên của con người được chia thành các thang bậc khác nhau, phản ánh mức độ cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Và bậc 2 của thang Maslow là nhu cầu về an toàn, thế nên con người luôn luôn nhìn thấy điểm đen, cái xấu, nguy cơ . . ., để đạt được mức an toàn tối thiểu về tính mạng và tài sản". Nói đến đây, ông đưa mắt nhìn quanh khán phòng và đến đâu cũng bắt gặp những gương mặt đồng tình ủng hộ.
Ông nói tiếp: "Cũng giống như chúng ta đối xử với mọi người xung quanh, nếu bạn chỉ nhìn thấy cái xấu, cái sai, thì bạn chính là người phải chịu dằn vặt đau khổ, trong bạn luôn thấy hoài nghi lo lắng về mọi thứ diễn ra quanh mình. Thử nghĩ, một ngày bạn ăn vật chất 3 bữa, là những thứ ngon, bổ, sạch, còn "ăn" tinh thần thì cả ngày, thế mà bấy lâu nay chúng ta cho nhau ăn những gì? Có phải cũng ngon và bổ như ăn vật chất. "Bới lông tìm vết hay. Đãi cái tìm vàng" là lựa chọn của bạn, tìm điều tốt đẹp của người khác bạn sẽ thấy sự tốt đẹp, tìm cái xấu, cái sai để bỏ đi những mối quan hệ chính là bạn đang tự hủy đi cơ hội của mình."
Ông dừng lại và đặt câu hỏi với hội trường: "Làm thế nào để sử dụng tờ giấy này một cách hữu ích?" Có vài lời phát biểu: "Vẽ lên đó một bông hoa; gập đôi tờ giấy thề là chúng ta có 2 tờ giấy trắng; . . ." Diễn giả gật đầu và mỉm cười: "Vâng. Cảm ơn các bạn. Thật đơn giản khi chúng ta thay đổi tư duy, thay đổi quan niệm của mình về những thứ xung quanh. Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, có đôi khi mắc lỗi lầm, nhưng chỉ vì cái xấu, vì những lỗi lầm mà đánh giá sai về nhau thì quả là đáng tiếc. Bởi có thể lỗi lầm đó chỉ nhỏ xíu như một chấm đen chiếm 1/99 tờ giấy trắng, mà chúng ta bỏ đi một tờ giấy đẹp, có nên chăng?"
Tờ giấy này chẳng những giây mực, lại còn bị rách, liệu có dùng được chăng? |
Diễn giả kết thúc buổi nói chuyện của mình trong tràng pháo tay không ngớt, họ nắm tay nhau, trao cho nhau nụ cười và những cái nhìn trừu mến thể hiện tình nhân ái.
P.S.
1- Mặc dù quên lời dạy của cha, ông ngoại, ĐHY Tụng, quên những chuyện ngụ ngôn làm cho tôi phải dằn vặt, nhưng nhờ đó tôi đã được bài học ở cửa hàng kính Chơi bẩn người ta chỉ được một lần thôi!... nhớ lại bài học nhìn vào mặt tốt, tha thứ lỗi nhỏ và bài học cái gì cũng có hai mặt của nó.
1- Mặc dù quên lời dạy của cha, ông ngoại, ĐHY Tụng, quên những chuyện ngụ ngôn làm cho tôi phải dằn vặt, nhưng nhờ đó tôi đã được bài học ở cửa hàng kính Chơi bẩn người ta chỉ được một lần thôi!... nhớ lại bài học nhìn vào mặt tốt, tha thứ lỗi nhỏ và bài học cái gì cũng có hai mặt của nó.
2- Chiếc kính lại
bị rơi lần nữa, lần này lại thêm vết sứt to bằng hạt thóc, nhưng chả hề chi!
Không chỉ có vậy, cái gọng của nó đã có vết gỉ, nhưng dùng vẫn
còn tốt chán!
3- Gần đây đi đo
mắt phải lên đời từ 1.75 lên 2, cậu thanh niên bán hàng khuyên:
- Lần này cháu
lắp cho chú cái gọng bao kín cả mắt kính cho đỡ sứt mẻ, chú cứ
giữ cái cắt cước này vừa là dự phòng, vừa là kỷ niệm đẹp chú ạ!
4- Hai cô cháu bán
hàng thì trêu:
- Ai bảo chú ăn
chơi cho lắm vào? Chơi kính cắt cước cho nó oai, bây giờ đã chừa chưa?
Cho ông chú hết ăn chơi về già nhé!
5- Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với mình, cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà chúng ta mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là vết sứt nhỏ hơn con kiến mà ngay chính người bán hàng cũng không nhận ra, là hai viên gạch xấu xí trên bức tường tuyệt đẹp và rất có thể đó lại chính là đôi mắt dịu hiền mà ta không biết, là dấu chấm đen nhỏ nhoi trên tờ giấy trắng.
Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.
Hãy rộng lượng với chính mình và với người khác. Trên thế giới nhân ái này lỗi lầm cần được tha thứ!
5- Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với mình, cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà chúng ta mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là vết sứt nhỏ hơn con kiến mà ngay chính người bán hàng cũng không nhận ra, là hai viên gạch xấu xí trên bức tường tuyệt đẹp và rất có thể đó lại chính là đôi mắt dịu hiền mà ta không biết, là dấu chấm đen nhỏ nhoi trên tờ giấy trắng.
Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.
Hãy rộng lượng với chính mình và với người khác. Trên thế giới nhân ái này lỗi lầm cần được tha thứ!
No comments:
Post a Comment