NÀO, TA CÙNG PHƯỢT
F0 có
cuộc họp không thể không đi ở thủ đô. Kiểm lại hành trang theo chuyên đề của dân
phượt “4 cực (Đông Tây Nam Bắc), 2 điểm (ngã 3 biên giới), 1 đỉnh (Phanxipan)” thấy còn thiếu 1 cực Bắc và 1 đỉnh. Nghĩ cảnh
đi một mình nản quá nên vừa thuyết phục, vừa dụ dỗ, vừa năn nỉ 2 tên bạn nối khố
TTN & PTB.
Toàn
những kẻ kiếm cớ có vẻ chính đáng để trốn cọp đi chơi nên 2 tên này gật đầu tắp
lự.
Vậy
là 3 dân tỉnh lẻ tìm các con đường khác nhau tập kết về tỉnh chẵn tại Nhà hát lớn
để khởi hành theo tiêu chí “mọi con đường đều dẫn đến đích”.
PHẦN I: HÀ GIANG – CỰC BẮC TỔ QUỐC
PTB: Sau bữa chén với 3 tô phở Hà nội chinh gốc tại góc phố
Tôn Đản (hay Tông Đản theo cách gọi của người Hà lội) và Lý Đạo Thành cạnh vườn hoa Cổ Tân. (tiếc cho anh HTC do xấu bụng nên chỉ làm được vài gắp, còn lại PTB
và TTN làm sạch) 3 chàng bụi đời bắt đầu leo lên xe để thực hiện hành trình “ phượt dởm” theo dự định.
Xe 16 chỗ nhưng nhòm trước nhòm sau chỉ có 10 mống. Ngoài 3
chàng dở hơi còn có một cặp uyên ương sứt tổ và đàn vịt sổng chuồng gồm vịt mẹ
và 2 vịt con chưa hết lông măng. Thêm vào đó là bác tài với vẻ ngoài khá hợp với
dân bụi và chú hướng dẫn viên.
Xe vừa chuyển bánh thì chàng hướng dẫn viên liền mở loa te tẻ
giới thiệu chương trình phượt. Nhè đúng lúc chàng hết hơi TTN giơ tay phát yêu
cầu gia tăng một điểm dừng chân ngoài chương trình là Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên
làm cả đoàn trố mắt ngạc nhiên.
Chửa biết mọi người nghĩ chi song thấy HTC lẩm bẩm : “ Lại lấy
điểm với mấy cháu đây ….”, Còn PTB chỉ khoái ăn chơi nên to mồm nhất trí tức
thì.
Đoàn dừng chân lần đầu tại khu vực sát sân bay Nội bài để mọi
người ăn sáng. 3 chàng bụi đời đã no nê
nên loanh quanh ngắm cảnh. Lần đầu tiên
3 chàng dòm thấy bình rượu rắn của nhà hàng với con hổ mang chúa mà chỉ nhòm đã
thấy rợn cả lông đầu.
Điểm dừng chân thứ hai là tại huyện Tân yên Tuyên Quang. Nơi
đây cả đoàn được ngắm cảnh đồi chè Tuyên quang. Thực ra thì thường nghe câu chè
Thái gái Tuyên, chửa biết đồi chè Thái nó tròn méo ra sao nhưng nhòm cái đồi chè Tuyên Quang cũng thấy nó
thơ mộng ra phết.
Những búp chè non xanh mơn mởn như đang chờ tới kỳ bị xén.
Điểm dừng chân thứ 3 là tại thị trấn Hàm yên, Tuyên quang.
Nơi cả đoàn dừng chân để chén bữa cơm phượt đầu tiên. Cơm với những đặc sản của
núi rừng Đông bắc như thịt heo cắp nách, cá suối, rau rừng ….. Xem ra còn ngon
và lành hơn những bữa tiệc sang trọng nơi thị thành.
Điểm dừng chân thứ 4 là Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nơi
hàng ngàn chiến sỹ đã nằm lại sau chiến tranh biên giới với giặc Tàu, bị lãng
quên trong một thời gian dài và chỉ mới được mọi người biết đến trong thời gian
gần đây
TTN
lấy được thiện cảm của bác tài khi đề nghị ghé viếng nghĩa trang Vị Xuyên với
câu trả lời “tất cả đều là đồng đội chưa
gặp!” cho câu hỏi “có ai quen không?”. Bác tài cũng mua bó hoa vào viếng đồng đội
cũ nằm tại đó. Ngoài bó nhang mua trước, thêm cả mấy bó được bác tài dúi cho cũng
chỉ thắp đủ cho 2 hàng mộ L
Một Nghĩa
trang cấp quốc gia mà không biển chỉ đường, chỉ có ai biết thì ghé vào L
Hàng ngàn ngôi mộ có và không có tên được xây bằng xi măng
xám xịt, thiếu bàn tay chăm sóc của con người.
Điểm dừng chân tiếp theo là miếu Hai cô cầu Má. Mặc dầu đã ra
sức truy vấn chàng hướng dẫn viên song kết quả chỉ biết được rằng miếu này thờ
hai cô gái đồng trinh cùng yêu một chàng nào đó (có nhẽ là công nhân xây dựng
cái cầu Má này chăng???). Vì những lý do không minh bạch nên cả hai nàng cùng
quyên sinh và được dân quanh vùng lập miếu thờ. (nghe đồn là thiêng đáo để, nhất
là cái vụ cầu duyên cầu tự).
Mõ tui trộm nghĩ rằng thiên hạ kể cũng lắm chuyện tréo ngoe,
hai cô chả có chồng thì được xúm vào để xin duyên, chửa có con cũng được lạy tới lạy lui để
cầu tự. Còn cái loại như mình, vợ con đề huề thì chỉ được ném đá cho chết bỏ…..
Điểm dừng tiếp theo là một ngôi cổ tự nơi bắt đầu vào địa phận
Hà Giang mà theo chú hướng dẫn viên nói là nơi nên dừng để cầu an cho chuyến đi
được thuận tài xuôi lái. Do ngắc ngứ vì say xe nên Mõ tui chả nhớ được tên chùa
là gì, nhưng nghe cũng thấy dài dài to to, y như cái chùa này vậy.
Đường tới TP Hà Giang tốt hơn nhiều so với đợt đi cách nay 2
năm. Vào tới trung tâm thành phố được tham quan cột mốc 0 đặt móng vào năm 1891
với 3 thứ tiếng Việt-Anh-Hoa. Mà tại sao không có tiếng Pháp khi cột mốc này được
đặt năm đó??? (Hình 1.2)
PTB: Trả lời thắc mắc của HTC, có nhẽ cái này được dựng lại
sau hội nghị Thành Đô nên đã thay phần tiếng Pháp bằng tiếng Hoa cho nó đủ bốn
tốt.
Quảng trường thành phố Hà Giang cũng khá hoành tráng với tượng
đài quân dân oai như cóc.
Qua khỏi thành phố Hà giang một đoạn thì cả đoàn phải dừng lại
vì sững sờ trước cảnh đẹp của thượng nguồn sông Lô (sông Miện) với hàng vạn con
bướm vàng trắng bay rợp đất và mặt nước quanh các cháu nữ sinh.
Từ Thành
phố Hà Giang trở lên hướng Bắc là dốc và đèo rồi đèo lại đèo như bài thơ của
bác tài:
Qua hết một đèo … lại một đèo.
Cao nguyên đá dựng vách cheo leo
Đường mây dẫn lối lên Quản Bạ
Yên Minh vi vút tiếng thông reo
…..
Và đây, bắt đầu vào
khu vực Cao nguyên đá Đồng văn
Con đường dẫn lên Cổng trời Quản bạ.
Từ Cổng trời nhìn xuống thung lũng:
Những nương ngô của đồng bào trên các triền núi đá. Thế mới
biết sức lao động của con người quả là dời non lấp biển.
Người dân kè đá tại những nơi có thể
để giữ đất và nước rồi trồng ngô vào đó.
Ruộng ngô bậc thang được người dân tạo
ra từ những kè đá trên sườn núi dốc đứng.
Đây là bãi đá Hải cẩu, nơi đặt mộ của
người anh hùng "dân tộc" đã có công trong việc dẹp loạn phỉ Vàng Pao năm xưa. Tiếc
rằng cái tên của anh mình đã quên ngay khi qua khỏi bãi đá. Đúng là một kẻ
lãng du.
Hề hề hề, may quá HTC còn lưu lại được tấm bia ghi danh của người anh hùng này. Chả biết nếu còn sống anh liệu có được cái vinh dự này không nhể???
Núi trang sách, được hình thành từ
những lớp đá phiền đều tăm tắp xếp chồng lên nhau.
Tính
ra đèo Hải Vân phải gọi mấy đèo này là cụ! Xem thử đèo này không tên được bác
tài gọi là đèo rắn (vì giống con rắn đang bò, đếm thử sơ sơ có liên tục 6 khúc
cua cùi chỏ) (hình 1.3)
F0 vốn
thủ thân nhào lên ngồi băng trước nên xây xẩm một chút, còn PTB cậy khỏe lại nằm
băng sau cùng nên được nếm mùi say xe ;-)
Ghé
thăm phim trường “Nhà của Pao” lần đầu thấy được cây mắc cọp mà hồi nhỏ ăn quả
hoài (hình 1.4).
PTB: Anh cu này say quá rồi, nói nhịu cả tên cây nữa Mắc coọc
chớ hổng phải cọp nghen.
TTN: đây là phim trường cho “Nhà của Pao” trình chiếu năm
2005. Đã anh nào xem chưa mà gáy?
Hình 1.5: Tình cờ tìm được, dắt đi hái hoa
PTB: Hề hề hề, lượm hạt chứ. Có nhẽ đây là sản phẩm của hai
năm trước ghé thăm Hà giang cộng với thuốc tăng trọng nhập từ Trung hoa lục địa
……
Anh
PTB không chịu cho người ta chút mơ mộng chuộc lỗi chút nào cả ;-)
Ruộng hoa Tam giác mạch, một loại lương thực chống đói cho
người dân bản địa cho dù chúng chả thuộc họ ngũ cốc.
Hạt cây Tam giác mạch, được thu hoạch để làm lương thực chống
đói. Nhìn chúng mà Mõ tui nhớ tới cái hạt bo bo đã từng được xài trong thời kỳ
hậu chiến.
Hạt Tam giác mạch sau khi tách vỏ (xay như xay lúa vậy)
Từ đây hạt Tam giác mạch được chế biến xay thành bột hoặc độn
vào cơm như hạt bo bo vậy. Bánh làm từ bột tam giác mạch thường được pha thêm bột
sắn hay bột gạo, ăn có vị thơm đậm và chắc chắn dễ tiêu hơn hạt bo bo.
May
mắn được gặp cháu 4 đời của vua Mèo khi ghé thăm dinh thự, 3 chàng kiên quyết
thi tuyển phò mã. Đề nghị các quý vị bình bầu và lựa chọn dựa trên tiêu chí:
phong cách ứng viên và thái độ của nhân vật chính ;-) (hình 1.6a,b,c)
Chán đời , thôi thì mặc anh HTC với công chúa mần chi thì mần
, Mõ tui lầm lũi đi khám phá dinh thự (may ra có thể vớ được cái chi của Vua
Mèo đánh rớt chăng). Và đây là toàn cảnh dinh thự chụp từ trên ban công Trung
viện, nơi dành cho các quý vương hậu. Một dinh thự hoành tráng của Vua, sau một
thời gian chưa đủ dài bàn giao cho Chính phủ đã xuống cấp trầm trọng. Nếu không
có kế hoạch tu bổ thì e rằng vài năm nữa sẽ chả còn gì mà chụp ngoài mấy cột mục
chỏng chơ.
Chả biết anh HTC mần chi mà giờ đây
công chúa bỏ đi, còn anh thẫn thờ ngơ ngác.
Những di ảnh của chủ nhân khu dinh
thự được bảo quản không đúng cách đã làm cho tòa dinh thự càng thêm u ám.
Gian bếp từng phục vụ cho hàng trăm
người nay còn thế này.
Vật
gây chú ý nhất trong dinh là cái bồn tắm nguyên khối được đẽo thủ công từ đá (hình
1.7). Ngày xưa các cụ mình có câu “xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”, thì vua Mèo
nâng lên đẳng cấp cao hơn “làm bồn bán nguyệt cho nàng ngắm thân” ;-)
PTB: Hề hề hề, làm đến Vua mà chỉ có nhõn một cái bồn tắm nham nhở bé tí thế
này thì Mõ tui cứ xin làm Mõ thôi. Thà cho bu cháu tắm ao còn hơn phải bó giò
ngồi vô cái bồn này.
Và đây, sau bao chặng được gian khổ, 3 chàng ngự lâm đã đến gần cực Bắc đất nước
– cột cờ Lũng Cú (cực Bắc cách đây 3 km, với 3 giờ đi bộ dành cho dân phượt
chính hiệu) (hình 1.8)
Từ chân cột cờ nhìn xuống thung lũng
xung quanh
Hồ nước tự nhiên mà dân bản địa gọi là mắt rồng
Đêm
kết thúc cuộc phượt với món thắng cố nấu vội khi các quái khách đặt hàng vào
phút chót nên miếng ruột ngựa dai hơn ống cao su làm cho 3 già vốn răng đã lung
lay chào thua tuyệt đối (Hình 1.9)
PTB: Hề hề hề, thua là
thua sế lào, nhai không được thì Mõ tui nuốt chửng chớ chả nhẽ bỏ phí của giời
sao???
Ngày cuối cùng, đi thăm phố cổ Đồng
Văn. Chợ Đồng Văn với sân khấu đắp nổi bức phù điêu thể hiện những nét đặc
trưng của vùng cao nguyên đá.
Dãy phố cổ của thị trấn Đồng Văn với
những căn nhà trình tường lợp ngói âm duong.
Toàn cảnh khu chợ.
Sông Nho Quế, dòng song có đoạn được
lấy làm biên giới giữa hai nước Việt – Trung nhìn từ lưng đèo Mã Pí lèng.
Đường đèo mã Pí lèng, nơi hàng ngàn công nhân đã làm
việc liên tục gần 4 năm trời để hoàn thành với muôn vàn khó khăn gian khổ. Con
đường này được gọi là con đường Hạnh phúc. Không biết vì nó mang lại hạnh phúc
cho người dân bản địa hay cho chính những người công nhân làm đường này…..
TTN: Mã Pì Lèng được dịch theo nghĩa đen chỉ sống
mũi con ngựa còn theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự nguy hiểm của đỉnh núi, nơi
những con ngựa leo lên dốc cao đến mức phải tắt thở L . Đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội
cảm tử của thanh niên xung phong treo mình trên vách núi lấn từng centimet để
làm trong 11 tháng. Ngoài ra còn 3 đèo khác nằm trong tứ đại mỹ đèo của Việt Nam: Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ
Nơi hiếm hoi trên đèo cho phép du
khách dừng chân ngắm cảnh , xả đồ dư và chụp hình.
Dòng sông Nho Quế cũng phải cõng
trên mình nó hai nhà máy thủy điện hạng lông.
Trên hình là đập ngăn dòng của nhà
máy thủy điện Nho Quế 1 đang được thi công.
Một khúc đường đèo mã Pí lèng.
Đoàn dừng chân ngắm cảnh mưu sinh liều
mạng của dân bản địa khi tranh nhau đi mót quặng thiếc từ đống xả thải hoàn thổ
của nhà máy tuyển quặng của Hàn quốc.
Một viên quặng được mót ra từ đống xả
thải hoàn thổ mà người dân đã liều mạng tìm kiếm.
Thông
tin PTB có được khi tốn một điếu thuốc mời anh chàng dân tộc chở con bằng xe
máy ngồi chờ đón vợ đang mót quặng ở triền núi bên kia suối L
Cần hiểu thêm rằng quặng thiếc thường
cộng sinh cùng các loại quặng chứa các kim loại hiếm và chứa chất phóng xạ như
Ce, U, Th, Po …..
Nhà nghỉ Nà mạ, nơi đoàn nghỉ lại tại
thị trấn Yên minh.
Phở Tráng Kìm, bánh phở được tráng và thái tại chỗ, du khách
hoàn toàn có thể tự mần nếu muốn dưới sự chỉ dẫn của thợ tráng bánh. Do đó có
thể đảm bảo rằng đủ độ tươi ngon và an toàn thực phẩm theo ý khách. Cách làm
này có nhẽ cũng chỉ có thể phù hợp với miền sơn cước này khi mà lượng khách du
lịch còn chưa quá nhiều.
F0 đã ăn cắp được công nghệ sản xuất bánh khi lượn ra lượn vào chờ phở bưng lên ;-)
F0 đã ăn cắp được công nghệ sản xuất bánh khi lượn ra lượn vào chờ phở bưng lên ;-)
Một tô phở bự này giá chỉ 25 ngàn đồng.
Thật là ngon bổ rẻ.
Thăm Núi đôi Quản bạ. Núi đôi nhìn từ
trạm vọng cảnh.
Được tẩm bổ quá nhiều với đủ loại thực phẩm chuyên dụng và
thuốc gia truyền nên PTB thể hiện bằng hành động vô thức (Hình 1.10) ;-)
PTB: Hề hề hề,
Tay này ví thử còn Ôm được ,
Thì sự “anh hùng” há bấy nhiêu…..
Dân
Việt đi tour kiểu gì cũng phải ghé chợ mua đồ trước khi về ;-)
Chỗ
này kẻ mua toàn là các bà các cô mặc dù người dùng sẽ là các ông (mấy chú người
dân tộc nháy mắt và trả lời “thứ này uống vào phiền nhiễu cả đêm” khi F0 hỏi
là cái gì) ;-)
Thấy
thiên hạ mua thì F0 và PTB cũng nhào vào bắt chước để về SG ngâm rượu, tuy
nhiên đến HN thì hai kẻ lười đẩy lại cho PTT ở HN và giao hẹn: muốn làm sao thì
làm miễn sau trăm ngày sau ra HN có 1 chai cầm về SG và sao cho “một người uống,
hai người khen” thì duyệt :-D. Kết quả nhận được qua ảnh sau 3 ngày
TTN: Cho các anh uống chỉ tố phí rượu J
Thị trấn Tân yên nhìn từ trạm vọng cảnh.
Sau khi mãn nhãn và mãn tâm với Núi đôi Quản bạ, đoàn lên đường về quê với tâm trạng ngổn ngang trăm mối. nào là sự luyến tiếc cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc, nào là những trăn trở về cuộc sống và con người tại nơi biên cuơng tổ quốc, Nào là những suy tư về nhân tình thế thái, về cuộc mưu sinh của mỗi người trong tương lai ..... Phải làm gì và làm như thế nào quả là câu hỏi không dễ có câu trả lời chung cho tất cả mọi người..
Chuyến Bắc phượt của 3 chàng trốn cọp thành công ngoài mong đợi. Những ai chưa từng trốn cọp hãy lấy đó làm gương và xin chớ học theo......
TTN: Trên đường về, 2 kẻ kia say xe (hay say gì ?) nằm còng queo. Có em chân dài quay ra nói chuyện với người hiền nhất bọn chỉ lo chụp ảnh “Các chú (Tại sao gọi anh bằng chú???) vui nhỉ, chí chóe nhau như vừa lên 10. Các chú làm nghề gì vậy?”. Thì bọn anh vẫn thế từ năm lên 10 mà, chơi với nhau mới có 46năm chứ mấy (hỏng bét, lộ bem thế này thì cháu phát hiện ra mất). Anh như thùng nước gạo kia làm nghề cơ khí, còn anh như dân xì ke kia làm nghề hóa, mà có khi hắn “chơi” hóa chất thay cỏ và đá nên hình dạng thế. Còn anh làm nghề điện. Bọn anh phải nói đủ mọi chuyện tào lao trên đời ngoại trừ nghề của mình, vì nói nghề của mình thì 1 kẻ nói – 2 kẻ nghe, không có cãi cọ - không vui.
PS: Đây chỉ là những tư liệu thô, không qua xử lý hình ảnh và ngôn từ.. Mong rằng người đọc sẽ bổ sung thêm nếu có thể. Phần chữ đỏ là do Mõ tui cơi nới trên bản gốc của anh HTC.
Anh hùng diệt phỉ là Sùng Dúng Lù ;-)
ReplyDeleteCó cái hình chụp tấm bia giới thiệu tiểu sử ông mà loay hoay hoài không chèn vào được. Dốt IT khổ thế đấy :-(
Hề hề hề, có cái gì thì quăng sang đây tui post giùm. Dâu diếm gì mà kỹ rứa.
DeleteAnh HTC và Anh PTB viết rất hóm hỉnh,
ReplyDeleteCác anh book tour nào đấy xin cho cả nhà biết thêm chi tiết về tour. Em sẽ chọn mùa tam giác mạch để đi ...
Tour đi Hà Giang chỉ khởi hành sáng thứ 6 (không kể các tour đặt riêng). Có loại 3 ngày 2 đêm và 4 ngày 3 đêm. Các chương trình trên mạng chỉ là đại lý. Công ty gốc có tel, anh TTN nắm. Nhưng hiện nay hắn đang đi ngắm đêm trắng (hy vọng kiếm được chân dài mũi dài ngắm cùng ;-)). Chịu khó liên hệ với hắn qua mail
ReplyDeleteEm đa đọc nhiều lần truyện: " Cuộc Chiến Đấu Bảo Vệ Đồng Văn". Thế mà chưa đi Đồng Văn bao giờ!
ReplyDeleteCác anh đi vui và kể chuyện hay quá!
ReplyDeleteHải vẫn còn nhớ láng máng và tìm lại được ngay câu anh Thái viết về núi đôi Quản bạ: "nâng đỡ kẻ yếu, trấn áp kẻ mạnh và uốn nắn kẻ lệch lạc" ;)
Không biết trong trường hợp anh PTB thì là gì: có lẽ là "lệch lạc", mất thăng bằng chăng?
Cái danh sách "4 cực, 2 điểm, 1 đỉnh” hay đấy ạ. Có lẽ phải "tag" vào mục "du lịch" để sau này quay lại tìm cho dễ.
Anh LVT cũng có một danh sách "ba tây" và hình như gì gì đó nữa mà chịu không tìm ra được.