Pages

Thursday, August 18, 2016

Công Cha - Nghĩa Mẹ!

Công cha như núi Thái Sơn  
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.



     Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Vu lan (chữ Hán: 盂蘭, bính âm: Zhōngyuán Jié; sa. ullambana), còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Trung Hoa.
Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào "tháng cô hồn" (tháng 7 âm lịch), người Trung Quốc và người Việt Nam theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện. 
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".[1]
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

Wikipedia



Nói tới lễ Vu Lan, hay còn gọi là lễ báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, tôi lại nhớ hình ảnh một người cha Xô Viết. Câu chuyện tôi đọc đã lâu lắm rồi ở đâu đó:


Vào năm 19891 tại Armenia có một trận động đất lớn(8,2 độ richter) đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn 30 ngàn người chỉ trong vòng bốn phút. Giữa khung cảnh hoảng loạn đó, một người cha vội chạy đến trường học mà con ông ta theo học ....toà nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn ,đổ nát...
Sau cơn sốc , ông nhớ lại lời hứa với con mình:"cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa , cha sẽ luôn ở bên con!" Và nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ nhìn vào đống đổ nát trước đây là trường học thì không còn hi vọng, nhưng trong đầu ông lại không thể xoá đi lời hứa với con, và ông đã hành động theo những gì mà trái tim ông mách bảo. Ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa con đi học mỗi ngày, ông nhớ rằng phòng học con trai mình ở phía bên phải của trường. Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới.


Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến, và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than: "Ôi, con trai tôi!", "Ôi, con gái tôi!" Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát, họ nói:
- Đã quá muộn rồi!
- Bọn trẻ đã chết rồi!
- Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu!
Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi: "Anh có giúp tôi không?" Và sau đó, với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới, tìm đứa con mình. Lúc này, có cả chỉ huy cứu hoả và ông này cũng cố sức đưa ông ra khỏi đống đổ nát:
- Xung quanh đây đều đang cháy và các toà nhà đang sụp đổ. Ông đang ở trong vòng nguy hiểm.Chúng tôi sẽ lo mọi việc, ông hãy về nhà đi!
Người đàn ông chỉ hỏi lại : "Ông có giúp tôi không?"
Sau đó là những người cảnh sát, họ cũng cố thuyết phục ông:
- Mọi việc đã kết thúc, ông có hiểu không? Ông đang gây nguy hiểm cho chúng tôi đấy, ông hãy về đi!
Đó là việc tốt nhất ông có thể làm lúc này đấy!
Và với cả họ, ông cũng chỉ hỏi: "Các anh có giúp tôi không?" Nhưng một lần nữa, ông cũng chỉ nhận được sự từ chối! Ông lại tiêp tục một mình vì ông hiểu rằng ông phải tự mình thực hiện lời hứa với con, dù con ông còn sống hay đã mất!
Ông đào tiếp...12 giờ ...24 giờ... mảng tường cuối cùng được lật ra, dây thần kinh ông lúc nay dường như đang căng ra, ông đang chờ đợi điều xấu nhất...Ông nghe tiếng con trai mình! Ông gọi lớn tên con: "Armand!" Tim ông như ngừng đập khi :
- Cha ơi, con đây! 




Và với một giọng tự hào, cậu bé bảo:
- Con đã nói với các bạn là đừng sợ vì nếu cha còn sống, cha sẽ cứu con! Và khi cha đã cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng luôn ở bên con, cha còn nhớ không? Và cha đã thực hiện được điều đó!
- Cha luôn ở bên con, con ạ! Nhưng cha muốn biết ở đó sao rồi?
-Tụi con còn lại 14 trên 33 cha ạ! Tụi con sợ lắm, đói, khát...nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở đây, cha sẽ cứu bọn con, phải không cha?
- Ra đây đi con!
- Khoan đã cha! Để các bạn ra trước, con biết rằng cha sẽ không bỏ rơi con. Có chuyên gì xảy ra con cũng biết rằng cha luôn bên cạnh con .
Một cách tin tưởng, cậu bé nói với cha!

1-Nhiều tài liệu nói trận động đất này xảy ra vào 7-12-1988. Có tài liệu còn nói rõ lúc 7 giờ 41 phút ngày 7-12-1988



Tuy nhiên lễ Vu Lan là báo hiếu cha mẹ, nói đến người cha đáng kính rồi, không thể quên chuyện về người mẹ!
Trong Kinh Thánh và Kinh Phật đều có chuyện kể về đứa con hư, hình như cả hai câu chuyện này đều nhằm mục đích tôn vinh “Người Cha Nhân Từ”. Nhưng đã có người nhận ra được hình ảnh của “Người Mẹ” trong hai câu chuyện ngụ ngôn này...mặc dù trong cả hai câu chuyện không có lấy một từ “Mẹ”?!!!
Kinh Thánh Tân Ước có chuyện “Đứa Con Hoang Đàng”, Kinh Pháp Hoa nhà Phật (Còn gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) cũng có chuyện tương tự, là chuyện “Đứa Con Nghèo Khó”. Cả hai đứa con hư này đều bỏ nhà ra đi và cả hai cùng trở về nhà. Tuy mỗi đứa một cách, nhưng cả hai đều trở về trong cảnh bần cùng và được những “Người Cha Nhân Từ” đón trong vòng tay yêu thương. 


Tại một viện nghiên cứu có người đã đặt ra câu hỏi:
- Trong hai bức tranh gia đình này, người con trẻ tuổi kiêu ngạo, tự cao tự đại dẫn đến bỏ nhà ra đi..., người cha thì nhân ái, người đày tớ thì tận tụy...nhưng tại sao không thấy nói gì về người mẹ nhỉ? Trong cả Kinh Tân Ước lẫn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều không thấy nói gì về người mẹ của những đứa con hư...Người mẹ ở đâu nhỉ?
Có người cho rằng đó là vì các tôn giáo thường đề cao người đàn ông, có người thì cho rằng cách đây 2000 năm ai thèm quan tâm đến đàn bà cơ chứ... Nhưng người khác lại bắt bẻ, nếu như không coi trọng đàn bà thì tại sao người ta lại thờ Đức Mẹ?....Chẳng ai chịu ai....
Chỉ đến khi, ông Viện Trưởng đầy uy tín phát biểu, thì mọi người mới ồ lên, hiểu ra được cốt lõi của vấn đề. Ông Viện Trưởng đáng kính đã trả lời cho mọi người bằng một câu hỏi như sau:
- Nếu như những đứa con hoang đàng ấy còn có mẹ, thì liệu chúng có bỏ nhà ra đi như thế không?

4 comments:

  1. Ơn cha, nghĩa mẹ không gì sánh bằng. Mẹ mang nặng, đẻ đau, ôm ấp thương yêu: " Những khi trái gió trỡ trời
    Em ho là mẹ đứng ngồi không yên
    Tìm thầy lo chạy thuốc thang
    Vì em săn sóc ngày đêm nhọc nhằn
    Hết đấm bóp, lại thoa chân
    Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành
    Em ho ngực mẹ tan tành
    Em sốt lòng mẹ như bình nước sôi...
    .......,"
    Con lớn lên trong nghĩa tình ba mẹ, tựa non cao như suối nguồn chảy ra...con dù lớn như thế nào đi nữa thì dưới mắt mẹ con vẫn luôn là đứa trẻ...Con muốn được sà vào lòng mẹ quá Mẹ ơi! Nhưng mẹ đã không còn nữa.. Đọc bài của Minh viết chị rất thích

    ReplyDelete
  2. Công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ dành cho con thì người con nào biết suy nghĩ cũng hiểu. Sinh con ra, bậc cha mẹ nào cũng mong cho con mình khỏe mạnh, ngoan và tài giỏi. Đúng là khi có con mới thấy hết những vất vả nhọc nhằn của bố mẹ. Nhưng có 1 điều thật trớ trêu rằng: Hình như chúng ta phần lớn thời gian, công sức...là dành cho con. Người ta vẫn vảo nước mắt chảy xuôi! Cuộc sông hiện đại, ngày càng có nhiều GĐ con cái và bố mẹ ở riêng. Những bộ bề lo toan của cuộc sống để ta chỉ quýnh quáng về thăm và mua cho cái nọ, cái kia, thế cũng gọi là có hiếu rồi. Bố mẹ già, không ở bên cạnh ta là bao nhiêu lâu nữa nhưng nhiều khi ta chẳng quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống tình cảm của bố mẹ già. Con với những GĐ ở chung: Con cái đi suốt ngày với nhiều lo toan và những thú vui bên ngoài, bố mẹ già ở nhà đơn giản là chờ bữa cơm để quây quần con, cháu cũng khó. Và những bữa cơm quýnh quáng; Những câu chuyện ờ ngoài XH mà người già không tham gia vào câu chuyện được...Họ cô đơn bên cạnh con cháu và cô đơn trong ngôi nhà của mình. Biết vậy và rồi chợt nghĩ...Rồi đến lúc mình GIÀ!

    ReplyDelete
  3. Người có hiếu thì thật là tuyệt vời! Nhưng vừa trung, lại vừa hiếu lại còn hay hơn: Nước Thục có một người nổi tiếng là thẳng thắn. Bố anh ta bắt trộm con dê, anh ta đi báo với quan phủ. Quan phủ bắt bố anh ta kết tội và chém đầu. Lúc bố sắp bị chém, thì anh ta tâu với quan phủ :
    - Tôi xin thế mạng chết thay cho bố tôi.
    Quan phủ đồng ý lời thỉnh cầu của anh ta. lúc sắp bị chém đầu anh ta trình với quan phủ :
    - Bố tôi bắt trộm dê, tôi báo quan phủ, điều đó nói rằng tôi vô cùng kính tính quan phủ. Bố tôi bị tội, tôi thay bố tôi chịu tội điều đó nói lên tôi là người nhất mực hiếu thuận. Một người vừa trung vừa hiếu mà bị đem hành hình, thì cả nước này biết bao nhiêu người cũng bị hành hình.
    - Vua nước Thục biết chuyện này liền ra lệnh tha cho anh ta.

    ReplyDelete
  4. "Trung" hay thì hay chứ trong trường hợp này thì khó quá A ạ. Thế nếu ông Quan Phủ kia không cho mình có cơ hội để thể hiện chữ "Hiếu" mà "Hành" luôn bố mình, thì tính sao? Còn nếu cho mình chịu tội thay bố thì con mình ai nuôi; Bố mẹ già ai chăm? Mặt khác, chết vì cái tội này thì thật lãng xẹt. Nếu là E: Thôi đã trót bắt trộm rồi thì gặp nhà chủ mà trả lại và hứa không tái phạm chứ không cần phải "Trung" đến thế. Nhiều khi thật thà quá cũng không tốt. Thật thà hư!

    ReplyDelete