Pages

Monday, April 29, 2013

Chém gió Đông Tây về Bóng đá

Tái hiện Xích Bích ở Allianz Arena

Nguyễn Việt Hà
15:55 | 24/04/2013
|

Đã từ lâu, trận đại chiến Xích Bích đã trở thành một thứ kinh điển mang tầm nhân loại trong nghệ thuật đối chiến. Và một lần nữa, rạng sáng nay, cái chất Xích Bích ấy lại nóng bỏng tái hiện trong cuộc đọ sức Bayern- Barca.

robben-jpg-1366791484-1366792338_500x0.j
Trước giờ bóng lăn, chỉ có nằm mơ người ta mới nghĩ Bayern thắng Barca đến 4-0.
Nói theo ngôn từ khẩu văn mang xuất xứ từ tiểu thuyết "Tam Quốc" thì Barca chính là trăm vạn quân Tào. Cái đội quân đấy có thanh thế cực lớn trước khi hùng hổ tiến xuống Giang Đông. Khi lá thăm bán kết cho Bayern gặp Barca thì hầu như tất thẩy các phương tiện truyền thông đều run rẩy khuyếch trương sức mạnh của những người xứ Catalan. Và điều ấy không ngoa. Bởi vừa đấy thôi, trận lượt về vòng 1/16, Barca tận diệt AC Milan với tỉ số kinh hoàng 4-0. Nếu các sử gia "Tam Quốc" còn sống thì sẽ cho đây là trận Tào Tháo đánh Tân Dã, chiếm Phàn Thành đuổi quân Lưu Bị chạy như vịt. Tiếp đến 2 trận tứ kết gặp Paris St.Germain, tuy Barca có vất vả hơn nhưng lại mang vẻ lão luyện hơn, rầm rộ đàng hoàng vào bán kết. Và nó chẳng khác gì Tào Tháo bình định xong cả dải Kinh Châu, mở toang cánh cửa xuống Giang Đông, ôm mộng thống nhất thiên hạ. Không phải ngẫu nhiên mà quần hùng hai đạo Hắc Bạch nghìn nghịt xếp hàng đôi trước cửa nhà cái xuống tiền dồn cho Barca vô địch. Bất hạnh thay cho đám đông nồng nhiệt này, có lẽ bọn họ chưa kịp đọc sử liệu hoặc chưa kịp xem phim "Xích Bích" (hơi sến một tý) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm.
Bởi ở trận đại chiến trên sân Allianz Arena sáng nay đã xuất hiện chiến lược gia Chu Du, đó chính là huấn luyện viên người Đức Jupp Heynkes. Về mặt thuần túy chiến thuật, có thể nói trận đại thắng Xích Bích là công lao của riêng Chu Công Cẩn. Robben là Chu Thái tả xung hữu đột. Ribery là Hoàng Cái quần quật khổ công. Schweinsteiger là điềm tĩnh Trình Phổ. Và nhất là Thomas Mueller, anh là hội tụ phẩm chất của một loạt tinh hoa danh tướng Đông Ngô, những Cam Ninh, Hám Trạch, Từ Thịnh, Đinh Phụng. Lâu lắm rồi mới thấy Mueller chơi hay như vậy. Chuyện anh ghi được hai bàn là chuyện tất yếu. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là dấu ấn của chiến lược gia Heynkes. Ông đã cho cả thế giới thấy Barca vẫn chỉ là đội bóng của hành tinh này, Messi vẫn chỉ là một công dân lương thiện bình thường người Argentina. Với tỷ số 4-0, coi như Bayern đã vào chung kết. Trước trận chiến, Jupp Heynkes kiêu bạc giản dị nói "Khi báo chí Đức đều nói tôi phải gọi cho Pep để xin lời khuyên thì tôi xem đó là hành động thiếu tôn trọng tôi và Pep. Tôi biết rõ Barca, tôi biết rõ bóng đá Tây Ban Nha như Bayern của mình vậy, vì thế tôi không cần sự giúp đỡ của Pep". (theo AS). Biết người biết ta, đó là phẩm chất thượng thặng của những chiến binh vĩ đại.
Nhân đây cũng nhắc qua vai trò của Guardiola, người mà ở trận đại chiến lịch sử này suýt nữa được vinh dự vào vai Gia Cát Lượng. Đúng như chính sử  chép thì vị  trí của Gia Cát Khổng Minh ở Xích Bích cũng chẳng có gì quá đặc biệt. Những thứ kiểu như "cầu gọi gió Đông" hoàn toàn chỉ là sản phẩm "chém gió" của cơ quan tuyên truyền nhà Thục. Chẳng biết rồi đây Pep có huyênh hoang đi kể công giống Khổng Minh không. Và nếu có nhỡ mồm kể thì chắc chắn sẽ bị đối thủ vạch trần. Bởi về sau, cứ khi ra trận đối địch với quân Tào, thì Khổng Minh luôn nỏ mồm kể "chúng mày có nhớ trận Xích Bích chưa". Viên tướng bên kia bèn mắng luôn "Đấy là công của Chu Du chứ mày thì dính dáng gì". Hy vọng rằng Pep là người Tây không có tính hay nhận xằng của người Tàu.
Bayern Munich đang có phong độ huy hoàng của Đông Ngô thời đỉnh cao. Có điều họ vô địch được cup C1 hay không lại là chuyện khác, vì Đông Ngô sau khi mất Chu Du chỉ còn là một thứ nhược quốc. Mùa hè này Heynkes đã đi. Trời cao thật bất công khi để Chu Công Cẩn mất ở tuổi 36. Thế nhưng chắc chắn mạng vận của Jupp Heynkes không đến nỗi đen đủi như vậy, bởi hai điều. Bóng đá không bao giờ là chiến tranh, và người tình của Jupp nếu chỉ nhìn qua ảnh thì nhan sắc thua xa thiên hạ tuyệt đại mỹ nhân Tiểu Kiều.

5 comments:

  1. Hai bài "chém gió" Bóng đá thời Tam quốc của Nguyễn Việt Hà trên TTVH buồn cừoi té ghé

    Lửa Hào Đình lại cháy ở sân Signal Iduna Park
    Tái hiện Xích Bích ở Allianz Arena

    ReplyDelete
  2. Link

    http://m.vnexpress.net/thethao/bongdaquocte/lua-hao-dinh-lai-chay-o-san-signal-iduna-park/2663222/p0

    ReplyDelete
  3. Báo Thể thao văn hóa là báo cập nhật thông tin nhanh nhất về bóng đá và có nhiều bài viết bình luận có chất lượng. CT thường xem báo này hàng... giờ.
    Cách ví von của bài viết khá thành công, tuy nhiên bóng đá lại có 02 trận lượt đi- lượt về, nên ví Arena là Xích Bích thì sân Nou Cam sẽ là gì? Barca thi đấu nhạt nhòa cả hai trận này và chịu thua với tỷ số kỷ lục của vòng bán kết (thua 0-7). Điều này khiến bao con tim "tan vỡ" theo "đội bóng ngoài hành tinh" này. Trận lượt về trên sân Nou Cam thể hiện sự hèn nhát đến kinh ngạc của HLV Tito Vilanova, không dám cho Messi thay người, chắc là để giữ chút hy vọng về sức mạnh của Barca khi có Messi. Thế nhưng hành động này chẳng khác gì "cởi truồng mà lấy tay che mặt" cả, những điểm yếu của Barca đã bộc lộ hết, khiến HLV này che thế nào cũng hở.
    Không hiểu TN có tìm được trong Tam Quốc "sự kiện" nào tương xứng với "hành động" này không? :-))

    ReplyDelete
  4. Anh Thành bình luận trực tiếp trên TTVH online thì có thể tác giả Việt Hà trả lời trực tuyến. Ông nhà văn này chuyên lôi "điển cố" Tam quốc ra để viết ... Tạp văn một cách hài hước. Ví dụ gọi Ronaldo là Nguỵ Diên, ...
    Ledowanski là Lục Tốn ... :-)))
    Kể ra cũng là lạ ... !

    ReplyDelete
  5. He he, lại có bài ví von nữa trên bongda+ http://bongdaplus.vn/Champions-League/Lang-kinh-Tai-sao-lai-chi-trich-Vilanova/91000.bbd

    1. Tiếu ngạo giang hồ là một trong những tác phẩm hay nhất của Kim Dung. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Xung Hư đạo trưởng của phái Võ Đang là một trong những nhân vật được yêu mến nhất. Về võ công, ông đã luyện Thái cực quyền và Thái cực kiếm đến xuất thần nhập hóa. Về tính cách, ông là người nhân ái và tinh tế.

    Nhắc đến Xung Hư tất nhiên là phải nói đến 2 đoạn tỷ kiếm với Lệnh Hồ Xung. Lần đầu khi Lệnh Hồ Xung dẫn quần hùng lên Thiếu Lâm Tự để giải cứu Nhậm Doanh Doanh, Xung Hư đã giả làm một người nông phu bình thường tỷ kiếm với chàng. Lần thứ hai ở chính Thiếu Lâm Tự, khi ấy ông lấy thân phận của chưởng môn phái Võ Đương ra so tài.

    Lần thứ nhất, Lệnh Hồ Xung suýt nữa bại trận, nhưng chàng đã liều mạng đánh vào chỗ sơ hở của Thái cực kiếm và giành thắng lợi. Xung Hư rất khâm phục tài nghệ của chàng. Lần gặp thứ hai ở Thiếu Lâm Tự, Xung Hư không dùng kiếm. Ông chỉ đứng ngơ ngẩn xuất thần, suy nghĩ một hồi lâu và tuyên bố thua cuộc bởi có đánh tiếp thì vẫn sẽ bại dưới Độc cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung. Nhậm Ngã Hành ban đầu chỉ khâm phục Xung Hư một nửa đã chuyển sang khâm phục... 3/4.


    Tuy nhiên Xung Hư không rút kiếm đấu Lệnh Hồ Xung là để giữ ... danh dự cho mình, còn Tito không rút kiếm (không cho Messi vào sân) là để giữ danh dự ... cho kiếm (Messi). :-))

    ReplyDelete