Pages

Tuesday, April 30, 2013

Dấu trong tiếng Việt

Chào ACE,
Vừa đi Mộc châu về. Đọc thư các bạn trao đổi nên nhớ lời hứa và bây giờ viết thêm về chủ đề dấu trong tiếng Việt.


Trước hết chúng ta nên đặt một số điểm xuất phát (gọi là tiên đề thì hơi quá) để bàn nhé:

1. Chữ Quốc ngữ là sự sáng tạo của một số nhà truyền giáo khi họ tới nước ta với mục đích mở rộng ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa. Việc này đòi hỏi phải có một phương tiện giao tiếp để có thể truyền đạt, lôi kéo người dân bản xứ theo đức tin của họ.
Dân bản xứ nói chung có trình độ học vấn thấp (năm 1945 còn trên 95% dân số VN mù chữ), khó lòng (và cũng không có mục tiêu cần học ngọai ngữ như mục tiêu rõ ràng đặt ra cho các nhà truyền giáo) có thể học được ngọai ngữ vốn không hề quen thuộc với họ. Vì thế việc học ngôn ngữ bản xứ là giải pháp để các nhà truyền giáo thực hiện thiên sứ của mình. Ở thời điểm xuất phát, cách học truyền khẩu là cách nhanh nhất (trẻ con cũng học nói theo cách này mà không có khái niệm chữ viết).


2. Chữ Quốc ngữ có trước khi máy tính ra đời. Chữ viết liên quan tới nhiều ngành khoa học khác nhau trong đó có khoa học máy tính, một ngành mới xuất hiện (sau chữ viết rất nhiều) nhưng lại có nhiều mối ràng buộc với ngôn ngữ. Không chỉ có chữ Quốc ngữ của chúng ta mới có những hiện tượng bất cập do nó gây ra cho ngành KHMT mà còn nhiều ngôn ngữ khác cũng vậy. Không nên vì lợi ích của một ngành mà phủ nhận các ngành khoa học khác liên quan đến ngôn ngữ (thực chất Ngôn ngữ học là một nhánh của ngành Tín hiệu học - Semiotics - cơ sở của nhiều ngành khoa học trong đó có KHMT).

3. Cách hình thành chữ viết cho các dân tộc thiểu số hiện nay cũng bắt trước các nhà truyền giáo ngày xưa khi các nhà ngôn ngữ học VN được trang bị đủ các kiến thức như họ.


Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với chủ đề dấu của tiếng Việt.

Về luận điểm 1.
Theo luận điểm này thì chữ Quốc ngữ là hoàn toàn vay mượn vì vậy nó không có cội nguồn nào từ tiếng Việt. Thế thì sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của nó diến ra như thế nào để đến nay chúng ta gọi nó là chữ Quốc ngữ? Như tôi đã nói, động lực thúc đẩy sự hình thành chữ Quốc ngữ chính là nhu cầu học tiếng Việt của các nhà truyền giáo. Ở thời điểm đó, trên đất nước ta đã có chữ Nôm (ngay cả chữ Nôm cũng là sự vay mượn). Họ có thể học chữ Nôm để phục vụ sứ mệnh của mình. Nhưng đa số dân ta đều không biết chữ Nôm nên lựa chọn đó là đi đường vòng và đồng nghĩa với việc cần xóa mù chữ Nôm cho dân Việt trước khi muốn truyền giáo. Cái này khó hơn rất nhiều lần và làm cho thiên sứ của họ trở nên không khả thi (để chữ Quốc ngữ được chấp nhận như hiện nay cũng phải mất ngót nghét 200 năm kể từ khi nó ra đời). Và các nhà truyền giáo đã lựa chọn cách đi dễ ràng hơn là học truyền khẩu để có thể nhanh chóng hội nhập với dân. Từ đó họ có nhu cấu ký âm lại các câu từ học được bằng một hệ thống ký hiệu nào đó mà họ có thể làm chủ được để sau này nhắc lại một cách chính xác (nó cũng tương tự như ký-xướng âm trong âm nhạc vậy). Việc chọn hệ thống ký hiệu Latinh để ký âm là một lựa chọn rất tự nhiên với một số mở rộng như chúng ta đã có hiện nay. Vì hệ thống đó không gắn gì với tiếng Việt nên nó không nhằm mục tiêu biểu diễn ngữ nghĩa (mang thông tin ngữ nghĩa) mà chỉ thuần túy biểu diễn âm thanh của các từ hay chuỗi âm thanh của các câu trong tiếng Việt. Như vậy chúng chỉ có chung với tiếng Việt phần ngữ âm và phải tuân thủ các quy tắc ngữ âm (khoa học nghiên cứu cơ chế hình thành các âm trong ngôn ngữ tự nhiên) để bảo đảm có thể khôi phục được âm thanh ban đầu một cách trung thực từ bản ký âm có được. Chúng ta là người Việt nên chúng ta có "bộ nhớ âm thanh" tiếng mẹ đẻ rất chuẩn nên chúng ta có thể "sửa sai" các lỗi ký âm (viết dấu không đúng chỗ) nhưng đối với người nước ngoài học tiếng Việt (kể cả các nhà truyền giáo) thì khả năng này hầu như không có ở giai đoạn tập phát âm, giai đoạn quan trọng bậc nhất để có thể diễn đạt được bằng lời nói sau này. Bản thân chúng ta khi học ngoại ngữ cũng hiểu rất rõ điều này. Như vậy khi mới hình thành, các dấu được bổ xung vào hệ thống ký tự Latinh để tạo nên chữ Quốc ngữ chính là để phục vụ mục đích ký âm cho chính xác nhất các âm thanh đặc thù của tiếng Việt phục vụ cho người học tiếng Việt như ngoại ngữ. Quá trình hình thành âm thanh diễn ra như sau:
Chúng ta đọc bằng mắt từ trái qua phải. Hình ảnh mỗi ký tự sẽ được truyền lên não và sẽ tạo ra các tín hiệu thần kinh truyền đến điều khiển các cơ của vocal tract hoạt động tạo nên hình dạng của vocal tract phù hợp để phát ra được âm thanh mong muốn. Quá trình này chỉ theo hướng tiến (forward) chứ không có quay lui (backward). Và như thư trước tôi đã trao đổi, vocal tract thay đổi hình dạng liên tục chứ không dật cục. Cấu trúc mỗi nguyên âm thường bao gồm âm đầu, âm chính và âm kết thúc. Âm đầu tương ứng với hình vị khi bắt đầu của âm. Từ hình vị này, vocal tract chuyển dần sang hình vị của âm chính rồi tới âm kết thúc. Để phân tích rõ hơn các ban tự thử phát âm những ví dụ mà tôi và các bạn đã đưa ra để tranh luận:

Chữ "coóng" đúng là không phải từ Việt gốc nhưng chúng ta vẫn phải làm sao ký âm được nó để sử dụng lại khi nói. Các bạn hãy đọc thong thả theo 2 kiểu như sau: "co"+"óng". Khi đọc theo cách này sau phần "co" thì miệng ta vẫn mở và vocal tract thông từ trong phổi ra tời miệng và rất dể phát âm tiếp "óng" bằng biệc đẩy lưỡi lên cao vè phía vòm khoang miệng. Khi đó âm thanh nhận được sẽ rất giống với âm "coóng" ma chúng ta vân đọc khi gặp từ này. Đọc nhanh sẽ đúng.
      Nhưng nếu chúng ta phát âm theo kiểu "có"+"ong" sẻ thấy không phải như mong muốn.
      Như chữ "Huế". Nếu ta đọc "hu"+"ế" sẽ ra « Huế »  còn "hú"+"ê" thì không.
Thứ hai là TN thắc mắc sao đã có "cac" mà còn đưa ra "các" hay "it" còn đưa ra "ít". Thực chất âm các "ac" và âm "it" không tồn tại trong tiếng Việt. TN tra từ điển để hiểu không có sự kết họp "a" với "c" và "i" với "t". trong tiếng Việt. Chỉ có "á" và "ạ" la kết hợp với "c". Cũng tương tự, chỉ có "í" và "ị" kết hợp với "t". Nếu tách ra để phát âm như kiểu trên, ta sẽ có "a"+"c" và không thể phát âm thành một âm được. Trong lúc tập đánh vần, chúng ta được dạy "A cờ ác sắc ác". Bản thân cách đánh vần như vậy là vi phạm quy tắc phát âm và chỉ là cách để dạy trẻ con viết chính tả cho đúng.

Về luận điểm này, nếu trình bày cho đầy đủ sẽ rất dài. Ai đã từng làm việc trên máy phân tích âm thì sẽ thấy hình ảnh phân tích từng âm tiếng Việt phản ánh rất rõ tại sao cần bỏ dấu vào ký tự nào.

Có giai đoạn các nhà ngôn ngữ đơn giản hóa vấn đề nên quy định lại cách viết chính tả của tiếng Việt. Ví dụ như bỏ dấu vào nguyên âm đầu cho dễ hoặc bỏ vào nguyên âm giữa cho cân đối… Tôi nghĩ đấy là sự cải tiến không mang tính khoa học (bỏ ngữ âm). Mà ở nước ta thì nhiều khi đấy chỉ là "phụ họa" theo ý kiến của những nhân vật có ảnh hưởng mà thôi????? Có chuyện tiếu lâm thế này: Một lần Bác Hồ đến thăm trường Y tại Việt Bắc. Bác thắc mắc tại sao trường Y lại đào tạo dài hơn các trường khác 1 năm (thành 6 năm). Các GS lúng túng không giải thích được. Bác gỡ bí và giải thích "Vì Ytế la i dài nên phải học lâu hơn".

Về luận điểm thứ 2.
Ngôn ngữ là cái có trước KHMT nên có thể gây ra nhiều phiền phức khi áp dụng máy tính để xử lý các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ. Việc đưa ra bộ gõ nọ, bộ gõ kia cũng chỉ là làm công cụ để ký âm thôi. Nếu ký âm theo kiểu telex thì các dấu sẽ được đặt vào cuối từ. Cách này tao thuận lợi cho xử lý bằng máy tính nhưng lại phản lại cách đọc tuyến tính từ trái qua phải của con người. Và như vậy khi dọc sẽ xuất hiện nhu cầu backward khi gặp dấu. Điều này chắc gây phiền hà rất nhiều cho người đọc nên thực tế đã không được sử dụng để làm văn bản. Lối thoát tôi nghĩ cũng đơn giản là làm các bộ tiền xử lý để trao đổi văn bản hai chiều với máy tính thật tiện lợi là được. Như anh Q. Ngọc viết driver cho máy in kim ngày xưa.

Về  luận điểm 3.
VH có nhắc đến anh Ngô Trung Việt. Thực chất anh Việt chỉ làm bộ gõ cho một số thứ tiếng dân tộc thôi. Còn chữ viết thì do các nhà ngôn ngữ xây dựng và cách làm rất tuân thủ quy tắc ký âm như bọn truyền giáo.
Trao đổi cho vui diễn đàn. Ai thấy vô lý thì tiếp tục ném đã cho sôi nổi nhé.

Chúc mọi người nghỉ lễ vui vẻ.
Nguyễn Minh Hải

1 comment:

  1. Xin được đăng lại bài viết rất hay, chứa đựng rất nhiều thông tin và thậm chí cả tâm huyết của anh NM Hải. Hy vọng là anh NMH không phản đối đòi giữ bản quyền và bắt đem xuống, dỡ khỏi blog iCVA.

    Cũng may mà người ta chưa theo một số đề nghị xuẩn ngốc của ai đó, dùng Telex notation để thay cho dấu trong tiếng Việt. Không thì tên của anh Hải và của mình sẽ thành Hair:

    Good morning, Mr Hair ;)

    Quả thực là cũng có lúc mình đã cân nhắc xem nên lấy tên Mỹ là gì: Vincent hay là Harry ;)

    ReplyDelete