Pages

Wednesday, August 14, 2013

Lan man về ... tiếng Nhật

suki desu
"Kanguru" và "Kangaroo"

Bạn Trần Quang Minh vừa mới kể một chuyện vui  liên quan đến chữ "kangaroo" trong đó có đoạn một "bác nông dân" hỏi xỏ một nhà "bác học", một người hay lên mặt khoe khoang ai cũng chê là dốt và đặc biệt là rất sính nói tiếng ngoại quốc. (Nghe sao phảng phất giống một tay "Vịt cừu" nào đó thế!)

Câu hỏi của bác nông dân là:
"Con gì đi lên núi bằng 5 chân, xuống núi bằng 3 chân, ngủ bằng 4 chân?"

Đáp án của bác ta là: "Kangaroo", mà theo tiếng địa phương (ở đâu không quan trọng lắm) nghĩa là "Tôi không biết".

Thú vị là ở chỗ đây có thể là một chuyện hoàn toàn có thật. Vì chữ "kanguru" trong tiếng Nhật "勘ぐる" có nghĩa là "second guess", dịch sát nghĩa là "đoán lần thứ hai"[1]. Tất nhiên là tôi không biết tiếng Nhật, chỉ nghe người ta nói thế thì biết thế thôi.

Hóa ra là tôi đã nhớ nhầm, đánh lộn chữ "kanguru" và "kangaroo". Hai chữ phát âm không khác nhau lắm, ít ra là đối với tôi! Thực ra thì câu chuyện về cái tên "kangaroo" là một huyền thoại về thuyền trưởng, nhà thám hiểm người Anh James Cook. Ông được coi là người châu Âu đầu tiên đã đặt chân lên xứ Australia và quần đảo Hawaii.

"đi lên núi bằng 5 chân, xuống núi
bằng 3 chân, ngủ bằng 4 chân?"
Nguyên văn câu chuyện là như thế này:
Khi Cook và nhà tự nhiên học Sir Joseph Banks đang khảo sát thám hiểm quanh vùng thì nhìn thấy một con vật lạ lùng. Họ liền hỏi một người dân bản địa "Cái gì đấy?" thì được đáp lại là "kangaroo" mà theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là "Tôi không hiểu ông nói gì". Vì cũng không hiểu tiếng địa phương cho nên Cook cho rằng đó là tên của con vật kỳ lạ này. Thế là lần đầu tiên cái tên "kangaroo" đã được ghi lại trong cuốn nhật ký của Joseph Banks. Về sau này từ "kangaroos" cũng được ghi lại trong nhật ký của Cook.[2]

Tuy câu chuyện nghe rất là khôi hài nhưng về sau đã được một nhà ngôn ngữ học tên là  John B. Haviland kiểm chứng lại qua nghiên cứu so sánh với ngôn ngữ địa phương là không đúng. Cái tên "kangaroo" xuất phát từ chữ "gangurru" trong ngôn ngữ  Guugu Yimithirr để chỉ loài chuột túi màu xám[2].

Nếu mọi người xem kỹ bức ảnh ở trên và ngẫm nghĩ thì sẽ thấy câu trả lời cho câu hỏi "con gì ..." thực ra đúng là "kangaroo" (chú ý cái đuôi ;)


Cái giá của sự khoe khoang, sính nói (đệm) chữ ngoại

Quay lại chuyện học tiếng nước ngoài, mà cụ thể ở đây là học tiếng Nhật. Tuy tôi không biết tiếng Nhật nhưng cũng muốn học lỏm vài câu vì có nhiều dịp tiếp xúc với người Nhật. Hồi mới làm bài xong khi đi thực tập trong phòng thí nghiệm của tôi có một ông giáo sư người Nhật, khách mời của ông boss của tôi. Thỉnh thoảng bọn sinh viên và thực tập sinh trong Lab mới có dịp nói chuyện với ông giáo sư này. Đến lúc hơi quen một chút bọn tôi tò mò học hỏi được vài câu tiếng Nhật. Mục đích là chỉ cần học vài câu để không đến nỗi bị chết đói trên đất Nhật. Những câu cơ bản đầu tiên tất nhiên là chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi.

Hồi con trẻ tính ai mà chẳng bắng nhắng. Vì thế tất nhiên tiếp sau đó bọn tôi hỏi giáo sư xem nếu muốn nói "Anh yêu em" bằng tiếng Nhật thì nói như  thế nào. Tự nhiên ông im lặng một lúc và chậm rãi bảo: "Câu này trong tiếng Nhật khó nói lắm."

Cả bọn nằng nặc cứ đòi học cho bằng được. Mãi sau ông giáo sư mới giải thích thêm: "Có nhiều cách nói, nhưng không có cách nào dễ cả". Ví dụ "I love you" có thể nói như thế này:
a.) "Watashi wa anata o aishite"
Dài quá! Nghe xong sợ toát mồ hôi hột luôn. Tôi liền hỏi, thôi thì chỉ nói ngắn mấy từ đầu hoặc cuối có được không?

Okay, ông giáo sư tiếp tục, nếu chỉ muốn nói "I love" thì nói thế này:
b.) "Watashi wa aishimasu"
Tôi nghe xong lẩm bẩm tập mãi mà thấy ông thầy và bọn xung quanh vẫn lắc đầu quầy quậy. Tôi phàn nàn là vẫn thấy câu này dài dòng văn tự, khó nói. Chẳng bù cho tiếng Ý, chỉ một câu rất ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm: "Ti amo".

Ông giáo sư vẫn rất kiên nhẫn bảo tôi và các bạn, nếu muốn nói thật ngắn gọn thì có thể nói theo cách sau, vừa nói ông vừa viết ra giấy phiên âm latin của câu này:
c.) "Ai shite"[3]
Nghe ông nói và nhìn dòng chữ vừa được viết ra cả bọn lặng người. Quả là tiếng Nhật học khó thật.

Ai cũng thích gây ấn tượng đầu tiên thật tốt. Ai cũng thích giành được sự chú ý của của những người mới gặp, mới quen. Nhưng nhiều khi một điều quan trọng hơn cả là phải cẩn thận, cư xử cho đúng mực. Nếu không có thể bị ăn tát như chơi.

Ai thích học mấy câu tiếng Nhật ...

Có thể nhấn vào các đường link dưới đây để nghe phát âm
1.) Chào:  Kon'nichiwa
2.) Cảm ơn: Arigato
3.) Xin lỗi: Sumimasen
4.) Anh yêu em: Watashi wa anata o aishite
5.) Watashi wa aishimasu
6.) Ai shite[3]

Tôi đã nói trước rồi đấy nhé. Tôi không biết tiếng Nhật, chỉ nhớ lõm bõm vài câu vớ vẩn. Có gì sai sót trong khi thực hành thì các bạn tự chịu trách nhiệm, xin đừng bắt đền tôi.

Cập nhật: đây mới thực sự là nói đúng kiểu của người Nhật.



Để thay lời kết luận, mời các bạn nghe một bản nhạc của - Joe Hisaishi, một trong những nhà soạn nhạc (phần lớn là cho phim) ưa thích của tôi - Một ngày mùa hè[4].



Chú dẫn

[1] Nếu dịch ý thì trong một số trường hợp có thể dịch là "phỏng đoán" hay "đoán mò".
[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Kangaroo
[3] "Anh yêu em" tiếng Nhật. Phát âm không cẩn thận sẽ thành "I sh*t" (chữ "sh*t" này người ta hay gọi là bom S để so sánh mức độ với bom A - bom nguyên tử). Vớ phải cô Nhật nào biết tiếng Anh là có thể bị tống cổ ra ngoài đường liền.
[4] "One Summer's Day", Nhạc trong phim "Cõi Tâm Linh" ("Spirited Away"). Sau này Joe Hisaichi thêm lời thành bài hát mới "Tên gọi cuộc sống" ("The Name of Life").


Phần âm nhạc của bài thứ hai trong clip (bắt đầu từ phút @4:24), với tựa đề "Futatabi" (Reprise), cũng do Joe Hisaishi soạn và cũng rất tuyệt vời. Trong clip này Hisaishi đệm đàn piano cho bài hát thứ nhất và làm nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc cho bài hát thứ hai. Nhưng cũng có thể tìm thấy rất nhiều clip độc tấu đàn piano, gui-tar, cho bản nhạc "Reprise" này.

3 comments:

  1. Thời buổi thông tin mạng có khác: tìm ngay được clip dạy tiếng Nhật chuẩn luôn để bổ sung cho đầy đủ. Chứ mà học theo cách phát âm máy của Gúc thì dễ sai, dễ ăn tát lắm!

    ReplyDelete
  2. Đọc tới ... "bom S", chợt nhớ tới kỷ niệm hồi Chu Văn An.
    Không hiểu các lớp khác thế nào, chứ lớp Đỏ tôi có mấy bạn trai hay lên Bách thảo "sưu tầm" loại quả thối rồi đốt trong lớp trong giờ ra chơi. Hồi đó giờ ra chơi tiết 3 rất dài mà mấy bạn nữ chẳng mấy khi rời chỗ ngồi, chỉ có loại quả này xua được mấy bạn ra khỏi lớp (hì hì). Trường Chu Văn An ngay gần Bách Thảo nên là "nguồn" cung cấp quả thối cho các học sinh cá biệt toàn Hà Nội.
    Sau này đọc nhiều mới biết đó chính là quả của cây sưa, bây giờ đang rất đắt giá tại VN. Nạn "sưa tặc" đã đốn gần hết cây sưa có tại Bách thảo, cho nên kiếm quả này... cũng khó đấy!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng là Hải chưa bao giờ nghe biết tên cây này là gì, chỉ nhớ "quả thối" mùa đông đốt lên thì mùi thum thủm khó ngửi lắm.

      Tò mò chui vào Wikipedia đọc thấy:
      "Sưa hay sưa Bắc Bộ, trắc thối, huê mộc vàng... Gỗ trắc thối cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Khi đốt tàn có màu trắng đục, mùi khó chịu nên được gọi là Trắc thối."
      "...Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng trắc thối để đóng quan tài hoặc ướp xác..."
      "...Hiện tại ở trung Quốc người ta chiết suất một số chất có trong gỗ Sưa này để chế thuốc chữa ung thư dạ dày. Hiện gỗ sưa ở Việt Nam đang được các thương lậu Trung Quốc thu mua với giá cả rất cao (130 triệu VND/m³)"
      "...Tình trạng:
      Hiện nay đang bị tận diệt khai thác...Theo Việt Nam gỗ sưa thuộc nhóm 1A là nhóm đặc biệt quý hiếm. Giá trị thương mại gỗ sưa hiện nay rất cao (theo một số phương tiện thông tin đại chúng thì 1 tấn ~ 1 tỷ đồng Việt Nam). Vì vậy việc bảo vệ cây gỗ sưa tại Việt Nam đang là một việc rất đáng lo ngại.
      Hiện nay, nó là loài đang bị đe dọa do mất môi trường sống..."

      Chắc là vì có giá trị thương mại cho nên có khá nhiều thông tin, hình ảnh trên mạng về cây sưa, thậm chí có cả trang caysua.com nữa...

      Delete