Pages

Monday, October 14, 2013

Người Mẹ


Sắp tới ngày Phụ Nữ Việt Nam tôi xin gửi đến chị em phụ nữ một câu chuyện để tôn vinh người mẹ.

Trong Kinh Thánh và Kinh Phật đều có chuyện kể về đứa con hư, hình như cả hai câu chuyện này đều nhằm mục đích tôn vinh “Người Cha Nhân Từ”. Nhưng đã có người nhận ra được hình ảnh của “Người Mẹ” trong hai câu chuyện ngụ ngôn này...mặc dù trong cả hai câu chuyện không có lấy một từ “Mẹ”?!!!
Kinh Thánh Tân Ước có chuyện “Đứa Con Hoang Đàng”, Kinh Pháp Hoa nhà Phật (Còn gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) cũng có chuyện tương tự, là chuyện “Đứa Con Nghèo Khó”. Cả hai đứa con hư này đều bỏ nhà ra đi và cả hai cùng trở về nhà. Tuy mỗi đứa một cách, nhưng cả hai đều trở về trong cảnh bần cùng và được những “Người Cha Nhân Từ” đón trong vòng tay yêu thương.
Tại một viện nghiên cứu có người đã đặt ra câu hỏi:
- Trong hai bức tranh gia đình này, người con trẻ tuổi kiêu ngạo, tự cao tự đại dẫn đến bỏ nhà ra đi..., người cha thì nhân ái, người đày tớ thì tận tụy...nhưng tại sao không thấy nói gì về người mẹ nhỉ? Trong cả Kinh Tân Ước lẫn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều không thấy nói gì về người mẹ của những đứa con hư...Người mẹ ở đâu nhỉ?
Có người cho rằng đó là vì các tôn giáo thường đề cao người đàn ông, có người thì cho rằng cách đây 2000 năm ai thèm quan tâm đến đàn bà cơ chứ... Nhưng người khác lại bắt bẻ, nếu như không coi trọng đàn bà thì tại sao người ta lại thờ Đức Mẹ? Bồ Tát Quan Âm chẳng là đàn bà ư? ....Chẳng ai chịu ai....
Chỉ đến khi, ông Viện Trưởng đầy uy tín phát biểu, thì mọi người mới ồ lên, hiểu ra được cốt lõi của vấn đề. Ông Viện Trưởng đáng kính đã trả lời cho mọi người bằng một câu hỏi như sau:
- Nếu như những đứa con hoang đàng ấy còn có mẹ, thì liệu chúng có bỏ nhà ra đi như thế không?!

4 comments:

  1. Trước hết xin mượn bài viết này chúc mừng chi em XĐTV nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: già chậm, nhiều sức khỏe chăm sóc gia đình, con cháu.

    Trong bài viết có nhắc tới Quan Âm Bồ tát như là đại diện của phái nữ trong Phật Giáo, điều đó không hoàn toàn đúng.

    Theo wikipedia, ngày xưa ở Trung Quốc người ta thờ Quan Âm Bồ Tát... có râu, hơn nữa Ngài hiển hiện thiên hình vạn trạng, nên giới tính không quan trọng. Thường ở trên chùa hay có tượng Quan Âm Bồ Tát thiên thủ thiên nhỡn (nghìn mắt, nghìn tay), nhưng ở ngoài khuôn viên lại hay có tượng Bạch Y Quan Âm... Đó chỉ là những hình tượng mà chúng sinh tưởng tượng ra Ngài mà thôi. Quan Âm Bồ Tát là hình tượng được mọi người tôn sùng và chứng tỏ được "Phật pháp vô biên", "cứu khổ cứu nạn"...

    Việt Nam ta quen với hình tượng Quan Âm Thị Kính, xuất phát từ truyện thơ cùng tên từ thế kỷ 19, mà chúng ta được học từ hồi lớp 9. Tuy nhiên ít người biết rằng Quan Âm Thị Kính là sản phẩm của Việt Nam, không liên quan đến Trung Quốc và nói chuyện Thị Kính với dân Tàu thì họ "pú tủng". Cốt chuyện Quan Âm Thị Kính lấy từ Cao Ly (Triều Tiên) với những họ Sủng, họ Mãng...và những tên như Thiện Sĩ, Kính Tâm .. có vẻ rất Tàu, nhưng Thị Mầu, Thị Kính hay Mẹ Đốp thì hoàn toàn Việt Nam.

    Một tích nữa về Quan Âm là Quan Âm Diệu Thiện, nói về một nàng công chúa kiên quyết đi tu mặc dù Vua cha không đồng ý và làm mọi cách ngăn cản. Cuối cùng Vua bị bệnh nặng và công chúa tu thành chính quả quay lại giúp Vua cha chữa khỏi bệnh.
    Tích này tương truyền xuất phát từ Ấn Độ và được truyền sang TQ. Hơn nữa hồi xưa có người Nhật sang Trung Quốc thỉnh đạo và rước Quan Âm về thờ, bị lạc vào đảo Phổ Đà Sơn ở biển Nam Hải rất thiêng. Về sau này mọi người cứ tưởng Quan Thế Âm Bồ Tát xuất phát từ Nam Hải nên còn gọi là Quan Âm Nam Hải. Nên nhớ là ở Ấn Độ Dương cũng có hòn đảo Phổ Đà tương truyền là nơi tu hành của công chúa trong tích trên.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tết này về quê được một người bác cho quyển sách " Đỗ Trọng Dư con người và tác phẩm" của tác giả Dương Xuân Thự, Nhà Xuất Bản Văn Học. Em mới biết chính xác tác giả truyện "Quan Âm Thị Kính" là cụ Đỗ Trọng Dư - cụ 6 đời của em, còn trước đây chỉ nghe họ hàng nói vậy mà thôi! Như vậy Quan Âm Thị Kính đích thị là sản phẩm của Việt Nam rồi!

      Delete
  2. Cảm ơn anh em đã luôn nhớ tới chị em. Nữ ở khối I vốn rất ít mà. Trong sâu thẳm mỗi con người, trai hay gái, dù có nói ra hay không đều rất yêu mẹ. Biết bao câu chuyện ngôn từ tuyệt vời nói về mẹ. Mình cũng thật tự hào được làm mẹ.

    ReplyDelete
  3. Vâng ạ! Đúng như anh Thành nói, thực ra Bồ Tát thì không còn giới tính nữa rồi, nhưng Phật Giáo Việt Nam thì đa số đã ở dạng Phật Giáo dân gian, thế mà các cụ nhà ta lại quan niệm âm là nữ cho nên nhiều người mới cho rằng Bồ Tát Quan Âm mang giới tính nữ. Mọi người có thể tham khảo ở các sách nhà Phật như Phật Giáo Chính Tín Là Gì?...

    ReplyDelete