Pages

Wednesday, December 18, 2013

Nguồn gốc của sung sướng



TED Talk "The origins of pleasure" by Paul Bloom, translated into Vietnamese by Huong Ha.

    Hôm nay tôi sẽ nói về, những sự vui sướng hay lạc thú trong đời sống hàng ngày. Nhưng trước hết, tôi sẽ kể các bạn nghe một câu chuyện về một người đàn ông khác thường và khá khủng khiếp tên là Hermann Goering. Goering chính là phụ tá đắc lực của Hitler trong thế chiến thứ 2, ông cũng là người kế vị của Hitler sau này. Giống như tiền nhiệm của mình, Goering tự cho rằng ông là một nhà sưu tập nghệ thuật. Ông ấy đã đi qua khắp các quốc gia Châu Âu trong thế chiến thứ 2, vừa cướp giật vừa moi móc, và thỉnh thoảng là mua nhiều bức tranh khác nhau để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Dù vậy, thứ ông ta thật sự mong muốn là một bức vẽ của Vermeer. Hitler đã có hai tác phẩm của danh họa này, còn Goering vẫn chưa sở hữu bức nào. Cuối cùng ông ta tìm thấy một người buôn bán tranh đến từ Hà Lan tên anh này là Han van Meegeren, và mua được một tuyệt tác của Vermeer với giá trị gần bằng 10 triệu đô la Mỹ. Bức tranh đó trở thành bản vẽ yêu thích nhất của Goering mãi về sau.

Rồi cuộc chiến cũng kết thúc, Goering bị bắt và xét xử tại Nuremberg cuối cùng ông bị kết tội chết. Quân đồng minh khám xét bộ sưu tập của Goering và tìm thấy những bức tranh mà ông đã lưu giữ, họ tìm kiếm những người đã bán chúng cho Goering. Một ngày nọ, cảnh sát Hà Lan tiến vào Amsterdam và bắt Van Meegeren. Anh ta bị xử tội phản quốc, một tội danh với kết cục duy nhất là cái chết. Trong 6 tháng bị giam giữ, Van Meegeren thú nhận tội danh của mình nhưng anh không cho rằng mình đã phản bội lại tổ quốc. Anh nói "Tôi không hề bán một kiệt tác cho tên Đức quốc xã đó. Tôi đã tự vẽ bức tranh ấy, tôi là một người chép tranh mà!" Nhưng lúc bấy giờ không ai tin anh ta. Và anh ấy lại tiếp tục, "Tôi sẽ chứng minh điều đó. Hãy mang cho tôi một cái giá vẽ và một ít màu. Rồi tôi sẽ tạo nên một bức Vermeer đẹp hơn nhiều lần bức tranh mà tôi đã bán cho con người đáng ghê tởm đó. Tôi cũng cần một ít cồn và morphine, vì đó là thứ duy nhất giúp tôi vẽ." (Cười lớn) Và họ mang đến cho anh ấy tất cả những thứ được yêu cầu. Van tạo nên một bức Vermeer tuyệt đẹp.
Tội danh phản quốc được xóa bỏ. Dĩ nhiên anh chàng này vẫn bị phạt vì đã giả mạo tranh. Nhưng mức án lúc này chỉ còn 1 năm tù giam thôi, anh ta thậm chí còn trở thành một người hùng đối với nước Hà Lan. Còn rất nhiều điều đáng nói về Van Meegeren, nhưng bây giờ chúng ta hãy trở lại với Goering trước. Đây là bức ảnh của Goering đang bị thẩm tra tại Nuremberg.

Và lúc này, với tất cả những điều đã gây ra, Goering trở thành một con người ghê tởm*. Ngay cả với những người phát-xít*, ông ta cũng thật đáng sợ. Thẩm vấn viên người Hoa Kỳ mô tả ông ta nhưng một kẻ tâm thần thân thiện. Và bạn có thể thấy cảm thông với hành động của Goering khi ông ta biết rằng bức tranh yêu thích đó chỉ là thứ đồ giả mạo. Tiểu sử của người này kể lại rằng "Khuôn mặt của Goering lúc đó giống như thể đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông ta biết rằng cái ác đang tồn tại." (Cười lớn) Không lâu sau, Goering tự sát. Ông ta nhận ra rằng sau tất cả, bức tranh mà ông ấy nghĩ là thứ tuyệt hảo, thực ra chỉ là đồ giả. Mọi chi tiết đều như thật, nhưng nó không phải là bản gốc*, mà là một tác phẩm hoàn toàn khác.

Dĩ nhiên, không chỉ mình Goering bị sốc khi biết sự thật này. Trong phiên xét xử của mình, Van Meegeren cứ liên tục huyên thuyên về những kiệt tác mà anh ta đã tự vẽ và gán vào tên của những nghệ sĩ khác. Tiêu biểu nhất là bức "Đức chúa Jesu ở Emmancer". Hầu hết mọi người đều cho rằng đây chính là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của Vermeer người ta có thể vượt hàng nghìn dặm đường từ khắp nơi chỉ để chiêm ngưỡng bức tranh này nhưng thực ra nó chỉ là một thứ đồ giả. Đây không phải là tác phẩm của Vemeer mà chỉ là một bức tranh do Van Meegeren vẽ thay cho chính danh họa này. Khi điều đó được phát hiện, bức vẽ mất hết mọi giá trị và bị gỡ khỏi bảo tàng.

Tại sao điều này lại nghiêm trọng đến thế? Là một nhà tâm lý học, bạn có biết vì sao nguồn gốc lại có tầm ảnh hưởng lớn đến thế không? Vì sao chúng ta phản ứng thái quá với hiểu biết của chúng ta về xuất xứ của một sự vật nào đó? Có một ý kiến nhận được sự đồng tình của khá nhiều người. Nhiều nhà xã hội học như Veblen và Wolfe cho rằng lý do khiến chúng ta quá quan tâm về nguồn góc là vì chúng ta đua đòi, hợm hĩnh, vì chúng ta đề cao vị trí trong xã hội. Ngoài những yếu tố khác, nếu bạn muốn tỏ ra mình giàu có và quyền uy như thế nào, cách tốt nhất là sở hữu một thứ chính gốc hơn là đồ giả mạo. Đơn giản vì đồ hiệu thì lúc nào cũng có ít hơn đồ nhái. Tôi đồng ý rằng quan điểm này có đôi chút thuyết phục, nhưng hôm nay tôi muốn chứng minh cho bạn thấy còn một điều khác ẩn sau tính cách này. Tôi muốn chứng minh rằng ở một mức độ nào đó, dù nhiều hay ít, chúng ta là những kẻ theo trường phái bản chất luận**. Ý tôi là chúng ta không chỉ phản ứng lại với thế giới qua những gì thấy được, cảm nhận được, nghe được. Thật ra, phản ứng của chúng ta được điều chỉnh bởi niềm tin về bản chất, về nguồn gốc về nguyên liệu hay cốt lõi ẩn dấu sau một sự vật nào đó. Điều này không chỉ đúng khi chúng ta nghĩ về điều gì đó mà còn áp dụng cho cách chúng ta phản ứng với những thứ này.

Niềm vui hay sự lạc thú là một điều gì đó rất sâu sắc điều này không chỉ đúng với những nỗi vui sướng ở mức độ cao như khi hội họa mang lại mà còn chính xác với những niềm vui rất giản đơn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của chúng ta về "cốt lõi ẩn dấu". Ví dụ đơn giản như thức ăn nhé. Bạn sẽ ăn thứ này chứ? Một câu trả lời điển hình sẽ là "Tùy thôi. Đó là gì vậy?" Vài người trong số các bạn sẽ ăn nếu như đó là thịt heo chứ không phải thịt bò. Những người khác sẽ dùng nếu đó là thịt bò chứ không phải heo. Rất ít người sẽ thử nếu đó là thịt chuột hay....thịt người. Và vài người sẽ ăn nếu như đó là một miếng đậu hũ có màu sắc khác lạ. Đâu có gì ngạc nhiên phải không nào.

Điều thú vị hơn là mùi vị của thức ăn sẽ phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ "mình đang ăn thứ này nè." Bằng chứng rõ ràng nhất chính là những đứa trẻ. Làm cách nào bạn khiến con của mình dù không thích ăn cà rốt và uống sữa cảm thấy thích thú hơn với những thức ăn này hoặc là cảm thấy những thứ này thiệt ngon miệng? Dễ thôi, hãy nói với chúng đây là đồ ăn từ cửa hàng McDonald's. Những đứa trẻ tin rằng thực phẩm của McDonald lúc nào cũng ngon và điều đó khiến chúng tin rằng thứ mà chúng đang ăn thiệt là ngon.

Làm cách nào bạn khiến cho những người lớn uống rượu đầy hứng thú? Cũng thật đơn giản. Hãy rót rượu ra từ một cái chai mắc tiền. Bây giờ có hàng tá, thậm chí hàng trăm nghiên cứu chứng minh rằng nếu bạn tin bạn đang uống một thứ mắc tiền nó sẽ trở nên ngon hơn. Tôi có thể đưa ra bằng chứng khoa học hẳn hoi đây. Họ sử dụng một chiếc máy scan MRI để chụp ảnh não bộ. Những người tham gia sẽ được đưa vào máy và họ uống rượu thông qua một chiếc ống. Trước mặt họ là một màn hình ghi thông tin về loại rượu. Dĩ nhiên là tất cả mọi người đều uống chung một loại rượu. Nhưng nếu họ tin rằng thứ đồ uống đó rất mắc tiền thì những phần não bộ liên quan tới sự khoái lạc sẽ sáng lấp lánh như một cây thông Nô-en. Điều đó có nghĩa không chỉ lời nói của bạn thể hiện rằng điều đó thật dễ chịu, bạn nói rằng bạn thích nó hơn mà có nghĩa bạn thực sự đang cảm nhận theo một cách khác hẳn.

Hay là ví dụ trong chuyện lứa đôi nhé. Có một vài dạng kích thích tôi thường ứng dụng khi nghiên cứu vấn đề này. Nếu bạn chỉ cho những người tham gia nhìn thấy các bức ảnh, họ sẽ nói rằng đó chỉ là những người tương đối hấp dẫn. Nhưng họ cảm thấy hấp dẫn như thế nào, lãng mạn và khoái cảm như thế nào khi nhìn thấy những bức ảnh này phụ thuộc phần lớn vào suy nghĩ "Mình đang nhìn thấy ai?". Bạn có thể nghĩ bức ảnh bên trái là một người đàn ông, bên phải là phụ nữ. Nếu như niềm tin đó sai lạc, sự hứng thú sẽ thay đổi nhiều đấy! (cười lớn) Và cũng sẽ khác biết nếu như nhân vật trong ảnh trẻ hơn hay già hơn nhiều so với suy nghĩ của bạn. Và còn khác hơn nữa nếu bạn phát hiện ra con người mà bạn đang nhìn với ánh mắt thèm muốn ấy thực ra chính là hình dạng cải trang của con trai hay con gái bạn, hoặc tệ hơn nữa, cha hay mẹ bạn. Khi biết đó là hình ảnh của người thân thì sự hào hứng sẽ mất ngay thôi. Có lẽ, một trong số những phát hiện tích cực nhất từ môn "Tâm lý học về sự khoái lạc" đó là bạn có thể đẹp hơn nhiều so với diện mạo chân thực của chính bạn. Nếu bạn yêu thích ai đó, họ sẽ trở nên xinh xắn hơn trong mắt bạn. Đó là lý do tại sao những cặp vợ chồng với hôn nhân hạnh phúc thường nghĩ rằng vợ hay chồng của họ đẹp hơn nhiều so với trong suy nghĩ của bất kì người nào khác.

(Cười lớn)

Một ví dụ kinh điển cho phát hiện này có thể được nhìn thấy trong một loại rối loạn thần kinh tên "Hội chứng Capgras". Người mắc hội chứng này sẽ có một loại ảo tưởng đặc biệt. Họ tin rằng những người mà họ yêu quý nhất trên đời đã bị thay thế bởi một bản sao hoàn hảo. Kết quả của căn bệnh này thường rất đau thương. Bệnh nhân giết chết người mà họ yêu quý với niềm tin rằng họ chỉ khiến cho kẻ mạo danh kia biến mất. Nhưng có ít nhất một trường hợp người mắc bệnh Capgras đã có kết cục hạnh phúc. Chuyện xảy ra vào năm 1931. "Có một người phụ nữ mắc chứng Capgras, cô ta luôn than phiền về người chồng yếu sinh lý trước khi cô mắc phải căn bệnh này. Nhưng sau đó cô ta hào hứng kể lại rằng anh chồng này có một nhân cách khác rất giàu có, rắn rỏi, đẹp trai và quý phái". Dĩ nhiên người đàn ông vẫn vậy, chỉ có sự nhìn nhận của cô ta khác đi thôi.

Ví dụ thứ ba là về những người đi mua hàng hóa. Thông thường mọi người thích những thứ tiện dụng, Bạn có thể đi giày vào chân, chơi gôn trên sân gôn, nhai sing gum....toàn là những việc không có ích cho bạn. Thực ra mỗi hoạt động này đều có giá trị riêng, nằm vượt xa và ẩn náu bên dưới các tác dụng trước mắt mà bạn thấy dựa trên lịch sử của chúng. Các cây gậy đánh gôn của John F. Kennedy được bán với giá 3/5 triệu đô la trong một buổi đấu giá. Những miếng kẹp sing gum được thổi bởi ngôi sao nhạc pop Britney Spears được người ta mua bằng hàng trăm đô la. Thậm chí, gần đây phát triển rộ lên thị trường chuyên bán những thức ăn dở dang của người nổi tiếng! (Cười lớn) Những đôi giày này chắc là thứ đáng giá nhất đó. Dựa theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, một gã triệu phú Ả rập muốn bỏ ra 10 triệu đô chỉ để mua đôi giày này. Chúng chính là đôi giày mà người ta quẳng vô Georger Bush tại một buổi họp báo ở Iraq vài năm về trước.

(Vỗ tay)

Xu hướng bị cuốn hút bởi những thứ đặc biệt không chỉ đúng trong trường hợp các vật dụng nổi tiếng. Mỗi người, hay nói đúng hơn là hầu hết chúng ta đều có những "báu vật" không thể thay thế được. Chúng đáng giá bởi chính lịch sử của chúng đó có thể là chiếc nhẫn cưới hay đôi giày của con bạn, một khi những vật này bị mất đi, bạn không thể lấy lại được nữa. Bạn có thể mua một đồ vật giống y chang hay từa tựa nó nhưng rõ ràng đó là một món đồ khác rồi. Cùng với 2 người cộng sự George Newman và Gil Diesendruck, chúng tôi tìm hiểu những yếu tố, những sự kiện gây ảnh hưởng tới các món đồ vật mà con người ưa thích. Trong một thí nghiệm nọ, chúng tôi yêu cầu các tình nguyện viên nêu tên của một người nổi tiếng mà họ hâm mộ, hay một người nào đó còn sống mà họ thích.

Một trong những câu trả lời là George Clooney. Chúng tôi lại hỏi: Bạn sẽ trả bao nhiêu để mua chiếc áo len của George? Con số được đưa ra khá là cao, hơn hẳn số tiền bạn thường trả cho một chiếc áo len mới tinh tươm, hay cho một chiếc áo len của người mà bạn không ưa. Tiếp sau đó chúng tôi hỏi một nhóm tình nguyện khác, và đưa ra một số giới hạn, một số điều kiện khác. Ví dụ, chúng tôi nói với họ "Thế này nhé, giả sử bạn có thể mua cái áo len ấy, nhưng bạn không thể kể với ai, cũng không bán lại được." Và hệ quả hiển nhiên là mức giá được đưa ra giảm đi, chứng tỏ đây chính là một lý do tại sao chúng ta ưa thích một món đồ bất kỳ. Nhưng yếu tố thực sự có tác động là lời nói: "Này nhé, bạn có thể bán lại, có thể ba hoa về cái áo, nhưng trước khi tới tay bạn, chiếc áo đã hoàn toàn bạc màu." Khi chúng tôi nói như vậy, giá trị của chiếc áo giảm thậm tệ. Như khi vợ tôi đùa: "Anh đã giặt sạch những con rận của Clooney rồi còn gì!"

(Cười lớn)

Bây giờ quay lại một ví dụ về nghệ thuật nhé. Tôi thích Chagall. Tôi yêu những bức tranh của ông ấy. Nếu bạn muốn tặng tôi thứ gì đó sau buổi tọa đàm này, một bức Chagall là lựa chọn tốt đấy. Nhưng đừng đưa tranh chép cho tôi, ngay cả khi tôi chẳng biết nó là đồ thật hay giả. Điều đó không có nghĩa là, chắc chắn không chỉ đơn giản là tôi là một kẻ hợm hĩnh và muốn khoác loác về bức tranh gốc đâu. Thiệt ra, là do tôi muốn một thứ gì đó, với lịch sử đặc trưng của nó. Đối với hội họa, lịch sử vô cùng cần thiết. Nhà triết học Denis Dutton đã viết trong cuốn "Tài năng hội họa bẩm sinh" "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ những giả định của chúng ta về cách mà người ta sáng tạo ra nó". Và điều đó lý giải rất rõ cho sự khác biệt giữa một bức tranh gốc và bản sao. Dù có y chang nhau, nhưng lịch sử tạo ra chúng hoàn toàn khác biệt. Bức tranh gốc hiển nhiên là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật, còn anh bạn hàng giả kia thì không hề. Cách tiếp cận này có thể giải thích được sự khác biệt về sở thích nghệ thuật của mỗi người.

Đây là một tác phẩm của Jackson Pollock. Có quý vị nào thích tranh của họa sĩ này không? Ưm, tốt. Còn có ai ở đây không để tâm tới những bức vẽ này? Họ chỉ đơn giản là không thích thôi. Tôi sẽ không phân tích chuyện ai đúng hay sai, nhưng tôi sẽ dựa trên kinh nghiệm để nói về trực giác của mỗi người, đại khái là, nếu bạn thích tranh của Jackson, bạn thường có xu hướng tin rằng những tác phẩm này đòi hỏi nhiều công sức để tạo nên, cần phải bỏ ra nhiều tiền bạc, thời gian, và năng lượng sáng tạo để vẽ nên chúng. Tôi lấy Jackson làm một ví dụ là bởi có một nữ họa sĩ người Mỹ rất trẻ. Tranh vẽ của cô này đậm chất của Jackson Pollock, và các tác phẩm đó đáng giá hàng chục ngàn đô la, phần lớn là vì người tạo ra chúng còn quá trẻ.

Đây là Marla Olmstead hầu hết những tác phẩm của Marla được vẽ khi cô mới 3 tuổi. Điều thú vị về Marla chính là một sai lầm to lớn của gia đình cô bé khi mời chương trình ti vi "60 phút II" đến nhà họ để quay phim cô bé đang vẽ tranh. Thế là các phóng viên loan tin rằng cha của cô bé đã huấn luyện cô. Khi đoạn phim được chiếu trên ti vi giá trị các bức vẽ của Marla không còn gì hết. Dù rằng về mặt thực thể thì vẫn là các tác phẩm đó nhưng lịch sử tạo ra chúng thì không còn như cũ nữa.

Nãy giờ tôi đã nói khá nhiều về hội họa bây giờ sẽ là hai ví dụ từ lĩnh vực âm nhạc. Đây là Joshua Bell, một nghệ sĩ violin rất nổi tiếng. Nhà báo Gene Weingartin của tờ Washington Post quyết định làm một thí nghiệm táo bạo với Joshua. Câu hỏi đặt ra là: người ta sẽ thích nghệ sĩ này và âm nhạc của anh ta đến mức nào nếu họ không hề hay biết rằng họ đang nghe nhạc của Joshua? Để trả lời cho điều đó, anh chàng nhà báo yêu cầu Joshua mang cây đàn violin trị giá hàng triệu đô đi xuống nhà ga điện ngầm của thành phố Washington D.C. và đứng ở một góc chơi đàn, xem là chàng nghệ sĩ sẽ kiếm được bao nhiêu từ công việc này. Đây là một đoạn phim ngắn về thí nghiệm này (nhạc violin) Sau 45 phút chàng nghệ sĩ kiếm được 32 đô la. Không tồi. Nhưng cũng chẳng cao là mấy. Rõ ràng là để cảm nhận được âm nhạc của Joshua bạn phải biết rằng bạn đang nghe nhạc của anh ta. Thiệt ra anh ta kiếm được thêm 20 đô nữa nhưng mà không tính vào đây. Vì người phụ nữ trong khúc cuối của đoạn phim bạn thấy đó, người phụ nữ này đã biết về Joshua. Cô từng nghe anh ta chơi đàn tại thư viện của quốc hội vài tuần trước trong một bữa tiệc rất trịnh trọng. Cô ta thật sự choáng váng khi thấy Joshua chơi đàn trong một ga tàu điện ngầm, tức khắc trỗi lòng thương hại. Thế là cô ta lấy ví ra và rút 20 đô đưa cho chàng nghệ sĩ.

(cười lớn!)

(vỗ tay)

Ví dụ thứ hai liên quan tới âm nhạc là về bản nhạc của John Cage mang tên "4 phút 33 giây". Nhiều người trong số bạn chắc đã nghe qua đây là bản nhạc mà các nghệ sĩ piano chỉ ngồi đó mở cây đàn lên ngồi như vậy không làm gì hết trong 4 phút 33 giây một khoảng thời gian im lặng. Nhiều người có cách nhìn khác nhau đối với tác phẩm độc đáo này. Nhưng mà, điều tôi muốn nói chỉ là bạn có thể mua nó dễ dàng từ iTunes. (cười lớn) Chỉ cần 1 đô và 99 cent là bạn có thể lắng nghe sự im lặng đó một thứ tĩnh lặng khác với các dạng im lặng khác.

(cười lớn)

Nãy giờ tôi đã nói khác nhiều về sự hài lòng rồi nhỉ nhưng điều tôi muốn nói là tất cả những lý luận đó có thể được áp dụng cả cho sự đau khổ nữa. Suy nghĩ của bạn về điều bạn đang trải qua, niềm tin của bạn về bản chất điều đó sẽ ảnh hưởng tới mức độ đau đớn mà nó gây ra. Một ví dụ thú vị được thực hiện bởi Kurt Gray và Dan Wegner. Họ lôi cuốn các sinh viên đại học của Havard với một chiếc máy sốc điện. Họ cho những sinh viên này trải qua một loạt cú sốc điện Một loạt cú sốc khá đau đớn. Một nửa trong số này được cho biết về những cú sốc đó bởi người nào đó ở bên căn phòng khác, nhưng người bên phòng kia không biết rằng họ đang sốc điện những sinh viên này. Dĩ nhiên là không có ác ý gì, những người ở phòng bên kia chỉ đơn giản là nhấn nút thôi. Cú sốc đầu tiên được ghi nhận là rất đau. Cú sốc thứ hai thì giảm một chút vì họ đã quen dần. Và cứ thể cho tới cú thứ ba, tư hay năm. Sự đau đớn giảm dần. Nửa số sinh viên còn lại cũng bị sốc điện, và được thông tin rằng người ở bên kia phòng sốc điện họ với một mục đích nào đó, người ở bên kia biết rằng đang sốc điện các sinh viên này. Cú sốc đầu tiên đau như trời giáng. Cú sốc thứ hai cũng đau y như vậy Rồi cú thứ ba, thứ tư và thứ năm. Mỗi lúc lại đau hơn. nếu bạn biết ai đó đang làm một điều với bạn là có mục đích cụ thể.

Ví dụ cực đoan nhất cho lý luận này chính là trong một số chuyện đau đớn khi được đặt trong tình huống hợp lý có thể trở thành hạnh phúc. Con người có một thuộc tính vô cùng thú vị đó là tìm kiếm những sự đau đớn ở liều thấp trong những tình huống kiểm soát được để đơn giản là tìm sự vui thú giống như khi chúng ta ăn ớt hay tiêu hoặc chơi trò tàu lượn siêu tốc vậy. Những điều tôi vừa nói có thể được tóm tắt một cách hoàn hảo bởi bài thơ của John Milton rất ngắn thôi, "Tâm trí của ta ở ngay trong chính nó và từ đó sinh ra thiên đường của địa ngục hay địa ngục của thiên đường."

Tôi sẽ kết thúc ở đây. Cảm ơn các bạn!

(Tiếng vỗ tay)

[**]  essentialism=chủ nghĩa bản thể

3 comments:

  1. Một bài viết hay, có ý nghĩa!

    Vấn đề ở đây là "sự tương phản" nguồn gốc của mọi cảm nhận của con người.
    Điển hình nhất là khứu giác làm việc theo cơ chế này, người ta sẽ mất khứu giác nếu ở trong môi trường đặc mùi quá 3 phút.

    Có thể "qui nạp" điều này cho mọi cảm xúc của con người và thấy rằng người nghèo dễ tìm hạnh phúc hơn người giàu n lần!

    ReplyDelete
  2. Mình đã xem clip này rồi trên TED talk. Thanks VH
    Lưu ý: Các câu lạc bộ đánh gôn của John F. Kennedy được bán với giá 3/5 triệu đô la trong một buổi đấu giá.

    Nên chỉnh lại thành: Các cây gậy đánh gôn của John F. Kennedy được bán với giá 3/5 triệu đô la trong một buổi đấu giá. Golf clubs = Gậy Gôn, :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình sửa rồi, cảm ơn TN.

      Nếu ai có thời gian xem clip có phụ đề tiếng Việt và minh họa thì có lẽ thú vị hơn. Mình nhớ câu chuyện về Joshua Bell đã có bạn nào kể trên h5i10 rồi, hình như là Đức Hai thì phải (vừa chèn link tới bài trên Washington Post và YouTube clip). .

      Đoạn nhắc tới Chagall giải thích về giá trị lịch sử và sáng tạo của một tác phẩm nguyên bản là đoạn mình thấy cũng được. Thực ra thì cũng đơn giản: cứ cái gì hiếm hoi, độc bản là quý.

      Delete