Pages

Thursday, December 19, 2013

Trường học bào mòn khả năng sáng tạo


TED Talk "Schools Kill Creativity" by Ken Robinson, dịch ra tiếng Việt bởi Cường Bùi

    Xin chào. Quý vị khỏe không ạ? Những ngày qua thật là tuyệt vời phải không ạ? Tôi thật sự bị cuốn theo toàn bộ hội thảo. Thật ra, tôi cũng đang cuốn gói đây. (Cười) Có 3 chủ đề được nêu lên xuyên suốt hội nghị và đó cũng là những vấn đề có liên quan tới những gì tôi muốn thảo luận cùng quý vị. Thứ nhất đó là bằng chứng đáng kinh ngạc về khả năng sáng tạo của con người trong tất cả các bài thuyết trình mà chúng ta đã nghe cũng như trong số tất cả các quý vị có mặt ở đây. Về cả sự đa dạng cũng như phạm vi sáng tạo. Thứ hai là chính điều đó đã đặt chúng ta vào vị trí mà chúng ta không có một ý niệm gì về những điều sắp xảy ra trong tương lai. Không biết mọi sự sẽ diễn ra thế nào.

Tôi có mối quan tâm đến vấn đề giáo dục -- trên thực tế tôi thấy tất cả mọi người đều quan tâm đến giáo dục. Phải không ạ? Có một điều tôi thấy khá thú vị đó là Nếu trong một bữa tiệc, bạn nói rằng bạn làm trong ngành giáo dục -- thực ra, thành thật mà nói, bạn chẳng mấy khi đi tiệc nếu bạn làm trong ngành giáo dục(Cười) Bạn không được mời. Và thật lạ, bạn cũng chả bao giờ thắc mắc. Điều này thật kỳ lạ đối với tôi. Nhưng giả sử nếu điều đó là thật, bạn nói chuyện với một ai đó, họ hỏi bạn "Anh/chị làm nghề gì?" và bạn trả lời rằng bạn làm trong ngành giáo dục, bạn có thể thấy họ mặt cắt không còn giọt máu. Họ thốt lên, "Chúa ơi", đại loại như "Tại sao lại vào tôi chứ? Buổi tối đi chơi duy nhất của mình trong cả tuần." (Cười) Nhưng nếu bạn hỏi về quá trình học hành của họ, họ sẽ túm lấy bạn để kể chuyện, bởi đó là một trong những thứ ảnh hưởng sâu sắc tới mọi người, tôi nói có đúng không ạ? Giống như tôn giáo, tiền bạc và những thứ khác. Tôi có mối quan tâm lớn tới giáo dục và tôi nghĩ tất cả chúng ta đều vậy. Chúng ta dành sự quan tâm to lớn cho nó, một phần bởi vì giáo dục là để đưa chúng ta tới tương lai mà chúng ta chưa thể nắm bắt được. Thử nghĩ xem, những đứa trẻ bắt đầu đi học năm nay sẽ nghỉ hưu vào năm 2065. Không ai trong chúng ta biết -- bất chấp tất cả những tri thức chuyên môn được nêu ra trong 4 ngày vừa qua -- thế giới sẽ ra sao trong 5 năm tới. Vậy mà chúng ta lại phải có trách nhiệm giáo dục bọn trẻ cho tương lai. Vì thế sự không thể dự báo trước, tôi nghĩ là, vô cùng lớn.

Và chủ đề thứ ba của hội nghị, đó là chúng ta đều đồng ý ít nhiều, về khả năng thật sự khác biệt của trẻ em -- khả năng sáng tạo của chúng. Serena, tối qua rất tuyệt vời phải không ạ? Chứng kiến Cô bé làm được điều đó. Cô bé là 1 điều đặc biệt, nhưng tôi nghĩ cô bé không phải là ngoại lệ trong thế giới con trẻ nói chung. Điều mà quý vị chứng kiến là một người với lòng tâm huyết đặc biệt đã tìm ra một tài năng. Và luận điểm của tôi là, tất cả trẻ em đều rất tài năng. Và chúng ta đã lãng phí điều đó, một cách không thương xót. Vì thế tôi muốn nói đến giáo dục và nói đến tính sáng tạo. Luận điểm của tôi là tính sáng tạo ngày nay cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết trong giáo dục và chúng ta cần đối xử với nó với mức độ quan tâm ngang bằng. (Tiếng vỗ tay) Xin cảm ơn. Nhân tiện, tôi nói xong hết rồi. Xin cảm ơn rất nhiều. (Cười) Vậy là còn 15 phút nữa. Vâng, tôi được sinh ra ...à không. (Cười)

Mới đây, tôi đã được nghe kể một câu chuyện rất là thú vị -- Và tôi muốn kể lại với quý vị -- về một cô bé trong giờ hội họa. Cô bé đó 6 tuổi và nó ngồi ở cuối lớp, vẽ, Giáo viên của bé gái này có nói rằng nó hầu như chẳng bao giờ tập trung chú ý, nhưng trong giờ hội họa này thì nó đã rất chăm chú. Giáo viên của bé rất ngạc nhiên và đã đi đến chỗ cô bé ngồi cô giáo đã hỏi bé "Con đang vẽ gì thế?" Cô bé trả lời, "Con đang vẽ Chúa trời ạ." Cô giáo bé nói, "Nhưng không ai biết Chúa trời trông như thế nào cả." Cô bé nói rằng, "Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ. " (Cười)

Khi con trai tôi 4 tuổi ở Anh -- Thật ra thì ở bất cứ đâu nó cũng là 4 tuổi. (Cười) Nếu phải xét một cách nghiêm túc, thì năm đó dù nó đi đâu nó cũng lên 4 tuổi. Nó có một vai trong vở kịch Truyền thuyết sự ra đời của Chúa. Quý vị có nhớ câu chuyện không? Nó khá phổ biến. Câu chuyện đó phổ biến mà. Mel Gibson đã tham gia phần tiếp theo. Quý vị có thể đã xem nó rồi đấy ạ: "Truyền thuyết sự ra đời của Chúa phần II." Con trai James của tôi được nhận vai Joseph, và chúng tôi đã rất vui sướng. Chúng tôi nghĩ đây là một trong những vai chính. Chúng tôi đã kéo đến chật ních cả khán phòng, trên mình mang chiếc áo phông với hàng chữ James Robinson LÀ Joseph!" (Cười) Con trai tôi không phải nói lời thoại, nhưng bạn biết đoạn khi ba vị vua tiến vào. Họ mang theo quà mừng, họ mang theo vàng, hương trầm và nhựa thơm. Và chuyện là thế này. Chúng tôi ngồi phía dưới, và tôi nghĩ chúng bị sai kịch bản, bởi khi chúng tôi trò chuyện với một cậu bé sau buổi diễn và chúng tôi có hỏi, "Cháu hài lòng với buổi diễn chứ?" Cậu bé đó đã nói, "Dạ vâng, nhưng tại sao chú lại hỏi thế ạ? Có gì không ổn ạ?" Chúng đã tự đổi thứ tự, chỉ vậy thôi. Trở lại câu chuyện, ba cậu bé tiến vào -- những đứa bé lên 4 với một chiếc khăn bông trên đầu -- chúng đặt những chiếc hộp xuống, cậu bé đầu tiên nói, "Tôi xin dâng tặng ngài vàng." Cậu bé thứ hai nói, "Tôi xin dâng tặng ngài ..." Và cậu bé thứ ba nói, "Frank đã gửi cái này." (Cười)

Điểm chung của những câu chuyện này là trẻ con sẽ làm những điều chúng nghĩ Nếu chúng không biết, chúng vẫn thử làm mà không do dự. Tôi nói có phải không ạ? Chúng không sợ sai. Điều tôi muốn nói ở đây không có nghĩa sai và sáng tạo là hai thứ đồng nhất. Nhưng điều mà chúng ta biết đó là, nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì đó nguyên bản. Nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi. Và đến khi trở thành người lớn, phần lớn lũ trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi hay bị sai. Và chúng ta cũng vận hành các công ty theo kiểu như vậy. Chúng ta kiểm điểm những lỗi lầm. Và chúng ta hiện giờ thực thi các hệ thống giáo dục quốc gia mà ở đó lỗi lầm là thứ tồi tệ nhất bạn có thể gây ra. Kết quả là chúng đã đang giáo dục con người triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ. Picasso đã từng nói rằng. Ông đã nói tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ. để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề. Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng chúng ta không càng lớn lên càng sáng tạo, chúng ta càng lớn càng ít sáng tạo. Hay là, chúng ta được giáo dục từ bỏ nó. Vậy tại sao?

Năm năm trước tôi sống ở Stratford-on-Avon. Thực tế là chúng tôi đã chuyển từ Stratford đến Los Angleles. Quý vị có thể hình dung được đó là một sự thay đổi trơn tru thế nào rồi đấy. (Cười) Thật ra là, chúng tôi đã sống ở Snitterfield, ngay phía ngoại ô Stratford, nơi mà cha của Shakespeare đã được sinh ra. Nói đến đây có ai thoáng hiện lên một suy nghĩ mới không ạ? Tôi thì có. Quý vị không nghĩ đến Shakespeare có một người bố, phải không? Đúng không ạ? Bởi quý vị không nghĩ đến Shakespeare khi ông còn là một đứa bé, đúng không ạ? Shakespeare lúc 7 tuổi? Tôi chả bao giờ nghĩ đến điều đó. Điều tôi muốn nói là ông ấy đã có lúc 7 tuổi. Ông ở trong một lớp học văn của một người nào đó, phải không ạ? Không biết là điều đó sẽ khó chịu thế nào? (Cười) "Phải cố gắng hơn nữa." Bị bố bắt lên giường đi ngủ, "Đi ngủ đi, ngay lập tức," nói với Shakespeare, hay nói với William Shakespeare, "hãy đặt bút xuống. Và đừng nói kiểu đó nữa. Nó khiến mọi người khó hiểu." (Cười)

Dù sao chăng nữa, chúng tôi đã chuyển từ Stratford đến Los Angeles, thực ra, tôi muốn nói thêm một chút về sự thay đổi này. Cậu con trai của tôi đã không muốn chuyển đi cùng. Tôi có hai đứa con. Thằng bé giờ đã 21 tuổi còn con gái tôi thì đã 16 tuổi. Nó không muốn đến Los Angeles. Nó rất thích Los Angeles nhưng vì nó có bạn gái ở Anh. Sarah, tình yêu của đời nó. Lúc đó nó mới quen Sarah được một tháng. Xin quý vị nhớ cho là chúng vừa mới kỷ niệm 4 năm yêu nhau đấy ạ, 1 tháng là quá dài khi bạn mới 16 tuổi. Lúc ở trên máy bay, thằng bé đã rất buồn rầu, và nó nói, " Con sẽ không bao giờ tìm được người con gái nào như Sarah nữa." Thực lòng mà nói thì chúng tôi khá vui về điều đó bởi con bé chính lý do chính chúng tôi rời khỏi quê hương. (Cười)

Nhưng có điều gì đó khiến bạn chú ý khi chuyển tới Mỹ và khi bạn đi đây đi đó vòng quanh thế giới: Tất cả mọi hệ thống giáo dục trên hành tinh này nều đêù có chung một trật tự các môn học. Tất cả mọi nơi. Bất kể nơi nào bạn đi. Bạn nghĩ là nó sẽ khác nhưng không. Các môn học đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật. Tất cả mọi nơi trên Trái đất. Và cả trong phần lớn mọi hệ thống giáo dục, cũng có một trật tự sắp xếp trong các bộ môn nghệ thuật nói riêng. Ở các trường phổ thông, hội họa và âm nhạc thường được chú trọng hơn là kịch và khiêu vũ. Không có một hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này mà dạy trẻ em khiêu vũ mỗi ngày giống như cách dạy mà chúng ta dạy bọn trẻ môn toán học. Tại sao? Tại sao không? Tôi nghĩ vấn đề này khá quan trọng. Tôi nghĩ môn Toán quan trọng nhưng khiêu vũ cũng vậy. Trẻ em sẽ nhảy múa cả ngày nếu chúng được phép, tất cả chúng ta đều thế. Tất cả chúng ta đều có thân thể, phải không? Tôi có bỏ lỡ điều gì không? (Cười) Thực sự điều xảy ra là, khi bọn trẻ lớn lên chúng ta bắt đầu giáo dục chúng càng ngày càng tăng dần từ phần thắt lưng trở lên. Sau đó tập trung vào cái đầu. và lệch về một bên.

Nếu bạn tìm hiểu về giáo dục, như là một người ngoài hành tinh, và bạn nói "Giáo dục công để làm gì?" Tôi nghĩ bạn sẽ phải kết luận -- Nếu bạn nhìn vào đầu ra, ai thực sự sẽ thành công bởi những điều này, ai làm được những thứ mà họ nên làm, ai được thưởng, ai là người chiến thắng - tôi nghĩ bạn sẽ kết luận được toàn bộ mục đích của giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản xuất ra những giáo sư đại học. Có đúng không ạ? Đó là những người đạt kết quả đứng đầu. .... Tôi cũng đã từng là một trong số đó...... (Cười) Và tôi cũng yêu mến các vị giáo sư đại học, nhưng quý vị biết đấy, chúng ta không nên coi họ là mốc điểm cao nhất cho mọi sự phấn đấu của con người. Họ chỉ một một hình thái của cuộc sống, hình thái khác của cuộc sống. Nhưng họ khá là tò mò, và tôi nói điều này với thiện ý dành cho họ. Có một điều kỳ lạ về các giáo sư, theo kinh nghiệm của tôi -- không phải tất cả, nhưng rất điển hình -- họ sống trong đầu họ. Họ sống trên đó, và hơi lệch về một bên. Tâm trí họ tách rời khỏi thể xác, có thể hiểu theo nghĩa đen. Họ coi thân thể của mình như một loại phương tiện di chuyển cho cái đầu của họ, phải vậy không? (Cười) Như là một cách để đầu của họ đến các cuộc họp. Nếu bạn muốn bằng chứng xác thực về trải nghiệm "thoát xác" này, thì nhân tiện, hãy theo dõi một hội nghị tại gia của các vị học sĩ cao niên, và tham dự vào buổi khiêu vũ vào tối cuối cùng. (Cười) Và tại đó bạn sẽ thấy -- đàn ông và phụ nữ trưởng thành, "quằn quại" một cách thiếu kiểm soát, sai điệu nhạc, chờ đợi tiệc tan để họ có thể về nhà và viết báo cáo về nó.

Hệ thống giáo dục hiện nay dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Và nó có lý do của nó. Toàn bộ hệ thống được thiết lập -- khắp thế giới, và không hề có một hệ thống giáo dục công nào, trước thế kỷ 19. Chúng ra đời, để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa. Thế nên trật tự đó bắt nguồn từ hai quan điểm. Thứ nhất, những môn nào có lợi nhất cho công việc nằm ở trên cùng. Vì thế bạn có thể bị lái đi dần dần khỏi những thứ mà bạn thích khi còn bé, bởi vì bạn có thể sẽ không bao giờ tìm được việc gì liên quan đến nó. Phải không ạ? Đừng theo âm nhạc, bạn sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu; Đừng theo nghệ thuật, bạn sẽ không là nghệ sĩ đâu. những lời khuyên chân thành -- , đã bị hiểu sai trầm trọng. Cả thế giới chìm theo cuộc cách mạng ( công nghiệp). Điều thứ hai là khả năng học thuật, cái mà đã ngự trị cách nhìn nhận của chúng ta về trí thông minh, bởi các trường đại học đã vạch ra hệ thống này theo ý họ. Nếu bạn để ý, toàn bộ hệ thống giáo dục công trên thế giới là một quá trình kéo dài để dẫn tới cổng trường đại học. Và hậu quả là rất nhiều người tại năng, sáng tạo, xuất trúng nghĩ họ không phải như vậy. bởi cái mà họ xuất sắc ở trường không được đề cao, thậm chí bị bêu xấu. Và tôi nghĩ chúng ta không thể cứ tiếp tục như vậy.

Trong 30 năm tới, theo UNESCO, số người tốt nghiệp trên toàn thế giới qua học hành, là lớn nhất trong lịch sử. Nhiều người hơn, và đó là sự kết hợp của tất cả mọi cái chúng ta đã thảo luận -- công nghệ và sự biến đổi của nó lên công việc, lên nhân khẩu học và sự bùng nổ dân số. Bỗng nhiên, bằng cấp không còn giá trị nữa. Có đúng vậy không ạ? Thời tôi còn là sinh viên, nếu bạn có bằng, bạn sẽ có việc Nếu bạn không có, nghĩa là vì bạn không muốn có. Và thật ra tôi đã không muốn có. (Cười) Nhưng giờ bọn trẻ có bằng cấp, thường quay về nhà, tiếp tục chơi điện tử, vì bạn cần phải có bằng thạc sĩ, trông khi trước đây chỉ cần bằng cử nhân, Và giờ bạn cần cả bằng tiến sĩ cho một số việc Đó là 1 quá trình lạm phát học thuật. Và nó chỉ ra toàn bộ cấu trúc của giáo dục đang trượt xuống dưới chân chúng ta. Ta cần quan niệm lại một cách cơ bản, quan điểm về trí thông minh.

Chúng ta biết ba điều về trí thông minh. Thứ nhất, nó đa dạng. Chúng ta nhìn nhận thế giới theo mọi cách mà chúng ta trải nghiệm nó. Nhìn nhận trực quan, nhìn nhận qua âm thanh, qua sự vận động. Qua những ngôn từ trừu tượng, và qua sự biến đối. Thứ hai, trí thông minh rất năng động. Nếu bạn để ý đến sự tương tác của não bộ, như chúng ta được nghe từ những thuyết trình ngày hôm qua. trí thông minh tương tác một cách diệu kỳ. Bộ não không chia thành các phần tách biệt. Thật ra, tính sáng tạo -- tôi định nghĩa như một quá trình sở hữu những ý tưởng nguyên bản có giá trị -- nó thường xảy ra trong quá trình tương tác của những cách nhìn nhận khác nhau về một vấn đề.

Não bộ chủ định làm như vậy, Có một trục tế bào thần kinh nối hai bán cầu não lại tên là thể chai. Nó dầy hơn ở phụ nữ. Và từ điều Helen nói hôm qua, tôi nghĩ đó có lẽ là lý do tại sao phụ nữ có thể làm nhiều việc một lúc tốt hơn. Bởi vì các bạn là như vậy, phải không ạ? Có hàng đống nghiên cứu, nhưng tôi hiểu nó từ kinh nghiệm bản thân. Khi vợ tôi nấu ăn ở nhà -- điều không thường xuyên xảy ra, tạ ơn Chúa (Cười) Và vợ tôi có thể -- không, cô ấy cũng có vài món ngon -- nhưng khi vợ tôi đang nấu ăn, cô ấy thảo luận qua điện thoại, nói chuyện với bọn trẻ, cô ấy sơn trần nhà, và làm phẫu thuật tim ở đó. Còn nếu tôi nấu ăn, cửa phải đóng, bọn trẻ phải ra ngoài, điện thoại treo ngăn ngắn, và nếu vợ tôi bước vào tôi sẽ bực mình. Tôi nói "Terry, làm ơn đi. Anh đang cố rán trứng trong này. Để anh yên một lúc" (Cười) Chắc các bạn điều biết câu triết lý cũ, Nếu cái cây đổ trong rừng và không ai nghe thấy, nó có xảy ra không? Các bạn nhớ mẩu chuyện cũ đó chứ? Tôi mới nhìn thấy một câu in trên áo " Nếu một người đàn ông nói suy nghĩ của mình trong rừng, và không có phụ nữ nào nghe thấy điều đó, anh ta có vẫn sai không?" (Cười)

Và điều thứ ba về trí thông minh là, Nó rất dễ nhận thấy. Tôi đang viết một cuốn sách tựa đề "Thấu hiểu", dựa trên một loạt phỏng vấn với nhiều người, về việc họ phát hiện ra tài năng của họ ra sao. Tôi bị mê hoặc bởi cách họ khám phá điều đó. Nó được thôi thúc bởi một lần nói chuyện với một phụ nữ tuyệt vời mà có lẽ hầu hết mọi người chưa nghe tới, tên cô ấy là Gillian Lynne, Các bạn có biết cô ấy không? Cô ấy là nghệ sĩ múa và mọi người đều biết các tác phẩm của cô. Cô ấy dựng vở "Cats" và "Phantom of the Opera." Cô ấy rất tuyệt vời. Tôi từng là thành viên điều hành của đoàn Ba-lê hoàng gia Anh, như mọi người thấy đây. Một ngày, tôi và Gillian cùng ăn trưa, và tôi nói, "Gillian, cô trở thành nghệ sĩ múa như nào?" Cô ấy nói điều đó khá thú vị, khi cô ấy còn ở trường, cô ấy rất chán học. Và trường học, vào những năm 30, gửi thư tới phu huynh của cô ấy rằng" Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn học tập." Cô ấy không thể tập trung, cô ấy luôn bồn chồn. Tôi nghĩ giờ người ta sẽ nói cô ấy bị ADHD. Phải không? Nhưng đó là năm 1930, và khái niệm ADHD còn chưa ra đời lúc đó. Đó không phải là điều kiện có sẵn (Cười) Người ta đã không biết rằng họ có thể có triệu chứng đó.

Trở lại câu chuyện, cô ấy tới gặp một bác sĩ chuyên khoa. Và tại căn phòng ốp gỗ sồi đó, cô ấy đi theo mẹ của cô, và cô ấy được dẫn tới ngồi trên ghế cuối phòng, và cô ấy nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ cô về mọi vấn đề mà Gillian gặp phải ở trường. Và cuối cùng -- vì cô ấy làm phiền mọi người, bài tập về nhà luôn nộp muộn, đại loại như vậy, một đứa bé 8 tuổi -- Cuối cùng, vị bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói, "Gillian, Bác đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu đã kể cho bác, và bác cần nói chuyện riêng với bà ấy." Ông ấy nói "Chờ ở đây, chúng ta sẽ quay lại, không lâu đâu." và họ rời khỏi phòng, để cô ấy lại. Nhưng khi họ bước ra, ông bác sĩ bật chiếc đài đặt trên bàn của ông ấy. Và khi họ đã ra khỏi phòng, ông ấy nói với mẹ cô, "Hãy đứng và xem con bé." Và giây phút họ rời khỏi phòng, cô ấy nói, cô ấy đứng dậy, bắt đầu di chuyển theo nhạc. Và họ đứng nhìn vài phút, rồi ông ấy quay sang mẹ cô và nói, "Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa." Hãy để cô bé theo học trường múa"

Tôi hỏi "Chuyện gì xảy ra sau đó?" Cô ấy nói "Bà ấy đã làm như vậy. Tôi không thể diễn tả điều tuyệt vời đó. Chúng tôi bước vào căn phòng có toàn những người như tôi. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ." Người phải di chuyển để nghĩ. Họ đã học Ba-lê, họ học clacket, họ học jazz. họ học nhảy hiện đại, học nhảy đương đại. Cô ấy đã dự tuyển vào trường Ba-lê hoàng gia, cô ấy trở thành vũ công, và có thành tích tuyệt vời ở trường Ba-lê Hoàng gia. Cô ấy tốt nghiệp trường hoàng gia và thành lập công ty riêng của mình -- Gillian Lynce Dance Company -- gặp Andrew Lloyd Weber. Cô ấy chịu trách nhiệm sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người, và bản thân cô là một triệu phú. Một ai khác đã có thể bắt cô ấy điều trị bệnh và bảo cô ấy nên giữ bình tĩnh.

Giờ, tôi nghĩ là...(Vỗ tay) Tôi nghĩ kết luận của việc này là: Al Gore đã phát biểu tối hôm trước về sinh thái, về cuộc cách mạng được bắt nguồn từ Rachel Carlson. Tôi tin rằng niềm hy vọng duy nhất cho tương lai là thông qua một khái niệm mới về nhân sinh học, khái niệm mà trong đó chúng ta bắt đầu cải tổ lại quan niệm của chúng ta về khả năng dồi dào của con người. Hệ thống giáo dục của chúng ta đã định hướng suy nghĩ của chúng ta theo hướng bóc lột Trái Đất: dành cho những tiện nghi nhất đinh. Và trong tương lai, điều đó sẽ không đúng nữa. Chúng ta phải nghĩ lại những nguyên tắc gốc rễ mà dựa trên đó chúng ra đang dạy dỗ thế hệ trẻ. Có một câu nói tuyệt vời của Jonas Salk rằng "Nếu tất cả côn trùng biến mất khỏi Trái Đất, trong vòng 50 năm sự sống trên Trái Đất sẽ chấm dứt. Nếu tất cả loài người biến mất khỏi Trái Đất, trong vòng 50 năm tất cả sự sống sẽ sum xuê." Và ông ấy nói đúng.

Điều mà TED đề cao là khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta giờ đây phải sử dụng khả năng này một cách cẩn trọng, thông thái, và chúng ta phải ngăn chặn một số tình huống mà chúng ta đã thảo luận. Và cách duy nhất chúng ta có thể làm điều đó là thấy được sự dồi dào của khả năng sáng tạo của cúng ta, và thấy được niềm hy vọng vào thế hệ trẻ. Và nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng một cách toàn diện, để chúng có thể đối diện với tương lại Và -- có thể chúng ta không được chứng kiến tương lai này, nhưng thế hệ trẻ sẽ được. Và việc của chúng ta là giúp đỡ chúng làm được điều gì đó có ích. Cám ơn quý vị rất nhiều

No comments:

Post a Comment