Chia tay với cái lạnh thấu xương của mùa đông Hà nội tôi đến
với Sài gòn một chiều đầu năm. Sài gòn đón tôi với nắng vàng rực rỡ và người xe
tấp nập. Chú lái xe của Văn phòng B ra sân bay đón hồ hởi tay bắt mặt mừng dù
đã khá lâu tôi không vào đây công tác.
Khác biệt văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc thể hiện rất rõ ràng ở những
người lái xe trong Văn phòng cơ quan.
Vừa Tết ra nên nhà khách còn khá vắng vẻ, điện hành lang còn
chẳng bật hết, một mình ở nguyên một tầng lầu. Gọi điện cho cô bạn rất thân thời
thơ ấu định bụng rủ đi ăn tối để buôn dưa lê luôn thì bạn lại đang ở Mỹ, máy
roaming nên chẳng nói được gì nhiều. Thôi đành ăn tối qua quit rồi đi ngủ sớm để
sáng mai đi Củ chi cùng các đại biểu Hội nghị. Khách nước ngoài đến Sài gòn thường
được mời đi Củ chi giống như đến Hà nội thường được mời đi Hạ long. Chỉ có điều
Hạ long là kỳ quan do thiên nhiên ban tặng còn Củ Chi là kỳ quan được tạc nên bởi
lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của bao thế hệ Việt Nam
anh hùng. Trước đây cũng một vài lần được mời đi Củ Chi nhưng tôi không tham
gia, chắc chưa đến độ. Lần này rất hào hứng bay vào sớm chỉ để được tận mắt
nhìn thấy căn cứ địa cách mạng đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Trước kia tôi cứ hình dung địa đạo Củ Chi giống như thành phố ngầm của Pari
trong Những người khốn khổ. Nhưng không phải như vậy, có trực tiếp bò lom khom
trong những đường hầm hẹp, tối và rất thiếu
ôxy của địa đạo Củ chi mới hiểu ra rằng cuộc sống tại Củ chi khắc nghiệt
hơn rất nhiều lần. Lẫn lộn trong tôi tình cảm dành cho Củ Chi: ngưỡng mộ, khâm
phục và sót xa đến quặn lòng.