Sunday, September 21, 2014

50 năm sự kiện vịnh Bắc Bộ

Đơn vị ra đa quân chủng Phòng Không
 Không Quân sẵn sàng chiến đấu!
Năm nay tròn 50 năm sự kiện vịnh Bắc Bộ. Tiếp theo sự kiện Vịnh Bắc Bộ là chiến tranh chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế Quốc Mỹ, trong chiến tranh phá hoại tôi đã có một thời gian sống cùng với cha dưới hầm chỉ huy của trung đoàn tên lửa anh hùng bảo vệ thủ đô. Nhiều cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn của cha tôi đã trở thành anh hùng quân đội, giờ đây một số người trong họ là những vị tướng về hưu và là hàng xóm của tôi.
Khu tập thể Phòng Không-Không Quân của chúng tôi ở gần hầm chỉ huy của cha tôi ngày nào, nay đã là phố phường đông đúc và còn được nhiều người gọi là khu phố Anh Hùng, bởi vì chỉ có một đoạn phố ngắn mà có rất nhiều anh hùng quân đội! Năm nay nếu tính theo kiểu các cụ thì tôi đã tròn năm mươi tuổi, nhưng trong con mắt của các cô, các chú tôi vẫn là cậu bé hay được ngồi trên vai họ ngày nào. Các cô, các chú yêu quý tôi không chỉ vì tôi đã cùng chung sống với họ trong thời kỳ chiến tranh ác liệt mà còn vì lý do tôi là học sinh chuyên toán, là lưu học sinh. Họ bảo tôi đã chứng minh cho người ta thấy rằng con cái các ông tướng cũng có đứa học hành chăm chỉ và học giỏi, chứ đâu phải chúng nó đều là những đứa nghịch ngợm và quậy quá không chịu học hành!
Bộ đội tên lửa Việt Nam sẵn sàng chiến đấu
Khi được xem Giai Điệu Tự Hào trên TV với những bài ca bất hủ: Bài Ca Hà Nội, Bài Ca Năm Tấn, Tôi Là Người Thợ Lò, Cô Thợ Hàn, Những Ánh Sao Đêm, Quảng Bình Quê Ta Ơi, Tiến Lên Chiến Sĩ Đồng Bào... Vô cùng xúc động-nước mắt tuôn trào tôi đã đi gặp những người bạn chiến đấu của cha tôi để ôn lại những kỷ niệm tuy gian khổ nhưng hào hùng năm xưa. Những chiến binh anh hùng, dũng cảm ngày ấy dạt dào xúc động với những lời ca:

"...Ơi cô gái ơi súng bên vai sao vuông đầu mũ
Em đi về đâu mà mắt em tươi sáng,
Em đi về đâu mà chân bước hiên ngang.
Những hôm miệt mài trên bãi tập
Chiến công này hẳn có tay em

Anh chiến sỹ ơi đã bao đêm canh bên nòng súng
Ngắm những đường phố mà thấy sao tha thiết
Ơi Thủ Đô thịt da máu xương ta,
Trút căm hờn vào quân xâm lược
Giữ đất trời Thủ Đô mến yêu của ta..."

"...Ơi ! chị dân quân canh gác ven biển
Ơi ! anh chiến sĩ canh gác bầu trời..."
"Trong tiếng súng cả nước cùng đánh Mỹ
Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày...
5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ
Một đoá hoa thơm mang tất cả sức trẻ già..."
Họ đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đã từng tham gia đánh Mỹ, trong đó có tôi. Họ cho rằng tôi đã đánh Mỹ bằng tâm hồn trẻ thơ của tôi. Sau những giờ phút ác liệt của trận chiến đấu, họ gặp tôi với nụ cười hồn nhiên không biết sợ bom đạn là gì giúp họ thư giãn để sẵn sàng bước vào trận chiến mới!... Sau những phút hàn huyên về thời kỳ chiến tranh ác liệt, tôi báo cáo "trước đây cháu ở cùng các chiến binh tham gia bảo vệ những ngôi nhà, bảo vệ thành phố, ngày nay cháu làm trang trí nội thất để tô điểm cho những ngôi nhà, căn hộ của thành phố chúng ta".
Các cô, các chú lại kể chuyện xưa. Ngày đó do điều kiện chiến tranh nên mẹ tôi và anh tôi ở xa Hà Nội. Vì bận trực chiến, cha tôi thường gửi tôi cho các cô bộ đội, các chú lính trẻ rất tếu trêu tôi:
- Bọn tao chịu mày đấy! Làm sao mà mày ngủ được với bọn con gái? Mày xem, chúng tao có đứa nào ngủ với bọn con gái đâu? Bọn nó hôi nách lắm!
Thế là tôi nói với cha:
- Con không ngủ với bọn con gái đâu! Bọn con gái hôi nách lắm...
...
Rồi một ngày mẹ tôi về thăm chúng tôi. Các cô hỏi:
- Thử xem hôm nay thằng Quang(1) có ngủ với con gái không?
Tôi đã trả lời:
- Con gái nhưng lại là mẹ cháu!
...
Đại sứ Mỹ Pete Peterson
 Tới đây tôi lại nhớ tới lời của vị đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam: " Trước đây tôi đến Việt Nam để phá những chiếc cầu, ngày nay tôi đến Việt Nam để xây những chiếc cầu", “Những ngày làm Đại sứ tại Hà Nội là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”
Khi gặp ông Peterson, tôi được cụ Hồng Y Giuse Phao-lô Phạm Đình Tụng giới thiệu là con của một ông tướng tên lửa, ông đã ôm lấy tôi và thân mật cười vui:
- Chúng ta là những người đã cùng chung một chiến trường năm xưa, nay cùng chung một công việc xây dựng quan hệ Mỹ-Việt. Ngày xưa là kẻ thù, nay là bạn, chúng ta sẽ cùng nhau làm hết sức mình nhé!
Giờ đây ngài đại sứ đáng kính đã trở thành chàng rể đáng yêu của dân tộc Việt Nam anh hùng, ông đã là tấm gương điển hình biến thù thành bạn!

Bạn có kẻ thù không? Hãy tiêu diệt kẻ thù bằng cách biến chúng thành bạn nhé!

1-Hồi nhỏ vì trùng tên với cụ nên mọi người không dám gọi tôi là Minh mà gọi là Quang

12 comments:

  1. Bài viết của Minh hay và xúc động lắm, nhất là đoạn ôn lại các kỷ niện cũ.

    ReplyDelete
  2. Trong dịp TV nhắc lại 50 năm sự kiện Vịnh Bắc Bộ và Giai Điệu Tự Hào em đã xúc động không cầm được nước mắt và viết ngay bài này, nhưng lại bỏ quên bây giờ mới post lên đấy ạ!

    ReplyDelete
  3. Mỗi khi em sang chơi nhà các cô, chú hàng xóm là họ lại kể lại những kỷ niệm hồi nhỏ của em. Ngày đó chỉ có em là trẻ con nên được các cô, chú chiều, các chú thì hay bày trò để trêu các cô rất vui! Nhưng kỷ niệm không chỉ thời chiến mà còn cả khi em học chuyên toán Chu Văn An và khi em được vào Thanh Xuân học ngoại ngữ để sang Nga học!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Những kỷ niệm của Minh kể lại thật đáng yêu!
      Rất tự hào là trong các hàng cha chú của XĐTV có một vị tướng Phòng Không - Không Quân như bố Minh!

      Ông Peterson bây giờ có lẽ đã trở thành hàng xóm làng giềng của TN rồi nhỉ?

      Câu cuối cùng của Minh làm mình nhớ lại câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln:
      "The best way to destroy an enemy is to make him a friend".

      Delete
    2. Một thời đạn bom một thời hoà bình ... :-)

      The best way to destroy a friend is to make him a poeple 's enemy :-) (kẻ thù của nhân dân) ... Just kidding :-)

      Delete
    3. Ôi chẳng cứ gì friend, có thể diệt bất cứ ai bằng cách đem ra "đấu tố" trước toàn dân, biến họ thành kẻ thù của nhân dân!

      Trong tiếng Anh có một khái niệm tương tự, hình như là "public shaming" thì phải ... Cách mạng văn hóa và đội cận vệ đỏ ở TQ thời xưa là một ví dụ điển hình.

      Ở Mỹ dịp bầu cử cũng đầy negative ads của các đối thủ nói xấu nhau.

      Thế còn bị ghét hoặc trở thành kẻ thù của một nhà thơ - "a poet's enemy" thì sao? (really just kidding ;)

      Delete
    4. Diễm phúc mới đc là enemy của poet :-)

      Giận thì giận mà thương thì thương ... :-)

      Delete
    5. Bác Meo đã biến "người bạn chiến đấu thân thiết" Lưu Thiếu Kỳ và Lâm Bưu thành ... People's enemy đó ... :-)
      Inverse version of Abraham Lincoln 's quote :-)

      Delete
    6. Một lần được nghe anh trai em kể chuyện xem phi công Mỹ bị bắt và bị người ta đánh rất đau, em đã chạnh lòng thương!
      Lần khác bố em kể chuyện hỏi cung phi công Mỹ, khi mới vào người phi công rất sợ, ông cụ chỉ lên bản đồ hỏi:
      - Anh đã ném bom những vị trí nào và định ném bom chỗ nào nữa?
      Người phi công chỉ lên bản đồ những vị trí đã ném bom và những vị trí dự định sẽ ném bom, 1 vị trí định ném bom là điểm nút giao thông quan trọng. Khi bố em hỏi người phi công tại sao anh ta lại định ném bom vào đó? Người phi công trả lời vì đã từng thấy có rất nhiều xe ở đấy! Ông cụ khen người phi công có con mắt quả là tinh anh, thế là anh chàng quên mất mình là tù binh và hào hứng nói chuyện như người bạn chân tình, có lúc đứng lên khua chân múa ta làm điệu bộ để thuyết trình.... Bố em bảo chả phải hỏi cung gì nữa, chỉ nói chuyện thôi là nắm được hết cả rồi!

      Delete
    7. Chuyện của Minh gợi nhớ đến những kỷ niệm thời chiến tranh. Hồi đó cấm mặc áo trắng vì sợ làm mục tiêu của phi công Mỹ!? Mọi người (VN) có biết đâu rằng ném bom ở đâu, thời gian nào, cường độ như thế nào... đều có lịch trình sẵn. Không phải phi công cứ bay lên bầu trời rồi nhìn thấy áo trắng là ném bom đâu?! :)

      Delete
    8. Chuyện kiểu Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu... và có lẽ cả ở Việt Nam thì nhiều lắm! Sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng!!!

      Delete
  4. Cảm ơn anh Minh, bài viết của anh đã làm sống dậy ký ức một thời chiến tranh, sơ tán, hầm trú ẩn và mũ rơm đi học. Một thời đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đầy những kỷ niệm yêu thương không bao giờ phai mờ trong mỗi chúng ta với những trưa hè nắng chang chang rủ nhau đi nhặt quả thông, dính ve sầu, chuồn chuồn ngô, bắt châu chấu và cả tuốt trộm đòng đòng nữa...
    Đó cũng là lý do tại sao những thế hệ 5x, 6x... mỗi khi nghe những bài ca đi cùng năm tháng, những giai điệu tự hào ấy khiến chúng ta cảm xúc dâng trào!

    ReplyDelete