Có lẽ những người Việt
Nam và đặc biệt người Hà Nội chúng ta không ai không thuộc vài câu bài hát nổi
tiếng “Em ơi, Hà Nội – Phố” của nhạc sĩ Phú Quang. Nhưng không nhiều người biết
tác giả của phần lời bài hát đó là nhà thơ Phan Vũ, và càng ít người hơn biết đầy
đủ về trường ca "Hà Nội – phố", được Phan Vũ sáng tác vào cuối năm 1972, sau 12
ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" máu lửa đầy hào hùng của Hà Nội.
Bài thơ đúng là một bản
trường ca, rất dài và đi vào từng ngóc ngách ngõ phố Hà Nội với bao nhiêu kỷ niệm
thân thương, những hình ảnh, âm thanh, tiếng động, mùi hương, màu sắc… tác động
lên các giác quan, khiên ta khôn nguôi nhớ về Hà Nội. Hãy nghe chính bản thân tác
giả tâm sự về những ngày này 40 năm trước:
“Mùa đông năm 1972
tôi ở Hà Nội, lúc ấy B52 đánh Hà Nội ác liệt. Hàng ngày đi lang thang. Tôi
thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên hay đi theo ông. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về
phố. Tôi viết bài thơ đó trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến
tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát. Căn nhà tôi ở là
một nhà kiểu Pháp, có lò sưởi. Lúc đấy tôi đi lượm cây cối, những mảnh gỗ vỡ,
rồi đêm nào cũng đốt lên, rồi làm thơ…”.
Bài thơ khá dài chia ra thành nhiều chương, tác giả đã chia thành hai mươi nhăm chương, mỗi chương là một đoạn ngắn những suy tư
của tác giả về một kỷ niệm nào đó với một cách viết rất đặc trưng của Phan Vũ.
Thơ của ông không tuân theo vần điệu, niêm luật vốn rất chặt chẽ, mà lại rất
kén chọn từng từ ngữ, chắt chiu từng âm điệu và rất đắt giá khi gợi cảm cho người
đọc.
I
Em ơi ! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan Còn em hoa sữa. Tiếng giày gọi đường khuya Thang gác cọt kẹt thời gian Thân gỗ ... Ta còn em màu xanh thật đêm Ngôi sao lẻ Xào xạc chùm cây gió Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ Lá thư quên địa chỉ. Quay về ...
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn Ai đó chờ ai ? Tóc cắt ngang xõa xõa bờ vai… Ta còn em một ngã ba vội vã, Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua, Khuôn mặt chưa quen Bỗng xôn xao nỗi khổ… Mỗi góc phố một trang tình sử…
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ. Trên vòm cao Đổ xuống chuông hồi. Nhà thờ Cửa Bắc Tan chiều lễ Kinh cầu còn mãi ngân nga…
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa. Tháng năm dừng lại Một ngôi nhà. Gã Trương Chi ôm ghita Từng đêm Hóa đá… Ta còn em chuyến tàu đêm Về muộn Qua cầu Một người nào lạc giữa sân ga... Em ơi ! Hà Nội – phố ! Ta còn em những hố sâu Trước cửa Cơn mưa đầy Chiếc thuyền giấy lang thang Không bến đỗ... Ta còn em quả bóng lăn Một mình trên sân cỏ. Thằng bé thẫn thờ. Tuổi thơ qua cuộc chơi, Vội vã... Ta còn em cánh cửa sắt Lâu ngày không mở. Nhà ai ? Qua đó bâng khuâng, Nhớ tuổi học trò...
Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa Thơm mùi hò hẹn Cuộc tình đầu ngọt lịm. Những nụ hôn xanh ngắt trên cành... Ta còn em chuỗi cười vừa dứt. Nắng chiều vàng ngọn cỏ Vườn hoang Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ... Ta còn em tiếng ghita Bập bùng tự sự Đêm kinh kỳ một thuở Xanh lơ...
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua, Đếm thời gian Theo nhịp đong đưa Trước ngõ phố Sót cây hoa gạo. Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...
Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố, Mùa trăng không tỏ. Tiếng rao đêm Lạc giọng Thờ ơ... Ta còn em bảy nốt cù cưa, Lão Mozart hàng xóm Từng đêm quên ngủ. Cô gái mặc áo đỏ venise Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ Những mảnh vỡ trên thềm – Beethoven và Sonate Ánh Trăng – Nốt nhạc thiên tài bay lả tả. Một kiếp người, Một phím đàn long…
Ta còn em khuya phố,
Mênh mông, Vùng sáng nhỏ. Bà quán ê a chuyện nàng Kiều. Rượu làng Vân lung linh men ngọt. Mắt cô nàng lúng liếng, Đong đưa, Những chàng trai say suốt cả mùa… |
II
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố. Tia hồ quang chớp xanh. Toa xe điện cuối ngày, Người soát vé Áo bành tô cũ nát… Lanh canh ! Lanh canh ! Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ? Bó gạo, mớ rau Mẹ về buổi chợ Lanh canh ! Lanh canh ! Lá bánh, củ khoai. Đàn con trên bến đợi Cuối ngày…
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em con đê lộng gió. Dòng sông chảy mang theo hình phố. Cô gái dựa lưng bên gốc me già, Ngọn đèn đường lặng thinh Soi bờ đá… Ta còn em một con tàu Giã biệt bến sông. Mảnh trăng vỡ Tiễn người bỏ xứ. Dãy phố buồn.. Nghìn năm mắt nhớ...
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ. Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá. Gã đầu trần đi ngược trời mưa... Ta còn em con đường tên cũ Cổ Ngư, Cành phượng vĩ là đà. Chiều phai nắng, Bông hoa muộn in hình ngọn lửa... Ta còn em chiếc lá rụng Khởi đầu nguồn gió. Lao xao con sóng biếc Gió Tây Hồ. Hoàng hôn xa đến tự bao giờ ? Những bước chân tìm nhau vội vội. Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang... Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm Thoáng mùi sen nở muộn Gió Nhật Tân Gợi Mùa hoa năm ấy Cánh đào phai…
Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố. Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ. Cô gái băng qua đường Chợt hồng đôi má. Một chút xanh hơn, Trời Hà Nội hôm qua... Ta còn em cô hàng hoa Gánh mùa thu qua cổng chợ. Những chùm hoa tím Ngát mùa thu... Em ơi ! Hà Nội – phố Ta còn em một Hàng Đào, Không bán đào. Một Hàng Bạc, Không còn thợ bạc. Đường Trường Thi Không chõng, không lều Không ông nghè bái tổ vinh quy... Ta còn em tiếng gọi trong đêm, Người đi xa trở về. Căn nhà không biển số. Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ. Ngày về phố cũ quên tên...
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ, Điệp vàng rực rỡ. Cánh tay trần trên gác cao khép cửa. Những gót son dập dìu đại lộ. Bờ môi ai đậm đỏ bích đào... Ta còn em tà áo nhung huyết dụ. Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa, Phường cũ lưu danh người đẹp lụa. Ngõ phố nào in dấu hài hoa... ? Ta còn em đường lượn mái cong Ngôi chùa cổ. Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương. Ai đó ngồi bên gốc đại, Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi. Cuộc đời, có lẽ nào, Là một thoáng Bâng quơ... |
III
Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ. Những nỗi đau gặm mòn phận số. Nhật ký sang trang Ghi thêm nỗi khổ... Ta còn em đống kim ngân Đổ đầy Hàng Mã. Ngựa, xe, võng, lọng, Những hình nhân nuối tiếc vàng son. Khi phố phường là miền loạn gió Làm sao tìm được mớ tro thân... ? Ta còn em nóc phố lô xô, Màu ngói cũ Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa. Con đường đá lát bao niên kỷ?.. Qua sông nhớ mẹ tuổi già... Em ơi! Hà Nội – phố Ta còn em mảnh đại bác Ghim trên thành cũ. Một thời thịnh, Một thời suy, Hưng vong lẽ thường. Người qua đó, Hững hờ bài học sử.. Ta còn em dãy bia đá Nhân hình hội tụ. Rêu phong gìn giữ nét tài hoa. Ly rượu đầy xin rót cúng cha. Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ. Bến nước nào đã neo thuyền ngự ? Đám mây ào in bóng rồng bay?... Ta còn em tháng chạp, Những hàng cây óng ả sợi hồng Tháng chạp Trên giường trải chiếu hoa Tháng chạp, Mùi hương dài theo phố. Một tháng chạp Mẹ Nửa đêm thức Hóa vàng… Em ơi ! Hà Nội – phố Ta còn em năm cửa ô – Năm cửa gió Cơn bão thường niên qua đó – Ba mươi sáu phố, Bao nhiêu mảnh vỡ ? Ta còn em một màu xanh thời gian. Một màu xám hư vô, Chợt nhòe, Chợt hiện. Chợt lung linh ngọn nến, Chợt mong manh một dáng, Một hình, Nhợt nhạt vàng son, Đậm đầy cay đắng… Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ, Ô cửa ngẩn ngơ Ngôi nhà không người ở Khung trời của nỗi buồn Vô cớ… Người nghệ sĩ lang thang Hoài, Trên phố. Bống thấy mình không nhớ nổi con đường. Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha… Ta còn em những giọt sương, Nhòe nhòe bóng điện. Mặt nước Hồ Gươm, Một đêm trở lạnh. Tháp Rùa ngả bóng lung linh. Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối Người ra đi mang theo buốt giá, Áo choàng không ấm thân gầy, Cầm bằng như cánh chim bay… Em ơi ! Hà Nội – phố! Ta còn em cây bàng Mồ côi mùa đông. Ta còn em nóc phố Mồ côi mùa đông. Ta còn em mảnh trăng Mồ côi mùa đông… Phan Vũ 12/1972 |
Một điểm đặc biệt nữa của
trường ca “Hà Nội – phố” là tác phẩm thơ được phát hành rất muộn. Từng đoạn thơ
được tác giả phổ biến theo kiểu truyền miệng, thế rồi chính bản thân tác giả
cũng không nhớ hết được trường ca do mình sáng tạo ra. Năm 1985 Phú Quang và
Phan Vũ gặp nhau tại Sài Gòn, nhạc sĩ được nhà thơ đọc cho gần như toàn vẹn trường
ca. Sau đó Phú Quang đã rút ra từ tác phẩm này những lời hay ý đẹp và tạo ra lời
cho bài hát bất hủ “Em ơi, Hà Nội – phố”. Nếu đem đối chiếu lời của nhạc phẩm
và nguyên tác thi phẩm, tôi nhận thấy tất cả chất lãng mạn, bồng bềnh, mà vẫn
kín đáo, nhẹ nhàng của cốt cách người Hà Nội trong nguyên tác thi phẩm của Phan
Vũ đã được nhạc sĩ Phú Quang “rút ruột” hết sang nhạc phẩm của mình. Nhưng công bằng mà nói, những gì
rất Phan Vũ trong thi tứ, thì Phú Quang lại không thể nào thể hiện được trong
nhạc phẩm của mình. Có thể do đặc điểm của hai loại hình nghệ thuật khác nhau,
nên dù người nhạc sĩ có yêu thích và muốn đến đâu cũng không thể nào làm được.
Phan Vũ đích thực là một người nghệ sĩ. Ở cái tuổi gần 90, ông vẫn còn sức chuyển sang hình thức nghệ thuật mới là hội họa. Năm 2012 ông đã triển lãm hàng chục bức tranh vẽ tự do theo kiểu của mình. Tôi rất tâm đắc với bức tranh sau vẽ về Hà Nội và cố gắng có bài viết về Phan Vũ - họa sĩ trong năm mới 2013 này.
Mãi
tới năm 2009, tập thơ Phan Vũ mới chính thức ra mắt độc giả và nhà thơ có buổi
chia sẻ với những người hâm mộ vào 25/9 tại thư viện Hà Nội. Sau gần 40 năm bài
thơ Hà Nội – phố mới chính thức quay lại mảnh đất là nguyên do sinh ra nó, mặc
dù trên internet bài thơ được lưu truyền với nhiều dạng khác nhau và rất khó
xác định đâu là giả đâu là thực.
Trong bài viết này,
chúng ta hãy tìm hiểu sâu về những ngày B52 khói lửa ấy của Hà Nội qua thơ Phan
Vũ. Thơ viết về một cuộc chiến tranh tàn khốc đến thế, mà không có đạn bom,
không có máu lửa, cũng không có chiến công và những người chiến thắng là một việc
rất khó. Nhưng còn khó hơn gấp vạn lần là làm sao mà chiến tranh vẫn cứ luôn hiện
hữu đâu đó trong từng con chữ, hình ảnh, giọng điệu... làm ám ảnh tâm trí bao
người. Có lẽ chỉ những nhà thơ có tâm và có tài như Phan Vũ mới làm được:
Một tháng
chạp
Con đường
ngẩn ngơ
Dãy phố
không người ở
Những khu
trắng nằm trong tọa độ
Sập gụ, tủ
chè, sách xưa và bình cổ
Dòng chữ
phấn ghi trên cánh cửa
Tất cả thí
thân cho một mất một còn
Lời thề ra
đi của những người bỏ phố
“Còn
một đống gạch còn trở về nhà cũ!”
Một tháng
chạp
Phường phố
rền vang còi hụ
Cái chết đến
tự phương nào?
Cách Thủ đô
bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội
thật ngọt ngào
Cô gái loan
truyền tin bão lửa
“Hỡi
đồng bào! Hỡi đồng bào!”
Một tháng
Chạp
Cây bàng mồ
côi mùa đông
Mảnh trăng
mồ côi mùa đông
Nóc phố mồ
côi mùa đông…
Tháng Chạp
năm ấy in hình bao mộ phố...
Người nghệ
sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy
mình không nhớ nổi con đường!...
Và đây là tâm sự của chính nhà thơ về những ngày Hà Nội vắng vẻ
bất thường này:
“Tháng chạp
năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại
thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta
còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em, ta còn em...
được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý
nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy
lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới
và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn
an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội
mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.
Nhưng Em
ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu
thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc
ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu
đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của
dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng
đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.
Tôi đã sống một mình
trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà
tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên
căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục
tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng
chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.
Tôi như đang trong một
giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ
đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà
Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi
ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên,
trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn
kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly
rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng,
một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.”
Phan Vũ đích thực là một người nghệ sĩ. Ở cái tuổi gần 90, ông vẫn còn sức chuyển sang hình thức nghệ thuật mới là hội họa. Năm 2012 ông đã triển lãm hàng chục bức tranh vẽ tự do theo kiểu của mình. Tôi rất tâm đắc với bức tranh sau vẽ về Hà Nội và cố gắng có bài viết về Phan Vũ - họa sĩ trong năm mới 2013 này.
Nguyễn Công Thành
Đây là bài viết sau khi đọc comment dài của VH về Phú Quang trong bài "Hà Nội ngày trở về..." của TN.
ReplyDeleteThực sự Phan Vũ là một nghệ sĩ vĩ đại từ phong cách sáng tác, đến cách găm tác phẩm chọn thời điểm công bố. Nếu không là Phan Vũ chúng ta có thể không được chiêm ngưỡng tác phẩm "Hà Nội - phố" đồ sộ đến như vậy.
Với Sài gòn, Phan Vũ có tác phẩm "Bao giờ và mãi mãi" cũng rất đáng chú ý.
Bài viết được đăng vội để kỷ niệm 4o năm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.
Hề hề hề,
DeleteCám ơn Công Thành đã bỏ công sưu tầm và viết lên những suy nghĩ của mình về bài thơ này.
Có nhẽ khi đọc thơ mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau, nhưng cảm nhận rõ nhất là tâm trạng của một người đã sống với Hà nội và yêu Hà nội da diết như tác giả bài thơ.
Mình cũng là một trong những người bám trụ tại Hà nội vào thời gian đó. Lý do thì cực đơn giản, chả còn biết đi về đâu nữa, thôi thì sống chết nhờ giời vậy. Thế nhưng cái cảm nhận của mình thì chả có tí thơ nào, chỉ là một kiểu vui đùa với số phận mà thôi.
Hề hề hề.
Cám ơn CT, cho anh mượn đưa lên "sách mặt" nhé.
ReplyDeleteĐề tài này hay lắm anh Thành à.
ReplyDeleteTrong bọn lớp Hải có nhiều người cũng rất yêu thích Phan Vũ. Thực ra là bài thơ Hà nội Phố đã được đăng trên blog "Múa may" - blog cũ của bọn Hải một lần rồi ;) Cũng ở bên blog Múa may Hải có treo mấy bức tranh theo trường phái "ấn tượng" của Phan Vũ - Để chốc nữa lôi về dán vào đây luôn.
Hải có file mp3 Ngoc Tân hát bài Hà nội Phố này ở đâu đó trong máy để ở nhà.
Hôm nay mới đọc bài trên blog "Múa may", vì vào những trang này rất khó, (kể cả blog.ichuvanan.org)
DeleteCó điều chắc VH và mọi người XĐTV chưa biết, tác giả Eros của bài viết này chính là "hậu duệ" của anh Sơn Bò lớp i-Đỏ. Hồi năm 2005 CT có qua Paris và ghé qua nhà của Eros, đã thấy toàn văn bài Hà Nội phố dán trên tường mà cứ nghĩ đó là giới trẻ đùa nghịch. Bây giờ đã rõ nguồn gốc và cách "phát tán" Hà Nội phố, mới thấy giới trẻ cũng có nhiều người tâm huyết với Hà Nội! Rất đáng trân trọng!
Hề hề hề,
DeleteTé ra cánh i đỏ lại ăn về hậu vận nhể???
Thôi thì ráng mà hy sinh đời bố để củng cố đời ......... ông vậy.
Ở ngoài đời Phan Vũ là chồng của nghệ sỹ Phi Nga (chung một dòng sông), ông là bạn của Phú Ân là anh Phú Quang là nhạc công dàn nhạc xưởng phim truyện VN. Bài thơ không đc phổ biến thời đó để tránh bị "lườm nguýt" như Phạm Tiến Duật, Hoàng Cát ..vv
ReplyDeleteHay lắm TN, Tuấn đăng bài về họa sĩ Phan Vũ đi, nhớ bình luận "chuyên nghiệp" một chút cho anh em thưởng thức hội họa.
ReplyDeleteSau đây là một số thông tin thêm về Phan Vũ:
Nhà thơ Phan Vũ, sinh năm 1926, ở quê mẹ Hải Phòng, nhưng quê cha của ông ở Đà Nẵng. Mới 13 tuổi cậu bé Phan Vũ đã một mình tự “di cư” vào Nam kiếm ăn sinh sống. Cách mạng tháng Tám thành công, ông hòa mình vào đội quân kháng chiến chống thực dân Pháp. Hòa bình lập lại, ông định cư trong một căn xép nhỏ của Pháp để lại, ở số nhà 52, phố Hàng Bún, Hà Nội. Ông là lớp người cùng thời với Quang Dũng, Phùng Quán, Lê Đạt... và là nhà văn thế hệ đầu tiên, khi Hội Nhà văn Việt Nam mới thành lập, năm 1957. Giao du với các họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng và nghe nhạc của bà Thái Thị Liên là sở thích của ông. Nhà thơ Phan Vũ có khá nhiều thành tựu về sân khấu và điện ảnh, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ như: vở kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải thưởng Văn học năm 1955), “Thanh gươm và Bà mẹ”, kịch bản phim “Dòng sông âm vang… Ông từng là đạo diễn các phim: “Người không mang họ”, “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại” (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu). Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tại Tp Hồ Chí Minh, khi tuổi đã ngoài 70, cụ Phan Vũ lại “bay” sang miền hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh trong nước và quốc tế...