Sunday, March 24, 2013

PHỤC SINH

















Sắp tới lễ Phục Sinh rồi! Các anh chị, các bạn đã xem truyện và bộ phim cùng tên “Phục Sinh” chưa?
Một trong những tác phẩm bất hủ của đại văn hào Lép Tôn-x-Tôi có tên là Phục Sinh. Nội dung của cuốn tiểu thuyết này tóm tắt như sau:



 Theo tục lệ của Chính Thống giáo ở Nga, sau khi dự thánh lễ đêm Phục Sinh, từng cặp chào mừng nhau. Một người xướng: “Chúa Kitô đã sống lại”, và người kia đáp: “Người đã sống lại thật”; rồi hai người ôm hôn ba lần để trao niềm vui cho nhau. Chính lễ nghi này đã khiến ông hoàng  Nêkhơliuđôp, trong một lần về thôn quê, ôm hôn người hầu gái của bà cô mình và bỗng xuất thần cảm nhận tình yêu. Trong khoảnh khắc thánh thiện ấy, ‘tình yêu đã đạt đến tuyệt đỉnh, nơi không còn mảy may gì là suy nghĩ, là xác thịt, mà chỉ là sự hợp nhất giữa hai người’. Cũng vì giây phút thần thiêng ấy mà cô hầu Ca-ta-ri-na đã trở thành người tình một đêm của ông hoàng, để rồi ông trở về thành phố mà không còn bận tâm gì đến hành vi tệ hại của mình trong cái đêm Phục Sinh ở thôn quê ấy.

Nhiều năm sau đó, ông hoàng  Nêkhơliuđôp ngồi ghế bồi thẩm đoàn để xem người ta kết tội một cô gái thứ dân phạm một tội không được thấy rõ rệt. Cô gái ấy chính là Ca-ta-ri-na mà ông hoàng đã ân ái một đêm rồi xóa đi trong ký ức. Ông nhận ra rằng hành động vô trách nhiệm của mình đã đẩy cô gái xuống vực thẳm và giờ đây bị kết án oan. Lương tâm bừng dậy, ông đã bỏ lại tất cả vinh hoa phú quý của mình ở đô thành để theo cô gái suốt hành trình đi đày đến tận Xi-bê-ri và chia sẻ mọi cơ cực của những kẻ tù đày... để rồi cuối cùng đã xin được ân xá cho Ca-ta-ri-na, và thực chất cũng là ân xá cho chính tâm hồn mình.

Ông hoàng  Nêkhơliuđôp đã thông qua hành trình gian khổ đến với miền giá lạnh Xi-bê-ri, đã đối diện với đau khổ, đã chứng kiến cảnh tù đày phi nhân đạo... để rồi ông thực sự phục sinh.
 Cuốn sách được kết thúc bằng câu sau đây:
“Kể từ đêm hôm ấy, một cuộc sống mới khởi sự cho  Nêkhơliuđôp, không phải vì điều kiện sống của ông đã thay đổi, nhưng bởi vì kể từ giây phút ấy, mọi biến cố trong cuộc đời đều mang một ý nghĩa khác.”
Như vậy Phục Sinh ở đây chính là sự sống lại của ông hoàng Nêkhơliuđôp. Ông đã từng vô trách nhiệm với Ca-ta-ri-na, để cô rơi vào cảnh cơ cực. Nhưng ông đã làm lại cuộc đời, đã cứu được cô và cứu được chính tâm hồn tội lỗi của mình!

Tôi đã từng xem bộ phim dựng theo cuốn tiểu thuyết này và cũng từng đọc chính bộ tiểu thuyết này từ lâu lắm rồi, nhưng lúc đó do hiểu biết còn quá hạn hẹp nên tôi chỉ hiểu rằng Phục Sinh ở đây là Lễ Phục Sinh đã khiến hai người gặp nhau... chứ không hiểu nổi được như ngày nay. Khi đó tôi chỉ thấy một ông Hoàng vì thương yêu cô gái Ca-ta-ri-na mà đã dấn thân xuống tận Xi-bê-ri…Thậm chí hồi đó tôi còn chẳng biết rằng phục sinh có nghĩa là sống lại nữa. (Mà chỉ thấy cảnh lễ hội và quần áo đẹp... mà thôi). Giờ đây, hàng năm cứ đến dịp Lễ Phục Sinh là tôi lại mong có một sự Phục Sinh mạnh mẽ trong con người mình, trong một con  người còn quá nhiều khiếm khuyết...!
Xin cho sự Phục Sinh được trở thành sự thật, cho tất cả những tâm hồn tội lỗi đều được Phục Sinh!
Minh i vàng

22 comments:

  1. Cảm ơn Minh đã nhắc lại một Tiểu thuyết rất hay, trước đây chị cũng đọc rồi nhưng bây giờ cũng quên rồi. Chắc phải lập kế hoạch khi nào nghỉ hưu đọc lại tất cả các truyện đã từng đọc thời niên thiếu, cũng tốn kha khá thời gian đấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khi nào muốn đọc chị báo cho e nhé! E có sách về cuộc đời Léptônxtôi, các tác phẩm chọn lọc của ông. Giamalia của Aitmatop (Cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga), Người Mẹ của Macximgorky xuất bản từ 1967, Thơ Maiacopxky, Du Lịch Các Nước Cộng Hòa(Tiếng Nga kèm chú thích tiếng Việt...)...

      Delete
    2. Cảm ơn em nhiều.

      Delete
    3. Cảm ơn em nhiều.

      Delete
    4. Chị ơi! E còn rất nhiều sách về các nhà lãnh đạo Xô Viết nữa, e vẫn tiếc những năm còn Liên Xô chị ạ!

      Delete
  2. Phim Phục Sinh được làm từ năm 1960, được chiếu tại Việt Nam trong những năm 1970. Hồi đó đa số XĐTV đều là trẻ con nên không hiểu được... là phải!

    Phim này là phim khá nổi tiếng của điện ảnh Xô Viết và hình như bản đầu tiên là phim đen trắng, sau này mới khôi phục lại thành phim mầu thì phải.

    Nói thêm về ngày lễ Phục Sinh ở Nga và các nước Thiên Chúa Giáo, đó là ngày Chủ nhật của tháng 3 hoặc tháng 4 (tiếng Nga lên của tiểu thuyết là Chủ nhật) và là ngày lễ lớn nhất trong năm (hơn cả ngày Giáng Sinh tháng 12). Nội dung ngày lễ là đón chào Chúa Giesu sống lại trong mùa Xuân. Vào ngày này ở Nga hay làm những quả trứng luộc và trang trí rất đẹp lên đó. Trứng Phục Sinh của Nga nổi tiếng khắp thế giới và có tác phẩm nghệ thuật này đấu giá hàng triệu đôla!

    Nhân ngày lễ Phục Sinh năm nay (31-3-2013), ACE hãy tham luận cho sôi nổi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Té ra cái ông Chúa này cũng lắm chuyện nhể???
      Cứ tưởng lể phục sinh (ngày chúa sống lại) phải là một ngày cố định chứ nhể. Theo cái trí lộn của tui thì đó là ngày 16/4 dương lịch thì phải.
      Thế mà cái ông Chúa này lại oái oăm mỗi năm chọn một ngày sống lại ư???
      Hay vì là Chúa nên sống lại ngày nào chả được nhể???
      Đúng là Chúa ..... thằn lằn.
      Công Thành ơi, cái quả trứng phục sinh luộc ấy là trứng chim trứng cò hay trứng rồng trứng phụng, có chén được không???
      Cái tác phẩm nghệ thuật có giá hàng triệu đo la ấy là trứng thiệt hay trứng rỏm, để vào bảo tàng thì nó không thiu không thối chi ư???
      Hề hề hề, dốt quá, chửa biết cái chi nên nhờ Công Thành nói lại cho rõ hè....

      Delete
    2. Theo Kinh Cựu Ước Chúa sống lại sau 3 ngày bị đóng đinh câu rút. Lịch sử của toàn bộ phần Châu Âu và Lưỡng Hà Nam Á đều liên quan đến sự kiện của Chúa. Ngày lễ Phục Sinh sỡ dĩ khác nhau tùy theo dòng Thiên Chúa giáo vì cách tính lịch khác nhau. Theo Do Thái giáo tính theo lịch Julian (gần giống với âm lịch) Phục Sinh là ngày chủ nhật đầu tiên sau ngày Xuân Phân 21/3 và sau ngày 14 âm lịch (ngày trăng tròn). Đó cũng là cơ sở để chọn ngày đầu tiên của một tuần - ngày Chúa Nhật. Trên cơ sở đó Thiên Chúa giáo Đông Phương và Tây Phương có ngày Phục Sinh khác nhau.

      Ngay cả ở Nga ngày Phục Sinh cũng được tính theo lịch Nga cổ cách với Dương lịch 13 ngày. Theo tiếng Nga và nhiều tiếng khác nữa lễ Phục sinh là lễ Paskha với nghĩa là Vượt qua. Tại sao người ta không dịch sang tiếng Việt theo nghĩa này thì chịu không thể biết!

      Delete
    3. Anh Thành ơi! Ngày lễ Vượt Qua là ngày lễ của người Do Thái kỷ niệm chuyện vượt biển thoát khỏi ách nô lệ của người Ai Cập, chứ không phải Phục Sinh. Chúa đã ăn lễ Vượt Qua với 12 môn đệ và trong bữa ăn Chúa đã cảnh báo trước là sẽ có người bán Chúa, cảnh báo thánh Phê-rô sẽ chối Chúa 3 lần trước gà gáy. Quả nhiên đêm đó Giu-đa đã bán Chúa, thánh Phê-rô đã chối Chúa 3 lần và sau khi chối lần thứ 3 thì liền có tiếng gà gáy gà gáy. Nhưng thánh Phê-rô đã hối hận và làm lại cuộc đời, nên đã được tha thứ, thành vị Giáo Hoàng tiên khởi, đã thành thánh. Còn Giu-đa lẽ ra ông phải làm lại cuộc đời, sửa sai lỗi lầm, để được tha tội...nhưng ông lại không làm thế, ông đã đi tự tử, thế là không chuộc lại được lỗi lầm của mình và đem theo tội lỗi sang thế giới bên kia. Cái tội nặng nhất của ông Giu-đa là không tin được rằng Chúa sẽ thứ tha, vì không tin mới tự sát, chứ nếu tin Chúa sẽ tha thứ và làm lại cuộc đời như ông Phê-rô thì ông cũng được tha thứ như ông Phê-rô.

      Delete
  3. Cảm ơn Quang Minh, mình đã xem phim Phục Sinh đen trắng hồi nhỏ rất thương cô bé Catarina và rất ghét thằng cha Nhe khơ liu đốp ( muốn "đốp" vào mặt chả mấy phát ... He he nhất là lúc cô gái chạy ra bến tầu ngó vào coupe thấy cha Nhe kliu đốp đang vui cười rôm rả...) mặc dù sau đấy chả hiểu quái gì nữa ...
    Chả này chắc "cuốc tịch" Hàn quốc .... Tên Hàn là Choi Song Rong ... Hi hi

    Xem bức tranh minh hoạ nhé, quên mất cách insert vào comment rồi thử mãi không được (click tạm vào link, ai biết chỉ dùm)

    https://www.dropbox.com/s/5ehv0gh8gv20jn3/Photo%2025-03-13%203%2058%2038%20PM.jpg

    ReplyDelete
  4. [image] "https://www.dropbox.com/s/5ehv0gh8gv20jn3/Photo%2025-03-13%203%2058%2038%20PM.jpg" [\image]

    ReplyDelete
    Replies
    1. E đã xem cái ảnh cô bé đứng nhìn lên tàu và rất thích, nhưng e cũng không biết cách đưa vào còm a ạ! Nhưng anh có thấy chuyện xúc động không? Khi nhận ra lỗi lầm của mình ông hoàng Nhe khơ liu đốp đã theo cô gái xuống Xiberi chịu mọi gian khổ để cứu cô gái và đã cứu được. Chính cuộc đời Lép Tôn-x-Tôi cũng có cái gì đó giống ông Hoàng này, ông là bá tước và đã về quê lao động như những người nông dân làm thuê của ông...

      Delete
  5. Phim Phục Sinh đúng là năm 1960, nhưng a Công Thành sau khi viết bài “Hậu mùng 8-3” chắc là bị bà chị phạt nặng dẫn đến hồn xiêu phách lạc nhầm tiếng Nga rồi! Phục Sinh tiếng Nga là Воскресе́ние còn Chủ Nhật là Воскресенье, mà tác phẩm này là Воскресе́ние chứ không phải Воскресенье đâu ạ!
    Còn về ngày lễ Phục Sinh thì 31-3-2013 là của giáo hội Công Giáo La Mã, trong khi đó Giáo Hội Chính Thống Nga lại chọn ngày 5-5-2013. Đây là chuyện dài dòng, e chỉ nói sơ lược như sau:
    1- Vì có sự khác biệt về phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa… nên đẫn đến cuộc Ly giáo Đông - Tây năm 1054, phân chia thành Chính Thống giáo Đông phương và Công giáo Rôma. (Đó là còn chưa kể đến sự ra đời của Tin Lành, Anh Giáo… Chuyện dài lắm ạ) Sự phân chia này dẫn đến 2 ngày phục sinh khác nhau 31-3-2012 và 5-5-2013.
    Năm 1997, Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới đề nghị cải cách phương pháp tính ngày lễ Phục Sinh giúp loại bỏ khác biệt giữa các giáo hội Tây phương và Đông phương. Cải cách này được đề nghị áp dụng từ năm 2001, nhưng cuối cùng nó không được các thành viên sử dụng.
    2- Hàng năm có Lễ Phục Sinh và các ngày nghỉ liên hệ tới nó là những ngày lễ di động. Nó di động là bởi cách tính dựa vào lịch này lịch nọ…và việc này sẽ còn tranh cãi nhiều trong tương lai.

    ReplyDelete
  6. @Quang Minh:
    1. Nếu tra từ điển Nga Việt hai từ đó thì anh sai lè, nhưng đây đang nói đến lễ Phục sinh mà hai từ đó chỉ khác nhau 1 chữ cái thì rõ ràng nó cùng nguồn gốc. Nguồn gốc đó dẫn đến chuyện có nhiều ngày lễ Phục sinh theo lịch khác nhau.
    Đầu tiên phải nhấn mạnh đến qui tắc: lễ Phục sinh phải là ngày Chủ nhật sau ngày Xuân phân và ngày trăng tròn... Trên thế giới tồn tài nhiều loại lịch khác nhau nhưng các ngày trong tuần từ Chủ Nhật - Thứ Bảy lại thống nhất. Bởi vậy mới sinh ra nhiều lễ Phục Sinh theo các lịch khác nhau nếu ta áp qui tắc nêu trên vào các loại lịch khác nhau. Xin nói thêm là Dương lịch mà chúng ta đang dùng cũng xuất phát từ Thiên Chúa giáo và ý nghĩa của nhiều ngày lễ cũng liên quan tới tôn giáo này.
    2. Ở Nga, Ucraina, Ba lan và nhiều nước khác trên thế giới lễ Phục sinh là Paskha, Pascha hay Πασχα (tiếng Hy lạp) nó đồng âm với Pâque - ngày lễ Vượt Qua của Do Thái. Trong ngày lễ này người ta ca ngợi Воскресе́ние, chứ không phải ngày lễ có tên là Воскресе́ние. Chúng ta đều biết là Chúa được sinh ra ở Do Thái cho nên tất yếu phải mang lịch sử của mảnh đất này. Bởi vậy dịch "lễ Phục sinh" là cách dịch mang tính ý nghĩa chứ không phải mang tính lịch sử.

    Để hiểu ý nghĩa một từ không chỉ dùng cách dễ dàng nhất là tra từ điển!

    ReplyDelete
    Replies
    1. В русском языке день недели воскресенье назван в честь Воскресения Христа, воскресшего в этот день; в отличие от романских языков (в английском воскресенье - День Солнца).
      Trích dẫn từ: http://ru.wikipedia.org/wiki/Воскресение_ Иисуса_ Христа

      Trong tiếng Nga ngày mà chúng ta gọi là Chủ nhật tôn vinh SỰ PHỤC SINH của CHÚA, khác với nhiều ngôn ngữ khác (ví dụ như tiếng Anh Chủ nhật là Ngày Mạt trời)

      Delete
  7. Đọc lại bài của Quang Minh mới thấy "tục lệ" hôn nhau ba lần nhân ngày Phục Sinh thật tai hại phải không ? Anh chàng Công tước Nhe khơ liu đóp vừa ôm vừa ... Nghĩ mưu để "choén" cô bé ngây thơ Katrina, làm hỏng cả đời cô ấy. Nhưng Tolstoi đã "cho anh một cơ hội" để "phê và tự phê" và anh đã ... Không "xin lỗi xuông" hay chỉ "rút sợi dây kinh nghiệm ....miết"

    Túm lại trong các tôn giáo hay có ba lần ... (Giá chỉ hôn một lần rồi thôi thì anh Nhekliudop đã không lầm lỗi) ... Hi hi
    http://youtu.be/vxv8BS3erEg

    ReplyDelete
  8. Các chú XĐTV biết nhiều quá, cái gì cũng biết, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.
    Chẳng biết mình có tội lỗi gì ko để phục sinh đây, để thay đổi cuộc đời đây. chỉ biết lễ Phục sinh năm nay thằng con trai anh đang học ở Anh được nghỉ nửa tháng và thứ 7 này nó về đến VN nghỉ Phục sinh. Phục sinh muôn năm

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Ngọc ơi! A luôn chịu khó quan tâm đến anh e, vì thế e tặng a mấy vần thơ Bút Trè nhé:
      Anh năng công tác phong trào
      Chứ không ngồi sở tào lao cả ngày (Sở đây là trụ sở của a)
      Vì a năng công tác phong trào cho nên:
      Hoan hô anh Ngọc lớp Xanh
      Luôn lo việc Hội, ghế bành a chê (Nghĩa là luôn đôn đáo lo việc của hội, chứ ko ngồi 1 chỗ trên ghế bành)

      Delete
  9. Something is wrong with the drop box URL: It wasn't a direct link to the image.
    Last try:
    [im] http://dl.dropbox.com/s/5ehv0gh8gv20jn3/Photo%2025-03-13%203%2058%2038%20PM.jpg [/im]

    ReplyDelete
    Replies
    1. Here you go.

      @TN: FYI, this URL works: https://dl.dropbox.com/s/5ehv0gh8gv20jn3/Photo%2025-03-13%203%2058%2038%20PM.jpg

      The other one doesn't, since it contains some kind of advertisement for drop box.

      Delete
    2. Thanks VH, happy Easter to you and family

      Delete
  10. Cảm ơn em Minh. Ngày xưa chị cũng đã đọc các tác phẩm của Lev Tolstoi như Phục sinh, Chiến tranh & HB, Anna Karenina. Hồi đó chẳng có gì đọc, cứ bố mẹ đọc gì là mình nghiến ngấu đọc hết, bất cứ truyện trẻ con, người lớn đọc tuốt. Nhưng đúng là không hiểu hết. Sau này đã có lúc đọc lại nhưng không kỹ. Có lẽ sẽ đọc lại, toàn là những chuyện hay kinh điển.

    ReplyDelete