Thursday, October 18, 2012

Vài phút cùng thầy Đào Thiện Khải

         
          Sau đây là toàn bộ bài phỏng vấn Thầy của 1 học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, năm 2000, khi Thầy đang là hiệu trưởng của trường.

          Những suy nghĩ của Thầy vẫn còn đúng cho đến tận ngày hôm nay. Ngay cả những đề nghị của Thầy về việc xây dựng một diễn đàn liên kết, là nơi gặp gỡ, liên lạc, là nơi giúp đỡ nhau cũng đúng với iCVA Blog này của chúng ta...
Bình (iVàng)


Vài phút cùng thầy Đào Thiện Khải

Thầy từng là người thầy, người hiệu trưởng được rất nhiều học sinh yêu quí, thầy có thể nói qua đôi chút về sự nghiệp dạy học của mình được không?

Thầy ra trường năm 1958, thầy cùng thầy Hoãn trong đoàn giáo viên Chu Van An sang xây dựng trường Hà Nội - Amsterdam từ năm đầu tiên.
Lúc đầu thầy làm hiệu phó, sau thầy Hoãn nghỉ, thầy lên thay. Thầy dạy Toán, từng dậy đội tuyển Toán của trường nhưng sau công việc bận quá nên cũng thôi. Thầy từng dậy Toán bằng tiếng Pháp ở trường Quốc Tế Pháp, bằng tiếng Anh ở trường Liên Hiệp Quốc. Ðến năm 2000 thầy nghỉ.

Thầy biết bao nhiêu thứ tiếng?

Thầy biết tiếng Pháp và tiếng Anh, ngoài ra thầy đọc được tiếng Nga và tiếng Trung. Hồi trước đi dạy cho trẻ em nước ngoài nên tiếng Pháp, Anh được bồi bổ nhiều. Tiếng Nga thì hồi đại học thầy phải học bằng sách Nga, giống như bao nhiêu sinh viên thời đó.

Thầy suy nghĩ thế nào về việc dạy học và việc quản lý?

Quản lý là một việc khó, cũng là một môn khoa học đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ và tâm huyết. Thầy cho rằng mình không có khả năng quản lý tốt, thầy thích hợp với công việc nghiên cứu hon. Vì vậy thầy cũng chỉ làm hiệu trưởng 4, 5 năm rồi thôi.

Từng có nhiều bài báo viết về thầy, là "người đi săn tìm học bổng", có phải thầy rất khuyến khích việc đi du học?

Trước đây trường mình có nhận được một vài học bổng do nước ngoài đầu tư, thầy cũng mạnh dạn dẫn đưa vào trường mình. Sau đó nhà nước mình mở cửa, học sinh đi du học theo học bổng và tự túc ngày càng nhiều hơn. Ði nước ngoài khiến người ta mở mang, học hỏi được nhiều điều, về tri thức và cả quan niệm sống nữa. Tuy nhiên thầy nghĩ, không chỉ có học sinh nên đi du học mà các thầy cô giáo cũng nên được cử đi học, như vậy sẽ tốt hơn trong công tác dậy và học của nhà trường.

Nhiều người nói rằng học sinh trường Ams có xu hướng đi nước ngoài sớm, ý kiến của thầy về vấn đề này ra sao?

Nhìn lại vào những năm 90, nước mình còn nghèo, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, học sinh chúng ta được đi du học là một việc rất tốt. Còn bây giờ, mọi thứ đã khác, thầy cho rằng việc học trong nước cũng là rất tốt. Nếu như các em đi quá sớm, ngoài những khó khắn về tài chính ra, các em còn vấp phải nhiều vấn đề khi một mình phải sống cuộc sống độc lập. Ở nhiều nước, có những trường đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, những khác biệt về văn hóa tôn giáo ... cũng ảnh hưởng đến các em, có những chương trình học không thích hợp với học sinh Việt Nam...

Trên HAO có chủ đề "nóng" về việc trường Ams ngày càng ít giải Quốc tế, nhiều người cho rằng việc học sinh tập trung đi du học nhiều hơn, thầy nghĩ sao?

Trường mình là ngôi trường có truyền thống đi thi Quốc tế từ khi mới thành lập, vì thế được Sở, Bộ đặt nhiều niềm tin, nhưng đó cũng là trách nhiệm nặng nề. Tuy vậy, việc đi thi Quốc tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà có lẽ chỉ những người trong ngành mới hiểu được. Học sinh còn phải đi thi đại học, còn có cuộc sống, tương lai riêng, có những em mang tâm lý sợ học lệch, sợ ảnh hưởng đến kì thi đại học, vì vậy việc vào đội tuyển chỉ là khuyến khích chứ không ép buộc. Giải quốc tế mang lại vinh dự cho nước nhà, nhưng trên thế giới có những nước rất ít giải mà nền giáo dục của họ vẫn rất mạnh, rất tốt, ví dụ như Nhật Bản.

Chương trình học ở mình khá là nặng, thầy nghĩ chỉ nên để những học sinh thực sự có khả năng học chuyên sâu, còn lại với đa số nên dậy cơ bản, học cơ bản. Ðiều quan trọng là phải nắm bắt được cơ bản, tính toán có thể trên máy móc, cần biết ứng dụng những gì mình học được vào thực tế thế nào. Thầy từng dạy trẻ em nước ngoài, nếu đem chương trình của mình mà dạy cho họ thì phần lớn họ sẽ không học được. Hơn nữa xã hội cần đánh giá con người theo đúng khả năng tự học, năng lực bản thân, không quan trọng bằng cấp. Nhu vậy thì cho dù học ở đâu, mà nếu thực sự có trình độ năng lực và ý thức rèn luyện thì đều thành người có ích.

Thầy có cho rằng học sinh thời nay không được như xưa?

Trong đời dạy học thầy đã gặp những học sinh hư, thậm chí cả những học sinh nghiện... Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Nhà trường và gia dình cần có trách nhiệm giáo dục học sinh, ý thức và nhân cách của học sinh phản ánh điều đó. Các thầy cô giáo cần biết quan tâm, có sự đối xử công bằng với học sinh. Chính người thầy sẽ để lại rất nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời học sinh của trò, nếu mình sống, làm việc thật sự tốt thì sẽ được học sinh yêu quí và noi theo. Có những em học sinh bình thường rất nghịch ngợm, ham chơi, nhưng đó là tuổi trẻ, nếu khiến cho các em nhận thấy niềm vui trong học tập, trách nhiệm học tập thì các em sẽ học tốt.

Thầy có điều gì muốn nói với HAO và toàn thể học sinh trường không?

Các em nên xây dựng một diễn đàn liên kết được với tất cả học sinh mình trên thế giới. Ðó nên là nnơi gặp gỡ, liên lạc, là nơi giúp đỡ nhau trong công việc và phát triển những hoạt động ngoại khóa. Nhà trường khó có khả năng nắm bắt được những học sinh sau khi ra trường sẽ thế nào, vì thế những quan hệ giữa học sinh còn đang học và học sinh đã ra trường sẽ tạo nên tính "truyền thống" rất đặc trưng cho Hà Nội - Ams mà ở nước ta chưa trường trung học nào làm được.

Hãy để đó là nơi giao lưu, gặp mặt không chỉ của học sinh Ams với nhau, mà còn là nơi được học sinh thế giới biết đến. Trong đó nên có phòng truyền thống về trường, thông tin về học sinh, thầy cô đã và đang dạy và học tại trường. Nên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, những dự án nhỏ, những hoạt động ngoại khóa, hoạt động khoa học để học sinh có thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống, học tập và sáng tạo.

Các em cố gắng phát huy hết điều kiện học tập mình có được, việc tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng, tránh học thụ động, chăm chỉ tìm tòi sáng tạo. Sống với nhau đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau sẽ mang lại cho các em nhiề niềm vui và thuận lợi.

Tất nhiên mọi thứ đều khó khăn và cần có thời gian, nhưng thầy tin rằng các em sẽ thành công!

Hà Chi - Hoá 1 K97-00

No comments:

Post a Comment