Hai mẹ con ngày nhận bằng tốt nghiệp ở Trường Đại học Y Hà Nội |
Phương chỉ cho tôi thông tin trên
internet, mẹ xem đây này: “Ông Nguyễn
Hữu Tú - phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y cho biết, điểm thi năm nay của thí
sinh vào trường cao hơn năm trước rất nhiều, nhất là ngành Bác sĩ Đa khoa, dự
kiến điểm chuẩn có thể là 27,5 điểm hoặc hơn một chút. Theo thống kê của nhà
trường, số thí sinh đạt 27 điểm trở lên có hơn 700, đa số các thí sinh này đều
đăng ký vào ngành Bác sĩ đa khoa. Như vậy, trong 550 chỉ tiêu ngành Bác sĩ đã
khoa trừ đi số thí sinh tuyển thẳng còn khoảng hơn 400 chỉ tiêu”.
Thế là một khóa bác sĩ mới lại sắp vào
trường. Bác sĩ- lương tâm, đạo đức và nghề nghiệp. Thi vào trường Y thật khó
biết chừng nào. Cháu ái ngại cho các em quá. Có lẽ trong số này có một số em
giống như các bạn thi cùng Phương: quyết tâm thi Y bằng được, thi đi thi lại
đến lần thứ 3, có bạn đã học ở Trường khác 1 năm lại thay đổi thi vào Y. Các
cháu mong mỏi có được một nghề kiếm tiền đủ sống.
Phương thi vào Đại học Y Hà Nôi, hệ
bác sĩ đa khoa từ năm 2005. Cháu mong muốn vào ngành y để có được nghề nghiệp chữa
bệnh và chăm sóc mọi người. Suốt thời gian dài, ở nhà tôi lúc nào cũng có người
ốm đau, già cả bệnh tật. Không phải lúc nào cũng chẩn đoán đúng được bệnh để
kip thời cứu chữa. Y học với vô số bệnh tật của con người vẫn luôn phải nghiên
cứu, tìm tòi, hoàn thiện.
Thế nhưng qua mấy năm học tập với một
khối lượng kiến thức khổng lồ, mệt mỏi, lịch trực các khoa liên miên, cháu bắt
đầu thấy oải dần. Cháu sợ không đủ sức khỏe, không đủ khả năng chịu được áp lực
trong ngành này. Chúng tôi không còn
cách nào khác là động viên và tạo mọi điều kiện về thời gian, chăm sóc … để
cháu học được. Đấy chính là con đường cháu tự chọn. Chúng tôi cũng đã ái ngại
ngay từ ban đầu và đã phân tích cho Phương. Thật may là trong lớp có những bạn
rất quyết tâm theo đuổi ngành Y, các bạn còn nhận trực thêm để học hỏi, đặc
biệt các bạn từ các tỉnh lên học, ở ký túc xá, bươn trải từng ngày.
Phương
không định hướng được cho mình đi vào khoa nào trong Đa khoa đó. Khóa luận tốt
nghiệp của cháu làm trên đề tài Nghiên cứu đột biến mất đoạn trên nhiễm sắc thể
gây vô sinh. Cháu rất thích tìm hiểu các kỹ thuật, các bệnh di truyền giống như
ngành Công nghệ sinh học của bố mẹ. Phương vẫn luôn hướng về lý thuyết theo kiểu
hàn lâm như vậy. Năm học lớp 11, tuy đang học ở lớp chuyên Toán của trường Phan
Đình Phùng, nhưng Phương được Trường cử vào đội tuyển của Trường đi thi Sinh học
toàn thành phố Hà Nội. Phương bảo mẹ: Chắc trường lập đội tuyển lấy phong trào
là chính thôi. Báo trước vài tuần, cũng không có lớp bồi dưỡng gì, Phương tự học
là chính và hỏi bố mẹ dăm ba câu khi có gì chưa hiều. Đến khi trường thông báo
kết quả thi là cháu được giải Khuyến khích, chúng tôi đều rất ngạc nhiên.
Năm
2008, lớp 10I Chu Văn Anh của tôi tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày ra trường ở Sa
pa. Tôi đang ốm, muốn đi lắm mà sợ không khỏe lại còn phiền đến mọi người nên cứ
đắn đo mãi. Phương biết mẹ rất gắn bó với lớp nên tình nguyện đưa mẹ đi Sa pa
luôn. Chuyến đi rất vui, cháu có ấn tượng rất tốt đẹp về các cô chú bạn mẹ.
Phương
(ngồi bên phải) cùng mẹ chú Ngọc BQ, các cô 10I CVA ở Sapa
Tôi
đến dự Lễ trao bằng tốt nghiệp cho cháu tại trường Đại học y Hà Nội. buổi lễ rất
trang trọng và ấn tượng. Thầy Hiệu trưởng có bài phát biểu rất cảm động về
ngành y, về lương tâm, về y đức. Thầy thay mặt Trường và tất cả các thầy giáo,
sinh viên, cảm ơn tất cả các thầy cô,
các bác sĩ, hộ lý, nhân viên … trong các bệnh viện. Thầy đặc biệt cảm ơn các bệnh
nhân, với sự hợp tác của họ đã đào tạo được những bác sĩ ngày nay. Với Phương,
Trường Đại học Y Hà Nội không hề có “tiền lệ” khi thi cử. Đó là điều cháu rất
kính trọng các thầy cô. Đúng như Tuấn, con trai tôi học ở Trường Đại học Dược
cũng vậy. Tốt nghiệp Đại học Y với bằng giỏi toàn khóa trong tay, cháu vẫn chưa
định hướng được. Khoa nào cũng rất vât vả, nhưng đã học 6 năm mà về làm cận lâm
sàng thì phí quá.
Các bạn nữ Trường Đại học Y ngày nhận bằng tốt nghiệp.
Phương
không muốn học tiếp và không muốn thi học bác sĩ nội trú. Sáu năm học đã quá mệt
mỏi lắm rồi. Tôi động viên cháu là đủ tiêu chuẩn thì cứ thi thử thôi vậy. Đỗ
thì càng tốt, mà không đỗ cũng không sao, rồi hai mẹ con mình sẽ đi xin việc
làm. May sao tháng 6 năm 2011, khi Phương vừa tốt nghiệp thì chúng tôi có cháu
nội Uyên Chi. Một loạt các câu hỏi dành cho bác sĩ mới ra trường về trẻ sơ sinh
mà không phải việc nào cháu cũng biết.
Phương
và cháu Uyên Chi, Tết năm 2012
Và
tôi còn có đồng minh là bạn trai cháu, bạn cháu cũng là bác sĩ nội trú Ngoai.
Bác sĩ nội trú là ước mơ của rất nhiều người yêu ngành y. Thế là Phương quyết định
thi Bác sĩ nội trú khoa Nhi. Thi xong
hai mẹ con thở phào nhẹ nhõm, sang Thái Lan đi du lịch một tuần.
Hai mẹ con ở Thái Lan
Vì
không trú tâm vào học hành Phương không
nghĩ mình sẽ đỗ nên hai mẹ con bắt tay vào tìm hiểu đi xin việc. Ôi thôi! Đủ
các dạng thông tin đa chiều, không biết cửa vào ở đâu nữa. Hai mẹ con thất
kinh, nghĩ là chắc với khả năng của mình không thể xin được việc. Sau cả tháng
đi lai, gặp gỡ, hỏi han, ngoại giao, hai mẹ con mệt nhoài.
Thật
may đúng lúc công bố kết quả: Phương đỗ vào Bác sĩ nội trú Nhi, xếp thứ 2 trong
số 5 bạn trúng tuyển. Bây giờ tôi mới thấy cháu thật sự quyết tâm vì học nội
trú vất vả hơn nhiều so với thời sinh viên và thật sự tiếp xúc chính thức với
cuộc sống của bác sĩ không hề đơn giản. Học thành người mới chính là giai đoạn
này đây. Thời gian đầu khoảng 6 tháng cháu học lý thuyết nên rất thoải mái. Giữa
năm 2012, cháu chuẩn bị vào nội trú tại Viện Nhi trung ương: nhận phòng ở , ở
chung cùng mấy chị nội trú khóa trên, giường
2 tầng, chăn chiếu, đèn bàn, sửa lò vi sóng… Chưa bao giờ cháu ở tập thể,
tôi lo cho cháu lắm, nhưng không dám thể hiện. Cháu ngoan ngoãn, hiền hậu,
trong sáng mà ở ngoài đời thì người ta đua tranh, bắt nạt, kèn cựa…Cháu phải học
ở tất cả 14 khoa trong Chuyên ngành Nhi, mỗi khoa 6 tuần. Sáng nào cũng vậy, 7
giờ sáng rời khỏi nhà và 10 giờ đêm rời khỏi Viện. Mẹ hôm nào cũng chuẩn bị cho
Phương 2 bữa cơm hộp mang theo. Mỗi tuần trực 2 tối nữa. Tuần đầu Phương mệt mỏi
không thể tả được, Sau đó cháu quen dần. Bệnh nhân ở Viện Nhi đông khủng khiếp,
cường độ làm việc căng thẳng, không có được một phút nghỉ ngơi. Ngày nào, tôi
cũng thức chờ cháu về, dành cho cháu một it hoa quả, cái bánh nhỏ hoặc một cốc
sinh tố loại cháu ưa thích, lắng nghe cháu kể chuyện. Cháu còn học tiếp đến hơn
12 giờ đêm: xem lại các ghi chép theo thầy cô khi thăm bệnh nhân, đọc thêm những
bệnh mình còn chưa biết. Thật may là sau 1, 2 tháng cháu đã quen và vượt qua được
hết nhưng gì tôi lo lắng, bác sĩ nghiêm khắc, theo kịp các buổi đi thăm buồng bệnh
của các thầy cô, những lần báo cáo bệnh án buổi giao ban, nhưng câu hỏi của các
thấy cô, rồi cô y tá khó tính, cô hộ lý nhăn nhó, bệnh nhân đòi hỏi, …
Phương
giống bố Lanh, rất yêu cây cảnh và vật nuôi. Đúng ngày cháu thi vào Đại học,
con chó Jon nhà tôi đẻ 7 con dưới ngay gậm giường Phương. Cháu luôn bảo đó là
điềm may của cháu. Cháu đỗ cả hai trường đăng ký: Đại học Y và Kinh tế Quốc
dân. Cho đến bây giờ con Jon đã già gây rất nhiều sự cố phiền phức, nhưng bố
con vẫn yêu quý giữ gìn.
Con Jon với bầy con năm 2005
Có rất
nhiều sự cố sảy ra ở Viện, vui có, buồn có. Cháu hay kể cho tôi nghe mỗi khi về
nhà. Nhưng câu chuyện cháu kể dần vui lên. Các bạn cháu ra trường, về làm việc ở
Hà Nội và các tỉnh đã có những thành công nho nhỏ ban đầu với những niềm vui đã
chữa lành bệnh cho người này người khác.
Một
câu chuyện tôi còn nhớ: cháu kể là có lần gặp một bệnh nhân nặng, bố cháu bé lo
lắng lắm, nhìn quanh, bực bội hỏi cô y tá đi qua: Bác sĩ đâu rồi mà để con tôi
một mình thế này? Cô y tá tròn mắt chỉ vào Phương đang đứng ngay bên mép giường
cháu bé: Bác sĩ kia kìa! Bệnh đâu có dễ mà chữa khỏi ngay được. Phương kể là
con thấy ông bố rất khó tính nên cố gắng qua lại thường xuyên ở giường bệnh đó.
Cháu nói với cháu bé: Cô muốn tốt cho con mà sao bố con cứ nhìn cô với đôi mắt
hình viên đạn vậy thế. Ông bố bật cười và bớt đi phần lo lắng căng thẳng. Con
gái tôi dần trưởng thành lên rồi.
Chúc mừng gia đình chị! Chị quả là nhanh nhẹn thật, bọn đàn em xem ra không theo kịp được rồi.
ReplyDeleteCon đường học hành gian nan vất vả nhưng đối với những ai kiên trì chịu khó thì đến một lúc nào đó sẽ được đến bù xứng đáng.
Bọn em bây giờ cũng đang "đau đầu" về câu hỏi "Học ở đâu? Làm nghề gì..." đặt ra cho con. Lắm lúc cũng muốn bắt chước bạn TN "thả nổi" nhưng không đủ gan góc nên vẫn phải nhúng tay vào đôi chút để giúp "định hướng tương lai" cho nó...
Hề hề hề,
ReplyDeleteCám ơn chị Liên nhiều nhé. Vậy là XĐTV lại có cửa nhờ vả rồi. Các bác sỹ Xanh thì sắp về hưu, nay có lứa Xanh non kế thừa thật là may quá. Chả gì thì cái già nó cũng xồng xộc tới với bè lũ XĐTV cả rồi. Mà già thì sinh tật nên chắc sẽ có nhiều việc phải nhờ vả lắm đây.
Chúc mừng chị Liên và cháu Phương. Cháu Phương chắc là cùng lứa đứa lớn nhà em. Nhưng mà cậu trai nhà em phải 2 năm nữa mới tốt nghiệp BS đa khoa. Cháu quyết tâm học Y, theo nghề cao quí của mẹ. Học và hành ngành Y thật là gian nan vất vả, phải có quyết tâm và động lực cứu người rất lớn mới theo đuổi được đến nơi đến chốn. Chuyện học Y cậu trai nhà em không được thuận buồm suôi gió như cháu Phương. Nhưng giờ đây vợ chồng em có thể yên tâm là cháu sẽ thành bác sĩ giỏi giang. Cháu học hết Y 4 ĐH Medical University Debrecen (Hungary). Hè này về nhà, mẹ cháu thu xếp cho được thực tập ở BV Nhi Đồng 2, Tp. HCM. Cháu đi thực tập tại BV cả ngày rất hào hứng, đọc đủ các thứ sách Y nhiều thứ tiếng.
ReplyDeleteBài viết của chị Liên hay quá, rất chân thực và cảm động. Chị đã diễn tả rất thực những tình cảm bao la mà dung dị của các bà mẹ dành cho các con thân yêu. Cảm ơn chị.
ReplyDeleteRất cảm ơn mọi người đã động viên chị. Cháu Phương đang học BS nội trú năm thứ 2, đường học hành còn dài lắm. Ngành Y thì còn phải học nhiều, học mãi. Khoa học về con người phát triển liên tục không ngừng mà. Chị rất mừng là Nguyen Tran cũng có con trai học ngành Y. Ở VN có nhiều loại bệnh nhiệt đới, đa dạng, thực tập sẽ rất tốt cho BS đây.
ReplyDelete