Sunday, September 16, 2012

Thăm học sinh trường Am học tại Mỹ

Thầy Đào Thiện Khải

Tính đến nay, số học sinh trường Ams, được học bổng học tại các trường TH và DH Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã vượt 10 đầu ngón tay. Lần này, gắng lắm chúng tôi chỉ đến được 4 trường, không phải vì đường xá xa xôi mà còn vì vấn đề "đầu tiên".


Từ San Francisco, đáp máy bay khoảng hơn 1 giờ, tới Portland, bang Oregan phía Tây bắc nước Mỹ. Chúng tôi tới trường vào giữa trưa, vừa bước chân vào phòng ăn, Nguyễn Thu Thuỷ, HS 11A không rõ từ một bàn ăn nào, vì phòng ăn đang chật những người, đã lao đến, tay bắt mặt mừng, tíu tít chào hỏi. Sau đó mươi phút, lại có tiếng gọi ré lên , tiếng Nguyễn Thu Huyền, HS 11A4. Thực ra các em chỉ mới đến đây trước chúng tôi có mấy ngày, nhưng ở nơi xa, lạ người , lạ cảnh thầy trò gặp nhau mừng rỡ lắm.

"Hôm nay em vừa có bài thể dục, gay quá thầy cô ạ!" Thuỷ phân trần: "Em được chọn hoặc tập bóng chuyền, nhưng thầy xem, tay em nhỏ thế này, lại còn chơi đàn phím, còn tay các bạn ấy, thầy nhìn kìa, to bằng cổ chân mình… hoặn chọn bóng rổ, cũng không kham được vì các bạn ấy đều rất cao, tuy ở nhà em cũng không phải loại thấp, em đành chọn môn chạy những sân chạy rộng như một cánh đồng mà phải chạy 6 vòng, mới được 2 vòng em đã bò nhoài ra. Ở nhà, chạy ở sân trường có 4 vòng, chưa bằng một vòng ở đây mà chúng em đã kêu ầm cả lên hoặc "an gian", ở đây vì thầy Tây mới , em chưa dám giở mẹo gì... có lẽ phải cố tập vậy". Huyền thêm vào: " Học chắc chắn là vất vả, các bạn ấy tối chỉ học đến 11h, còn chúng em thức đến 2 giờ, có bạn đã hỏi em , sao chúng mày học ghê thế… Chúng em quyết chí sẽ theo được, chỉ lo… môn thể dục…"

Ngày hôm sau, chúng tôi vào dự lớp tiếng Anh và Toán. Sau đó vào sảnh tập trung.Trường không có hiệu lệnh trống hay kẻng, giờ tập trung đã có trong lịch học của tuần, đến giờ, hơn hai trăm học sinh kéo đến đông đủ, kẻ đứng người ngồi, có người nằm bò cả ra sàn nhà. Trong khi tiếng chuyện trò, cười nói râm ran, bỗng có mấy tiếng vỗ tay nho nhỏ của cô giáo. Một sự yên lặng tuyệt đối , cô giáo phụ trách buổi họp mở đầu bằng mấy câu ngắn gọn, rồi những cánh tay giơ lên , lần lượt thầy giáo, học trò, người phổ biến giờ làm việc của phòng máy tính , người kêu gọi các bạn tham gia câu lạc bộ... Ai cũng nói ngắn gọn, ai cũng lắng nghe , trong 10 phút có đến gần chục người nói. Một bạn học sinh vừa nằm vừa nêu thắc mắc về giờ chơi bóng, cô giáo yêu cầu, khi nói phải đứng dậy, bạn đứng lên nói rất to sau đó lại nằm xuống nghe người khác. Cô giáo phụ trách tuyển sinh giới thiệu chúng tôi với toàn trường, tiếng vỗ tay… Bỗng chúng tôi ngước nhìn lên cao, cờ đỏ sao vàng cùng với các màu cờ của nhiều nước khác… Cờ Việt Nam được gắn lên khi có hai học sinh Việt Nam đầu tiên nhập học ở trường.
Chúng tôi rời Oregan, đến Connecticut, rồi từ Connecticut đi hơn một giờ ô tô để thăm trường TH Taft. Xe vừa dừng, chúng tôi còn đang loay hoay tìm văn phòng , một thanh niên , áo sơ mi trắng, cắm thùng nghiêm chỉnh, chân giày vải , đẩy cửa xông ra: "Cháu chào bác, chào cô". Tôi nhận ra Đỗ Bá Khiêm, lớp trưởng 10L năm học 97-98, con của một thầy giáo cùng dạy với tôi , Khiêm đã lớn hẳn lên rất ra dáng chững chạc nhưng vẫn là của nội, không có vẻ gì "ngoại" cả . Chỉ kịp nói dăm ba câu, Khiêm đưa chúng tôi vào dự giờ, lịch đã sắp xếp như vậy.

Chúng tôi đến thăm phòng ở của Nguyễn Thu Hà, HS 12A, em cũng vừa sang đây được ít ngày, hỏi có nhớ nhà không , em trả lời cũng " hơi hơi" nhưng vừa vào học đã bở hơi tai , tối mắt tối mũi làm bài, không còn thì giờ để nhớ nhiều.Khiêm cứ nài chúng tôi đến thăm phòng. "Bác và cô thăm phòng H. rồi, phải đến phòng cháu nữa,cháu ở một mình", Khiêm nói. Tôi hỏi: " Cháu giữ chân gì của lớp mà được ưu tiên vậy?", "không, cháu rút thăm may trúng phòng đơn".

Chúng tôi lên hết cầu thang tầng một, bước vào tầng hai, thấy cửa phòng đóng có dán chữ Đ.B.K. Vừa mở phòng ra, lại một lá cờ đỏ sao vàng còn mới căng ngay trên đầu giường. Cảm thấy sự ngỡ ngàng của chúng tôi, Khiêm giải thích: "Năm ngoái, cháu ở đây một mình, ngày nghỉ buồn quá, cháu nói với bố mẹ cháu gửi cho lá cờ này, trong phòng chẳng có gì trang trí , cháu bèn treo lên". Thật là một kiểu trang trí độc đáo và ý nghĩa.

Chúng tôi chỉ dừng ở trường Taft có một ngày, rồi lại trở lại trường Connecticut, nơi Nguyễn Thu Trang, HS 12A 98-99, đang theo học đại học năm thứ nhất. Lại tiếp tục dự giờ, thăm lớp, thăm cơ sở giảng dạy, tìm tài liệu tại thư viện và tìm hiểu khả năng của trường Connecticut về cấp học bổng cho học sinh Am trong các năm sau. Chiều thứ tư, trời hơi mưa và lạnh. Theo kế hoạch, chúng tôi đến thăm phòng máy tính của giáo sư kinh tế Peppard. Giáo sư đã chờ sẵn chúng tôi ở ngoài hiên, rồi dẫn vào phòng làm việc. Vừa cụp ô, bước vào, lại cờ Việt Nam, nhưng lần này là cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nửa xanh , nửa đỏ, lá cờ đã cũ, treo trang trọng sau bàn làm việc của giáo sư. Giáo sư giới thiệu "Lá cờ này của một người Việt Nam cho tôi , vào năm 70 khi tôi tham chiến ở Nam Việt Nam". Ở phía đầu tủ tôi đọc được dòng chữ to " I am an American veteran of Viet Nam war " ( Tôi là cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam). Tôi đã quen giáo sư từ trước , giáo sư đã từng giảng bài kinh tế cho câu lạc bộ " Globe" của học sinh trường Am. Mãi đến khi đọc bài trên báo Connecticut Magazin tôi mới biết giáo sư là cựu binh Mỹ phản chiến. Ông chưa bao giờ nói về điều đó, nhưng những gì chúng tôi thấy ở phòng ông đã nói hộ cho ông.

Chặng dừng chân cuối cùng của chúng tôi là trường Đại học Bates, bang Maines, phía đông bắc nước Mỹ. Rời Connecticut từ 6 giờ sáng , đi vừa ô tô , vừa máy bay mãi 1 giờ trưa mới đến. Vừa chào hỏi xong , ông Phó chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường đã nói : " 3h mời ông và bà M lên hội trường gặp mặt các giáo sư và sinh viên". Chưa biết nếp tẻ thế nào, tôi mở tập tài liệu ông vừa trao, vội bảo với cô giáo M đi cùng: " Họ nói về chiến tranh Việt Nam".

Đúng giờ, ông đón chúng tôi lên , trong một giảng đưởng lớn có khoảng hai chục người nghe. Người nói đang trình bày rất say sưa, mạch lạc.

Diễn giả vừa ngừng lời thuyết trình đã có những câu hỏi từ phía người nghe, rồi trả lời, rồi lại hỏi. Đinh Vũ Trang Ngân, học sinh Am, sang đây học từ năm ngoái, nêu thắc mắc để diễn giả giải thích thêm về quan niệm của ông đối với Mặt trận DTGPMNVN, còn tôi vẫn yên lặng và khi diễn giả chấm dứt buổi thuyết trình , sẽ tiếp ở lần nói sau , tôi lên chỗ ông , nói lời cảm ơn và biết thêm ông cũng từng tham chiến ở Việt Nam.

Rất tiếc là không thể đến thăm các em trường Am đang học ở một số trường khác nữa. Nhưng lại rất mừng là các em đều theo được , cho dù nhiều môn học mới , cách học khác với ở nhà và đặc biệt là học bằng tiếng Anh. Bạn cứ tưởng tượng là học các khái niệm mới của triết học, của kinh tế học bằng tiếng ta cũng không dễ gì , nay học bằng tiếng Anh , khó khăn gấp nhiều lần , hầu như ai cũng phải thức đêm, các bạn nước ngoài bỏ công một thì các bạn trường Am gấp hai , ba . Các thầy giáo đều khen " hard work" ( chịu khó ).

Trang Ngân không rời chúng tôi suốt cả chiều và tối thứ sáu , sáng thứ bảy lại tiễn chúng tôi ra tận sân bay Portland ( Maines). Cô học trò đã từng cả gan góp tiền , gom bài làm " year book "động trời năm nào, giờ đây rơm rớm nước mắt.

Tôi chào em : " Thôi ở lại cố học nhé , to join not to mix ( "hoà nhập không hoà tan", lời kết của Trang Ngân trong bài báo viết về trường Bates).Chắc là em hiểu tôi.(Sưu tầm 11/1999)

No comments:

Post a Comment