Tuesday, December 22, 2015

Nhân dịp Giáng Sinh Nói Chuyện Yêu Thương - Tha Thứ - Cứu Giúp



Thiên Chúa là tình yêu, bởi vậy ngài sinh ra loài người có bản năng sống yêu thương. Vì yêu thương kẻ khác mà chúng ta phải biết sống tha thứ, cứu giúp... Để mừng ngày sinh nhật của Chúa, tôi xin nói chuyện về yêu thương - tha thứ - cứu giúp mà Thiên Chúa đã ban phát và dạy dỗ cho chúng ta.

Chuyện kể rằng một đôi vợ chồng trẻ, Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình thương đối với nhau. Giáng sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiền để mua. Vì thế nàng nẩy sinh một sáng kiến : Nàng có bộ tóc dài rất đẹp, nàng rất quý nó và rất hãnh diện vì nó. Nàng quyết định cắt ngắn bộ tóc và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.
Hôm áp lễ giáng sinh, từ phố về, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp đựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quý mái tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi hay không. Về tới nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp đựng món quà chàng mới mua cho nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tỉnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém. Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quý nhất của anh, để mua lược chải tóc tặng nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau những gì quý giá nhất. Họ đã hy sinh tất cả cho nhau. (Phỏng theo "Món quà Giáng Sinh", "Món quà của nhà thông thái" hay "Món quà của các đạo sĩ" - nhan đề gốc tiếng Anh "The Gift of the Magi", là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn người Mỹ O. Henry)
Còn bạn! Bạn có sẵn sàng hy sinh vì người thân yêu của mình?

Bạn thân mến, đó là câu chuyện nói lên tình yêu thương vô bờ bến của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng Chúa dạy chúng ta không chỉ yêu thương người thân mà phải yêu thương cả kẻ thù của mình. “Hãy yêu kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”
Yêu kẻ thù mang lại hai điều: lợi cho mình mà cũng ích cho kẻ thù. 

1. Lợi cho mình 
Khi ta thù hận, căm ghét kẻ khác lại chính là lúc ta làm thương tổn chính bản thân ta. Kiểu nói Việt-Nam ta thật thâm sâu. Khi ta tức tối với ai, ta nói: tức mình quá sức. Khi ta bực bội với ai, ta nói: bực mình quá sức. Mình, chứ đâu phải lão kia, bà nọ, con nọ, thằng kia. 
Các nhà tâm lý phân tích cho chúng ta thế này: Khi chúng ta ghét ai, là chúng ta cho họ quyền áp đảo trên chúng ta. Quyền này xâm chiếm giấc ngủ chúng ta, khiến ta tăng huyết áp và đe doạ luôn cả sức khoẻ lẫn hạnh phúc của ta... Kẻ thù của ta chắc sẽ sướng rên lên, sẽ nhảy múa vui mừng nếu họ biết rằng sự căm ghét họ xâu xé ta như thế. Lòng căm ghét của ta đối với họ không gây thương tổn gì cho họ cả, trái lại khiến ta ngày đêm như rơi vào địa ngục, giằng xé... cuả thù ghét, không ngóc cổ lên được. 
Viên đạn căm thù có thể làm tổn thương kẻ thù, nhưng chỉ gây tổn thương kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác ta. Ta bực mình, tức mình, giận mình... trước khi thằng nọ, con kia... bị ảnh hưởng bởi cái bực "mình" của ta.

Trong hồ sơ bệnh án của một bác sĩ kia, có ghi nhận một trường hợp này: Sau một thời gian điều trị bệnh cho cô B, thấy không thuyên giảm, bác sĩ A đề nghị Sở Y Tế cho cô B nghỉ việc, ăn lương hưu. Sở nhận đơn. Nhưng trước khi ra quyết định, thì cho thử máu lần nữa. Lạ thay, không thấy dấu hiệu của căn bệnh như ghi trog hồ sơ của bác sĩ A. Bác sĩ cũng ngạc nhiên, cho thử lần nữa, kết quả cũng âm tính. Bác sĩ hỏi cô bệnh nhân xem có uống thuốc gì, có chạy thầy chạy thuốc bắc nam nào khác không, thì cô lắc đầu : không. Chợt nghĩ ra điều gì đó, cô nói, nhưng mà mới đây, tôi có tha thứ cho một kẻ mà tôi coi là tử thù, thù đến chết, mối thù này làm tôi mất ăn mất ngủ nhiều năm. 
Ngày nay nhiều người đồng ý với nhận định này: kẻ nuôi thù hận, dễ mắc các chứng bệnh như đau dạ dày, sỏi thận, sạn gan, tăng huyết áp.... Ai oán thù, thì dễ bị những chứng đó, chứ không phải ngược lại, tức là thấy ai bị những bệnh trên ta kết luận, đúng là ông này có thù oán ai, chứ không sai, thì ta đã kết luận, kết án hơi hồ đồ, và có thể sa vào tội xét đoán.
Ngạn ngữ Tây phương có câu: một vạn bạn vẫn chưa đủ, một kẻ thù đã là dư, đã là quá nhiều. Bởi vì chỉ cần một kẻ thù thôi, cũng đủ hành hạ ta, xâm chiếm trí óc ta, khiến ta không vươn lên được.

Biến thù thành bạn, lợi cho mình như thế đó. Và biến thù thành bạn còn lợi cho kẻ thù nữa. 

2. Ích cho kẻ thù 
Khi ta bị ai làm tổn thương, ta đáp lại hành động làm tổn thương đó bằng một lời nói, một cử chỉ tử tế, thì không chỉ lợi cho mình, như phân tích trên đây, mà lại giúp ích nhiều cho người làm ta tổn thương, tức cho kẻ thù của ta. 
Bruce Larson có kể một mẩu chuyện hơi khôi hài một chút về chính mình để minh hoạ cho quan điểm trên đây : lợi cho kẻ thù.
Số là vào một buổi chiều giờ cao điểm, Larson đang xếp hàng lên xe bus, thì có một bà phốp pháp xông vào ngay trước mặt ông và suýt nữa làm ông té nhào. Larson bèn giở giọng xin lỗi cách xỏ xiên: "Xin lỗi bà, tôi không cố ý xô vào bà mạnh như thế đâư!” Phản ứng của bà trước câu nói giả vờ của Larson thật ngạc nhiên. Bà ta cứ nghĩ Larson xin lỗi thật, nên gương mặt bà giãn nở ra, các vết nhăn thay đổi vị trí, bà lên tiếng: "Lẽ ra tôi phải xin lỗi mới đúng chứ. Làm sao ông lại có thể tử tế với tôi đến thế sau khi tôi đã thô lỗ với ông?" Lúc này, thì chàng Larson nhà ta mới lâm vào bối rối, chàng chẳng biết nói gì. Bà kia đã đáp lại sự tử tế giả vờ của chàng giống như chàng tử tế thật. Và ít ra là ngay lúc đó, bà đã biến đổi thật. Gom hết thông minh của mình lại, chàng ta cũng chỉ có thể kết luận thế này: "Tử tế với thiên hạ, không bao giờ thiệt thòi đâư!” Larson lập tức nhận ra rằng khi đáp trả bằng tình yêu đối với những ai làm hại mình, những kẻ thù của mình, thì mang lại lợi ích cho cả hai phía, hơn là trả đũa bằng căm ghét. 
Thánh Ghandi nói lý lẽ hơn: Tình yêu phải tiêu diệt hận thù. Nếu hận thù không bị tiêu tan, ấy là vì tình yêu chưa đủ mạnh. Cũng chính Ghandi, ngưỡi chủ xướng dành lại độc lập cho Ấn độ bằng con đường bất bạo động, đã nói về người Anh, là kẻ thù, là người áp bức dân tộc ông như sau: “Họ sẽ phải ra đi như những người bạn.” Nhờ đó Ấn Độ đã giành độc lập mà không phải xảy ra chiến tranh, đổ máu, không phải hàn gắn vết thương chiến tranh... như nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

  Vì yêu thương kẻ thù mà chúng ta phải tha thứ cho họ. Không tha thứ có nghĩa là chúng ta không vâng lời ngài và tự chuốc lấy đau khổ, tự hành hạ mình...
Nhưng tại sao tôi phải tha thứ? Có người bảo Chúa dạy chúng tha phải ta thứ đã ghi rõ trong Kinh Thánh! Nhưng nếu tôi không tin Chúa thì sao? Khi một người gây tổn thương hay thiệt thòi cho tôi, tôi sẽ có hàng trăm lý do để không tha thứ cho người đó. Trước hết là vì tôi không muốn người đó tiếp tục gây đau khổ cho người khác, tôi không tha thứ vì tôi phải dạy cho người đó một bài học để người đó hoàn thiện mình hơn. Tôi không tha thứ vì ít ra người đó phải lãnh lấy hậu quả của việc mình làm, từ đó tôi giúp cho người ta nhìn thấy vấn đề để biết xử sự khôn ngoan hơn. Tôi cũng có thể viện lý do rằng, tôi là nạn nhân tại sao tôi phải tha thứ? Tôi là người vô tội, sao tôi lại phải giải hòa trước? Làm sao tôi tha thứ được khi người đó chưa nhìn thấy lỗi của mình? Tại sao tôi là người bị tổn thương mà tôi lại phải hy sinh, phải chịu thiệt thòi thêm nữa?...


Nếu bạn cũng thắc mắc như tôi, thì xin hãy nghe kể một câu chuyện của Lep Tolstoi về lòng hận thù.
     Chuyện kể rằng, có người ăn mày đã bị một kẻ quyền quý xua đuổi. Không những vậy, kẻ quyền quý kia còn ném vào con người khốn khổ một hòn đá để xua đuổi. Người ăn mày vô cùng oán hận, ông ta đã nhặt lấy hòn đá với tâm nguyện trả thù tên nhà giàu khốn kiếp. Ông ta cho nó vào bị và luôn mang theo bên mình để ghi lòng tạc dạ mối thù này.
Vài chục năm sau, cơ hội đã đến với người ăn mày khi mà kẻ quyền quý kia phạm trọng tội. Người ăn mày cho rằng đã đến lúc ném trả kẻ độc ác kia hòn đá hận thù. Người ăn mày đứng bên đường chờ đợi người ta dẫn giải kẻ tử tội đi qua, lòng đầy uất hận. Nhưng khi trông thấy bộ mặt thiểu não đến thảm hại của kẻ thù năm xưa, ông ta chợt nhận ra rằng hắn ta bây giờ còn khổ hơn cả một kẻ tận cùng của xã hội như mình. Tay nắm chặt hòn đá  căm thù năm nào, nhưng ông ta không sao có thể ném vào một kẻ mà cuộc đời hắn chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút.
Kẻ tử tội đã đi qua, người ăn mày cầm hòn đá trên tay và tự hỏi:
“ Tại sao ta lại phải đeo nó trên mình suốt mấy chục năm qua nhỉ?”
    
Trong thời gian học ở Nga, tôi từng được nghe câu chuyện về hai cựu tù nhân của Phát Xít Đức cũng thật hay.
Một người hỏi:
- Anh đã tha thứ cho bọn Phát Xít chứ?
- Rồi.
- Còn tôi, tôi chưa thể tha thứ cho bọn chúng, tôi vẫn bị gặm nhấm bởi mối hờn căm đối với bọn chúng!
- Ôi, nếu thế thì anh vẫn còn bị giam cầm trong ngục của chúng.
Anthony de Melo Sj. đã nói: “Kẻ thù của ta, không phải là những kẻ căm ghét ta, mà là những người ta căm ghét...”
    Vậy các bạn có kẻ thù không? Nếu có thì hãy quên đi nhé, đừng tự giam mình trong nỗi đau thù hận, đừng mang hòn đá hận thù theo mình làm gì cho mệt. Nếu bạn cầu xin cho kẻ thù của bạn gặp tai họa, thì kẻ đó cũng chẳng sao đâu, mà chính tâm hồn của bạn mới gặp tai họa.


Trên đây chúng ta đã nói chuyện yêu thương và tha thứ, còn cứu giúp thì sao nhỉ? Chúng ta cần giúp kẻ khác, vì giúp người chính là giúp mình vậy!
Thật vậy! Hôm nay bạn tôi nói: "Hãy trao cho người khác lòng tốt, bạn sẽ được nhận lại lòng tốt."
Để chứng minh cho quan điểm này, tôi xin kể một câu chuyện:
Những ai muốn có hạnh phúc, hãy giúp người khác tìm được hạnh phúc của họ, bởi sự thành đạt của một người gắn liền với sự thành đạt của tất cả.
Có một huyền thoại thật hay về người nông dân tốt lành kia. Ông nông dân này trồng được những quả Bí Ngô rất to và ngon. Vì thế hầu như năm nào những quả Bí Ngô của ông cũng được chọn để tiến Vua. Nhà Vua biết tiếng người nông dân này và cho người đến học cách canh tác để nhân rộng ra cả nước.
Khi người của nhà Vua đến sống cùng người nông dân này để học tập, anh ta phát hiện ra một chuyện lạ. Đó là người nông dân này mỗi khi chuẩn bị gieo hạt, thì ông ta lại đem chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình cho mọi người. Ngạc nhiên, sứ giả của nhà Vua hỏi thì được trả lời rằng:
-         Nếu tôi không chia cho họ những hạt giống tốt của tôi, thì họ sẽ gieo trồng bằng những hạt giống tồi của họ. Như thế trên cánh đồng sẽ có rất nhiều những ruộng Bí Ngô chất lượng kém. Vậy mà, những con ong, con bướm... nó đâu có phân biệt được đâu là ruộng của tôi, đâu là ruộng của họ. Kết quả là những con ong, con bướm... sẽ thụ phấn lẫn lộn những giống tồi của mọi người vào ruộng Bí Ngô tốt nhất của tôi. Thế thì làm sao tôi có thể có những quả Bí Ngô tuyệt hảo để dâng lên nhà Vua?
Các bạn thân mến! Người nông dân mà tôi vừa kể đã nhận thức được sự liên hệ của cuộc sống. Những quả Bí Ngô của ông ta sẽ không thể nào to và ngon được trừ khi những quả Bí Ngô của những người hàng xóm cũng to và ngon.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Những ai muốn có được cuộc sống tươi đẹp, phải giúp cho người khác tìm được cuộc sống tốt đẹp cho họ. Những ai muốn có hạnh phúc, hãy giúp đỡ người khác tìm được hạnh phúc của họ, bởi sự thành đạt của một người gắn liền với sự thành đạt của tất cả.

Câu chuyện về Yêu Thương - Tha Thứ - Cứu Giúp tưởng như đã hết! Nhưng tôi lại nhớ lời một người bạn: "Có lẽ chỉ nên tha thứ cho người biết lỗi, còn với người không biết nhận lỗi,... thì họ cũng chẳng cần ai tha thứ?"
Tôi suy ngẫm và nhớ lại câu chuyện sau:
Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ vừa chạm vào nó, đã bị nó đốt vào tay. Vị thiền sư không sợ hãi, lại một lần nữa ra tay, lần này ông lại bị đốt.
Người bên cạnh nói: “Nó lúc nào chẳng đốt người, hà tất phải cứu nó?”.
Vị thiền sư đáp: “Đốt kẻ khác là bản năng của con bọ cạp, còn lương thiện, tha thứ, cứu giúp... là bản năng của tôi, sao tôi có thể vì bản năng của nó, mà vứt bỏ bản năng của tôi?”.
Quả là như vậy! Thiên Chúa sinh ra chúng ta với bản năng lương thiện, tha thứ, cứu giúp kẻ khác... Nhưng vì chúng ta đã xa rời Ngài, cho nên mới sinh ra tội lỗi. Chính bởi vậy mà Ngài đã phải xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, từ đó chúng ta đã kỷ niệm ngày ngài xuống thế làm người là ngày Giáng Sinh hôm nay!

Chúc các bạn một Giáng Sinh vui vẻ, đầm ấm và hết lòng yêu thương - tha thứ - cứu giúp... lẫn nhau!