Bài này tôi viết Tết năm ngoái, đã đăng trên studentkgu.vn.
Nay post lên iCVA, mong được XĐTV cùng chia sẻ
Cửa đền Mẫu chiều mùng 6 Tết Nhâm Thìn
Mùng 6 Tết Nhâm Thìn tôi về quê họp họ
Quê tôi, mà đúng ra là quê bố tôi, là một
làng quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nói quê tôi, hay quê bố tôi là có
những ẩn ý khác nhau. Tôi sinh ra tại Nghệ An, quê mẹ tôi. Bố tôi khi đó là bộ
đội Quân khu 4, bố mẹ tôi gặp nhau sau hòa bình kháng chiến chống Pháp tại Nghệ
An. Ba tuổi tôi cùng gia đình ông bà ngoại ra Hà Nội. Tôi về quê lần đầu là năm
1989, khi đã 33 tuổi. Khi đó bố tôi mới về hưu.
Vì nhiều lý do, trong đó có
việc ông bà nội tôi đã mất trong một trận càn của Pháp, các anh chị em ruột không
còn ai ở quê, nên bố tôi rất ít về quê. Còn tôi chẳng có khái niệm quê quán gì
cả. Tôi vẫn coi tôi là người Hà Nội chính cống. Tôi lớn lên ở Hà Nôi, là học
sinh Dịch Vọng, Chu Văn An chứ có phải tầm thường đâu. Rồi bỗng nhiên Tết 1989,
bố tôi nói năm nay 2 bố con về quê dự họp họ. Đó là lần đầu tiên tôi về thăm
quê (bố tôi), một làng ven sông Hồng.
Chừng ấy năm Tết nào tôi cũng về quê dự họp
họ. Gọi là họp họ, nhưng việc chủ yếu là các cụ tổng kết năm nay thêm bao nhiêu
suất đinh (tức có bao nhiêu cháu trai họ Bùi sinh ra trong năm vừa qua). Mỗi
suất đinh mới phải góp tiền tương đương 5 cân thóc vào cho họ. Cái tục từ bao
đời vẫn được giữ nguyên, cho dù bây giờ giá trị 5 cân thóc không còn nhiều giá
trị như khi xưa. Rồi các cụ quyết toán thu chi năm vừa rồi, hoặc thảo luận vài
việc như dự định xây cất, sửa sang gì đó không (năm nay họ tôi xây lại mộ tổ),
hoặc sắm thêm thứ này, thứ nọ cho nhà thờ họ. Xong xuôi rồi đánh chén, cỗ năm
nào cũng giống năm nào: gà luộc, miến, xu hào xào thịt và xôi đỗ. Họ Bùi tôi ở
quê không phải là họ lớn trong xã, khi ăn cỗ chỉ chừng 10 mâm. Họ tôi vẫn giữ
tục lệ là chỉ có con trai đi họp họ. Từ khi về thường xuyên, bố tôi có nêu ý
kiến để các chị, các bà cùng dự họp họ. Các cụ nhất trí nhưng năm nào cũng chỉ
có một mâm phụ nữ. Các chị, các bà nấu cỗ nhưng chỉ ăn ở bếp, hoặc không ăn.
Chẳng thấy phong trào nữ quyền trong họ tôi, dù đã bước sang thập kỷ thứ 2 của
thế kỷ 21 rồi.
Với tôi ngoài dự họp họ, tôi còn có việc quan trọng là ra mộ thắp
hương cho ông nội và cụ nội tôi.
Tôi giãi bày mấy suy nghĩ ở đây để muốn đề cập tới khái niệm quê
quán. Hiện nay khai lý lịch vẫn có một dòng về quê quán. Nhưng tôi đã hỏi cán
bộ tổ chức cán bộ, họ cũng không có một định nghĩa rõ ràng về khái niệm quê
quán. Nơi sinh hiển nhiên không hẳn là quê. Nếu nói rằng quê lấy theo bố, thì
cũng không rõ ràng, vì nếu suy luận theo logic toán học, tất cả người Việt chỉ
có 1 quê là đất Phú Thọ của vua Hùng. Và nếu con tôi hỏi chúng là quê ở đâu,
chúng cũng chỉ lắc đầu trả lời"không biết", chúng và bố chúng đều là người
Hà Nội..
Năm nay hai vợ chồng tôi sau khi xong việc họ đã quyết định đi
thăm thành phố Hưng Yên, cũng là tỉnh lỵ của Hưng Yên. Chừng ấy năm nhưng tôi
chưa thăm thị xã Hưng Yên, mới được lên thành phố 3 năm nay. Từ quê tôi đến Tp
Hưng yên chừng 12 km.
Lịch sử Phố Hiến.
Hẳn ai trong chúng ta cũng được nghe đến câu "Thứ nhất Kinh
kỳ, thứ nhì Phố Hiến".
Phố Hiến chính là một địa điểm thuộc Tp Hưng Yên hôm nay.
Wikipedia tiếng Việt đã viết: "Phố
Hiến là một địa danh lịch sử ở thành phố Hưng Yên. Vào các thế kỷ 17-18, nơi đây
là một thương cảng cổ nổi tiếng của Việt Nam. Lúc ấy,
phố Hiến là một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Ngoài
kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ
là thủ đô phồn vinh nhất nước, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí
thứ hai. Dân gian có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì
Phố Hiến”. Văn bia
chùa Thiên ứng, dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) đã ghi: “Phố
Hiến nổi tiếng trong bốn phương là một tiểu Tràng
An” - tức
một Kinh đô thu nhỏ.
Ngay từ thế kỷ 10, vùng
Đằng Châu ở phía bắc thành phố Hưng Yên ngày nay
vốn là một lãnh địa của sứ quân Phạm Bạch
Hổ, đến thời Tiền Lê là thực ấp
của Lý Công Uẩn. Thế kỷ 13, dưới
thờinhà Trần, khi nhà Nguyên diệt Tống, một số
kiều dân Trung Quốc tị nạn đã
kéo sang Việt Nam, lập nên làng Hoa Dương.
Cùng lúc đó, một số người Việt từ nhiều địa phương khác nhau cũng dần dần đến
sinh sống tại địa điểm tụ cư này để buôn bán và làm ăn.
Có nhiều khả năng là tên gọi Phố Hiến lần đầu
tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 trong công
cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh
Tông. Tuy
nhiên, phải đến thế kỷ 17, Phố Hiến mới trở thành
một trung tâm chính trị - kinh tế có nhiều
mối giao lưu quốc tế. Lúc này, ở Phố Hiến có lị sở của trấn thủ xứ Sơn Nam, ty Hiến
sát xứ Sơn Nam, các trạm tuần ty kiểm soát thuyền bè trong ngoài nước, một đoạn
sông tấp nập các thuyền bè đi lại và đỗ bến, những chợ phố đông đúc, các thợ
thủ công và thương nhân người Việt, người Hoa, Nhật Bản và phương Tây: Bồ Đào
Nha, Hà Lan, Anh, Pháp".
Thời Lê sơ, xung quanh Thăng Long là 4 xứ
(sang thời Tây Sơn đổi thành trấn, đến thời Minh Mạng mới hình thành các tỉnh
gần như bây giờ), bao gồm:
- Xứ Kinh Bắc: bao gồm toàn bộ ranh giới hiện nay 2 tỉnh Bắc Giang,Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là bắc Hà Nội (Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng);
- Xứ Đông (trấn Hải Dương): bao gồm Hải dương, một phần Hải Phòng
ngày nay;
- Xứ Đoài (trấn Sơn Tây): bao gồm Sơn Tây, một phần Phú Thọ ngày
nay;
- Xứ Sơn Nam:. bao gồm tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, một phần củaHà Nội, và một phần Hải Phòng ngày nay.
Phố Hiến nằm ở trung tâm xứ Sơn Nam., thông thương đường thủy với
Thăng Long (Kẻ Chợ), với các sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình để đến hầu hết
các địa điểm thương mại của Đàng Ngoài.
"Khu phường phố là khu định cư của người Việt và các kiều
dân ngoại quốc (chủ yếu là người Hoa) sản xuất
và buôn bán với tính chất cố định ở Phố Hiến. Dựa theo các văn bia ở chùa Hiến
(1709) và chùa
Chuông (1711), Phố
Hiến thời đó có khoảng 20 phường. Qua các bi ký, có thể đọc được 13 phố và 32
tên cửa hiệu buôn bán như các Tân Thị, Tân Khai, Tiên Miếu, Hậu Trường…
Trong thế kỷ 17, có hai
thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến: thương điếmHà Lan (1637-1700)
và thương điếm Anh (1672-1683).
Đây là văn phòng đại diện kiêm nhà kho của các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và
Anh. Đây là một quần thể kiến trúc được xây bằng gạch, nằm ở phía dưới Phố
Hiến, quãng gần thôn Nễ Châu và Vạn Mới. Từ thế kỷ 18, quần thể
kiến trúc này đã bị huỷ hoại trở thành đồng ruộng.".
Thời cực thịnh của phố Hiến là thế kỷ 18. Sau đó Trung Hoa, Nhật
Bản mở cửa khai thông với phương Tây, kinh đô chuyển vào Huế, vai trò của phố
Hiến giảm sút mạnh và sau này chỉ là thị xã Hưng Yên.
Giống như Hội An ở Đàng Trong, Phố Hiến là một văn hóa đã sắc tộc
cả Á lẫn Âu, cả kiến trúc cũng như dân cư. Tiếc rằng trả qua chiến tranh liên
miên (các cuộc khởi nghịa thời chúa Trịnh, chiến tranh thời Tây Sơn), cộng với
lũ lụt thiên nhiên, kiến trúc cổ phố Hiến không còn được lưu lại.
Du Xuân các đền, chùa Tp Hưng Yên
Chúng tôi liên hệ trước với anh Tùng, cán bộ quản lý của Son Nam
Resort. Có một anh bạn trước từng ở FPT đang làm TGĐ của khu resort này. Chính
anh ta đã gợi ý tôi ghé thăm Tp Hưng Yên.
Chúng tôi đến Son Nam Resort là khoảng 2h chiều. Tùng dẫn chúng
tôi thăm khu resort, nằm ở cuối đường Phạm Ngũ Lão. Là một người từng đoạt giải
nhì Olymlic Toán quốc tế năm 1978, Tùng tỏ ra rất ham mê văn hóa của Phố Hiến
và thuộc rất nhiều lịch sử của khu vực Hưng Yên.
Son Nam Resort do một số tư nhân đầu tư, có nhiều hạng mục nhà
nghỉ, khách sạn, nhà hội thảo, khu giải trí thể thao, vườn cây. Trong resort
còn có một hồ nước, Tùng kể rằng đó là cái hồ hình thành sau một trận vỡ đê sông Hồng, nước sông tràn vào, rồi thành hồ nước. Đây cũng là resort ít gặp ở
đồng bằng Bắc Bộ, vốn chỉ có ruộng, còn bờ biển thì không được ưu đãi như miền
Trung.
Chiều mùng 6 Tết, Tùng dẫn chúng tôi đi xem chừng hơn 10 đền, chùa
ở Tp Hưng Yên. Tôi cũng không nhớ hết, chỉ xin kể ra dưới đây một vài nơi mà
tôi nhớ sâu đậm hơn cả:
Chùa Hiến
Tại đây nổi bật nhất là có cây nhãn lồng tổ, tương truyền đã được
300 năm tuổi.
Cây nhãn tổ trong chùa Hiến |
Đền Mây
Nơi đây thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ (910-972), một võ tướng trải
qua các triều từ Dương Đình Nghệ đến triều Ngô, triều Đinh. Ông là hào trưởng
đất Đằng Châu, thuốc thị xã Hưng Yên bây giờ. Ông là tướng của Dương Đình Nghệ,
tham gia việc đánh đuổi quân Nam Hán giành độc lập. Sau ông theo Ngô Quyền và
tham gia đánh trận Bạch Đằng lịch sử (938). Sau đó ông cầm đầu một trong 12 xứ
quân, rồi theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp các xứ quân khác, lập nước Đại Cồ Việt.
Ông mất năm 972.
Trước cổng đền Mây còn lưu giữ cây si nghìn tuổi, được gọi là “cây
tướng quân” để tưởng nhớ đến Phạm Bạch Hổ.
Đền Mây và cây cổ thụ "Tướng quân" nghìn năm tuổi |
Chùa Chuông
Một trong những chùa đẹp nhất của Hưng Yên, “Chùa Chuông - Phố
Hiến đẹp nhất danh lam”.Theo truyền thuyết vào
một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi
sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu,
tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Các nơi đua
nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn
Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời Phật giúp đỡ bèn góp công
của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn
dặm. Các vật quý của người Việt bị người phương Bắc lấy khi nghe tiếng chuông
đều nổi dậy đòi về phương Nam. Do vậy chùa có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa
chuông vàng), tên thường gọi là chùa Chuông.
Chùa Chuông |
Văn miếu Xích Đằng
Hiện nay cả nước có 6 văn miếu: Văn miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Huế, Văn miếu
Hưng Yên, Văn miếu Hải Dương, Văn miếu Bắc Ninh, Văn miếu Đồng Nai. Văn Miếu
Hưng Yên còn gọi là Văn miếu Xích Đằng (vì được xây dựng trên đất làng Xích
Đằng), nguyên xưa là Văn Miếu của Trấn Sơn Nam.
Hiện vật quý giá nhất của Văn miếu Hưng Yên là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức
vụ 161 vị đỗ đại khoa ở Trấn Sơn Nam thượng ngày xưa (trong đó tỉnh Hưng Yên có
138 vị, tỉnh Thái Bình 23 vị) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê đến Nguyễn. Học
vị cao nhất là ba Trạng nguyên Tống Trân; Trạng nguyên Nguyễn Kỳ triều Mạc;
Trạng nguyên Dương Phúc Tư triều Lê. Chức vụ cao nhất là tiến sĩ Lê Như Hổ,
Quận công triều Mạc.
Văn miếu Hưng Yên |
Đền Mẫu
Khi quân Nguyên Mông đánh chiếm Trung Quốc, người Trung Hoa trôi
dạt xuống phía Nam, đến Hưng Yên bây giờ thánh lập làng người Hoa, gọi là làng
Hoa Dương. Dương Quý Phi chạy giặc, khi bị bắt đã tự vẫn ở biển, trôi dạt về
phương Nam, dân làng Hoa Dương được báo mộng là trôi dạt về đến sông Hồng, làng
Hoa Dương. Dân làng đã lập đền để thờ bà.
Trong đến có một cây cổ thụ 700 năm tuổi, kết hợp cây đa, cây xanh
và cây si, có 3 thân rễ rất to, trông rất lạ mắt.
Đền Mẫu với cây cổ thụ 3 thân rễ 700 năm tuổi |
Đền Trần
Tương truyền đất Hưng Yên là Đại bản doanh của Trần Hưng Đạo trong
một thời gian của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Vua Trần cũng đã ở đây
một ngày, sau đó đi tiếp ra biển lánh giặc. Triều đình đã để lại một vạn quân
do Trần Bình Trọng chỉ huy đóng ở bên kia sông (đất Hà Nam) để cản đường tiến
của quân giặc. Khi bị bắt, Trần Bình Trọng đã khảng khái nói trước khi bị chặt
đầu “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Sau đó quân giặc đã
cho bêu đầu ông bên này sông, đất Hưng Yên. Hưng Yên cũng là chiến trường giao
tranh ác liệt khi quân ta phản công quân giặc.
Trần Hưng Đạo là một anh hùng kiết xuất của dân tộc. Ông được thờ
khắp nơi trên Tổ quốc Việt Nam.
Đền Trần Hưng Yên |
* ** * ** *
Đến 5h30 chiều chúng tôi kết thúc viếng đền chùa đất Phố Hiến, dù
còn nhiều nơi khác mà Tùng chưa kịp giới thiệu cho chúng tôi. Đi với Tùng chúng
tôi thấy anh thực sự là một pho sử sống.
Hội An, thương cảng nổi tiếng của Đàng Trong, vẫn còn giữ được
kiến trúc độc đáo và là 1 điểm du lịch tuyệt vời, được UNESCO công nhận là di
sản văn hóa thế giới. Phố Hiến tuy không giữ được kiến trúc cổ, nhưng hơn Hội
An là vẫn giữ được hồn Việt. Quanh khu vực Tp Hưng Yên có tổng cộng khoảng 120
đền chùa. Hồn Việt thể hiện qua những di tích đó. Nghe nói mới đây phía Ba Lan
đã đồng ý tài trợ một chương trình phục hồi Phố Hiến, hy vọng qua đó danh tiếng
Phố Hiến không chỉ đọng trong ký ức dân gian, trong tài liệu sử sách.
Tôi còn nhiều điều chưa khám phá về mảnh đất Hưng Yên, nơi đây
cũng là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan, của Hải Thượng Lãn Ông, của Phạm Ngũ
Lão, của Tán Thuật với khởi nghĩa Bãi Sậy, của cố TBT Nguyễn Văn Linh. Kỵ tôi,
Bùi Quang Diệu, từng là nghĩa quân Bãi Sậy.
****Bài viết sử dụng nhiều tư
liệu trên mạng và lời kể của Tùng
Thấy bài viết về Hưng Yên, chưa đọc nhưng đã thử tìm xem anh Ngọc có viết thiếu cái gì không. Tìm "nhãn" thấy có nhãn, vậy là ổn rồi ;)
ReplyDeleteHưng Yên bây giờ không phát triển mấy. Doanh nghiệp tiếng tăm nhất, thuê nhiều người nhất hình như là Viettel thì phải. Cuối năm 2011 Hải có dịp về quê thăm họ và viếng mộ tổ tiên thì tình hình là như vậy. Không biết khu công nghiệp hay Đai học sắp tới có bẩy nổi kinh tế địa phương lên không?
Anh trưởng họ bên bố Hải cũng đưa đi một vòng qua mấy chỗ anh Ngọc kể trong bài, kể qua loa nhưng cũng chẳng nhớ được mấy. Cám ơn anh đã ghi chép và tổng kết lại.
Hồi nhỏ lúc Hải đang học cấp hai (hay đầu cấp ba nhỉ?), có ông anh họ ở Hưng Yên lên học Đai học Thủy lợi, lần nào đến nhà cũng rủ về quê chơi. Thế rồi cũng đi. Về lần đó nhớ nhất là được ăn nhãn. Ăn nhiều đến rát cả lưỡi. Ở ngay thị xã, hay thành phố Hưng Yên, có một cái hồ nhỏ. Cùng là nơi Hải đã có dịp bì bõm với bọn trẻ con phố Hiến mấy ngày hè nóng bỏng. Tất nhiên thời đó người ta sống "thoáng" hơn bây giờ cho nên chẳng cần che đậy gì cả. Trẻ con thì tắm dưới hồ, trên bờ bên cạnh đó có mấy bà mẹ trẻ giặt tã, giặt chiếu cho con. Mấy con chó vẫy đuôi chạy quanh quẩn nhặt nhạnh ... mô hình sinh thái rất cân bằng, hoàn hảo...