Monday, July 30, 2012

Tự hào là học sinh chuyên toán Chu Văn An

-->

Bùi Quang Ngọc 

(Lớp chuyên toán 10I khóa 1970-1973)


"Qua một điểm ở ngoài đường thẳng, ta có thể kẻ được bao nhiêu đường thẳng song song với đường đã cho?"
Đó là một những câu hỏi mà chúng tôi, những cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An vẫn được các thầy dạy toán nêu ra trong những năm còn ngồi ghế nhà trường.
Khi đó các thầy nói rằng, bây giờ các em học hình học Ơcơlit, câu trả lời là một. Nhưng sau này các em sẽ được tiếp xúc với những hình học khác, mà có thể chấp nhận nhiều đường thẳng song song với đường đã cho nhưng cùng đi qua một điểm.
Không phải ai trong chúng tôi sau này tiếp xúc với thứ hình học đó. Một số bạn tiếp tục con đường toán học, cũng rất nhiều người chuyển sang các ngành khác. Nhưng chúng tôi vẫn nhớ cái câu hỏi đầy lý thú kia, câu hỏi gợi cho chúng tôi những suy nghĩ mênh mông về toán học, đã gieo vào chúng tôi những tư duy khoa học mà sau này đã đồng hành với chúng tôi, cho dù không phải ai trong chúng tôi cũng làm khoa học. Vâng, cái chất toán vẫn đi cùng chúng tôi, những cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An. Và hơn tất cả, ngôi trường thân yêu cùng thầy cô bạn bè với bao kỷ niệm vẫn đọng trong tâm hồn chúng tôi.
Những năm kháng chiến (cả chống Pháp và chống Mỹ) nhà nước Việt Nam vẫn luôn chú trọng công tác đào tạo cho tương lai xây dựng đất nước. Đặc biệt trong những năm đánh Mỹ, dưới sự quan tâm đặc biệt của bác Tạ Quang Bửu (nguyên là Bộ trưởng Bộ Đại học), các khối chuyên toán được thành lập, trước hết phải kể đến khối A0 của trường Đại học Tổng hợp, khối chuyên toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, đã ra đời trong những năm chiến tranh chống phá hoại của Mỹ, tại những địa điểm nông thôn, rừng núi miền Bắc. Tiếp theo các tỉnh thành cũng lần lượt thành lập các lớp chuyên toán cấp III, trong đó có Hà Nội.
Năm học 1970-1971, miền Bắc đã có 2 năm bình yên không còn các cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, các lớp chuyên toán của Hà Nội từ ngoại thành, trường Xuân Đỉnh, được chuyển về trường Chu Văn An. Đó là các lớp 10K, 9I, 8I (sau này các lớp chuyên toán luôn là các lớp I). Đây là năm học mà khối chuyên toán trường Chu Văn An ra đời.
Mỗi lớp chuyên toán đều khoảng 25 người (và thường ít các bạn nữ), so với các lớp khác là một điều kiện học tập tốt. Các Thầy giáo của chúng tôi, Thầy Trịnh Thế Vinh, Thầy Đào Thiện Khải, Thầy Vũ Xuân Mai, Thầy Cao Đắc Điềm, Thầy Nguyễn Kim Hoãn, là những thầy giáo giỏi chuyên môn và nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm. Chính vì những tâm huyết đó mà ngay trong năm học 1970-1971 anh Nguyễn Hữu Việt Hưng, năm học 1971-1972 anh Đỗ Bá Khang, đã đoạt giải nhất Toán miền Bắc. Khối chuyên toán Chu Văn An đã có nhiều giải Toán thành phố Hà Nội, quốc gia và đặc biệt các giải Olympic Toán quốc tế, như các anh Nguyễn Khánh Trọng (khóa 1972-1975), Nguyễn Hùng Sơn (khóa 1973-1976), Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Trung Hà (khóa 1975-1978), Phạm Hữu Tiệp (khóa 1976-1979).
Ngoài môn Toán, dưới sự giảng dạy của đội ngũ giáo viên giỏi của trường Chu Văn An, chúng tôi cũng hăng say học tập các môn học khác: Lý, Hóa, Sinh vật, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Các học sinh chuyên toán Chu Văn An đã đạt nhiều giải thành phố các môn học này. Không chỉ học tập tốt, các lớp chuyên toán luôn dẫn đầu phong trào về rèn luyện và ngoại khóa, nhất là về thể thao, học sinh chuyên toán luôn mê môn bóng đá mà sân trường Chu Văn An lại ngay cạnh và rộng rãi, cái sân bóng ít cỏ, nhiều đất và mảnh than xỉ đã mang lại rất nhiều kỷ niệm cho chúng tôi. Nhiều hôm tan học chúng tôi còn ở lại đá bóng đến đầu buổi chiều mới ra về. Chúng tôi cũng thường là những lớp trật tự và hát quốc ca to nhất trường trong các buổi chào cờ sáng thứ hai.
Lứa đầu tiên (tốt nghiệp năm 1971) đã có nhiều anh tham gia quân đội, trong đó có bốn anh đã hy sinh tại chiến trường miền Nam và được phong liệt sỹ. Đó là các anh: Vũ Tuấn Hiệp, Lê Ngọc Huyền, Nguyễn Duy Lâm, Nguyễn Minh Quang. Khóa tốt nghiệp 1972 đã phải thi tốt nghiệp và thi vào đại học tại nơi sơ tán, dưới những ngọn đèn dầu vì phải thi rất sớm, tránh ban ngày có máy bay Mỹ ném bom. Đặc biệt các khóa tốt nghiệp 1973, 1974 và 1975 đã được chứng kiến trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm cuối năm 1972. Sau hòa bình, rồi đất nước thống nhất, các lớp chuyên toán Chu Văn An tiếp tục duy trì và phát huy truyền thống học giỏi Toán, có nhiều đóng góp cho trường Chu Văn An và Hà Nội. Đến năm 1985, khối chuyên toán Hà Nội được chuyển sang trường Hà Nội Amxtecdam, một trường cho các khối chuyên của các môn khác nữa. Khối chuyên toán Chu Văn An có tất cả 15 khóa (1971-1985).
Với những kiến thức và tư duy Toán học được trang bị đầy đủ trong thời gian ở Chu Văn An, chúng tôi tiếp tục những bước đi tiếp theo: đại học, sau đại học, ra làm việc. Môn Toán với tư duy mạch lạc, hệ thống đã giúp chúng tôi tiếp tục phát huy truyền thống cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An. Ở đại học, dù học trong nước hay ngoài nước, dù là môn khoa học hay môn kỹ thuật, chúng tôi vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu. Đến nay khoảng một gần một nửa cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An đã có bằng tiến sỹ. Nhiều anh được mời giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài, như các anh Nguyễn Hữu Việt Hưng (khóa 1968-1971), Đỗ Bá Khang (khóa 1969-1972), Nguyễn Hồng Thái (khóa 1975-1978). Trên mặt trận kinh tế, nhiều cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An hiện đang là các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo ngân hàng, hoặc các nhà đầu tư. Bằng sự lao động miệt mài, ít nhiều vận dụng các kiến thức Toán học, các anh chị này đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Có thể kể ra một đơn vị mà sự đóng góp của cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An là đáng kể: công ty FPT, đơn vị dẫn đầu VN trong ngành CNTT, do anh Trương Gia Bình, cựu học sinh khóa 1970-1973, làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Có hơn chục cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An của nhiều khóa hiện đang giữ các chức vụ chủ chốt trong FPT. Chuyện kể rằng ở FPT, các ứng viên từng học sinh chuyên toán đều được tuyển ngay mà không cần sát hạch.
Cho dù ở đâu, trên vị trí nào, là nhà khoa học hay giáo viên, là doanh nhân hay quân nhân, là bác sỹ hay kỹ sư, chúng tôi vẫn giữ trong người cái chất chuyên toán Chu Văn An, chất ham học, cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn thách thức, giải quyết vấn đề với tư duy lôgic chặt chẽ. Là chất sáng tạo không ngừng cùng đam mê công việc như ngày nào đam mê môn toán, nhiều người chúng tôi tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học mà nhiều thầy cô khi xưa đã mong muốn. Là chất yêu thương, gắn bó, đoàn kết con người, nhiều người trong chúng tôi đã trở thành các nhà lãnh đạo. Là chất đổi mới, thích nghi, nhiều người chúng tôi đã chuyển sang kinh doanh, điều mà khi chúng tôi còn trên ghế nhà trường chẳng bao giờ được biết đến. Là chất truyền thống, chúng tôi vẫn là những tập thể quan tâm đến nhau, hướng tới trường cũ, tới các thầy cô giáo cũ của chúng tôi.
Hôm nay chúng tôi vui mừng được biết trường Chu Văn An trở thành trường trọng điểm quốc gia. Ngôi trường xưa khang trang hơn trước, rộng hơn đẹp hơn, với bức tượng đồng của người mà ngôi trường mang tên.
Và chính ngôi trường xưa đó là điểm chung nhau của các con đường song song mà cuộc đời mỗi cá nhân chúng tôi đã vẽ. Nó như luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, chúng tôi tự hào là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An.

No comments:

Post a Comment