Sunday, December 14, 2014

Ngày 25-12 là ngày Sinh nhật Chúa?


Có phải Chúa sinh ngày 25-12? Không, nếu bạn cho rằng Chúa sinh ngày đó thì bạn đã nhầm!
Hàng năm vào tháng 12 ở khắp nơi trên thế giới, người ta chăng đèn, kết hoa... Các cửa hàng cửa hiệu đầy ắp những món quà Giáng sinh... Đây là mùa làm ăn của các thương gia. Mọi người chúc nhau Giáng sinh vui vẻ, hạnh phúc...Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ xuất xứ ngày lễ này.
Không hiểu do nhầm lẫn hay vì lẽ gì mà thời gian này tôi thấy có nhiều người gọi là mùa Giáng sinh, nhưng thực ra kể từ 30-11-2014 cho tới 24-12- 2014 là mùa Vọng, còn từ 25 –12 trở đi mới là mùa Giáng sinh. Mùa Giáng Sinh kéo dài hai tuần!
Giáng sinh là ngày lễ mừng “Sinh nhật’’ của Chúa Giêsu và ngày 25-12-20104 này là ngày sinh nhật thứ 2014 của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, nghiên cứu lịch sử về ngày lễ này, người ta thấy có những điều không đơn giản như thế.
Vậy Chúa Giêsu sinh ra năm nào?
Năm Thiên Chúa Giáng sinh làm người được kể là năm thứ nhất theo Dương lịch chúng ta dùng hiện nay; như thế sinh nhật của Chúa đã chia đôi lịch sử nhân loại.
Theo lịch sử Thánh Kinh thì từ ngày Tạo Hóa dựng nên trời đất muôn vật đến năm Chúa Giáng sinh được gọi là “Thời Kỳ Cựu Ước’’ và từ năm Chúa Giáng sinh trở về sau được gọi là “Thời Kỳ Tân Ước’’. Theo lịch chung chúng ta dùng hiện nay thì trước thời Chúa giáng sinh gọi là trước “Công Nguyên’’, thường ký hiệu là B.C. “Before the birth of Christ’’ và từ năm Chúa giáng sinh cho đến ngày “tận thế’’ thì gọi là sau “Công Nguyên’’ thường ký hiệu là A.D. “Anno Domini’’, “Theo năm của Thiên Chúa’’. (Thực ra cách gọi sau Công Nguyên là sai, phải gọi là “Kỷ nguyên Chúa Ki Tô mới đúng”).
Như vậy ngày 25-12-2014 này chúng ta mừng sinh nhật thứ 2014 của Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên vì các nhà làm lịch lúc đầu tính lầm nên năm Chúa Giêsu giáng sinh bị lệch đi mất 6 hoặc 7 năm. (Có sách nói lệch đi mất 4 năm) Nếu tính đúng thì năm 2014 sẽ phải là năm 2020 (hoặc 2021). Nói một cách khác, đơn giản hơn, thì vào năm 2014 này tuổi của Chúa Giêsu đã là 2020 (hoặc 2021).
Lý do của việc “tính lầm’’ này là vì vào thời xưa chưa có lịch chung như ngày nay, nên thường tính năm theo triều đại của các vua như “Đời Vua Hùng Vương thứ 18”... chẳng hạn, hoặc theo một biến cố lịch sử nào đó như năm Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây “Vạn Lý Trường Thành’’. Các thánh sử khi viết sách “Phúc Âm’’ hay “Tin Mừng’’ cũng dùng niên hiệu các vua cùng với những biến cố lịch sử nào đó. Thí dụ: Thánh Matthêu viết: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđêa, thời vua Hêrôđê trị vì... (xin xem theo Thánh Matthêu 2:1... ). Thánh Luca viết: “…vào thời Hoàng Đế Augustô ra “chiếu chỉ Kiểm Tra dân Số’’... Khi Giuse và Maria đang ở Bêlem, thì Maria đến ngày sinh con... (xin xem Luca 2:1... )
Nếu tính theo triều đại Hoàng Đế Rôma Augustô, thì Chúa Giêsu sinh ra vào “đời Hoàng Đế Augustô thứ 20’’.
Thực ra người chủ trương lấy năm Chúa Giêsu sinh ra là năm I để bắt đầu Công Nguyên là ông Diônisiô (khoảng năm 556) đã tính lầm năm sinh của Chúa, vì ông căn cứ vào năm xây dựng thành Rôma và tính là Chúa giáng sinh vào cuối năm 753 sang năm 754 (sau khi thành lập thành Rôma) là năm Chúa giáng sinh, tức là năm I cuả Công Nguyên. Nhưng sau này các sử gia và các học giả kinh thánh và lịch sử Đế Quốc Rôma nghiên cứu lại các thời đại Hoàng Đế Augustô và vua Hêrôđê Cả mới thấy là Chúa Giêsu phải sinh ra sớm hơn khoảng năm 746 hay 747 sau khi thành lập thành Rôma, và vì thế năm sinh của Chúa bị ghi hụt mất 6, 7 tuổi và cũng vì thế mừng sinh nhật của Chúa năm 2014 chính ra đã là năm 2020 (hay 2021). Tóm lại, năm Chúa Giêsu Kitô Giáng sinh:

-Cách thời của Abraham: 21 thế kỷ;
-Cách Maisen với công cuộc xuất hành khỏi Ai Cập: 13 thế kỷ;
-Cách thời bà Ruth và các thẩm phán: 11 thế kỷ;
-Cách thời vua David (là chú bé đã chiến thắng Goliat khổng lồ) được xức dầu phong vương: một ngàn năm;
-Cách năm đại hội Olympics đầu tiên: 776 năm (Đại Hội thứ 194);
-Khoảng 747 năm sau khi thành lập Thành Rôma.
Thực ra các nhà khoa học ngày nay có thể tính chính xác ngày tháng năm sinh của Chúa Giêsu. Nhưng đã gần 15 thế kỷ qua mọi người đã quen với cách tính của Diônisiô nên chẳng ai muốn sửa lại.
Chúa Giêsu sinh ra ngày nào?
Đọc tiểu sử của các “vĩ nhân’’ trên thế giới thời xưa, chúng ta thường không thấy nói đến ngày sinh; chẳng hạn Socrate (khoảng 470-399 BC) hay Platon (khoảng 428-348 BC) v.v... Ngay các cụ trọng tuổi của người Việt Nam chúng ta bây giờ, nhiều vị cũng không nhớ “ngày sinh, tháng đẻ’’ của mình; nhiều cụ chỉ nhớ là tuổi “Mùi’’ hay tuổi “Thìn’’. Ngay cả ngày tháng năm sinh của các cụ trên giấy khai sinh cũng không đúng hẳn... Ngày sinh của Chúa Giêsu cũng không được ghi lại đầy đủ trong các sách Phúc Âm (Tất nhiên Chúa Giêsu cũng không có giấy khai sinh hay sổ bộ khai sinh...)
Nhưng tại sao lại mừng ngày Chúa Giêsu ra đời vào 25-12 hằng năm?
Vì ngày Chúa Giáng Sinh không được ghi rõ ràng trong các văn kiện lịch sử cũng như trong các sách Phúc Âm, nên Giáo Hội đã chọn một ngày thích hợp là 25 - 12 là ngày gần với ngày đông chí, ngày ngắn nhất đã qua và ánh sáng lại trở lại... và vì thế các dân tộc Trung Đông và La Mã thời cổ hay mừng “ngày ánh sáng’’ vào 25 - 12; (Còn gọi là "Mặt Trời Bất Khuất")

Khi Giáo Hội truyền giáo vào La Mã đã chọn ngày này để kính nhớ ngày Thiên Chúa Giáng Sinh “Đất Trời Giao Hoà’’. Ý nói Chúa giáng sinh đem lại ánh sáng cho nhân loại (từ ngày 25-12 trở đi ngày dài ra và đêm thì ngắn lại) và cũng nhân đó biến ngày lễ lớn của La Mã thành ngày lễ của Ki Tô giáo.

Đây cũng là một dạng kế thừa và phát huy rất độc đáo, biến khách thành chủ, tương tự như “Phản Khách Vi CHủ”-Kế 30 của Tam Thập Lục Kế (Tôn Tử). Như vậy ngày 25 -12 không phải là ngày có tính cách lịch sử mà chỉ là ngày kỷ niệm mừng Chúa giáng trần để giao hoà với nhân loại và loan báo tin mừng cứu độ. Đây chỉ là một việc làm theo “tiện lợi’’, tạm ví như nhiều cụ khi ở Việt Nam thì không có thói quen mừng ngày sinh nhật (tất cả chỉ mừng vào dịp Tết).
Ngày nay Lễ Giáng sinh (còn gọi là Noel) ngày càng lan rộng khắp nơi, đến cả các dân tộc có ít Ki Tô hữu và cả các nước có chế độ vô thần như Cu Ba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt nam chúng ta. Đáng tiếc là ngày nay người ta đã “thương mại hóa” dịp lễ này mà làm giảm đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Cũng như chuyện thương mại hóa những ngày lễ của Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão giáo...

Chúc các bạn được hưởng nhiều ơn phúc lộc của Chúa trong dịp Lễ Giáng Sinh 2014, và những ơn phúc đó sẽ đem đến bình an trong tâm hồn mỗi người chúng ta, cũng như toàn thể nhân loại và dân tộc Việt nam.

9 comments:

  1. Mình cứ nghĩ một cách đơn giản như mọi người khác về ngày 25/12. Hoá ra cũng phức tạp ra phết Minh nhỉ.

    Không phải là tín đồ hay theo đạo nhưng một trong các mong muốn của mình là một ngày đẹp trời nào đó được đến thăm Thánh địa ở Jerusalem.

    ReplyDelete
  2. Hề hề hề,
    Chu choa, chú Minh lại còn nghiên cứu cả kinh Thánh nữa đấy. Nhưng mà chú nên cẩn trọng giữ gìn sức khỏe nha. Đừng làm việc nhiều quá, đọc sách nhiều quá, nhất là các sách về thần học thì dễ bị ảnh hưởng đến bệnh tình của chú lắm đấy. Hãy nhớ câu "Sức khỏe là vàng", muốn chi cũng cần phải có sức mới làm được chú ạ.
    Hề hề hề.....

    ReplyDelete
  3. Vâng! Em cám ơn anh Bình nhiều, em dạo này đang tập thói quen đi ngủ sớm đấy ạ! Nhưng đọc các sách thần học thì có khi lại có lợi cho bệnh tình của em, chứ không có hại gì đâu ạ!

    ReplyDelete
  4. Bài viết rất hay, nhất là đã được tranh luận và trao đổi trực tiếp với Minh trên "chuyến xe bão táp" đến trang trại của DC ở Phan Thiết cùng các anh TRáng i Xanh, anh BÌnh i đỏ, anh Quân -iTím và anh MInh i Vàng, Minh rất là uyên thâm về ... các thể loại tôn giáo và triết học, vẫn nhớ khái niệm "ngu ngốc vĩ nhân" hay câu chuyện hai anh Béo Gầy thi đi trên đường ray ...v..v thật là thú vị, chúc MInh tiếp tục uyên bác hơn và có những kiến giải thú vị về Tôn Giáo và NHân loại Minh nhé

    ReplyDelete
  5. Hôm 23-12-2014 ở lớp học nghe nói tiếng Anh, giáo viên đã cho đề tài Giáng Sinh. Sau đó giáo viên hỏi ông già Noel là ai, ông già Noel có dính dáng gì đến Kito giáo? Không ai biết, kể cả giáo viên! Buồn cười quá, năm nào cũng thấy hình ảnh ông già Noel ở khắp mọi nơi, thế mà rất nhiều người chả biết ông già Noel là ai! Ông già Noel là người thật hẳn hoi, Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra (280 - 343). Ông được thụ phong giám mục từ lúc mới 19 tuổi và rất hay giúp đỡ mọi người!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chuyện mọi người không biết gì về Santa Claus cũng là bình thường thôi Minh à. Một phần cũng vì đạo Phật hình như phố biến hơn ở Việt nam.

      Mình cũng không biết, mặc dù sống ở Phương Tây hai chục năm nay rồi.

      Mình tự coi mình là hiện thân của Santa Claus vì mấy chục năm nay năm nào cũng là người bỏ quà dưới cây thông cho con mình và trẻ con nhà bạn bè ;)

      Nhờ Minh mà mình mới biết đấy. Mới xem thêm về đề tài này ở đây: http://www.cnn.com/2014/12/22/living/real-santa-claus/

      Delete
    2. Hề hề hề,
      Việc mọi người ít biết đề santa claus đơn giản chỉ là họ chả mấy quan tâm tới anh cu này mà thôi. Tại sao ư??? Tại vì nhiều lẽ lắm.
      Theo quan niệm cá nhân của mình thì thằng cha này cũng chỉ là một thằng người nào đó được thần thánh hóa lên mà thôi chứ chả có cái việc cưỡi xe hươu (tuần lộc) kéo chạy vù vù từ nơi này qua nơi khác , thậm chí xuyên lục địa để đem quà cho con nít đâu. Nó chỉ thể hiện một ước mơ thánh thiện của con người cũng như dân ta ngày xưa thích mơ về Bụt mà thôi.
      Cả Bụt, cả Giê su, cả Santa Claus ..... đều là sản phẩm của trí tưởng tượng hão huyền mà con người muốn có thôi.
      Việc tìm hiểu về nó thật ra chả có ý nghĩa thực tiễn gì cả ngoài việc để bốc phét cho con nít nó nghe.
      Nhưng thôi dù sao thì một thằng cu Santa Claus nào đó có lẽ còn tốt hơn một vị Tổng thống nào đó trên cái cuộc đời thực này. Cứ mơ đi và hy vọng rằng không bị vỡ mộng.
      Hề hề hề

      Delete
    3. Anh Bình làm em nhớ lại lời dạy của bố nuôi em, cụ Hồng Y Phao Lô Giuse Phạm Đình Tụng: " Nếu như không có Chúa, thì con người cũng phải tự sinh ra một Đức Chúa Trời..."

      Delete
  6. Về ông già Noel thì mọi người nên xem ở đây hay hơn, đầy đủ hơn:
    http://www.vietcatholic.net/News/Html/133242.htm ở đây còn nói rõ tại sao ông già Noel đi xe trượt tuyết ( Chỉ có điều ban đầu là xe ngựa trượt tuyết, chứ không phải xe do tuần lộc kéo), tại sao ông lại có tên là Santa Claus?... Cái tên “Santa Claus” (Ông Già Noel) là cách đọc theo giọng Mỹ của từ “Sinterklaas” của người Hà Lan (Ở wikipedia cũng nói như vậy)... Còn chuyện ông già Noel cho quà các em bé thì là một cách giáo dục rất hay mà thôi!

    ReplyDelete