Thursday, August 8, 2013

Nhạc "hoành tráng" của Hans Zimmer

Vừa liếc qua danh sách "100 thiên tài đương đại còn sống" đăng trên tờ nhật báo "Điện tín hàng ngày " (The Daily Telegraph) của nước Anh, số ra năm 2007 mà anh NCT dẫn ra trong bài viết về G. Perelman tôi mừng rỡ khi nhận ra một lô xích xông "người quen". Trong số đó có nhà soạn nhạc người Đức Hans Zimmer, tác giả của mấy bản nhạc mà tôi rất ưa thích. Mới hôm qua đây thôi, tôi vẫn còn đang nghe "Giờ đây ta đã hoàn toàn tự do"[1] và "Chinh phục thiên đường"[2]. Dưới đây xin giới thiệu một số bản nhạc thuộc thể loại anh hùng ca[3] của Hans Zimmer.
Lần đầu tiên được biết tới nhạc của Hans Zimmer là vào năm 1989, khi tôi xem bộ phim "Rain Man" lúc đang ở nước ngoài. Không nhớ trước đó tôi đã được xem phim nào của Dustin Hoffman chưa, nhưng sau khi xem Rain Man thì tôi rút ngay ra kết luận là bất cứ phim nào có anh Dustin Hoffman này đóng vai tôi cũng sẽ đi xem.  (Còn nếu phim có Tom Cruise đóng thì tất nhiên cũng không nên bỏ qua ;)

Bộ phim này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của H. Zimmer. Khi đạo diễn Barry Levinson đang tìm kiếm một người nào đó để soạn nhạc cho phim Rain Man, bà vợ của ông nghe một đĩa nhạc CD mà H. Zimmer đã sáng tác cho một bộ phim chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid với tựa đề "Một thế giới riêng rẽ"[4]. Levinson đã rất ấn tượng với tác phẩm này của Zimmer, và đề nghị  ông sáng tác phần âm nhạc cho bộ phim Rain Man.

Khi soạn nhạc, Zimmer sử dụng một hệ thống tổng hợp nhạc trên máy tính điện tử phối hợp với cồng thép. Zimmer giải thích rằng "Đó là một bộ phim du hành[5], và nếu là phim du hành thì phim thường phải có tiếng đàn guitar hay một loại đàn dây nào đó. Tôi cứ nghĩ nhạc không được lấn át, thổi phồng các nhân vật. Phải cố gắng giữ cho nó chứa đựng trong tính cách của nhân vật. Nhân vật Raymond không ý thức được anh ta đang ở đâu trên cái thế giới này. Thế giới thực tại dường như rất xa lạ đối với anh ta.  Anh ta cũng có thể cảm thấy mình như là đang ở trên sao Hỏa. Vì thế, tại sao ta lại không chế ra một thứ  âm nhạc riêng cho cái thế giới đó của anh ta, một thế giới rất có thể là không thực sự tồn tại ở đâu cả?"[6].

Phần âm nhạc của Zimmer sáng tác cho Rain Man đã được đề cử cho giải Oscar vào năm 1989, và bộ phim đã giành được bốn giải Oscar, trong đó có giải dành cho phim hay nhất.

Xin phép giới thiệu mọi người cùng nghe "Rain Man" của Hans Zimmer:


Không biết các bạn khi nghe bản nhạc này thì thấy thế nào.
Tôi thì thấy mỗi lần nghe lại có cảm hứng muốn vẽ vời, viết lách, khua khoắng đầu óc một chút. Đâm ra bây giờ gần như mê tín. Khi nào định làm một  việc gì đó đòi hỏi đầu óc phải hơi bay bổng, sáng tạo nghệ thuật chút chút thì lại bật nhạc này lên nghe.
Nhưng nếu ngồi làm một cái gì đó có tính kỹ thuật mà nghe nhạc này thì lại không ổn. Đầu óc cứ lông bông, lơ tơ mơ không tập trung nổi.

Một vài cảnh trích trong phim Rain Man.



Một bản anh hùng ca đặc biệt hoành tráng nữa của Hans Zimmer hiện tại tôi rất, rất ưa thích là bản "Giờ đây ta đã hoàn toàn tự do"[1] - nhạc trong phim "Gladiator" mà tôi đã nhắc tới lúc đầu.


Diễn viên Russel Crowe cũng đóng nhiều phim khá hay, phim này tôi cũng xem đi xem lại một vài lần.

Trong phim có đoạn Maximus, khi đó đang ở địa vị của một đấu sĩ nô lệ vừa chiến thắng trên đấu trường, bị vua Commodus (kẻ đã đang tâm giết cha đẻ của mình) yêu cầu phải bỏ mũ trụ che mặt:

Maximus:

Commodus:


Maximus:  
My name is Gladiator.

How dare you show your back to me! Slave, you will remove your helmet and tell me your name.

My name is Maximus Decimus Meridius, commander of the Armies of the North, General of the Felix Legions and loyal servant to the TRUE emperor, Marcus Aurelius. Father to a murdered son, husband to a murdered wife. And I will have my vengeance, in this life or the next.
Tên tôi là Đấu sĩ.

Sao nhà ngươi lại dám quay lưng lại ta! Tên nô lệ, ngươi sẽ phải bỏ mũ giáp che mặt và cho ta biết tên của nhà ngươi.

Tên tôi là Maximus Decimus Meridius, tư lệnh tổng chỉ huy Quân đội miền Bắc, Đại tướng của các Quân đoàn Felix và tôi tớ trung thành với CHÍNH NGÔI hoàng đế Marcus Aurelius. Là người cha của một đứa con bị giết hại, và cũng là chồng của một người vợ bị sát hại. Và tôi sẽ trả mối thù này, trong kiếp đời này hoặc kiếp đời sau.
Không hiểu sao tôi rất thích nghe đoạn đối thoại đầy khí tiết, can trường lẫm liệt này. Mặc dù đã có gắng hết sức nhưng đoạn tôi dịch lời của Maximus sang tiếng Việt ở trên vẫn không thể truyền đạt được hết được cái hào hùng mạnh mẽ tiềm tàng chứa ẩn trong nguyên bản tiếng Anh.

Xin mời mọi người cùng thưởng thức "Giờ đây ta đã hoàn toàn tự do":





Cách đây vài tháng (hay thậm chí một hai năm?)  ở nhà tôi hay nghe một bản nhạc khác của H. Zimmer, "Thời gian", sau khi đã xem bộ phim "Inception"[7] đến vài lần!

Bộ phim này là một trong những phim được mọi người trong nhà tôi đều rất thích, và cũng có thể hiểu được tại sao. Tôi còn nhớ lần xem đầu tiên ở nhà chứ không phải ra ngoài rạp. Có lắm đoạn đối thoại nghe chẳng hiểu gì, hoặc chỉ hiểu loáng thoáng vẫn thấy hay. Mặc dù hiểu lõm bõm nhưng mấy lần xem sau vẫn cố đấm ăn xôi không chịu bật phụ đề lên đọc. Cuối cùng không những bật phụ đề lên mà còn kiếm cả kịch bản về để đọc cho nó thật "thấm".
Phụ nữ thích phim này chắc một phần là vì có diễn viên DiCaprio đóng, còn tôi thì vẫn hâm mộ Marion Cotillard từ khi xem phim "A Good Year" - trong đó diễn viên nam đóng vai chính lại cũng chính là diễn viên Russel Crowe. Trong phim này, Marion Cotillard đóng vai một cô chủ quán café tỉnh lẻ, dịu dàng mà cũng rất quyến rũ. Và sau đó là "La Vie en Rose", bộ phim đã mang lại cho cô cả hai giải OscarsCésar. Trong phim "Inception" này cô được coi là thể hiện được cốt lõi của một "femme fatale".

Xin giới thiệu bản nhạc "Thời gian" của Hans Zimmer:


Nếu ai chưa có dịp xem mấy phim giới thiệu qua loa ở trên thì thử ngó qua xem sao.

Chú thích:

[1] "Now We Are Free" của Hans Zimmer và Lisa Gerrard - nhạc trong phim "Gladiator".
[2] "Conquest of Paradise" của Vangelis - nhạc trong phim "1492: Conquest of Paradise". Ông nhạc sĩ người Hy lạp này cũng rất tài năng, tôi rất thích nhạc của ông. Nhạc của Vangelis trong nhiều phim khác cũng rất hay, ví dụ nhạc trong phim "The last of the Mohicans", nhất là đoạn cuối.
Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất ở ta là bản nhạc "Chariots of Fires" trong phim cùng tên. 
[3] nguyên văn "epic
[4] nguyên văn "A World Apart"
[5] "road movie"
[6] Phim dựa trên một nhân vật có thật, Kim Peek, người được báo chí coi như là một từ điển sống (nguyên văn "a living google"), một "siêu bác học" nổi tiếng nhất trên thế giới (nguyên văn "the world's most famous savant" hay "megasavant"). Xem "The Real Rain Man - My Shocking Story".
[7] Ở ta hình như đầu đề phim này được dịch là "Kẻ đánh cắp những giấc mơ"?

"Time" - do Hans Zimmer và dàn nhạc trình diễn live tại buổi ra mắt phim Inception ở Hollywood
Đoạn mở đầu, theo như tôi hiểu nghe như tiếng còi báo sương mù (cho các tàu biển đang vào bến?) là đoạn mà theo lời H Zimmer "một cái gì đó mang tính chất biểu tượng, chỉ ngắn không quá một giây đồng hồ nhưng làm rung chuyển tất cả ghế trong rạp phim".
Một điều đặc biệt là bản nhạc này của H Zimmer là một biến tấu dựa trên một bài hát rất nổi tiếng của nữ ca sĩ người Pháp Edith Piaf - "Non, Je ne regrette rien".

Chú ý đoạn ghi-ta truyền tải kịch tính cao độ do Johnny Marr thể hiện.

Johnny Marr - Guitar, Satnam Ramgotra - drums, Tina Guo - electric cello, Lili Haydn - violin 1, Ann Marie Calhoun - violin 2.

3 comments:

  1. Mình đoán là ai thích Beethoven nhưng lại ít thời gian thì cũng sẽ thích kiểu nhạc này. Dễ nghe hơn Symphony No. 5 và No. 9 rất nhiều ;)

    ReplyDelete
  2. Anh cũng thích nhạc của H.Zimmer, nhưng phải thú thực là, sau khi đọc bài này.
    Phim Inception thì hiếm ai xem 1 lần có thể hiểu được, anh xem đến lần thứ 3 trên HBO mới hiểu cũng chưa hết (lần đầu xem từ giữa phim chỗ cảnh nhảy lầu của cô vợ, lần thứ 2 xem từ đoạn nhân vật chính tuyển cô sinh viên cùng đồng hành). Ý tưởng du hành qua những giấc mơ không phải là mới, nhưng cách thể hiện của đạo diễn lồng giấc mơ vào giấc mơ đến 4 tầng, thì quả thực rất đặc biệt.
    Dù sao cũng cảm ơn VH đã cho biết thêm về 1 thiên tài còn sống.

    ReplyDelete