Saturday, October 3, 2015

Face Book và Blog


Trang của hội Lưu Học Sinh 82-83 chúng tôi lhs82-83.ucoz.ru bắt đầu từ 2004 đến cuối 2006 đầu 2007 thì chuyển sang hội Lưu Học Sinh Việt Nam lhsvn.com.vn nói chung, không chỉ riêng 1982 - 1983 nữa. Đến nay đã hơn 11 năm, thời gian đầu dù mạng internet chưa được như ngày nay, nhưng hầu như ngày nào cũng có bài viết, có thảo luận, bình luận, chia sẻ, có tin nóng sốt của mọi người từ trong, ngoài nước... nhưng đến 2012 bỗng nhiên vắng lặng lạ thường, có nhiều ngày không có bài viết nào cả. Thậm chí góc chia sẻ để đưa tin sốt dẻo như tang lễ, thăm người ốm, giúp đỡ bạn, hội họp, sinh nhật...cũng hiếm có tin mới. Đến ngày 20-10-2012 tôi đã cố vớt vát bằng 1 bài viết. Nhưng rất ít người đọc lúc này, buồn quá! Thế rồi  23-11-2012 lại có tiếp bài Hai Giờ Bạn Cùng Tôi... của Phương Hoa lớp i vàng của chúng ta, 24-11-2012 lại có tiếp bài nữa... và từ đó mọi người đã hiểu rằng, tuy không còn được như trước, nhưng lhsvn.com.vn không chết, cả lhs82-83 cũng không chết. Giờ đây thỉnh thoảng vẫn có bài viết, tin chia sẻ...với mong muốn rằng một ngày nào đó 2 trang Lưu Học Sinh này sẽ hồi sinh mạnh mẽ. Ba năm qua tuy rằng không được như trước, nhưng 2 trang lhs82-83 và lhsvn không chết và tôi tin rằng sẽ còn sống mãi khi mà vẫn còn những người có nhiệt huyết, quyết tâm.
Anh chị em icva thân mến, blog của chúng ta mấy tháng trước đây quả là có vắng lặng lạ thường, nhưng gần đây kể từ ngày 16-08-2015 đón anh Việt Hải ở nhà hàng Lạc Viên, không khí của icva lại dần ấm áp trở lại và dần dần sôi động, bởi những người nhiệt huyết với quyết tâm gìn giữ blog. Tôi xin thống kê rõ ràng:
Năm 2012 chúng ta có 226 bài viết, 2013 có 104 bài, 2014 có 64 bài. Chúng ta thấy rằng blog của chúng ta đã từ từ đi xuống từ mấy năm nay. Tuy vậy năm 2014 vẫn có bình quân 1 tháng hơn năm bài. Thế rồi sang tháng 1 năm 2015 có duy nhất 1 bài, tôi lo quá, tháng 2 còn tệ hơn không có bài nào. Đến khi tháng 3 gần qua đi mà không thấy bài nào. Tôi thực sự bồn chồn lo lắng! Không hiểu anh chị em bận công việc gì mả bỏ bê blog của chúng đến như vậy. Ngày 27-3! Tôi cố vớt vát bằng bài viết Tiền Và Hạnh Phúc, với hy vọng rằng nếu mọi người bỏ bê vì mải bận công việc kiếm tiền, thì sẽ nhận thấy rằng tiền và hạnh phúc không phải là hai đại lượng tỷ lệ thuận. http://blog.ichuvanan.org/2015/03/tien-va-hanh-phuc.html 
Thực vậy! Nếu bạn vẽ một biểu đồ tiền và tài sản ở nước Mỹ từ sau thế chiến thứ 2 đến nay thì biểu đồ đó đi lên rất cao. Lương người Mỹ sau khi đã trừ phần lạm phát tăng gấp 3 trong 60 năm qua. Nhà hôm nay to gấp đôi hôm trước. Một nhà để xe đôi đã trở thành hiện thực. Những kiểu quần áo mới lạ, đồ điện tử và bao nhiêu thứ khác mà ngày trước không ai dám mơ thấy. Nhưng nếu bây giờ bạn vẽ 1 biểu đồ hạnh phúc của người Mỹ trong 60 năm qua thì đường kẻ sẽ thẳng bằng, không nhích lên tí nào. Một cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Ý Kiến Quốc Gia năm 1950 cho thấy có 1 phần 3 người Mỹ cho rằng mình hạnh phúc. Tỉ lệ đó không thay đổi cho đến ngày hôm nay.
Nếu bạn vẽ một biểu đồ về số lần người Mỹ cảm thấy xuống tinh thần (depress) kể từ năm 1950 thì ta sẽ thấy có 1 sự khủng hoảng. Trung bình ngày hôm nay người Mỹ bị xuống tinh thần nhiều gấp 3 cho đến gấp 10 lần ngày xưa. Ngày hôm nay chúng ta có tiền rủng rỉnh trong túi hơn bất kỳ giai đoạn nào, Nhưng chúng ta lại không hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên đâu vẫn hoàn đó, từ tháng 3 đến 16-8-2015 không có thêm một bài nào. Nhưng sau buổi gặp mặt 16-8 ở nhà hàng Lạc Viên, tình hình thay đổi hẳn, trong gần nửa tháng 8 đã có 3 bài. Tiếp theo là tháng 9 với 7 bài và rất nhiều comment đã hồi sinh blog của chúng ta. Giờ đây với 3 bài liên tiếp trong 3 ngày đầu tháng 10, thật là một an ủi lớn lao với những ai còn muốn giữ blog của chúng ta.

Phải nói rằng FB với công nghệ cao hơn, tiện lợi sử dụng, tốc độ nhanh hơn...nói chung là phù hợp với đời sống hiện tại hơn. Khiến tôi liên tưởng tới các nhà triết học hiện đại có nhiều kiến thức hơn các nhà triết học cổ đại. Đó là lẽ tất nhiên, bởi lẽ họ được kế thừa và phát huy các kiến thức của các nhà triết học cổ đại. Họ có thể có những kiến thức mới mà rất có thể thời cổ đại chưa có. Hệ thống lý thuyết của các nhà triết học hiện đại bao gồm cả những gì của cổ đại và thêm vào đó những cái mới của xã hội đương thời. Những tưởng rằng nếu vậy thì người ta sẽ quên đi các nhà triết học cổ đại. Nhưng không! Các nhà triết học cổ đại vẫn sống và sẽ còn sống mãi! Mỗi khi tranh luận, phát biểu, biện luận,... đưa ra quan điểm của mình giới trí thức thường thích trích dẫn quan điểm của các nhà triết học cổ đại như Kinh thánh(Cựu Ước + Tân Ước) , Kinh Hoa Nghiêm của đạo Phật, Socrates, Platon, Aristote... Người trích dẫn nhiều quan điểm của các nhà triết học cổ đại thường được tôn trọng,  kính nể,...và được coi là thông kim, bác cổ.
 Ngày nay nhiều người gán cho Nietzsche nguyên lý " Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh" Nhưng  nếu chịu khó tìm tòi, đào sâu hơn nữa chúng ta sẽ thấy điều này đã được Thrasymachus trình bày trong cuộc tranh luận với Socrates cách đây gần hai thiên niên kỷ rưỡi, ở trong nhà Cephalus, một người giàu có thuộc giai cấp quý tộc thời đó. Trong cuộc tranh luận còn có Glaucon và Adeimantus anh của Platon.
 Socrate (mà Platon dùng như một nhân vật để diễn tả những tư tưởng của chính mình) hỏi Cephalus: - Lợi ích quan trọng nhất mà tiền của đem lại cho ta, theo ý ông là gì ? Cephalus trả lời: tiền của cho phép ông ta có thể độ lượng, thật thà và công bằng. Socrate hỏi: công bằng nghĩa là gì ? Và mở ra một cuộc tranh luận dài. Không gì khó hơn một định nghĩa, vì nó đòi hỏi nhiều khôn khéo và sáng suốt trong tư tưởng. Socrate đả phá tất cả những định nghĩa do cử toạ đưa ra cho đến lúc Thrasymachus mất bình tĩnh và kêu lên: - Socrate, ông có điên không ? Tại sao các ông lại dẫm chân nhau như vậy? Nếu ông muốn biết công bằng là gì, ông phải trả lời chứ không được hỏi, ông không nên tự hào vì đả phá được kẻ khác... Có rất nhiều người có thể đặt câu hỏi nhưng không thể trả lời. Socrate không nao núng. Ông vẫn hỏi chứ không trả lời, và sau cùng Thrasymachus đưa ra một định nghĩa: "Hãy nghe đây: tôi cho rằng sức mạnh là lẽ phải, và công bằng là quyền lợi của kẻ mạnh ... "


Giờ đây nếu so sánh FB với blog, FB rộng lớn bao la đến mức chúng ta không đủ thời gian vừa tìm hiểu theo chiều rộng, vừa nghiên cứu theo chiều sâu! Và như thế lẽ tất nhiên là người đi cùng blog sẽ có khả năng, điều kiện đi sâu hơn người đi theo FB. Như vậy chúng ta có thể hiểu tại sao FB chê blog già cỗi lạc hâu, còn blog cười FB hời hợt, mì ăn liền. Chính vì blog có chiều sâu hơn FB mà tôi tin rằng blog không thể chết, nếu có phải chết tôi tin chắc rằng FB hời hợt, mì ăn liền phải chết trước, rồi mới có thể đến blog của chúng ta.


FB cực kỳ rộng lớn, thông tin cực kỳ nhanh và tiện lợi... đã, đang và sẽ cuốn hút người ta mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng khiến cho nó dễ bị sốc như người bị tim mạch, huyết áp. Rất có khả năng nó sẽ lướt qua chúng ta như một trận cuồng phong giống như Yahoo Messenger ngày nào, để lại những dấu ấn không thể sâu sắc như blog. Sau khi cơn bão qua đi, người ta sẽ trở lại với blog nhiều hơn.

1 comment:

  1. Xin gửi tới toàn thể anh chị em XĐTV lời chào "Thân Ái Và Quyết Thắng"!
    Vào thời gian: 30 Tháng 3 9:40, sếp của chúng ta đã nói: "Hội Chuyên Toán CVA tồn tại và hoạt động được chứng 10 năm thì đi vào thoái trào, nay chẳng hoạt động gì nữa. Hy vọng XDTV ko đi theo vết xe đổ của Chuyen toán CVA." Giờ đây tôi xin có ý kiến nhỏ: "Muốn không đi theo vết xe đổ đó, cần có quan hệ sâu sắc trong anh em. Hy vọng rằng Blog với nhưng bài viết, comment sâu sắc sẽ kéo anh em lại với nhau và giữ quan hệ bền vững"
    Ngoài ra cần có sự lãnh đạo nhiệt tình của sếp trưởng và ban điều hành ( ban đại diện).
    Sếp trưởng rất tâm huyết thì đã quá rõ rồi, mong rằng ban điều hành và toàn thể anh chị em noi gương sếp.

    ReplyDelete