Câu chuyện mà tôi đăng lại dưới đây là một trong những chuyện ấn tượng - có thể nói là sốc nhất - hồi tôi mới học xong, ra đi làm được ít lâu. Lúc đó tôi đã có một gia đình nhỏ, công việc tạm ổn. Tiền kiếm được không nhiều, nhưng vẫn có thể dành dụm gửi về nhà môt ít giúp gia đình bố mẹ và em gái.
Nhưng câu chuyện làm tôi nhớ đến thời khó khăn của nhiều gia đình cán bộ trí thức ở Hà nội thời những năm 80, trong đó có gia đình tôi. Nhân vật người thầy trong câu chuyện này tôi đoán là ở cỡ tuổi như bố mẹ hoặc các cô, các chú trong nhà tôi.
Hồi đó đọc xong mọi người bàn tán rất ầm ĩ. Tôi thì chỉ thấy thương bố mẹ mình. Thương bố đi Liên xô vừa phải làm nghiên cứu khoa học vừa phải lo đi mua nồi hầm tủ lạnh... Thương mẹ vì cả đêm đi trực, mổ hai ca, khâu vài chục mũi trong bụng người ta. Đến sáng hết phiên trực dắt xe đạp ra khỏi cổng viện thì phát hiện xe bị xịt lốp. Tiền bồi dưỡng mổ ca đêm vừa đủ để trả tiền vá cái săm xe đạp. (Mẹ tôi kể lại một cách hài hước như thế, không biết có phóng đại chút nào không.)
Càng nghĩ càng thấy cái câu "bao giờ cho đến ngày xưa" mà người ta thường nói thật không có cơ sở gì cả. Có lẽ chẳng qua vì ngày xưa ta còn trẻ nên nhìn cái gì cũng thấy lạc quan tươi sáng. Còn bây giờ sắp đến lúc già rồi, cảm thấy cuộc đời như đang xuống dốc không phanh nên đâm ra khó tính, lẩn thẩn, thích quay về với quá khứ hơn chăng?
Dấu tích phân
Tự nhiên nước mắt tôi cứ ứa ra khi ngồi nhìn thầy dùng bàn là điện cẩn trọng là phẳng từng tờ "đô". "Phải chọn nấc nhiệt độ thích hợp" - thầy giảng giải - "nguội quá, các nếp trên giấy bạc sẽ khó mất. Ngược lại, chỉ hơi nóng quá một tí thôi là sẽ để lại vết là nhẵn bóng, khi mua hàng, chủ hàng khó tính nó sẽ không nhận". Cứ sau vài nhát là, thầy lại cầm tờ đô giơ cao lên, ngắm nghiêng, ngắm phẳng, hệt như ông thợ mộc lành nghề đang bào để vào mộng một chi tiết khó trong chiếc tủ gương. À, mà sao tôi lại phải đi ví von khập khiễng thế nhỉ. Không cần phải ví với ông thợ mộc nào cả. Tôi nhớ lại từng động tác của thầy trên bục giảng: những đường phấn kẻ rất thẳng, dấu tích phân lượn thật gọn mà thật khéo. Và, giọng giảng bài của thầy: điềm đạm, từ tốn.
Hết mấy tờ đô phải là, thầy thận trọng đặt dựng chiếc bàn là lên mặt bàn, không tắt điện mà vặn xuống nấc thấp để chờ mẻ đô mới chị bạn thầy đang rửa trong toa-lét. Xong, thầy ngẩng lên đưa tay vuốt ngược mái tóc bết mồ hôi trên trán. Chao, tóc thầy đã bạc nhiều thế ư? Tôi nhắc lại cùng thầy vài kỷ niệm cũ và rưng rưng đọc thầy nghe một đoạn thơ của bạn Cầm (1), trong đó có câu: "Ôi tóc thầy, tóc chớ có bạc thêm". Thầy nhìn tôi, cười rất vui. Đôi mắt thâm quầng sau một đêm căng thẳng, thiếu ngủ, ánh lên những nét tươi tắn, trẻ trung - là một nhà toán học nhưng thầy rất yêu thơ.
Chị bạn thầy từ trong phòng toa-lét bước ra, tay cầm một tập đô dày, ướt sũng, gồm có tờ năm mươi, hai mươi, mười, thậm chí cả tờ năm đô! Vừa đi, chị vừa vẩy vẩy tập đô cho ráo bớt nước, không để ý, suýt nữa chị vấp vào tôi vốn đang ngồi bệt giữa sàn nhà, ngay lối vào, với cốc bia, và thơ. Nhận ra tôi là người lạ, chị có ve? ngượng với cái mùi thức ăn ở ruột già thum thủm bốc ra từ mấy tờ đô. Để chị đỡ ngượng, thầy đón lấy tập đô từ tay chị và nhanh nhẹn với hộp xịt Hungary để trên nóc tủ. Vừa say sưa nghe tôi đọc những câu thơ đắc ý, thầy vừa dàn lật mớ đô la và cẩn trọng xịt thứ nước thơm Hungary lên khắp từng tờ đô. Rồi, vặn bàn là lên đúng nấc, thầy tiếp tục công việc. Khi bàn là chạm vào tờ đô, hơi nóng làm thăng hoa chừng ấy mùi cùng một lúc: mùi nước thơm Hungary, mùi thức ăn đã tiêu hóa kỹ, và thơ. Tất cả quyện vào nhau trong căn phòng nhỏ đóng kín cửa, và, không biết do ơn huệ từ đâu, lò sưởi cực nóng. Ngột ngạt. Ngoài trời tuyết rơi dày, bám đầy lên cửa sổ.
+
Tôi biết thầy đã lâu, khi tôi mới ngỡ ngàng bước chân vào đại học. Khi ấy tôi là sinh viên nông dân mặc áo lính: danh hiệu sinh viên, bản chất nông dân, áo quần bộ độị Sau năm năm, trải ba số phận: số phận Thằng Bờm, số phận cụ Tú Xương, số phận Đoàn Viên; giữ ba chức danh: Trí thức cày ruộng, Dân công hỏa tuyến, Bộ đội tình nguyện, từ cao nguyên Xiêng Khoảng tôi được giải ngũ về quê. Rồi, không biết do sự sơ xuất của ông phó chủ tịch xã phụ trách nội chính, hay do sự rộng lượng của chính quyền địa phương, mà tôi nhận được giấy báo vào đại học, cắt chuyển hộ khẩu, lương thực rất sớm và cực kỳ trót lọt. Vào trường, nhận phòng, nhận giường xong xuôi mà tôi cứ không tin là thật.
Chúng tôi, những người bộ đội, thanh niên xung phong về học, được trường gọi nhập học sớm hơn các bạn từ học sinh phổ thông lên một tháng. Trường tổ chức chúng tôi thành hai lớp ôn tập: tự nhiên và xã hội. Người hướng dẫn bọn tôi ôn tập môn hình học là một thầy giáo trẻ. Những cậu thạo tin trong lớp cho hay: thầy tốt nghiệp bằng đỏ trường Lomonosov (2) về. Những bài hình học khó, dưới viên phấn của thầy, trở nên minh bạch, thật đáng yêu. Tôi vốn xuất thân ở xó rừng Con Cuông. Thầy dạy toán giỏi nhất trường cấp ba của chúng tôi, hè nào cũng phải về Vinh sôi kinh nấu sử cho kỳ thi tốt nghiệp cử nhân. Có lẽ vì vậy mà tôi ngồi nghe thầy bằng đỏ giảng hình cứ như được ăn cơm thịt (từ bé tôi vốn không biết là thịt rất ngon). Những lúc đắc ý, ngồi dưới lớp tôi cứ thầm thì: thế mới gọi là bằng đỏ chứ, thế mới là Liên Xô, thế mới là nước Nga! Có những lúc nghe giảng say sưa quá, tôi há hốc mồm ngồi... mơ nước Nga, đến nỗi thằng bạn người Nam Hà ngồi bên cạnh phải lấy quyển vở che khéo miệng tôi lại và nhắc: "Mày quê quá!".
Nhưng, thầy của tôi không phải thầy trẻ ấy. Ông thầy trẻ không biết giảng đại số, chỉ biết giảng hình học, hay ít ra ông ấy tỏ ra như vậy. Còn một tuần nữa thi kết thúc khóa ôn tập, cô giáo chủ nhiệm (cũng tốt nghiệp bằng đỏ ở Nga về, hình như ở Kiev - xin bạn đọc lượng thứ, trong tiềm thức của chúng tôi và không ít người dân Đông Âu, tất tật các xứ của Liên bang Xô-viết cũ đều là Nga, là Russia tuốt) - xin nhắc lại - cô giáo chủ nhiệm trân trọng giới thiệu với chúng tôi một thầy mới. Cô bảo: tuần cuối này tất cả các giờ toán sẽ do thầy mới giảng. Chao: cả hình học, cả đại số, cả lượng giác - một vị bách khoa! Các nguồn thạo tin cho hay: thầy là cán bộ đầu đàn của ngành toán, phó tiến sĩ toán học vào loại sớm nhất của nước ta tốt nghiệp ở Liên Xô. Ôi, nước Nga, cái nôi của văn minh, thành trì của khoa học! Chúng tôi hồi hộp chờ thầy như trẻ con ngồi chờ xem ông khổng lồ hiện ra từ những trang cổ tích. Nhưng, thầy không phải ông khổng lồ. Thầy giản dị lắm. Thầy muốn góp phần giúp chúng tôi, những người bị thiệt thòi, sớm theo kịp chúng bạn trên con đường học vấn. Trong ba tiết học đầu, thầy tóm tắt gọn gàng tất cả các điểm chốt của cả ba môn: hình, đại, lượng (3) của phổ thông. Sáu tiết sau, thầy đưa chúng tôi lạc vào thế giới của toán học cao cấp lúc nào không hay. Dưới viên phấn của thầy, hóa ra toán học cao cấp cũng chả phải là cái gì ghê gớm lắm. Cái dấu tích phân gọn và khéo mà tôi nhắc đến ở đầu chuyện chính là từ sáu tiết giảng này đây. Giờ giải lao, thầy không ra ngoài mà ở lại trong lớp hỏi chuyện chúng tôi. Thầy hỏi về rệp ở ký túc xá và những cơn sốt rét còn dây dưa ở một vài người, trong đó có tôi. Lúc đó tôi cảm động ứa nước mắt. Chúng tôi háo hức đề nghị thầy kể về nước Nga văn minh và vĩ đại. Thầy từ tốn bảo: nước Nga tiến cách chúng ta rất xa. Nước Nga có một nền khoa học kinh viện hàng đầu, một nền kỹ thuật tương đối phát triển. Nhưng, thầy nói chữ "nhưng" gần như thầm thì, về trình độ văn minh thì nước Nga thấp hơn nhiều nước, chẳng hạn Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Pháp. Mặc dù rất kính trọng thầy, ngưỡng mộ là đằng khác, nhưng những kiến thức tôi đã ki cóp được từ tấm bé cho đến lúc ấy cứ lặng lẽ vẽ lên trong đầu tôi một dấu hỏi lớn: "Liệu thầy có tư tưởng xét lại không?"
Là dân "cá gỗ" nên tôi học rất chăm chỉ. Tuy chưa lần nào tôi được kiến diện một ông đồ xứ Nghệ, nhưng tôi tự thấy trong mình có giòng máu của họ: trọng sự học, coi thường nghèo khó. Nhờ thế, ơn trời, hai năm đầu tôi là học sinh xuất sắc của trường. Và cũng nhờ thế, ơn trời, thầy biết và quen đến tôi.
Số là vào năm học thứ ba, nhân dịp lễ 20 tháng 11, một thầy thuộc chân loong toong ở phòng giáo vụ (lúc ấy tôi nghĩ thầy này chức to lắm chứ không phải là chân loong toong) mới gọi tôi lên giao cho nhiệm vụ thay mặt học sinh toàn trường đọc một bài "đít cua" dài mười phút chúc mừng các thầy cô giáo ở hội trường lớn. Tôi chuẩn bị bài đít cua rất kỹ, rất văn chương, mặc dù tôi học ngành khoa học tự nhiên. Có lẽ đấy là tại cái máu xứ Nghệ của tôi (cũng lạ, cái xứ quanh năm ngày tháng toàn nhút với tương mà, cứ mười người thì chí ít cũng phải có bảy người thích thơ và tập tọng làm thơ). Tôi còn nhớ rõ cảnh toàn hội trường im lặng cảm động ngồi nghe bài đít cua của tôi, nhất là đoạn tôi nhắc lại về tình cảm thầy trò trong chiến tranh, có mượn đoạn thơ sau đây của bạn Đỗ Minh Tuấn:
Ngả ba lô tôi đi tìm đồng hương
Quân đông nên cái nhìn rất vội
Từ cuối hàng quân bỗng bung ra tiếng gọi
Bóng tô châu ùa lại phía tôi
Sung sướng run người, tôi reo khẽ: Thầy!
Nòng súng AK và hai cánh tay
Cùng choàng lên tôi âu yếm
Trí óc tôi chợt bùng sôi kỷ niệm
Năm tháng sinh viên và những mái trường
Tiếng giảng bài của thầy át tiếng bom rung
Hai tai nóng bừng, tôi trở về hàng ghế đại biểu trong tiếng hoan hô ran hội trường. Một bàn tay dịu dàng đặt lên vai tôi và giọng nói thật hiền: "Nam đọc bài phát biểu thật hay" (Nam là tên tôi). Tôi ngẩng lên: "Thầy!" Vậy là thầy đã biết tên tôi, đã quen đến tôi. Vinh dự và cảm động làm tôi quên hẳn thắc mắc về tư tưởng "xét lại" có thể có ở thầy thuở xưa.
Thầy rất mô phạm. Mặc dù đảm nhiệm nhiều chức vụ nhưng thầy không bao giờ chịu giảm giờ lên lớp. Tuy không trực tiếp học với thầy, nhưng từ sau buổi 20 tháng 11 ấy, tôi rất được thầy ưu ái. Thầy sống chừng mực, gương mẫu, giản dị và đại chúng. Thỉnh thoảng được thầy mời đến nhà chơi, nên tôi được chứng kiến nhiều bình diện tiếp xúc của thầy. Với ai cũng vẫn một phong thái ấy, một niềm tư. tin ấy. Nhìn ngài bộ trưởng, ánh mắt thầy không ngưỡng mộ, không khúm núm. Nhìn bà nhà ăn, ánh mắt thầy không thương hại, không ban ơn. Chẳng bù cho ông hiệu phó trường tôi (sau này lên chức "cốp"): có lần tôi thấy ông tiếp chuyện một chuyên gia Nga. Tan học, tôi đi từ trên giảng đường xuống, gặp ông cùng ông chuyên gia nọ đi từ cầu thang lên. Ông "Ta" người thấp bé, ông "Tây" người cao to. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Bất chợt tôi bắt gặp ánh mắt ông "Ta" nhìn ông "Tây". Suốt đời tôi không quên được ánh mắt ấy: nó đầy ngưỡng mộ và đầy kỳ vọng của một tinh thần nhược tiểu. Thầy của tôi không thế.
Là một nhà toán học nhưng thầy rất yêu thơ. Thầy rủ tôi đến nhà cũng chủ yếu là để nói chuyện thơ. Thầy bảo: "Nói chuyện với Nam vừa tầm mình, nói chuyện với mấy cậu khoa Văn sợ không hợp". Lần thầy được in cuốn giáo trình "Phương trình vi phân", thầy làm một bữa liên hoan nhỏ bng phần tiền nhuận bút khiêm tốn, và, khách mời chỉ có mỗi mình tôi. Căn hộ trong toà nhà lợp giấy dầu ở khu tập thể X gồm chái bếp, phòng ở và hiên nhà. Đêm mất điện. Vợ con thầy ăn ở dưới bếp. Tôi và thầy trải chiếu cói ngồi ngoài hiên. Một trời đầy trăng. Một cút rượu nút lá chuối khô. Hai cái chén hạt mít. Một bát chiết yêu đầy chuối xanh với ốc bươu nấu giả ba ba. Một đĩa lạc rang rất khéo. Và, tất nhiên, một âu đầy cơm gạo quê (ngày thường, cũng như lũ sinh viên chúng tôi, gia đình thầy ăn gạo "mậu" (4)). Chúng tôi mừng một công trình toán học bằng một... đêm thơ. Mở đầu, vì ngồi ngoài hiên nên tôi đọc thầy nghe mấy câu thơ của bạn Cầm:
Tôi cay đắng nhiều năm...
Thôi chẳng kê?
Trăm ngàn đêm trú tạm mái hiên người
Đi qua vạn hội hè, ôm mặt khóc
Cỏ xanh trầm, câm lặng, búp đa rơi.
Không ngờ thầy ôm mặt khóc thật. Tôi bàng hoàng: hóa ra đời thầy cũng có uẩn khúc? Rồi, thầy đọc tôi nghe một số bài thơ thầy làm ở quê hương Pushkin, ở quê hương Anatole France. Thơ thầy không hay nhưng có hồn. Một hồn thơ tự tin, không vay mượn và đậm tình cố hương. Vui chuyện thầy bảo: "Người Việt mình không ngu, chỉ có điều hoàn cảnh lịch sử nó làm mình dốt, mình lạc hậu. Phải học thôi Nam ạ. Chỉ có khoa học và kỹ thuật mới làm người Việt mình mở mày mở mặt ra được". Tôi chưa ra nước ngoài lần nào nên không có được cái tầm nhìn của thầy. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ như các cụ đồ: cái chữ là cái quí, lắm chữ hơn nhiều tiền. Và, cố làm cái bằng đại học, hay cao hơn, cái bằng phó tiến sĩ, để đem tiếng thơm lại cho gia đình và cho xứ Con Cuông khỉ ho cò gáy của tôi. Tuyệt nhiên không đến tầm yêu nước. Cũng không có chuyện tiền nong.
Năm tháng cắn đuôi nhau trôi đi. Các cụ bảo "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", quả có vậy. Thầy có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tư cách của tôi sau này: không ngạo mạn, nhưng không nhược tiểu. Ra trường, tôi theo gót thầy: cũng sư phạm và mô phạm. Có lần, ở chợ Xanh, tôi tư duy quá lâu trước mớ rau muống già, làm chị hàng rau phát cáu buột miệng: "Nghe giọng nói biết ngay không mua được rau bà đâu". Tôi điếng người. Thật "cơm áo không đùa với khách thơ".
+
Rồi số phận run rủi tôi đi Tây. Từ đó tôi xa thầy và gần như quên thầy. Nền văn minh vật chất phương Tây nó làm hư tôi. Bảo vệ xong cái phó tiến sĩ, thay vì về làm rạng rỡ xứ Con Cuông khỉ ho cò gáy của tôi, thay vì làm khoa học, tôi ở lại đi buôn, hay nói theo ngôn ngữ mới là làm nhà doanh nghiệp. Nhưng, nhọc nhằn lắm bạn đọc thân mến ạ. Chắc bạn đã nghe câu cụ Marx, đại ý nói: thời kỳ tích lũy tư bản được ghi bằng máu và nước mắt. Về thời kỳ tích lũy tư bản của tôi và chúng bạn, có dịp tôi sẽ kể bạn nghe. Đây đang nói chuyện thầy tôi. Sau khi Đông Âu đổi mới, thầy có qua lại đây mấy lần, nhưng tôi chỉ nghe tin mà không gặp. Nghe đâu một lần thầy đi dự hội nghị toán học quốc tế ở Hà Lan về ngang qua, một lần thì thầy được mời sang giảng một chuyên đề ở trung tâm Banach. Số tôi sinh ra ở xó rừng nên đi Tây cũng lại phải ở nơi heo hút, không được ở thủ đô. Vậy nên thầy trò mới không được gặp nhau. Lần này thầy ở được lâu. Tôi thì cũng đã chuyển lên thủ đô để thuận tiện doanh nghiệp. Gặp lại thầy, cái máu mê thơ tưởng đã chết lạnh trong tôi bỗng lại thức dậy. Thầy trò tâm đắc lắm. Thầy vẫn như xưa: điềm đạm, từ tốn, tự tin và... yêu thơ.
Tối đó tôi ngủ lại cùng thầy. Nhà có mỗi một chiếc ghế bành ngả ra làm giường, chúng tôi ưu tiên phụ nữ. Hai thầy trò tôi hút bụi thảm, trải ga ra, đắp chung cái chăn chiên, nằm tâm sự. Thơ đọc chán cả chiều rồi, tối nói chuyện làm ăn. Thầy kể, hai chuyến đi vừa rồi thầy cũng kết hợp cả đi lại kiếm được ít tiền, về đủ xây một ngôi nhà hai tầng khang trang trên mảnh đất trường chia cho. Phần trang trí sắm sửa nội thất trông cậy vào chuyến này. Thầy rủ rỉ: "Nam ạ, phải đứng trên chính đôi chân của mình thì mới vươn lên được, mới tiến nhanh, mạnh và vững chắc được. Trước kia ỷ lại, trông chờ vào đồng lương nhà nước nên suốt đời nghèo. Hai đợt đi trước, mình chỉ thuần làm "cửu vạn", với cái hộ chiếu "xanh" (5), đi lại mang hàng cho mấy cậu học trò cũ và họ trả thù lao, nên không ăn thua. Lại còn bị sỉ nhục chứ". Rồi thầy kể tôi nghe chuyện thầy bị cậu học sinh cũ mắng cho té tát mà đành cúi đầu nghe. Chuyện này dài, xứng để viết nên thiên truyện "Luật thương mại", tôi đang để dành, xin chưa kể ra đây. Về khuya, khi chị bạn thầy đã ngủ say, tiếng ngáy vo vo, thầy mới mạnh dạn kể tôi nghe chuyện hai người vượt ải đêm qua.
Thầy bảo: "Cái bọn bên Mát (6) nó tệ. Đều là học trò cũ của mình cả mà nó cho mình toàn tiền lẻ. Các chuyến trước máy tính đang khan, họ săn đón thầy cô thịnh tình. Tiền "tươi", mà "tươi rói" nhé, lại toàn tiền một trăm đô, nên thao tác đơn giản, gọn nhẹ, qua ải bình yên. Lần này "thẻ xanh" từ Angiê (7) về nhiều, hàng bộn, "đi" chậm. Máy của bọn mình không bị "xu khôi" (8) nhưng là tiền "héo". Ai đời, cậu bảo, được dăm tờ một trăm, còn toàn tiền năm, hai, một chục. Thậm chí cô bạn mình còn phải nhận một tập dày tờ năm đô. Ngoài tiền bán máy tính ra, bọn mình còn nhận cửu vạn, tải thêm tiền về cho các "soái", để kiếm bù cái vé tàu nằm hai chiều. Thế nên mới nặng gánh. Khâu chuẩn bị cũng không được tốt. Đang ngồi ở Đôm Năm (9) gói tiền thì cậu chạy vé vào giục đi. Đành phải bốc nhét tiền vào túi, nhảy ra tắc-xi cho kịp giờ tàu về đây. Lên tàu mới loay hoay. Mình già yếu ở giường dưới. Cô ấy trẻ khỏe lên giường trên. May mà giường giữa không có ai. Bọn mình loay hoay cuộn gói tiền thành nhiều lọn. Mỗi lọn lấy dây chỉ buộc trong, bao cao su bọc ngoài. Phải làm giấu giấu giếm giếm dưới ánh đèn tù mù. Đường sắt thì xấu. Tàu lắc kinh. Mãi đến nửa đêm hôm qua mới gói xong. Mỗi người sáu lọn, mỗi lọn ba mươi tờ, vị chi ba sáu mười tám, một trăm tám mươi tờ. Bao cao su thiếu, cô ấy ưu tiên phần mình. Phần cô ấy ba lọn phải bọc bằng bao ni-lông. Xong, đến phần nhét. Mình nhét khoảng một tiếng thì xong cả sáu lọn. Cứ như là chúng tan biến mất trong dịch ruột già, không cảm thấy gì cả. Thấy giường cô ấy lặng như tờ, mình yên tâm chợp đi được một lúc. Bỗng nghe cô ấy gọi: "Anh! Anh! Làm sao bây giờ? Ba bọc ni-lông cứng quá, em cố mãi chẳng nhét được lọn nào!" Mình bảo: phải cố xem. Cô ấy bảo: đau lắm. Tàu lao nhanh trong đêm. Cửa ải mỗi lúc một lại gần. Mình bảo cô ấy đưa thử mình một lọn. Cố lựa, nhét. Đau ơi là đau. Mãi rồi mình cũng nhét vào được. Sờ tay xuống thấy đít dính ướt, chắc chảy máu. Cô ấy vẫn không nhét vào được. Hình như phụ nữ họ khó vượt ngưỡng tâm lí hơn đàn ông. Mình bảo: hay là giấu vào chăn. Cô ấy cự: không được, hải quan nó khám ra ngay.
Chắc vì quá lo nên khi tàu kéo còi vào ải thì cô ấy nhét liên tiếp được cả hai lọn vào. Tàu dừng nơi ga ải. Bọn mình trống ngực to hơn trống trường. Hải quan Nga rất hách. Thấy hai đứa bọn mình, chúng ồ lên thô lỗ và xúm vào khám xét như sắp bắt được của. Chúng khám kỹ lắm: soi hết các ngách, giật rèm cửa, sờ nắn người, đổ cả lọ mắm tôm ra lấy que khều, làm cả toa ngạt thở. Không thấy gì, chúng ức lắm, đã định bỏ đi. Bỗng một thằng quay lại cầm tay mình lôi xềnh xệch đến ngăn toa-lét. Mình giả vờ không biết tiếng Nga, chỉ xổ toàn tiếng Pháp, mặt tái dại, giọng lắp bắp. Chúng gọi một tay bập bẹ biết tiếng Pháp đến. Nó bắt mình cởi quần, chổng mông. Nó bành lỗ đít mình ra, soi đèn pin vào. Chúng nó ngu. Của ấy có nằm đâu ở ngoài mà soi đèn thấy được. Tha mình, chúng định đưa cô bạn mình đi soi, không hiểu sao lại thôi. Tàu chuyển bánh, vẫn chưa hết lo. Mãi khi một đoàn lính biên phòng đến khám hộ chiếu, nghe tiếng nói vang lên không phải tiếng Nga bọn mình mới thở phào".
"Tiên sư nó chứ" - thầy chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thầy chửi tục - "mình mang máy tính là thứ máy móc văn minh vào khai sáng cho nước nó, nó đánh thuế đắt đàng hoàng, mà nó không cho mình mang tiền ra, phải cho tiền đi đường ruột thế này, bực lắm. Trình độ văn minh của nước Nga còn thấp quá".
Nói xong, thầy nằm im. Tự dưng tôi thấy thương thầy vô hạn. Phần tôi đã đành: xuất thân từ xứ khỉ ho cò gáy, bản chất nông dân lam lũ, nghèo đói, nên khi kiếm ăn "thân lươn bao quản lấm đầu". Còn thầy. Tôi quay sang: thầy đã ngủ tư. bao giờ, mắt hướng thẳng lên trần nhà, hai tay bắt chéo trước bụng. Tư thế rất là mô phạm. Tôi kéo chăn đắp cho thầy và nằm nghe hai điệu ngáy vo vo. Ngoài kia tuyết vẫn rơi dày. Mai lạnh, chắc thầy nghỉ ở nhà, và thầy trò sẽ lại tiếp tục bình thơ.
(Viết xong ngày 20.03.1996 tại W. Ngậm ngùi sửa chép lại ngày 20.11.1996)
Thiên Nam
Chú thích:
(1) Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
(2) Tức trường Đại học Quốc gia Moscow. Ở Liên Xô (cũ), bằng đỏ là loại văn bằng xuất sắc dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học.
(3) Tức ba môn Hình học, Đại số, Lượng giác.
(4) Gạo mậu dịch.
(5) Tức loại hộ chiếu "công vụ", bảo đảm một số "đặc quyền" cho người dùng so với những ai chỉ có hộ chiếu thường (hộ chiếu phổ thông).
(6) Cách gọi tắt của Moscow.
(7) Algeria, nơi có nhiều nhà giáo Việt Nam được cử đi làm "chuyên gia" (thực chất là một hình thức bán sức lao động rẻ mạt).
(8) Mua chịu (tiếng Nga).
(9) Ngôi nhà chung cư số 5 phố Aminevsk, từng được coi là trung tâm thương mại và giao dịch lớn nhất của người Việt ở Nga.
Chuyện này VH copy từ blog nào thế không biết?
ReplyDeleteCó nhiều tình tiết đúng và rất hay nhưng phải nói là tác giả không biết thực chất của chuyện buôn máy tính hồi đó. Nhân vật thầy giáo chắc cũng phải cỡ tuổi thầy Khải của chúng ta và đi Algery dạy thuê, vậy có thể khoanh vùng được đáng kể và đoán ra đấy là ai.
Nhân vật học sinh cỡ tuổi Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 52 và quê ở Con Cuông cũng có thể đoán ra nếu biết tên thật.
Những chi tiết trong bài viết chứng tỏ tác giả không ở Nga hoặc ở Nga rất ít ngày tại thời điểm đó! Vì "địa vị" của cả thầy lẫn trò không cao nên không biết được thực chất của sự việc. Có lẽ cả thầy và trò nên làm thơ thôi chứ đừng nên chuyển ngạch sang "đánh quả" hay làm gì khác (kể cả làm Toán).
THẦY GIÁO THÁO GIẦY LÀ ĐÔ ĐỒ LA ... :-)))
ReplyDeleteHề hề hề,
DeleteNhân câu của Tuấn Nguễn, xin đưa ra một vế đối đã đăng trên báo gì đó để mọi người cùng đối. Lời giải cũng đã có trên báo song để xem mọi người đối ra sao đã nhé:
THẦY GIÁO THÁO GIẦY, THÁO CẢ ỦNG, THỦNG CẢ ÁO, XÉ GIÁO ÁN, DÁN ÁO.
Phần thưởng của câu đối hay nhất sẽ cao hơn chai Aquavina của Tuấn Nguyễn.
Hề hề hề,....
Câu đối hoàn chỉnh :-))) Cấm cười
DeleteTHẦY GIÁO THÁO GIẦY, LÀ ĐÔ ĐỒ LA
THẦY TRÒ THÒ CHẦY, TRỤ CỘT CỤ CHỘT ... :-)))))))
Hehe,
DeleteBình ơi mất chai rượu rồi, đợi 3 hôm mới công bố đáp án đấy nhé:
THẦY GIÁO THÁO GIẦY, THÁO CẢ ỦNG, THỦNG CẢ ÁO, XÉ GIÁO ÁN, DÁN ÁO.
NHÀ TRƯỜNG NHƯỜNG TRÀ, NHƯỜNG CẢ HOA, NHÒA CẢ HƯƠNG, LÀM GIÁO CHỨC, DỨT CHÁO.
Tất nhiên CT chưa đủ tài nghĩ ra được câu đối này, nhưng đủ tài tìm ra và đây là câu đối hay nhất về đề tài trường học và người thầy.
Hề hề hề,
DeleteChuyện lời giải thì Tui đã nói trước là có rồi mà. Câu này cũng là xem trên báo chứ không phải của tui đưa ra. Vì thế những lời giải có trên báo rồi mà đưa vô đây thì thật là phá đám. Để cho mọi người đối thử xem nó ra cái gì chứ đưa lời giản ngay đâu có khó. Muốn có chai Aquavina thì có ngay chứ khó gì????
Thậm chí bonus cho Công Thành chai có màu nữa kia. Song hãy chờ mọi người đối thử đã nhé.
Tui xin đưa ra một câu của tui, tuy chưa thật đât lắm song để m5i người tham khảo và sáng tác thê:
TRƯỜNG NỚ, CHỚ NƯỚNG, CHỜ HỌC TRÒ, HÒ HỌC CHỜ, RỒI THẤT NGHIỆP, KHIẾP THẬT.
Hề hề hề,
DeleteGiải thích thêm chút chút về vế đối của mình:
1/- Trường nớ: là một trong số các trường đại học, cao đẳng, phổ thông dân lập được mở ra ồ ạt trong thời gian trước đây
2/- Chờ nướng: Trường mở ra nhưng không nhắm vào mục tiêu đào tạo mà nhắm vào kinh doanh dạy học nên chất lượng thầy và cơ sở vật chất à uôm và luôn sẵn sàng đóng cửa (chờ nướng) khi bị sờ gáy.
3/- Chờ học trò: Trường mở ra nhưng đầu vào thì thiếu nên chạy đua lung tung, cạnh tranh nhau tuyển sinh bát nháo, vơ bèo vặt tép để có được học trò tới học (đặng thu được tiền)
4/- Hò học chờ: Ấy là kêu gào sinh viên học sinh cứ nhắm mắt vào học theo cái mà trường vẽ ra, chả biết học xong để làm gì, ai cần và cần thế nào. Học để đó và chờ có người sẽ cần trong tương lai chứ không phải để đáp ứng thị trường nhân lực kể cả về môn học, ngành học và giáo trình học.
5/- Rồi thất nghiệp; Viễn cảnh chắc chắn của số học sinh ra trường. Thậm chí có trường phổ thông chỉ nhằm vào mục tiêu thi tốt nghiệp phổ thông chứ không phải mục tiêu sau đó của học sinh.
6/- Khiếp thật: Lái không chuẩn để thể hiện cái cảm giác về nền giáo dục nước nhà.
Hề hề hề,
Không chuẩn ắt phải chỉnh. Ai chỉnh và chỉnh ra sao ấy là có giời lo rồi. Lùn tui văn ngọng chữ nghoẹo nên hẵng biết thế đã......
@VH: cám ơn em đã bắn truyện này để thế hệ anh em mình nhớ lại một thời không quên, tưởng như cổ tích song mới cách đây chưa đầy 30 năm. Nếu có thêm thì VH cứ bắn tiếp cho ACE XĐTV cùng ngó nhé.
ReplyDelete@Công Thành: Khỏi cần chi tiết và truy tìm xác minh em ơi. Hầu hết những người thời đó đều như thế mà.
- Tác giả sống ở Ba lan, thày giáo đi từ Mat qua Warzava
- Truyện này là của chàng Thiên Nam, gốc đồ Nghệ, đang sống ở Balan. Anh ta có viết một số chuyện liên quan đến cuộc sống của người Việt bên đó cũng tương đối hay. Em có thể đọc thêm ở trang
http://www.langven.com/forum/lofiversion/index.php?t1424.html
Truyện Nang của anh ta kể về chuyến sang Đức mô tả tương đối chuẩn cuộc sống của bà con ta trong những năm 90' ở bên đó.
@VH: cám oen em đã bắn truyện này. Một câu chuyện của một thời không quên, mới cách chưa đầy 30 năm mà cứ như là chuyện cổ tích Khi nào có thêm thì cho ACE XĐTV cùng hưởng nhé.
ReplyDelete@ Công Thành: Mấy nhận định của em tương đối chuẩn, tác giả ở Warsava mà.
- Em khỏi cần truy tìm thay trò làm gì, thời đó thì hầu hết mọi người đều vậy.
- Thiên Nam còn có nhiều truyện và thơ khác. Em có thể tham khảo thêm ở trang này:
http://www.langven.com/forum/lofiversion/index.php?t1424.html
Trong đó có truyện Nàng cũng tương đối hay.
- Đọc truyện và thơ của Thiên Nam thì đúng như em nhận định: chỉ nên làm thơ, đừng đi đánh quả làm gì.
Lai phải cám ơn anh, chuyện "Nàng" thì Hải chưa được đọc.
DeleteChuyện này ngày xưa Đàm Thanh Sơn gửi lên VNSA và nhắn là không nên forward sang các mailing list khác. Thế nhưng sau này thi nó để chềnh ềnh ở trên mạng, ai cũng đọc được.
Hôm trước định đăng rồi nhưng có người can ngăn, bảo đừng đưa những chuyện này lên. Nghĩ một hồi thấy cũng chẳng có gì là tệ vì đúng như anh Thái nói, ngày xưa nó là vậy.
Hải đã chuẩn bị tinh thần nếu bà con phản đối là sẽ dỡ ngay xuống ;)
Cảm ơn anh Thái đã giới thiệu Thiên Nam, em đã đọc Nàng thấy không mới nhưng rất hay.
Delete