Monday, July 30, 2012

Thày trò các lớp chuyên toán trường cấp 3 Chu Văn An ngày ấy

Đào Thiện Khải - Giáo viên Toán 1970-1985

Khoảng năm 1965, các lớp chuyên toán trường cấp ba của bộ Giáo dục ra đời, đặt tại trường Đại học tổng hợp, trước đó vài năm một số trường phổ thông cấp 3 (ứng với trường PTTH hiện nay, trường cấp 3 chỉ học 10 năm, ba năm cuối là lớp 8,9, 10) cũng đã có lớp học sinh giỏi toán . Từ năm 1970, trường cấp 3 Chu Văn An đổi lớp học sinh giỏi toán thành lớp chuyên toán. 
Việc đổi này có căn cứ là: hàng năm, bộ giáo dục tuyển chọn qua kỳ thi lấy hoc sinh giỏi nhất về lớp chuyên của Bộ, số còn lại, không quá ba mươi, lập thành lớp chuyên toán của địa phương, lớp của Hà nội đặt tại Chu Văn An.
Khi ấy, chưa có việc học để thi quốc gia, quốc tế như bây giờ nên nhà trường coi lớp chúng tôi là lớp "thêm" trong biên chế. Chẳng thế mà suốt 15 năm đằng đẵng, các lớp này mang ký hiệu I như 8I, 9I, 10I chính là những lớp chuyên toán, bao giờ cũng ở vị trí cuối cùng trên thời khoá biểu. Nhưng không phải chỉ có thế, lớp học của chúng tôi, có thể vì ít học sinh, khi xếp hàng chào cờ ở sân trường chỉ được một đoạn chưa đủ so với hàng các bạn gái của lớp bên cạnh, chuyên được xếp vào phòng xép, năm thì ở khu xưởng, năm thì tận tầng 3 cạnh sân vận động. Học sinh tuy cũng là học sinh giỏi toán từ các trường cấp 2 trong toàn thành phố nhưng thành phần chủ yếu gồm "hai phe" phe từ trường cấp hai Dịch Vọng ở ngoại thành, còn phe nội thành là từ trường cấp 2 Trưng Vương. Lớp của thày trò chúng tôi được coi như một "ốc đảo" về học hành, kỷ luật, nhà trường coi như thuộc loại yên tâm sau khi mỗi lớp giao cho một giáo viên toán, như một đức cha tuyên uý chịu trách nhiệm cả phần hồn lẫn phần xác của con chiên suốt ba năm dòng. Vào thời chiến tranh, trong khi mọi người làm việc bằng hai thì giáo viên chuyên toán chỉ có 8 tiết dạy một tuần, bằng một nửa số tiết dạy của giáo viên khác là điều rất lạ! Có lần một cán bộ phụ trách giáo dục thành phố (mới về nhậm chức) đến kiểm tra, hỏi nhà trường sao lại có loại giáo viên dạy ít thế....
Tuy thời chiến, các lớp chuyên toán lại mới ra đời nhưng khi vào nhận lớp, chúng tôi được nhận ngay 5 cuốn sách giáo khoa cho ba năm, hai cuốn cho lớp 8, hai cuốn cho lớp 9 còn lớp 10 (theo hệ 10 năm khi trước) chỉ có một cuốn và suốt bao nhiêu năm cũng chỉ có thế; lúc ấy nội dung sách so với sách phổ thông thì có nhiều điểm cao hơn nhưng bây giờ, sách toán phổ thông cũng gần giống như vậy cả, có lẽ chúng ta đã "chuyên toán hoá" chương trình!! Chúng tôi lo nhất là việc giảng dạy, dạy theo sách giáo khoa cho học sinh chuyên thì chỉ 20 phút là hết ý, đấy là kể cả chữa bài tập đã ê a cách này cách nọ. Cũng may thời đó sách tiếng Nga rất nhiều và khá rẻ, lương của chúng tôi không nhiều nhưng hình như do ham học ham dạy, nên bao giờ cũng dành một phần mua sách, những bửu bối cứu chúng tôi thoát hiểm.
Đang học tập hăng say ở trường,vào cuối năm 1972 chúng tôi phải rời trường, sơ tán về xã Kim An, huyện Thanh Oai tỉnh Hà tây để chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Lại thêm vất vả về quản lý học sinh, các em xa nhà,ăn uống kham khổ thường hay ra khỏi khu vực qui định để cải thiện. Đến cuối tháng 12 năm ấy lệnh trên ban ra không đựoc để học sinh bất kể đêm hay ngày ra khỏi nơi qui định vì Hà Nội đang bị máy bay B52 oanh kích. Sau một đêm mất ngủ vì báo động liên tiếp, rồi tiếng bom nổ gần,mấy lần lên xuống hầm,vừa tảng sáng đã thấy dân làng bàn tán về B52 bị bắn rơi ở xã bên. Tôi vùng dậy lấy xe đạp qua các xóm xem binh tình học sinh thế nào; khi đã yên trí chắc các em vô sự, đang ngủ bù đêm trước, tôi phóng thẳng xe đến cánh đồng nơi máy bay rơi, người xem kéo đến đông đặc cả một vùng rộng, kẻ bới, người đào kiếm mảnh máy bay vỡ làm kỷ niệm. Tôi cũng bỏ xe nhảy xuống ruộng, đang hý hửng vì vớ được một nhãn mác bằng nhôm có ghi nhiều số hiệu của máy móc trên máy bay, định bụng về khoe với học trò thì bỗng "Chào thày ạ" nhìn lên, nhận ra em H mặt toàn bùn, quần áo bê bết và rồi em chìa tay khoe với tôi: "Em được mảnh này có cả chữ B52 thầy ạ!!" Hai thày trò vui quá chẳng còn biết ai đã phạm nội qui!
Hàng chục năm đã trôi qua. Gần đây, trong một lần theo dõi một chương trình truyền hình, tôi đã nhận ra trong số các nhà tổ chức, có một số gương mặt học sinh chuyên toán Chu Văn An thời ấy, liên tưởng với các tiết học ba mươi năm về trước, tuy thời cuộc đã biến đổi nhiều, các em đã đi khắp đó đây, người thành đạt trên đường binh nghiệp, trên thương trường, người thành công trong nghiên cứu. Nhiều điều "giáo lý" chúng tôi truyền cho các em khi ấy, giờ đây không còn thích hợp nữa nhưng tôi vẫn thấy hình như đã có vài khe nước nhỏ chảy qua trường Chu Văn An từ ngày ấy đang đổ về dòng sông "Trí tuệ Việt Nam" hôm nay.
Hà nội tháng 1 năm 2003

3 comments:

  1. Ảnh này ai chụp mà đẹp thế nhỉ: trông thầy Khải cười tươi tắn rất đẹp!

    ReplyDelete
  2. Thầy Khải cười rất tươi. Thật là ngỡ ngàng khi nhận ra mình ngồi cạnh Thầy. Ai chụp thì cho tớ xin file. Cám ơn. Thủy k70-73

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ảnh gốc "2 thầy giáo" ở đây https://plus.google.com/u/0/photos/106511474993001882022/albums/5713742633120204481/5713742637009556882

      Delete