Tuesday, February 26, 2013

Đi tìm "Hà Nội Phố" & Cô gái "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ"

Báo Múa May đã từ lâu nay không có bài mới mà cũng chẳng có hoạt động gì. Tưởng được yên thân nào ngờ host của Múa May là Posterous mới bị / được Twitter mua. Bây giờ Posterous lại chuẩn bị đóng cửa. Hải thấy bỏ thì hơi tiếc nên lại phải tìm cách chuyển nhà sang chỗ khác. Trong lúc xem xét dọn dẹp đọc lại bài này (vốn là một comment của "Người thích đùa" on the post "Hà Nội phố - Phan Vũ") thấy vẫn rất hay nên chia sẻ với bà con XĐTV.




Cô gái "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ":

Phan Vũ: Cô ấy nhà ở phố Quán Thánh, chơi đàn Piano. Cô ấy học bà Thái Thị Liên cùng Đặng Thái Sơn. Sau này cô sang Nga học, rồi sang Pháp định cư ở Pháp. Thuở đó chúng tôi là bạn thân, ở nhà gần nhau. Trời lạnh, tôi sang nghe cô đàn. Cô ấy sau này có một cuộc đời nhiều truân chuyên, trắc trở...

Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...

Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate ánh trăng…"

là đoạn viết về cô gái đó.

Đi tìm Hà Nội Phố 

Eros - Viết lần đầu 11/2004, sửa lại 05/2006
Đăng lần đầu: Forum VnEquation

Tuổi hai mươi diên rồ và cuồng dại
Đêm mơ Hà Nội phố,
Thoáng tóc em mềm mại
Thoáng nỗi nhớ nhà biết kể cùng ai
Dở hơi,
Mải miết đi tìm
Huyền thoại của thằng con trai ..

Bản đầy đủ của trường ca Hà Nội phố được tớ vô tình tìm thấy trong một cuốn Album cũ. Điều thú vị là bài thơ hay nhất viết về Hà Nội lại không tìm được ở Hà Nội. Sau hai lần vào thư viện Quốc gia, mòn gót các hiệu sách cũ, gọi điện thoại cả cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, định tìm cả nhà thơ Vũ Quần Phương của tạp chí người Hà Nội, thì câu trả lời vẫn chỉ là: chẳng ở đâu có bản đầy đủ của bài thơ này, thậm chí còn không tìm được một xuất bản nào từng nhắc đến tên. Tất cả những gì tìm thấy trong thư viện Quốc gia chỉ là một vài tác phẩm kịch của Phan Vũ từ những năm 50. Thế rồi, Hà Nội phố lại vô tình được tìm thấy ở Paris - cách Hà Nội của Phan Vũ đến 1/2 vòng trái đất.

1. " Hà Nội phố "- bài thơ tuyệt bút viết về Hà Nội

Trước khi nói về cái lịch sử dị bản truân chuyên của "Hà Nội phố" thì cũng nên dông dài một chút về giá trị bất hủ của bài thơ …
Bài thơ mộc mạc, nhưng cũng tham lam ôm trọn hết những nét thanh bình êm ả Hà Nội của năm 60-70. Người đọc có cảm giác đang được xem những bức ảnh đen trắng chụp bởi bàn tay một người nghệ sĩ bấm máy có con mắt chọn lựa và sắp xếp bối cảnh vô cùng tinh tế. Mỗi đoạn thơ lại gắn với một hình ảnh Hà Nội có chủ đề, có không gian, (từ một góc đường lặng lẽ cổ xưa của Hà Nội, có khi lại là cổng chợ, rồi công viên, quán cóc liêu xiêu), có thời gian (hoàng hôn, đêm khuya hay lúc nắng hanh buổi sớm).
Trong không gian ấy nổi bật lên hình ảnh trung tâm được người thợ chụp ảnh Phan Vũ chỉnh nét và bấm máy rất nhanh. Tất cả đều trong tư thế động. Nhân vật trung tâm có thể là những người Hà Nội giản dị: cặp tình nhân của một "cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang" , người soát vé tàu điện "áo bành tô cũ nát" , gã Trương Chi si tình "ôm ghita từng đêm hóa đá", bà quán "ê a chuyện nàng Kiều", cô hàng hoa "gánh mùa thu qua cổng chợ" rồi người nghệ sĩ "lang thang thang hoài trên phố". Cũng có thể chỉ là một sự vật của Hà Nội đang chuyển mình như "Năm cửa ô, năm cửa gió" rồi "Những giọt sương nhòe nhòe bóng điện" của Hồ Gươm, "con đường tên cũ Cổ Ngư" hay đơn giản hơn là một "chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ"...

Chỉ cần nhìn vào những bức ảnh đen trắng nghệ thuật này thôi là chúng ta đã có thể đón nhận được một phần âm thanh và hương vị gửi gắm trong đó. Thế nhưng, vượt ra khỏi khuôn hình, tác giả đã đưa được cả âm thanh và hương vị rất riêng vào từng bức tranh. Người xem như đang nghe thấy những "tiếng rao buồn lạc giọng thờ ơ", tiếng ghita "bập bùng tự sự", những "lời thì thầm sớm hôm buổi tối", tiếng hàng ngày "lanh canh, lanh canh"; như ngửi thấy hương hoàng lan, hương hoa sữa "ngát mùa thu", mùi "hương dài theo phố" tháng Chạp.. Và khi ấy thì mỗi đoạn thơ đã không còn chỉ đơn thuần là một "chớp" ảnh nhanh tay mà đã trở thành một thước "phim ngắn" rất thật, rất giản dị và rất đẹp - nên nhớ lại rằng Phan Vũ thực ra là một đạo diễn và một nhà viết kịch tài ba.

2. Những dị bản của bài thơ Hà Nội phố

Có thể thấy rằng so với những bản trích đang có trên mạng thì bản đầy đủ này có nhiều điểm khác. Bản phổ biến nhất hiện nay là bản trích được đăng trên báo Hà Nội Mới kèm theo một bài bình nhỏ: http://www.cafe68t.net/content/unicode/doiloi.html Bản này sau được rất nhiều Forum và trang Web đăng lại cùng với bài bình.
Nếu như chỉ so về những đoạn thơ mà bản của báo Hà Nội mới đã đăng, thì trong bản tớ tìm được không có nhiều điểm khác biệt, chỉ có điều nó không chia Chương, có lẽ khi chép tay thì người chép đã không chú ý đến điểm này. Tuy nhiên vẫn có một số cái khác: một số đoạn thơ đã có trong bản của báo Hà Nội Mới được hoàn thiện thêm trong bản đầy đủ (không kể các đoạn thơ bị thiếu), có chỗ trong bản của báo Hà Nội mới chỉ là một đoạn nhưng bản đầy đủ lại được hoàn thiện thành hai đoạn. Vị trí các đoạn cũng có đôi chút thay đổi. Đoạn thơ khác nhau nhất
giữa hai bản là đoạn viết về "người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố".
Nói thêm về bản của báo Hà Nội Mới, bản này xuất hiện lần đầu cách đây 7 năm trên một trang web của du học sinh Việt Nam ở Nhật. Đây là bản chép tay ở Tokyo, khi chép không có được bản đầy đủ và chép khá vội. Bài bình l của bác Hồ Trung Bảo. Về sau cách đây chừng 2 năm, nhân dịp một ngày lễ kỉ niệm về Hà Nội, báo Hà Nội Mới đăng bài trích này lên cùng với bài bình. Có nhiều người đã gọi điện đến hỏi tòa soạn nhưng họ bảo cũng không có bản gốc đầy đủ bài thơ và không biết gì thêm. Bên cạnh bản của báo Hà Nội Mới, trên mạng còn tồn tại song song một dị bản khác khác rất nhiều so với bản này và càng khác so với bản mới tìm được (http://www.bachkhoa.org/forum/showpo...45&postcount=1 ). Có thể nói rằng dị bản này về số đoạn thơ thì ít hơn bản của báo Hà Nội Mới rất nhiều nhưng các đoạn thơ lại có vẻ sinh động hơn và hay hơn. Có lẽ đây là một dị bản truyền miệng không đầy đủ được "tam sao thất bản" mà thành. Ví dụ trong dị bản này có chi tiết "Ông già mù bán phá sa" mà không có hình ảnh "Những chàng trai say sưa suốt mùa" trong cùng đoạn thơ viết về bà hàng bán nước có tài lẩy Kiểu. Bù lại dị bản này lại bổ sung thêm được cho bản của báo Hà Nội Mới một đoạn thơ có trong bản đầy đủ:

"Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng không lều
Không ông nghè bái tổ
Vinh qui..."

Về bản tồn tại trên Physicsvn (nay là diễn đàn Vật Lý Việt Nam www.vatlyvietnam.org ) hồi xưa, thì do lúc khi chưa tìm được bản đầy đủ, hai dị bản đều có giá trị ngang nhau nên khi ấy tớ đã trộn hai dị bản này với nhau và sắp xếp sao cho ra một bản theo tớ là hay hơn cả. Chính vì thế Selene mới thấy bản trên Physicsvn khá đầy đủ nhưng lại khác với bản gốc mới tìm thấy. Bây giờ khi đã tìm được nguyên bản thì có thể khẳng định rằng bản trích của báo Hà Nội Mới trung thành với nguyên bản hơn rất nhiều so với dị bản còn lại.

Sau đó một thời gian, Phan Vũ khi phát biểu trên báo Công An TP HCM về
một cuộc thi người đẹp đã trích ra một đoạn thơ trong bài Hà Nội Phố:

"Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa... ?"

Đoạn thơ này chưa từng có trong bất kì một bản trích Hà Nội Phố nào đã lưu truyền. Tớ cũng đã thêm nó vào trong bản đăng trong Physicsvn. Và có lẽ hồi ấy thì bản đăng trên Physicsvn là bản tổng hợp đầy đủ và hay nhất của Hà Nội phố.

Tất cả những đoạn thơ tìm thấy thêm này về sau đều thấy có trong bản đầy đủ mà tớ tìm thấy ở Paris, vì thế có thể khẳng định rằng bản đầy đủ tớ tìm thấy là hoàn toàn đáng tin cậy.

3. Lịch sử của một bài thơ

Vì sao một bài thơ nổi tiếng như vậy, tác giả vẫn đang còn sống mà lại tồn tại song song nhiều dị bản?

Đó là bởi vì bài thơ này chưa bao giờ được xuất bản (vì thế hồi đấy tớ vào thư viện quốc gia và các hiệu sách đều không có). Phan Vũ viết Hà Nội phố sau 12 ngày đêm Hà Nội bị bom B52 Mỹ tàn phá. Cùng vợ đi bên những đường phố mới hôm qua còn thanh bình, nay đã đổ nát vì bom đạn, xúc động, ông đã viết nên những câu thơ bất hủ và tuyệt tác mà đến giờ có lẽ không một bài thơ viết về H Nội nào sánh được. Bài thơ viết "gửi người Hà Nội đi xa", có lẽ là để gửi đến những người con Hà Nội đang chiến đấu trên chiến trường với lời nhắn nhủ " Các anh cứ yên lòng với nghĩa vụ của người trai ra đi vì nghĩa lớn, Hà Nội vẫn ở đấy, vẫn như thế, vẫn thanh bình, vẫn êm ả, vẫn lãng mạn đến nao lòng. Hà Nội của các anh vẫn như ngày xưa và vẫn đợi anh về..."

Điều này phần nào làm cho ta nhớ đến bài thơ Bên kia sông Đuống mà Hoàng Cầm viết trong đêm nghe tin giặc tàn phá làng mình. Nhưng, không chỉ tương đồng về hoàn cảnh sáng tác, số phận của hai bài thơ còn có những nét rất giống nhau. Nếu như Bên kia sông Đuống có thời bị dập vùi cùng với tên tuổi Hoàng Cầm trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, bị liệt vào hàng "thơ cấm", thì bài Hà Nội phố sau khi ra đời không thể cho công bố vì tính chất "lãng mạn tiểu tư sản" đặc sệt của nó là đi ngược với công cuộc đổi mới, xây dựng và thống nhất đất nước thời bấy giờ. Bài thơ chỉ được Phan Vũ giới thiệu trong đám bạn nghệ sĩ và gần như chẳng ai biết đến. Chính vì vậy có nhiều dị bản thiếu và khác biệt của bài thơ tồn tại do việc lưu truyền miệng bởi thiếu văn bản đối chứng.

Về sau, Phan Vũ cũng gặp khá nhiều trục trặc trong đường sự nghiệp, bên cạnh đó, người vợ yêu của ông, người nữ diễn viên chính xinh đẹp trong phim "Chung một dòng sông lại" mất sớm, ông buồn nản và bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn mong tìm được một điều gì mới. Gần đây ông chuyển hẳn sang vẽ tranh và đã có một vài triển lãm tranh. Cái tên đạo diễn, biên kịch Phan Vũ trở nên nhạt nhòa cùng với lịch sử. Ít ai còn nhớ đến một đạo diễn trẻ triển vọng từng được giải kịch trong những năm 50 chứ đừng nói tới tác giả một bài thơ còn chưa bao giờ được in.
Người "đi tìm Hà Nội phố" đầu tiên chính là nhạc sĩ Phú Quang. Trong một lần ở TP HCM, vô tình gặp Phan Vũ và được ông cho nghe Hà Nội Phố , Phú Quang đã nhặt ra một vài câu thơ trong bài thơ này và phổ thành bài hát Em ơi Hà Nội Phố - bài hát được xếp là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp viết ca khúc về Hà Nội của Phú Quang. Chính sự nổi tiếng của bài hát với dòng ghi chú "phổ thơ Phan Vũ" đã làm sống lại trường ca Hà Nội Phố. Rồi về sau, nhờ bài báo trên báo Hà Nội Mới mà bài thơ Hà Nội Phố với bản trích không đầy đủ đã lan tràn trên Internet. Rất nhiều người Hà Nội đều cố công đi tìm một bản thơ đầy đủ nhưng không tìm thấy vì họ không biết rằng bài thơ chưa bao giờ được in vào một tập thơ nào. Bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng không có được bản đầy đủ của Hà Nội Phố vì hôm ấy ông chỉ ghi lại vài câu thơ của Phan Vũ mà thôi. Không tìm được ở Phú Quang, Phan Vũ thì sống ở Sài Gòn và gần như qui ẩn. Bài thơ Hà Nội Phố trở thành bỏ ngỏ....

4. Đi tìm Hà Nội phố

Người gửi cho tớ đọc Hà Nội phố là cô bạn Selene thân mến. Đó chính là bản trích được đăng trên báo Hà Nội mới rồi được một số Forum đăng lại. Hôm ấy, ngay khi đọc những dòng đâu tiên tớ đã "phải lòng" ngay lập tức những câu thơ mộc mạc, giản dị mà mang hồn Hà Nội của Phan Vũ. Hậm hực vì chỉ có được bản trích, cũng như bao người Hà Nội khác, tớ hăm hở lên mạng truy lùng bản đầy đủ của Hà Nội Phố. Ngoài việc tìm được một số dị bản như đã nêu ở trên, kết quả chỉ cho thấy một vài thông tin ít ỏi về Phan Vũ.

Hồi ấy tớ với Selene hứa với nhau là cả hai đứa sẽ cùng đi tìm bài thơ Hà Nội Phố đầy đủ, ai tìm ra trước sẽ chép tay cho người kia. Tớ thì hứa thêm là sẽ tìm ra trước khi tớ đi Pháp, như một kỉ niệm lưu lại Hà Nội.

Một tuần trước khi đi Pháp, vẫn chưa tìm được bài thơ Hà Nội Phố. Đã xoay đủ mọi cách, tìm chán chê trên Net không đươc, cũng chẳng trông chờ gì ở Phú Quang vì ông đã bảo : Tôi cũng có biết bản đầy đủ thế nào đâu, chỉ ghi lại mấy câu rồi viết thành ca khúc. Tớ lật đật cậy nhờ người quen cho vào thư viện quốc gia tìm. Hai ngày trong thư viện quốc gia, tìm được một vở kịch của Phan Vũ nhưng không có một bài thơ nào. Rà soát tất cả các tác phẩm thơ viết về Quê hương, Hà Nội, thơ hay, thơ trẻ trong giai đoạn 70-90. Vô vọng. Selene bắn tin là thầy Liêm dạy Hóa có biết bài thơ được đăng trong một tập thơ nào đấy, lại lộn lại vào thư viện quốc gia. Xem toàn bộ tập thơ, không thấy. Lùng một lần nữa trong tất cả các tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam, cũng không
có.
Thất vọng với con đường tra cứu, tớ xoay ra đi tìm bác Trần Đăng Khoa và bác Vũ Quần Phương, một thì chắc là khá sõi vì chuyên phê bình văn thơ, một thì là tổng biên tập báo Người Hà Nội. Vẫn không đạt được kết quả gì khả quan.

Chỉ còn có cách đi tìm Phan Vũ, bắt đầu tra cứu danh bạ điện thoại, không có. Hỏi 1080, không biết. Chỉ có mỗi thông tin là ông đang ở TP HCM.

Trước hôm đi 2 ngày, chẳng còn kịp làm gì nữa rồi, bao nhiêu là việc, lại quay lại với hi vọng thư viện quốc gia, tớ đành nhờ Anti – một bác bạn vào tìm lại lần nữa. Cũng không thấy…

Âu cũng đã cố gắng hết sức…

Hôm đi Pháp, sáng sớm tinh mơ, qua nhà Selene, cô nàng ra ngõ chào mình và tặng một quyển sổ nhỏ đỏ. Mở ra thì là một tập thơ chép tay, những trang đầu tiên là bàn trích bài thơ "Hà Nội phố", trên ghi "gửi HS, một người Hà Nội đi xa". Cảm động, dù nó vẫn chỉ là bản trích ngày trước, nhưng cũng đã là thực hiện một nửa lời hứa rồi phải không em ?

Có lẽ cái lời hứa treo ở đấy cũng là một điều gì đó khiến mình luôn cảm thấy mang "nợ" với Hà Nội chăng ?

Hè đầu tiên về Việt Nam, vào TP HCM chơi, đang rong ruổi thì biết tin Phan Vũ đang mở triển lãm tranh. Nhảy bổ đến. Triển lãm vừa kết thúc hôm ấy. Hôm sau tớ đã phải bay về Hà Nội để chuẩn bị quay lại Paris.

Chưng hửng…

Quay trở lại Paris và gần như quên hoàn toàn ý định sẽ tiếp tục tìm bài thơ Hà Nội Phố. Nhân dịp nghỉ các thánh, tớ đến nhà một giáo sư Việt Kiều chơi và ở lại trông nhà cho vợ chồng họ sang Thụy Sĩ nghỉ. Mấy hôm ở nhà chẳng có việc gì, xuống kho lôi đống album cũ ra xem. Bỗng thấy có một album bên trong lại là bản chép tay của một số bài thơ. Chẳng biết bài nào cả. Nét chữ rất đẹp và mềm, nhưng chắc là chữ con trai. Đang lật nhanh xem thì có một cái tên đập vào mắt khiến tớ như có điện giật " Hà Nội phố - Phan Vũ". Cầm bài thơ trên tay mà chỉ sợ nó rơi xuống đất rồi tan mất. Đọc di đọc lại xem có đúng thật không. Ôi, đúng là Hà Nội Phố đầy đủ đây rồi . Có nên reo lên Eurika hay không. Ngay lập tức đánh máy lại và gửi email đến cho tất cả đám bạn bè trong, một cái email kèm theo attachment, nội dung email chỉ vỏn vẹn " Tớ đã tìm thấy bản đầy đủ của bài thơ Hà Nội Phố"

5. Khép lại một huyền thoại

Nói một cách nào đó, chính việc có nhiều dị bản và có nhiều người đi
tìm bản đủ của bài thơ Hà Nội Phố đã tạo nên một bí ẩn văn chương nho nhỏ trên Internet thú vị gần giống với bí ẩn TTKh ngày xưa. Có điều cuối cùng bí ẩn nhỏ này đã được vén màn. Chẳng biết là nên vui hay buồn nhỉ, nhiều người sẽ bâng khuâng. Riêng tớ thì cứ mỗi khi vào Đặc Trưng, hay Langven (VnEquation cũ), thấy có bài thơ Hà Nội phố, rồi ở dưới ghi "Người sưu tầm: Eros của diễn đàn Physicsvn" thì cảm thấy vui lắm…

Và hơn nữa..

Tớ đã thực hiện được lời hứa của mình – hứa với mình, với Sel và hứa với Hà Nội.

Đó có thể là một huyền thoại của bản thân không ?

Cười…

4 comments:

  1. Bài viết hay quá. Cám ơn VH. Đọc xong cứ bâng khuâng một câu hỏi: bây giờ có còn không một người bỏ nhiều công sức như thế để đi tìm một bài thơ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc cũng không phải là chỉ là vì bài thơ không đâu chị ạ.

      Khi nào còn TY thì còn thơ và còn những thằng
      "Thoáng nỗi nhớ nhà biết kể cùng ai
      Dở hơi,
      Mải miết đi tìm..."

      Delete
  2. Phan Vũ bắt đầu sáng tác bài thơ này từ lúc nào không biết nhưng hoàn thành vào tháng 12/1972 cũng vào lúc xảy ra trận Điện Biên Phủ trên không. Bài hát mà Phú Quang phổ nhạc là một trong những bài hát về Hà nội mà Hải thích nhất. Mời mọi người nghe Hồng Nhung hát. Bản thứ hai do Ngọc Tân trình bày.

    ReplyDelete
  3. Hề hề hề,
    Cái thằng cu Eros này thế mà giỏi thật. Viết văn hay hơn cả bố nó nhiều, cho dù bố nó cũng là thằng viết hay hơn mình.
    Xem ra cu cậu cũng nhiều tâm hồn ra phết, vật lý, toán, văn, thơ ,nhạc, họa. Bố con nhà này khéo vơ hết cả tài của thiện hạ về xài rồi......

    ReplyDelete