Monday, April 28, 2014

Sống Lạc Quan

Những người khuyết tật của ngôi nhà An Phúc đã đoạt 
Giải thưởng của nghị lực sống!
Thời gian vừa qua mưa triền miên, tiết trời u ám suốt từ tháng 2 qua tháng 3 đến tận cuối tháng 4 khiến nhiều người ca thán! Nhưng với tôi, những hạt mưa này lại nhắc đến bài học thuộc lòng hồi lớp 1 của hơn 40 năm trước mà giờ đây tôi vẫn nhớ:
Mưa Xuân
Mưa rơi nhè nhẹ
Lên mái tóc em
Mát như sương đêm
Tươi cành xanh lá
Nghiêng nghiêng bên má
Chào đón mưa rơi
Em ngẩng nhìn trời
Xuân sang đẹp quá
     Tôi cho rằng mưa làm cho cây cỏ phát triển tốt tươi và sẽ điều hòa không khí tốt hơn! Không chỉ có vậy, chính nhờ những ngày mưa u ám đó, mà chúng ta thêm yêu những ngày đẹp trời!
 Những trận mưa rào đầu mùa của đêm qua, hôm nay tuy có gây ngập ở vài nơi, nhưng đã giúp chúng ta thoát khỏi cái nóng gay gắt, thật dễ chịu biết bao và vì thế mà chúng ta đã quét dọn phố phường sạch sẽ!... 15-4-2014 tôi vừa tròn 49 tuổi, nhưng giờ đây nếu có ai hỏi, tôi sẽ trả lời rằng 30 năm trước đây tôi chưa đầy 20 tuổi. Hoặc tôi sẽ nói, tạ ơn Thượng Đế, theo cách tính của các cụ thì tôi đã hưởng trọn 1 nửa thế kỷ sung sướng của cõi đời này và nếu như tôi sống ở Bắc Ninh quê tôi, thì tôi đã được mừng thọ lên lão từ năm ngoái rồi! Chính vì luôn đón nhận mọi chuyện với tinh thần lạc quan như vậy, mà trong một lần giao lưu với các bạn sinh viên, giới trẻ, tôi đã say sưa thuyết trình:
     Ở bài hát Tình Sầu, với cùng những nốt nhạc Rề-son-la-la-si, Trịnh Công Sơn đã viết nhiều ca từ khác nhau: "Tình yêu như trái phá", "Tình yêu như vết cháy", "Tình yêu như trái chín", "Tình yêu như thương áo", "Tình yêu như nỗi chết", "Tình yêu như cơn bão", "Tình yêu cho anh đến", "Tình yêu như đốt sáng"
Tình yêu như đốt sáng...
     Cũng trong bản Tình Sầu, với những nốt rề-son-la-si-rê nhạc sĩ  đã viết những lời hát sau: " Rồi tình vui trong mắt", "Tình reo vui như nắng", "Một giòng sông nước cuốn", "Rồi tình trong im tiếng", "Tình chia nhau gian dối", "Rồi trong cơn yêu dấu", "Tình mong manh như nắng", "Tình cho nhau môi ấm".
     Với những nốt nhạc Son-đô-si-rề ông viết: "Một mai thức dậy", "Tình xa như trời", "Một mai thức dậy", "Rời nhau hôm nào", "Tình khâu môi cười", "Tình thắp cơn sầu", "Tình đi âm thầm", "Tình lên êm đềm"
     Tại sao đi cùng những nốt nhạc Rề-son-la-la-si không thay đổi ấy lại có nhiều cung bậc tình yêu khác nhau đến vậy? Có đến 8 sắc thái cảm xúc tình yêu khác nhau đã được nhạc sĩ kể ra trong cùng một bài hát, cùng mấy nốt nhạc tuyệt vời này của ông! Thực ra thì tất cả mọi nốt nhạc đều có sẵn cả rồi, chúng ta chỉ cần chọn nốt nào mà thôi! Chúng ta chỉ cần đánh dấu những nốt trắng, đen, móc đơn, móc kép... lên những dòng kẻ đã có sẵn, thế là chúng ta đã sáng tác được một bản nhạc. Tiếp theo đó chúng ta viết lời phía dưới những nốt nhạc, thế là chúng ta đã là tác giả của một bản nhạc, một bài hát. Bản nhạc đó, bài hát đó hay dở là do chúng ta lựa chọn những nốt nhạc nào,  những ca từ nào, quyền lựa chọn là của chúng ta, không ai cấm chúng ta sáng tác cả. Thế nhưng tại sao nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì có được quá nhiều những tác phẩm bất hủ, còn chúng ta thì không? Trong khi đó, chúng ta có người đã học tới 15 năm nhạc viện!!! Những nốt nhạc và hầu hết mọi ca từ ở các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chúng ta đều biết cả, chỉ có điều chúng ta đã không biết lựa chọn chúng mà thôi! Cuộc sống này cũng vậy, có đủ mọi lối sống trên đời cho chúng ta lựa chọn, hay dở là do chúng ta cả! Chúng ta chọn sống lạc quan, yêu đời hay bi quan, chán đời...hạnh phúc hay bất hạnh...tất cả đều do chúng ta quyết định, do chúng ta lựa chọn.
     Thời còn sinh viên, tôi rất thích bài hát này, tôi thường chơi đàn và hát bài này cùng các bạn của tôi. Khi đó tôi đã có thắc mắc, tại sao với cùng 5 nốt nhạc Rề-son-la-la-si trong cùng một bài hát mà lại có nhiều lời hát khác nhau đến vậy? Trong 8 câu ca đi cùng 5 nốt nhạc này, thì 7 câu ca đầu nói về tình yêu như là mù quáng, là đau khổ... nhưng đến câu ca thứ 8, câu ca cuối cùng đi với 5 nốt nhạc này, nhạc sĩ viết về tình yêu khác hẳn, Tình yêu như đốt sáng.
     Và tôi cũng thắc mắc tại sao với 5 nốt nhạc rề-son-la-si-rê mà nhạc sĩ khi thì viết lời "Tình reo vui như nắng", khi thì lại "Tình mong manh như nắng" và cuối cùng thì lại viết "Tình cho nhau môi ấm"?
Thật lạ, vẫn cùng trong một bản nhạc, vẫn 5 nốt nhạc đó, vẫn người nghệ sĩ đó, vẫn là ánh nắng, vẫn là tình yêu thôi, nhưng khi thì reo vui như nắng, khi thì lại mong manh như nắng... còn cuối cùng thì lại là cho nhau môi ấm?
    Còn với 4 nốt nhạc Son-đô-si-rề thì sao? Ở đây nhạc sĩ đã viết: ... "Tình xa như trời", "Một mai thức dậy", "Rời nhau hôm nào", "Tình khâu môi cười", "Tình thắp cơn sầu", "Tình đi âm thầm" và cuối cùng là "Tình lên êm đềm".
     Tôi suy ngẫm, rồi hát đi hát lại bài Tình Sầu... cuối cùng tôi cũng nhận ra một điểm chung của 3 câu nhạc và lời này, đây cũng là điểm chung của cả bài hát. Đó là đến cuối cùng thì tình hình cũng sáng sủa, là tình yêu như đốt sáng,  tình lên êm đềm, tình cho nhau môi ấm. Cho dù  dù trước đó có là Tình yêu như vết cháy, Tình khâu môi cười, là Tình chia nhau gian dối...đi chăng nữa.
     Tôi chốt lại rằng sự khác nhau của phần lời, trong khi phần nhạc thì giống nhau bởi vì nhạc sĩ đã viết lời trong những tâm trạng khác nhau. Nhưng đoạn cuối của bài hát có tinh thần lạc quan hơn cả, có lẽ đã thể hiện ý nguyện của tác giả, đó là hãy kết thúc trong tinh thần lạc quan?!!! Nhân đây tôi cũng kêu gọi mọi người hãy kết thúc mọi chuyện trong tinh thần lạc quan, hãy sống lạc quan, yêu đời để có được hạnh phúc!
     Nhưng vẫn có câu hỏi được đặt ra của các bạn trẻ, nếu như mình gặp khó khăn, tai ương, gặp những kẻ xấu muốn làm hại...thì làm sao có thể sống lạc quan, có thể yêu cuộc sống này được?
     Tôi xin thưa rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh, bất chấp khó khăn, tai ương...và hãy nhớ rằng "Cùng 1 hoàn cảnh, nhưng có người lại không nhìn thấy và bỏ qua cơ hội vàng. Tất cả đều tuỳ thuộc cách mà ta nhìn nhận hiện tượng, sự vật xung quanh mình!"
Ví dụ như chuyện 1 người bán giày được gửi sang châu Phi để bán hàng. Sau 2 tuần ông điện về:
- Xin hãy cho tôi về, ở đây không có ai đi giày hết.
Họ gửi sang 1 người bán hàng khác, vài ngày sau ông ta báo về:
- Hãy gửi thêm giày sang đây, càng nhiều càng tốt, vì ở đây chả ai có giày để đi.
Đến đây tôi lại nhớ tới 1 câu chuyện ngụ ngôn mà tôi được nghe kể đã lâu.


Chuyện kể rằng có một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm, con lừa bị rơi xuống cái giếng khô cạn và đau đớn kêu la thảm thiết. Sau khi bình tĩnh đánh giá tính hình, phần vì thương cho con lừa của  mình, phần thì lo người khác sẽ gặp phải tai họa bởi cái giếng cạn này, người nông dân đã quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn và giúp người khác tránh được mối nguy hiểm trong tương lai. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa tội nghiệp. Lúc đầu, con lừa thêm phần kinh hoàng vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng tảng đất được hất xuống giếng liên tiếp theo nhau ập trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên: Cứ mỗi lần một tảng đất rơi đè lên vai, nó lại lắc mình cho đất rơi xuống và ngoi lên trên ! Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một, với một lời tự nhủ và tự cổ vũ: “ Nào mình hãy hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên...” Mặc cho sự đau đớn ê ẩm phải chịu sau mỗi tảng đất ập xuống, mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa tiếp tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”. Và không bao lâu sau, cuối cùng dù bị bầm dập và kiệt sức, con lừa già đã vui mừng đắc thắng bước lên khỏi miệng giếng. Những gì như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó. Tất cả đều nhờ vào cái cách mà con lừa đã can đảm đối diện với nghịch cảnh của sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự tự thương hại, thì những nghịch cảnh tưởng chừng có thể chôn vùi chúng ta, lại sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới. Hất nó xuống và bước lên trên, hãy can đảm bước từng chút một ra khỏi cái giếng mà chúng ta đang gặp phải.

Đời sống có lúc là những xẻng đất cát hất vào bạn, đủ các loại bụi bẩn. Mẹo để thoát ra khỏi giếng là lắc người cho rơi đất cát bụi bẩn xuống và bước lên. Mỗi cái rắc rối của chúng ta, như là một bước đệm. Chúng ta có thể ra khỏi giếng sâu nhất chỉ bằng cách không dừng lại, không bao giờ buông xuôi!  
     Nhà triết học Diogene thì luôn vui nhộn trong mọi hoàn cảnh. Khi bị bọn cướp biển bắt đem đi bán ở chợ bán nô lệ, ông đã trèo lên bục đấu giá và rao lớn: " Có một bậc thầy bị dem đi bán đây. Có ai muốn mua về làm nô lệ không?"...Một nhà quý tộc đã nhận ra giá trị của ông, bèn mua ông, cho ông tự do và mời ông làm gia sư cho các con mình. Hay gần đây là tấm gương của  những người khuyết tật ở Ngôi Nhà An Phúc, họ là những người chịu hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam, trong suốt bộ phim tài liệu The tale of An Phuc house dài 91 phút của đạo diễn Ivan Tankushev, những người khuyết tật này luôn yêu đời với nụ cười nở trên môi... họ đã được rất nhiều lời ca tụng trên đủ các loại phương tiện thông tin. Họ đã vượt qua khó khăn vô cùng to lớn để sống yêu thương nhau, lao động và đàn hát...Bộ phim đã được trao giải Phim tài liệu xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế New York, giải của Hội đồng giám khảo trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và cũng được trình chiếu tại Liên hoan phim thế giới tại Montreal...Những người khuyết tật của ngôi nhà An Phúc đã góp phần không nhỏ để bộ phim đạt được những thành tựu lớn lao này, còn chính họ đã đoạt Giải thưởng của nghị lực sống!
     Chúng ta hãy yêu cuộc sống này để cho nó ngày một đẹp tươi và nó sẽ tác động trở lại cho tâm hồn chúng ta ngày thêm tươi đẹp!

22 comments:

  1. Em đọc rồi , hay và ý nghĩa giáo dục sâu sắc anh ạ ! Anh đọc lại vì có 1số chỗ mắc lỗi chính tả : thừa chữ hoặc thiếu dấu ghi thanh ....

    ReplyDelete
  2. Những quan sát của Minh về bài hát Tình sầu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thú vị! Khi nào rỗi mình sẽ nghe để xem có đúng thế không.

    Theo mình, lạc quan cũng là một tính cách của một vùng, một dân tộc hay văn hóa đấy.
    Mình nhớ lại một còm gần đây của TN, trong bài Không hỉu gì, là lời bài hát của bọn Mỹ có vẻ đỡ bi quan hơn là lời tiếng Pháp (tiếng Đức hay nói chung là châu Âu).

    Người Italia hay Tây ban nha thì hình như bao giờ cũng lạc quan. Có lẽ ở nhưng vùng nhiều nắng người ta lạc quan hơn chăng?

    Ở ta thì dân trong Nam, kể cả người gốc Bắc chuyển vào Nam sinh sống, thường vui vẻ lạc quan và thoải mái vô tư lự hơn dân sống ngoài Bắc?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng ạ! Đúng là bọn Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có vẻ lạc quan hơn. Có lẽ vì vậy mà bọn châu Mỹ La Tinh, thuộc địa của Tay Ban Nha, Bố Đào nha rất lạc quan, đi đâu cũng vui vẻ ầm ỹ, dù bọn nó rất nghèo!
      Còn về bài Tình Sầu, anh lưu ý là đoạn cuối có tinh thần lạc quan hơn cả, có nghĩa là lạc quan hơn các đoạn trên thôi!

      Delete
  3. Câu
    "Một nhà quý tộc đã nhận ra giá trị của ông, bèn mua ông, cho ông tự do và bắt ông làm gia sư cho các con mình."
    có thể hiểu là
    "Một nhà quý tộc ... mua ông, trao trả lại tự do cho ông và mời ông làm gia sư cho các con mình."
    được không ;)

    Cái hay của blog là viết xong, đọc lại, sửa được ngay, không bị "bút sa gà chết"!

    ReplyDelete
  4. Cám ơn anh nhiều! Em sửa ngay rồi, lúc đầu em cũng định viết là "mời", nhưng sau vì muốn chứng tỏ quyền lực của nhà quý tộc đó nên viết là "bắt". Lúc đầu em còn viết thêm cả chuyện Alexander đại đế đến thăm Diogene... đã nói "Nếu ta không là Alexxander, ta muốn là Diogene". Thậm chí còn định viết: "Nếu được sinh ra lần nữa, ta không muốn là Alexander đâu, ta muốn là Diogene", sau đó cứ đắn đo chuyện có nên viết rõ về Diogene? Viết rõ xuất thân, quan điểm...Nhưng rồi thấy như thế dài dòng quá nên lại thôi. vì hôm trước có người đọc bài Ngày Hội Của Sự Tha Thứ, đã nhắn tin riêng cho em là " Bài viết hay, nhưng dài dòng quá"

    ReplyDelete
    Replies
    1. "cho tự do", rồi lại "bắt làm thầy" là đùa chút cho vui thôi Minh à. Wikipedia dùng chữ "thuê" làm thầy.

      Mình thấy Minh rất có tài kể chuyện, nhiều điển tích, lắm ý hay, chứng tỏ đọc rất nhiều sách ;)

      Delete
  5. Cám ơn Minh. "nhân chi sơ, tính bản thiện". Con người sinh ra, bẩn chất cảu hầu hết đều giống nhau. Mỗi người một số phận, song số phận đó không phải là một đường, mà là một giải. Lạc quan, yêu đời và biết mình biết ta, khi đó cuộc đời mình sẽ luôn ở cận trên của giải đó.
    Chúc em luôn lạc quan, yêu đời và luôn ở cận trên của số phận.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng ạ! Đức năng thắng số mà anh, đúng là phải lạc quan, yêu đời và phải biết mình biết ta kẻo sẽ thành lạc quan tếu!

      Delete
  6. Hề hề hề,
    Cám ơn Minh về bài viết.
    Chuyện về nghị lực sống và tinh thần lạc quan trong cuộc sống của mỗi người thì có rất nhiều. Ai trong số chúng ta đều cũng đã được học, được đọc, được nghe và được chứng kiến không ít thì nhiều những tấm gương như vậy từ cuộc sống quanh ta, từ sách báo tham khảo ..... Tuy hhiên để thấm và ứng dụng được nó vào trong cuộc sống của mỗi người lại là vấn đề không đơn giản. Có nhiều điều cần bàn luận về vấn đề này.
    Ngay cả khái niệm lạc quan có lẽ cũng cần định nghĩa cho chuẩn xác lại.
    Không thiếu gì những kiểu lạc quan như lạc quan tếu, lạc quan giả tạo, lạc quan cách mạng và lạc quan ....... mù quáng.
    Vậy cái lạc quan mà chúng ta muốn là lạc quan kiểu gì???
    Thực tế có không ít những cách nhìn nhận của con người khác nhau về cùng một vấn đề. Vấn đề lạc quan này cũng rứa. Tỷ như Minh có cách lạc quan của Minh, Mình cũng có cái kiểu lạc quan của mình. Mặc dù rất có thể hai cái kiểu lạc quan này hoàn toàn chả giống nhau song ít nhiều nó cũng mang lại lợi ích không to thì bé cho người sở hữu nó. Ấy vậy nhưng nếu vác lên bàn cân triết học của các nhà lý luận mà cân thì co khi chúng lại phủ định nhau không hề thương tiếc..
    Vậy thì phải chăng cái gọi là lạc quan này nó cũng sẽ chọn người mà ở đậu.???

    Về cái việc mời hay bắt của Việt Hải đề xuất, thực ra chỉ làm cho nó có thêm tí văn nghệ. còn thực chất của vấn đề là gì???? Mời cũng được , mà bắt cũng xong, bởi cái kết cục của nhà ông Diogene ấy là được sống và làm việc theo ý nguyện của mình. Ông ấy như vậy có phải là lạc quan không nhỉ???
    Chưa chắc, bởi vì theo thiển nghĩ của mình , đó là thể hiện một sự thông minh, sự phản ứng nhạy bén của ông ấy trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống chứ chưa hẳn là sự lạc quan. Bởi nếu ông ấy cứ lạc quan và tin tưởng rằng mình sẽ sống mà không có những hành động hợp lý như tự giới thiệu bản thân như vậy thì có nhẽ cái sự lạc quan ấy cũng theo ông ta xuống mồ mà thôi. Hoặc giả như tụi cướp chả đem ông ấy ra bán đấu giá như vầy mà lại đem ông ấy đi làm khổ sai ở đâu đó xứ Mù căng chải thì thử hỏi cái tự giới thiệu của ông ta có còn đắc dụng hay không hè???? Và ông ấy sẽ lạc quan ra sao????
    Theo thiển nghĩ của mình thì cái gọi là lạc quan cần phải được xem xét và đánh giá dựa trên những hoàn cảnh thực tế cụ thể, những điều kiện xã hội về vật chất và tinh thần cụ thể mới được. Nếu bỏ qua những yếu tố như vầy thì sẽ dễ dàng trở thành thứ lạc quan tếu, lạc quan giả tạo lắm lắm.

    Hề hề hề, ngứa ... tay nên gõ vài dòng tranh luận cho nó ..... thêm ngứa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông Diogene mà tái sinh thời buổi này ... Coi chừng ... Khó mà lạc quan !!!
      Khi không có "phong bì" giới thiệu ... Thì lời tự giới thiệu của ông ta cũng sẽ khó mà ... Được xem xét bởi ông Vua nào đó ... Hi hì ...
      Mình lại nói chuyện "bi quan" rồi ... Chẹp chẹp ... xin lỗi Minh nhé ...

      Delete
    2. Cám ơn anh! Anh phân tích rất hay, chuyện lạc quan thái quá thành lạc quan tếu... có nhiều rồi, nó còn tùy hoàn cảnh nữa. Chính vì vậy mà anh Thái nói "Lạc quan, yêu đời và biết mình biết ta...". Còn chuyện của ông Diogene là em muốn nói đến "Cùng 1 hoàn cảnh, nhưng có người lại không nhìn thấy và bỏ qua cơ hội vàng. Tất cả đều tuỳ thuộc cách mà ta nhìn nhận hiện tượng, sự vật xung quanh mình!". Khi một người lạc quan yêu đời thì sẽ minh mẫn hơn và dễ nhận ra cơ hội hơn...

      Delete
    3. Chính comment của anh đã tỏ rõ tinh thần lạc quan rồi còn gì!

      Delete
    4. Anh Bình phán trúng phoóc: tay Diogenes này nhờ nhanh trí khôn (có lẽ vì đọc nhiều sách thánh hiền) mà thoát kiếp nô lệ, được vào làm gia sư riêng cho con nhà quý tộc, nhàn nhã.

      Có thể nói là kiến thức đã đem lại trí khôn và sự can đảm (=lạc quan) cho ông ta.

      Delete
    5. Chuyện kể là Diogenes bị bán làm nô lệ cho một người vùng Corinth tên là Xeniades. Khi được hỏi có biết làm gì không thì Diogenes trả lời là không biết làm gì cả, chỉ biết "sai khiến" những người khác mà thôi, đồng thời bày tỏ mong muốn được bán cho người nào đang cần một ông chủ (master=vừa có nghĩa là thầy giáo vừa có nghĩa là ông chủ).

      Đây là một cách chơi chữ vì trong tiếng Hy lạp cổ "sai khiến người" (governing men) nghe cũng giống như "giảng dạy về giá trị cho dân chúng" (nguyên văn: teaching values to people). Xeniades nghe thế, thấy thích khẩu khí của Diogenes cho nên mới thuê ông làm thầy dạy hai đứa con trai của mình.
      (Theo wikipedia)

      Như vậy nhờ nhanh nhẹn, khéo ăn nói cho nên buổi phỏng vấn xin việc của Diogenes đã thành công rực rỡ mà không cần phong bì quà cáp gì cả
      ;)

      Delete
  7. Lúc nãy em reply cho anh Bình mà nó lại lạc lung tung, e gõ lại vậy Cám ơn anh! Anh phân tích rất hay, chuyện lạc quan thái quá thành lạc quan tếu... có nhiều rồi, nó còn tùy hoàn cảnh nữa. Chính vì vậy mà anh Thái nói "Lạc quan, yêu đời và biết mình biết ta...". Còn chuyện của ông Diogene là em muốn nói đến "Cùng 1 hoàn cảnh, nhưng có người lại không nhìn thấy và bỏ qua cơ hội vàng. Tất cả đều tuỳ thuộc cách mà ta nhìn nhận hiện tượng, sự vật xung quanh mình!". Khi một người lạc quan yêu đời thì sẽ minh mẫn hơn và dễ nhận ra cơ hội hơn...

    ReplyDelete
  8. Đọc lại tiểu sử của Diogenes mới phát hiện ra là cả nhà mình hồi 2008 đã từng tới Corinth, nơi Diogenes bị bán làm nô lệ và trở thành gia sư cho nhà quý tộc nọ.

    Mình còn nhớ mon men đi qua cái cầu nhỏ để nhìn xuống kênh sâu hoắm ở Vịnh Corinth, trên đường từ Athens đi Địa Trung Hải...

    ReplyDelete
  9. Anh Minh cảm nhận âm nhạc rất tinh tế, anh fân tích các cung bậc của Tình yêu còn sâu sắc hơn cả nhạc sĩ ấy. Em cũng thường thích nghe các bài hát của Nhạc sĩ họ Trịnh nhưng nghe và cảm nhận giai điệu, câu từ của bài hát rồi fân tích nó như anh M thì chưa bao giờ. Thật ngưỡng mộ anh!

    ReplyDelete
  10. Ngoài ra, đọc thêm một chút thì thấy có một vài điều khá thú vị.
    Nói chung ông Diogenes này đề ra lắm ý tưởng, thuyết lý và bản thân cư xử cũng rất là kỳ cục.

    Mình hơi hoang mang khi đọc những điều như vậy trên trang Wikipedia về Diogenes. Có lẽ là mình đọc mà không hiểu, đơn giản hóa mọi sự, dẫn đến những giải thích nhầm lẫn chăng?

    Ví dụ như chủ trương con người ta phải sống tự nhiên như ... con chó. Diogenes ăn ngay giữa chợ, ị ngay trong... rạp hát, thậm chí tự sướng chỗ công cộng, tè hoặc nhổ vào mặt những người xúc phạm ông ta,...

    Tóm lại theo mình Diogenes là một hình tượng khá đặc biệt, thuộc loại "ngồi xổm lên dư luận và xã hội" mà theo cách nói của ta là "Cuồng sĩ".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn đoạn Diogene đốt đèn giữa ban ngày đi tìm người "thật thà thẳng thắn " ...
      Như ở đâu đó có mà tìm cả ngày ko có một "vị quan" nào ... Thanh liêm

      Delete
  11. Bài viết rất ý nghĩa; nó vừa là câu chuyện vừa là bài học cho chúng ta.
    Sống lạc quan là nghị lực, là lựa chọn của mỗi người.
    Cám ơn tác giả.

    ReplyDelete
  12. Đọc, cảm nhận bài viết, em thấy yêu đời, yêu người hơn nhiều. Cám ơn anh Minh.

    ReplyDelete
  13. Bài viết rất hay, chứng tỏ Minh là một người đầy nghị lực . Cách phân tích bản nhạc Tình sầu của cố NS Trịnh công Sơn thâm thuý vô cùng. Cảm ơn Minh đã viết bài nầy

    ReplyDelete