Friday, September 25, 2015

Những bí ẩn của tranh Leonardo da Vincii - 3. The Last Supper

Đầu tiên, tôi phải copy từ facebook của mình, ngày 5/9/2015:

Leonardo Da Vinci
Tính đến thời điểm hiện tại, Ông là họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Thực ra tranh Ông để lại cũng không nhiều, thế nhưng hầu như bức nào cũng chứa đựng những bí ẩn. Đặc biệt Ông có hơn 7000 trang phác họa, nhật ký, mà tới nay người ta vẫn chưa sưu tầm đủ vì chúng phân tán trong những bộ sưu tập khác nhau...
Một buổi chiều hè năm nay 2015, chúng tôi tham quan thành phố Minsk - Belarus. Ngay trên quảng trường trung tâm có một nhà thờ nhỏ màu nâu đỏ rất đặc biệt. Tôi lại gần và nhận ra bức tranh quen thuộc của Ông, tất nhiên là bản photocopy nhưng trong ánh nắng chiều hè, nó hiện ra thật rực rỡ. Gần đây tôi lấy ảnh chụp bức tranh làm cover của mình và tìm hiểu thêm về bức tranh cũng như sự nghiệp của Ông. Càng tìm hiểu, càng thích thú, càng khám phá, càng phấn khích... tới mức phải viết bài về Ông và trao đổi với mọi người.
Hình như vũ trụ này cũng có giới hạn và thời gian dường như qui tụ vào cuối thế kỷ 15???!!!
Bức tranh tại Nhà thờ Đỏ - Minsk (Belarus)


Hôm ấy chúng tôi chụp rất nhiều ảnh tại quảng trường này và không ngờ rất là đẹp! Sáng hôm sau lại chụp tại quảng trường Đỏ - Matxcova, lại càng đẹp hơn!!

"Bức tranh của Vinci mô tả lại một đoạn trong sách Kinh Thánh rằng: Judas — một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu — nộp Thầy của mình cho các lực lượng đối lập với Chúa Giêsu lúc bấy giờ, là giới lãnh đạo tôn giáo và nhà cầm quyền La Mã để đổi lấy 30 đồng bạc. Ở bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Giêsu (ở chính giữa bức tranh), đang nói với các môn đồ: "Trong các con có kẻ muốn nộp Ta". (trích Wikipedia tiếng Việt)

Tác giả đứng trước Nhà thờ Đỏ
Bức bích họa được Leonardo vẽ trực tiếp lên trên tường tòa Thánh Milano, lấy khung cảnh trai phòng của tu viện Santa Maria, mô tả Chúa Jesus và 12 môn đệ trong bữa ăn cuối cùng trước khi  bị môn đệ Judas phản bội, ngày hôm sau Ngài bị đóng đinh trên cây thập giá!
Leonardo vẽ Chúa Jesus ngồi ở giữa các tông đồ, tay trái xòe ngửa ra, còn tay phải úp sấp, và nói câu nổi tiếng trên.
Tuy nhiên, bức tranh còn ẩn chứa cực nhiều điều bí mật mà thế hệ sau phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu mới dần phát hiện ra.

1. Leonardo da Vincii tự họa bản thân
Bức tranh sơn dầu. sao lại bởi Giovanni Pietro Rizzoli, 1520, hiện đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Anh
Bức tranh trên này là một dị bản của bức vẽ lên trên tường thành Milano. Leonardo có thói quen vẽ nháp và vẽ sao lại nên để lại cho thế hệ sau này nhiều bí ẩn. Người ta dùng những biện pháp hiện đại nhất để phân tích và nhận ra rằng Ông vẽ rất nhiều lớp màu và hòa quyện vào với nhau rất đặc biệt.
Về mặt công nghệ, Ông đã vẽ màu trực tiếp lên bức tường khô nên sau này chất màu bị phai nhanh chóng và rất khó cho việc bảo quản và phục chế. Bức tranh hiện tại trên tường đã qua nhiều lần phục chế và hầu như các nét vẽ của chính tác giả đã bị tô lại nhiều lần. Tới đầu thế kỷ 16, bức tranh bắt đầu nứt và hỏng dần. Chỉ trong vòng 50 năm, nó đã mất hoàn toàn sự hoành tráng vốn có. Các nỗ lực phục chế càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Tên và vị trí các Thánh trên Bức tranh tường
Ross King, chuyên gia phê bình nghệ thuật cổ đại cho biết, còn tìm thấy bằng chứng Leonardo da Vinci vẽ chính mình trong bức họa hơn 515 tuổi này. Khuôn mặt của danh họa lại từa tựa như hình ảnh Thánh James ‘nhỏ’ và Thánh Thomas. Và chúng ta cũng không quá ngạc nhiên vì Leonardo có thói quen vẽ mình từ nhỏ, hơn nữa Ông rất kén chọn người mẫu và chỉ dùng khi cần thiết.

2. Bố cục nghệ thuật của Bức tranh tường.
Bức tranh tường Milano (tiếng Ý: Il Celacono hay L'Utima Cena)
Theo truyền thuyết, bữa tiệc được tổ chức tại một nơi ngày nay gọi là Căn phòng “Bữa tiệc cuối cùng” trên núi Sion, ngay bên ngoài bức tường của Cổ thành Jerusalem.
Trước “Bữa tiệc cuối cùng” của Leonardo da Vinci, chưa hề có một tác phẩm hội họa tả thực nào có được phong thái hiện thực tinh tường và sống động đến thế. Nó vượt qua cung cách “kiểu thức hóa” của các tác phẩm cùng chủ đề có trước đó. Nó còn vượt qua cái nhìn nghệ thuật “hướng đến cái đẹp lý tưởng” với các tiêu chuẩn toán học về sự hài hòa tiếp thu từ nghệ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại chi phối cảm quan nghệ thuật của các nghệ sĩ đương thời. Những gì hiện diện ở tác phẩm đều là “khách quan tuyệt đối”. Thêm nữa, do kích thước lớn (450 x 870cm), và do cách phối cảnh, bức tranh đã nhập hẳn vào “thế giới khách quan” như một sự kiện độc đáo! Một bàn tiệc góc cạnh được Leonardo "cách điệu" và duỗi bàn thành chiếm chọn chiều ngang của bức tranh, để tạo điều kiện có thể mô tả một cách chi tiết khuôn mặt, phản ứng và hành động của tất cả các nhân vật.
E.H. Gombrich, trong “Câu chuyện nghệ thuật” (“The story of art”-xuất bản lần đầu năm 1950) đã có lý khi mô tả:
“… Bức họa bao phủ một mặt tường của gian sảnh hình chữ nhật dùng làm phòng ăn cho các tu sĩ thuộc tu viện Đức Bà Đầy Ơn Phúc ở Milan. Người ta phải hình dung cái sự thể đã xảy ra khi bức họa được trưng bày lần đầu, và khi sát kề những dãy bàn ăn dài của các thầy dòng là bàn tiệc của Đức Kitô và các Tông đồ. Trước nay chưa khi nào câu chuyện thánh này có vẻ gần gũi và giống thật đến thế. Như thể một gian sảnh khác được nối thêm vào với gian phòng của các thầy dòng, tại đó Bữa Tiệc Ly mặc lấy một dáng vẻ hiện thực. Cái luồng sáng đổ xuống trên bàn tiệc mới trong trẻo làm sao, và nhờ nó các nhân vật thêm đầy đặn và thuần khiết biết nhường nào. Có lẽ các thầy dòng là những người đầu tiên bị choáng váng vì lối diễn đạt vô cùng chính xác đã lột tả mọi chi tiết, từ các chén đĩa trên bàn và những đường lõm của y phục xếp nếp…” 

3. Đứa bé và bản nhạc trong bức tranh bữa tối cuối cùng.
Cách lấy đối xứng gương và ghép với bản thật của tranh Leonardo Da Vinci lại được lặp lại. Slavisa Pesci, một chuyên gia công nghệ thông tin, đã tạo ra một hiệu ứng hình ảnh tương đối thú vị bằng việc làm mờ bức tranh đi một nửa và chồng hai phiên bản của bức tranh lại với nhau.
Phân tích củaPesci: Đứa bé đang ôm vai Chúa

Kết quả nhận được hết sức bất ngờ, xuất hiện hình ảnh một đứa bé đang ngả vào vai ai đó ở giữa bức tranh và hai Hiệp sĩ Thánh chiến ở phía đầu bàn bên phải của Chúa.

Gần đây, một nhạc sĩ kiêm kỹ sư tin học nổi tiếng của Ý - tên là Pala, lại vừa công bố phát hiện về những nốt nhạc ẩn đằng sau bức “Bữa tiệc cuối cùng” của danh hoạ Leonardo Da Vinci, trên cơ sở những chiếc cốc, bánh mì và bàn tay các nhân vật, tạo ra những nốt đen trên khuông nhạc.
Bản nhạc buồn trên bức tranh của Leonardo da Vinci

Phát hiện này đang làm tăng thêm khả năng của thiên tài thời kì Phục Hưng về âm nhạc và có thể Ông đã dấu một đoạn nhạc có giai điệu buồn vào bức tranh. Theo Pala, phát hiện này cũng hoàn toàn phù hợp với những biểu tượng trong đạo Cơ Đốc, giữa bánh mì - biểu thị cho thân thể của Chúa và bàn tay - được dùng để ban phát thức ăn. Tuy nhiên, nếu chỉ có dấu hiệu về những nốt nhạc thì chưa đủ làm nên một giai điệu đúng nghĩa, cho tới khi Pala phát hiện ra điểm mấu chốt: khuông nhạc này phải được đọc từ phải sang trái – theo đúng cách viết của Leonardo. Giai điệu của một bản nhạc buồn vang lên trong 40 giây như cầu siêu cho linh hồn của người đã khuất.

4.  Mật mã Da Vinci
Thú thật rằng tôi chưa đọc tiểu thuyết nổi tiếng "Mật mã Da Vinci" của Dan Brown xuất bản lần đầu tiên năm 2003, một trong số các quyển sách bán chạy nhất thế giới với trên 40 triệu quyển được bán ra (chỉ tính đến tháng 3 năm 2006), và đã được dịch ra 44 ngôn ngữ. Tuy nhiên tôi đã xem phim (cùng tên) của đạo diễn Ron Horward, công chiếu năm 2006, và bị cấm tại nhiều nước như: Ấn độ, Trung Quốc, Jordani, Hy lạp, Pakistan... Phim thuộc loại trinh thám điển hình nói về hành trình tìm mật mã trên Chén Thánh của nhà giải mã, giáo sư Langdon (Tom Hank đóng) với sự giúp đỡ của Sophie Neveu (Audrey Tautou), cháu gái của người trông bảo tàng Luvre vừa bị giết... Mật mã này có liên quan tới "dãy số Fibonacci" nổi tiếng và bức tranh tường "The Last Supper" của Leonardo Da Vinci.
Nét mặt của nhóm đáng chú ý nhất: Judas, Peter và Jonh Mary (Mary Magdalene)
Trong truyện, một chuyên gia đã phát hiện ra trên bức tranh bức tranh "Bữa tối cuối cùng" người học trò John Mary đứng cạnh Chúa, có vẻ mặt và dáng vóc của một người phụ nữ với ngực vồng cao. Ông ta kết luận đó chính là Mary Magdalene, "người yêu của Chúa", "mang dòng máu của Chúa", thể hiện bởi đứa bé gục vào vai Chúa trong tranh ghép đã nói ở trên. Bàn tay của Thánh Peter đặt lên vai Thánh John có ý nghĩa thế nào? Nhiều người cho rằng đó là hành động ám chỉ sẵn sàng cắt cổ kẻ phản bội mà sau này trở thành biểu tượng "cắt cổ" mỗi khi đưa bàn tay lên ngang cổ, thường được người Châu Âu sử dụng. Bàn tay này khi làm mờ đi lại trở thành cánh tay của đứa bé ôm cổ Chúa rất thân thiết và ẩn ý của Leonardo đã được thế hệ sau giải mã thật rõ ràng. Tuy nhiên nhìn kỹ vào trang phục của Thánh Peter, thì màu áo cổ tay trái là màu vàng, không hợp với màu áo xanh ông đang mặc và phần tay phải! Vậy có thể kết luận rằng bàn tay đưa cổ Mary là một ẩn ý sâu xa của họa sỹ. Ngoài ra còn một bàn tay nữa sau lưng Thánh Peter, mà không biết là của ai, một bàn tay thừa? Vì nếu cho là bàn tay của Thánh James "nhỏ" thì nó cũng "quá khổ" so với tỷ lệ thông thường. Nên nhớ rằng Leonardo là bậc thầy về vẽ giải phẫu học các bộ phận của cơ thể con người, và như vậy không thể có một sai sót cho cánh tay của Thánh James dài ra hàng chục centimetre như vậy.
Người ta đưa ra kết luận là họa sĩ cố ý vẽ hai bàn tay cắt cổ: một là dành cho Judas, ngồi cạnh bàn, người ngả về sau, tay phải ôm khư khư túi tiền 30 dinar bán Chúa; một cái khác chính là dành cho Mary Magdalene. Như vậy tiểu thuyết "Mật mã của Da Vinci" đã hé lộ một phần những bí mật, được đồn đại hàng ngàn năm qua, liên quan tới đạo Thiên Chúa và Chúa Jesus - người được coi là con của Đức Chúa Trời. Sự "hư hư thực thực" của tiểu thuyết được tăng thêm đáng kể với những "bằng chứng" được thể hiện trong hai bức tranh bất tử, đầy huyền thoại của Leonardo Da Vinci: Mona Lisa và The Last Supper.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao họa sĩ vĩ đại của chúng ta lại có thể biết được những bí mật ghê gớm này một cách tường tận và đưa vào những tác phẩm của mình đầy ẩn ý? Câu trả lời dường như còn ở tương lai vì càng tìm hiểu tranh của Da Vinci, người ta lại càng khám phá ra nó gắn liền với nhiều sự tích trong Công giáo và có cảm tưởng như Ông là người tham gia vào chính những sự kiện này và hiểu rất rõ những nhân vật và cả đồ vật xung quanh Chúa Jesus.

5. Chén Thánh và Máu Thánh.
Chén Thánh ở Tây Ban Nha
Thực ra Chén Thánh không có trong bức tranh trên tường Milano, mà đó là điều vô lý vì "bữa tiệc ly" là bữa tiệc uống rượu vang và các tông đồ của Chúa Jesus ai cũng có "ly" trước mặt mà Chúa lại không có? Tương truyền rằng sau khi Leonardo Da Vinci đã Chén Thánh trên bức tranh tường và được nhiều người khen ông vẽ Chén Thánh đẹp. Sau đó Da Vinci đã cạo bỏ hình Chén Thánh đi để người xem chú ý vào ý nghĩa của bức tranh.
Trong hai ngàn năm qua, có nhiều tin đồn rằng Chén Thánh chứa đựng nhiều sức mạnh và quyền lực vô biên, ai sở hữu Chén Thánh đều có tài năng xuất chúng vượt bậc, vì trong buổi tiệc đó Chúa Giê-su đã dùng quyền phép biến rượu trở thành Máu Thánh.
Truyền thuyết kể rằng Joseph thành Arimathea đã dùng Chén Thánh hứng Máu Thánh khi tẩm liệm Chúa Jesus, bản thân ông ta sống được nhờ Máu Thánh và Chén Thánh. Sau này ông ta lén đem về Vương quốc Anh nơi ông ta tổ chức một dòng dõi truyền nhân đặc biệt qua nhiều thế hệ để giữ gìn vật thiêng liêng này. Việc tìm kiếm Chén Thánh đã trở thành một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của vị vua với nhiều giai thoại, đó là Vua Arthur của Anh sống vào cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6, như được kể lại qua các tác phẩm của Chrétien de Troyes vào thế kỷ 12.
Vào tháng 2 năm 2006, Michael Baigent và Richard Leigh, hai trong ba tác giả của "The Holy Blood and the Holy Grail", kiện nhà xuất bản Mật mã Da Vinci tại Anh ra tòa về tội vi phạm bản quyền, họ cho là đạo văn. Có một số nguồn cho rằng vụ kiện này chỉ là trò quảng cáo với mục đích tăng doanh số của cuốn sách The Holy Blood and the Holy Grail, thực tế là doanh số của cuốn sách đã tăng từ 350 bản lên 4000 bản một tuần sau vụ kiện.
Ngày 7 tháng 4 năm 2006, thẩm phán Tối cao Pháp viện Peter Smith bác bỏ kết tội vi phạm bản quyền của Michael Baigent và Richard Leigh, và Dan Brown thắng vụ này. Chi phí hơn 1 triệu bảng của vụ kiện mà các tác giả của The Holy Blood and the Holy Grail phải gánh chịu được coi là khá lớn so với lợi nhuận đem lại do việc tăng doanh số bán sách.
Mới đây, có hai nhà nghiên cứu lịch sử người Tây Ban Nha đã khẳng định một chiếc chén bằng vàng hơn 1.000 năm tuổi tại nhà thờ San Isidoro ở thành phố Leon chính là chiếc Chén Thánh huyền thoại. Đó chính là Chén trong ảnh trên và nó thuộc sở hữu của một công chúa xứ sở bò tót, nên được nạm ngọc trên những vành trang trí bằng vàng. Chiếc chén này thu hút một lượng khách du lịch rất lớn đến Tây Ban Nha nhưng không thể hiện được "quyền năng và bí ẩn" như trong truyền thuyết.
Biểu tượng của Hội Tam Điểm
Liên quan tới sự tích Chén Thánh phải nhắc tới Hội Tam Điểm (tiếng Anh: Freemasonry, tiếng Pháp: Franc-maçonnerie) mà hầu hết các nhà hoạt động XH nổi tiếng đều có tên trong Hội này như: George Washington, Benjamin Franklin, Andrew Jackson, Theodore Roosevelt, hay các nhà khoa học nổi tiếng như Charles Darwin, Isaac Newton; nhà văn như Mark Twain hay tiểu thuyết gia trinh thám Sir Arthur Conan Doyle, danh họa vĩ đại Leonardo da Vinci, nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Mozart…Ở Việt Nam những cái tên: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, vua Duy Tân, Trần Trọng Kim, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Huyến, Trịnh Đình Thảo, Tạ Thu Thâu, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Trung, Dương Văn Giáo, Lê Thước... từng là Hội Viên Hội Tam Điểm. Nguyễn Tất Thành khi sang Pháp năm 1912 cũng đã từng viết đơn xin vào Hội này và Nguyễn Ái Quốc là tên chung của một nhóm người Việt Nam yêu nước: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh Nguyễn Tất Thành.
Liên quan tới Hội Tam Điểm và Chén Thánh, trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, phải nhắc tới: Tu viện Sion (Priory of Sion), Hiệp sĩ Dòng Đền hay Dòng Tên (Knights Templar)...
Ta cũng nên nhớ về xuất xứ của từ Chén Thánh, một từ tiếng Pháp cổ là Sangraal. "Theo cách lý giải thông thường, Sangraal hợp thành từ hai từ San (Thánh) và Graal (Chén). Trong tiểu thuyết, Dan Brown cho rằng có thể hiểu Sangraal theo một nghĩa khác và chiết tự Sangraal thành hai từ Sang (Máu) và Raal (Hoàng gia). Biểu tượng chữ V của Chén được hiểu như biểu tượng của người phụ nữ. Vì thế, Sangraal không chỉ là Chén Thánh mà còn là Dòng máu Hoàng tộc và ám chỉ một người phụ nữ, Mary Magdalene, đã mang trong mình giọt máu hoàng tộc, giọt máu của Chúa Jesus." (wikipedia tiếng Việt).

6. Gương mặt Jesus và Judas
Tài liệu chính thống nói rằng Leonardo da Vinci vẽ bức tranh tường trong 3 - 5 năm (1494 - 1499). Tuy nhiên trong dân gian đồn thổi rằng Ông vẽ bức tranh trong 7 năm, vì rất khó tìm được người mẫu đúng ý ông.
Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm người mẫu vẽ Chúa Jesus. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng liền trước chàng trai và hình ảnh Chúa Jesus đã hiện ra trên bức vẽ đầu tiên. Rồi lần lượt, ông cũng đã hoàn thành xong hình ảnh 11 vị tông đồ mà có khi phải dùng chính bản thân mình làm người mẫu. Tuy nhiên vẫn còn một người cuối cùng, chính là kẻ phản bội: Judas Iscariot. Ông tìm hình tượng một kẻ đê tiện, hèn hạ tận đáy xã hội ròng rã suốt 6 năm, cho đến khi ông gặp được một tên tội phạm sắp bị tử hình tại nhà tù Roma. Ông miệt mài vẽ lại hình tượng kẻ xấu xa trong 6 tháng trước khi hắn bị hành quyết. Đến ngày cuối cùng, hắn mới nói với Da Vinci: “Ông còn nhớ tôi không, tôi chính là nhân vật đầu tiên trong tranh của ông 7 năm trước đây”.
Phác họa của Leonardo da Vinci cho các nhân vật trong bức tranh
Da Vinci đã dành rất nhiều thời gian để miêu tả những người ở bên cạnh Chúa Jesus. 12 tông đồ như một xã hội thu nhỏ có người tốt, kẻ xấu; người trung thực, kẻ dối gian; người căm phẫn kẻ sợ hãi; người bộc trực, kẻ trầm ngâm. Các tông đồ có thể phân thành 4 nhóm như sau:
- Nhóm người sợ hãi: 3 người phía phải ngoài cùng. Họ không ngờ trong số tông đồ có người phản Chúa.
- Nhóm người sững sờ: 3 người phía phải cạnh Chúa. Họ dường như muốn hỏi: có phải Chúa ám chỉ con?
- Nhóm tranh luận: 3 người phía trái ngoài cùng. Họ đang đoán xem ai là người mà Chúa nhắc tới và dường như họ đã biết thủ phạm.
- Nhóm đáng nghi nhất: 3 người phía trái cạnh Chúa. Phản ứng của họ mãnh liệt hơn cả, đặc biệt là nét mặt của Judas và bàn tay giữ chặt túi tiền, người ngửa về sau như tránh cú đòn trực tiếp.
Nổi lên trên tất cả là hình tượng Chúa điềm tĩnh, nét mặt hiền dịu in trên nền trời xanh êm ả, coi như Ngài không lưu ý gì tới sự xôn xao náo động chung quanh. Tuy nhiên người ta đọc được nét thoáng buồn trên khuôn mặt và hai bàn tay của Chúa.
Nếu câu chuyện đồn thổi dân gian là sự thực: gương mặt của Chúa và Judas là một, thì chúng ta có thể thấy sự biến đổi của con người theo thời gian và tác động của xã hội mạnh mẽ tới mức nào. Cũng chính vì vậy Giáo hội rất ghét tác phẩm của Dan Brown và cho rằng tác giả đã đánh đồng Thiên thần và Ác quỉ, đã khơi ra những truyện trần tục của Chúa Jesus và tầm thường hóa Chúa, trái với giáo luật. Nhưng công bằng mà nói, tranh của Da Vinci mang ta đến gần sự thật hơn, nó bao gồm cả cách sinh hoạt, đối xử và những tập quán thời cổ, cách suy nghĩ và phản ứng với câu nói gần như là nổi tiếng nhất của Chúa: "Trong số các con có kẻ sẽ phản bội Ta. Mặc dù Ta phải ra đi như đã ấn định, nhưng tội lỗi cho kẻ nào phản Ta." 

                                                                             Nguyễn Công Thành
PS: Thực ra tôi còn định viết thêm "mục 7" trong bài viết này nói về giới tính của Leonardo da Vinci, nhưng lại cảm thấy làm như vậy là nhẫn tâm với "thiên tài vĩ đại" của loài người, nên có khi sẽ bổ sung sau vậy!
Bài viết sử dụng nhiều nguồn tài liệu, mà đến bây giờ tôi cũng không nhớ hết. Nguồn chính thống vẫn là Wikipedia tiếng Việt, Nga và Anh.


14 comments:

  1. Ngôi nhà 107 THĐ của hội tam điểm xây năm 1900 vừa sập ....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi! Đọc bài của Trần Thu Dung mới đây, thấy sự kì bí và sức sống mãnh liệt của Hội Tam Điểm.
      http://vi.rfi.fr/viet-nam/20130128-cuon-sach-ve-hoi-tam-diem-o-viet-nam-phong-van-tac-gia-tran-thu-dung

      Delete
    2. Sự kiên nhà 107 Trần Hưng Đạo tự nhiên ... sập rất kì lạ, thúc đẩy tôi ra bài báo này!

      Delete
  2. Hồi ở Nga, đi chơi các thành phố là bạn bè đưa đi nhiều nơi như hầm mộ Kiev, Nhà Thờ Đỏ, Minsk...nhưng thời đó mình chưa hiểu gì cả. Tiếc quá!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bức tranh bữa tối cuối cùng vừa mới được treo lên ở Minsk thôi, Minh à. Hồi năm 2013 anh có qua Nhà thờ Đỏ nhưng không thấy!

      Delete
  3. Anh Thành có định theo gót Dan Brown viết truyện lấy motiv từ những truyền thuyết bí ẩn trong tôn giáo và nghệ thuật không đấy?

    Một bài tổng hợp hết sức thấu đáo, nhiều chi tiết hấp dẫn!

    Có dạo Hải cũng rất ham đọc và tìm hiểu về những đề tài bí ẩn đằng sau các tác phẩm nghệ thuật này. Đó là hồi đang học ngoại ngữ. Chỉ nhớ là phải tra từ điển vỡ mặt, nhưng vì đọc mà hiểu được láng máng thì cũng thấy thú vị rồi nên vẫn tiếp tục cày bừa...

    Gần đây cũng nhờ xem phim và đọc truyện của Dan Brown mà biết thêm về "Hội tam điểm" và các loại "conspiracy theories" về hội này...

    ReplyDelete
    Replies
    1. VH ah!
      Anh không thần tượng Dan Brown mà chỉ mới tìm hiểu gần đây. Mọi thứ viết ra đây cứ như là có Leonardo dẫn dắt. Anh đã phải chắt lọc đi, vì viết hết những gì đọc được thì rất dài và như thế làm người đọc chán ngán.
      Về conspiracy theories và Hội tam điểm, thì có rất nhiều phim hay và ấn tượng. Anh thích nhất phim của Nicolas Cage "National Treasure", cũng liên quan tới mật mã và các kiểu Tổng thống + Hội tam điểm.

      Delete
  4. Hề hề hề, Thử làm một phép giả định như sau.
    Mọi sự phân tích mà thám tử đã nghiên cứu và công bố trên đây là sự thật. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: " Phải chăng Leonardo Vinci là ai??
    Là ai mà có thể thấy và hiểu cẵn kẽ, đầy đủ về Chúa như vậy???
    Là ai mà có thể biết trước được hậu thế sẽ vạch vòi bức tranh của mình để tìm ra các bí mật của Chúa???
    Là ai mà dám bịa ra một bức tranh khiến hậu thế có thể hiểu nhầm về Chúa nếu như các sự phân tích và đánh giá mà thám tử công bố là không đúng ????
    Thật là ....... làm thám tử đau đầu.....Tội quá , tôi quá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Câu trả lời có từ bài trước rồi, Bình ah! Leonardo là người ngoài hành tinh. Vì thế cho nên Thành chẳng đau đầu tẹo nào (chỉ có những thằng ngu mới đau đầu)!
      Nếu cần tôi sẽ lên con tàu ngược thời gian... cùng Leonardo Da Vincii!

      Delete
    2. Hề hề hề, lại giả sử rằng câu trả lời về Leonardo Vinci của thám tử là đúng thì có nhẽ người hiểu được điều đó cũng là người ngoài hành tinh chăng???
      Vậy thì Mõ tui lại có duyên kết bạn được với một người ngấp nghé "ngoài hành tinh" là thám tử Công Thành ư???
      Ôi, vinh dự, vinh dự quá cho một thằng ngu như ....... Mõ này.
      Hề hề hề,....

      Delete
    3. Ý anh Thành có lẽ là "chỉ có người khờ dại, ngu ngốc mới đau đầu về một chuyện vớ vẩn như vậy".

      Còn "người từ ngoài hành tinh" thì chắc có lẽ đồng nghĩa với "khác người bình thường", "phi thường", "không bình thường". (Hoặc nôm na hơn nữa là "điên" ;)

      Đương nhiên phải là một người "phi thường" mới hiểu được những kẻ "phi thường" khác... ;)

      Người ta cũng bảo, "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", suy ra rằng bạn của một người "không bình thường" hay "phi thường" nhiều khả năng cũng là một kẻ "phi thường" hay "không bình thường"...

      Như vậy cứ theo cách lập luận của a PT Bình thì hai anh PTB và NCT đều đang ở ngoài hành tinh cả!

      Không những thế, cả cái hội XĐTV này đều là những người ngoài hành tinh cả.

      Khiếp quá, viết nhảm một lúc mà thấy mọi sự đau đầu đều tan biến ;)))

      Delete
    4. Lớp Đỏ bọn anh thường hay mắng "yêu" nhau như vậy, VH ah!

      Người ngoài thấy thế chắc bảo: "Đúng là lũ ĐIÊN"!

      Delete
  5. Xem lại bài của anh Thành mới để ý thêm một điều là cái logo của Apple's "App Store" rất giống với biểu tượng của Hội Tam Điểm.

    Không lẽ Steve Jobs cũng là một thành viên của hội này?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi! Anh xem bài "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của TN cũng đã nhận ra điều này. Chính vì thế mới có một đoạn khá dài về Hội tam điểm. Mà cái tên Việt của Hội này cũng có một không hai: xuất phát từ chuyện viết thư cho nhau, các thành viên của Hội hay dùng ký hiệu 3 điểm của một tam giác đều... Lại nhớ đến ngày thành lập Hội XDTV thi nhau vẽ biểu tượng của Hội! :)

      Delete