Wednesday, November 7, 2012

Những người phía bên kia nghĩ gì về chủ nghĩa Marx?

Chúng tôi sang Liên Xô du học năm 1983, thời kỳ mà Liên Xô còn là một siêu cường. Có lần trong lúc tranh luận, một anh bạn người Việt học cùng khoá vói tôi đã nói: “Tao thấy Mark đúng, nhưng Lê Nin sai!” Mọi người cười to và 1 người trong chúng tôi lớn tiếng: “Thời gian sẽ trả lời, rằng mày là một thằng điên hoặc là 1 Vĩ Nhân!”.

Vâng! Thời gian đã trôi qua gần 30 năm và chiến tranh lạnh đã kết thúc hơn 20 năm. Nhưng những người phía bên kia nghĩ gì về chủ nghĩa Marx sau sự kiện 1991? Nhân ngày 7-11 tôi xin gửi một bài viết (Đã lâu rồi) để anh chị em cùng tham khảo nhé! Bài này tôi đã post cho các bạn lưu học sinh trên lhsvn.com.vn năm 2007, nhưng giữ nguyên tên bài của chính tác giả.
Karl Marx-Nhà Tư Tưởng Của Thế Kỷ XXI
John Cassidy, trong bài viết trên Người Nữu Ước, số đặc biệt về Tân thiên niên kỷ ("Next", Oct 20/27, 97), coi Marx sẽ là nhà tư tưởng lớn của tân thế kỷ. "Một trăm năm chục năm trước, ông ta ngồi trong Thư viện Anh, phân tích những vấn đề của tư bản chủ nghĩa và những đức hạnh của chủ nghĩa Cộng Sản. Marx đã sai lầm về chủ nghĩa Cộng Sản. Liệu ông ta đúng, về chủ nghĩa tư bản?"
Tác giả kể lại một buổi gặp gỡ một người bạn. "Càng loanh quanh ở khu Phố Tường, Wall Sreet, tôi càng nhận ra là Marx có lý". Ông ngạc nhiên, tưởng bạn nói đùa. "Hiện đang có sẵn một Nobel cho một kinh tế gia làm sống lại Marx, kết hợp những vấn đề của hôm nay và đưa ra một kiểu mẫu hợp lý. Tôi rất tin tưởng, cách tiếp cận tư bản chủ nghĩa, của Marx là tối hảo.” Cassidy chới với. Cả hai cùng học Oxford, vào cái thời mà hầu hết các ông thầy đều đồng ý với Keynes, khi cho rằng chủ nghĩa Cộng Sản là một sỉ nhục trí thông minh của con người. Nhưng người bạn của ông là một chuyên gia, kinh nghiệm đầy mình về tài chính toàn cầu, một người “ăn nằm” với Wall Street. Có cái gì cần phải coi lại. Bị ám ảnh bởi câu nói của bạn, Cassidy đi nghỉ hè, “còng lưng với gánh nặng lịch sử” - những tác phẩm của Marx: Lý Thuyết Thặng Dư Giá Trị, Ý Thức Hệ Đức, Tuyên Ngôn... Dần dần ông nhận ra vấn đề. Cách đây 50 năm, Edmund Wilson ghi nhận, phần lớn văn xuôi của Marx "thôi miên người đọc bằng những nghịch lý, sau cùng là giấc ngủ".
Mấy chục năm, thời gian đâu làm cho Marx dễ đọc hơn. Ngay Engels cũng than phiền, những chương sách quá dài, văn thì hũ nút. Marx thích nhất, khi õng ẹo, làm dáng (coquetting), với những diễn đạt mượn từ Hegel. Không phải ông không biết viết. Khi nghĩ rằng, mình thích, ông có thể viết những câu văn giản dị, những "sấm ngôn", vốn là những khối thuốc nổ nén lại (Wilson). Nhưng thuờng ra, ông viết như thể sự trong sáng, thói tiết kiệm ngôn từ là những cái bẫy của giai cấp trưởng giả. Cùng với sự sụp đổ chủ nghĩa Cộng Sản, di sản của Marx càng thêm u tối. Nhưng đây không phải là điều ông quan tâm. Sự thực Marx rất ít biết về chuyện xã hội "xã hội chủ nghĩa" làm ăn ra sao.
Là một "sinh viên" của chủ nghĩa tư bản, ông phải được đánh giá từ quan điểm đó. Khi không có ý định giải trí người đọc, ông kéo họ vào những nghiên cứu: tình trạng toàn cầu hóa, mất cân đối, tham nhũng chính trị, độc quyền, tiến bộ kỹ thuật, văn hóa cao xuống dốc, thiên nhiên bực bội về cuộc sống hiện tại... toàn những vấn nạn kinh tế gia đang phải đương đầu. Quan điểm "free enterprise" [tự do kinh doanh] của Marx được nhiều thương gia hò theo, nhưng thà bắt họ nằm sấp, đánh vài roi vào đít, chứ đừng gán cho họ là Mác-xít.
Trước 1975, giáo sư Trần Văn Toàn cũng cho rằng, chế độ tư bản hưởng lợi rất nhiều, nhờ Marx: Họ hiểu Marx, hoặc thực sự có đọc Marx. Chế độ công đoàn, tự điều chỉnh (auto-régulation)... là từ Marx. Khi những nhà bảo thủ khẳng định chế độ an sinh xã hội [welfare] bị sa lầy, và nó sẽ giết chết những cơ sở tư nhân, khi chúng ta tin rằng chế độ Xô-viết sụp đổ, vì không cùng nhịp (en jeu) với hiệu năng của chủ nghĩa tư bản, như vậy là đã chấp nhận quan điểm của Marx, về kinh tế chỉ huy. Marx tin tưởng, xã hội làm ra sản phẩm ra sao, con người như thế đó; nói rõ hơn, hành vi, niềm tin của con người hoàn toàn phụ thuộc đường hướng xã hội tổ chức, sản xuất, phân phối sản phẩm.
Tuy chỉ trích sự thờ phụng đồng tiền xô đẩy con người vào những tham vọng thấp hèn, Marx không hề coi thường thị trường tự do [free market]. Chỉ trong vòng 100 năm thống trị, giai cấp trưởng giả đã tạo nên những thành quả khổng lồ, bằng bao nhiêu thế hệ trước cộng lại. Hơn nữa cuộc cách mạng kỹ nghệ của họ không hề bị trói buộc chỉ vào một quốc gia; bởi vì sự cần thiết thị trường mới là một nhu cầu thường trực, nó luôn thúc vào đít giai cấp trưởng giả, "săn đuổi họ tới cùng trời cuối đất".
Tới đâu, nó cũng coi thường những cách thức mang tính truyền thống, về sản xuất vật dụng. "Tất cả những kỹ nghệ mang tính quốc gia, cổ lỗ đã bị huỷ diệt, hoặc đang bị huỷ diệt từng giờ từng phút. Bóng dáng những kỹ nghệ mới nơi cuối đê đầu làng là một câu hỏi sống chết đối với mọi quốc gia có văn hóa. Không phải chỉ ba dịch vụ buôn bán cò con, địa phương đau khổ. Toàn thể văn hóa bị xô giạt qua một bên, bởi sức mạnh tàn nhẫn của hiện đại hóa, của nhu cầu hội nhập vào 'ngôi làng thế giới’. Sáng tạo mang tính trí thức của những quốc gia 'cá thể' được coi là 'tài sản chung'.
Sự nhỏ hẹp, một chiều, quốc hồn quốc tuý ngày càng trở nên bất khả hữu. Một nền văn chương thế giới sẽ mọc lên từ những mầu mỡ có tên là văn chương địa phương."Năm 1881 Jenny [vợ Marx] mất, "The Moor cũng chết theo", Marx viết cho Engels. Hai năm sau, The Moor [biệt hiệu mấy đứa con nhỏ gọi Marx, do ông đen đúi, râu ria xồm xoàm. Moor là tên một giống dân gốc Ả Rập trộn với giống dân Berber] theo vợ xuống mồ. Engels đọc ai điếu, chắc cũng hợp ý Marx: "Như Darwin khám phá ra luật tiến hóa thiên nhiên, Marx khám phá ra luật tiến hóa của lịch sử con người". Không thực sự đúng, nhưng đâu có hoàn toàn sai.
Chủ nghĩa tư bản không bị chủ nghĩa Cộng Sản thay thế, nhưng nó đã không sống sót một cách khốn khổ như trong tiểu thuyết Dickens mà Marx đã từng chứng kiến. Trong thế kỷ tiếp theo cái chết của ông, những nhà cầm quyền đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện mức sống: luật lao động, lương tối thiểu, trợ cấp xã hội, nhà công cộng, bảo hiểm sức khoẻ [health care], thuế tích luỹ... Những biện pháp này mang nhãn xã hội (socialist), ngày Marx còn. Ông đã miêu tả chúng, trong Tuyên Ngôn. Thật khó tưởng tượng chế độ tư bản có thể sống sót, nếu thiếu chúng. Nhưng như vậy chưa đủ để tiên đoán, sự trở lại của Marx. Marx tin tuởng, trong bất cứ xã hội nào cũng có sự phân chia giữa những người sở hữu máy móc, cơ xưởng sản xuất (giai cấp trưởng giả), và những người tài sản chỉ trông vào sức lao động (vô sản). Sự phân chia, đúng ra là sự nứt rạn giữa họ ngày càng nặng nề.
Hai thập kỷ vừa qua cho thấy, kẻ thắng thế là những người kiểm tra phương tiện sản xuất: giám đốc điều hành, những người có cổ phần. Vào năm 1978, giám đốc điều hành một công ty lớn thu nhập gấp 60 lần một công nhân; vào năm 1995; sai biệt là 170 lần. Cổ phần viên (shareholders) cũng kiếm bẫm. Những con số cho thấy, một trong những tư tưởng gây nhiều tranh luận nhất của Marx đang tìm đường trở lại: lý thuyết về bần cùng hóa giai cấp công nhân (immiseration). Marx không hề tin tưởng, như một số nhà phê bình đã cắt nghĩa ông, theo đó, tiền lương không bao giờ có thể tăng, dưới chế độ tư bản. Nhưng ông khẳng định, lợi nhuận tăng nhanh hơn lương, rốt cuộc, công nhân ngày càng nghèo. Hai thập kỷ vừa qua cho thấy, vào năm 1979, 16% tổng số thu nhập của nhà máy chạy vào túi lợi nhuận, bây giờ là 21%. Để trốn thuế, để thêm lợi nhuận, để bớt trả lương công nhân, đám chủ chuyển cơ sở sang thế giới thứ ba, thế giới toàn trị, nếu cần mướn con nít, bắt tù cải tạo làm việc.
Điều này Marx cũng đã tiên đoán: bọn chủ "sạch" lắm, chúng sẽ để cho người chết chôn người chết. Câu chuyện đang [thời điểm 1997] gây sôi nổi liên quan đến vụ gây quỹ đảng, mấy ngài tổng thống chiêu đãi những vị Mạnh Thường Quân ngay tại Bạch Ốc cũng chẳng làm cho Marx ngạc nhiên: chính trị gia là những tà lọt, kẻ điếu đóm cho những ông chủ chi địa, ngay từ thời Washington.
Trần Quang  Minh i vàng

20 comments:

  1. Cái này đã được mổ xẻ cách đây khá lâu (đúng là khoảng ra đời của bài báo), chính sự chênh lệch giàu nghèo đã dẫn đến một số biểu hiện lệch quỹ đạo của thị trường chứng khóan Mỹ, do lòng tham của các quỹ đầu tư (Hedge fund), ai có thể tưởng tượng một Lehmon Brother năm trước lời cả chục tỷ đô năm sau "sập", ... lòng tham của Soros, Paulson, thu lời hàng chục tỷ do đầu cơ vàng, ngoại tệ đánh xập cả đồng Bảng Anh hồi cách đây gần chục năm dẫn đến sự mù quáng về tài chính, bài học nhãn tiền mà VN có thể tránh khỏi nhưng đã đi đúng vết xe đổ. Còn về sự công bằng an sinh xã hội thì các nước Bắc Âu do dân trí quá cao đã tự thực hiện phân phối của cải tương đối đồng đều, dĩ nhiên đồng xu bao giờ cũng có hai mặt, mặt sáng và mặt tối, an sinh tốt quá dẫn đến một xã hội chây lười thất nghiệp không muốn tìm việc, cứ rong chơi lè phè cuối tháng sếp hàng chờ trợ cấp ...đó là nước Úc. có những người đi làm còm cõm như tôi cõng trên lưng những ông béo mượt ăn thất nghiệp làm lậu đút túi tiền đi du lịch VN tối ngày. Còn về sự chênh lêch giàu nghèo thì Trung quốc sắp thành ..."quán quân". Tại cơ sở Foxconn nơi sản xuất iPhone, công nhân bị bần cùng hóa ở trong những chung cư chật trội cao tẩng có lưới bảo hiểm giăng xung quanh vì nhiều người tự tử nhẩy lầu quá. Ở nhiều nước có sweatshop (lao nô) làm việc như nô lệ, chết cháy, vì họ không có công đoàn bênh vực không sợ tòa án phạt vạ. cái này thì hệ thống XHCN đang sắp vượt TB về chênh lẹch giàu nghèo. Đem tư bản nước ngoài về bần cùng hóa dân mình để ..."sống chết mặc bay ...tiền thầy đút ví" :-))))

    ReplyDelete
  2. Nhớ một thời chưa chán sống...

    Ông xã điện thoại bảo vợ ăn cơm trước, anh về muộn vì đi đá bóng với Toán cơ MGU, rồi đi nhậu luôn, nhân dịp 7.11. Hê, hê... vậy là các anh ấy kỷ niệm Cách mạng Nga suốt cả ngày Chủ nhật vẫn còn chưa chán.

    Năm nào cũng thế, cả sáng Chủ nhật đầu tiên của tháng 11, hội cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh MGU cũng họp mặt. Có một năm, cả hai vợ chồng đều bận, vắng mặt, thế là sau đó nghe đồn: "chúng nó sắp bỏ nhau". Tức quá, mình và ông xã quyết tâm không bao giờ bỏ họp MGU nữa (mặc dù có bỏ nhau hay không, thì quyết tâm không được cao như vậy đâu, hì, hì...).

    Ông xã về muộn, đằng nào cũng đợi cơm, thôi thì viết mấy dòng, gọi là để đỡ nhớ nước Nga, đỡ nhớ Mát-xcơ-va, đỡ nhớ một thời chưa chán sống. Cho đến tận bây giờ, 29 năm có lẻ trôi qua, mình vẫn còn nhớ như in cái mùi vị của nước Nga khi lần đầu tiên đặt chân tới. Cũng vì nhận xét về cái "mùi Nga" này, mà mấy năm trước, mình bỗng được "nhảy bổ" vào cuốn sách "Nước Nga - Thu vàng và miên man tuyết trắng" của giáo sư Hà Minh Đức, vào một thời điểm đặc biệt - khi cuốn sách đã ra can.

    Nhớ đến đau lòng những đêm trượt băng, lạnh cóng, nhưng hạnh phúc cùng anh và những ngày mùa hè rực rỡ thì khổ sở vì lẻ loi, đơn độc. Nhớ những tuần lễ thức trắng học bài trước các kỳ thi. 10 năm ở Nga, 1 năm dự bị, 5 năm đại học và gần 4 năm nghiên cứu sinh, mình chỉ nhớ nhất là những kỳ thi, căng thẳng và khổ sở. Mình nhớ, ngày anh bảo vệ luận án Phó tiến sĩ, cũng là ngày mình thi quốc gia môn chuyên ngành để chuẩn bị tốt nghiệp đại học, anh đã đến ký túc xá nấu cơm cho mình, để mặc bạn bè họp bàn nhau giúp anh chuẩn bị bữa liên hoan ngay sau khi bảo vệ. Cho nên, khó có thể tưởng tưởng được, rằng suốt gần 1/4 thế kỷ từ sau bữa tối ngày hôm đó, anh hầu như chẳng bao giờ phải tự nấu ăn nữa. Một cú đầu tư có lãi ghê! Con người ta không bao giờ có thể tắm hai lần ở cùng một dòng sông là vậy đó. Cuộc sống thay đổi, vạn vật đổi thay, chỉ có nỗi nhớ là vẫn vậy.

    Sau này, nhiều lần đi công tác được trở lại Mát-xcơ-va, cho dù chẳng thể có lại cảm giác bình an như ngày ấy, vì đủ thứ lộn xộn, mất an ninh của cái xã hội bị đảo lộn là nước Nga thời nay, mình vẫn luôn luôn thấy ấm áp, một thứ tình cảm chỉ có được khi trở về nhà. Với mình, Mát-xcơ-va ấn tượng hơn cả thành Viên cổ kính, Paris hoa lệ, London mù sương, Sofia dịu dàng, Budapest xinh đẹp, Bắc Kinh hoành tráng, Hông Kông ồn ào, Singapore ngăn nắp, Seoul hiện đại, Tokyo thâm trầm...

    Chẳng biết có giống như những người con của Hà Thành khi phải xa nhà nhớ về xứ xở hay không, chứ mình nhớ nước Nga bằng một thứ tình cảm da diết và ruột thịt, đau đáu mong cho nó sớm trở về với những giá trị nhân văn, những giá trị cao đẹp mà nó xứng đáng.

    Vẫn biết, nói suông, nghĩ suông, nhớ suông chẳng mang lại lợi ích gì, nhưng giờ phút này, mình thực lòng chỉ mong được sống lại với những ngày chưa chán sống ấy!!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi đó bọn e thương những người học thẳng Kinh Tế Quốc Dân,... chỉ được ở đất này có 4 năm đã phải về!(Trong khi bọn e cũng học thẳng, nhưng ngành kỹ thuật được học 5 năm). Và tất nhiên bọn e cũng gen tỵ với nhiều người ngành KH XH vì họ được thêm 1 năm dự bị thành những 6 năm. Nếu bọn học Y mà lại được thêm 1 năm dự bị nữa thì chắc sẽ thành 6,5 năm. Còn bọn học bên đó những 7 năm mới xong ĐH, thì e không dám nhắc lại nữa, vì sợ rằng gen tỵ quá làm mờ mắt chả nhận ra họ là bạn mình nữa!

      Delete
    2. Hề hề hề,
      ANN viết hay thật đấy và rất cảm động. Có điều lấy cái tiêu đề "Nhớ một thời chưa chán sống..." thì thật là chưa hay lắm.
      Đọc tiêu đề này, mình thấy không phù hợp lắm với tinh thần của trò thầy Khải. Chả nhẽ ANN đã từng chán sống rồi và bây giờ lại ham sống lại ư???
      Trò thầy khải sẽ chả bao giờ biết chán sống là gì. Trò thầy Khải sẽ luôn tự mình vươn lên mà sống cho dù thế cuộc có ra sao. Có nhiều gương trò thầy Khải như vậy rồi mà.
      Giá như thay cái tiêu đề ấy đi bằng một chữ Nhớ thôi cũng sẽ làm cho bài viết hay hơn nhiều.
      Hề hề hề,...

      Delete
    3. Hì, hì... Anh Bình ơi, phải yêu cuộc sống đến cỡ nào mới dám to mồm "chán sống" đấy anh ạ! "Chán", nhưng là "chán chẳng buồn chết" thôi mà anh!!!

      Delete
    4. Hề hề hề,
      Vậy là học thêm được một khái niệm mới:
      Chán sống = Chán chả buồn chết
      Hề hề hề,....

      Delete
  3. Về Max, chủ nghĩa Max, chủ nghĩa Max-Lenin,.. thì là đề tài vô tận.
    Có chăng hình như những người CS đề cao Max quá đáng, đã từng vẽ ông như thánh sống. Ở các nước phương Tây, họ coi ông như 1 nhà nghiên cứu lớn, còn hcoj thuyết của ông chẳng ảnh hưởng gì đến họ

    ReplyDelete
  4. Mác chẳng qua là một nhà khoa học không hơn không kém, ông ta cố tìm ra quy luật phát triển cho nhân loại, nhưng ông ta giả định ( assume) quá nhiều điều phi thực tế như người muốn chế tạo động cơ vĩnh cửu luôn luôn phải giả định rằng ma sát bằng không.
    Trong thực tế Lực "ma sát" luôn tồn tại và vô cùng lớn như lòng tham là bản chất con người, nên Tư bản nghiên cứu Mác rất kỹ để vận dụng cho phù hợp, ví dụ lấy công đoàn đối trọng với chủ nhân, lấy thuế má để phân phối lại sản phẩm, lấy luật chống độc quyền để kiềm chế sự bành trướng của một cá nhân vượt trội luôn muốn bóp chết đối thủ từ trong trứng nước vv và vv...
    Còn bọn làm bậy nhân danh Mác thì ... Không cần phải viết về chúng ... He he !
    Cũng có nhiều người vẫn ngây thơ tin vào chiếc đũa thần của Mác, bỏ cả đời lý luẬn loanh quanh vài ba công thức xám xịt ví dụ như Đoàn Tiểu Long...
    Hãy trả lại cho Mác đúng giá trị của ông ta : nhà kinh tế xã họi học chấm hết !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng rồi.
      Marx là 1 nhà kinh tế học vĩ đại và chỉ thế mà thôi.
      Nhớ ngày còn non trẻ, đầu óc còn ngây thơ, đi học ở Matxcơva mà mình đã thấy: học Istoria KPSS thì đúng là bullshit, học philosophia thì phần duy vật biện chứng hay, nhưng sang phần duy vật lịch sử là đã thấy nhố nhăng & nguỵ biện, học politekonomia thì phần đầu hay (áp dụng nhiều lý luận của Marx), sang phần kinh tế socialist thì nhố nhăng. Còn cái môn phải thi gosekzamen thì đại nhố nhăng luôn.

      HĐ - iĐỏ

      Delete
  5. Tôi không phải là nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lenin cũng như là kinh tế học, nhưng cũng mạn phép phản biện câu nhận xét ở đầu bài viết:“Tao thấy Mark đúng, nhưng Lê Nin sai!”.
    1/ Mác là nhà kinh tế xà hội học đại tài, người đưa ra thuyết "giá trị thăng dư" và phân tích rõ giai cấp vô sản bị bóc lột thế nào. Trước Mác giai cấp vô sản biết rõ là bị bóc lột nhưng không lý giải được phương thức bóc lột của tư bản, chỉ biết mình phải làm việc như một cái máy (xem phim của Saclo Saplin) mà không giầu lên được tí nào, vẫn là vô sản. Phân tích của Mác đúng với chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu và đối lập với nó là chủ nghĩa xã hội cũng là thời kỳ đầu.
    Rõ ràng là với sức sản xuất thời kỳ đầu của cả hai chủ nghĩa, con người muốn làm ra sản phẩm cần phải bỏ sức lao động vật lý và phải có sự đầu tư về máy móc (do các nhà tư bản bỏ vốn ra). Mác đã phân tích rất hay về "tái sản xuất sức lao động" và qua đó làm nổi rõ phương thức bóc lột của CNTB.
    Liên Xô và CNXH thời kỳ đầu cũng chứng minh được ưu việt của mình, một XH sản xuất "vừa đủ, theo kế hoạch vạch ra từ trước". Thời kỳ đầu muốn gì đều làm được nấy, muốn thép vượt Mỹ ngay năm sau làm được, muốn có bom nguyên tử cũng chỉ cần 1 năm, muốn sản lượng lương thực hàng đầu thế giới cũng chỉ cần chục năm (thời Breznhep)... Cuộc sống tinh thần của CNXH cũng tốt hơn rõ ràng so với CNTB, con người không phải lo nghĩ nhiều, đủ ăn, văn hóa văn nghệ phát triển..., tóm lại là mọi thứ do Đảng chỉ đạo và Đảng luôn đúng. Tới bây gio bản thân tôi vẫn thấy cuộc sống CNXH hạnh phúc hơn. Tuy nhiên cuộc sống đó đã kìm hãm sức sáng tạo của con người và sinh ra tệ hành chính quan liêu, bao cấp và sau này dẫn đến tham nhũng và làm mất sức chiến đấu của cả XH. Đó là lý do chính CNXH bị thua trong cuộc "chiến tranh lạnh".
    Hiện tại phương thức bóc lột đã thay đổi, người nghèo vẫn đông nhưng khó có thể xếp họ vào giai cấp vô sản và cuộc đấu tranh giai cấp không còn là một sống một còn như trước. Người có ít tri thức thì cách duy nhất để trở thành giàu hơn là đi làm thuê giai đoạn đầu để tích lũy tư bản, rồi đến khi đủ lớn thì lại "bóc lột" thằng khác. Qui trình đó diễn ra ở khắp nơi và đáng tiếc là ở các nước XHCN thì việc giàu nhanh gắn liền với quyền lực và tệ tham nhũng, chứ không theo cách tự nhiên là sản xuất và thương mại.
    Cho nên người lao động bây giờ "thích" bị bóc lột chứ không thù hằn giai cấp bóc lột vì hiểu rằng không có "tiền - tư bản" thì chẳng làm được việc gì. Lao động giản đơn may ra chỉ đủ sống. Còn chuyện ai bóc lột, nhà nước hay tư nhân?, thì khác biệt rất ít. Dòng vốn đầu tư cũng chẳng phân biệt nước nào là XHCN hay TBCN, đâu có lợi nhuận nhiều là đổ vào. Tất cả lý thuyết kinh tế CNXH bị vứt vào sọt rác vì nó không "tự nhiên", không "thị trường tự do".

    ReplyDelete
    Replies
    1. 2/ Lenin là người đề ra lý thuyết cách mạng và cũng là người thực hiện được lý thuyết đó bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười.
      Về kinh tế Lenin đã rất thành công trông công cuộc "điện khí hóa nước Nga", lập ra hệ thống XHCN. Cho nên không thể nói là Lenin sai được. Về mặt lịch sử Lenin là nhân vật số 1, đúng là cuộc Cách mạng Tháng Mười làm thay đổi cả thế giới và đẩy nhân loại tăng tốc phát triển nhanh lên hàng trăm năm.
      Về lý thuyết cách mạng, những phân tích của Lenin về "mâu thuẫn", "sự biến đổi về lượng và chất", "thời cơ cách mạng", "vai trò của cá nhân"... cho đến bây giờ chưa có lý thuyết nào thay thế được.

      Có lẽ cái chưa được của Lenin là tạo ra một XH có tính chất "tự ru ngủ" và đánh mất "bản năng tự nhiên", quá đề cao "tinh thần tập thể".

      Một vài suy nghĩ xin chia sẻ với mọi người và sẵn sàng tranh luận.

      Delete
    2. Như vậy anh Thành cũng đi đến kết luận cần thiết, ý tưởng cộng sản là tốt, như ý tưởng chế động cơ vĩnh cửu, đổ một giọt xăng chạy xe máy cả tuần. Nhưng ý tưởng đo chỉ thành công tại một số nơi có dân trí cao như Bắc Âu, thuế cao, lợi ích cộng đồng cao, ...
      Nhưng phần nối tiếp của Lê nin là hết sức tai hại, cũng may Dân Đông Âu nhận thức tốt nên đã rũ bỏ nó sai ở mấy điểm:
      1- giai cấp CN lãnh đạo :hỏng bét toàn bọn cơ hội đục khoét bè phái giả tạo, cái này Tiên tri George Orwell đã thể hiện quá đầy đủ trong "Trại Súc Vật"
      2- chuyên chính vô sản thay vì xã hội pháp quyền...ở tất cả các nước Lêninnist chỉ có duy nhất một (băng) đảng...

      Hai điều tai hại đó đủ kéo lùi lịch sử hàng trăn năm, vậy mà Đông Âu thoat được , đáng khâm phục lắm,

      Các nước Đế Quốc đầu sỏ chẳng ghê gớm giỏi giang gì nhưng chúng biết nhìn vào lý thuyết của Mác để tự sửa mình ... Hoàn thiện.
      Ví dụ cụ thể:
      Cách đây mười năm thuốc lá bán khá thoải mái, ở Úc, hút thoải mái ở nơi công cộng, hậu quả "nhóm lợi ích" tư bản Tobacco giầu to, nhân dân ốm đau bệnh tật, gánh nặng viện phí cho quốc gia.
      Chả cần ông Mác mẽo nào ở đây , vài trí thức kiến nghị: "cấm dần thuốc lá", phản quảng cáo, cấm hút nơi công cộng, ... Nghị sỹ ủng hộ thành luật áp dụng, người dân tốt hơn xã hội tốt hơn, không cần chờ một Thánh nhân ông tổ chủ nghĩa học thuyêt này nọ ban bố ...,
      Sắp tới Úc sẽ tăng thuế rượu và đo uống có cồn để giảm nạn say xỉn. Trí tuệ toàn dân siêu hơn vài ông lãnh đạo.
      Cái cần nhất chỉ là một nhà nước pháp quyền. Có nó mọi căn bệnh trầm kha tự khỏi.

      Delete
    3. Anh không phủ nhận hình ảnh "động cơ vĩnh cửu" mà TN đưa ra làm ví dụ, nhưng rất muốn nói rõ bản chất vật lý đó là sự tăng entropi của hệ kín. Ngay cả khi không có ma sát (chuyển động trong chân không) cũng không thể có chuyển động vĩnh cửu, vì bất cứ chuyển động nào cũng sinh ra "trường" xung quanh và tương tác với các "trường" khác sẽ làm cho chuyển động chậm lại. Về mặt XH, nói đơn giản của nguyên lý này là "được cái nọ, phải mất cái kia" , không có cái gì hoàn hảo chỉ có "được" không cả. Về mặt thời gian, chẳng có lý thuyết nào đúng tuyệt đối, việc đúng sai chỉ phán xét trong hoàn cảnh cụ thể và giai đoạn cụ thể.
      Chủ nghĩa cộng sản là sự phát triển tột bậc của XH loài người, lúc đó không còn giai cấp, không còn thiếu thốn vật chất..., con người đã chế ngự được phần lớn thiên nhiên... Tóm lại là lúc đó, con người sẽ trở thành "THẦN" và sẽ tạo ra loài "hạ đẳng" khác để chăn dắt. Lúc đó cũng không còn nhà nước hay quyền lực nào khác bắt chúng ta phải làm việc hay suy nghĩ theo một kiểu cố định.
      Cái gọi là "nhà nước" chỉ tồn tại trong XH mà con người vẫn còn phân biệt được với nhau về mặt quyền lực, phân ra thứ bậc trong công việc và cuộc sống.
      Ví dụ của TN về cấm thuốc lá cũng chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn ngày nay thôi, vì con người "ma sát" với "tự nhiên" nóng quá không chịu được nhiệt nên phải bỏ hoặc giảm bớt. Thực sự chuyện đó không ảnh hưởng đến lịch sử phát triển của loài người.
      Nếu đứng về khía cạnh "lãnh đạo", thì chuyên chính vô sản thực hiện việc cấm đoán tốt hơn, nhưng cách thực hiện thì không "tự nhiên" nên không được sự ủng hộ của dân chúng.

      Delete
    4. Hề hề hề,
      Cãi nhau chơi với mấy anh cu này cho nó thêm hâm hấp nhể.
      1/- CNCS thật ra là cái gì???
      Theo thiển ý của tôi thì nó là cái bánh vẽ được mấy nhà chính trị làm ra và rủ rê mê hoặc mọi người. Không có và không bao giờ có nổi cái xã hội loaì người theo kiểu đó cả. Phàm đã là thằng người thì thằng nào cũng tham như mõ cả thôi. Chả có thằng nào là thần hay thánh cả. Bởi vậy không có và không thể có một xã hội mà không có kỷ cương pháp luật, nhà nước được. Con người ta đã tiến hóa từ xã hội quần cư, ăn lông ở lỗ, vô nhà nước, vô pháp luật đến cái xã hội như ngày nay. Tại sao vậy, tại vì bản chất con người vốn tham nên ắt sẽ có chuyện tranh giành quyền lợi với nhau và từ đó mới hình thành các băng nhóm, các tổ chức xã hội từ sơ khai đến hiện đại như ngày nay để nhằm mục tiêu chính là giữ phần được nhiều hơn. Hơn nữa về mặt tư duy, không phải anh cu nào cũng có sức suy nghĩ cũng như khả năng kiếm ăn như nhau nên cái anh cu khôn ắt sẽ tìm cách lừa anh cu dại để thỏa cái trí tham của mình. Một xã hội mà thừa mứa của cải vật chất khiến cho không ai phải thèm cái gì nữa là cái xã hội chết, bởi đã không thèm thì ắt không làm, và đã không làm thì ắt là chết rồi. Một xã hội mà toàn những ông Thần như Công Thành nói thì các ông Thần này cũng sẽ lại đánh nhau chí chóe vì những quyền lợi vật chất hay tinh thần mà thôi. Thần thoại Hy lạp chả phải đã nói về một thế giới của các vị thần đó sao. Hay như thế giới của các ông tiên bà phật như trong Tây DU ký chả chỏm chọe nhau inh ỏi là gì. Thậm chí chả thiếu các ông Thần bà Thánh lại cứ muốn làm thằng người phàm ấy chứ. Vậy nên xã hội nào cũng cần có kỷ cương và Nhà nước mới có thể yên bình được. Và thế là suy ra: Xã hội Cộng sản chủ nghĩa là cái bánh vẽ lừa mấy thằng trẻ con ngu dại mà thôi.
      2/- Vậy chứ xã hội nào, nhà nước nào là tốt nhất??
      Xã hội tốt nhất là xã hội mà các thành viên của nó cảm thấy an tâm về cuộc sống của mình. Họ có thể yên ổn làm ăn và hưởng thụ những gì họ kiếm được trong khuôn khổ của một luật pháp công bằng tương đối, công khai và minh bạch.
      Nhà nước tốt là cái nhà nước mà đủ khả năng bảo vệ cái xã hội tốt nói trên.
      Còn tốt nhất ư?? Xin thưa rằng không có, và cũng không bao giờ có cả, bởi xã hội luôn vận động và phát triển, do vậy nhà nước cũng sẽ phải luôn thay đổi thích ứng với yêu cầu của xã hội đặt ra. Một điều có thể hôm nay là tốt nhưng ngày mai đã là lạc hậu và cần thay thế rồi. Và cũng vì thế xin hãy quên đi cái sự nhất để mà còn có được sự minh mẫn và sáng suốt để tìm hướng phát triển cho nó.
      3/- Triết học Mac_Le có đưa ra cặp phạm trù Mâu thuẫn và sự đấu tranh giữa các mặt đối lập. Cứ theo cái ngu của tôi hiểu thì đó cũng chính là bản chất của mọi sự phát triển và tồn tại của xã hội. Nếu có được xã hội Cộng sản chủ nghĩa tức là một xã hội không còn các mâu thuẫn và không còn sự đấu tranh giữa các mặt đối lập thì xã hội ấy đã đi ngược với chính cái triết lý hình thành nó.
      Hề hề hề, mỏi tay rồi, gõ thế thôi, để dành mai mốt gõ nữa......

      Delete
  6. Anh Bình viết có nhiều ý sắc sảo:
    Một xã hội đồng đều quá sẽ như ... Trại gà công nghiệp, không có đấu tranh sinh tồn không có chọn lọc tự nhiên... Chán chết.
    Nhưng một xã hội không đồng đều, theo hướng tư bản hoang dã , bần cùng hoá thì đáng sợ hơn.
    Thực tế như CHDC Đức, dân trí cao thế mà khi áp dụng "Mô hình" lý tưởng của ông Mác ông Lê ... Cũng nát bét, tạo ra những "nhân tài vượt nguc." Đào thoát qua bức tường Bá Linh giỏi hơn cả người tù khổ sai Papillon ...:-))))
    1-một người âm thầm may khinh khí cầu ba năm mới xong để bay sang Tây Đưc, hai lần mơi thoát
    2-Một người âm thầm đào địa đạo Đông -Tây ba năm
    3-một người dùng mũi tên bắn dây cáp sang Tây Bá Linh cho anh trai rồi căng dây cáp trên nóc nhà và trượt sang tây Bá linh
    4- hai người dùng ván trượt sóng , lướt sóng qua biển sang tận Đan Mạch may đuoc tầu hàng vớt suýt chết...
    Tóm lại trăm cách vượt thoát khỏi "thiên đường" ...;-)))))

    ReplyDelete
  7. " Khi đài BBC tổ chức cuộc thăm dò ý kiến thính giả về bình chọn triết gia vĩ đại nhất thế giới, không có nhà triết học nữ nào lọt vào tốp hai mươi (Đứng đầu là Karl Marx)..." Trên đây là 1 đoạn trong phần Chủ Nghĩa Nữ Quyền của 2 tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein. Như vậy Karl Mark quả là triết gia vĩ đại thật!

    ReplyDelete
  8. Gần đây một Linh Mục đã tuyên bố: " Không có phản biện của Mark thì không biết xã hội tư bản và Kito giáo sẽ trì trệ đến mức nào"

    ReplyDelete
  9. Cả 2 phe TBCN và XHCN đều nghiên cứu kỹ Marx, Lenin. Nhưng còn Engels thì thế nào?

    ReplyDelete
  10. Hề hề hề, chú Minh nghĩ sai rồi. Phe TBCN thì nghiên cứu kỹ chủ nghỉa Mác Lẹ vì họ cần hiểu và tìm ra cách đối phó. Còn phe XHCN thì đếch cần nghiên cứu hoặc là chỉ giả vờ nghiên cứu cho oai và áp đạt cho tất cả người dân trong chế độ đó phải chấp nhận cái chủ mà không nghĩa này.Và kết quả của nó là chả có ai có được các suy nghĩ thấu đáo để phản biện cho chủ nghĩa này và đưa nó tới chỗ diệt vong. Có thể nói rằng chủ nghĩa này khi ra đời đã tạo được một tráo lưu chính trị mới trên thế giới nhưng nó chưa đũ sức thuyết phục để đứng
    vững trên chính trường thế giới vì những người lợi dụng nó cũng chả hiểu cái đếch gì về nó cả. Cho tới nay nhiều người trong chúng ta vẫn còn u mê và giáo điều chứ bảo là hiểu chính xác về nó thì chỉ là bốc phét thôi.

    ReplyDelete
  11. Xem lại thấy tranh luận thời "tiền Phây búc" sôi nổi phết

    ReplyDelete