Tuesday, January 1, 2013

Năm 1972


Lại một năm nữa, năm 2012, sắp trôi qua. Mỗi năm một ít sự kiện, một ít ghi nhớ vào tâm trí tôi. Nhưng cái năm 1972, đã 40 năm trôi qua rồi, vẫn là một năm đọng lại nhiều những sự kiện nhất. Tôi đã sống cùng đất nước những thời khắc không bao giờ quên, những thời khắc đến với một cậu bé sắp tốt nghiệp phổ thông. Tôi đã trải nghiệm nhiều phần của cuộc sống thời đó, cả khó khăn lẫn bi thương, hào hùng, đã hiểu rằng tôi sẽ gắn bó mãi mãi với đất nước tôi qua những biến động không bao giờ quên của năm 1972.

Mùa hè đỏ lửa 1972

Sau Tết năm 1972, miền Bắc có nhiều thay đổi.
Các đợt tuyển quân rầm rộ hơn. Không khí chuẩn bị cho một trận đánh lớn được thể hiện rõ ở hậu phương miền Bắc XHCN. “Tất cả cho tiền tuyến”, câu khẩu hiệu có từ nhiều năm dường như được nhấn mạnh hơn vào thời gian đó. Cứ đến mùa Xuân hàng năm (thực chất là mùa khô, mùa thuận lợi cho phía bộ đội ta có thể mở được những chiến dịch quân sự lớn), cái không khí ấy lại rộn rã từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi. Cả nước đang đợi chờ một trận đánh lớn của Xuân Hè 1972.
Sau Mậu Thân 1968, người Mỹ hiểu được họ không thể thắng trong cuộc chiến tranh VN. Tháng 5/1968 Mỹ buộc phải ngồi vào Hội nghị bốn bên (Mỹ, VNDCCH, Chính quyền SG và Chính phủ lâm thời cách mạng Nam VN) tại Paris về hòa bình cho VN. Nước Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến đó, nhưng nước Mỹ đã làm đủ cách để rút ra trong danh dự. Chúng thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, tuyển quân và huấn luyện, trang bị đến tận răng cho quân đội SG, đồng thời tiến hành bình định mạnh mẽ ở nông thôn miền Nam, đẩy bộ đội ta ra xa các thành thị, vốn bị bất lợi sau các đợt đánh vào thành thị chưa đủ chiều sâu năm 1968. Nước Mỹ rút được khá nhiều quân khỏi cuộc chiến, sau khi hà hơi tiếp sức, đẩy quân đội SG ra chiến trường, chủ yếu giữ vai trò cố vấn và yểm trợ hỏa lực (rất mạnh mẽ) phía sau. Hội nghị Paris sau 4 năm vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể. Tất cả vẫn quyết định trên chiến trường.
Quân ta đã chuẩn bị chu đáo cho chiến dịch Xuân Hè 1972. Chiến dịch mở màn tháng 3/1972, trên các mặt trận Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Ngày 1/5/1972, ta giải phóng thị xã Quảng Trị. Trước đó ta đã giải phóng thị trấn Lộc Ninh, và đặt thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại đó.
Nước Mỹ buộc phải tham chiến ồ ạt để cứu chính quyền SG, chủ yếu bằng sức mạnh của không quân và hải quân. Nổi bật nhất là cuộc đấu trí, đấu sức đẫm máu nhất của chiến tranh VN tại chiến dịch tái chiếm thị xã Quảng trị 81 ngày đêm, bom đạn Mỹ thả bom đạn xuống mảnh đất chưa đầy 3km2 tương tương với sức nổ 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Tổng thống Mỹ Nixon cho tiến hành chiến dịch Linebacker (chốt chặn cuối cùng) bằng không quân vào miền Bắc, nhằm hạn chế sự chi viện của ta đối với miền Nam và cũng là để thị uy trên bàn đàm phán tại Paris. Ngày 16/4/1972 (là một ngày chủ nhật), không quân Mỹ tập kích HN, B52 Mỹ rải thảm HP. Một máy bay Mỹ bị bắn rơi vào hôm đó ở ngay phố Lê Trực.
Máy bay Mỹ rơi ở phố Lê trực sáng 16/04/1972

Ngay đêm 16/4/1972, HN được lệnh sơ tán nhân dân khỏi thành phố. Trường học tạm đóng cửa. Ngày hôm sau tôi cùng với ông bà ngoại sơ tán theo cơ quan của ông ngoại tôi (NXB Văn học) về làng Mía, gần thị xã Sơn Tây (bây giờ nằm trong xã Đường Lâm, điểm duy lịch nổi tiếng của HN). Tôi còn nhớ như in trên quãng đê sông Đáy mờ sáng 17/4/1972 khi đó, người HN rồng rắn nhau với các thử đồ lỉnh kỉnh xoong nồi, bếp dầu, chăn màn, rời thành phố đi về những miền quê. Công cuộc sơ tán nhanh gọn khẩn trương hơn nhiều so với thời chiến tranh phá hoại 1965-1968. Chẳng gì Mỹ đã cho B52 rải thảm tại HP rạng sáng 16/4/1972, điều mà chúng sẽ làm vào tháng 12/1972 với HN. Không thể đùa với B52 được.
Mấy hôm sau tôi quay về HN để lấy học bạ. Nhà trường trả học bạ cho học sinh để có thể tiếp tục sau này ở nơi sơ tán. Học sinh nào cũng được lên lớp mà không phải thi học kỳ 2. Với chúng tôi đơn giản, khi đó cũng học gần xong chương trình lớp 9. Nhưng với các anh chị lớp 10, họ còn phải thi tốt nghiệp và thi đại học. Chắc hẳn với họ đó là những kỳ thi đặc biệt không bao giờ quên. Họ phải thi từ rất sớm trong ánh đèn dầu để còn kịp kết thúc trước giờ cao điểm ném bom của không quân Mỹ.
Với tôi kỷ niệm năm lớp 9 là việc kết bạn với lớp chiều của trường Ba Đình. Không hiểu từ đâu ra có cái mốt viết thư cho lớp buổi chiều rồi kẹp vào ngăn bàn. Tôi viết thư, chữ nắn nót và ký là QN, bạn lớp chiều không rõ tên là gì, cứ tưởng là bạn nữ (Quỳnh Nga chẳng hạn) vì chữ viết nắn nót của tôi hơi có vẻ con gái. Cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau. Bạn ngồi đúng chỗ của tôi là bạn tên là Lương, hình như là lớp 9B trường Ba Đình. Bạn Đỗ Hòa Bình cùng tổ 3 với tôi cũng làm quen tương tự với một bạn là Tiến. Chúng tôi còn đến nhà nhau chơi. Tình bạn học trò thật vô tư, chúng tôi chỉ là những lớp cùng ngồi một chỗ mà chơi với nhau. Nhưng tôi và Lương không được nhiều thời gian quen nhau. Các bạn đủ tuổi được gọi nhập ngũ. Bạn Lương kể trên cũng nằm trong số ấy. Chúng tôi, một số bạn 9I Chu Văn An đã đi tiễn các bạn trường Ba Đình. Tôi kịp trao đổi ảnh với Lương (cái ảnh ấy vẫn nằm trong album của tôi hiện nay). Ít ngày sau, chúng tôi đau đớn nhận được tin Lương đã hy sinh tại Quảng Bình do B52 oanh tạc trên đường hành quân vào Nam, bạn ấy chưa vào đến miền Nam. Tình bạn của chúng tôi quá ngắn ngủi nhưng nó theo tôi suốt cuộc đời như nhắc lại tuổi thơ trong sáng và bi thương của tôi trong những tháng năm chiến tranh.
Sơ tán đến bốn nơi trong 1972
Tính ra tôi đã đi sơ tán 9 địa phương qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Riêng năm 1972 tôi đã qua bốn nơi. Kiến thức về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống của người nông dân tôi có được do những lần sơ tán này. Tôi biết bơi từ ao hồ của ngoại thành HN. Tôi biết đến bắt cua, bắt cá ở cánh đồng của Bắc Giang. Tôi biết đến sân kho hợp tác mà có thể nô đùa, đá bóng thoải mái của Hà Tây. Tôi biết đến mùi thơm lúa mới, biết đến cơn gió mát ven đê, đến ánh trăng vằng vặc nơi thôn quê cũng qua các nơi sơ tán. Nếu không đi sơ tán, tôi cũng chẳng thấy được cái hay, cái đẹp của thơ Nguyễn Bính.
Làng Mía là một ngôi làng trung du, nhà dân hầu hết xây bằng gạch đá ong. Giếng sâu và nước trong vắt. Làng Mía sạch sẽ hơn những nơi tôi đã qua. Tôi ở với bà ngoại, còn ông tôi suốt ngày đi họp, tối mới về. Ông tôi còn hay về HN làm việc. Bà chủ nhà của tôi ở một mình, có cậu con trai đi làm cách mấy chục cây, cuối tuần mới về thăm mẹ. Người dân khi đó rất tốt, họ bao bọc người HN về quê họ sơ tán. Tôi đã đi sơ tán nhiều nơi, đến đâu người dân địa phương cũng tốt như vậy. Khi chiến tranh ác liệt, bom đạn, người ta rất tử tế với nhau mà chẳng cần điều kiện gì. Cùng nhau sống qua sự ác liệt, vượt qua những trận bom, những sự chết chóc là quý lắm rồi, còn có cần gì nữa đâu. Giá như sức mạnh ấy của dân tộc Việt được phát huy vào lúc này, khi phải xây dựng đất nước?
Mà sao hồi ấy tôi chẳng biết gì về cái làng Mía thuộc xã Đường Lâm, nơi sinh ra 2 vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền) nhỉ? Tôi chỉ loáng thoáng có di tích mồ mả gì đó trong xã, nhưng cũng chẳng quan tâm, để ý nó là gì. Thời đó chúng tôi chỉ được học về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, còn những chuyện như danh lam thằng cảnh, di tích văn hóa, truyền thống dân tộc, dường như là phù phiếm, là không cần thiết cho cuộc chiến tranh ác liệt đang còn chưa biết khi nào kết thúc.
Ít ngày sau ở làng Mía, tháng 6/1972 tôi lên Yên Bái, nơi bố tôi công tác ở Hồ cá Thác Bà, cơ quan thuộc Bộ Thủy sản. Thác Bà là đập thủy điện đầu tiên của VN được Liên Xô giúp đỡ xây dựng, nằm trên sông Chảy (một nhánh của sông Lô), phát điện vào năm 1971 và năm 1972 cả 3 tổ máy phát điện hoàn toàn. Khi ngăn đập tích lũy nước, một hồ lớn được hình thành, dưới lòng hồ là cả đồi núi, rừng cây nên rất nhiều thức ăn cho cá. Hồ được thành một nơi nuôi cá rất tốt.
Đập thủy điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của Thủy điện VN do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và lòng hồ Thác Bà,
Tôi lên thăm bố và cũng là đi sơ tán (khái niệm sơ tán hồi đó là đi đâu đó xa HN vài chục km). Tôi theo ca-nô của cơ quan bố tôi đi thăm vòng quanh hồ Thác Bà, được câu cá và ăn những con cá tươi ngon ngay khi còn giẫy đành đạch. Cá rất béo (vì có rất nhiều thức ăn trong lòng hồ), nặng hàng kg, khi kho một lớp mỡ phủ đặc nồi cá kho. Chưa bao giờ tôi được ăn cá tươi ngon như vậy. Tôi cũng vào rừng chặt tre nứa cho bố tôi dựng lán, làm củi đun. Lần đầu tiên tôi biết đến con vắt, nhỏ hơn đỉa nhưng ở rừng (trên cạn), bám người và hút máu. Tôi bị mấy con bám vào chân, và tôi nhổ nước bọt vào chúng để gỡ chúng ra. Tôi cũng được tắm suối chảy từ lòng núi ra, mát lạnh thật sảng khoái giữa mùa hè nóng nực.
Đặc biệt tại Yên Bái tôi được chứng kiến nhiều trận đánh chống trả không quân Mỹ. Chẳng là đập Thác Bà là một mục tiêu ném bom của Mỹ (đến 1975 ta mới hồi phục hoàn toàn các tổ máy phát điện). Tại Yên Bái có một sân bay quân sự của không quân ta, chứa các máy bay MIG-17. Tôi đã chứng kiến MIG -17 của ta quần nhau với F4 của Mỹ khoảng gần 30 phút, không bắn được nhau và sau đó dừng truy đuổi nhau (có thể do hết xăng). Một lần khác tôi chứng kiến tên lửa ta hạ máy bay Mỹ rất ngoạn mục. Quả thứ nhất bắn lên, chiếc F4 rẽ phải ngoặt xuống đất tránh quả tên lửa, được một quãng thì bị quả tên lửa thứ 2 bắn muộn hơn đón đầu. Chiếc máy bay không kịp tránh quả thứ 2 và trúng tên lửa, bốc cháy dữ dội. Hai quả được phóng lệch nhau và có tính toán rất kỹ. Tên phi công kịp nhảy dù ra, tôi nhìn rõ dù nó lơ lửng trên không rồi rơi xuống rừng cách chỗ tôi chừng 3, 4 km. Nhân dân hò reo đi bắt phi công Mỹ, tên này sau đó bị bắt và được giải lên tỉnh đội. Nghe nói trước khi bị bắt nó alô liên tục, chắc là gọi đồng bọn đến cứu.
Tôi quay về HN để theo mẹ tôi cùng trường Sư phạm HN sơ tán về Đan Phượng, Hà Tây cũ. Khi chưa kịp lên Đan Phượng, đang còn ở HN, tôi đã chứng kiến một trận đánh bom ngay sát nhà tôi (số nhà 91 phố Thợ Nhuộm) vào quãng tháng 8/1972. Máy bay Mỹ bay rất thấp, cắt bom rơi trúng sứ quán Pháp, làm 4 nhân viên, trong đó có Đại sứ Pháp đang tắm bị thiệt mạng. Bom nổ làm nhà tôi rung bần bật, nhà bị nứt lung tung. Tôi khi đó đang trong hầm trú ẩn. Tôi cho rằng Mỹ không chủ ý đánh sứ quán Pháp, mà nhắm một cơ sở của Đài tiếng nói VN gần đó cách khoảng 100m. Nhà tôi cách sứ quán Pháp cũng chừng 100m. Máy bay Mỹ bay quá thấp nên có 1 quả bom bay cày xuyên đường phố Thợ Nhuộm (xuýt trúng sứ quán Ấn Độ đối diện với nhà tôi), chui vào nằm ềnh ềnh ở nhà xí hàng xóm. Nên nhớ bom chỉ nổ khi kíp nổ bị kích hoạt. Muốn thế bom phải rơi gần như theo phương thẳng đứng. Dứt tiếng bom, tôi và máy đứa trẻ trong xóm chạy ra ngoài xem sao, thấy cái rãnh bom cày to tướng, theo hướng của nó thấy quả bom nằm thẳng đứng tựa vào tường trong nhà xí hàng xóm, chừng mấy trăm kg, có cả chữ tiếng Anh mà tôi chẳng hiểu gì. Chúng tôi còn sờ tay lên quả bom, rồi bỏ chạy vì sợ nó phát nổ. Một lúc sau các chú bộ đội công binh đến tháo gỡ quả bom mang đi. Đây là trận ném bom của Mỹ gần nhất mà tôi chứng kiến.
Ở Đan Phượng mẹ con tôi ở cùng với cô Bí thư Đoàn trường tại nhà chị chủ là chủ tịch xã. Chị này rất tháo vát, ngoài công tác của xã còn dệt vải bán thêm lấy tiền. Tại nơi này tôi tập gánh nước từ giếng làng về đổ vào bể của chủ nhà dùng chung. Khoảng cách chừng 300-400m. Hai thùng nước mỗi thùng chứa được 20 lít nước. Lúc đầu tôi phải nghỉ dọc đường vì mỏi vai, sau rồi biết cách đổi vai phải sang vai trái và ngược lại, đi lại nhịp nhàng liền một mạch không phải nghỉ. Tôi còn ra tắm sông Hồng ngay sát làng tôi sơ tán. Sông chảy mạnh lắm nên tôi chỉ bơi ở ven bờ. Về nhà quần áo đỏ quạch, gặt không sạch, biến sang màu cháo lòng, màu của những chất phù sa sông Hồng.
Nơi thứ tư tôi sơ tán chính là nơi chúng tôi học lớp 10 ít ngày đầu năm học 1972-1973.

Lớp 10 học dưới làn bom B52

Hè lớp 9 qua đi, tôi đã sơ tán qua ba nơi. Tháng 10/1972 chúng tôi được trường nhắn gọi về đi học lớp 10, nhưng ở nơi sơ tán. Dạo ấy trường Chu Văn An chia làm hai nơi, chúng tôi về huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Thôn chúng tôi ở là thôn Kim Bài, xã Kim An. Đầu tiên là phải đi tiền trạm. Lũ chúng tôi gồm tôi (lớp trưởng) cùng mấy tay tổ trưởng (và thêm Minh Hải ham vui), do Thầy Khải, thầy chủ nhiệm, dẫn đầu đạp xe mấy chục km từ HN vào nơi sơ tán. Sau đó bố bạn Hường (khi đó đương là giám đốc Sở Văn hóa HN) cho mượn xe cơ quan, một chiếc xe du lịch Hải Âu, chở đồ đạc lên nơi sơ tán, còn chúng tôi đạp xe.
Tôi còn nhớ chúng tôi chia nhau ở cùng dân, thường 2-3 bạn một nhà. Riêng các bạn nữ có 4 người ở luôn một nhà đầu làng. Tổ 3 chúng tôi chia ra làm 3 nhà. Tôi, Hòa Bình và Minh Hải ở nhà ông chủ tên là An, hai anh em nhà Thuận Hà một nhà, còn Gia Bình và Mạnh Sơn một nhà. Thầy Khải chủ nhiệm lớp tôi ở một nhà riêng. Chúng tôi buổi sáng tự nấu ăn, thường là mỳ không người lái, có chút xíu mỡ và mì chính, xì dầu (đôi khi có các gói súp thịt bò khô vốn rơi vãi từ các thức ăn dành cho quân đội ta ra ngoài), còn 2 bữa cơm nhà ăn của trường nấu cho, chúng tôi chỉ việc đi lấy cơm về nhà ăn. Nói thật chúng tôi bị ăn đói. Cơm thì độn ngô vàng khè, ngô nhiều hơn cơm. Nhà chủ thương mấy cậu học sinh nên thường hay có gì ăn cũng mời chúng tôi, nhất là món khoai luộc. Nói về các bữa cơm tôi vẫn nhớ một kỷ niệm về Trương Gia Bình. Bạn ấy bình thường cũng ăn vài bát cơm như mọi người. Có một hôm, không hiểu vì lý do gì mà cơm độn ngô thừa rất nhiều, chúng tôi mang một rá cơm về, ăn không hết. Gia Bình chợt nói, chúng mày muốn xem tao ăn được bao nhiêu cơm không? Thế rồi hắn lôi bát sắt B52 (bát gần gấp đôi bát sứ về thể tích) của bộ đội nhưng nhiều người dân cũng có, và bảo lấy chai xì dầu đưa ra để cạnh. Sau đó chỉ với chai xì dầu đó, Bình ta xơi 8 bát B52 cơm ngô vàng khè, chúng tôi trợn tròn mắt bái phục sức ăn của Gia Bình. Năm ấy Bình ta sắp 17 tuổi.
Không thể nhắc tới bộ bàn ghế mà mỗi học sinh khi ấy có. Đó là loại cơ động có thể tháo ra gấp lại rất nhanh, gọn đủ cho một học sinh ngồi học. Cái bàn chỉ to bằng hai quyển vở, đủ để viết bài trên một cuốn vở và có cuốn sách giáo khoa bên cạnh. Cái bàn của tôi do tôi tự đóng bằng các đồ gỗ của nhà. Khi đi học ngoài cặp sách chúng tôi còn phải xách cái bộ bàn ghế gấp này đi theo, cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Lớp học không có bàn ghế như ở HN mà mỗi người một cái bàn cá nhân của mình, học xong lại gấp lại mang về nhà, rất cơ động, rất du kích.
Chúng ta liệu có thể quên cái mũ rơm xinh xắn được không? Hồi Giôn-xơn (1965-1968) chúng ta đã biết đến nó. Thời Nich-xơn (1972), mỗi chúng ta đều có một chiếc mũ rơm như hành trang không thể thiếu, chiếc mũ mà chúng ta đeo sau lưng là chính chứ mấy khi đội nó lên đầu, vì nó không nhẹ nhàng gì. Hồi ấy các cô cậu học sinh 10I cũng mỗi người một chiếc mũ rơm, đeo trên lưng khi đến lớp học, còn tay thì xách cặp, tay thì xách bộ bàn ghế kia, ôi lỉnh kỉnh làm sao.
Còn lớp học là một ngôi nhà tranh bé nhỏ được dựng trên miếng đất của làng cho mượn. Trong lớp có bảng đen và bàn giáo viên (cũng loại nhỏ). Chạy hai bên lớp là đường giao thông hào, ra đến tận các hầm chữ A bên ngoài (mỗi tổ một hầm trú ẩn). Để có được công trình khá an toàn này chúng tôi đã phải lao động cật lực, phải góp tiền mua thêm tre của dân để làm kèo chữ A. Thời gian đầu không học gì, toàn đào hầm. Các cô cậu học sinh thành phố đào mãi cũng xong mấy chục mét hào. Khi có kẻng báo động, chúng tôi bỏ sách vở bàn ghế lại nhảy ngay xuống hào và chạy nhanh ra hầm trú ẩn. Kỷ niệm sâu sắc với tôi về việc đào hầm là có lần tôi đứng trên một nắp hầm chữ A (có hơi cao lên một chút), rồi chấp cả lớp cách xa mấy chục mét ném đất thoải mái vào người tôi. Tôi đủ sức tránh những viên đất, cho dù các bạn hò nhau ném tới tấp. Lúc nào không kịp tránh thì lấy tay gạt. Thực ra rất có vẻ dáng dấp của chưởng. Các bạn phục tôi dũng cảm, có biết đâu rằng hồi sơ tán Giôn-xơn mấy năm trước khi còn nhỏ, tôi đã chơi trò này cùng các bạn địa phương, mà là ném đá chứ không phải là ném đất. Sau tôi chui xuống hầm, các bạn được thể mới ném tới tấp, tôi chẳng sợ, ngồi yên trong hầm chữ A, cho đến lúc hết cuộc chơi hơi nghịch một chút.
Hầm chữ A thời chiến tranh chống Mỹ. Hầm 
được tiết kế để chống hơi bom, hầm chỉ nghiêng
đi mà không bị sập, do có cấu tạo chữ A.

Buổi chiều chiều sau giờ học hay lao động đào hầm, chúng tôi thường rủ nhau ra tắm trên sông Đáy ngay cạnh làng. Sông bé nên chúng tôi có thể bơi nhiều vòng qua lại hai bờ. Nhiều tay (như Hà Quan Long) lúc này mới tập bơi. Có lần trên bờ sông Đáy chúng tôi chứng kiến trận đấu võ giữa Phan Sấn và Hải Dớ. Hai bố này khoe biết võ vẽ, chúng tôi khích bảo thế thì thử đấu nhau đi để phân tài cao thấp. Luật chơi đưa ra là không đá chân, chỉ dùng tay. Vờn nhau một lúc, bỗng Phan dùng chân đá bốp vào ngực Hải, anh em kêu la ầm ĩ, thế là giải tán chẳng có kẻ thắng mà cũng không có kẻ thua.
Đâu như cuối tháng 11/1972 chúng tôi bắt đầu học lớp 10 sau khi hoàn thành các công việc dựng lớp và đào hầm. Chúng tôi đâu biết rằng hội nghị Paris đang đi vào chỗ bế tắc. Chính quyền SG không chịu điều khoản Mỹ rút quân đội khỏi Nam VN, còn bộ đội  miền Bắc vẫn giữa nguyên vị trí. Để tỏ ra bảo vệ đồng minh, Mỹ đòi ta đổi điều kiện này, bộ đội miến Bắc cũng rút khỏi miền Nam VN. Cả dân tộc chiến đấu gần 30 năm vì mục tiêu toàn vẹn đất nước VN, kẻ xâm lược không thể bình đẳng với người bảo vệ Tổ quốc VN. Mỹ quyết định dùng sức mạnh B52 để khuất phục phía VN. Ngày 14/12/1072, Nixon phê duyệt chiến dịch Linebacker 2, chiến dịch không quân ném bom hủy diệt HN, HP, Thái Nguyên và một vài địa phương khác.
Phái đoàn của chính phủ VNDCCH trở về HN buổi chiều thì buổi tối bọn Mỹ bắt đầu ném bom HN bằng B52, đó là ngày 18/12/1972. Chúng tôi là những người chứng kiến 12 ngày đêm trận Điện  Biên Phủ trên không từ đầu đến cuối, mà cái đêm 18/12 ấy là đêm đầu tiên. Trời HN rực sáng những quả đạn tên lửa (thường bắn từng chùm đôi), những chùm đạn cao xạ và cả những vũ khí nhỏ như súng trường. Thỉnh thoảng bầu trời rực sáng cả một vùng, bắt đầu từ trên cao một chùm cầu lửa rơi xuống to dần rồi nổ tung thành nhiều mảnh sáng. Đó là những chiếc B52 bị trúng tên lửa và rơi xuống đất. Chúng tôi thường thập thò cửa hầm để xem màn pháo hoa hiếm có ấy, có lúc còn đứng ngay ở sân nhà chủ để xem cho dễ. Đêm 19/12/1972 một chiếc B52 rơi ngay xã bên cạnh. Sáng 20/12 Thầy Khải phổ biến nghị quyết của trường tạm dừng học tập và không được rời khỏi khu sơ tán mà phải thường xuyên ở gần hầm trú ẩn. Thế nhưng buổi trưa Thầy lại “bí mật” rủ chúng tôi (Ngọc, Hòa Bình, Minh Hải) đạp xe sang xã bên cạnh xem xác máy bay (dĩ nhiên chúng tôi là những học sinh được Thầy rất tin tưởng). Thật là dịp hiếm có, chúng tôi cùng Thầy đạp xe chừng 5 km, đến một ruộng khoai lang nơi chiếc máy bay rơi. Trước mắt chúng tôi là một cái ao khô rất rộng với lổn nhổn những quả bom chưa kịp nổ nằm ềnh ềnh lung tung sau khi văng xa ra các thửa ruộng bên cạnh. Nhân dân rất đông trèo lên xác máy bay, nhiều người cố gắng vặt những gì có thể vặt được để làm kỷ niệm. Chúng tôi mỗi người cũng làm một mảnh đura, mảnh của tôi còn có logo của không lực Hoa kỳ. Sau này tôi về kê chuồng gà nhà tôi, đến sau khi đi học nước ngoài về thì không còn mảnh máy bay đáng nhớ ấy nữa. Không quy ước nhưng cả Thầy và 3 trò mấy hôm sau đều giữ kín chuyện “vi phạm kỷ luật” này.
Ngày 24/12/1972 nhà trường giải tán cho chúng tôi về gia đình. Chúng tôi tạt qua HN, lấy ít đồ rồi về nơi sơ tán cùng bố mẹ. Đêm 26/12/1972 giặc Mỹ đánh nát phố Khâm Thiên, mấy hôm sau tôi đến nhà Minh Hải, bạn cùng tô và có nhà ở đầu phố Khâm Thiên, thăm và tận mắt thấy cảnh hoang tàn của khu phố sau trận bom. Đó là những hình ảnh mà suốt đời tôi không thể quên về chiến tranh ngay trên đất HN của chúng ta.
Máy bay B52 cháy trên bầu trời HN 
cuối tháng 12/1972
Sau 12 ngày đêm ấy, bọn Mỹ chấm dứt đánh phá HN. Chúng không thể dùng bom đạn khuất phục được VN. Hiệp định Paris được tiếp diễn với điều khoán gần như hồi tháng 10/1972. Chúng tôi lại quay về Kim An học tiếp. Chiều ngày 27/01/1973 cả khu sơ tán chúng tôi reo mừng nghe tin Hiệp định hòa bình được ký kết tại Paris. Bữa cơm hôm đó bị bỏ dở, chúng tôi không cần ăn mà vẫn no, cái no say của tuổi học trò biết rằng từ nay chúng tôi và các thế hệ khác sẽ được học tập trong hòa bình, không bom đạn. Mấy hôm sau chúng tôi kéo về HN. Bố bạn Hường lại đánh xe lên chở đồ về. Tết năm ấy chúng tôi đổ về Bờ Hồ xem trận pháo hoa 40 phút mừng thắng lợi. Chưa bao giờ chúng tôi được xem một trận pháo hoa đẹp như hôm ấy, có lẽ cái đẹp được nhân lên trong không khí thắng lợi, không khí hòa bình.

Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi VN. Chúng ta đã thực hiện xong chiến lược “Đánh cho Mỹ cút” của Bác Hồ trong thơ chúc tết năm 1969. Để rồi 2 năm sau, ngày 30/04/1975, quân đội ta giải phóng SG, thực hiện nốt nửa còn lại, “Đánh cho ngụy nhào” mà Bác đã dạy năm nao.
Nhưng tất cả đã được chuẩn bị, được tạo ra từ năm 1972 lịch sử đó. Và tôi không giờ quên được những thời khắc đau thương, hào hùng của năm đó, dù đã 40 năm trôi qua.



36 comments:

  1. Có những kỷ niệm, những năm tháng không thể nào quên dù bao nhiêu năm đi nữa. Cảm ơn Ngọc đã ghi nhớ rất sâu sắc sự kiện này. Mong sao cho con cháu chúng ta sẽ luôn được sống trong hòa bình ấm no hạnh phúc.
    Đêm ngày 26/12/1972 ấy Liên ngồi trong hầm trú ẩn ở nhà, nghe bom nổ ing tai. Sáng hôm sau đạp xe đạp lên Xuân Mai, nơi sơ tán của Quân Y viện 354 cơ quan của mẹ mình, qua Khâm thiên thấy cảnh đổ nát khủng khiếp.

    ReplyDelete
  2. Em còn nhớ quả bom rơi vào ĐSQ Pháp là lúc tầm trưa, hình như là bà vợ ông Đại sứ chết, còn ông ấy bị cụt chân, anh CT dùng gôgle thần chưởng có thể kiểm chứng được...

    Đúng là tự hào về thành phố HN
    Thủ đô yêu dấu
    Một thời đạn bom
    Một thời (Đỗ) hoà bình ... :-)))

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn anh Ngọc đã có bài viết mô tả chi tiết về các sự kiện năm 72 "không thể nào quên". Hồi đấy sau ngày 29/12 mọi người đều đi xem phố Khâm Thiên và cảnh hoang tàn còn giừ đến giữa năm 73 và là cảnh quay thật cho bộ phim "Em bé Hà Nội".

    Còn sự kiện tên lửa (không phải bom) bắn vào Đại sứ quán Pháp thì anh biết vì hôm đó còn nghe thấy tiếng nổ, nhà anh rất gần đó. Tuy nhiên cũng chẳng thấy cháy hay khói gì cả. Còn nhớ một mảng tường ĐSQ ở phố Hàm Long bị vỡ và anh tận mắt chui qua đó xem ĐSQ Pháp.

    ReplyDelete
    Replies
    1. không phải. Hôm đó 2 nơi trúng bom: 1 là tòa nhà chính của ga Hàng Cỏ, hai là sứ quán Pháp. Đại sứ Pháp bị chết.
      Có 1 chuyện tiếu lâm như sau:
      Con trai đại sứ vốn là bác sĩ, bay sang VN và đề nghị cho xem phác đồ điều trị. Ông ta công nhận mọi chuyện đúng hết ngoại trừ 1 món ghi trong đó: BD12.
      Không ai đoán ra đó là gì cho đến khi BS điều trị giải thích "bồi dưỡng 12 ngày" ;-)

      Delete

    2. Google "thần" search cho kết quả là Nữ nhân viên Sứ quán Pháp bị chết, Đại sứ bị bỏng nặng đầu và ngực, năm nhân viên người Việt bị bom vùi, một nhân viên sứ quán Algerie đến chơi cũng bị thương

      http://depts.washington.edu/labpics/repository/d/3299-3/1972_10mid_v5n4_ocr.pdf

      The u.S. Air Force delivered another
      deadly bundle of bombs last week
      right on top of the French Diplomatic
      Mission in Hanoi. The French, who
      fought their own losing war against
      the Vietnamese people from 1946-1954,
      were stunned by t.he attack, and' they
      issued a strong protest to the U.S.
      An outraged Fren'ch President Pompidou
      called the bombing "a deplorable
      act." The U.S. Government expressed
      its "r~grets", but said the
      bombing of the North would continue.
      Seven persons were killed in this
      latest "mistake," including a French woman'
      official. The French Delegate
      General is in crit.ical condition with
      third degree bums covering his head
      and chest • Five Vietnamese employees
      of the French Mission were buried in
      th~ rubble. The Albanian Charge-d I
      Affairs, who was visiting the Mission
      was injured.

      Delete
    3. Liệu nguồn trích dẫn ở trên (của phía Mỹ) có chính xác hơn những gì hồi đó được biết đến tại HN?
      Suy cho cùng, ko quan trọng lắm, việc bom Mỹ rơi vào sứ quán Pháp tại HN là có thực, có người chết là có thực.

      Delete
    4. Điều quan trọng là em đã tự kiểm tra được trí nhớ của mình ... Thế thôi :-)))

      Delete
  4. Hề hề hề,
    Xin gửi tới mọi người lời bài hát về chiếc mũ rơm của ngày ấy. Chả biết do ai sáng tác, nhưng nó vẫn vang trong đầu tôi khi nhớ về những sự kiện sơ tán ngày ấy. Có nhẽ nó không còn được nguyên vẹn như của tác giả song tôi không hề có ý định chế lời tí nào. Chỉ là năm tháng qua đi mà trí nhớ nó cùn lại thôi. Rất mong mọi người thể tất.

    Nào bạn ơi nhanh tay nhanh tay ta tết mũ rơm
    Nào bạn ơi nhanh tay nhanh tay ta bện chặt tay.
    Chiếc mũ rơm khoác trên vai để em đánh Mỹ.'
    Có mũ rơm khoác trên vai vẫn đi học đều....

    Nói về chiếc mũ rơm tôi cũng xin thành thật khoe rằng: ngày ấy riêng tôi đã biết tới 5 kiểu đan mũ rơm khác nhau, mà tôi tết mũ rơm cũng thuộc loại cừ. Tôi tết mũ rơm không chỉ cho mấy anh em tôi mà còn gửi cả cho bố mẹ ở nơi sơ tán nữa. Các cô chú trong cơ quan bố mẹ tôi rất khoái những chiếc mũ rơm tôi tết do nó vừa đẹp và lại rất chắc nữa, tha hồ quăng quật mà không bị bung hay đứt rách. Không chỉ tết mũ tôi còn tết cả những chiếc chổi rơm để quét nhà quét sân nữa cơ đấy
    Khi kết thúc sơ tán về Hà nội những chiếc mũ rơm này lại được dùng để lót ổ gà hay lót nồi, cũng tiện đáo để.

    Bây giờ mà có uýnh nhau thì có muốn cũng chẳng ai có rơm mà làm mũ nữa. Lúa bây giờ ngắn ngủn, còn sợi rơm thì cũn cỡn, muốn dùng để dan hay lát gì cũng chịu chết

    Hề hề hề,....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chiếc mũ rơm, vàng rộm rộng vành , trông cũng ngon lành nhưng đội thì muốn ... Gẫy cổ vì quá nặng :-))
      Hơi giống chiếc mũ bảo hiểm thời nay ... Giải quyết khâu oai là chính ... Tác dụng thì ... Vẫn chưa kiểm chứng được ...

      Delete
  5. Cám ơn Ngọc đã "quay" lại bộ phim "những ngày tháng không thể nào quên". Suốt thời gian kỷ niệm 40 năm ĐBP trên không, ngồi xem một số chương trình TV mà không ngăn được nước mắt. Chiến tranh và chết chóc, song những ngày gian khổ đó đã gắn những con người chưa hề quen biết đó lại với nhau. Nhớ lại thời gian gian khổ đó lại càng buồn khi thấy tình cảnh ngày hôm nay. Những anh bộ đội ngày đó đã giữ cho bầu trời HN tiếp tục trong xanh, thì ngày nay vẫn tiếp tục chiến đấu với cuộc sống hàng ngày. Những người anh hùng chân chính đó chẳng đòi hỏi gì và chắc họ cũng chẳng biết rằng người ta đã dựng lên những tượng đài về họ tốn tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà trong khi đó chỉ cần vài triệu đồng là cuộc sống của những người anh hùng đó đã cải thiện được cơ bản.
    Ước gì thế giới không bao giờ còn có chiến tranh, nhưng đừng vì thế mà quá hèn để cho hàng xóm muốn mắng chửi, đấm đá một cách vô lý như vậy.
    Năm mới xin chúc Đại gia đình XĐTV nhiều niềm vui, sức khỏe, may mắn và có nhiều dịp quây quần xung quanh Đại sư phụ của anh em chúng ta.

    ReplyDelete
  6. Võ đài sông Đáy
    Anh Phan Sấn dùng cú song phi..."sấn hoả đả kiếp"
    Anh Hải "dớ" hở ... Sườn nên bị dính đòn,
    May mà không hở ... Chỗ ấy ... :-))))

    ReplyDelete
  7. Mình nghĩ là ĐSQ Pháp bị bom thì đúng hơn, vì chính mình cũng đến xem quả bom nằm ở hố xí cạnh nhà 91 như Ngọc kể. Loạt bom nàyufng cùng rơi vào ĐSQ Pháp.
    Tình tiết đi xem máy bay rơi như Ngọc kể là chính xác. Mà hồi đó khg biết sợ là gì, giả sử may bay Mỹ quay lại vùng đó thì không biết chạy đi đâu.
    Làng mà chúng ta sơ tán là làng Tràng cát, xã Kim An, huyện THANH oai (khong phải là Kim bài, Kim bài là huyện lỵ của THANH oai). Chi tiết này có thể Ngọc bị nhầm?
    Trong i CVA có bạn nào đó quê ở Kim An đấy và có nhã ý mời lớp i xanh về tham rồi mà.

    ReplyDelete
  8. Mình nghĩ là ĐSQ Pháp bị bom thì đúng hơn, vì chính mình cũng đến xem quả bom nằm ở hố xí cạnh nhà 91 như Ngọc kể. Loạt bom nàyufng cùng rơi vào ĐSQ Pháp.
    Tình tiết đi xem máy bay rơi như Ngọc kể là chính xác. Mà hồi đó khg biết sợ là gì, giả sử may bay Mỹ quay lại vùng đó thì không biết chạy đi đâu.
    Làng mà chúng ta sơ tán là làng Tràng cát, xã Kim An, huyện THANH oai (khong phải là Kim bài, Kim bài là huyện lỵ của THANH oai). Chi tiết này có thể Ngọc bị nhầm?
    Trong i CVA có bạn nào đó quê ở Kim An đấy và có nhã ý mời lớp i xanh về tham rồi mà.

    ReplyDelete
  9. Hồi 1972 đó DC học lớp 4, chưa vào chuyên toán, đi sơ tán ở huyện Hoài Đức, Hà Tây. Cái ấn tượng đoàn người đi sơ tán chiến tranh đó được dựng lại trong phim "Em bé Hà nội" chân thực đến nỗi DC xem phim 2-3 lần, bao giờ đến đoạn đó cũng rơm rớm nước mắt. Sau này vào cấp III CVA mới thấy các bạn bí thư, lớp trưởng và vài bạn khác kháo nhau "em bé HN" học ở lớp bên cạnh, hay đi xe đạp bám theo lúc tan học.

    Những cái mũ rơm thì DC còn lưu giữ đến sau giải phóng miền Nam, khoảng 1976 mới bị vứt đi, vì cất trong nhà chuột nó chọn lảm tổ.

    DC hồi 9i-CVA (1977-1978) cũng có trò viết thư gửi ngăn bàn cho bạn ngồi cùng ghế trường Ba Đình, thế quái nào lại là bạn nữ. VH có viết về vụ này để nộp một entry cho anh BQ.Ngọc hô hào trước đại hội TSSN, nhưng mô ta sai bản chất sự việc. Lúc đầu thư trao đi trao lại chả biết làm sau mà mến mến nhau, đến tết âm lịch bạn nữ trường Ba Đình đòi cho biết địa chỉ nhà để đến thăm, DC cho địa chỉ mà sợ nơm nớp. Đúng hẹn tết (mùng hai, hay mùng ba gì đó), hai bạn nữ rủ nhau đạp xe tìm ra nhà DC, vào hỏi thăm, lúc đó khoảng sau giờ trưa, DC đang còn ngủ trưa, mặc áo may-ô, trùm chăn ngồi dậy trên giường (năm đó Tết không rét) không dám ra gặp bạn, nghệt quay lưng ra ngoài, mẹ và chị DC phải ra tiếp bạn giúp DC. Đến lúc các bạn về DC cũng chả biết chào, nghệt và ngố hơn nhiều truyện tiếu lâm đã posted. Vụ này gọi là "gái cưa", chứ lúc đó DC còn chưa dậy thì biết gì mà "cưa gái" như câu chuyện của VH.
    Tất nhiên là sau buổi thăm Tết năm đó thì DC hết trò thư từ qua ngăn bàn. Bây giờ mà gặp lại được bạn nữ năm xưa thì rất muốn được xin lỗi bạn ấy, chỉ vì là học trò chuyên toán ít giao tiếp nên không hiểu biết gì cả, làm các bạn thất vọng quá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng là thằng ngố, thế mà dám viết thư cho các bạn lớp chiều. Đã chơi là phải chơi đến tận cùng. Thế mà dám đạp xe theo "Em bé HN", đến khi các bạn nữ đến nhà chơi lại rúc vào chăn. Ngượng quá DC ơi.

      Delete
    2. Chú Dương này chỉ mạnh mồm trên mail đàn.
      Còn nhớ trước chú "dọa" bạt vía em ANN khi offline mà chẳng thấy gì, chắc vì sợ Tx có lựu đạn cay.
      Chắc "khoản ấy" chú cũng yếu, cố mà học Vi tiểu Bảo "nhất dạ thất hơp"... rồi hãy vênh mặt lên mà nói "thiến sót" hay không nhé.
      Hahaha

      Delete
  10. úi giời, có gì em khai thật thế. Bọn lớp em nó đeo bám "Em bé HN" rồi kháo nhau, chứ thời điểm đó em có biết gì đâu. Hai cô trường Ba Đình đã đề cập, em chỉ nhớ một cô tên là Hằng thôi, cô kia quên tên rồi. Mà cả hai đều"chân dài", tức là rất cao ráo, còn em thì lùn tịt thấp bé. Hồi đó lý trưởng Gx đã biết mang hoa hồng vàng tặng các bạn nữ rồi, lớp 8i em còn mặc quần thủng đít đến trường kia.

    Đọc lại bài nhạc chế viết hồi đầu hè phục vụ cho ngày 30/9 đại hội TSSN, thấy vẫn còn hợp với bài viết này, em post lại để ACE cùng chiêm nghiệm.

    Ký Ức (học toán thời chiến)
    chế: 4/6/2012 từ bài Lệ Đá - TCS
    http://www.youtube.com/watch?feature=endscreen&NR=1&v=nWgp_Ywtx5Y

    Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
    Hỏi gió phiêu lưu qua bao đỉnh trời
    Hỏi những đêm khuya còi hụ chú ý
    Máy bay quân thù gần sắp tới
    Xuống hầm vội vã tránh bom rơi

    Thưở ấy tôi như con chim ra ràng
    Chập chững ngây thơ bay theo một đàng
    Là ước mơ sau mình dùng trí Toán
    Để quê hương hòa bình chiến thắng
    Toán cày là men say tuổi thơ

    Ngày nay đã lớn lắm rồi
    Cần bao trí tuệ cho đời
    Chắt chiu từng giọt chất xám
    Đang thiếu nhiều không quăng rơi

    Giầu mới hôm nay chông chênh chẳng màng
    Mà muốn như xưa, xưa ta tự hào
    Bạn cũ năm xưa một thời luyến tiếc
    Sống cho nhau và cùng tiến bước
    Khiếp tệ đời hư danh ngày nay

    **********

    Toán Mãi Sống Trong Lòng
    chế: 30/5/2012 từ bài Hát Mãi Khúc Quân Hành - Diệp Minh Tuyền
    http://www.youtube.com/watch?v=PJOExrkkVOM&feature=related

    Đời mình chìm ngụp lúc đương nghèo
    Đời mình gập ghềnh cơn chinh chiến
    Ta hiên ngang triền miên ôm Toán cày
    Luyện cho mơ ước giầu
    thung dung đến ngày chẳng xa
    Mãi mãi lòng chúng ta
    ca bài ca ghiền Toán
    Mãi mãi lòng chúng ta
    nhớ Toán sẽ không rời xa

    Dù rằng còn không ít say nồng
    Phận mình chọn ta say môn Toán
    Ta mong sao dùng bao tri thức mình
    Làm quê hương vút giầu song song
    với gia đình ta
    Mãi mãi lòng chúng ta
    ca bài ca ghiền Toán
    Mãi mãi lòng chúng ta
    nhớ Toán sẽ không rời xa

    ReplyDelete
  11. Ngày 28/12/2012 vừa rồi, FPT có giao lưu với anh hùng trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, cựu tiểu đoàn trưởng tên lửa 57 anh hùng hồi tháng 12/1972 về đề tài 12 ngày đêm ĐBP trên không. Tôi có vinh hạnh làm MC cho buổi giao lưu (các em trẻ ở FPT không dám nhận làm MC). Trung đoàn 57 băn rơi 4 máy bay B52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Tôi đã hoàn thành tốt vai trò MC hôm đó.

    Bức ảnh dưới đây ghi lại việc tôi tặng hoa và quà cho trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cuối buổi giao lưu.
    [im] http://www.studentkgu.vn/file/pic/gallery/9704_view.jpg [/im]

    ReplyDelete
  12. Các thông số của B52H (đời cuối của máy bay B52)
    • Độ dài: 48,5 m
    • Sải cánh: 56,4 m (mỗi sân vận động bóng đá chỉ chưa được 02 máy bay B52)
    • Độ cao: 12,4 m
    • Tầm bay: 7210 km
    • Sức tải: 31.500 kg (tương đương 100 quả bom loại phổ cập 300 kg)
    • Trang bị: 1 súng máy 20mm, 6-8 tên lửa không đối không (tên lửa thu hút nhiệt chống tên lửa mặt đất bắn lên), tên lửa tìm diệt rada (chế tạo sau chiến tranh Trung Đông 6 ngày năm1967 do Ixarel thu được Sam2 của Ai Cập), 18 máy phát nhiễu
    • Giá thành: $50M-$70M (tính theo thời giá năm 2000)
    • Được đưa vào sử dụng cho không quân chiến lược Mỹ từ năm 1955
    • Sau nhiều lần năng cấp, bảo trì, đã được quyết định sử dụng đến 2040 (dù rằng Mỹ có nhiều thế hệ sau này hiện đại, siêu thanh, tàng hình như B1, B2 nhưng những máy bay này không thay thế được B52 như lực lượng ném bom chiến lược của không quân Mỹ)
    Lực lượng tham chiến
    Mỹ
    • 197 máy bay B52 (1/2 tổng số máy bay B52 của Mỹ khi đó)
    • 1.077 máy bay chiến thuật (1/3 số máy bay chiến thuật)
    • 6 tầu sân bay (1/4 số tầu sân bay)
    Việt Nam
    • 23 tiểu đoàn SAM-2
    • 50 máy bay MiG
    • 15 trung đoàn pháo cao xạ
    Thiệt hại
    Mỹ
    • 81 máy bay bị bắn rơi
    • Trong đó có 34 B52 (16 rơi tại chỗ), 5 F-111
    • Hàng trăm phi công bị chết và bị bắt sống
    Việt Nam
    • 1.624 dân thường bị giết
    • 6 máy bay MIG-21
    • Cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng
    Chiếc ảnh sau để các bạn thấy được vì sao B52 được gọi là "pháo đài bay"
    [im] http://www.studentkgu.vn/file/pic/gallery/9705_view.jpg [/im]

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngọc chịu khó sưu tầm các thông tin hữu ích cung cấp cho các bạn. cám ơn nhé.
      Những kỷ niệm về năm 1972 có lẽ thế hệ chúng ta không bao giờ quên.
      Hôm nay đi ngang qua phố Thợ Nhuộm, thấy vị trí quả bom rơi năm 1972 nằm tại hố xí nhà cạnh số nhà 91 (hình như không phải được đánh số 93 mà là phần sau của 1 ngôi nhà mặt phố Bà Triệu) là văn phòng tin học PT. Không dám nghĩ dại.... may mà nó không nổ.

      Delete
    2. Bình nhớ đúng đấy, nhà tao là số cuối, số 91. Còn nhà tiếp theo (nhà mà quả bom nằm chềnh ềnh ở trong nhà xí) tuy có nằm ở phố Thợ Nhuộm, nhưng cổng chính và được đánh số của phố Bà Triệu.
      Hôm ấy vì sao Bình cũng có mặt ở đó để sờ vào quả bom nhỉ? Hồi đó làm gì có điện thoại mà gọi cho nhau?

      Delete
    3. Dịp đó mình cũng vẫn đang ở Kỳ đồng (Tống duy Tân), thấy nói ĐSQ Pháp bị trúng bom nên chạy lên xem. Thấy mọi người nói có quả bom không nổ nằm ở đầu phố Thợ Nhuộm nên cũng chạy lại xem và biết vị trí quả bom nằm trong hố xí thôi, có được sờ vào đâu. Cái hố xí đó nằm sát tường phía thợ nhuộm và áp vào nhà số 91. Có lần lên nhà cậu bạn của Ngọc (không nhớ tên) ở cùng số nhà 91 trên tầng 2 ngó qua cửa số cũng thấy, hình như ở đó còn trồng cả cây chuối nữa.

      Delete
    4. Hồi đó Hải sơ tán ở Quốc Oai. Còn nhớ có lần chui vào trong một cái hang hay động rất to ở Quốc Oai để tránh bom. Động này hình như lộ thiên thì phải.
      Mẹ đang làm BS ở Viện C thì về BV Quốc Oai tiếp tục khám. Sơ tán cùng trong Viện C có mấy chị con các cô bác trong Viện rất xinh ;)

      Delete
  13. Vừa đọc một hơi hết bài của anh Ngọc. Một vài ý em đã được đọc ở ở đâu đó trong sách "10i Lớp tôi" nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ. Chịu thua cái độ dài hơi, dai sức rất rất endurant của anh. Khen nữa thi khéo bị chụp mũ là nịnh mất.

    Anh có thể cho biết các con số thống kê về trận "Điện Biên Phủ trên không" anh lấy từ nguồn nào được không? Em tìm thấy hai nguồn wikipedia tiếng Việt:
    - Chiến dịch Linebacker II
    - B-52 trong Chiến tranh Việt Nam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong bài này có một cái bảng khá chi tiết về số lần B52 bay ra trong đợt 12/1972. Số máy bay B52 bị bắn rơi là 15.

      "In Linebacker II, SAC's B-52s had flown 729 sorties out of a total of 741 planned sorties and dropped 15,000 tons of bombs. North Vietnamese forces had fired about 1,240 SAMs. The Air Force lost 15 B-52 bombers, which amounted to a loss rate of less than two percent. Of 92 B-52 crew members involved in the losses, 26 were recovered, 25 came up missing in action, 33 became prisoners of war, and eight were either killed in action or later died of wounds. In addition, the US lost two F-111As, three F-4s, two A-7s, two A-6s, one EB-66, one HH-53, And one RA-5C."

      Delete
    2. Vào wikipedia (tiếng Anh), tìm theo - Chiến dịch Linebacker II
      Vào wiki tiếng Việt, xem tương tự, hoặc theo từ khóa ĐBP trên không,.. là có hết. Tất nhiên tiếng Việt và tiếng Anh tư liệu khác nhau, nhưng nét cơ bản là giống nhau.
      Ta công bố 16 chiếc B52 bị bắn rơi tại chỗ (rơi trên đất VN) trong tổng số 34 chiếc B52 bị bắn rơi.
      Mỹ công nhận thêm 4 chiếc bị rơi ở biển đông, 5 chiếc bị rơi là Lào và Thái Lan, tổng cộng là 25 chiếc (nguồn Wikipedia tiếng Anh). Như vậy sai lệch 2 bên ko quá nhiều.
      Trong chiến tranh chống Mỹ, ko bao giờ phía ta công bố bất cứ thiệt hại quân sự nào của ta.
      Các bên thống kê không bao giờ giống nhau, chuyện bình thường. Đừng cố tìm sự thật bao nhiêu chiếc bị rơi. Nó ko có nhiều ý nghĩa lắm. Quan trọng Hiệp định Paris được ký giống như bản dự thảo ký tắt tháng 10/1972, không đề cập tới việc rút khỏi miền Nam của bộ đội miền Bắc. Quan trọng là sức mạnh ghê gớm của ko lực Hoa Kỳ đã ko khuất phục được phía VNDCCH thay đổi điều khoản rất quan trọng của Hiệp định Paris.

      Delete
    3. Kiến thức các bác thực uyên thâm! Thế hệ 6X của XĐTV chẳng ai ko có đôi kỷ niệm về những ngày cuối năm 1972 - Hà Nội. Vừa rồi, kỷ niệm 40 năm, nhà cháu băn khoăn khi có những thông tin cho rằng MIG "ko thể bắn rơi B.52" bằng 2 quả tên lửa mà loại tiêm kích này mang theo. Rất mong lĩnh hội những kiến giải của các bác.

      Delete
    4. Ý kiến của bạn nào đó là có cơ sở. Thực ra chỉ có 1 máy bay B52 bị MIG21 hạ, đó là anh hùng Vũ Xuân Thiều. Sau khi bắn 2 quả tên lửa vào B52 chẳng thấy ăn thua gì, anh Thiều lao cả MIG vào B52 và hy sinh. Còn Phạm Tuân chỉ giúp sức thôi, chứ chiếc B52 đó bị hạ bởi tên lửa SAM.
      Hãy tham khảo:
      http://wiki.answers.com/Q/How_many_b-52_bomber_crashes_has_there_been

      Trong đó có đoạn:
      The Stratofort's only loss to an interceptor was claimed by NVAF Maj. Pham Tuan while flying his MiG-21 jet. Using an air to air missile, Maj. Tuan, along with ten other MiG-21 drivers, had been specially trained for night attacks against the B-52's. Altough one other NVAF MiG-21 pilot claimed a B-52 kill, he and his jet were destroyed in the resulting explosion of the Stratofortress. As the only survivor, Maj. Tuan's is alive to back up his aerial confirmation. Tuan's aerial victory occurred on 26 December 1972, during the Linebacker II campaign, but again, the USAF has denied the loss to a MiG-21 and credits the lost Stratofort to another SAM.

      Delete
    5. Hi Thành,nếu em đọc kỹ đoạn trên thì nguồn đó nói rằng máy bay của Vũ Văn Thiều cũng chẳng bắn được máy bay B52 mà bị phá hủy khi chiếc B52 nổ tung (ý là khoảng cách rất gần nên bị phá hủy theo), chứ ko phải lao máy bay (cảm tử) vào chiếc B52 nọ. Tóm lại theo nguồn đó, chẳng có B52 nào bị MIG-21 bắn hạ cả.
      Nguồn trên cũng viết: đối với trường hợp của Phạm Tuân, Bộ chỉ huy không quân Mỹ phủ nhận B52 bị Phạm Tuân bắn rơi mà nói rằng bị Sam bắn hạ.
      Phải chăng Thành cho rằng thông tin của Bộ chỉ huy không quân Mỹ là đáng tin cậy? Hay vì nó viết tiếng Anh thì đáng tin cậy hơn?
      Nếu thuần túy khoa học lịch sử thì nên trích dẫn các nguồn thông tin và dừng ở đó. Trên Wikipedia bên cạnh trích dẫn con số thiệt hại do Mỹ đưa ra, họ luôn trích dẫn phía VNDCCH nếu con số đã bắn hạ 34 máy bay B52, không bình luận ai đúng ai sai.
      Các tài liệu cũng nói rằng điều Mỹ sợ là các máy bay MIG-21 có thể tấn công B52, còn tên lửa Sam-2 phía Mỹ ko ngại vì tin vào việc chống nhiễu rất có hiệu quả, tin vào các tên lửa chống rada của SAM-2 sẽ rất hiệu quả do nhờ Mỹ đã chế được tên lửa này nhờ Ixariel thu được rất nhiều SAM-2 của Ai Cập trong chiến tranh 6 ngày năm 1967 nộp lại cho Mỹ (Nên nhớ lực lượng phòng không Ai Cập đã bị không quan Ixariel làm cho tê liệt hoàn tòn với các kỹ thuật gây nhiễu của Ixariel). Suốt trong thời gian nhiều năm trước tháng 12/1972, tên lửa SAM-2 hạ được có 1 B52 (mà phía Mỹ ko công nhận). Hồi tháng 12/1972 ban ngày máy bay chiến thuật Mỹ đánh rất rát các trận địa tên lửa SAM-2. Ngay ban đêm khi ta bật ra-da lên là máy bay chiến thuật Mỹ dò ngay sóng và phóng tên lửa, loại cứ tìm rada mà nổ. Đã có tiểu đoàn tên lửa SAM-2 của ta bi tên lửa này của Mỹ đánh tan tác. Sau đó bộ đội ta nghĩ rất nhiều mẹo để đánh lừa loại tên lửa này. Hồi đó ban ngày tên lửa SAM-2 ko tham chiến, dành cho ban đêm đánh B52. Tên lửa rất thiếu vì lắp ráp ko kịp, ta bắn quá nhiều. Ban đêm đánh xong, các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 phải di chuyển ngay sang trận địa khác và để lại tên lửa giả để đánh lừa hôm sau máy bay chiến thuật của Mỹ thế nào cũng sẽ đánh trận địa tối hôm trước vì hệ thống điện tử trên các máy bay Mỹ đã ghi được vị trí trận địa tên lửa SAM-2 sau khi bật rada.
      Tóm lại, phải hiểu rằng bắn hạ số lượng B52 như thế (ngay cả 15 chiếc Mỹ công nhận đi chăng nữa) là 1 kỳ tích. Chỉ ở VN B52 mới bị bắn rơi, dù nó được dùng ở nhiều cuộc chiến khác.
      Chính xác bao nhiêu, cái đó rất có thể ko bao giờ được biết, nhưng trận chiến đã diến ra và Mỹ đã thua vì vẫn phải ký hiệp định Paris như dự thảo tháng 10, QĐND VN vẫn ở lại miền Nam.

      Delete
    6. Hi anh Ngọc,
      Thành chỉ đưa ra thông tin để mọi người tham khảo chứ không khẳng định gì cả.
      Chuyện anh Vũ Xuân Thiều thì bây giờ báo Việt mới đưa nhiều vì lý do anh Thiều đã quyết định cảm tử từ mặt đất. Lúc bắn xong 2 quả tên lửa có nói về trạm theo dõi bay là "không ăn thua gì" và sau đó máy bay nổ. Bởi vậy em tin là chuyện cảm tử là có thật.
      Còn chuyện bọn Mỹ nói thì cũng biết vậy thôi, Thành cũng không tin.
      Còn một thông tin nữa là khi B52 tránh tên lửa của MIG sẽ bị lộ khỏi đống nhiễu và bị SAM hạ.
      Kết cục là hoàn toàn đồng ý với anh Ngọc: "ta thắng, Mỹ thua". Hehe

      Delete
    7. Khi Mỹ tẩn Iraq, quân Saddam chỉ mong bắn rớt MỘT B.52 mà ko thể - HN hạ B.52 tại chỗ tới nay đúng là kỳ tích - Hiên ngang, phi thường!!!
      Vài năm trước, tại hội thảo của Ngành về trinh sát kỹ thuật-tác chiến điện tử, Đại tá Vũ Thắng kể ngày đó còn nghe rõ tổ lái B.52 tám trong đội hình từ khi xuất kích. Có nhiều cách bất ngờ và rất riêng để phát hiện và bắn hạ B.52 của bộ đội ta. Quân dân HN ngày ấy thật thông minh, quả cảm!!!

      Delete
    8. @Anonymous (là ai đó trong XĐTV???): MiG21 có thể đánh gục B52. Cuối 1971 đã có B52 bị ăn đòn của MiG21 rồi.
      Tham khảo ở đây này:
      http://phamvietdao3.blogspot.com/2012/12/vu-inh-rang-nguoi-au-tien-ban-roi-b-52.html
      http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phong-su/606343/Nhung-nguoi-cuoi-gio-danh-giac-troi-tpp.html

      Đau xót nhất là anh Rạng đã không được khen mà xuýt nữa còn bị kỷ luật (chỉ vì mấy vị chính ủy và chính trị viên chẳng biết lái may bay tàu bò ra sao, lúc nào cũng nghĩ vác chủ nghĩa anh hùng cách mạng là B52 tự rơi thôi).

      Delete
    9. Em đọc bài trên báo TP rồi, rất hào hùng.

      Check lại trên Wikipedia thì ra thông tin tương đối khớp, chỉ khác nhau về năm và nguyên nhân. Theo Wikipedia thì máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi ở VN là vào 22/11/1972, ở Vinh. Chuyện chiếc B52 này bị SAM hay MIG 21 bắn rơi thì coi như là sai số (diễn giải có tính chất chủ quan) có thể bỏ qua được vì nhiều khi cũng không biết là bị trúng tên lửa dưới đất bắn lên hay trên trời bắn ngang. Không biết ai sẽ phải sửa lại (ngày và) năm, báo TP hay Wikipedia.

      On 22 November 1972, a B-52D (55-0110) from U-Tapao was hit by a surface-to-air missile (SAM) while on a raid over Vinh. The crew was forced to abandon the damaged aircraft over Thailand. This was the first B-52 to be destroyed by hostile fire in Vietnam.[139]
      ...
      During Operation Linebacker II, there were 15 B-52s shot down, five B-52s were heavily damaged (1 crashed in Laos), and five B-52s suffered medium damage. A total of 25 crewmen were killed in these losses.[145] Vietnam claimed 34 B-52s were shot down.[146]

      [139] "Reds Down First B-52 of War." Los Angeles Times, 22 November 1972.

      Delete
    10. Bác Thái: Nhà cháu là Hoà (iV), quê Cát Động-gần Tràng Cát nơi các bác sơ tán ah. Chuyện B.52 bị MiG cho ăn đòn khiến lũ giặc lái "rất ngán" là có thật mà, nhà cháu chỉ lăn tăn chuyện cụ Tuân "bắn tan một pháo đài bay, đảng ta khoái quá phong ngay anh hùng" thôi.

      Delete
    11. Về các sự kiện lịch sử thì theo Hải answers.com không phải là nguồn đáng tin cậy lắm. Về các thông tin howto các kiểu như chữa ô tô, chữa điện đóm, máy móc,... trong nhà thì có thể dùng được.
      Trái lại Wikipedia được tổ chức theo kiểu, nói có sách, mách có chứng và có một đội ngũ experts rất đông đảo. Họ canh giữ và bảo vệ các dữ kiện một cách rất nhiệt thành. Đôi khi Hải cũng nhảy vào tham gia (về những thứ mà mình biết rõ ;)

      Delete
    12. Đọc tiếp một hồi thì biết được là phi công Mỹ thời chiến tranh VN rất sợ MIG 21. Có nhiều cái đáng sợ:
      - Một là vì MIG 21 rất nhỏ và cực kỳ cơ động.
      - Hai là hình dáng MIG 21 tương đối giống F4, mà lại bay rất nhanh.
      Thường là phi công ta lái MIG 21 sẽ có ưu thế đưa máy bay Mỹ vào tầm ngắm trước khi phi công Mỹ nhận ra đó là MIG 21. Đến lúc nhận ra thì không còn thời gian đề ngắm và phóng tên lửa không đối không nữa.

      Theo "truyền thuyết" của phi công Mỹ kể lại thi thường F-4 Phantom chọi nhau với MIG 21 (dog fight) bao giờ MIG 21 cũng thắng. Phi công VN cũng nhiều người rất giàu kinh nghiệm. B52 tuy được gọi là pháo đài bay (stratofortress) nhưng bay rất chậm chạp. Chuyện MIG 21 hạ được B52 theo Hải là hoàn toàn có thể tin được.

      Delete