Sunday, October 14, 2012

Người FPT hát nhạc Trịnh

Bài giới thiệu CD này được viết khi có một số bạn quan tâm đến nhạc Trịnh, đến FPT nói riêng. Xin cám tạ sự quan tâm của các bạn XĐTV.

Ai mà không thích nhạc Trịnh. Ai mà chả biết hát nhạc Trịnh. 
Người FPT cũng vậy thôi. 
Năm 2008 có một Việt kiều, anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, qua Bộ KH-CN có đến FPT thực hiện một đề tài về quản lý chất lượng. Anh này rất thích hát nhạc Trịnh, mỗi năm ra 1 CD nhạc Trịnh của riêng mình. Trong FPT đã có 4 đêm nhạc Trịnh được tổ chức cùng Thái Hòa, mà người hát chỉ là cán bộ nhân viên FPT. Có những đêm hát đến 12h. Sau đêm nhạc kỷ niệm 9 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, chúng tôi tự hỏi nhau: “Sao người FPT không ra một CD nhạc Trịnh của riêng mình?”. 
Thế là dự án làm CD này đã bắt đầu và kết thúc 1 năm sau đó, 10 năm ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (1/4/2001-1/4/2011). Tôi tham gia với vai trò là nhà tài trợ sản xuất và tham gia biên tập, đọc lời thoại (vì không dám hát, tự ti vì chất giọng của mình). 
Năm 2010 Thái Hòa về VN và đầu quân vào FPT, với chức danh “Trợ lý quản lý chiến lược” cho Chủ tịch HĐQT BinhTG. 
Sau đây là các thông tin chính về CD này: 
Người FPT hát nhạc Trịnh 
Album Tưởng niệm Giỗ 10 năm Trịnh Công Sơn (2001-2011) Ru đời đi nhé 
1. Nắng thủy tinh (Thái Hòa)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No01.mp3
2. Ru đời đi nhé (Thu Trang)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No02.mp3
3. Để gió cuốn đi (Tiến Dũng & MPU Vocal)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No03.mp3
4. Bên đời hiu quạnh (Vân Hải)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No04.mp3
5. Gọi tên 4 mùa (Quốc Huy)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No05.mp3
6. Tuổi đá buồn (Hoàng Nhung)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No06.mp3
7. Tình khúc Ơ-bai (Nguyệt Minh/Ngọc Trâm)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No07.mp3
8. Như một lời chia tay (Đức Long)
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No08.mp3
9. Tuổi đời mênh mông (Lệ Thủy) 
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No09.mp3
10. Góp là mùa xuân (Văn Lục) 
http://dl.dropbox.com/u/22887051/Track%20No10.mp3

11. Ở trọ (Hoài Thương) 
13. Bonus Ca sĩ khách mời: Em hãy ngủ đi (Thủy Tiên) 

  • Biên tập: Bùi Quang Ngọc, Đinh Tiến Dũng & Thái Hòa 
  • Hòa âm: Đức Thịnh & MPU Music School 
  • Thu âm & Mix: Hữu Hậu & MPU Music School 
  • Thiết kế Mỹ thuật: Thái Feeling 
  • Phát hành: Phương Nam Film & Thái Hòa 

Trong số này các bạn lưu ý hộ bài số 7, Nguyệt Minh là con gái tôi, ca sỹ bài số 3 là GS Xoay Đinh Tiến Dũng của tiết mục nổi tiếng trên TV 3 “Hỏi xoáy đáp xoay”. Bonus track số 13, ca sỹ Thủy Tiên này (ca sỹ mời tham gia cùng CD của FPT) không phải là cô Thủy Tiên bồ của cầu thủ đá bóng Công Vinh. Ca sỹ này bị tật ở miệng, nhưng hát nhạc Trịnh vào loại số 1 hiện nay ở VN. Bài số 13 “Em hãy ngủ đi” được Thủy Tiên hát trên nền nhạc đệm của đúng 1 ghi ta gỗ (như ngày xưa Khánh Ly hát nhạc Trịnh là phần nhạc đệm chỉ có vậy), do Đức Thịnh thực hiện (Thịnh cũng là người đệm piano cho tôi độc lời thoại. Trong CD này anh còn chơi măngđôlin và thổi armonica nữa).
Như bạn DC đã nhận xét, bằng CD này chúng tôi muốn thể hiện cách hát nhạc Trịnh của những ca sỹ không chuyên, những cán bộ nhân viên FPT, muốn qua đó chứng tỏ rằng ai cũng có thể hát hay nhạc Trịnh, miễn họ yêu, họ cảm cái âm nhạc đó, miễn là họ hát nhạc Trịnh bằng tấm lòng của mình.
Các ca sỹ CD "Ru đời đi nhé", bấm vào ảnh để có thể xem ảnh to hơn
Ngọc, i-Xanh

36 comments:

  1. Thực sự là một CD có chất lượng ...
    Em nghe đi nghe lại khá nhiều lần, phần hoà âm rất khá. Guitar đệm rất hài hoà. Chất lượng âm thanh hoàn hảo, ca sỹ hát tự tin thoải mái, có gì đó mới mẻ hơn là nghe các ca sỹ chuyên nghiệp hát mãi nhàm. Cảm ơn anh Ngọc

    ReplyDelete
  2. Tuấn nhận xét rất đúng. Thử nghe kỹ ghi ta đệm giữa 2 lần hát của bài 13, hẳn Đức Thịnh là 1 tay chơi ghi ta có hạng. Thịnh chơi piano cũng rất hay (thử nghe phần đệm cho anh đọc lời thoại). Chính Đức Thịnh cũng làm phần phối khí, hòa âm của CD. Sự thực Người FPT rất tự hào về chất lượng của CD này, cả ca sỹ hát lẫn phần hòa âm, cũng như thiết kế bìa.
    Sau 1 năm số đĩa tiêu thụ được là khoảng 4000. Số tiền thu được dành là các học bổng cho các trẻ em bị dị tật do dioxin tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra các ca sỹ đã tổ chức được 06 đêm diễn, trong đó có 4 đêm ở trong FPT tại HN, HCM, ĐN và Cần Thơ, 1 đêm cho Đại học FPT và 1 đêm tại Quảng Trị.
    Với nhạc Trịnh ca sỹ chuyên ngiệp chưa chắc đã hơn nghiệp dư. Nhạc Trịnh hát bằng tấm lòng, bằng cảm nhận, chứ không phải bằng kỹ thuật hay chất giọng

    ReplyDelete
  3. Amazing, em không ngờ nghệ sỹ guitar và piano là một, anh Đức Thịnh chơi piano trên cả ... Tuyệt vời ...:-)))
    Còn guitar của anh ấy rất điêu luyện và tựdo, phần lớn ghi ta đệm phải "dzợt" kỹ vài melody để lăp lại vài lần trong khi đệm nhưng tay ghi ta này chơi rất tài tử , như là dòng nhạc tự tuôn ra ... Chơi tự nhiên như Clapton hoặc Sting ...

    Em nghĩ nếu FPT còn nhiệt huyết thì nên làm thêm volume 2 nữa anh Ngọc ạ ...!!!!
    Bài ... Độc thoại của anh với tiếng đàn piano nghe đã hay rồi ...:-)))

    ReplyDelete
  4. Đức Thịnh là dân tốt nghiệp Lý-Sáng-Chỉ của học viện âm nhạc HCM (lý luận sáng tác chỉ huy), nên hòa âm rất giỏi, và chơi các nhạc cụ đều chuẩn, đều hay. Ngoài piano, ghi ta, măngđôlin và armonica đã thể hiện trong CD của FPT. Thịnh còn chơi được saxophone và accordion.
    Tuấn khá tinh khi biết rằng Thịnh chơi rất tự do. Có thể 2lần đệm cho 1 bài hát Thịnh chơi ko giống nhau. Khi chơi hắn phiêu diêu tâm hồn theo bản nhạc, bài hát, mà đã phiêu diêu thì đâu có lần nào giống lần nào. Hắn chơi nhạc cứ như ta thở, ta đi ấy.
    Năm nay bọn anh đang làm CD cho nhạc sỹ Trương Quý Hải, ông này cũng là người FPT (và cũng chế rất giỏi nhiều bài phục vụ FPT).
    Còn đĩa 2 nhạc Trịnh sẽ có, những phải đợi ít thời gian nữa.
    Mà thread này chỉ có 2 anh em mình đối thoại thôi à? Ko có ai mê nhạc Trịnh nữa à?

    ReplyDelete
  5. Hay quá, thế là sắp được nghe Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa ...
    Nếu Đức Thịnh hoà âm thì. ... Tuyệt

    Mà sao blog iCVA ... vắng còm men ... Quá

    Riêng về guitar, người chơi tự do không bao giờ hết nguồn sáng tạo nên chơi rất hay rất ngẫu hứng, em cũng một thời bập bùng nên nghe ra thôi.
    Vì thế Carlos Santana, Eric Clapton, Mark Doppler là những guitarist ngẫu hứng chơi mỗi lúc một khác ...

    Cũng như hoạ, có cảm hứng thì cứ tuôn ra thôi, anh nào lên gân chỉ qua vài đường cơ bản là ... Tắc

    ReplyDelete
  6. Tớ rất vui là được NgọcBQ cho nghe buổi nhạc Trịnh do người FPT hát ở Sài gòn năm ngoái nhân ngày giỗ lần thứ 10 của ông. Rất tình cờ dịp đó đang chơi lang thang trong đó. Được nghe nhạc "sống", lại còn được tặng kỷ niệm đĩa CD này nữa. Cảm ơn bạn Ngọc nhiều nhé. Bao giờ bạn cũng chu đáo hết mình.

    ReplyDelete
  7. DC hơi tự ti về khoản nhạc của mình, kiến thức tạm coi là zero, nên chỉ dựa cột nghe thôi, hát cũng lạc nhịp luôn, nên không dám bình loạn. Tuy nhiên, không vì thế mà không dám "chế" nhạc, mỗi khi có cảm xúc trong lòng. Lúc đó cứ mở bản nhạc ra nghe đi nghe lại, thường là nghe trên mạng, để xem lời luôn, rồi các ca từ "chế" theo dòng chảy cảm xúc lần lượt theo ra và vang lên theo nhạc trong đầu. Vì "ngố" nhạc, nên DC phải chọn lựa "ca từ chế" rất cẩn thận cho khớp với ca từ gốc, không như TN có sẵn "năng khướu" rồi, các từ mang âm "sắc, ngã, hỏi, nặng, huyền" kiểu gì TN cũng hát "trôi chảy" theo nốt nhạc được.
    Mọi người có thể ngạc nhiên DC viết nhạc "chế", tuy cũng có âm hưởng "nào đấy" trong ca từ chế, mà bản thân lại hát không trôi chảy lời chế của chính mình, trong khi đó người khác nhòm vào lướt qua là hát ngay được lời bài "chế". Âu cũng là mỗi người một cách "hưởng thụ văn hóa". Người "bình dân" tự ca hát vẫn thấy máu chảy trong huyết quàn rần rần, đâu cứ phải có dân chuyên nghiệp biểu diễn thì mới "sướng" được. Và trong việc "tự sướng ca hát" này (mình + bạn bè tự hát, tự nghe), thì nhạc Trịnh là "ngon lành" nhất. Chính vì nhạc Trịnh " ngon lành ", nên DC hay " chế " nhạc Trịnh nhiều nhất.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề.
      Nghe xong cái CD của bác Ngọc mất béng cả giấc ngủ trưa. Bữa nay Sài gòn lại mưa vào giấc trưa này nữa nên quả là có sướng thật. Mặc dù cũng gần giống DC, cái khiếu về nhạc của Lùn tui chỉ đủ dể nghe và cảm thấy tự sướng chứ chả thể bình bát gì. Tuy nhiên nghe xong cũng thấy có một vài ý kiến như sau:
      1/- Hòa âm của CD này khá bài bản và không hề kém cạnh so với các CD khác trên thị trường âm nhạc hiện nay. Chắc hản FPT có studio âm thanh cũng ra trò chứ chả phải chơi.
      2/- Các bài hát trong CD này chưa phải là những bài hay nhất trong kho nhạc Trịnh, vậy mà với CD này nghe đã sường thì với các bài nổi tiếng như Biển nhớ, diễm xưa, hạ trắng,.... chắc anh Ngọc sẽ cho ra đĩa tuyệt vời gấp bội. Rất mong anh Ngọc sẽ cho ra đời tiếp các đĩa CD về nhạc Trịnh cho đủ bộ.
      3/- Đĩa CD này bác Ngọc đang phân phối theo kênh nào vậy???
      Có thể tìm mua ở đâu???

      Delete
    2. Thu âm thì FPT có phòng thu, ko phải quá chuyên nghiệp nhưng đủ để thu làm CD. Cái thu âm (ca sỹ hát) ko quan trọng. Phần hòa âm, phối khí, chơi phần đệm. mixage, làm ra master CD mới là quan trọng. Cái này là đi thuê (chính Đức Thịnh thầu vụ này, nhưng chất lượng có được vì Đức thịnh là bạn bè quen biết lâu rồi, nên hắn sửa từng câu hát, từng đoạn nhạc cho hợp với nhau).
      CD có thể ra các đại lý của Phương Nam Phim mua.
      Nhưng để anh gửi tặng các bạn cho nó có ý nghĩa hơn. Cho anh địa chỉ, anh sẽ có cách chuyển đến. FPT trong HCM đông lắm.
      Việc chọn bài ko dễ. Những Hạ Trắng, Diễm Xưa người ta sẽ nhớ đến Khánh Ly, mình hát hay mấy cũng chưa chắc được đón nhận. Nhưng đúng là kho ca khúc của TCS thì gần như vô tận

      Delete
    3. Nhạc Trịnh giờ đã thành 1 concept riêng và nó có tín đồ trên khắp thế giới.
      Nhớ hồi trước nghe nhạc Trịnh - Khánh Ly thấy sao nó buồn thế, não nề... Ban đầu không thích nhưng sau hàng xóm bật nhiều quá nên nó ngấm vào mình từ lúc nào không hay. Nói về nhạc Trịnh - Khánh Ly, tôi không đồng ý với TN về chuyện "làm hỏng". Đây là mối quan hệ "cộng sinh", nhạc Trịnh trước Khánh Ly chưa nổi tiếng và sau Khánh Ly có những bài Trịnh như viết riêng cho Khánh Ly và sức phát tán nhạc Trịnh qua Khánh Ly là rất lớn.
      Đúng như anh Ngọc viết chọn bài nhạc Trịnh để tìm ra được nét riêng, tránh được Khánh Ly là rất khó, phải có người trong nghề như Đức Thịnh mới làm được.
      Trong CD FPT này nhiều bài hay và thành công nhưng tôi thử phân tích bài "Tuổi đá buồn".
      Bài này Khánh Ly hát tuyet hay, những ca từ như "trời còn làm mưa", "miền giáo đường", "chủ nhật buồn".. đã đóng đinh bài hát với Nhà Thờ Đức Bà với hình ảnh con chiên ngoan đạo "ngón tay buồn", "sợi tóc bồng", đang ở "tuổi đá buồn", đi lễ Thánh sao nó tinh khiết đến thế. Giọng Khánh Ly trầm và lịm cứ như "ru em bằng lòng", đưa người nghe đi vào thế giới chỉ có âm nhạc và cảnh tượng siêu nhiên.
      Giọng của Hoàng Nhung khá vang và sáng mang một nét tươi mát hơn cho bài hát, cộng với phần bè rất hiệu quả làm cho bài hát tươi vui hơn và hồn nhiên hơn. Thế nhưng đây là bài "Tuổi đá buồn", cho nên thêm vài vệt nắng hay một chút sắc tươi của hoa hồng lại làm không đúng tinh thần của bài hát. Hoàng Nhung hát nhanh hơn lại làm cho "đường phố dài" dường như ngắn lại, có lẽ thích hợp với TP HCM hiện đại, đông người, xe cộ chen lấn, cũng làm cho "ngàn năm" ngắn lại thành "vài năm". Có lẽ thế phù hợp với giới trẻ, nhịp sống hiện đại, mọi việc cũng diễn ra nhanh và có thể thấy ngay kết quả..., cũng phù hợp với đoạn chuyển gam trưởng mô tả trạng thái lạc quan, phấn khích.
      Nhưng đối với tôi, thế giới siêu nhiên mà Khánh Ly vẽ ra nó vần kỳ bí và có sức cuốn hút cần khám phá và hơn hết trong bức tranh đó có rất ít "người".

      Delete
  8. Ru đời đi nhé ... Thu Trang hát rất ... thấm , nếu giao cho ca sỹ này Hạ Trắng phần đệm guitar Đức Thịnh và một cây Vĩ Cầm, cộng một bè hát backing thì vừa đủ ...
    Bỏ ngay cái trò saxophone vào nhạc Trịnh , em thấy chả hợp gì cả ..,
    Nghe hợp ca Ru đoi đi nhé gồm Lam Trường, Đan Trường, ĐVH, QDung, Tuấn Hưng có ông saxo đầu đinh thổi kèn chả ăn nhập gì, ĐTruongf hát giọng bẹt gí, mỗi tay ĐVH và QD là hát bật lên được còn anh Ba Tàu Lam Trường hát lênh đênh thành "lên đên" lơ lớ thua cả cậu Kyo Người Mỹ ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. DC thấy Trần Mạnh Tuấn chơi saxophone nhạc Trịnh tuyệt cú mèo đấy chứ ?

      Delete
    2. Đấy là chơi nhạc ko lời, chứ dùng để đệm nhạc thì chối tai lắm, Khoản này anh rất thống nhất với Tim Ng.

      Delete
    3. Thì DC thường cần những bản nhạc không lời để khi "chế" nhạc (Trịnh+others) đỡ bị phân tán tư tưởng. Còn chỉ nghe nhạc Trịnh nguyên gốc thì ghita tuy đơn giản mà vẫn hay. Bên này, hội AIT đi chơi có anh Đỗ Bá Khang hay xách ghita đi bập bùng, tự hát, tự sướng vui phết.

      Delete
  9. Em thấy nhạc Trịnh đệm hay nhất là hai cây ghita gỗ, một vĩ cầm, một vocal backing, hoặc đêmj piano,
    Piano thì nhạc Ngô Thuỵ Miên lại "ăn" hơn vì Ngô Thuỵ Miên là dòng "Thánh ca" rất du dương ... Chậm.
    Trinh Công Sơn là dòng Du ca , người nghệ sỹ lang thang với cây đàn ghi ta.
    Còn Nguyễn Cường, Phó Đức Phường là dòng Dân ca. Guitar không hợp lắm ngoại trừ ,
    Trần Tiến cũng Du ca nốt ...

    ReplyDelete
  10. Xem ra Tuấn cũng nghiên cứu và am hiểu nhiều về âm nhạc, không chỉ nhạc Trịnh.
    Với anh âm nhạc là để cân bằng cuộc sống. Làm việc mệt như điên, nghe được bản nhạc mình thích (lại thêm chất lượng bản nhạc mà cao nữa càng khoái). Cũng vì thế mà anh có đầu tư khá cho bộ dàn âm thanh.
    Nhạc Trinh sau khi tốt nghiệp ở LX về (1979) anh mới được nghe. Trước đó chỉ biết nhạc VN chỉ biết nhạc đỏ. Sau khi nghe mới thấy có nhiều loại âm nhạc, ca khúc, mới thấy dòng nhạc của TCS sao hay và nhân văn thế.
    Nếu ai đó chưa cảm được nhạc Trịnh, là 1 điều đáng tiếc. Trăm năm nữa chưa chắc có được 1 nhạc sỹ như ông.
    DC hay chế nhạc Trịnh là đúng thôi. Nếu bạn cảm nhận được cái gì, bạn chế nó cũng dễ hơn, hay hơn, ưng ý hơn cái khác.

    ReplyDelete
  11. Em đồng ý với anh Thành là Khánh Ly là ca sỹ có hạng ... (hồi 60-70), Hồi ấy HN có băng Sơn ca 7 (đúng thời kỳ các anh i- tai Xanh) đang ở KGU nghe Chiều Mãtcơva ...vv, giải phóng miền nam, có một số "văn hóa phẩm đồi trụy" tràn ra HN, trong đó có Sơn ca 7 TCS-KL và Hát cho quên hương VN 1 cũng TCS-KL và Sơn ca 6 Ngô Thụy Miên, nhiều ca sỹ,...
    Hồi đó KL là thần tượng của lớp trẻ Tuổi đá buồn, Diễm Xưa,Lời Buồn Thánh ..vv có hết trong SC7, HCQHVN1 thì hơi khác với Đàn Bò Vào Thành Phố, Đại Bác Ru Đêm, Ngụ Ngôn Mùa Đông ,...
    Riêng em có "kênh" riêng nên có ... hàng độc là Hát Cho Quê Hương VN 2 với nhiều bài sau này mới công bố như: Dấu Chân Địa Đàng, Vết Lăn Trầm, có nhiều bài đệm mộc bằng ghi ta và sáo flute cực hay,... cuốn này chỉ có master tape, chưa kịp bán thì 1975 ập đến, KL mang ra hải ngoại ...
    Đến khi KL ra hải ngoại TCS vẫn sáng tác và Bên đời hiu quạnh, Quỳnh Hương vv, nhưng KL được "ưu tiên" hát trước, nhưng giọng hát của diva này đã ..."tắt lửa" chỉ còn tro tàn âm ấm, nên có một tay Tiến sỹ Triết ở Cali viết bài phê rất nặng gọi là "Âm điệu tủi thân bi đát"... em cũng tranh luận
    với tay này một ít nên Trịnh Cung, Nguyễn Viện bạn TCS rất khoái,(bênh KL như anh Thành, nhưng về sau thấy cha nội đó nói đúng phết ...:-))) em có la cà uống cà fê với Trịnh Cung một vài buổi ông ta bật mí vài chi tiết thú vị về TCS, như là bài hát Ừ Thôi Em về chính là thơ Trịnh Cung...
    Trịnh Cung sống ở SG là Họa sỹ kiêm nhà thơ...

    ReplyDelete
  12. @Anh Thành
    Lời đúng của bài hát, là "... ru em bạc lòng" chứ không phải "ru em bằng lòng",...
    (nghe như nhạc Trần Tiến ...:-)) bằng lòng đi em về với ...vv)

    Chữ "bạc lòng" đã xuất hiện trước đó trong bài hát Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy...
    "Mẹ già ngồi im bóng mái tuyết sương mong con bạc lòng"
    Trịnh Công Sơn có mượn lời của một số nhà thơ và nhạc sỹ lớp trước ví dụ Bùi Giáng, Thâm Tâm,
    "còn hai con mắt khóc người một con" là thơ Bùi Giáng, còn câu "nắng qua đèo" Trịnh Cung nói TCS mượn ra từ thơ Quang Dũng sau đây:

    Kẻ ở

    Quang Dũng

    Mai chị về em gửi gì không ?
    Mai chị về nhớ má em hồng
    Ðường đi không gió lòng sao lạnh
    Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

    Quê chị về xa tít dặm xa
    Rừng thu chiều xao xác canh gà
    Hoa rơi khắp lối, sương muôn ngả
    Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua

    Ngựa chị dừng bên thác trong veo
    Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
    Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
    Hươu chạy quay đầu theo ngó theo

    Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
    Ngựa chị dừng bên thác trăng vàng
    Sao rơi đáy nước vương chân ngựa
    Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng.

    ReplyDelete
  13. Ôi! Không! Anh không phải là fan của Khanhs Ly đâu! Thậm chí là ngược lại, nhiều bài KL hát phải nói thẳng ra là không hay ví dụ điển hình là bài "Nắng Thủy tinh". Ngay Thái Hòa CD này hát cũng hay hơn, mặc dù cách phối khí khá giống KL.
    Bài Năng Thủy tinh cũng nói về "nỗi buồn" nhưng đó là vờ thôi, thực ra lại là bài vui vì Nắng thủy tinh nó nhảy múa không buồn được. Cách hát của KL đặc trưng cho "nhạc vàng" nó kéo dài, chảy nước. Nhưng với bài hát buồn thì đó lại là dấu ấn.
    Anh không đọc lyric nên nghe ra "bằng lòng" và hiểu nghĩa không phải như Trần Tiến đâu, mà là "bằng cả tấm lòng". Tất nhiên là "bạc lòng" nó có điển tích thì hay hơn rồi, nhưng từ này dành cho những người già chờ đợi. Người trẻ mà đã "bạc cả lòng" rồi thì về già thủng hết ruột!
    Cám ơn TN về từ này.
    Về hát nhạc Trịnh thời hiện đại thì có Hồng Nhung nhưng anh cũng không thích vì nó hơi giả tạo. Lớp ca sĩ mới có Uyên Linh hát nhạc Trịnh theo kiểu khác hẳn và được nhiều người công nhận. Quang Dũng cũng được vài bài nhưng không có gì đột phá trong cách hát và phối khí.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Gần đây có Lô Thủy hát nhạc Trịnh cũng tạm được.
      Nhưng đừng ai so sánh với Khánh Ly.

      Delete
  14. Không biết có phải "bệnh nghề nghiệp" của dân toán và máy tính nhiễm vào người hay không, mà DC thấy ai hát sai lời là không cảm thấy hay nữa. Nhạc Trịnh hay không chỉ phần tiết tấu, mà còn hay ở ca từ nữa. Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng và một số ca sỹ nổi danh khác thì DC "dị ứng nặng", chỉ cảm và mến mộ cả 3 ca sỹ hát nhạc Trịnh là Khánh Ly, Hồng Nhung và Tuấn Ngọc, và nếu có " chế " nhạc Trịnh thì sẽ tìm bật nghe lời của một trong 3 người này thôi.
    Việc hát nhạc Trịnh phải là hát bằng cảm nhận của chính tấm lòng người hát thì mới truyền được cái hay cho người nghe. Cho nên hát nhạc Trịnh mà sai lời thì tệ quá, không " ngửi " được. Ví dụ như câu: "Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi / Lại thấy trong ta hiện bóng con người" mà hát sai thành "Con tim yêu thương ..." thì nghe mất sướng đi, dù có là ca sỹ chuyên nghiệp. Nghe hai câu hát này, DC luôn liên tưởng tới chuyện tình yêu "Chí Phèo, Thị Nở và bát cháo hành". Cuộc đời nhiều khi Thiện/Ác không có ranh giới rõ ràng: có người bình thường luôn là Thiện đấy, nhưng có khi rơi vào hoàn cảnh nào đó lại trở thành kẻ Ác, hành xử Ác độc; và ngược lại, có những nhân vật Ác về bản chất như giang hồ, như Chí Phèo (chữ " con tinh " trong câu hát) lại bất chợt tự cảm hóa bởi tình yêu trở về cõi Thiện. Đấy chính là sự thực, là triết lý cuộc đời trong nhạc Trịnh, không như một số nhạc khác phóng đại quá cỡ tình yêu và đau khổ, hoặc dùng sáo từ nghe rất giả tạo.

    ReplyDelete
  15. Hehe, xem ra bây giờ thread này lại vui vẻ quá. Té ra trong XĐTV nhiều người quan tâm và hiểu nhạc Trịnh đấy chứ.
    Trao đổi về nhạc Trịnh là vô tận. Có đến gần 20 cuốn sách viết về ông đã được XB. Và chắc sẽ còn những cuốn sách như thế nữa.
    Ông là người đã từng bị cả 2 bên chiến tuyến phê phán, chửi rủa, đe dọa cả tính mạng. Những bài hát phản chiến (nhất là trong chùm ca khúc da vàng), việc ông ở lại VN, tiếp tục sáng tác bị bên kia căm ghét, hằn học. Hoặc những câu như "Em ra đi, nơi này vẫn thế" trong bài "Em còn nhớ hay em đã quên, cũng bị bên kia tức tôi, vì em đã đi thì chỉ còn tan hoang ở lại chứ. Hoặc những câu "20 năm nội chiến từng ngày" trong bài "Gia tài của mẹ" đã bị bên này phê phán nặng nề, cũng như việc cho rằng bài hát của TCS là ủy mị, là vàng.
    Nhưng người dân, trong Nam hay ngoài Bắc, ở VN hay hải ngoại vẫn yêu thích bài hát của TCS. Bởi vì chất nhân văn của các ca khúc của ông, bời vì chất nhạc sâu lắng, khuấy động lòng người của ông.
    Trí thức, quân nhân, sinh viên, ai cũng thích nhạc Trịnh. Khi ông mất, rất nhiều chị em kinh doanh bằng vốn tự có đã khóc và đêm đêm vẫn đến đặt vòng hoa viếng trên mộ khi ông mới mất.
    Các bạn đừng nghi ngờ vị trí của Khánh Ly với những ca khúc của TCS. KL đã đưa các ca khúc này lên hàng quốc nhạc. Chị hát rất nhiều, hát hay các bái hát của TCS (tuy rằng cũng có những bài không hay bằng các ca sỹ khác). Rất khó tách hai tên tuổi này khỏi nhau. Sau 1975, KL vẫn tiếp tục hát nhạc Trịnh, vẫn rất hay. Nghe nói KL sắp về hát tại VN, đã có giấy phép cấp cho KL hát.
    Các bạn quên mất một ca sỹ hát nhạc trịnh cũng rất được, chính là em gái của nhạ sỹ, ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh. TCS đã có bút tích viết về 3 nữ ca sỹ hát ca khúc của mình qua các thời kỳ, đó là KL, Trịnh Vĩnh Trinh và Hồng Nhung. Sau 1975 có 1 nam ca sỹ hát nhạc Trịnh rất hay, đó là ca sỹ Thanh Hải, sau này anh ta di cư sang Đức.
    Trịnh Cung họ thật không phải là họ Trịnh. Do chơi với TCS nên đã lấy họ Trịnh. Tuy nhiên cách đấy 2,3 năm, Trịnh Cung viết 1 bài dớ dẩn nghi ngờ tư cách đạo đức của TCS, bị ném đá ầm ầm, bị gia định TCS cách mặt.
    @CT: bài "Tuổi đá buồn" đúng là Hoàng Nhung hát rất được, sau KL rất ít người hát hay bài này. Nhưng anh thích nhất lại là đoạn hát bè với Đức Thịnh (ĐT ko chỉ chơi nhạc đâu, mà hát cũng rất được).

    ReplyDelete
    Replies
    1. @ anh Ngoc.
      C. Thành có nghe chuyện những ca sĩ sau này hát nhạc Trịnh thường đến hỏi ý kiến của Trịnh Vĩnh Trinh trước khi biểu diễn, và cũng biết Trịnh Vĩnh Trinh có hát nhạc Trịnh nhưng ít được nghe.
      Dưới đây là 2 bài Uyên Linh hát nhạc Trịnh đã được Trịnh Vĩnh Trinh "duyệt":

      Gọi tên bốn mùa -
      http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=Dd0TJZMmua0
      Yêu dấu tan theo -
      http://www.youtube.com/watch?v=51YL1sDOjjY&feature=related

      Tất nhiên chất lượng âm thanh thu live không thể bằng thu âm CD nhưng có thể thấy nhiều người vào xem và "nghiện". He he

      Delete
    2. Trịnh Vĩnh Trinh có làm được 4,5 đĩa gì đó về nhạc Trịnh. Nghe cũng rất được. Có thể là em nhạc sỹ nên hiểu được những bài hát đó. Mà nhạc Trịnh hiểu được, cảm được mới quan trọng.
      Anh chưa nghe Uyên Linh hát nhạc Trịnh nên chưa rõ thế nào.

      Delete
  16. Nói về nhạc Trịnh, ko thể ko nhắc tới phần ca từ của ông.
    Người ta đã thử ngắt từng câu của tất cả phần lời các bàn hát của TCS, dường như mỗi bài là 1 bài thơ. Có ông còn dám quả quyết rằng phần lời của bài "Đêm nay ta là thác đổ" là bài thơ hay nhất của thơ ca hiện đại.
    Tuy nhiên ca từ của TCS không dễ hiểu. Nó mang nặng tính triết học, cả tính phật học ở trong. Để hiểu hết ca từ của ông, chắc phải nghe ông giải thích. Thái Hòa đã từng có thời gian sống gần ông, thường xuyên tiếp xúc, nên được nghe ông giải thích nhiều câu khó hiểu. khi hiểu ra, người ta càng thấy cái tầm của TCS ở trên cao, thậm chí cao hơn mọi số phận nhân loại. Mà người ta cũng thấy nó gần gũi với từng số phận người VN.
    Cho nên dù có khó hiểu, người ta vẫn hát nhạc của ông, vẫn yêu, vẫn thích, vẫn say mê.
    Có cái gì đó rất khác thường trong nhạc TCS.

    ReplyDelete
  17. Chào các bác ...
    Good morning ... Vietnam ...!

    Nhạc Trịnh có rất nhiều bài vui, nhưng KL làm tất cả trở nên buồn bã.
    KL là thần tượng bị Sụp đổ của em.
    Hồi năm 76-79, em nghe thuộc lòng SC7, HCQHVN1 và 2 nhiều đến mức độ thuộc lòng đoạn "thoại"
    Nhưng gì thì gì KL không đổi được một cách hát khiến bài nào cũng buồn,
    Dĩ nhiên phủ nhận tất công trình của KL là không đúng ...
    KL không chỉ hát nhạc Trịnh hay mà hát rất nhiều bài để đời .... Như
    Bến Xuân của Văn Cao
    Rồi từ giọng hát em của Ngô Thuỵ Miên
    Dấu Tình Sầu "chiều còn vương nắng để gió đi tìm ... "
    Bài này KL hát ... Tuyệt đỉnh. Công phu ...hay không ai qua mặt được
    KL hát Em ơi HN phố cũng rất hay


    Thế nhưng riêng nhạc Trịnh sau này ....
    Khánh Ly hát hỏng hoàn toàn , ê a rời rạc buồn bã ... Đó là điều khó có thể phủ nhận
    Dù sao KL vẫn là hàng diva nhờ đưa nhạc Trịnh ra công chúng hồi đầu tiên.

    Em biết hồi TCung viết bài định gây dư luận vế TCS để làm gì đó , bị chửi thê thảm, vì viết lúc TCS không còn nữa, nhưng TCung , Đinh Cường đã từng là bạn thân của TCS. Ở ngoài em gặp TCS một lần năm 2003 tại quán TIB của ông và gia đình.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đính chính: em gặp NS Trịnh CS năm 1993 ... Nhớ nhầm thành 2003 .

      Delete
  18. Dĩ nhiên quan niệm về nghệ thuật mỗi người mỗi khác không có đúng sai, em thích trao đổi để mở rộng tầm nhìn và thêm kiến thức.
    Anh Ngọc cũng có lý nhất định, biết đâu bây giờ nghe lại KL lại thấy hay ...
    Phục Sinh lại Thần Tượng bị bỏ quên lâu ngày ... He he.

    ReplyDelete
  19. Tim Ng hơi qúa thái đấy (mà mấy ông iCVA rất nhiều ông quá thái, nên blog mới sôi động vì những ông này). Người chê KL là rất ít, hầu như ai cũng công nhận vị trí độc tôn của KL trong nhạc Trịnh.
    Tuy nhiên người khác vẫn hát hay được nhạc Trịnh. Người FPT hát nhạc Trịnh là 1 ví dụ.
    Việc KL quay về hát tại VN (nếu xảy ra) sẽ là 1 sự kiện lớn đấy. Hiện tại phía bên kia đang chửi KL như điên, họi KL là kẻ phản bội !!!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Nghe mọi người bình luận mà Lùn tui thấy sáng ra khối thứ.
      Trước đây mình chỉ đơn giản là thấy thích và hát theo, chả bao giờ nghĩ xem vì sao mình thích cả. Hay nói đúng hơn là chả đủ lý luận để hiểu được vì sao mình thích.
      Có điều biết chắc là cứ khi nào trong lòng có chi buồn buồn thì hay tìm tới nhạc Trịnh để nghêu ngao và thấy nó có vẻ như hợp với lòng mình. Vậy thôi.
      Đúng là nhạc Trịnh cũng có những bài vui nhưng ngay trong cái vui ấy vẫn toát lên một chút gì bàng bạc mà rất ... buồn, rất sâu lắng. Ca từ của nhạc Trịnh đúng như anh Ngọc nói là nó có tính triết lý và nhân văn rất sâu , không phải ai cũng ngấm được. Bản thân lùn tui nhiều khi cũng cứ nghêu ngao vậy thôi chứ chả hiểu cho đến đầu đến đũa được.
      Tỷ như cái câu mà DC nói là "Con tinh" thì mình vẫn cứ rống mãi là "con tim" chớ nào hiểu con tinh là cái chi đâu????
      Hay như trong bài Nối vòng tay lớn, Trịnh Công Sơn có dùng hình ảnh "Người chết nối linh thiêng vào đời" thì quả thật nó mang tính triết lý khá cao mà Lùn tui cũng chỉ hiểu loáng thoáng rằng có sự hiện diện của những người đã chết để chúng ta được sống trong bài hát này mà thôi.....
      Vậy nên rất mong được mọi người chỉ giáo thêm để Lùn tui được học hỏi cho nó bớt ngu.
      Hề hề hề....

      Delete
    2. Chú cao thước bao nhiêu mà cứ gọi là Lùn? Nghe nó hơi phản cảm.
      Lùn như Lenin, Napoleon, Đặng Tiểu Bình nhưng trí tuệ ọ đâu có lùn

      Delete
    3. This comment has been removed by the author.

      Delete
    4. This comment has been removed by the author.

      Delete
    5. Hề hề hề,
      Ới bác Ngọc ơi, bác chớ có giận thằng em nhé.
      Cái danh "Lùn tui" này nó có từ khi anh em mình tranh luận về bài toán logic các chú lùn bị tóm ấy mà. Sau đấy thấy nó không phạm húy nên em cứ tiếp tục xài cho nó khỏi nhầm lẫn thôi mà.
      Nay nếu bác thấy nó không được thì em lại cất nó đi, chờ ngày đẹp giời lấy ra xài tiếp vậy.
      Hề hề hề,
      Em tuy dài hơn mấy ông bác kể tên, song trí tuệ chỉ mong được 1 phần của mấy ổng chứ đâu dám với cao như rứa hử bác....
      Hề hề hề,...

      Delete
  20. Nhạc Trịnh rất hay, điều đó không cần bàn cãi. Nhạc Trịnh đặc biệt hay khi được nghe ở Đà lạt. Đang lang thang trên phố, gặp cơn mưa bất chợt, rẽ vào quán bên đường, quán vắng, đấy là lúc nghe nhạc Trịnh mùi mẫn nhất.Có thể nói Đà lạt thấm đẫm nhạc Trịnh. Ta có thể hít thở bầu không khí nhạc Trịnh ở mọi ngóc ngách của thành phố. Có phải người dân Đà lạt từng ngày được hít thở bầu không khí nhạc Trịnh mà trở nên hiền lành, nhân hậu hơn.

    ReplyDelete
  21. Đà Lạt là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới nếu bảo tồn được môi trường ...
    Nhưng vế thứ hai xem ra đang ... Hỏng.

    ReplyDelete