Saturday, December 17, 2016

Nhân dịp Giáng Sinh nói chuyện cho đi...!


Tôi thường được cụ Hồng Y Giuse Phaolo Phạm Đình Tụng, ông ngoại và cha dạy: “Của cho đi là của để dành,… Nếu con cho ai cái gì thì đừng có kể lể, vì kể công thì có nghĩa là con đã đem của để dành đó ra dùng rồi. Cho đi là vì muốn giúp đỡ người ta, thì mới quý, chứ cho đi chỉ nhằm mục đích để dành, thì chỉ là cất đi thôi! Cho ở đây hiểu theo nghĩa rộng, khi ta đỡ một em bé dậy, dắt một  cụ già sang đường, cúi đầu trân trọng cám ơn người công nhân vệ sinh, … cũng là cho đi. ”
Gần tới lễ Giáng Sinh, để tưởng  nhớ những người thân yêu, tôi muốn nhắc lại những bài học không quên này. Học kinh nghiệm của Athur Tone, Anthony De Mello, Thomas Cathcart, Daniel Klein… tôi và con gái thường dùng những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện ngắn, chuyện vui gây ấn tượng cho dễ hiểu, dễ nhớ để minh họa cho những bài học về sự giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ mọi người…
Một em bé đi học về khoe với mẹ:
- Mẹ ơi! Hôm nay con đã làm được 1 việc tốt!
- Việc gì thế con?
- Con đã đưa 1 cụ già qua đường.
- Oh! thật là 1 việc tốt, từ mai con hãy c
ố gắng phát huy nhé!
Ngày hôm sau, c
ậu bé khoe với mẹ:
- Hôm nay con và các bạn cùng lớp đã làm được 35 việc tốt!
- Việc gì mà nhiều thế con???!
- Con và các bạn đã đưa cụ già qua đường rất nhi
u lần.
- Hôm nay sao con gặp nhiều cụ già thế?
- Không vẫn 1 cụ hôm qua thôi, hôm nay con và các bạn phải vất vả lắm mới đưa được cụ qua đường 35 lần đấy. Cụ ấy già rồi mà quẫy khoẻ lắm.
Em bé và các bạn vì nóng lòng làm việc tốt đã làm khổ cụ già! Có những em khác thì không làm khổ cụ già như vậy, nhưng ngộ nhận và cũng thành trò cười. Như chuyện một em bé  xin mẹ 1000 đ, mẹ hỏi:
– Thế con đã tiêu gì 1000 đ mẹ cho hôm qua?
– Con đưa cho một bà cụ già nghèo khổ.
– Con ngoan lắm! Đây là 1000 đ nữa cho con. Nhưng tại sao con lại quan tâm đến bà cụ ấy thế hả?
– Vì khi nhận tiền của con, cụ đã đưa lại cho con một cái kẹo.
Không chỉ có các em nhỏ, mà cả những người lớn được học hành tử tế khi nóng lòng làm việc tốt cũng có lúc trở thành ngớ ngẩn.
Ví dụ như trường hợp của mấy bạn chí thân - một bác sĩ, một thầy giáo và một thẩm phán. Bữa nọ ba người ngồi nhậu với nhau, thầy giáo nâng chén nói:
- Ba anh em mình chơi với nhau đã lâu, coi nhau như anh em ruột thịt. Tôi làm cái nghề dạy học, khi con cái hai cậu đến tuổi đi học thì mọi việc cứ để đấy tôi lo.
Vị bác sỹ khề khà:
- Tôi chuyên bên khoa ngoại, hai cậu hay người thân có nhu cầu cắt bỏ bộ phận nào thì cứ bảo tôi.
Thẩm phán gãi đầu:
- Uhm! Cái nghề của tôi khó giúp được gì cho hai cậu quá. Thôi thì ai muốn ly hôn thì bảo với tôi một tiếng.
Có trường hợp người trong cuộc vì năng lực,… đã vô tình trở thành “tốt bụng”, giúp đỡ người khác mà không biết. Như chuyện “Cám ơn bác sĩ vì thần dược”, cô gái nói với bác sĩ:
– Tôi đến để cảm ơn bác sĩ vì thứ thuốc mà ông đã kê trong toa.
– Tôi rất vui vì đã giúp cô khỏi bệnh.
– Hiệu nghiệm hơn cả suy nghĩ của tôi, thưa bác sĩ.
– Thế cô đã uống được mấy lần?
– Tôi chưa hề đụng đến. Ông cậu tôi chỉ dùng có một lần. Sau đó, tôi trở thành người thừa kế duy nhất.
….
Tất nhiên để người ta dễ hiểu, dễ nhớ… không phải chỉ có những mẩu chuyện vui hóm hỉnh, mà còn rất nhiều những câu chuyện giáo dục với ấn tượng khó phai mờ, ví dụ như câu chuyện về chiếc máy bơm:
Một chàng trai bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Anh mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi môi anh đã sưng lên nhức nhối, thì thấy một căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Anh nhìn quanh căn lều và thấy ở một góc tối có một cái máy bơm nước cũ và gỉ sét. Tất cả mọi thứ trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm, anh vội vã bước tới, vịn chặt tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, anh nhìn quanh căn lều. Lúc này, anh chàng mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, anh đọc được dòng chữ nguệch ngoạch viết bằng cách lấy viên đá cào lên:
"Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy vào chiếc bình này".
Anh bật nắp bình ra, và đúng thật: trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, anh bị rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu anh uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn anh có thể sống sót. Nhưng nếu anh đổ hết nước vào cái máy bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.
Anh cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn; nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành, hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không?
Nhưng rồi cuối cùng, anh cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm, rồi tiếp tục nhấn mạnh cái cần máy bơm, một lần, hai lần... chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, anh sẽ không còn một nguồn hi vọng nào nữa, nên anh tiếp tục kiên trì bơm,.. lần nữa, lần nữa... nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Anh vội vã hứng nước vào bình và uống.
Cuối cùng anh hứng nước đầy bình, để dành cho người nào đó không may mắn bị lạc đường như anh sẽ đến đây. Anh đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình:
"Hãy làm theo chỉ dẫn trên. Bạn cần phải cho trước khi bạn có thể nhận"
Góp nhặt
Love grows by giving. The love we give away is the only love we keep.

Elbert Hubbard

3 comments:

  1. Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại. Khi đó bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình trở nên co ý nghĩa hơn nhiều. Cảm ơn anh chia sẻ câu chuyện đầy ý nghĩa.

    ReplyDelete
  2. “Cho đi là vì muốn giúp đỡ người ta, thì mới quý, …”. Có trường hợp hai người tranh luận, một người quả quyết cho đi bao giờ cũng tốt, người kia bèn cho anh ta một cái tát để chứng minh rằng, cho đi cũng có lúc không tốt!

    ReplyDelete
  3. Hề hề hề, nếu phụ nữ trên thế gian này đều có quan niệm cho đi là hạnh phúc thì thiên hạ thái bình từ lâu rồi.

    ReplyDelete