Saturday, January 4, 2014

Cuộc đấu ngoài võ đài

Nguyên Thảo
Giải nhì truyện ngắn toàn quốc 1998

Những người chơi họa mi đều thích gọi con chim mình nuôi ngắn gọn là "mi". Có người nuôi để thưởng thức tiếng hót, người khác nuôi để chọi, lại có người đi bẫy và thuần dưỡng họa mi để bán.

Ngày trước khi còn ở Hà Nội, ở xóm tôi có một người rất mê họa mi. Đó là ông Thái Giang. Ông có thể nói về họa mi suốt ngày không hết chuyện, say sưa như đó chính là một phần không thể thiếu được trong đời ông. Nỗi đam mê đó đã lây sang tôi từ lúc nào không biết. Ông dạy cho tôi cách bẫy họa mi,
cách thuần dưỡng con mộc mới bẫy được, cách huấn luyện và tuyển chọn con nào để chọi, con nào chỉ nuôi làm cảnh. Chúng tôi có chung nhiều kỷ niệm, nhưng sâu sắc nhất là là kỷ niệm về cái chết của một con mi mà chúng tôi quý nhất. Tên nó là Bông Lau.


Họa mi ưa sống nơi sườn đồi thoai thoải đổ xuống thung lũng, nơi có khe nước và những bụi cây lúp xúp. Chúng sống từng đôi theo địa bàn nhất định. Có thể đó là một con suối nhỏ, cũng có thể chỉ là một rặng cây. Ấy vậy mà đôi bên hàng xóm không bao giờ cố tình xâm phạm lãnh địa của nhau. Nếu có thì cuộc chiến chắc chắn sẽ nổ ra. Hai con trống lăn xả vào nhau quyết đấu trong sự cổ vũ cong cớn của hai con mái. Dựa vào tập tính đó, người ta bẫy họa mi bằng con mồi đã được huấn luyện kỹ, nhốt trong lồng sập. Khi con mồi lên tiếng, chủ nhân của vùng đất sẽ đáp lời ngay và lao tới để tấn công kẻ xâm phạm. Thường con ở ngoài không lao vào đánh ngay mà dừng cách đối thủ năm, bảy mét để quan sát. Trước là đấu khẩu, sau mới đấu võ. Hễ con ở ngoài chạm phải cần bẫy là xong việc. Nó đã bị bắt. Chúng tôi đã bẫy được đến mấy chục con. Chỉ có một trường hợp duy nhất cuộc chiến xảy ra cực nhanh. Con mồi vừa lên tiếng, một bóng xám đã vút tới và lao thẳng vào lồng bẫy có kẻ khiêu khích núp bên trong. Khi bắt con chim ra, ông Thái Giang kêu lớn: "Thần điểu!". Ông giảng giải cho tôi: "Họa mi đại đa số tròng mắt màu thiên thanh. Con nào ngũ trường (mỏ, cổ, thân, cánh và chân dài) thì dáng đẹp, nhanh nhẹn. Được vậy mà chân gân hươu, móng mèo, mí mắt dày là chim hay. Thêm tròng mắt màu nâu là chim quý, còn màu lửa thì cực quý, vạn con có một". Ông ôm nó run rẩy như đang giữ một báu vật. Chúng tôi đặt tên nó là Bông Lau vì trong thung lũng nơi ấy có nhiều bông lau tím ngát.

Sau thời gian thuần dưỡng, Bông Lau mau chóng trở nên nổi tiếng. Nó có dáng đứng oai dũng, hai chân choãi ra trên gióng đậu, ưỡn ngực ngẩng cao đầu ngạo nghễ. Tiếng hót của nó vang và khỏe. Trên sới đấu, vào trận nó thường gân cổ gào lên đe dọa đối thủ (dân nghiền chọi mi gọi là tiếng "quát"). Nhiều con sợ hãi, im re bỏ cuộc. Con nào lì lợm dám nhảy vào cửa công cũng không chịu nổi những chiêu đánh ác liệt của nó. Bông Lau nhiều năm liền là võ sĩ số một, không có đối thủ.

Thế mà nó lại chết bất đắc kỳ tử trong một cuộc chiến không chính thức. Lần ấy chúng tôi bẫy được một con mi tướng mạo thô kệch, chỉ được cái gan lì. Khi con Bông Lau cất tiếng hót, nó liền đáp lời. Bông Lau ngưng lại tỏ vẻ ngạc nhiên, rồi gân cổ quát. Anh mộc kia nào có hiểu gì, mỗi con một lồng treo xa nhau thì cũng giống như trong rừng mỗi anh một khoảnh, có làm gì nhau. Nó lại đáp lời, cũng hiên ngang trên gióng đậu của mình như trên cành cây quen thuộc, vững chãi trong lãnh địa của nó. Trông nó cục mịch như hòn đất và cũng trơ như thế. Bông Lau tức giận gào lên đến nghẹt thở. Nó đứng chết trân trên gióng đậu, mép ứa máu. Con mộc lại đáp lời, nó nghiêng ngó nhìn rồi thản nhiên đứng rỉa lông. Không thấy tiếng quát nữa, con Bông Lau vỡ tim mà chết.

Nguyên Thảo

10 comments:

  1. Xin giới thiệu một truyện ngắn nữa của nhà báo Nguyên Thảo.

    ReplyDelete
  2. Hề hề hề,
    Chuyện hay đấy, rất có ý nghĩa Việt Hải ạ.
    Cám ơn Việt Hải nhé.

    ReplyDelete
  3. Câu chuyện rất hay, biết thêm về loài chim họa mi này. Con chim thật tuyệt vời, cứ như con người vậy.

    ReplyDelete
  4. Đã có câu: "... chết vì hơn nhau tiếng gáy"... mà !!!

    ReplyDelete
  5. Một câu chuyện hay. Mấy năm trước nhà mình cũng có nhiều chim quý, nào là một con yểng biết rao " Bánh mỳ nóng đê", biết gọi tên nhiều người trong gia đình , biết cả cách hắng giọng của ông xã làm cho mình nhiều lần bị nhầm, rồi là sáo và có cả họa mi. Chăm sóc chim ngày đó chỉ có một tay ông nội vì con cháu còn ham chơi. Ông yêu quí lũ chim lắm . Nhưng rồi cái ngày có cái dịch làm một ông Tây với mấy ông ta bị chết, Thành phố yêu cầu phải hỏa thiêu tất cả lũ chim cảnh, gia đình nào không chấp hành sẽ không được là "Gia đình văn hóa" ,phường sẽ đi kiểm tra từng nhà, các điểm thu gom chim cảnh được lập ra, gần nhà mình cũng có một điểm. Ông nội là người đầu tiên đưa ra ý kiến phải mang nộp lũ chim nhà mình vì với ông Đảng/Chính quyền đã yêu cầu thì phải chấp hành thôi. Con cháu đề xuất mang giấu lũ chim lên sân thượng , sân thượng nhà mình thông sang nhà bà ngoại nên khó có đoàn kiểm tra nào có thể phát hiện ra nếu mình cho bọn chim chay loanh quanh giữa hai nhà như trò đuổi bắt với đoàn kiểm tra. nhưng ông không đồng ý với lý do gia đình nhà mình là Gia đình văn hóa không làm thế. Cuối cùng mình đề xuất thả hết lũ chim , còn con Yểng thì cho sơ tán về quê khi nào tình hình yên thì đón về. Bọn chim cảnh thả ra nhưng vẫn loanh quanh ở sân nhà không chịu bay đi nơi khác một thời gian khá lâu. Ngày cho con Yểng về quê cũng phải bí mật lắm và phải di chuyển về đêm vì sợ bị phát hiện thì nó chết là cái chắc. Cả nhà ngậm ngùi nhưng nghĩ là nó về quê thì sẽ thoát chết và sẽ có ngày được đón nó về nên cũng an ủi phần nào. Khi cái chiến dịch rầm rộ đó nhạt dần, mọi người lại nuôi chim cảnh trở lại, nhà mình về quê để tìm đón con Yểng thì nghe nói nó sổng chuồng bay mất rồi. Chuyện đã lâu nhưng đọc chuyện của VH sưu tầm làm mình tự nhiên nhớ lại. Với những con chim quí mình cảm thấy chúng như con người vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Việc nuôi và chơi chim là một cái thú vui với các cụ và các bác mày râu có nhiều thời gian vốn chả phải chuyện bất thường. Nhưng Hạnh mà cũng có cái thú này thì quả thật là mình hơi bị bất ngờ.
      Ngày trước lúc còn sống ba mình cũng có nuôi chơi một con cu gáy. Chả biết cụ nuôi và chăm sóc nó ra sao, nhưng mỗi lần mình về nhà đều nghe cụ bà (tức mẹ mình) ca cẩm và chỉ muốn cho nó vào nồi thuốc bắc. Thế nhưng vì chiều ba mình nên cụ vẫn chịu đựng cái khó khăn khi nuôi nó. về sau nó bị mất trôm, cụ ông thì xót lắm nhưng cụ bà thì lại mừng ra mặt.
      Cứ thế mà suy thì việc Hạnh thích nuôi và chơi chim quả là bất .......ngờ.
      Thú nuôi trong nhà, chả cứ chim mà bất cứ con gì, đã nuôi và chăm sóc nó thì đều có những tình cảm nhất định với nó cả thôi. Còn bảo chúng như người thì có hơi văn nghệ quá không nhỉ?????

      Delete
    2. Câu chuyện chị Hạnh kể rất thú vị. Thêm một chút tưởng tượng là thành một truyện ngắn hay rồi!

      Anh nhà chị khôn ngoan thật, dậy cho Yểng biết đằng hắng giống mình để chị không lúc nào không cảm thấy có anh ấy ở ngay bên cạnh ;)

      Delete
    3. Anh Bình đọc chưa kỹ mà đã viết tận những 5 dấu hỏi thắc mắc:
      Chỉ có "những con chim quý", "biết cả cách hắng giọng của ông xã", ... thì chị Hạnh mới cảm thấy chúng giống người thôi ạ ;)


      Hì hì, Hải đùa thôi. Nếu nó biết gọi tên người trong gia đình thì tức là đã có sự gắn bó thân thiết, chẳng khác gì chó nuôi trong nhà rồi.

      Delete
    4. Con Yểng nhà mình tự học hỏi, không ai dạy nó hết VH à. Âm thanh nào to và lặp lại nhiều lần là nó bắt chước được ngay. "Bánh mỳ nóng đê" là nó bắt chước anh hàng bánh mỳ rong sáng sáng vào tận cửa ngõ rao. Mọi người trong nhà gọi tên nhau nên nó nhại lại được, tên ai hay được gọi thì nó mới nhớ. Ông xã hay hắng giọng nên nó bắt chước được. Nhiều lần nghe tiếng hắng giọng quay lại chẳng thấy ai mới biết bị nó lừa.

      Delete
  6. Một chuyện về chim hoạ m y http://blog.ichuvanan.org/search?q=Chim

    ReplyDelete