Thursday, April 11, 2013

Nhớ chị Bội Trâm, thời rượu chịu cá trộm văn chui

boitram1
Mình kể chuyện chị Bội Trâm làm vợ cho nhiều cô, bà nghe. Ai cũng cảm  phục tấm lòng của chị nhưng khi hỏi họ:  nếu rơi vào hoàn cảnh như chị Bội Trâm thì cô bà có làm được như chị không, đa số đều trả lời không, không dám và không muốn. Mình cho chị Trâm biết, chị cười, nói chị cũng không dám và không muốn, chẳng qua trời khiến thì chị phải sống thôi. Mình hỏi nhỏ chị, nói em hỏi thật chị nhé, sống với anh Quán chị có thấy hạnh phúc không. Chị im lặng hồi lâu rồi thì thầm, nói nhiều lần anh Quán hỏi chị vậy, lần nào chị cũng chỉ một câu trả lời: nếu không hạnh phúc em đã bỏ anh lâu rồi.

Mình cũng đã nghe nhiều cô, bà nói với mình như vậy, bà xã nhà mình cũng nói với mình như vậy, hi hi… Nhưng làm được như chị Bội Trâm khó có ai dám. Suốt cả cuộc đời ngụp lặn trong túng thiếu ( cả tình cảm lẫn vật chất) để tìm kiếm hạnh phúc, trong số phụ nữ mình quen biết chắc chỉ có chị Bội Trâm, không còn ai.

Cưới xong anh Quán phải đi lao động cải tạo ở Thái Bình, Thanh Hoá, Việt Trì. Chẳng ai buộc anh phải đi cải tạo cả, Hội nhà văn, Bộ văn hóa muốn Phùng Quán trở thành nhà văn tốt nên động viên anh đi thôi, hi hi. Thời đó nó hồn nhiên như thế, nhà văn tài không quan trọng bằng nhà văn tốt,  nhà văn tốt là nhà văn biết ba cùng với nông dân. Bác Tô Hoài kể Phùng Quán trở thành “vua phân bò” từ đó, những ngày ba cùng ở Thái Bình anh nhặt phân bò tài đến nỗi hố  ủ phân vừa đào xong đã đầy, dân không kịp đào hố ủ cho Phùng Quán.

Mọi người phong Phùng Quán là “vua phân bò”, anh phấn khởi lắm, nói nhờ rứa mà văn Phùng Quán khỏi bị thối như phân. Anh còn xung phong lên rừng núi Thái Nguyên suốt  ba năm liến, một mình canh mấy hecta ngô khoai sắn của cơ quan. Mình hỏi anh Quán, nói anh xung phong thiệt à? Anh cười cái hậc, nói người ta gợi ý mình xung phong thì mình xung phong chớ răng. Chẳng ai ép mình, chỉ nói tùy đồng chí thôi, nhưng thời đó cái chữ tùy dễ sợ lắm.

Trong suốt mười năm sau ngày cưới, chị Trâm ở nhà mẹ phố Hàng Cân, anh Quán đi cải tạo lao động thỉnh thoảng về nhà mẹ nuôi là bà Tưởng Dơi, vợ chồng lại gặp nhau ở đấy,  bí mật lén lút như đang yêu vậy. Ngay cả khi có hai mặt con, cái Quyên và thằng Quân, anh chị cũng chỉ dám hẹn hò gặp nhau ở nhà bà Tưởng Dơi, chưa dám công khai cho mọi người biết, “phần tử chống đảng” dễ sợ vậy đó.

Anh Quán đi cải tạo chị Trâm một mình nuôi hai đứa con, đến khi anh Quán trở về, chị còn phải nuôi thêm anh Quán. Nuôi thêm anh Quán tức là nuôi thêm bạn bè của anh Quán nữa. Từ khi trường Chu Văn An  thương tình  cho  vợ chồng anh Quán ở tạm nơi chứa đồ mộc thí nghiệm của nhà trường, có chỗ chui vào chui ra, nhà chị không khi nào ngớt khách, luôn luôn có ít nhất một bạn anh Quán ăn ở trong nhà anh chị. Lương giáo viên cấp 3 chỉ dùng được một tuần là hết, thỉnh thoảng anh Tuân Nguyễn, anh Xuân Đài lấy một phần lương của họ đưa cho chị Trâm nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể, không ăn thua.

images

Nhiều lần tan lớp chị Trâm đứng ở cổng trường, ngẩn ngơ không biết phải đi đâu, làm gì có được một, hai đồng đi chợ. Tất cả những gì bán được đều đã bán, tất cả những ai vay được đều đã vay, phòng tài vụ đã cho ứng trước mấy tháng lương rồi, không thể ứng thêm được nữa. Khi đó chỉ có khóc, trông chờ ông Bụt hiện ra hỏi vì sao con khóc, chẳng có cách nào khác. Chị Trâm không khóc, ông Bụt cũng không hiện ra, nhưng lần nào cũng vậy, cái số “có quí nhân phù trợ” đã giúp chị qua được cơn bĩ cực. Thế nào rồi cũng có người đi qua, khi thì bạn chị khi thì bạn anh Quán, nói đứng làm gì đó hả con kia, sao trông cái mặt như mặt mất sổ gạo thế hả? Rồi người đó dúi cho một hai đồng, rất nhiều lần như thế.

Cũng rất nhiều lần cầm một hai đồng về nhà chị thấy trong nhà vài ba người khách, bữa cơm rượu hèn lắm cũng phải mất năm sáu đồng. Chị cứ xách giỏ đi liều ra chợ, hy vọng cái số “ có quí nhân phù trợ” sẽ giúp chị. Nếu hỏi nếu chẳng ai giúp thì sao, chị cũng chỉ biết cười trừ, chị hoàn toàn không có câu trả lời. Trời đã trả lời giúp chị, đúng vậy, trời đã giúp chị, chưa khi nào chị phải xách giỏ không trở về.

Một lần  bà hàng cá thấy chị đứng tần ngần trước mớ cá chép, lật đi lật lại cái đầu cá mà không dám hỏi giá, hỏi làm sao khi túi chị chỉ còn có hơn một đồng. Mãi rồi chị cũng phải đứng dậy bỏ đi. Bà hàng cá liền gọi giật hỏi nhỏ, nói vợ Phùng Quán phải không? Và rồi con cá chép hai cân  có người mua bốn đồng rưỡi không chịu bán đã lọt vào cái giỏ nhựa rách của chị. Chị xách con cá ra khỏi chợ không biết mơ hay thực nữa, lâu lâu lại nhìn vào giỏ, chỉ sợ con cá tự dưng biến mất.

Anh Quán nghe chị Trâm kể cảm động lắm, quyết ra Hồ Tây câu trộm một con cá chép hai cân trả ơn bà hàng cá. Không câu được cá chép hai cân, bù lại anh câu được sáu con cá mè và hai con cá chuối, con nào con ấy cỡ một cân. Chị mang hết ra tặng lại bà hàng cá. Bà hàng cá mừng lắm, trả chị mười hai đồng, nói ơn nghĩa là đây, em giúp chị có cá bán buôn là may cho chị lắm rồi. Từ nay chị em mình dựa vào nhau mà sống. Nghề cá trộm của Phùng Quán bắt đầu từ đó.

Còn văn chui thì thế nào? Chị Bội Trâm mỉm cười, nói cũng nhờ bác Thanh Tịnh cả đấy. Trước đó anh Quán chẳng dám nghĩ đến cái nghề văn chui đâu, nhờ bác Thanh Tịnh bày cho đấy.

Chuyện là thế này.

Xưa làm ở Văn nghệ Quân đội, Phùng Quán vẫn hay hầu rượu hầu trà Thanh Tịnh, họ là đồng hương Thừa Thiên- Huế. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, Thanh Tịnh là người duy nhất trong Văn nghệ quân đội vẫn quan hệ với Phùng Quán (là nói thời kì đầu, về sau còn có Tào Mạt), ông vẫn hay đến nhà Phùng Quán chơi, thân thiết cả hai vợ chồng.

Một hôm chi Bội Trâm đạp xe về phố Hàng Cân, dọc đường gặp Thanh Tịnh đang đi bộ trên vỉa hè, bác vẫy chị dừng xe, nói tao nghe nói thằng Quán rượu chè ghê lắm, tiền rượu chịu lên bạc nghìn có phải không? Chị giật mình ngạc nhiên, nói đâu có anh, anh Quán có rượu chịu nhưng chỉ năm bảy chục một trăm đồng là anh í trả thôi mà. Thanh Tịnh lắc đầu nhăn mặt, nói cô còn bao che cho chồng nữa. Chúng nó bảo tiền rượu lên tới ngàn hai rồi đó, có bán nhà cô chú cũng không đủ trả.

Chị Trâm thất sắc chạy về nhà bà chủ hàng rượu, cái cột nhà vạch vôi chi chít, cứ một lít là một vạch, có đến hàng trăm vạch như thế, tính ra chừng bốn trăm đồng. Chị thở phào nhẹ nhõm, bốn trăm còn hy vọng trả được chứ nghìn hai thì chắc chết. Bà chủ chỉ cho chị Trâm ba cột khác đầy vạch, nói còn ba cột năm ngoái đây nữa cô Trâm ơi. Chị hoa mắt, suýt té xỉu. Chị về nhà ngồi khóc một mình không biết ngỏ cùng ai. Anh Quán hiếu khách. Hễ  có khách là có rượu, ngày nào cũng vài ba khách, tích tiểu thành đại giờ lên đến ngàn hai trăm đồng. Thất kinh. Cái nhà mặt tiền phố Huế  lúc đó cũng giá nghìn hai trăm đồng chứ bao nhiêu đâu.

Vừa lúc Thanh Tịnh đến chơi, thấy chị khóc ông mắng át đi, nói khóc có ra tiền ra bạc được không? Lôi đống bản thảo thằng Quán cho tao xem may ra có thể in được cái gì. Chị Trâm càng khóc to hơn, nói anh ơi anh Quán bị treo bút, ai cho in mà in. Thời buổi nhất thân nhì quen này lấy tên người lạ người ta không in cho đâu. Anh Tịnh cốc đầu chị Trâm, nói vợ chồng chúng mày ngu lắm, không cho lấy tên thằng Quán thì lấy tên bạn bè thằng Quán, ít nhất cũng có tên tao. Tao cho nó mượn tên cả đời.

Anh Quán về nhà, chị Trâm kể cho anh nghe, anh nhảy lên hú mấy tiếng, nói sáng kiến sáng kiến, Thanh Tịnh muôn năm! Hôm sau anh Quán ôm chồng kí sự Vĩnh Linh đất lửa đến nhà Thanh Tịnh, nói chọ ni được mấy trăm đồng? Thanh Tịnh ngắm nghía gật gù, nói chọ ni được chừng tám trăm. Mày về viết thêm cuốn Nghệ thuật viết tấu và đọc tấu nữa, ráng bôi ra hơn trăm trang cũng được bốn trăm đồng, vừa đủ trả nợ tiền rượu. Anh Quán nói cuốn ấy có đặt người ta mới in, mình tự viết không ai in cho đâu. Anh Tịnh cú đầu anh Quán, nói ngu lắm. Mày không nhớ tao là cây tấu nổi tiếng à. Nhà xuất bản văn hóa đặt tao viết cả năm rồi nhưng tao nhác chưa viết được, mày viết đi.

Mấy tháng sau hai cuốn sách lấy tên Thanh Tịnh ra đời, Thanh Tịnh tự đến Nhà xuất bản lấy nhuận bút đưa cho chị Trâm. Anh Quán biện mâm rượu nhỏ đội đến nhà Thanh Tịnh, anh quì sụp xuống vái Thạnh Tịnh ba vái, nói sư huynh đã chỉ cho em con đường sống, đội ơn sư huynh suốt đời.

Cái nghề văn chui của Phùng Quán cũng bắt đầu từ đó, cũng từ đó anh Quán chị Trâm sống trong nơm nớp lo sợ. Lo bà chủ hàng rượu đòi nợ bất ngờ, chưa bao giờ bà đòi nợ anh Quán cả nhưng phàm đã mắc nợ không thoát được sự lo. Lo nhất vẫn là lo trộm cá bị bắt, văn chui bị phát hiện. Ba chục năm sống trong nơm nớp, nghe tiếng chó sủa lạ cũng giật mình thon thót, khổ thân anh Quán chị Trâm.

Sau ngày anh Quán mất, mình nghĩ chị Bội Trâm sẽ khó khăn về kinh tế nên cố tìm mọi cách tái bản sách anh Quán để chị có thêm đồng vào đồng ra. Bộ Tuổi thơ dữ dội được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành 6 tập rất đẹp, nhuận bút tính kịt tường, mình mừng lắm vội vàng đem lên cho chị. Chị Trâm ôm bộ sách đặt lên bàn thờ, nói anh ơi, nhà Kim Đồng vừa in Tuổi thơ dữ dội đẹp chưa này. Mình đưa nhuận bút cho chị, chị đặt lên bàn thờ, nói Lập nó đưa nhuận bút đây anh, nhiều thế này em tiêu làm sao hết. Vừa nói xong chị bật khóc, ngồi run rẩy bên bàn thờ không nói được câu nào nữa.

Sau rồi chị tâm sự, nói ngày anh Quán mất, anh em bạn bè cúng rất nhiều tiền, đến mấy chục triệu chứ không ít. Một mình chị Trâm chỉ tiêu hết 5 ngàn một ngày, lương hưu tiêu hảy còn thừa, chị không biết làm gì với mấy chục triệu tiền cúng. Mình cười, nói chị lo bò trắng răng, lo gì lại lo thừa tiền. Chị xua tay, nói không không, ý chị không phải vậy. Mình hỏi sao. Chị ngồi thừ hồi lâu rồi khẽ thở dài, nói mấy chục năm sống với anh Quán không một ngày nào chị không mơ có được nhiều tiền nhưng không bao giờ có. Bây giờ có nhiều tiền rồi anh Quán lại bỏ chị mà đi.

Chị ngồi run rẫy bên bàn thờ, ngước nhìn anh Quán, nước mắt dàn dụa.

NQL

1305880845_DSC01593
Mộ anh chị Phùng Quán- Bội Trâm

Nguyễn Quang Lập - 10.04.2013



2013/4/11 Giang Dang

Bình ơi, mình thấy có bài này viết về cô Trâm dạy văn và chồng Phùng Quán. Bình chia sẻ với các bạn nhé.
http://quechoa.vn/2013/04/10/nho-chi-boi-tram-thoi-ruou-chiu-ca-trom-van-chui/
Thân,
Hoang Giang

8 comments:

  1. Hình như bác Thanh Tịnh không có vợ con và sống độc thân cho đến lúc mất. Mình nhìn thấy bác tóc bạc trắng nhà gần báo VNQĐ. Có chơi với cháu gọi bác Tịnh là bác ruột hồi thập niên cuối 80.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhớ cô Trâm quá. Cô là người phụ nữ hiếm hoi, rất đáng kính trọng mà mình đã gặp. Chúng mình may mắn được là học trò của Cô.

      Delete
  3. Mình đọc khá nhiều mẩu chuyện về hai vợ chồng cô chú Bội Trâm & Phùng Quán rồi. Chuyện này bọ Lập viết thật cảm động. Sao ngày xưa nhiều người bị trù úm khổ thế.

    Cám ơn Giang (Bình) đã giới thiệu.

    ReplyDelete
  4. Chuyện này đã đọc trên blog quechoa cách đây không lâu, nhưng nay đọc lại vẫn rất cảm động.
    Thời xưa có chuyện "cải tạo lao động" hay "ba cùng" rất... ấn tượng! Lại nhớ tới câu thơ: "Anh về phân bắc, phân xanh đầy chuồng" thuở nào.

    Một thời nhớ ... để quên.

    ReplyDelete
  5. [im] http://www.studentkgu.vn/file/pic/gallery/11301_view.jpg [/im]
    Tôi và Thủy (lớp Xanh) viếng mộ cô Trâm, chú Quán ngày 2/5/2011

    Năm lớp 9. Lớp Xanh được học cô Bội Trâm. Hồi đó chúng tôi không rõ lắm chuyện cô là vợ nhà văn Phùng Quán. Thời đó nhắc đến Phùng Quán là cả 1 sự e dè lớn, kiêng kỵ. Mà chúng tôi chưa đủ lớn để hiểu câu chuyện kiểu như “nhân văn giai phẩm”. Tôi chỉ biết cô Trâm dạy văn rất hay.

    Lớp Xanh thời đó học văn chỉ có dòng văn học cách mạng, thơ ca chỉ có Tố Hữu, Sóng Hồng và Bác Hồ. Để dạy văn hay không dễ với thể loại này, nhất là cho học sinh chuyên toán. Cô Trâm đã làm được điều đó.

    Rất tiếc chú Quán mất sớm nên chúng tôi không được tiếp xúc nhiều. Chú Quán là một tài năng. Viết "Vượt Côn Đảo" khi mới 20 tuổi mà chỉ qua chuyện kể các tù nhân. Những bài thơ như “Lời mẹ dặn”, một bản tuyên ngôn về sự trung thực, khách quan cho các nhà văn, sẽ còn được lưu truyền nhiều thế hệ. “Tuổi thơ dữ dội” được tái bản gấn 10 lần. Khi bị v/đ chú mượn tên nhiều nhà văn, trong đó có bác Đào Phương, bố Thủy, đề đăng bài. Chú Quán có câu nổi tiếng gắn với cuộc đời khi đó: “Rượu cắm, Câu trộm, Viết chui”, vì rượu toàn uống nợ với chủ quán, sống bằng nghề câu cá trộm ở hồ Tây (dân bảo vệ biết là Phùng Quán nên làm ngơ), và viết văn dưới tên người khác.

    Dù chỉ dạy 1 năm nhưng chúng tối rất quý cô. Sau khi ra trường, chúng tôi vẫn thăm cô nhiều lần. Năm 2003 trong đợt công tác tại Úc, tôi được các bạn bên ấy cho đọc trên mạng 1 bài của chú Quán viết về nhà thơ Tuân Nguyễn. Tôi copy về mang lại cho cô Trâm. cô rất mừng nói bài này cô nộp bản thảo cho NXB, họ không cho đăng và còn nói là mất bản thảo rồi. Đây là bài hay nhất của Phùng Quán ở dạng hồi ký.

    Tôi xin trích dẫn 2 đoạn viết về cô Trâm như sau từ cuốn “10I lớp tôi”, cuốn sách của lớp tôi được in năm 2003, kỷ niệm 30 ngày lớp tôi ra trường:

    “Cô Trâm dạy văn lớp chúng ta có một năm, nhưng đối với riêng tôi cô là người mẹ hiền thứ hai của tôi. Cô Trâm của chúng ta là một người đặc biệt.

    Với cô Trâm, bạn hãy đưa cô bất cứ đoạn văn xuôi nào hay bất cứ bài thơ nào. Qua tay cô, chúng đều sẽ trở thành một bài thơ hay và đoạn văn xuôi đầy ý nghĩa.

    Tình yêu của cô với chú Phùng Quán, sự chịu đựng những dị nghị, thành kiến xã hội trong suốt cuộc đời của cô thật vĩ đại, không gì có thể miêu tả và so sánh nổi.”

    (Bùi Việt Hà)

    “Ngoài Thầy Khải ra có lẽ cô Bội Trâm (vợ nhà văn Phùng Quán) dạy văn hồi lớp 9 là có nhiều gắn bó với lớp hơn cả. Cô Trâm dạy văn rất hay, chúng tôi mê tít. Kỷ niệm không quên của tôi là một lần trả bài tập làm văn, trong khi phân tích bài làm của học sinh, cô dừng ở một người và nêu ra những điểm không hay trong bài văn của bạn này. Tôi thầm nghĩ, quái tay nào mà làm dở thế. Đến khi nhận bài trả, thấy cô phê mới nhận ra ban nãy cô nói về mình. Khi nhìn vào ô điểm, con số 4 bị gạch chéo và thay vào con số 5 bên cạnh, tôi hiểu ra rằng cô đã vớt điểm cho tôi. Phải chăng vì tôi làm lớp trưởng? Nếu đúng thì ngay cái chức lớp trưởng phổ thông quèn cũng đã có chút ít bổng lộc, chả trách người đời tranh nhau (thậm chí đạp nhau) làm quan chức.”

    (Bùi Quang Ngọc)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Một số tác phầm của Phùng Quán
      • Vượt Côn Đảo (Tiểu thuyết, 1955) - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
      • Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (Thơ, 1955) - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007
      • Tuổi thơ dữ dội (Tiểu thuyết, 1988) - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
      • Trăng hoàng cung (Tiểu thuyết thơ, Nxb Thanh Văn, USA 1993). Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản Trăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những giai thoại xung quanh thi phẩm này.
      • Phùng Quán (Thơ, Nxb Văn học, 1995)
      • Ba phút sự thật (Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009)
      • Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào? (Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
      • Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

      Delete
    2. Anh Ngọc viết hay quá, hai đoan trích trong Hồi ký I xanh của anh Hà và anh Ngọc đã nói lên tất cả, một thế hệ đầy bi phẫn đã qua đi ...!

      Chú Quán có bài viết hồi đến thăm ông chú của Chú Quán em thích nhất, một người vẫn bình thản đến thăm ông chú đã dìm cháu mình như thế, bài viết ây không biết chú của Chú Quán có đọc không và nếu đọc thì nghĩ gì đến nay điều bí ẩn ấy chỉ có chính ông chú của Chú Quán biết (ông chú ấy là nhà thơ rất to)

      Delete