Sunday, November 3, 2013

Chia tay Mùa Thu HN



Vào dịp cuối thu này, hàng ngày đưa đón con tôi thường được nghe bản nhạc Nhớ Mùa Thu HN của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhất là những khi ùn tắc giao thông. Mỗi khi  bản nhạc vang lên là tâm hồn tôi xao xuyến lạ. “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”.
http://tainhaccho.vn/loi-bai-hat/trinh-cong-son/cc4/nho-mua-thu-ha-noi.htm
Ôi! Hà nội của tôi! Sao mà yêu đến thế! Tôi tự hỏi mình tại sao sống ở Hà Nội bao nhiêu năm nay mà tôi lại không nhận ra những vẻ đẹp diệu kỳ này của Hà Nội?!!! Rồi cuối cùng tôi cùng tìm ra câu trả lời cho mình. Đó là vì tâm hồn tôi cằn cỗi, cho nên tôi chỉ nhận thấy những cành lá khẳng khiu tẻ nhạt của cây cơm nguội, những con sâu róm to đùng trên cây bàng, những ngôi nhà cũ bẩn lụp xụp, những cống rãnh hôi thối, những đường phố bụi mù tắc nghẽn giao thông… chứ không nhận ra những vẻ đẹp diệu kỳ của Hà Nội như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi đã không nhận ra vẻ đẹp của “nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng…” như  nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, vẻ đẹp của những con “Đường thênh thang ba đình lịch sử. Đường tấp nập hoàn kiếm đồng xuân... những đường phố mà thấy sao tha thiết”… như nhạc sĩ Vũ Thanh hay biết bao thi sĩ, nhạc sĩ ...và biết bao người khác.
     Quả vậy con người ta thường dễ dàng nhận ra những gì đồng cảm với mình. Bởi thế khi tâm hồn người ta đã cằn cỗi, tẻ nhạt hay tệ hại hơn nữa là xấu xa… thì người ta cũng dễ dàng và thường nhận ra trước tiên là những gì cằn cỗi, tẻ nhạt, xấu xa… gần gũi với mình. Điều này không phải đến nay chúng ta mới biết mà thực ra nó đã được ghi vào sách từ rất lâu trước Thiên Chúa Giáng Sinh, từ đó đến nay đã hai thiên niên kỷ rưỡi, mà có lẽ con người đã biết điều này từ lâu hơn thế nữa. Một ví dụ đơn cử là chuyện của nhà triết học lỗi lạc Socrates.
Một hôm Socrates và các học trò ngồi chơi ở cổng thành Athena. Một du khách từ xa tới nghiêng mình kính cẩn:
-Thưa ngài tôi từ thành Mycenae, xứ Peloponnese tới, xin ngài cho biết trước mặt tôi là thành nào và dân ở đó sống ra sao?
Socrates hỏi lại:
-Trước tiên xin ngài cho biết dân ở thành Mycenae. xứ Peloponnese của ngài sinh sống ra sao?
Người du khách trả lời:
-Thưa ngài đó là một lũ láo toét, bệnh hoạn, ích kỷ…và xấu xa!
Socrates trả lời:
-Dân thành Athena cũng là một lũ láo toét, bệnh hoạn, ích kỷ…và xấu xa, thưa ngài!
Một lúc sau lại có một du khách tới và hỏi Socrates một câu tương tự như du khách ban nãy đã hỏi:
-Thưa ngài tôi từ thành Mycenae, xứ Peloponnese tới, xin ngài cho biết trước mặt tôi là thành nào và dân ở đó sống ra sao?
Và Socrates cũng hỏi lại:
-Trước tiên xin ngài cho biết dân ở thành Mycenae, xứ Peloponnese của ngài sinh sống ra sao?
Người du khách cười tươi trả lời:
-Thưa ngài dân thành Mycenae, xứ Peloponnese chúng tôi là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ.
Socrates trả lời:
-         Thưa ngài cổng thành Athena đang rộng mở để đón chào ngài! Dân thành Athena cũng là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ để đón chào ngài!

Athena  là vị thần của nghề thủ công mỹ nghệ, trí tuệ và cũng là vị thần chiến tranh chính nghĩa đồng thời là vị thần bảo hộ của thủ đô Athens của Hy Lạp.
Khi những người du khách đã đi xa, các môn đệ của Socrates hỏi ông:
Thưa thầy! Tại sao thầy vừa nói “Dân thành Athena là một lũ láo toét, bệnh hoạn, ích kỷ…và xấu xa”, rồi thầy lại nói ngay “Dân thành Athena là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ”?
Socrates trả lời:
Các con phải hiểu rằng người du khách thứ nhất chỉ thấy những gì xấu xa của thành Mycenae thì ông ta cũng sẽ chỉ thấy được những gì xấu xa của thành Athena. Còn người du khách thứ hai thấy được những gì tốt đẹp của thành Mycenae, thì ông ta cũng sẽ thấy được những gì tốt đẹp của thành Athena. Xấu hay đẹp đều ở chính mình mà ra cả!
Giờ đây sắp phải chia tay với Mùa Thu Hà Nội, sao mà lưu luyến thế? "Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta! Như bâng khuâng nghe gió đưa..." (Vũ Thanh). Lại còn phải chuẩn bị đương đầu với sự hà khắc của Mùa Đông Giá Buốt nữa chứ! Ôi tôi ngàn lần xin lỗi Mùa Đông! Bởi vì Mùa Đông tuy giá buốt, nhưng vẫn có những ngày nắng đẹp tuyệt vời. Phải không nhỉ?

38 comments:

  1. Một bài viết rất hay và thâm thúy nữa. Cảm ơn Minh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Em đưa đường dẫn bài Nhớ Mùa Thu HN lên đây có cả bản nhạc và lời, để mọi người nghe, xem cho tiện: http://tainhaccho.vn/loi-bai-hat/trinh-cong-son/cc4/nho-mua-thu-ha-noi.htm

      Delete
  2. Ước gì Hà Nội đừng như mô tả của du khách thứ nhất :-)

    ReplyDelete
  3. Vào thời khắc giao mùa, đọc Chia tay Mùa Thu Hà Nội của anh, thấy lòng mình dâng trào nhiều cảm giác bồi hồ xao xuyến. Thế là thêm một mùa của Tình Yêu đi qua, nhường chỗ cho những cơn gió se lạnh đầu mùa đến gõ cửa mọi nhà. Như anh nói: Hy vọng Mùa Đông dù lạnh giá nhưng vẫn có những tia nắng ấm áp để lòng người ấm áp trong Yêu thương.

    ReplyDelete
  4. Chỉ còn hơn 2 giờ nữa, là Mùa Thu trôi qua.Và cái gía lạnh đầu Đông sẽ đến .Cảm giác se lạnh,khiến lòng mình như chùng xuống, muốn được sưởi ấm... Nhưng có lẽ, chỉ có TY đích thực mới có thể đem lại những cảm giác ấm áp kỳ diệu ấy,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Không biết anh (hay cô) bạn mới này ở đâu nhể???
      Xem ra tâm hồn của anh (hay cô) bạn này cũng giống du khách thứ hai tới thăm thành Aten đây.
      Vậy thì xin mượn lời của Socrates để nói rằng:
      - Thưa quý anh (hoặc cô), Blog ICVA luôn rộng mở để đón chào anh (hay cô)! Dân làng ICVA cũng là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ để đón chào anh (hay cô)!
      và thêm một chút không mượn của ai:
      - Mong rằng anh (hay cô) hãy mãi giữ tình cảm tốt đẹp dành cho blog và thường xuyên ghé thăm để hiểu biết và thông cảm lẫn nhau nhiều hơn.
      Hề hề hề, Mõ tui liều mạng comments

      Delete
    2. Ngày 7-11 kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười đã trôi qua trong ấm áp của lập đông, kỳ diệu thay TY đích thực!!!

      Delete
  5. 7-11 lập đông rồi! Làm gì bây giờ! Không thể níu kéo thêm được nữa rồi! Phải chia tay với Mùa Thu Hà Nội là điều không thể tránh khỏi. Chỉ còn ít phút nữa thôi! Mùa thu Hà Nội ơi, gặp lại nhé!

    ReplyDelete
  6. Trân trọng chào anh Phạm Thanh Bình. Em rất vui khi mở blog icva,, nhận được lời hồi âm ấm áp từ anh. Với em - Một cô giáo từ miền cực Bắc của Tổ quốc (Hà Giang)- thì Hà Nội luôn là nơi hội tụ nhưng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Mảnh đất ngàn năm văn hiến, luôn gợi mọi cảm hững cho những nhà văn, nhà thơ và cho tất cả mọi người con đất Việt.
    Ghé thăm blog ICVA, em cảm nhận được một bầu không khí ấm áp của một gia đình lớn. Đọc những bài viết ở đó, em cảm nhận được nhiều hơn những giá trị đích thực và những vẻ đẹp kỳ diệu, đa sắc màu của cuộc sống muôn màu.
    Em mong được đồng hành và chia sẻ các anh chị nhiều hơn. Chúc cho gia đình ICVA luôn đầm ấm và gặt hái nhiều thành công./.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Chết tui, đụng trúng phải ổ kiến lửa rồi. Chắc sẽ bị đốt cho te tua đây.....
      Đùa chút xíu, cô giáo chớ giận nghen.

      Xin nhiệt liệt chào mừng khách quý ghé thăm làng ICVA chúng tôi.
      Xin cảm ơn những thiện cảm và những lời chúc tốt đẹp của quý khách dành cho dân làng ICVA.
      Xin mời quý khách dạo chơi quanh làng và thưởng thức những đặc sản của dân làng ICVA. Cho dù nó chưa thật hoàn hảo nhưng đó là những tấm chân tình của dân làng chúng tôi dành cho nhau và cho mọi khách quý ghé thăm.
      Dân làng ICVA luôn trân trọng và biết ơn mọi sự quan tâm và đóng góp công sức của mọi người để cho cuộc sống của dân làng thêm phong phú và hữu ích đối với cộng đồng.

      Chúc quý khách luôn:
      Dồi dào sức khỏe,
      Vui, trẻ , yêu đời
      Hạnh phúc rạng ngời
      Công thành danh toại.

      Delete
  7. Đón chào ngày nghỉ cuối tuần với những lời chúc đầy ắp niềm HP của anh Binhfg]ỉ đến, Em thấy tâm trạng như phấn chấn hơn, báo hiệu một ngày vui vẻ, thú vị. Chúc Anh và gia đình ICVA hai ngày nghỉ cuối tuần ngập tràn niềm vui, đầy ắp tiếng cười.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Chúc cô giáo một kỳ nghỉ cuối tuần tràn đầy hạnh phúc và niềm vui bên người thân và gia đình.

      Delete
  8. Socrates có nói "hề hề hề" bao giờ không nhỉ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Socrates có nhẽ chưa nói "hề hề hề' bao giờ. Xong chửa biết chừng, khi ông ấy sống lại, đọc được các comments trong blog này lại nổi hứng mà hề hề hề chăng????
      hãy đợi đó.

      Delete
    2. Lol ... :-) vậy thì ông Socrates đang ngậm "hề" nơi chín xuối ... :-) anh Bình nhỉ ... ,.!!!

      Delete
    3. Hề hề hề,
      Ổng ngậm cái chi thì chửa biết nhưng mà là ngậm nơi chín Suối (cửu tuyền) chớ hổng phải xuối nghen.....

      Delete
    4. suối nào chả là xuối ;-)
      Sách giáo khoa, từ điển, báo chí chính thống, TV còn viết sai đầy ra, nói gì đến 1 còm nhỏ xíu trên 1 blog bé tí teo

      Delete
    5. This comment has been removed by the author.

      Delete
    6. Sao a Hề hề hề chơi chữ thế? E chẳng hiểu "cửu tuyền" là cái gì đâu!

      Delete
    7. Hề hề hề,
      Chú này đúng là dân chuyên toán rồi.....
      Chữ với nghĩa cái chi đâu, "cửu tuyền" là "tuyển cừu" ấy mà.
      Đùa chút xíu, đừng tự ái nghen.
      Các cụ ta thường mong được "Ngậm cười nơi chín suối" mà cửu thì là chín tỷ như cửu long là chín con rồng hay cửu vạn là con chín Vạn trong quân tổ tôm mà các cụ hay chơi. Nó có hình thằng người vác bị nên dần dần cái từ này được dùng chỉ những người phu khuân vác vậy.
      Còn tuyền là suối cho nên nói cửu tuyền là nói cho oai để tỏ ra ta là người có tí chữ .....dở hơi ở trong đầu ý mà.
      Còn "tuyển cừu" thì nó cũng từa tựa như câu "Mua gỗ chọn thớ mà lấy vợ thì phải xem mông" vậy.
      Cái chữ và cái nghĩa được "chơi" ở đây là vậy đó.
      Hề hề hề,....

      Delete
    8. Tra google dùm bạn:
      theo http://www.quangminh.org.au/index.php?option=com_content&view=article&id=889:sui-vang-va-chin-sui-y-ngha-ging-nhau-hay-khac-nhau&catid=125:100-cau-hi-pht-phap-tp-2&Itemid=21

      ...Theo truyền thuyết của người Trung Hoa, thì người ta tin rằng, ở dưới âm phủ có chín cái suối nước vàng. Chín suối do dịch từ chữ cửu tuyền của chữ Hán. Suối vàng hay chín suối là chỉ cho chỗ ở của người chết. Sở dĩ có truyền thuyết nầy, theo sử liệu ghi lại là người ta y cứ vào câu chuyện xảy ra ở đời Xuân Thu Chiến Quốc. Câu chuyện nói về bà Khương Thị vợ của vua Trịnh Vũ Công.

      Truyện tích kể rất dài dòng, nhưng ở đây, tôi chỉ xin kể ngắn gọn tóm lược mà thôi. Ðây là câu chuyện nói về chúa nước Trịnh là Trịnh Trang Công tên là Ngộ Sinh. Ông nầy rất có hiếu với mẹ. Mẹ của ông là bà Khương Thị. Bà nầy là vợ của vua Trịnh Vũ Công. Bà có hai người con. Người lớn là thái tử Ngộ Sinh, sau lên ngôi là vua Trang Công. Còn người con kế tên là Ðoạn. Tuy cả hai đều là con của bà, nhưng bà lại thương không đồng. Bà có ác ý hay ghét Ngộ Sinh, vì khi sanh Ngộ Sinh ra một cách thình lình làm bà chịu nhiều đau đớn khổ sở. Và kể từ đó, bà cho Ngộ Sinh là đứa con oan gia bất hiếu, vì hành hạ bà đau đớn ngay từ lúc đầu. Do đó, mà bà sanh tâm ác cảm với Ngộ Sinh. Ngược lại, bà rất thương yêu nuông chiều người con kế tên là Ðoạn.

      Vì có ý muốn cho Ðoạn lên làm vua, nên bà tìm đủ mọi phương cách thủ đoạn dèm pha hãm hại Trang Công. Việc hãm hại của bà kể từ khi Trang Công còn làm thái tử, cũng như sau khi ông nầy lên làm vua. Về sau, việc âm mưu hãm hại của bà bị bại lộ. Trang Công biết được em mình là Ðoạn nổi loạn phản nghịch, nên cử binh đánh dẹp và cuối cùng Ðoạn phải tự tử. Từ đó, vua Trang Công mới an trí mẹ mình nơi vắng vẻ và thốt lên lời thề nặng là: “Chẳng phải chốn suối vàng thì chẳng nhìn mặt nhau”. (Bất cập huỳnh tuyền vô tương kiến dã).

      Trang Công vốn là người con có hiếu nên sau đó nhà vua nghĩ lại, cảm thấy rất hối hận về việc xử tệ bạc với mẹ mình, nhưng đã lỡ thề nặng nên nhà vua không biết phải làm sao để gặp lại mẹ mình. Bấy giờ, có ông quan cận thần tên là Ðình Khảo Thúc biết ý Trang Công, nên ông ta tìm cách giải lời thề bằng cách là cho người đào đất đến tận mạch nước, rồi cho xây cất một cái nhà nhỏ bên cạnh suối nước. Xong, liền cho người dẫn bà Khương Thị xuống đó ở. Mục đích là để cho Trang Công xuống đó gặp lại mẹ. Quả thật khi gặp lại, hai mẹ con ôm chằm lấy nhau khóc than một cách thảm thiết! Vì lẽ đó, nên mới có câu chuyện là gặp nhau ở suối vàng.

      Trong truyện Kiều có câu:

      Ðã không kẻ đoái, người hoài
      Sẵn đây ta thắp một vài nén hương
      Gọi là gặp gỡ giữa đường
      Họa là người dưới suối vàng biết cho

      Tóm lại, nói suối vàng hay chín suối ý nghĩa không khác nhau, cả hai đều là chỉ cho chỗ ở của người chết vậy.

      Delete
    9. Thêm 1 tài liệu nữa nè:
      theo http://www.tuhai.com.vn/forums/index.php?topic=1219.35;wap2

      Chữ Cửu tuyền có nguồn gốc từ chữ Cửu nguyên, tên của một bãi tha ma của nước Tấn bên Tàu.

      Cửu nguyên là một địa danh của nước Tấn thời Xuân Thu, nay ở về phía Bắc tỉnh Sơn Tây, dùng làm nghĩa địa chôn cất thi hài các quan khanh đại phu nước Tấn. Về sau người ta dùng chữ "Cửu nguyên" để chỉ cõi của người chết hay cõi của những linh hồn người chết đến trú ngụ.

      Sách Lễ Ký có câu: Dĩ tùng tiên đại phu ư Cửu nguyên, nghĩa là: Ðã theo các quan đại phu đã chết ra đất Cửu nguyên. Ý nói đã chết và đặt mộ nơi đất Cửu nguyên.

      Theo cách đồng âm trong ngôn ngữ, người ta cho tên đất Cửu nguyên 九原 thành Cửu nguyên 九源 là Chín suối (chữ Nguyên có bộ thủy là suối, là nguồn nước), để từ đó dịch ra là Cửu tuyền, cũng để chỉ cõi Âm phủ.

      Theo Thế Thuyết, sau khi Ân Trọng Kham chết, Hoàn Huyền hỏi Ân Trọng Văn: Cha ngươi là Ân Trọng Kham là người thế nào? Ân Trọng Văn đáp: Tuy không thể làm sáng tỏ một đời nhưng cũng để soi rọi khắp Cửu tuyền.

      Delete
    10. Hay quá, anh HTC tìm hiểu thật nghiêm túc. Hóa ra "gặp nhau dưới suối vàng " nghĩa là vậy.

      Cảm ơn tác giả TQMinh viết một bài đầy xúc cảm lôi kéo được bạn đọc khắp nơi!

      Delete
    11. Cám ơn các anh đã giải thích đầy đủ cặn kẽ! Chẳng là em vốn học ở Bacu hay ăn thịt cừu, vì thế cứ nghĩ quẩn "cửu tuyền" là tuyển cừu mà!

      Delete
  9. Mùa thu Hà Nội thật đẹp, gắn với biết bao kỷ niệm của từng người. Cảm ơn Minh đã có bài viết rất hay.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị nhiều! Theo chị thì khi nói lời chia tay với Mùa Thu HN ở cuối bài có nên lồng thêm vào "Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta.
      Như bâng khuâng nghe gió đưa..." trong bài Hà Nội Mùa Thu của Vũ Thanh nữa không?

      Delete
  10. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  11. Kính chào các anh chị! Em cũng muốn có đôi lời chia sẻ, nhưng sợ chưa được phép, tuy vậy: "- Thưa quý anh (hoặc cô), Blog ICVA luôn rộng mở để đón chào anh (hay cô)! Dân làng ICVA cũng là những người tuyệt vời, họ sống đạo đức thánh thiện, luôn quan tâm giúp đỡ nhau, cuộc sống của họ thật là tươi đẹp… và nụ cười luôn nở trên môi họ để đón chào anh (hay cô)!". Vì thế cho em xin gia nhập hội cùng các anh chị nhé!
    Em Nguyễn Xuân Trường!

    ReplyDelete
  12. thu đi rùi còn đọng lại trong tôi những ki niêm về Hoa Sữa lông nàn,mùi vị đăc trưng của thu Hà Nội

    ReplyDelete

  13. Bốn mùa Hà Nội đều có sức quyến rũ riêng, nhưng chẳng ai bảo ai, người ta vẫn tìm về mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến mỗi lúc thu về. Thu tháng 10 không còn e lệ như những ngày đầu tháng 8 heo may. Tuy nắng có vơi phần gắt gỏng nhưng gió đã lạnh thêm và sương sớm cũng dày hơn.
    Chính nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm trong những ngày giữa thu Hà Nội, đưa đẩy mỗi người phải hòa mình với các cung bậc thời gian. Sớm se lạnh như mùa xuân cần manh áo mỏng, trưa nắng chiếu như ngày hè cần ly nước mát, chiều lộng gió thu về trên phố, tối sương đêm gợi nỗi nhớ mùa đông.

    Vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, có lẽ bạn và tôi đi trên những con phố như: Nguyễn Du, Nguyễn Chí Thanh, Trần Khát Chân, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Huyên… đều có thể cảm nhận được sự nồng nàn của mùi hoa sữa.


    Càng về khuya, khi màn đêm buông xuống, cuộc sống dần về với im lặng thì con người càng cảm nhận được sâu sắc hơn mùi nồng nàn của hoa sữa. Nét đượm buồn của mùa thay lá càng làm cho hoa sữa thấm sâu hơn vào lòng người, gợi nhớ những kỉ niệm đã qua.

    Hoa sữa trong cái xe lạnh của tiết trời thu càng khiến lòng người trở nên xao xuyến hơn. Mùi hương nồng nàn của hoa sữa như xuyên vào tận trái tim những người có một tâm hồn lãng mạn biết yêu, biết sống và cảm nhận hương vị của cuộc sống xung quanh...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hề hề hề,
      Trước hết xin được xin lỗi bạn TruongNguyen vì mấy nhày vừa rồi, mình chưa có điều kiện vào blog. Sau chuyến du ngoạn Hà nội trở về mình mới vào blog được.
      Xin nhiệt liệt hoan hô và cám ơn bạn Truong Nguyên đả tham gia vào blog cùng anh chị em chúng tôi.
      Rất mong bạn sẽ thường xuyên ghé thăm và đóng góp cho blog ngày một phong phú hơn.

      Delete
    2. Ngày còn học PTTH những năm chín mươi - chín ba, cứ mỗi lần giai điệu của bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" vang lên là trong lòng em lại dấy lên một cảm xúc thật khó tả. Cho đến tận bây giờ, sau 20 năm học tập, công tác và sinh sống trên mảnh đất được gọi là trái tim của Tổ quốc, em mới đọc được tâm trạng hay cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời của ngày ấy: Đó là khát vọng. Khát vọng được hòa mình vào trái tim của Tổ quốc, được trở thành một phần tử của Thủ đô thiêng liêng. Và điều mong ước đó đã trở thành hiện thực. Vì vậy, đọc bài viết của anh M thấy tâm hồn anh rất nhạy cảm. Những điều tưởng chừng như rất đơn giản, bình dị nhưng dưới ngòi bút của anh lại trở nên sâu lắng, thân thương mà đáng yêu đến thế. Em có quá khen không nhỉ? Có lẽ là không! Bởi lẽ, dân chuyên Toán thường cảm nhận cuộc sống còn sâu sắc và tinh tế hơn dân chuyên Văn rất nhiều!

      Delete
  14. Em có việc này muốn được hỏi các anh, các chị và rất mong được các anh các chị chỉ bảo giúp em ạ: Em xây dựng một thư viện điện tử về Lịch sử để dạy học sinh. Trong đó có các đoạn video clip nhạc, bài hát, phim tư liệu lịch sử. Hãy giúp em cách liên kết các video ấy với các trang web chứa nó nhưng làm thế nào để khi em cho học sinh xem thì có thể dừng lại bất kì chỗ nào theo ý của cô mà các em không fải xem hết cả đoạn phim ạ? Em rất cảm ơn các anh, các chị!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn vào xem phần FAQ của blog này nhé.

      Xem "Chú ý 2" ở cuối mục #7 có chỉ dẫn một cách nhúng youtube clip vào bài, đồng thời đặt thời điểm bắt đầu và kết thúc cho clip.

      Delete
  15. Cảm ơn tác giả đã có một bài viết rất hay, sâu sắc và ý nghĩa về cách nhìn tích cực với mỗi sự việc, hiện tượng và cả con người xung quanh ta. Và như thế, chúng ta sẽ thấy Mùa Xuân không còn ẩm ướt bởi mưa phùn tháng Hai mà sẽ chỉ thấy chồi non lộc biếc nảy trên những cành cây; Mùa Hạ không còn oi nồng với những trưa tháng Sáu “ chết cả cá cờ” mà chỉ thấy những tia nắng tươi vui nhảy nhót trên những vòm cây với tiếng ve gọi hè ; Mùa Thu không còn bão lũ mà chỉ thấy tiết trời mát mẻ với đêm hội Trung Thu rộn ràng tiếng trống múa lân và Mùa Đông – Mùa Đông không còn buốt giá mà ta thấy sự ấm áp của những bàn tay đôi lứa đan nhau dạo bước trên đường. Và con người quanh ta sẽ toàn là những du khách thứ hai, thật đáng yêu, phải không anh Minh?

    ReplyDelete
  16. Chia tay mùa thu mát mẻ dễ chịu với bầu trời trong xanh ai cũng lưu luyến lạ thường. Nhưng mùa đông cũng đáng yêu lắm chứ: Mùa đông cho ta giấc ngủ ấm trong chăn. Cho ta những phút giây hạnh phúc bên những người thân khi cùng ngồi bên bếp lửa hồng và mùa đông còn có công ấp ủ mầm sống cho cây để xuân về hoa lá thi nhau đua sắc. Và mong rằng chúng ta luôn là người khách thứ hai trong câu chuyện của anh.

    ReplyDelete
  17. Chia tay mùa thu mát mẻ dễ chịu với bầu trời trong xanh ai cũng lưu luyến lạ thường. Nhưng mùa đông cũng đáng yêu lắm chứ: Mùa đông cho ta giấc ngủ ấm trong chăn. Cho ta những phút giây hạnh phúc bên những người thân khi cùng ngồi bên bếp lửa hồng và mùa đông còn có công ấp ủ mầm sống cho cây để xuân về hoa lá thi nhau đua sắc. Và mong rằng chúng ta luôn là người khách thứ hai trong câu chuyện của anh.

    ReplyDelete
  18. cảm ơn anh!
    có những chuyện buồn chỉ nên giấu trong lòng, đôi khi tâm hồn cũng cằn cổi theo thời gian

    ReplyDelete