Friday, July 25, 2014

Về đất Bắc - Một lần về quê nội

Tác giả đang... mơ màng
trong cảnh rêu phong cổ kính
Để cho dễ đọc tôi xin giới thiệu phả hệ gia đình như sau:
  • Chuột già=Bố (còn gọi là ông già tía, Chuột già Sheshura, F0 hay độc cước bạch tu quái nhân) 
  • Mẫu hậu=Mẹ (còn gọi là XX) 
  • F1 gái=mình (Khỉ con, Cọp con, Ngáo), và F1 trai=anh mình.

Vừa tốt nghiệp về nước được mấy ngày đang nằm ngủ cho đã thì Chuột già vào hỏi: "Có bằng chưa, nếu có thì photo rồi mang về quê để báo cáo tổ tiên".

Mình đang ngại cái nắng ngoài Bắc nên kiếm cớ "Con đã nói rồi, tận tháng 11 mới có bằng, bây giờ mới có cái giấy chứng nhận của trường"
-Miễn có cái dấu tròn tròn đỏ đỏ là được rồi, các cụ đâu có biết tiếng Anh, chỉ cần nhìn thấy cái mộc củ khoai là các cụ phấn khởi rồi. Chuột già phán.
Mình vẫn không chịu đi nên Chuột già xuống giọng dụ khị "mùa này rau ở quê ngọt lắm, ăn vào thì miễn chê. Ngoài ra quê mình còn có món thịt chó nướng lá đa trên cả tuyệt vời. Kỳ trước có anh chàng người miền Nam chưa bao giờ ăn thịt chó mà ra làm nguyên đĩa".
Nghe đến mấy món ngon thì mình phấn khởi hẳn lên và gật đầu cái rụp để Chuột già lấy vé máy bay. Nhưng đến lúc nghĩ lại thì "thôi dại rồi, Chuột già có biết phân biệt cơm nguội với pizza đâu mà nói ngon với không. Mình bị lừa như trẻ con rồi!" Quân tử nhất ngôn đúng là dại nên đành cun cút theo Chuột già ra máy bay về quê.
Đang lừ đừ vì say trên máy bay thì tỉnh hẳn khi cửa mở và mang 1 luồng gió nóng ẩm đặc trưng của miền Bắc xộc vào! Được nghe mọi người nói: ở quê mưa suốt cả tháng và chỉ ngừng trước khi mình xuống.  Số mình đúng là được các cụ phù hộ ;-)
Lần đầu ở Việt Nam được đi bộ từ cầu thang máy bay vào phòng chờ mà không phải đi xe ô tô chuyên dụng! và cũng lần đầu chứng kiến cảnh đang đi thì phải dừng lại chờ máy bay khác (vừa xuống) chạy ngang qua đường!
Chuột già trùm sò nên nhờ ông dượng và ông chú (ông trẻ) ra đón. Cứ tưởng Chuột già sẽ làm xe ôm chở mình để giới thiệu về thành phố Hải Phòng té ra Chuột già không thuộc đường nên phải đi cùng với ông chú.
Mặc dù quê nội ở Hải phòng nhưng mình thì sanh ra ở Hà nội, lớn lên ở Sài gòn, nói được một chút giọng và hiểu từ Bắc là do Chuột già giả vờ không hiểu khi mình nói từ và giọng Nam. Cũng nhờ vậy mà mình nói được 2 giọng: giọng Bắc khi ở nhà và giọng Nam khi ra đường – hơn hẳn Chuột già mặc dù Chuột già vào Sài gòn đã 30 năm nhưng không thể nói được giọng Nam.
Đây là lần thứ ba về quê – lần đầu về năm 2006 bằng tầu hỏa được ăn các loại rau nhà trồng ngoài ra còn vơ vét thêm 1 đống mang lên Hà nội. Lần thứ hai đi xe đò từ Hà nội cùng Chuột già về ăn giỗ tổ vào năm 2011, được thấy cảnh sương mù hơn cả London khi qua cầu Bính – cây cầu dây văng đầu tiên của miền Bắc. Vậy là mỗi lần về bằng một loại phương tiện khác nhau!
Chạy từ sân bay về ngang qua 1 khu nhà thấy xe công an chặn hết đường xung quanh, thắc mắc thì được ông dượng giải thích đang xử phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn.
Về đi qua một cây cầu có tên là cầu Đen bắc ngang qua con kênh. Thắc mắc hỏi tiếp thì được giải thích ngày xưa cây cầu này sơn đen nên được gọi như vậy, còn con kênh thì được gọi là đầm sông !? Đã đầm mà lại còn là sông???
 
F0: muốn hiểu kỹ thì đọc lại bài viết về truyền thuyết miếu Đông Hoa của Chuột già. Lười không chịu đọc, chưa đi làm đã muốn làm nhân viên già đời rồi ;-)
Mình cắc cớ hỏi tiếp: "thế có cầu Trắng không?"
Chuột già khẳng định luôn là có ở phía thượng nguồn của đầm sông. Mình nghi ngờ sự tự tin của Chuột già quá, nhưng mà buổi chiều Chuột già có chở đi và chỉ cho cái cầu có biển ghi là cầu Trắng thật. F0 còn kể chuyện, ngày xưa ông nội đưa bà nội về quê ra mắt mẹ chồng, qua cầu Đen, đường là đất sét đắp chưa trải đá nói gì đến nhựa, gặp trời mưa trơn trượt nên ông phải dắt bà đi; mấy đứa trẻ con ra nhìn rồi bảo nhau: "không mù mà phải dắt!"
Mình hỏi thế làm sao bố biết thì Chuột già trả lời tỉnh khô: thì lúc đó tôi được con cò quắp đang bay trên trời nên nhìn thấy cảnh này mà.
Hai ông chở hai cha con chạy thẳng vào quán ăn vì đã 1 giờ chiều.
Quán ăn tự nấu nằm ngay trong nhà,
có vườn rất thơ mộng
có cả cây mít với dàn quả bám chi chít,
có quả đã chín cây
Gia vị đủ cả: mắm tôm vắt chanh mầu sẫm, ớt đỏ tươi,
sả trắng phau, riềng vàng, lá mơ xanh thẫm
Bắt đầu món với món thịt chó và dồi chó luộc. Gia vị đủ cả mắm tôm vắt chanh mầu sẫm, ớt đỏ tươi, sả trắng phau và đặc biệt không thể thiếu – riềng với màu vàng đặc trưng, ngoài ra còn có lá mơ xanh thẫm. Lúc về nhà qua bụi cây ven đường, được ông dượng chỉ cho cây lá mơ. Chuột già cũng lần đầu nhìn thấy cây này. Vậy là mình không thua Chuột già kiến thức về cây này rồi ;-). Té ra là quả mơ không phải có từ cây này! Lại nhớ cảnh F0 đi ngoài đường muốn dọa con chó nào chạy ngang (kể cả chó ta lẫn chó tây – không hiểu tiếng Việt) toàn hô "riềng", thế mà chủ chó là tây lại tưởng Chuột già cưng chó nên cười toét miệng ;-).

Đi kèm với thịt chó thì đương nhiên phải có chai rượu tự nấu nút lá chuối! Ông chú rung đùi nhắm rượu và ngâm nga: "sống ở trên đời có miếng dồi chó, xuống dưới âm phủ biết có hay không". Nghe nói ngày xưa Chúa Chổm lúc xử kiện phải có miếng dồi chó nướng vắt tay ngai thì mới tỉnh táo khi phán xét. Đúng là miếng thịt chó luộc ở Việt Nam ngon hơn thịt chó Tiệp do ba mẹ đứa bạn mang sang London cho ăn thử. Không biết ngon do nguyên liệu hay chế biến ("công nghệ chế biến" theo từ Chuột già hay nói với thói quen nghề nghiệp). Còn miếng dồi thì hơn đứt món haggis của Scotland.
thịt chó nướng lá na rắc vừng
F0: haggis là món ăn của Scotland được làm từ các phần còn lại của con cừu sau khi lấy đi phần chính như đùi, sườn bằng cách nghiền mịn và nấu thành cục giống như pa tê. Chi tiết có thể xem trong bài viết của F0 – "Những ngày viếng thăm cái nôi của CNTB phần 3.2".

Tiếp theo là món thịt chó nướng lá na (mãng cầu ta) có rắc mè (vừng) chứ không phải là lá đa như Chuột già nói.
F0: ừ thì lá na. Tại già rồi nên lẫn, may mà chưa đến cảnh: cho tôi ăn rồi mà tôi than phiền với mọi người là nó (F1) chưa chịu nấu cho tôi ăn ;-)
trăm voi không được bát nước xáo

Vị của nó cũng rất độc đáo. Quay sang thì thấy cảnh Chuột già tuy nói mạnh miệng nhưng trợn mắt mũi cũng chỉ nuốt được 1 miếng thịt luộc + 1 miếng thịt nướng với sự hỗ trợ của ly rượu.
Món cuối là bát xáo, tức là các kiểu xương còn sót lại nấu canh với măng. Cũng nhờ món này mình mới hiểu câu tục ngữ "trăm voi không được bát nước xáo".

Sau bữa trưa muộn về nhà cất đồ là tour đi thăm thú các chùa đình. Như vậy xã mình có 3 làng: Giáp động, Phương Lăng và Bính động. Theo logic thì làng thứ hai phải là Ất động chứ? Mình có hỏi ông dượng thì ông có giải thích có nghe các cụ nói lại, ngày xưa có 1 ông nào đó có công lớn ở làng thứ hai nên làng nay được đổi tên là Phương Lăng (còn gọi là Huê).
Làng Bính động vừa có chùa vừa có đình. Phương Lăng cũng vậy mà làng mình – anh cả lại không có cái nào! :-/
Nghe kể lại ngày xưa làng nào cũng có đình chùa nhưng trải qua thời kỳ loạn lạc bị đốt phá hết chỉ còn mỗi chùa Bính tại làng em út. 7 ông Thành hoàng (4 ông của làng anh cả, 2 ông của làng giữa, 2 ông của làng út nhưng 1 ông bị đốt mất cả hình thể lẫn bài vị) bị phá mất "nhà" phải về ở nhờ chùa Bính. Vừa qua, sau khi đình làng Phương Lăng được xây xong thì 2 ông Thành hoàng được đón về nhà mới. Còn 4 ông Thành hoàng của làng cả cũng được di dời sang "tạm trú" tại đình Bính vào năm ngoái sau khi đình này xây xong.

diều sáo bự tổ trảng
Nghe nói dân làng Giáp tức khí đang vận động đóng góp xây đình mới để các ông có chỗ về không phải đi ở nhờ ;-). Ông dượng cũng có chỉ cho mình vị trí ngày xưa vốn là đình Giáp và chùa Giáp. Chùa của làng Giáp có tên là chùa Lỉnh??? (tên nghe chả hay chút nào, trong khi chùa làng Huê có tên là Vĩnh Bảo, chùa làng Bính là Linh Lâu).
Tuy nhiên làng mình hơn các làng kia là có miễu (miếu) thờ bà chúa Đông Hoa. Chuột già cũng có kể cho mình nghe sự tích về miễu này rồi.
Ghé thăm đình làng Phương Lăng được thấy cái diều sáo bự tổ trảng. Chả biết cỡ như mình mà giữ dây có bị kéo bay lên trời không? (còn Chuột già thì chắc chắn luôn!).

Chùa làng Phương Lăng to đẹp đang được xây mới lại trên một khuôn viên rộng rãi với biểu tượng lưỡng long chầu bình cam lộ chứ không phải lưỡng long chầu nguyệt.
F0: phương Bắc hình như là câu "lưỡng long tranh châu" còn phương Nam "lưỡng long chầu nguyệt" do phong tục theo mẫu hệ. Nhưng ở đây có lẽ là "lưỡng long tranh tửu bình"!

F1: gớm, bố nhìn đâu cũng thấy rượu!

Cây nhãn trĩu quả

F0: thì không uống được nữa và không được uống thì phải mơ tưởng cho đỡ thèm chứ

Dạo này Chuột già than là cứ uống 1 chút (bia rượu) là nổi mề đay (dị ứng) ngứa không chịu nổi. Càng đỡ tốn tiền hại sức khỏe, để tiền đấy dắt mình đi chơi còn hơn ;-)

Cây nhãn trĩu quả mà không ai hái chắc do câu nói "của chùa mất một đền mười". Lại nghe nói ở đền Bà chúa kho, đi vay bà thì "đầu năm vay một, cuối năm trả mười". Như vậy lãi suất 1.000 % trong một năm còn hơn tín dụng đen ngoài xã hội. Chắc chỉ xin lộc rơi lộc vãi của bà thôi. Ơ, nhưng Bà quản lý để rơi vãi vậy không biết có bị quy vào tội "thiếu trách nhiệm để hao hụt tài sản" không nhỉ?

làm quân tốt trên bàn cờ
Về qua đình làng Bính mới xây, nguyện làm quân tốt trên bàn cờ thế sự

Chùa Bính cổ kính thế mà bị đập đi xây lại. Đúng là ở Việt Nam, từ xưa đến giờ, khi trùng tu di tích theo quan điểm làm sao cho to và hoành tráng hơn chứ không cần bảo tồn cái cũ! May quá, còn cái hình chụp chùa cũ từ lần về trước
Chiều sang nhà thờ tổ thắp hương khấn vái, báo cáo kết quả học tập với các cụ.

Chuột già nhắc nhớ hóa vàng cả bản photo bằng của bà nội lẫn của Chuột già cho các cụ được rõ chứ sợ báo cáo lần trước đã lâu, mà các cụ già cả rồi lại quên mất.

Mình thắc mắc:
-Làm sao các cụ biết đọc chữ bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh lẫn chữ quốc ngữ?
-Ừm, bây giờ khắp nơi có dịch vụ. Chắc dưới đó cũng có dịch vụ phiên dịch. Chịu khó hóa thêm ít đô la âm phủ và vàng âm phủ để các cụ thuê dịch vụ cao cấp xịn, mà đám dịch vụ đó có khi là người nước khác lại không chịu lấy tiền âm phủ nội tệ!

Mình vẫn thắc mắc tại sao Chuột già thuộc loại vô thần mà chịu làm mấy việc này.
Chuột già giải thích: tôi là loại vô thần nhất trong những kẻ vô thần, tuy nhiên muốn hòa đồng với mọi người thì phải làm những điều mọi người tin.

Nhà thờ tổ tuy mới được xây có mấy năm mà đã rêu phong cổ kính. Có kẻ mơ màng trong cảnh cổ xưa.

6 comments:

  1. Mời cả nhà theo gót chân bố con anh HTC về quê thắp hương khấn vái, "báo cáo kết quả học tập với các cụ" và thưởng thức các món dồi chó, chó nướng,... (Họ ăn, còn chúng ta, độc giả thì "chầu mồm" qua ảnh và qua ngòi bút của cô bé ký giả trẻ này.)

    BTW, nhãn quê nhà anh thì không thể bằng nhãn lồng Hưng Yên quê nội Hải rồi...

    ReplyDelete
  2. Thịt chó mà nướng lá đa ...
    Ăn vào sướng quá ... Chém cha sự đời :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế chốt lại là thịt chó nướng lá đa hay lá na đây?

      Delete
    2. Lá na lá na ....
      Chết thật lại "cậu đánh máy" đánh nhầm thành ... Lá đa :-)

      Delete
  3. Đọc bài viết của cô bé này về... thịt chó, mới thấy sức sống mãnh liệt của "văn hóa ẩm thực". Giới trẻ sau này có lẽ sẽ bớt ăn thịt chó, nhưng "thử một lần cho biết" là tâm lý chung... mà ai cũng muốn.
    Đặc biệt lá "mơ" đây là lá "mơ lông", một loại lá mà ngang với riềng khi nhắc đến thịt chó. Đã có "đệ tử" ước ao:

    Anh chỉ ước một thảo nguyên đầy chó
    Một nông trường bát ngát lá mơ xanh
    Một dãy Trường Sơn trồng đầy xả, ớt...

    Thịt chó đã đi vào thơ ca, nhất là miền Bắc, thịt chó (hay thịt Cầy) được một bộ phận dân cư đặc biệt ưa chuộng. Đến mỗi dịp cuối tháng, cuối năm thì không phải dễ kiếm thịt chó để ăn, nếu không đến sớm thì chỉ có cơ hội nhìn tấm biển nhà hàng thịt chó mà thôi.

    Thịt chó thường đi liền với húng chó, giềng, sả, lá mơ... nhưng đặc biệt nhất vẫn là mắm tôm vì nếu thiếu mắm tôm thì thịt chó mất ngon một nửa. Cho chút chanh, ớt vào rồi đánh đều lên, mùi thơm xộc lên làm bạn không thể chờ đợi thêm nữa. Rót rượu, rót rượu !!!

    Bắt đầu có lẽ nên là món nướng và dồi. Món này phải ăn ngay khi còn nóng để nguội ngắt rồi thì chẳng còn là dân sành ăn thịt chó. Một đĩa thịt thái mỏng chừng hai đến ba đốt ngón tay được dọn ra hương thơm thoang thoảng của thịt nướng, dồi còn nóng hổi dâng lên mũi. Khoan hãy gắp vào bát vội mà hãy lấy một lát riềng thái mỏng, vài lá mơ bỏ vào bát sau đó kẹp với miếng thịt và chấm nhẹ vào bát mắm tôm. Miếng thịt nướng thơm lừng có chút vị cay nồng nồng của giềng và vị hơi chát của lá mơ đệm thêm vị mặn của mắm tôm có pha chút chua của chanh, hương thơm của xả, men của rượu và cay của ớt thấm dần trong miệng...

    Món thịt hấp và món xào lăn được gọi ngay khi món nướng đã vơi vơi. Từng miếng thịt nạc được bao quanh một miếng da mỏng đều tăm tắp mười miếng như một, mười đĩa như một cũng sẽ hết nhanh như món nướng. Món xào lăn thì đậm đà, thơm nức...

    Nói về cái món rựa mận (mình thích nhất món này) vừa ngậy vừa thơm ăn với bánh đa tráng mè giòn tan. Bẻ vài mẩu bánh đa, thứ bánh làm từ bột gạo nướng vàng phồng rộm thơm lừng này xúc với rựa mận. Rựa mận được nấu nhừ nghi ngút khói mà xúc với bánh đa, ăn lúc tiết trời hơi lạnh của Hà Nội thì thật không biết tả bằng từ ngữ nào cho chính xác.

    Cuối cùng là bát xáo măng ăn với bún. Vị ngọt của nước xáo, vị giòn tan của măng có sự hòa hợp thú vị đến lạ lùng. Đây cùng là lúc buổi nhậu sắp tàn, men rượu đã lên cao.

    Phát hiện ra tại sao người ta thích ăn thịt chó: vì ăn thịt chó (ở VN) là lúc con người ta sống thật nhất và không bị phân biệt giai tầng!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Wow viết hay quá! Anh Thành tả món thịt chó hấp dẫn thế này thì...

      Vậy mà có người cả đời chưa lần nào thưởng thức món này thì cũng lạ.

      May ra lần sau về Hải rủ được bà chị họ phá giới một lần nhỉ ;)

      Delete