Saturday, October 27, 2012

Con trai và con gái 10I

Đào Thanh Thủy


Khi còn đi học
Các lớp chuyên toán thường ít con gái, lớp mình cũng không ngoại lệ. 8I có 6 bạn gái, lên 9I, 10I chỉ còn có 4. Lớp mình khi đó có đặc biệt là các bạn trai và gái hầu như ít nói chuyện, ít trao đổi với nhau. Đã thế còn không ngồi cạnh nhau, không chung tổ và nói chung là thành hai thế giới riêng. Chả hiểu sao lại như vậy. Mọi việc liên quan đến nhau giữa con trai và con gái thường thông qua nhà "nữ ngoại giao" Phương Liên. Hình như các lớp chuyên toán năm trên và năm dưới lớp mình không như thế.

Nhớ lại mỗi giờ ra chơi, nhìn bọn con gái lớp bên chơi nhảy dây, nô đùa vô tư sao mình thèm thế. Phái mình trong lớp ít quá, mà lúc nào cũng lo học, bao nhiêu môn phải học, nhất là toán thì khó, còn nhiều bài chưa làm xong, chưa giải được… Mình lúc nào cũng cảm thấy học đuối trong lớp, nhất là toán. Mình nhớ có lần mình định xin chuyển sang lớp 9E, bên đó có mấy bạn quen cũ. Thế nào mà thầy Khải lại biết, thầy gặp mình hỏi chuyện và khuyên nên ở lại lớp I, rồi thầy sẽ giúp để các em cùng nhau học tốt. Thưa thầy, em mãi mãi biết ơn thầy, vì nhiều điều thầy đã dạy dỗ em, và trong đó có lời khuyên em ở lại với 9I. Có lẽ điều này chỉ có thầy Khải và mình biết. Nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ đến lớp mình, lớp 10I, mình vẫn thấy tự hào và yêu mến vô cùng.
Hồi lớp 8, nhiều lần trong giờ sinh hoạt lớp thầy có nhắc nhở việc con gái, con trai. Mình nhớ có lần thầy bảo "khi các em mua vé vào rạp xem phim, các em có hỏi người bán vé xem bên cạnh là trai hay gái không?". Khi bọn mình lớn hơn một chút, hình như thầy không nhắc nhở gì nữa. Mình nhớ khi đó thấy các bạn trai học giỏi, vui vẻ, mình muốn làm thân lắm, muốn hỏi bài và điều đơn giản là muốn chơi một cách vô tư như hồi còn bé. Hồi bé đó mình nhiều bạn hơn và ít phân biệt giới. Nhưng vào lớp I này tự nhiên mình trở nên nhút nhát, ít nói và còn có vẻ hiền lành nữa. Chả hiểu sao lại thế.

Chia tay 10I
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này.
Hãy có ước muốn mong thời gian trở lại. . .
Loáng một cái, năm học cuối cùng đã đến. Cả ba năm cùng học, bọn mình ít nói chuyện, ít chơi với nhau, thế mà ngày chia tay sao lại lưu luyến thế. Mình nhớ bọn mình còn viết lưu bút cho nhau, chỉ tiếc là mình đã đánh mất cái quyển sổ bé tý quý giá đó rồi. Hình như qua mấy cái chữ lưu bút đó, tụi con trai con gái lớp mình trở nên như thân quen lâu lắm rồi. Mãi tận lúc chia tay mới thấy luyến tiếc những năm tháng cùng học đã qua.

Rồi trong lớp có mấy bạn đi bộ đội, đó là Việt Hà, Hoà Bình, Phan. Mình còn nhớ, khi biết tin đó bọn con gái rủ nhau đến nhà từng bạn thăm hỏi, nói chuyện, ra tận nơi tập trung để chia tay. Tuy chả biết nói với nhau điều gì, nhưng lòng mình xúc động lắm, hình như còn muốn khóc nữa, cứ như là "nghĩa tử là nghĩa tận" không bằng, năm đó chiến tranh vẫn còn đang ác liệt lắm. Nghĩ lại thấy buồn cười, vì ngay sau đó các bạn có ra mặt trận đâu, lại được chuyển vào học tại các trường quân sự. Hồi đó mình còn viết thư trao đổi với các bạn đi bộ đội nữa, hình như với Hoà Bình thì phải.
Chia tay 10I, mình sang Liên Xô học. Mỗi khi có dịp gặp lại bạn cũ 10I, mình vui lắm. Mình nhớ bên đó còn có dịp gặp lại Phan, đi chơi thuyền với Ngọc, Việt Hà, Gia Bình, Thuận. Mà sao nói chuyện vui vẻ, tự nhiên lắm.
Những năm gần đây, 10I có nhiều dịp gặp lại nhau. Thường là dịp 20/11. Bọn mình cùng nhau thăm thầy Khải, hàn huyên mọi chuyện, ôn lại kỷ niệm cũ, kể chuyện mới, gia đình, công việc…Lúc nào có dịp 10I hẹn gặp nhau là mình đi luôn, mình rất mong ngồi với các bạn cũ, nói chuyện, nhìn những khuôn mặt thân quen và yêu mến. Còn những kỷ niệm gì giữa con trai và con gái 10I nữa nhỉ? Chắc là nhiều lắm. Các bạn bổ sung thêm cho mình nhé.

Trần Phương Liên - Người Thầy của tôi

Trong mấy đứa con gái 8I chỉ có Hường là giỏi nhất, nhưng nhà lại ở xa.
Tôi và chị tôi cũng cùng học chuyên toán, nhưng ở hai lớp khác nhau. Tôi về kể cho cả nhà nghe về thầy Khải, còn chị tôi thì nói về thầy Vinh, lớp anh Đỗ Bá Khang.
Trong lớp, bọn con gái và con trai rất ít khi nói chuyện với nhau. Bọn con trai học rất giỏi, mê đá bóng. Bọn con gái chỉ có 6 đứa chúng tôi hồi 8I, đến 9I còn có 4 đứa. Mỗi người một cảnh nhưng luôn thân thiết chia xẻ lẫn nhau.

Trần Phương Liên - Các bạn lớp tôi

Phòng học lớp 8 của bọn tôi ở tại Phòng thí nghiệm của trường. Lớp chưa đến 30 người, mà dễ đến gần một nửa là từ lớp 7D Dịch Vọng chuyển lên. Bọn con gái hồi đó có tôi, Duyên, Cẩm Liên, Thuỷ, Hường và Nga. Bích Mai cũng có trong danh sách nhưng không hiểu sao lại không học cùng. Lớp chuyên toán nào cũng vậy mà, con gái rất ít. Lên lớp 9 chỉ còn lại tôi, Duyên, Thuỷ, Hường. Trong mấy đứa, Hường học giỏi nhất. Bài vở bạn làm rất nhanh, không phải cố gắng là mấy. Tôi rất khâm phục bạn. Hường còn có cả một kho hiểu biết về các diễn viên nhà hát kịch nói đương thời, các vở đang được trình diễn. Cách nói chuyện lôi cuốn, hấp dẫn của Hường làm bọn tôi thấy thú vị. Thỉnh thoảng Hường rủ bọn tôi đi xem kịch, xem phim ở rạp Công nhân miễn phí bằng cách vào cửa sau. Bản nhạc Polone là một trong những phim tôi còn nhớ. Thế giới âm nhạc du dương làm bọn tôi ngây ngất. Tôi cứ tự hỏi mãi không biết sau này Hường sẽ làm nghề gì?
Gia đình Duyên có lẽ là khó khăn hơn cả trong mấy đứa bọn tôi. Bạn vừa đi học, vừa làm thêm tại nhà. Duyên khâu gáy sách rất nhanh và khéo. Nhẹ nhàng, dịu dàng, duyên dáng với hai bím tóc dài, Duyên thoăn thoát đi lại trong nhà, dọc theo lối nhỏ tối om sâu dễ đến cả hai chục mét mới đến bếp. Tôi và Duyên thường truy bài với nhau, chăm chỉ khủng khiếp. Tôi không chỉ tập khâu gáy sách ở nhà Duyên mà còn tập tô tranh ở nhà Thuỷ. Thuỷ tô tranh rất khéo, không bị nhoè bao giờ. Chỉ có tôi là hay làm hỏng. Lần nào đến tôi cũng nói chuyện rủ rỉ với cả mẹ Thuỷ, mẹ Duyên. Tôi rất thèm không khí gia đình ấy. Bố mẹ tôi vốn là bộ đội, ngày nào cũng làm việc trên 14 tiếng, lại những đợt đi B công tác dài ngày. Chiến tranh mà.
Nhà Nga ở gần trường nhất. Năm lớp 8 bọn tôi còn có tiết nữ công. Mỗi lần thực hành cả bọn lại tụ tập ở nhà Nga chuẩn bị nấu nướng khâu vá. Cô dạy nữ công chính là cô dạy Lịch sử của bọn tôi năm ấy. Tuy vậy bọn con gái 10I không biết có học giỏi không nhưng vẫn vụng về nhất.
Không thể có lời nào nói hết được nhiệt tình ham mê đá bóng của bọn con trai: tranh thủ từng giây, từng phút, hò hét, tranh dành... Và nhất là khi đội bóng của lớp mà thắng cuộc thì vui ra trò. Không hiểu sao trong lớp nhiều người tài thế mà thầy lại chọn tôi làm cán sự văn nghệ. Thật ra có lẽ lớp chỉ cần cán sự thể thao là đủ. Hát giữa giờ, hội diễn văn nghệ hàng năm cũng không khuấy lên được phong trào ca hát của lớp. Biết vậy nên thầy chắc cũng thông cảm. Có lần Trường dựng hợp xướng "Tổ quốc tôi" rất quy mô, nhiều bè trầm bổng, lớp nào cũng phải có nam nữ tham gia. Vốn ít nữ nên hầu hết nữ ở lớp tôi phải tham gia. Còn các bạn nam thì được thầy phân công thay phiên nhau. Vui thật. Tôi không biết đến phiên mình thì các bạn ấy vào bè trầm hay bè bổng nữa. Nhưng tiết mục hợp xướng "Tổ quốc tôi" vẫn được giải nhất đấy.
Hồi phổ thông bọn con trai và con gái không thích nói chuyện với nhau. Tôi rất ghét bọn con trai cùng lớp, luôn đầu têu những vụ giật tóc, bôi mực lên quần áo, nhét cóc nhái vào cặp sách, ăn trộm thước kẻ, bút chì... Tức nhất là càng bực mình, ức đến phát khóc lên lại càng hay bị vây quanh hò reo thêm. Ba năm cấp 3 là tôi gặp may nhất. Nếu có phải nói thì chỉ phải nói với lớp trưởng- Ngọc- về những việc hàng ngày trong lớp là nhiều nhất. Tuy hay lầu bầu, nhưng bạn rất nhiệt tình trong mọi việc, ý kiến thường đúng mực và xác đáng. Chỉ đến cuối năm lớp 10, Hà Quan Long đưa bọn tôi đến phù đạo cho con thầy dạy Nga Văn, cả bọn mới tự hỏi, tại sao trước đây bọn mình không thân thiết hơn được nhỉ? Có lẽ đấy là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Long sau 3 năm học... Những ký ức nho nhỏ còn lưu lại trong trí nhớ của tôi như: Gia Bình Việt Hà học giỏi cả toán và văn, Khôi hiền và cao nhất lớp, Long có dáng đi quân sự chuẩn nhất, Hải thủ gôn giỏi nhất, QAnh người ít nói nhất, Hoà Bình đẹp trai nhất ... rồi có lần tôi cùng chú tôi đi mãi mới tìm được nhà Diệp ở khu tập thể bờ sông để thông báo một tin khẩn; có lần buổi tối, Nội qua nhà, bọn tôi đang chơi bóng bàn bên số 1 Lý Nam Đế, rủ bạn ở lại cùng chơi nhưng bạn lại bận; rồi buổi cả tốp hăm hở cùng thầy đi tiền trạm nơi sơ tán...


Bùi Quang Ngọc - Chuyện lớp tôi 

Các bạn nữ
Hồi lớp 8I có 6 bạn nữ, bốn bạn học đến lớp 10, còn Việt Nga và Cẩm Liên chỉ học hết lớp 8. Vì thế mà tôi có rất ít kỷ niệm về hai bạn này. Gần đây Việt Nga hay tụ tập với 10I, tốt quá vì lớp ta vốn ít nữ.
Phương Liên là tổ trưởng tổ một, chỉ gồm bốn bạn nữ. Liên chững trạc hơn các bạn khác nên còn được tín nhiệm làm quản ca, những lần trường tổ chức tập hát đồng ca, Liên đến khổ sở để ra sân bóng gọi bọn con trai chúng tôi vào. Có lần tại phòng hội đồng nhà trường, chúng tôi mồ hôi nhễ nhại, quần áo xộc xệch đi vào đứng một góc, chắc là thảm hại lắm nên chưa kịp ổn định chỗ đứng đã bị các thầy cô cười ngặt nghẽo, còn chúng tôi ngượng chỉ muốn chui xuống đất. Liên cũng là liên lạc viên của các bạn nữ với bọn con trai. Là con bộ đội nên suốt mấy năm ấy, lúc nào tôi cũng thấy Liên đi đôi dép cao su đen (chắc là cháu ngoan Bác Hồ?). Ngày ấy chúng tôi còn bé, chưa phát triển đầy đủ nên chẳng ai chơi thân với các bạn nữ. Sau này lên đại học, Liên học cùng trường Tổng hợp Kisinhốp với tôi, chúng tôi chơi thân hơn. Liên có cái máy ảnh Kiep, tôi rất hay mượn. Mỗi lần Thủy từ Ôđetxa lên tôi vẫn rủ Liên ăn cơm cùng hoặc đi chơi. Môi trường đại học đông các sinh viên nữ hơn nên cá nhân tôi đối với Thủy hay Liên khác hồi phổ thông nhiều, nói chuyện nhiều hơn.
Duyên, cũng như Liên, cùng học với tôi lớp 7D ở Dịch Vọng, nhưng chẳng vì thế mà chúng tôi mấy khi nói chuyện với nhau. Duyên nhỏ người, hiền lành nhất trong các bạn nữ. Gần đây hội 7D hay gặp nhau, tôi mới có dịp nói chuyện nhiều hơn với Duyên. Mà chủ yếu là trêu bạn ấy vì Duyên khá ngây thơ không hiểu nhanh các chuyện tiếu lâm, hoặc tôi kể lại chuyện của người trước theo một cách khác, Duyên càng ngơ ngác. Có điều bây giờ Duyên trông xinh hơn hồi phổ thông nhiều.
Thủy có bố làm cùng cơ quan với ông ngoại tôi nên đôi khi tôi có hỏi chuyện bạn ấy. Thủy tươi cười với bọn con trai chúng tôi hơn mấy bạn nữ khác. Nhớ nhất có lẽ là việc gán ghép Thủy và Mạnh Sơn, chúng tôi vẫn hay hét tướng lên: "Sơn Thủy hữu tình", xem ra hai bạn ấy cũng chẳng phản đối gì. Sau này sang học Liên Xô tôi thấy Thủy rất dễ nói chuyện. Tôi nhớ Thủy hay kể chuyện về Hường, hay nhận được thư của Hường và phục Hường học tập lắm. HHHThủy học trường Thủy văn Ôđetxa, khá gần Kisinhốp nên Thủy hay lên thăm bạn bè (Thủy học dự bị ở Kisinhốp). Tôi hay rủ cả Liên đi chơi cùng, đi bơi thuyền hoặc mời cơm các bạn ấy khá thịnh soạn (chả gì cũng bạn phổ thông chuyên Toán). Có bận rủ cả Thủy, Liên và Nguyệt vợ tôi (dĩ nhiên khi ấy mới là người yêu thôi) ra chỗ năm khẩu súng trường chụp ảnh, bây giờ tôi còn ối ảnh khi ấy. Hè năm thứ tư tôi rủ Nguyệt xuống Ôđetxa thăm Thủy và một chị tên là Châu hàng xóm nhà ông bà ngoại tôi học cùng trường với Thủy. Thủy và chị Châu phải dậy sớm xếp hàng mua thịt để đón tôi (cả Ôđetxa có một cửa hàng bán thịt lợn, còn toàn là cá mà thôi). Tôi được Thủy và chị Châu mời xem nhà hát Opera Ôđetxa, kể rằng đẹp thứ ba gì đó ở châu Âu, nhưng tôi thấy còn kém Nhà hát lớn của ta. Mấy ngày ở Ôđetxa tôi được đón tiếp đặc biệt, vợ tôi góp ý: "Anh ỷ lại mọi người qúy anh chẳng chịu làm gì cả!" (ý nói chẳng nấu cơm, rửa bát,…). Nghĩ mà buồn cười, có bạn nữ phổ thông, có bà chị hàng xóm, có người yêu ở đấy, mình con trai còn phải làm gì nữa?
Hường học giỏi nhất trong các bạn nữ, cũng là bạn cao nhất (Liên và Duyên thì hơi bị thấp). Sau này Hường nói nhiều, nói như máy khâu, có Hường câu chuyện vui lên rất nhiều, còn hồi Chu Văn An nam nữ cách trở, "nam nữ thụ thụ bất thân", có thấy nói gì đâu. Tôi nhớ bố Hường, bác Bắc, hồi đó làm cán bộ to trong các bậc phụ huynh, đã giúp đỡ lớp rất nhiều bằng việc cho mượn ôtô cơ quan chở giúp đồ cho chúng tôi đi sơ tán. Mà có khi cũng vì việc này tôi mới biết bố Hường là cán bộ to. Gần đây đi đâu cũng mang cô con gái đi cùng, chẳng hiểu có phải con gái rượu hay bia gì không. Hường bây giờ cũng làm Tin học, cùng nghề với tôi, nên đôi khi nói chuyện với Hường cũng là chuyện Tin học, chuyện nghề nghiệp. Gần đây hình như còn mò lên Thái Nguyên dậy bọn trẻ miền núi làm Tin học, đến mức hôm tân gia nhà Viết Thái cũng không dự được. Hỏi bài viết cho lớp thì lúc nào cũng kêu bận lắm, bận lắm. May mà cuối cùng cũng có bài nộp, nếu không tôi chẳng để Hường yên thân đâu.

Nguyễn Thúy Hường - Một thời "Chuyên Toán"

Thời ấy, cả lớp chuyên toán có 4 nữ: Hường (tôi), Thủy, Duyên và Liên, còn lại toàn là các bạn nam (gọi là lớp chuyên toán của Sở giáo dục Hà Nội, nương nhờ tại trường Chu Văn An). Người ta thường đùa "Chuyên toán là Chuyên tán", nhưng thực ra chúng tôi lại chẳng biết tán… Nhà xa nơi học, ngày ngày tôi đi tàu điện hoặc đạp xe đến lớp. Có lần, tôi đi tàu, nhưng vì sợ muộn học nên đã không xuống đúng bến, chờ tàu đến đúng cổng trường mới nhảy tàu… Tôi đã ngã tàu, chân chạm vào bánh tàu mà may chẳng sao cả. Hú hồn!!. Cả lớp phần lớn là con trai - một lũ nghịch như quỷ - đá bóng suốt ngày – mồ hôi, mồ kê, trông thật là nhếch nhác!!. Chúng tôi – 4 cô bé con (may ra Phương Liên trông thiếu nữ nhất) thật là lép vé trong cái lớp toàn là con trai ấy. Trong sân trường, luôn luôn đứng ở cuối hàng và phải nghe toàn những lời châm chọc của các cậu học sinh lớp bên cạnh. Thâm chí, có lúc họ còn chỉ tay vào tận người chúng tôi và nói " Lớn lên, không bao giờ thèm lấy bọn con gái Chuyên toán…". Chắc họ nghĩ rằng, chúng tôi chỉ biết học mà thôi….
...
Nói chung, suốt các năm phổ thông, tôi chẳng chơi với các bạn trai cùng lớp – lũ trẻ con - nghịch như quỷ sứ. Rồi những lần tập quân sự tại sân trường, ra sức bước 1, 2 theo lớp trưởng Ngọc – so vai, rụt cổ - rất buồn cười. Dạo ấy, chúng tôi được vào Đoàn cũng muôn – nhớ mãi bí thư chi Đoàn Thái??. Có lần tôi đã định xin thôi cái lớp "bất thường" đó để về đi học gần nhà cùng các bạn hàng xóm của tôi. Họ và tôi đã rất vui mừng, nhưng không hiểu sao tôi lại vẫn tiếp tục học, không thể rời xa nó… Rồi ngày ra trường cũng đến. Tôi nhớ mãi, chẳng thể quên lần đầu tiên lũ con gái chúng tôi được cử đi mua hoa cho buổi liên hoan chia tay ấy. Chúng tôi đã khăng khăng chọn mua những bông hoa sen nở rộ, vì cứ thắc mắc "Tại sao người ta lại mua những bông hoa chưa nở nhỉ????". Thật là một bài học không thể quên trong đời… Ngày liên hoan, lũ con trai tinh nghịch ném những mảnh giấy vụn vào trong…
    Năm tháng qua đi, tôi cũng đã lấy chồng (cũng có người lấy, chứ chẳng như lời châm chọc của các cậu bạn ngày xưa..). Ông chồng tôi vẫn bảo tôi "cô bé con chăm học", không tức giân khi tôi say làm mà quên cả thổi cơm.
Thấm thoắt đã 30 năm, kể từ ngày ra trường thời ấy, có lễ vẫn đọng lại trong tôi một tính cách chuyên toán ngày xưa "Cứng đầu trước khó khăn, trung thực và say sưa trong công việc và làm cho bằng được những điều mình thích"

Đỗ Thị Ngọc Duyên - Nhớ những ngày đi sơ tán

Năm 1972, Giặc Mỹ ném bom miền Bắc rất ác liệt, chúng tôi cùng nhà trường đi sơ tán về một vùng quê của tỉnh Hà Tây. Bốn đứa con gái chúng tôi cùng ở một nhà ngay đầu làng. Trong nhà chỉ có một bà mẹ và một chị con dâu, nhà toàn đàn bà nên đêm nào cũng sợ trộm. Tôi nhớ có một lần tôi tỉnh giấc, thấy bà chủ nhà kêu có trộm, nghe tiếng động ngoài sân, nghe cả tiếng gà kêu mà không ai dám dậy cả. Bà chủ nhà ra kiểm tra then cài chốt lại thật cẩn thận rồi ở trong nhà mới dám kêu la cùng hàng xóm là có trộm.
...
Tôi nhớ lại ngày cuối ở lại nơi sơ tán chắc do quân Mỹ ném bom ác liệt quá nhà trường có lệnh cho tạm nghỉ học giải tán hết, học sinh về gia đinh. Liên có xe của gia đình đón, tôi, Thuỷ và Hường cùng đi bộ, được một quãng Hường cũng có xe đến đón còn lại tôi và Thuỷ cuốc bộ. Tôi không nhớ rõ lúc đó là khoảng thời gian nào nhưng trong kí ức của tôi luôn hiện lên cảnh 2 đứa lôi thôi, lếch thếch, mỏi rã rời đi trong màn đêm mờ mờ tối, càng đi càng mệt., vừa đi vừa đếm từng cây số, nhiều lúc mệt tưởng không lê nổi chân nữa. Đi bộ khoảng 20-30km mà tưởng đến hàng trăm km, cứ nghĩ không về đến nhà được rồi cuối cùng cũng lê được đến nhà. Thật gian khổ.


Lê Viết Thái - Cuốn phim hồi ức

Nửa học nửa chơi
Nửa học nửa chơi là tập quân sự, văn nghệ và làm lao động. Phải đi bắt buộc coi như nửa học, chẳng phải học gì coi như là chơi.
Tập quân sự thì nhớ nhất là Ngọc bầu. Súng ống cóc có, vai đeo toòng teng một cây gậy, tay vung có vẻ oai phong lắm, song dáng thì rụt cổ, lừng gù. Con trai thì quen thuộc với cái dáng rụt cổ, lưng gù của Ngọc bầu trên sân bóng còn lũ con gái thì mới được chiêm ngưỡng nên cứ chỉ trỏ, cười thầm (chắc cũng vì sợ lớp trưởng đôi chút).
...

Lê Viết Thái - Ba trong một 

Những đứa con tinh nghịch
Không chỉ đối với các thầy cô, đối với bạn bè, lũ chúng tôi còn tinh nghịch với cả những người đi đường không quen biết. Đã bao lần, sau khi bị những người nghiêm túc nhắc nhở không được đi xe đạp hàng 3 thì ngay lập tức, người nghiêm túc đó bị "ép" ngay vì cả lũ biến ngay từ hàng 3, hàng 4 thành hàng 1 với chiều dài vài chục mét. Ông kia có muốn rẽ trái thì chỉ có một nước là xuống xe chờ bọn quỷ này đi hết mới qua đường được. Bích "bánh mỳ" (lớp 10 I của Đỗ Bá Khang) luôn bị hội "Khu Hai Bà" (hồi đó là "Khu" chứ không phải là quận đấy nhé, nghe đã chưa?) lớp mình chèn xe trên đường, cáu mà chẳng làm gì được. Và cũng "hiệp sỹ" ra phết. Sau khi đi "tiền trạm", tìm chỗ sơ tán ở Kim An, trên đường về, Phương Liên bị một tên thanh niên "tán tỉnh" (có lẽ vì ở chỗ gò Đống Đa thời đó hiếm khi có một cô gái xinh như vậy đi ngang). Số thằng này "đen thui", không biết rằng có 2 hiệp sỹ đi sau nàng. Hải "dớ" (lúc đó chưa bị đổi tên thành Hải "dóng" hay đổi dấu thành "Hãi") ra hiệu cho tôi rồi hai thằng phi lên "tiu" cho tên kia một trận, cứu được nàng. Số Hải "dớ" sau đó cũng đen thui như tên kia. Tưởng nàng công chúa sau khi được cứu sẽ ban thưởng, có khi chấp nhận lời cầu hôn, song nàng lại đi mách vua cha là Thầy Khải, cậu ta bị mắng một trận. Thế là toi công. Tôi thì được cái "đạo đức giả", mặt trông không "hầm hố" lắm, có ai mách là tham gia đánh nhau thì có lẽ Thầy không tin (với lại thằng ấy là bí thư chi đoàn thì chắc là nó không đánh nhau. Thế là thoát chết. (cũng nhờ ơn Hải can trường, không khai cán bộ nằm trong đống rơm nên tôi vẫn là trò ngoan).


Đào Thanh Thủy - 10I ở nước ngoài

Kishinhốp, thủ đô của nước Mônđavi (nay là Mônđôva), là một thành phố nhỏ bé, nằm ở phía tây nam Liên Xô, sát biên giới Rumani đã đón 4 bạn 10I Chu Văn An đến học. Ngọc sang học thẳng khoa Toán, còn Lâm, Liên và Thủy học dự bị tiếng Nga. Hồi đấy tôi vẫn gặp các bạn trai lớp mình như Lâm, Ngọc luôn, nhưng chẳng hiểu sao cái phong cách "kiểu 10I" vẫn làm cho tôi không dám thân thiện với các bạn ấy. Mặc dù lên đại học tôi đã mau mồm mau miệng hơn nhiều hồi phổ thông, với các bạn trai mới quen tôi đã mạnh dạn nói chuyện nhưng chỉ với mấy người bạn trai cũ 10I thì lại ít trao đổi nhất. Nghĩ lại thấy buồn cười quá.
Cuối năm học đầu tiên, hè 1975, Ngọc và tôi còn được nhà trường cho đi nghỉ mát ở một nhà nghỉ, ở đấy tôi bắt đầu thân với Ngọc hơn. Sau đó tôi chia tay Kishinhốp đi thành phố cảng Ôđetxa học. Và từ đó tôi hay viết thư trao đổi với Ngọc, bạn còn gửi cho tôi nhiều ảnh đến nay tôi vẫn còn giữ. Có lẽ lúc đó tôi ít nhạy cảm, chả biết "rung động" là gì, chỉ lo học nên chưa dám nghĩ đến một điều gì lớn hơn tình bạn bè. Cũng kể thêm với các bạn là cùng trường với tôi còn có một chị chơi thân với Ngọc từ ở nhà, đó là chị Châu. Chính vì vậy có lần Ngọc đã đến Ôđetxa chơi thăm chị Châu và tôi. Chúng tôi đã cùng nhau tham quan thành phố Cảng, thăm Nhà hát Opera và còn chụp ảnh trong nhà hát. Đó là một nhà hát cổ kính rất đẹp, cái ảnh chụp hôm đó đến bây giờ tôi vẫn còn giữ. Sau này Ngọc có Nguyệt, tức là vợ bạn ấy bây giờ, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gửi thư thăm nhau, nhưng ít hơn. Khi sắp về nước, Ngọc còn mua hộ tôi một cái xe đạp Sport, đóng gói gọn gàng, tôi chỉ việc xách mang về nước. Hồi đó cái xe đạp là tài sản đáng giá của tất cả lưu học sinh ở Liên Xô khi về nước, nhưng rất khó mua. Nếu Ngọc không mua hộ, chắc chắn tôi không thể mua được rồi. Đúng là lớp trưởng 10I tuyệt vời, sắp về nước vẫn còn lo giúp cho bạn cũ cùng lớp.
Trong năm học thì ai cũng lo học, nhất là bọn con gái chúng tôi, cũng chỉ thỉnh thoảng viết thư thăm hỏi nhau thôi. Đến kỳ nghỉ hè, nghỉ đông được nhà trường cho đi chơi tham quan, nghỉ mát ở các thành phố khác là một dịp may để chúng tôi, những đứa bạn cũ 10I, có điều kiện được gặp nhau hàn huyên. Hình như ra nước ngoài bạn bè ít hơn trong nước, tuổi còn trẻ nên nhu cầu tình cảm nhiều, mỗi khi có thư bạn bè 10I, gặp lại các bạn 10I tôi vui lắm. Trong các bạn nam lớp mình hồi ở Liên Xô, ngoài bạn Ngọc tôi còn giữ lại nhiều kỷ niệm với Việt Hà.
Hè năm 1977, khi tôi đang thực tập ở Kiép, Ngọc và Hà có dịp đi tàu qua thành phố đó. Các bạn đã báo cho tôi ra gặp và nói chuyện ở sân ga, khi tàu hỏa đi từ Kishinhốp đến Matskva. Tôi còn nhớ hai bạn đã cho tôi một túi hoa quả to, quà của Mônđavi. Tôi chả nhớ đã tán những chuyện gì, chỉ biết rất vui, cười nhiều và loáng một cái tàu đã chạy. Chiều hôm nay, sau ngày hôm đó 26 năm, tôi đọc hồi ký của Việt Hà có đoạn kể về tình yêu thời học trò, trong đó có cô.T. "bị" yêu nhiều nhất, tự nhiên tôi đoán có lẽ cô đó là tôi. Thế mà bạn ấy chỉ "yêu" trong ý nghĩ thôi. Tiếc quá! Giá mà nói ra thì không biết có xảy ra chuyện gì ở 10I không nhỉ? Tôi đùa đấy nhé.
Hè năm 1978, tôi đi tham quan Lêningrad, ở đấy tôi có dịp gặp lại các bạn 10I. Một buổi sáng sớm, Ngọc và Hà đến nhà rủ tôi đi bơi thuyền ở hồ Kirốp. Hôm đó là một ngày hè rất đẹp trời, có cả Thuận và Gia Bình nữa. Tôi còn nhớ được ngồi chèo thuyền cùng với Việt Hà. Tôi còn kể cho các bạn ấy rằng nghề của tôi là nghề gắn với sông nước, mỗi lần đi thực tập là chèo thuyền ra sông, đặt máy móc đo đạc dòng chảy. Tôi nhớ các bạn nam cứ bảo sao mà nghề của bạn thích thế, còn tôi thì đang chán, chưa hiểu cụ thể tôi sẽ làm gì trong tương lai. Tối hôm đó, tôi đi ăn với các bạn, Việt Hà còn kể chuyện do nói lắp nên thường xuyên chỉ chọn món ăn nào dễ nói nhất, như món kátlétư chẳng hạn, tức là món thịt lợn xay rán, nhưng món này tôi lại không thích vì nó không ngon như thịt rán ở nhà mình đâu. Tôi còn được các bạn ấy dạy cho hai bài hát tiếng Nga mà đến nay tôi vẫn còn rất nhớ một bài, thỉnh thoảng vẫn hát. Đấy là bài "Kính chào Mẹ – Zđraxtvuiche Mama". Các bạn có còn nhớ buổi tối đấy không? Hình như tối hôm đó ngồi ở nhà Thuận.

Bùi Bình Thuận - Những kỉ niệm 10I

Một lần tôi nhớ buổi sáng mùa đông trời còn tối lắm, thầy giảng và viết bài trên bảng, bọn tôi không nhìn rõ bảng, một số bạn kêu là trời tối, còn tôi không hiểu tại sao lại hứng lên kêu to: 'Các bạn cứ yên tâm, trời đang sáng dần đều!", thế là cả lớp cười ầm lên, còn thầy thì quát: "Gia Bình Sơn Thuận!". Tôi nhớ hồi đó, ngồi bàn dưới có Quang Ngọc, còn bàn trên là các bạn nữ nhưng tôi chỉ nhớ có bạn Đào Thanh Thuỷ. (Nhân đây tôi cũng muốn kể thêm là hồi lớp 7 toán của tôi thì bạn Thuỷ là hoa khôi của lớp theo quan điểm của tôi. Lên lớp 8 có thêm một số bạn nữ Dịch Vọng, khách quan thì bạn Phương Liên là xinh nhất, nhưng vì bạn ấy là quân "Dịch Vọng", thứ hai là bạn ấy yểu điệu lắm, đi thì lạch bạch, bọn tôi gọi là "Vịt bầu", vì vậy đối với bọn "Thành" như tôi, bạn Thuỷ vẫn là hoa khôi của lớp!). Trong bàn tôi, Gia Bình và Sơn rất hay có trò đùa là gõ thước kẻ vào đầu các bạn nữ ngồi trên, nhất là bạn Thuỷ vì chắc cả hai và cả tôi nữa đều thích bạn Thủy, rồi lẳng thước kẻ sang chỗ người khác, khi các bạn nữ quay lại thì lại mắng hoặc lườm bạn khác, thế là lại được một trận cười. Có một lần Quang Ngọc thậm chí từ bàn dưới thò thước kẻ gõ vào đầu một ban nữ ngồi trên hai bàn, thế là xẩy ra lộn xộn, còn thầy thì lại quát: "Gia Bình Sơn Thuận!". Các bạn có thấy bàn tôi bị oan không?

Nguyễn Chí Quang - Đôi điều không quên

bọn chuyên toán Thành thường nghịch ngợm ngầm hơn, và ngại nói chuyện hoặc trao đổi bài vở với các bạn gái hơn so với các bạn chuyên Toán Dịch vọng. Sau này khi đã là sinh viên, đi làm tôi thấy nhiều khi không phải với các bạn nữ. Chắc các bạn còn nhớ hồi lớp đi giúp dân gặt lúa ở Phú Thượng, bọn này mặc kệ, không chịu làm cùng với các bạn nữ, để Thầy Khải sau đó phải tách riêng bốn bạn nữ thành một tổ. Lúc đó bọn minh rất khoái chí, bây giờ mới thấy thật là quá đáng.

Nhà mình ở gần nhà bạn Thuỷ và Duyên thế mà có bao giờ mình sang chơi đâu, ngay cả khi bạn Thuỷ qua mượn sách, xin giấy gói đậu mình đâu có mở cửa mời bạn vào chơi mà chỉ đưa qua song cửa. Thật quá đáng, nhưng may các bạn đều bỏ qua hết.

Bùi Việt Hà - Suy nghĩ về 30 năm

Tình yêu học trò
Với tôi khái niệm "tình yêu" nam nữ có từ hồi lớp 7, tuy nhiên tất cả chỉ là trong ý nghĩ. Trong 3 năm cấp 3, lớp có ít bạn nữ quá, nên tôi cứ lần lượt "yêu thầm" hết cô này đến cô khác. Nhưng chỉ "yêu" trong suy nghĩ thôi, cùng lắm là thỉnh thoảng "liếc" một cái. Cô .T. bị "yêu" nhiều nhất, sau đó đến cô..., sau đó đến cô..., sau đó đến cô....


5 ấn tượng tuổi học trò - Trương Gia Bình
Ấn tượng thứ 1- Dịch Vọng mê gái
Chúng tôi- lớp Thành có truyền thống “nam nữ thụ thụ bất thân”, tức là nam chơi đường nam, nữ chơi đường nữ. Nên buổi học đầu tiên thầy bảo đứng dậy xem ai cao thì ngồi xuống dưới cùng bạn Cao Việt Nga, chúng tôi đều đứng lom khom. Hình như riêng Bùi Quang Ngọc thì đứng kiễng chân, nên tuy thấp vẫn ngồi cuối lớp cùng các bạn gái. Sau này, chúng tôi còn được đọc thơ tình Hải dớ viết tặng bạn Trung hồi lớp 7.
Cho nên ấn tượng đầu tiên về Dịch Vọng là các bạn nam nữ chơi với nhau hết sức tự nhiên. Hồi đó đối với chúng tôi là chuyện sai trái, đáng xấu hổ. Sau này, tôi mới thấy lớp Thành đã phạm sai lầm, dại dột không bù đắp được.


Trích đăng từ sách "10i Lớp tôi", Hà nội, 2003
Biên tập và chịu trách nhiệm xuất bản: Bùi Quang Ngọc

18 comments:

  1. Thưa bạn TròThầyKhải, đành rằng không được được thoải mái lắm khi gọi bạn là "10I học", nếu như hiểu 10I đây là lớp xanh, nhưng không gọi thế cũng không công bằng.
    Vì có "10I Lớp tôi" mà lớp Xanh đang bị mổ xẻ bóc tách phân tích từng tý một. Nhiều kết quả đã khiễn ngay dân lớp Xanh cũng ngỡ ngàng.
    Quay lại câu hỏi của bạn, mỗi chúng tôi, nam lớp Xanh đều có cảm giác không phải với các bạn nữ khi còn ở CVA. Hồi còn lớp 7, nữ còn đông hơn nam nhưng không chênh nhau nhiều về số lượng nam nữ, nên tình hình không tệ như hồi cấp 3.
    3 câu hỏi của bạn tưởng như rất dễ trả lời: Không/Từ rất sớm/không

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thực ra thì em không có ý định chơi ú tim, anonymous gì đâu. Chẳng qua là hôm qua hơi muộn nên publish vội vàng. Thế nào mà bỏ sót cái đoạn "tự thú trước bình minh" rất nổi tiếng của anh Bùi Việt Hà! Một sai sót về biên tập cực kỳ nghiêm trọng.

      Vấn đề ở đây không chỉ là trả lời "Yes", "No", "Từ rất sớm" một cách chung chung mà là xem xét cụ thế xem các signal nó đi từ ai sang ai, anh ạ. Thế nó mới thú vị, đáng tìm tòi và phân tích chứ ;)

      Delete
    2. Thực ra ko cần đọc nhiều cũng biết tác giả bài viết là VH. Danh hiệu "10I học" dành cho Hải cũng chuẩn thôi, dù để nói rõ 10I nào thì từ nó hơi dài.
      Đoạn viết của HaBV là đoạn rõ nhất, tường minh nhất về tình bạn nam nữ của lớp Xanh. Ko thể bỏ sót đoạn này được.
      Anh BinhTG thích một bạn nữ từ hồi lớp mẫu giáo. Còn anh thấy thinh thích một bạn khác giới là khi hết lớp 5.
      Ko biết trả lời thế đã làm nhà "10I hoc" thỏa mãn chưa?

      Delete
    3. Bổ sung một đoạn mà chẳng hiểu sao lại có thể bỏ sót: anh BìnhTG tiết lộ một bí mật tày trời về anh Ngọc ;)

      Delete
    4. Hề hề hề,
      Vậy ra Bang trưởng còn có môn võ kiễng nữa nhể???
      Bữa nào phải nhờ Bang trưởng truyền thụ cho ít chiêu về môn võ này để còn có vốn làm ăn chứ dạo này hết cả vốn rồi....
      Hề hề hề,...

      Delete
  2. Tự sướng đào ngũOctober 27, 2012 at 5:15 PM

    Bài hợp xướng "Tổ quốc tôi" do Thầy Khải chỉ đạo mà lớp tôi chia làm 2 đội, thay phiên nhau đi tập.
    Cho nên đội nào cũng chỉ biết hát phần của mình. Đến hôm biểu diễn, trúng lượt đội nào, đội ấy đi biểu diễn. Tất nhiên đội ấy chỉ biết hát 1 nửa bài, phần đội mình tập.
    Thế mà chả hiểu sao tiết mục hợp xướng ấy vẫn được giải nhất Tp nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đính chính:
      - Bài hợp xướng này là do dàn đòng ca của Trường CVA biểu diễn tại Cung Văn Hóa gì đó ở Phố Tăng Bạt Hổ vào 1 sáng Chủ Nhật năm 1973 (chứ không phải của 10I)
      - Thày Khải không phải chỉ đạo biểu diễn mà chỉ đạo lớp mình là nếu ghen tỵ thì phân công nhau đi mà tham gia với trường.
      - Lớp mình quyết định là tổ 1 toàn nữ thì phải đi liên tục. Bọn con trai thì cứ thứ tự theo sổ điểm mà đi tập và biểu diễn.
      - Tao vần T, đến lượt mình thì hết tập mà phải đi biểu diễn luôn. Choáng. Cóc biết biểu diễn bài gì, hát ra sao. Đến khi biết bài này thì phải đi mượn cái đĩa "Tiếng hát Quê hương" (do Liên xô sản xuất hộ) đẻ biết lời và giai điệu nó ra sao (trách nhiệm ra phết, hihi).
      - Khi lên sân khấu, trừ 4 bạn nữ đứng hàng trên, còn lũ con trai lớp mình "lẩn" ra hàng sau, máy môi (cóc dám hát, sợ hỏng luôn cả dàn hợp xướng
      KẾT LUẬN:
      Hợp .... sướng của Trường CVA năm đó được giải nhất vì lũ con trai 10I hát .... không ra tiếng

      Delete
  3. Khi cùng nhau viết "10i lớp tôi" lớp i Xanh xác định viết cho chính mình đọc thôi. Bây giờ không ngờ lại có những độc giả khác, không những đọc mà còn phân tích theo những góc độ khác nhau thì theo tôi là đã quá thành công rồi.
    Về chủ đề mà bạn Trothaykhai nêu trên đúng là điểm dở hơi nhất trong ba năm học lớp i. Sau này, khi lớn hơn chúng toi đều tiếc . Tuy nhiên đấy mới là chúng tôi.

    ReplyDelete
  4. Lớp Xanh các anh rất đặc biệt, mặc dù có thể nói rằng lớp nào cũng đặc biệt, là rất thân và gắn bó với nhau. Một cách rất đặc biệt có lẽ vì đã từng sống với nhau trong cùng một nhà ở trên sơ tán, 24/7.
    Cách xưng hô và sự thẳng thắn vởi nhau thể hiện khá rõ trên mail đàn. Cũng có thể đó là nhờ vào cá tính rất mạnh của một vài cá nhân, nhưng hoàn cảnh có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó.
    Cái sự thẳng thắn gắn bó này là rất đáng quý và chắn chắn sẽ lây lan rất nhanh ra toàn thể hội XĐTV

    ReplyDelete
  5. Anh Hải Dớ định đóng vai trò : Anh Hùng cứu Mỹ Nhân, ... :-))) he he
    Nhân chưa thấy đâu mà Quả (tạ) thì thấy ngay tắp lự ...
    Anh Thái lúc ấy sợ quá nên gọi là ... Thái Dun ... ;-)))))))

    ReplyDelete
    Replies
    1. @Tim Ng: chuẩn luôn. Anh Thái lúc đó sợ quá nên thành Thái Dun. Cũng bởi tính anh dút dat, rụt rè nên nếu không "DUN" thì cũng thành Thái Dụt. :)))

      Delete
  6. Cảm ơn VH, em đã rất tâm đắc với 10I lớp tôi. Đúng là có phân tích mới thấy nhiều điều rất hay mà mình đọc lướt đã bỏ qua mất. Hồi ở CVA chị rất hay bực mình với bọn con trai, một lũ nghịch ngợm, hay đá bóng, chẳng mấy khi thấy có thiện cảm vói mình. Nhưng thật ra các bạn nam quan tâm đến nhóm nữ bọn chị đấy chứ.

    ReplyDelete
  7. Đọc bài này mới thấy tình cảnh Nam - Nữ các lớp trò thầy Khải giống nhau quá.Ít nhất là có lớp Đỏ giống lớp Xanh. Có bạn Nam lớp Đỏ còn tị với bạn Nữ lớp này là được cô giáo văn thiên vị. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười vì có lẽ lúc đó bạn ấy muốn gây ấn tượng với bạn nữ kia.

    ReplyDelete
  8. VH cầy xới chủ đề Chuyên Toán Thụ Thụ bất thân này thì có ưu thế hơn bất cứ ai khác.
    Vì MHuong là một trong 4 last standing women của i-Tím.
    Lớp tím lúc đầu đông con gai hơn và cũng chia ba phái :
    1- phái Hai Bà học trò thầy Ánh
    2-phái Trưng Vương trò thày Ngọc
    3-phái kim liên và ... Còn lại

    VH có nguồn tư liệu "tham khảo" thuộc loại "Mật không phổ biến" là Mai Hương ...
    Vậy hãy công bố sách trắng đi, và Dương Con đang du hí ở đâu đó hãy viết lại thiên tình sử ... Có nhiều thơ phú đi kèm ... He he.

    Nói về Chuyên Toán Thụ Thụ Bất Thân thì bản thân em "trải nghiệm" từ cấp II lớp năng khiếu Hai Bà, VH kể lại là chuyên toán cấp ii Trưng Vương thì chan hoà hơn không có phân "chiến tuyến" như cấp Iii . Em nghĩ tất cả do thiếu những con chim đầu đàn mạnh dạn phá vỡ búc tường vô hình ngăn cách ...

    Hồi cấp II thầy Ánh bọn em đã ( sáng kiến hoặc tâm lý) bắt các học sinh phải đến sớm 30 phút để "truy bài" mà quy định là nam truy nữ đọc và ngược lại ...
    Sau mấy năm tình thế không cải thiện mấy không hiểu sao...


    Ở các lớp thường (Không I) CVA, lớp Băng Ngân bà xã em thì ngược lại , đa Nữ thiểu Nam nên mọi chuyễn dễ dàng hơn ...đặc biệt các anh nam mì chính cách của lớp đấy lại quá yếu kém về các mặt nên bị nữ " khống chế" bằng Sổ Liên lạc nên các anh chàng cá biệt ấy bị .. Đè tới nơi không dám trêu chọc ...

    ReplyDelete
    Replies
    1. DC mạn phép không bình loạn nhiều trong topics nam-nữ lớp-"i" này, TN có khích gì cũng không cạy được thêm chi tiết đâu. Những năm "trai độc thân" DC và VH thường đi cưa gái cùng nhau, kể lại thì MH đau lòng, mà VH lại chối bay biến, còn DC thì khăng khăng là không dựng chuyện bao giờ, trí nhớ của DC đã được các bạn iTím khẳng định. Vậy nên tốt nhất DC dừng lại trong bí mật, ít ra vẫn còn được MH quý, và VH sợ (vì các bí mật xưa cũ vẫn còn "ở đâu đó"), hehehe.

      Delete
    2. Tao không chối bao giờ. Tốt nhất là DC kể chuyện của mày ra, cứ kể thoải mái đi, nhưng phải chuẩn bị tinh thần đuơng đầu với sự thật. Khi đến phần của người khác thì để kệ nguời ta xử trí.

      Mỗi nguời ngứa một chỗ, không ai gãi hộ ai đuợc cả. Vì có những chỗ là sẹo chưa lành, gãi vào nó lại đau thêm.

      Delete
  9. Hoan hô anh Bùi Việt Hà
    Anh đà dũng cảm công khai... Tình sừ (sử)

    Lớp Tím và các lớp Đỏ Vàng chắc cũng tương tự thôi có những Romeo
    Bất đắc dĩ nhưng không dám đến trước cửa sổ nhà Juliet mà lại ném "thư tình" vào trong hộc bàn ...

    Có điều nhieu Romeo lớp tím không dám "bạch hoá" như anh Hà ...

    ReplyDelete
  10. Lớp Xanh có anh Việt Hà
    Phát ngôn thoải mái thật thà như ...đêm (đếm)
    Lớp 7 anh chót ..."liếc" ngang
    "Yêu" nhất cô Th ... Rồi sang cô ...liền (L...)
    Anh em lớp Tím chẳng "hiền"
    Tình thư anh tống ... Hộc bàn trương chiêu (trưong chiều)
    Em bé Hà nội cũng phiêu
    Anh bám xe đạp ... Liêu xiêu theo nàng
    Nhà nàng ở mạn Thuỵ khê
    Anh theo anh tán nàng chê ... dở người !!!
    Chuyện tình lơ lửng thế thồi
    Mà anh VHd thêm nhiều ... Mắm muôi ...

    ReplyDelete