Thursday, November 8, 2012

Thăm cột cờ Lũng Cú

Chị Bích Hà (trái) vợ anh Hải dớ và chị Thủy
Nhân dịp bạn Hòa Bình i-xanh viết về các đợt hành quân đi chữa bệnh cho đồng bào Tây Bắc của BV108, em Hạnh i-đỏ viết về chuyến thăm Côn Đảo, nơi linh thiêng và huyền bí, làm mình cũng muốn viết gì đó về chuyến phượt Hà Giang trong tuần trước của mấy bạn i-xanh. Chắc cũng nhiều bạn đã đến Hà Giang, biết nhiều về nơi này (bạn Viết Thái hình như còn phụ trách cả cái mảng miền núi í chứ), nhưng thôi mình cứ mạnh dạn, nhớ gì viết nấy về cái cảm xúc lần đầu được đến thăm nơi địa đầu Tổ quốc.


Hồi còn đang đi làm, mình đã có dịp được đi công tác đến khá nhiều nơi, từ các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, đến Tây Nguyên, rồi cả các tỉnh dọc miền Trung, Nam Bộ…Công việc hồi đó của mình là đến nhiều nơi có các trạm khí tượng, thủy văn kiểm tra trang thiết bị, các công trình đo trước mùa bão lũ, trao đổi nghiệp vụ với bạn bè đồng nghiệp ở các địa phương. Đi đến đâu cũng thấy đất nước mình đẹp quá. Những vùng sâu, vùng xa nơi còn nhiều hoang sơ, thì đẹp nhất chính là cảnh hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng, nhiều nơi thấy đồng bào dân tộc còn nghèo quá, trẻ con thì nhếch nhác, ngơ ngác, nom rất đáng yêu nhưng cứ tội tội thế nào ấy. Tuy đi nhiều nhưng riêng Hà Giang mình lại vẫn chưa có dịp được đến thăm nên đã có lần mình tâm sự với vợ chồng các bạn ThuậnBT và HảiNM là mình ao ước được đến thăm Hà Giang, một nơi xa xôi, điểm đầu cực bắc trên bản đồ Việt Nam. May sao, tuần trước bạn Bích Hà, vợ Nguyễn Minh Hải i-xanh, gọi điện rủ mình có thích đi thăm cột cờ Lũng Cú không. Thật đúng là cầu được ước thấy! Chuyến đi 3 ngày 2 đêm, đi từ sáng sớm thứ Bảy đến tối thứ Hai về. Thế là bắt đầu những ngày háo hức chờ đợi đi chơi cùng cả nhà và bạn bè. Vợ chồng bạn Thuận cũng thích đi Hà Giang lắm thì lại đang vi vu thăm con gái tận bên Australia nên tiếc quá không đi được.

Đúng 5 giờ sáng thứ Bẩy, ngày 27/10, nhà mình 3 người tham gia cùng cả đoàn gồm 11 người xuất phát từ sân nhà Hải – Hà. Xe ô tô được thuê là chiếc xe Ford 15 chỗ, rộng rãi và thoáng, nên cảm thấy thoải mái khi đi đường dài. Tài xế là người chuyên lái tuyến Hà Giang, nên lịch trình thăm quan bọn tôi gửi gắm luôn bác tài tự thiết kế. Khởi hành lúc sáng sớm, trời vẫn tối, hơi se lạnh, Hà Nội còn chưa tỉnh giấc ngủ, đường vắng nên chỉ 1 lúc xe đã bon bon nhanh trên quốc lộ 32. Chỉ hơn 7h sáng chúng tôi đã tới Phú Thọ, nghỉ ngơi ăn sáng. Phải công nhận Hải tốt phúc có vợ rất đảm đang, chu đáo. Vừa xuống xe, bạn Hà đã mời mỗi người 1 gói xôi bánh khúc hiệu Cô Lan thơm lừng mùi đỗ xanh, rau khúc, vẫn đang nóng hổi mà bạn ý vừa hấp lại lúc 4 giờ sáng. Xe lại khẩn trương đi ngay. Đến đúng 12h trưa thì tới Hà Giang. Nghỉ và ăn trưa. Đường đi từ Hà Nội lên Hà Giang cũng khá thuận tiện, tuy nhiên sau khi qua Tuyên Quang cũng có lúc gặp đoạn đường khoảng vài chục km, đang sửa chữa hoặc đã xuống cấp nên xe cứ nẩy lên nẩy xuống liên tục.

Theo lịch trình của bác tài xế thì ngày đầu tiên đoàn chúng tôi sẽ đi Hà Nội - Hà Giang, rồi từ đó đến Quản Bạ - Yên Minh, ngủ đêm ở Yên Minh. Ngày thứ hai sẽ đi thăm cột cờ Lũng Cú, thăm Nhà Vương (dinh thự của vua Mèo), trên đường đi sẽ thăm cao nguyên đá Đồng Văn, thăm các thị trấn, làng bản vùng cao, tối sẽ ngủ đêm ở thị trấn Mèo Vạc. Ngày thứ ba sẽ quay về Hà Nội. Theo ý kiến nhiều người thì đi Hà Giang 3 ngày là hơi ít, nhưng thôi đành vì trong đoàn còn nhiều người đang đi làm.

Từ Hà Giang đi lên Cột cờ Lũng Cú còn khoảng 160km. Khá xa. Nhưng ấn tượng nhất không phải là số km, mà là con đường ngoằn nghèo theo sườn núi đá với vài trăm chỗ cua tay áo. Xung quanh toàn núi đá và núi đá. Núi xen mây trắng. Hùng vĩ vô cùng.

Thời điểm chúng tôi đi chơi là đúng lúc cơn bão số 8 sắp đổ bộ vào đất liền. Mưa to, gió lớn ở Hà Nội và các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Thế mà trên Hà Giang thời tiết mát mẻ, nắng ấm rất đẹp, trời đang phù hộ cho đoàn phượt này, cứ như chúng tôi đang đi tránh bão.

Núi đôi Cô Tiên
Trên đường đi, chúng tôi dừng xe, leo lên Cổng trời Quản Bạ. Không hiểu sao địa danh này được gọi là Cổng trời. Chúng tôi leo vài chục bậc thang là đến 1 chỗ trống rộng rãi có mái che, từ chỗ này là ngắm được thị trấn Quản Bạ êm ả nằm dưới thung lũng. Đứng ở đó bọn tôi được ngắm “Núi đôi cô Tiên” hay còn được gọi là Nhũ đôi cô Tiên. Hai núi nằm kề nhau, gần như bằng nhau, có hình dáng như bầu ngực của người thiếu nữ xuân thì, tròn căng, đầy sức sống, khiến mọi người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
Cả đoàn ở Cổng trời (Núi đôi cô Tiên ở xa xa phía s
Xe lại tiếp tục thêm vài chục km nữa thì tới thị trấn Yên Minh. Chúng tôi rẽ vào ngủ ở Khách sạn Thảo Nguyên. Bữa tối ăn uống rất vui vẻ ở quán ngay cạnh nhà. Thị trấn này sầm uất, đông người du lịch, ít có cảm giác là đang ở miền núi.

Hôm sau, lại dậy sớm ăn sáng và lên đường đi thẳng đến Cột cờ Lũng Cú. Hôm nay có ảnh hưởng tý chút của bão số 8 nên trời hơi se lạnh, sáng sớm có mưa bụi li ti. Trên đường đi tôi cứ nhắc anh tài xế nhớ đưa chúng tôi đến thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Anh ấy bảo chị đang đi trên cao nguyên đá đấy thôi, cả cái huyện Đồng Văn này là cao nguyên đá mà. Trước kia tôi cứ tưởng cao nguyên đá chỉ là địa điểm nhỏ với một vài quả núi có đá đen như mình vẫn xem trong các ảnh về phong cảnh Hà Giang. Nhìn ra xung quanh trên đường đi toàn là núi đá, những tảng đá đen lớn bé nhấp nhô khắp sườn núi. Thỉnh thoảng xen lẫn đá là những vạt đất nhỏ, trồng ngô, trồng đậu màu xanh biếc. Đất trồng trọt ở đây rất hiếm, nên đồng bào phải trồng các cây xen kẽ với đá. Lúa mới gặt, trên những ruộng bậc thang chỉ còn gốc rạ, đôi khi gặp những bậc ruộng màu đen của tro rạ vừa được đốt.

Đang ngồi trên xe, cả đoàn chúng tôi bỗng ồ lên sung sướng vì ngay bên đường là một cánh đồng hoa rất đẹp và rất lạ mắt. Đấy là hoa tam giác mạch mà chỉ nở hoa vào mùa này, mà hình như loài hoa này cũng chỉ có nhiều ở Hà Giang. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại hoa này. Mọi người dừng xe, chạy ùa xuống để chụp ảnh. Cánh đồng hoa nhỏ thôi, nhưng đẹp lắm, những cánh hoa mong manh, trắng hồng. Nghe nói, người H’Mông trồng hoa này lấy hạt để làm bánh, hoặc cho gia súc ăn, có nhà còn đem nấu rượu lẫn với ngô. 
Vợ chồng Hải – Hà bên cánh đồng hoa tam giác mạch

Khoảng 9h sáng chúng tôi đã tới Lũng Cú. Trên bản đồ đây là điểm cực bắc của nước ta. Ai cũng háo hức được đến địa danh này, bây giờ mới được đặt chân đến nơi, nhìn thấy tận mắt lá cờ Tổ quốc to lớn, tung bay hùng dũng trên đỉnh núi, trên một cột cờ rất cao. Cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn các tấm phù điêu đá xanh, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng. Từ chỗ đỗ xe, những bậc thang bằng đá đưa chúng tôi đến chân cột cờ. Chúng tôi còn leo tiếp đến tận đỉnh cột cờ theo các bậc thang xoắn ốc tròn phía trong cột. Đây chính là mảnh đất địa đầu Tổ quốc, vô cùng thiêng liêng. Nhìn ai cũng thấy những gương mặt xúc động, dạt dào niềm yêu quý Tổ quốc và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Đã biết bao xương máu của bao nhiêu thế hệ cha ông ta đã đổ xuống để gìn giữ nơi đây.

Dưới cờ Lũng Cú

Trên đường từ Lũng Cú về thị trấn Đồng Văn, chúng tôi qua đèo Mã Pí Lèng với những đoạn đường vắt vẻo trên sườn núi đá, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có lúc ngồi trên xe mà thấy hơi ghê ghê. Hơn chục năm trước, mấy lần đi công tác đến Sơn La – Điện Biên rồi Lai Châu cũng phải qua những đoạn đường uốn lượn bám theo sườn núi, có hôm 7g sáng rồi mà sương mù dày đặc, chả nhìn rõ đường, xe phải bật đèn vàng lò dò đi rất chậm. Thế mà hồi đó mình không cảm thấy sợ như lần này đi Hà Giang. Đường lên phía bắc này hẹp hơn bên tây bắc. Đường đã được trải nhựa, nhưng hẹp và có nơi không dễ dàng khi tránh xe đi ngược chiều, có chỗ cảm thấy khá nguy hiểm. Thật cảm phục những người đầu tiên đã xây dựng nên con đường này. Chắc cũng phải nhiều người đã hy sinh khi xây dựng nó.
Trên đỉnh Mã Pí Lèng
Từ Lũng Cú chúng tôi đến Thị trấn Đồng Văn nghỉ ăn trưa. Điểm dừng tiếp theo của chúng tôi là đến thăm nhà Vương.
Đường vào cổng nhà Vương

Đây là khu dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ bao gồm 4 toà nhà hàng ngang, 6 dãy nhà dọc 2 tầng, tổng cộng gồm 64 buồng. Dinh thự nom quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên.  Đặc biệt khu nhà có hẳn một kho riêng chứa thuốc phiện. Phía sau nhà còn có cả các lỗ châu mai và chòi canh để bảo đảm an ninh cho cả khu nhà. Gọi là “Vua Mèo”, nhưng theo đúng tập quán của người Mèo, ông vẫn sống một cuộc sống bình dị, không có kẻ hầu người hạ. Chúng tôi còn thăm các buồng ngủ của ba bà vợ Vua. Chả biết ngày xưa thế nào, chứ bây giờ nhìn vào thấy buồng ngủ các bà hoàng hậu vùng núi sao mà đơn sơ, nhỏ và nghèo nàn quá. Năm 1945, Vua Mèo quyết định đi theo Bác Hồ, ông thực sự đã gắn liền sự nghiệp của mình, của người Mèo vào sự nghiệp của Bác, của Cách mạng. Sau này do tuổi cao sức yếu, Vua Mèo đã trao quyền cho người con thứ hai là Vương Chí Sình tức Vương Chí Thành kế tục ông. Ông Vua Vương Chính Đức mất năm 1947. Còn ông Vương Chí Thành đã là đại biểu Quốc hội khoá 1 và 2, đại biểu cho tỉnh Hà Giang.

Nhiều người cũng gọi ông Thành là Vua Mèo. Ông Thành mất tại Hà Nội năm 1962, thi hài được an táng tại quê nhà.
Mộ Ông Vương Chí Sình

Bây giờ khu nhà Vương này trở thành di tích lịch sử quốc gia, nên từ năm 2004 các con cháu sau này của Vua Mèo đã chuyển ra sinh sống ở trong 1 dãy nhà nhỏ ngay đối diện dinh thự cũ. Chúng tôi cũng rẽ thăm mấy gia đình con cháu Vua, nói chuyện một lúc và chụp ảnh kỷ niệm với họ.

Cũng đã về chiều, xe chúng tôi nhanh chóng về thị trấn Mèo Vạc ăn tối và ngủ. Tối đó cả đoàn còn rẽ vào một nhà hàng karaoke hát ngêu ngao đến 10h thì về đi ngủ để giữ sức ngày mai còn lên đường về Hà Nội sớm.

Sáng sớm hôm sau, sau khi mỗi người ăn bát phở gà núi, hay còn gọi là gà đen, chúng tôi lên đường về. Trên đường đi còn phải dừng lại chờ hơn 1 tiếng ở những đoạn đường đang sửa vì đường đá sạt lở rất nguy hiểm. Chặng đường về dài hơn 14 tiếng, khá mệt. Nhưng chúng tôi lại có cơ hội ngắm nhìn lần nữa toàn cảnh những ngọn núi đá trùng điệp, nối đuôi nhau trải dài.

Tạm biệt Hà Giang. Hy vọng sẽ còn có dịp lên thăm lại nơi này, để còn được ăn thử bánh làm từ hạt tam giác mạch và uống chén rượu ngô nữa chứ. Hình ảnh đất nước mình thật đẹp, nhiều nơi còn hoang sơ nhưng vô cùng hùng vĩ cứ in đậm mãi trong ký ức của chúng mình sau chuyến đi “phượt” không thể nào quên này.

33 comments:

  1. Phong cảnh có một không hai, đẹp quá, hai anh chị đứng ... Trên mây !!!
    :-))
    Chị có ảnh chụp gần hoa Tam Giác Mạch không ạ ?
    Nếu không em hỏi cụ Gu gờ :-))))

    ReplyDelete
  2. Em đã tìm thấy ảnh hoa tam giác mạch đẹp vô cùng, may mà vùng cao nguyên đa hiểm trở này khó tiếp cận, nên đất trời còn hoang sơ hùng vĩ, ...
    Bài viết của chị Thuỷ rất hấp dẫn, một chuyến đi thật bổ ích thú vị ...

    ReplyDelete
  3. Nhiều ảnh chụp rất đẹp đấy ạ. (Em mạn phép sắp xếp lại ảnh và make-up đôi chút.)

    Chuyện về Hà Giang đã được nghe ANN kể một lần rồi nhưng vẫn còn rất nhiều điều thú vị.
    (Hồi đó ANN - Poet in Hiding - đang trốn mặt nên bài "Địa đầu Tổ quốc" ít ảnh quá ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. @VH: Hải làm thế nào mà ghép 2 ảnh vào cùng hàng nhỉ? Bày cho các Mõ kỹ thuật này với, cả cách cho clip video sang trái phải?

      @Chị Thủy: Thêm một cây bút nữ cho iCVA! Trước đây riêng mình ANTA đã bằng cả mấy chục anh em, nay lại thêm mấy bà chị Liên, Thủy, Hạnh... thế này thì "âm thịnh, dương suy" rồi. Lại nhớ đến câu thơ Bút Tre xịn:
      Việt Nam phụ nữ giỏi thay,
      Bắn máy bay Mỹ rơi ngay... cửa (nhà) mình.

      He he, cố lên anh em iCVA! Có cần giây kéo không nhỉ?!

      Delete
    2. Cũng hơi mất thời gian đấy anh Thành à.

      Mấy bài Du lịch (Mường nhé, Côn đảo, Lũng Cú) qua ... iCVA này em rất thích vì nội dung và vì nhiều ảnh đẹp nên thực ra là em đã làm lại toàn bộ layout.

      Truớc tiên là phải loại bỏ tất cả các mã (Html codes - do Microsoft Word hoặc Apple / Android mobile sinh ra) để mình có thể di chuyển ảnh theo ý muốn.

      Sau đó thì có thể bắt tay vào việc sửa layout.
      Move 1 ảnh sang trái, 1 de giua (center) hoac sang phải, điều chỉnh kích cỡ (small, medium, large, ...) để vừa đung độ rộng của cột báo. Lúc này làm đuợc vì ảnh không bị Html code bao bọc xung quanh giữ lại.

      Anh cũng có thể chỉ làm sạch xung quanh phần text anh định chèn 2 ảnh song song. Nhưng thuờng thì trông vào html code (của MS Word) khiếp lắm nên em "cạo" sạch để tiện thao tác.

      Hơi dài dòng quá nhỉ. Để em viết lại, thêm screen snapshots để minh họa, hoặc làm một cái video.

      Delete
    3. Thực ra nếu bài của anh không có formatting codes (vd vì không cắt & dán từ MS Word, v.v... mà soạn trực tiếp trên blogger) thì anh chỉ cần cho 2 ảnh nhỏ lại cho vừa một cột, sau đó dùng con trỏ drag & drop là được.

      Theo yêu cầu của anh Ngọc, em mới làm một video về cách chuyển hai ảnh lên cùng một hàng.

      @anh Ngọc: Em đã sửa lại để phần video description dễ hiểu hơn một chút.
      (Phần dài giòng là phần làm thế nào để dọn sạch formatting codes trong bài. Có lẽ khong chuẩn bị truớc nen khi trình bày live chua duoc trôi chảy lam.)

      Delete
  4. [ma]Sự tích núi đôi cô tiên[/ma]
    Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.

    Lúc này Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.

    ReplyDelete
  5. Đọc bài viết của Thủy mà tiếc quá. Hôm đó mà không bận chắc nhà tớ cũng tham gia chuyến đi này rồi. Nghe Bích Hà và Hải rủ đi dã muốn đi lắm, nhưng bận một việc không đừng được nên đành bỏ lỡ.
    Hội này thực hiện đúng tiêu chí: ăn chơi, còn nhẩy múa thì chưa thấy

    ReplyDelete
  6. Anh HB ơi :
    Câu đối cho anh đây:
    Mã Phí Lèng, Lèng ... Không Phí ...!

    Hi hi :-)))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngày 18 này TN về không? Rượu thưởng vế đối đang đợi người uống đấy. Ít nhất thì chú cũng xứng đáng được thưởng vì là người có nhiều vế đối nhất
      Hẹn gặp nhé

      Delete
  7. Có anh ạ, thằng em xin chén rượu thưởng của bác là quý rồi ...:-))

    ReplyDelete
  8. Bài viết của chị Thủy hay quá. Đúng là đất nước mình thật hùng vĩ và phong cảnh thiên nhiên thì tuyệt đẹp. Có lần em cũng đã từng đi khảo sát dọc tuyến biên giới phía bắc, đi ô tô mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của núi rừng biên giới, về em kể chuyện với bạn bè là thấy yêu quê hương đất nước hơn sau chuyến đi đó thì bị chê là "sách vở",bây giờ có chị cùng chia sẻ. Chỉ tiếc là bà con mình nghèo quá và công tác quảng bá, tuyên truyền giới thiệu cảnh đẹp của đất nước mình còn kém, đẹp như thế mà không biết cách làm như người ta.

    ReplyDelete
  9. @VH: Cám ơn VH đã chỉnh sửa các ảnh cho bài viết. Đẹp đẽ hẳn lên. Vì là lần đầu tiên post bài nên loay hoay mãi mất hơn 1 tiếng mới được đấy. Nhờ có em chỉ dẫn chị mới đọc bài của em ANN, hay quá. Rất giống hồi còn đi công tác các tỉnh, lúc nào cũng rượu, rượu... Bây giờ mình mới biết về sự tích Núi cô tiên.
    @TN: quên không chụp cận cảnh ảnh hoa tam giác mạch. Nhưng đúng là ở Gugô rất nhiều ảnh hoa này.
    @Hoà Bình ơi: tiếc là nhà cậu không đi, có thêm Bình - Diệp thì tuyệt quá. Nhưng thôi còn nhiều bạn muốn đi mà chưa đi nữa cơ, như nhà Thuận í.
    @Hạnh à: chỉ tiếc là không đem theo nhiều quần áo cũ mới tặng bà con và trẻ em trên đó. May mà có Hà nhà Hải đã mua rất nhiều kẹo bánh, bọn mình chia thành nhiều túi nhỏ, thả cho các cháu nhỏ đứng dọc đường. Càng đi càng thấy yêu quê hương, nói thật lòng chứ không sách vở tý tẹo nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. @ chị Thủy: Chuyến đi thích quá chị Thủy à! Tuyên Quang có suối khoáng nóng, trên đường về, lần sau, các anh chị nhớ ghé Tuyên Quang, tắm suối khoáng Mỹ Lâm nữa nhé!
      @ anh Bình: Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn cơ mà anh?!

      Delete
    2. Nghe nói thành nhà Mạt (à Mạc) trùng tu thành ... Lò Gạch mới toanh... Họ sờ đến di tích nào là cái đó thành mới toanh như chùa Trăm gian ...:-)))
      May mà không có kế hoạch trùng tu Núi Đôi ... He he !

      Delete
    3. Hề hề hề,
      Ối trời, Hà Giang, Lạng Sơn hay Cao bằng nhỉ???
      Loanh quanh cũng là vùng chiến khu cả. (cao bắc lạng, Thái Hà Tuyên mà.
      Theo mình nghĩ thì có nhẽ Bang trưởng là đúng nhất. Ngày xưa học lịch sử chỉ nhớ láng máng là Mạc Đăng Dung có chạy trốn lên biên giới phía Bắc và xây thành ở đó cầm cự với chúa Trịnh được 3 năm thì phải.
      Chả biết có còn không hay là cũng bị anh bạn láng giềng xơi rồi.
      Hề hề hề,...

      Delete
  10. Chu choa,
    Các anh xanh đã tài, các chị còn tài hơn thế này thì cánh đàn em đuổi tướt bơ mất. Vân, Mai, Ngà, Thủy đâu rồi, ra tay đi chứ không có là mất quyền lợi đó.
    Đọc các bài của Hạnh thì thấy văn phong vẫn còn xung lắm. Có điều hình như hơi tiết kiệm nên bài nào cũng hơi bị ngắn. Hạnh ráng làm một phát trường ..... văn đi cho cánh mày râu lớp đỏ được mát cái lỗ mũi nhé.....
    Hề hề hề, ....

    ReplyDelete
  11. Hề hề hề,
    Chị Thủy ơi, em nghe nói hà giang còn có thành nhà Mạc cũng khá nổi tiếng cơ mà. Chị có được ghé thăm nó không???
    Anh chị em XDTV có ai đã từng được chiêm ngưỡng thì post lên cho anh em đỡ thèm với.......
    Hề hề hề,...

    ReplyDelete
  12. Hoan hô Thủy, ít nhất là lớp xanh cũng ra quân đông đảo, cả Liên, cả Thủy đã có bài. Nếu có phong trào thi đua, Thủy và Liên cứ lo đọ với ANTA, Hạnh i-Đỏ, mình với HB sẽ đọ phím với nam nhi lớp dưới (chưa kể Thái dối chẳng chịu ra tay góp sức, mày chỉ còm thôi là ko được đâu).
    Nói cho vui để kích động cho iCVA xôm bài vở. cứ đà này, còm mỏi tay đấy.
    Thành nhà Mạc hình như ở Cao Bằng.
    Rất tiếc Ngọc ko có đ/k đi những chuyến du ngoạn như các bạn.

    ReplyDelete
  13. Đọc bài của Thủy làm mình biết thêm nhiều điều về đất Hà Giang. Phong cảnh rừng núi rất đẹp. Nhìn mê ly luôn đó. Lần đầu tiên gửi bài lại chèn cả ảnh hoàng tráng thật.
    Cặp đôi hoàn hảo Huy- Thủy đi đâu cũng có nhau, đi khắp đất nước, phong cảnh hữu tình, chúc gia đình Thủy luôn vui và hạnh phúc nhé.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Liên ơi, sao mà dám nhận là cặp đôi hoàn hảo được. Đôi nhà mình chỉ có con một bề, lại còn toàn vịt giời. Vứt. Không được như các bạn gái Hường, Liên, Duyên. Gia Bình còn bảo sau này chết chỉ thành "ma lang thang".

      Delete
    2. Cháu chào cô! Cháu muốn liên hệ với cô để xin cô bức ảnh núi đá trong bài viết trên. Cô có thể cho cháu xin được không? nếu được cô hồi âm cho cháu theo địa chỉ Email: caosy86@gmail.com cô nhé. cháu cảm ơn cô trước ah

      Delete
  14. Chúc mừng Thủy đã tránh được cơn bão số 8. Hôm đó gọi điện cho Thủy và Hải chỉ sợ mưa gió mà giữa chừng bị lũ quét thì bó tay.
    Đính chính lại cho Thủy: Đèo Mã Pì Lèng nằm trên đường đi từ Đồng Văn sang Mèo Vạc (không phải ừ Lũng Cú về Đồng Văn). Đèo Mã Pì Lèng được công nhận là 1 trong 4 đèo đẹp nhất ở VN (riêng mình thì đánh giá nó đẹp nhất)
    Nối đôi Quản bạ đã được Hãng Triumf lấy làm biểu tượng với lời Quảng cáo cho công dụng sản phẩm là "nâng đỡ kẻ yếu, trấn áp kẻ mạnh và uốn nắn kẻ lệch lạc" :)
    Cặp núi đôi này đẹp tuyệt với. Cấn đối, cây cỏ xanh mướt 4 mùa lại ở ngay vùng núi đá nên càng trở nên mềm mại. Nhìn mà chỉ muốn ....
    Ở Quản Bạ còn có đặc sản là rượu ngô. Cái này phải để Hải -I-Xanh hoặc anh Huy kể lại.
    Rất tiếc là Dinh vua Mèo không còn được như cách đây 20 năm. Ngành du lịch đã bạt mất cả mảng núi để làm thành bãi đỗ xe cho khách, phá hỏng cái thế hiểm trở của Dinh Vua (một con đường độc đạo, bên vách, bên vực)
    Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, hiện đã được "trùng tu" thành .... lò gạch, đúng như TN miêu tả.
    Em ANN quả sành đời, đi Hà Giang về nên ghé qua tắm suối nước nóng ở gần Tuyên Quang.

    Bang Trưởng ơi, từ nay đến tháng này đang bận quá, lang thang suốt, cố gắng bò về 17/11 để hội ngộ với XĐTV ngày 18 rồi chiều 18 lại biến. Nhưng tao hứa sẽ có ít nhất 2 bài về Thày và về đời vi vu. Nếu không thì sẽ nhận nick "Thái Diến". Hiện chỉ chui vào đọc "cọp" và viết còm được thôi. :((

    VH ơi, anh vẫn chưa có thời gian để tìm cách chèn một số ảnh minh họa cho bài chị Thủy. Anh gửi qua mai và em giúp anh nhé. Khi nào gặp nhau anh sẽ tạ ơn mấy chén rượu Quản bạ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thái ơi, cám ơn Thái đã đính chính hộ. Đi lần đầu nên nhầm tý ty thế cũng phải thôi. Cái đèo Mã Pì Lèng ấn tượng nhỉ, đi qua đèo cứ như đi trên mây. Với mình đèo này cũng là đẹp nhất mình từng biết.
      Thái chèn thêm ảnh minh hoạ đi. Thôi cứ nhờ em VH là xong hết.
      Em ANN có lời khuyên rất chi là bổ ích. Lần sau qua Tuyên Quang chị sẽ ghé tắm suối nước nóng.

      Delete
    2. Thủy đi 1 lần mà viết được như thế là quá giỏi rồi. Tớ đi hang chục lần mới nhớ được tương đối chính xác.
      Mà cái tay Viết Thái này nó là "ma xó" của 3 tây đấy. Đính chính hộ là đúng rồi.
      Cám ơn Thủy đã động viên nhé, tớ còn nhiều món nợ với Tây Bắc lắm. Đi nhiều, biết nhiều, nghĩ nhiều... mà chưa làm được gì cho vùng đất nghèo nàn lạc hạu này. Có hội iCVA viết ra như để tri ân thay cô giáo thôi. Khi nào gặp chủ đề có hứng thú lại viết tiếp.

      Delete
  15. Nhìn mà chỉ muốn ....Nâng đỡ kẻ yếu/mạnh/lệch lạc ...:-))

    Ở Quản Bạ còn có đặc sản là rượu ngô. Cái này phải để Hải -I-Xanh hoặc anh Huy kể lại.

    "Cơm thơm lại có Rượu Ngô,...
    Công đức Mẹ vờ (vợ) con chẳng dám quên ..."

    Anh Hải rất là "cơm dẻo canh ngọt ... hì hì"

    Anh Thái chỉ cần viết hai cái còm "hóm" như thế này là thành một bài ...:-))
    Nhưng thôi chờ bài viết nghiêm chỉnh của anh vẫn hơn,...

    ReplyDelete
    Replies
    1. [im] http://dl.dropbox.com/u/22887051/Panoramic%20view/Photo%2010-11-12%2010%2032%2017%20AM.jpg [/im]

      Delete
    2. [im] http://www.dropbox.com/s/bw5teyfj04dxory/Photo%2010-11-12%2010%2032%2017%20AM.jpg [/im]

      Delete
  16. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  17. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  18. [im] https://www.dropbox.com/s/bw5teyfj04dxory/Photo%2010-11-12%2010%2032%2017%20AM.jpg [/im]

    ReplyDelete
  19. Nghe bài hát trên youtube minh họa cho bài viết này.

    Hà Giang quê tôi
    http://www.youtube.com/watch?v=UMJKcjxvXt8

    Ai về thăm quê hương tôi,
    nơi biên cương là đây,
    có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu.
    Đây Hà Giang, đây Hà Giang, quê chúng tôi.
    Gỗ vùng cao về xuôi xây đời mới,
    thắm tình giữa miền xuôi với miền ngược,
    có ai về khơi thêm nguồn hàng
    mời lên thăm đây Hà Giang,
    ôi đẹp sao,
    đây vùng cao quê tôi đang đổi mới.
    Này quà vùng cao đem tới miền xuôi,
    đây chè quê tôi vui những ai hẹn hò.
    Hà Giang mến yêu ờ... ơi,
    Hà Giang mến yêu ờ... ơi.

    Ai về thăm quê hương tôi,
    nơi biên cương là đây,
    có đường đi trên mây lên tới cổng trời,
    đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi.
    Khắp vùng cao giờ đang thay đổi mới,
    những nhà máy lại vang tiếng còi tầm.
    Tiếng nhạc ngựa đi theo nguồn hàng
    về Yên Viên vui chợ phiên.
    Ôi đẹp sao,
    đây Hà Giang quê tôi đang đổi mới.
    Điện về muôn nơi vui tiếng trẻ thơ,
    đây cầu thanh niên cho những ai hẹn hò,
    Hà Giang mến yêu ờ... ơi,
    Hà Giang mến yêu ờ... ơi,
    Hà Giang mến yêu ờ... ơi,
    Hà Giang mến yêu ........ của tôi.

    ReplyDelete