Lời dẫn:
năm 2006, cả phòng của F0 cùng nhau kết hợp đi công tác (phụ) và tham quan
(chính) điểm thấp nhất trên đất liền của Việt Nam. Thời đó các bạn trẻ còn đang
độc thân nên tổ chức chuyến đi rất đơn giản. Hôm qua, nhân lúc cả phòng đang ngồi
bàn cách tổ chức đi chơi, nhắc lại chuyện xưa thì Phương có khoe đã viết một
bài cho blog. Sau khi đọc lại và được phép của tác giả, xin post lên đây để giới
thiệu về miền đất cực Nam.
Hoàng Tiến Cường
Hoàng Tiến Cường
Về
Cực Nam Tổ Quốc
Thùy Phương
Chuyến đi về vùng Cực Nam Tổ quốc là một chuyến đi “nhớ đời”
(cả về nghĩa tích cực lẫn tiêu cực). Hy vọng bây giờ nơi ấy sẽ khác nhiều so với
năm 2006.
F0: Phương –
người được giao nhiệm vụ làm tourguide – lên chương trình: đi đâu, ăn gì và xem
cái gì.
Nhờ anh Google tìm thông tin giúp về nơi mình sẽ đến trước
khi khởi hành. Sau khi lọc thông tin, thấy thú vị nhất là Đất Mũi và bãi biển
Khai Long (hình 1):
Cuối cùng, quyết định lộ trình như sau:
- Ngày 1: Đến TP. Cà Mau. Ăn tối – Ngủ
đêm tại KS
- Ngày 2: Đón tàu cao tốc xuống Đất Mũi –
Ăn hải sản tại chỗ
Option 1: Nghỉ đêm tại Đất Mũi
Option 2: Đi vỏ lãi đến Khai Long – Nghỉ đêm tại Khai Long
- Ngày 3: Quay lại Cà Mau – Về Bạc Liêu –
Nghỉ đêm tại Bạc Liêu
- Ngày 4: Dạo chơi ở Bạc Liêu – Trả phòng
– Về lại Tp.HCM
Cả ngày vật vờ trên xe, cuối cùng cũng đến Cà Mau lúc thành
phố đã lên đèn. Nhận phòng KS, nghỉ ngơi một chút rồi đi tìm quán ăn. Thế
nhưng, không quán nào còn mở cửa, trừ các quán nhậu. Mấy quán này hơi lộn xộn một
chút nhưng chắc sẽ có nhiều hải sản. Nghe nói cua và tôm là đặc sản ở Cà Mau
nhưng xem hết thực đơn cũng chẳng thấy hai món này. Hỏi cô tiếp viên xinh đẹp
thì chỉ nhận được cái lắc đầu kèm với đôi mắt mở tròn ngơ ngác. "Thế đặc sản
ở quán này là gì?" - "Thịt kanguru". Trời ạh!!!
Quyết định gọi thử món "đặc sản" ấy và vớt vát bằng
dĩa tôm nướng, bé hơn cả con tép mẹ nấu canh chua ở nhà.
Ngày 2:
Hăm hở ra bến tàu cao tốc
(hình 2):
Thuê nguyên chiếc xuống Đất Mũi
giá 3 triệu. Không kinh tế! Quyết định mua vé, giá 70.000đ/người, cả đi và về
chưa đến 1 triệu. Tiền còn lại để ăn tôm cua (vẫn còn ấm ức chuyện tối qua, quyết
tâm đến Đất Mũi sẽ ăn "phục thù", hihi!)
Bến tàu đông đúc như bến xe miền
Tây, từng chiếc tàu cao tốc cập bến, có lịch trình (ghi trước mũi tàu, giống
như xe bus) và thời gian khởi hành rõ ràng. Tìm mờ mắt cũng không thấy tàu đi Đất
Mũi nên "túm áo" một anh "lơ tàu" hỏi đại. Anh ấy chỉ ngay
chiếc tàu trước mặt. "Nhưng đâu thấy
ghi Đất Mũi" - "Đến Năm Căn sẽ có chiếc khác đón, cũng cùng một chủ với chiếc
này". Hơi nghi ngờ nhưng cũng "liều" luôn. Dù sao thì
người miền Tây cũng nổi tiếng thật thà...!!!
Cảnh sông nước Cà Mau (hình 3):
Lần đầu đi tàu cao tốc thấy rất
thú vị. Cảm giác như đang bay trên mặt nước. Con gái mà lại mê tốc độ, có
"khác người" không nhỉ?! [:P]
Có người đứng bên bờ sông bên
trái vẫy tay đón tàu. Giờ mới thấy sự khác biệt đáng kể giữa tàu cao tốc và xe
tốc hành: Tàu lập tức thắng lại, quay đầu, cập bờ đón khách, quay đầu và tăng tốc
như cũ. Thót cả tim vì sợ tàu lật!!!
F0: tàu được thiết kế giống như xe bus – lái
tàu ngồi cầm vô lăng lái đằng trước, 2 bên cửa sổ cũng có kính, chỉ không có
máy lạnh. Tàu gắn máy xe hơi, khi tăng tốc cũng giống như tàu bay cất cánh (tàu
nào cũng là tàu J) – người bị ép sát vào tựa
lưng do gia tốc quá cao. Lúc quay đầu qua bờ bên kia đón khách – nhìn qua cửa sổ
thấy mặt mình sát xuống mặt nước!
Mọi người tiếp tục "vật vờ"
trên tàu (hình 4):
Ông bác ngồi sau gọi "Tụi con đến bến nào
dzậy? Coi chừng ngủ quên đó!". "Con đi Đất Mũi" - "Chiếc này đâu có đi Đất Mũi, đến Năm Căn thôi".
Nói xong ông bác gọi anh chàng "lơ tàu" lại mắng cho một trận "Bây làm ăn sao kỳ
khôi quá! Lừa gạt tụi nhỏ...". Anh chàng "lơ tàu" tái
mặt phân bua "Dạ tụi con hổng có lừa gạt ai hết. Lát nữa tới Năm Căn sẽ
chuyển mấy em qua tàu khác. Tàu đó cùng chủ nhưng chạy từ Năm Căn xuống Đất Mũi".
Ông bác hăm he "Tao biết chủ tụi bây đó nha, không phải dzậy thì bây chết dzới
tao". Nói xong ông quay lại "Bây yên tâm đi, lát nữa tao sẽ chờ tàu với
bây. Chắc thằng này không dám gạt tụi bây đâu!"
Giữ đúng lời hứa, đến bến Năm
Căn ông chờ cho đến khi tàu đi Đất Mũi cập bến. Cả nhóm lên tàu rồi ông mới
quay lưng đi. Quên không hỏi tên ông.
Cuối cùng, rút ra được kết luận:
Người miền Tây dễ thương ghê!
Lại tiếp tục “dập dềnh” trên sông nước. May mà hôm ấy sức khỏe
mọi người đều tốt nên không ai bị say sóng cả (chắc nhờ ăn “đặc sản kanguru” ở
Cà Mau, hihi!)
Tàu cập bến xóm Đất Mũi, mọi người lục tục kéo lên bờ. Cô
bác xung quanh thấy cả bọn đứng lớ ngớ một chỗ, bèn xúm lại hỏi thăm “Bây ở Xì-gòn xuống
phải không? Muốn vào khu du lịch Đất Mũi thì biểu mấy anh này chở đi cho”.
Chợt thấy người dân ở vùng đất này dễ thương chi lạ!!!
Băng qua cái xóm nhỏ hăng nồng mùi cá, băng qua nhiều đầm
nuôi tôm loang loáng dưới ánh nắng mặt trời, và băng qua những “khu rừng nhỏ”
chỉ hiện diện duy nhất một loài cây (cây đước hay cây mắm? chẳng nhớ nữa…), cuối
cùng cũng đến được Khu du lịch Đất Mũi. Chỉ mất khoảng 10.000 đ cho chặng đường
thú vị dài hơn 4 km này. Được gió biển mơn man trên mặt, được hít thở không khí
trong lành, được ngắm những quang cảnh mà trước đây chưa từng thấy, và được… ôm
miễn phí (nếu thích!)… quá rẻ!
Việc đầu tiên phải làm khi đặt chân đến Khu du lịch là tham
quan… restroom [:D]!!! Sau khi các “nhu cầu cá nhân” được “giải quyết triệt để”,
mọi người theo chân anh HDV đi tham quan các điểm nổi tiếng trong KDL
Cột mốc Km 0 (hình 5):
Tượng đài biểu tượng cho Mũi Cà Mau (hình 6):
Nhìn về hướng quần đảo Philippines (hình 7):
F0: Phương học
Master ở Philippines theo chương trình đào tạo do Nhật tài trợ
Vọng lâu đài (hình 8):
Toàn cảnh KDL nhìn từ Vọng lâu đài (hình 9):
Đang là lúc nước cạn nên nhìn không hấp dẫn lắm. Được cái là
có thể xem mấy con cá thòi lòi chạy lăng quăng, nhìn rất ngộ!
Toàn cảnh khu tọa lạc cột mốc tọa độ quốc gia, đẹp mê hồn (hình
10):
Nhìn ra biển khơi: bên trái là nhà hàng nổi, bên phải là mũi
Cà Mau (hình 11):
Cực Nam Tổ Quốc. Trông không giống trên bản đồ lắm. Chắc người
ta dùng kỹ xảo tác động để trên bản đồ nó trông giống biểu tượng mũi con tàu rẽ
sóng biển Đông (!!!) (hình 12):
F0: danh từ khoa học gọi là “giả lập”
Đứng ngay mũi, chân phải chạm
phía biển Đông, chân trái chạm biển Tây J (hình 13)
Mặc dù đã quá giờ cơm trưa
nhưng mọi người vẫn quyết định đi tham quan khu mô phỏng làng rừng kháng chiến
(hình 14):
Thấp thoáng trong rừng là những
ngôi nhà nhỏ "mái tranh, vách lá" nhưng sang trọng và sạch sẽ. Đang
chăm chú tìm mấy chú ba khía thì bỗng có tiếng con gì đó vọng lại từ xa nghe lạ
lạ và... ghê ghê. Ý định sẽ nghỉ một đêm tại nơi bay biến ngay lập tức. Tự cười
mình còn nhát hơn mấy con ba khía...
Nắng, nóng, đói bụng và khát
nước... Đường quay lại nhà hàng nổi sao mà dài thăm thẳm! Đành tự nhủ "Cố lên! Mấy con cua Cà Mau đang chờ..."
để hai bàn chân đừng đình công.
Về tới nhà hàng, chưa kịp uống
ngụm nước đã nhận được "tin dữ" được thông báo một cách rất "ngọt
ngào": Chị
ơi, em đặt mua cua giùm chị, nhưng người ta hết hàng rồi, thông cảm chọn món
khác giùm em nha! "Thế có
tôm không?" - tám cẳng hai càng bò mất, hy vọng dồn hết vào mấy em tôm
nhưng... "Chị
phải đặt trước thì nhà hàng mới đặt mua ạh!".
Tự dưng thấy cặp giò mỏi nhừ
trở lại. Chắc là thiếu canxi trầm trọng rồi!!!
Option 1 bị phá sản. Ăn trưa
xong mọi người quyết định chuyển sang option 2: tham quan và nghỉ đêm tại Khai
Long. Khí thế chợt hừng hực trở lại vì... bãi biển Khai Long chắc là vừa đẹp, vừa
nhiều... cua, ghẹ, tôm, mực,... Tắm biển - ngắm mặt trời lặn - thưởng thức hải
sản!!! Còn gì bằng???!
Anh hướng dẫn viên nói không
đi bằng đường bộ đến Khai Long được, cũng không có tuyến tàu tốc hành đến đó.
Chỉ có cách duy nhất là phải thuê vỏ lãi thôi! Thế là cả nhóm hì hụi quay lại
xóm Mũi và chọn thuê chiếc vỏ lãi có vẻ an toàn nhất. 6 người thêm người lái nữa
là 7, mập có, ốm có, bù qua sớt lại cũng tạm ổn. Nói thế thôi chứ lúc đó chẳng
thấy ổn tí nào, không phao, không áo, không biết cả bơi chó... Nghĩ lại thấy
mình liều thật, lỡ có chuyện gì chắc bây giờ đang ở "miền đất lạ" rồi!!
Ra sông lớn càng thấy cái vỏ
lãi của mình nhỏ bé. Mỗi lần tàu cao tốc chạy vèo qua là tóc tai mặt mũi cả bọn
ướt hết. Có lần, vỏ lãi chòng chành suýt lật. Sợ xanh mặt!!!
Nắng tháng 3! Đến tận lúc ấy mới
cảm nhận được hết cái khắc nghiệt của nắng tháng 3. Trên là trời, dưới là nước,
giữa là mình, tia X, tia gama, tia gì gì đó... lãnh đủ cả, không thiếu tia nào!
Sức cùng lực kiệt, cầu trời cho đến Khai Long con được ăn cua để bồi bổ cơ thể!!!
(vốn không phải là kẻ "ham ăn" nhưng không hiểu sao lúc đó lại bị mấy
con cua Cà Mau ám ảnh đến như vậy??! [:P])
Không còn thấy mấy chiếc tàu tốc
hành tung hoành ngang dọc nữa. Mấy chiếc vỏ lãi cũng ít xuất hiện. Khung cảnh
xung quanh chợt hoang vắng hẳn đi. Rồi con sông bỗng phình to như cái phễu...
Biển xuất hiện, ngút ngàn tầm mắt... Chợt thấy mình trong câu thơ "Sông không hiểu nổi mình. Sóng tìm ra tận bể"
của Xuân Quỳnh! Cảm giác đó thật lạ...!
Cái máy chụp hình nhét đâu mất
tiêu. Đến lúc tìm được thì chiếc vỏ lãi đã rẽ vào một nhánh sông nhỏ. Không kịp
chụp lại cảnh cửa biển để làm kỷ niệm!
Sắp cập bến Khai Long (hình
15)
Xung quanh không một bóng người.
Tự an ủi mình, trưa nắng thế này chắc người ta đang ngồi dưới những hàng dương ở
bờ biển để ăn hải sản. Dù sao đi nữa thì cũng đã tới nơi, nhảy lên bờ trước đã!
Sát bến tàu là một quán nước
nhỏ nhưng gọi mãi cũng chẳng thấy chủ quán đâu. Mấy chai nước suối bây giờ có sức
quyến rũ mê hồn... Phải "bản lĩnh" ghê lắm mới thoát được nơi đó mà
không phạm tội "ăn cắp vặt".
Biển ẩn hiện sau hàng dương
xanh ngắt. Chịu khó đi thêm chừng 400m nữa là đến cuối đường rồi, thế nào cũng
có chừng chục quán nước dọc bãi biển để nghỉ chân. Cơn khát khô họng nãy giờ
như tan biến mất... Lại hăm hở lên đường... (hình 16)
Anh Google được việc ghê! Nhờ
"ảnh" mà mới biết Cà Mau có một nơi tuyệt vời thế này!!!
1 giờ trưa. Hàng dương xanh ngắt
không đủ sức làm dịu đi cái nắng tháng 3. Có cảm giác như nước trong cơ thể đã
bốc hơi cạn kiệt. Nhưng... may quá... cuối cùng cũng đến được cuối đường và thấy
biển trước mặt.
Biển đã trước mặt nhưng xung
quanh vẫn không có một bóng người (và dĩ nhiên là cũng chẳng có hàng quán nào).
Con đường rẽ sang bên phải và dường như dài vô tận. Bắt đầu cảm thấy say nắng...
... Sau 15 phút đi bộ: Không
biết anh Google có đáng tin không?!
... Thêm 10 phút "lê bộ":
Chắc cả đám bị anh Google cho ăn thịt lừa rồi!!!
... Thêm 5 phút "lết bộ":
Hình như tai mình đang dài ra??!
Sắp "gục ngã" thì thấy
được "ánh lửa trong bóng tối": một ngôi nhà thấp thoáng xa xa. Cho dù
đó là nhà ma cũng quyết tâm chui vào.
May quá, thì ra đó là quán nước
nhỏ.
Sau này có được vào Nhà Trắng
thì cũng không tìm được cảm giác tuyệt vời như thế này (hình 17):
"Sâm bí đao: 1 phần tất yếu
của cuộc sống!" (hình 18):
Giờ mới có sức quan sát xung
quanh. Bãi cát vàng tuy trông không bắt mắt lắm vì lẫn phù sa (một đặc trưng của
vùng biển miền Nam) nhưng khá sạch. Xa xa chắc là cụm đảo Hòn Khoai?! (hình 19)
Biển vắng và rất êm. Tắm biển
thế này cũng thích nhưng phải là người bất bình thường lắm lắm thì mới tắm biển
vào lúc này. Người bình thường thì chỉ muốn ngồi trong bóng mát và thưởng thức
hải sản thôi.
... Tìm mãi mà chẳng thấy cua,
sò, ốc, hến gì cả. Chỉ có mấy con còng gió đang chạy lăng quăng... "Người
bình thường" đành ngậm ngùi quay bước... Đành vào lều, nghỉ ngơi lấy sức vậy!
(hình 20)
Nỗi háo hức lúc đầu đã tan biến,
chỉ còn một động lực duy nhất giúp mọi người rời xa cái quán nhỏ "thiên đường"
ấy: phải tìm cho được một KDL Khai Long nào đó, nếu không cả đám sẽ phải ngủ bụi
đêm nay (bụi thực sự!!!).
Tiếp tục lên đường tìm chốn
nương thân (hình 21):
Áo lạnh - không chỉ để mặc khi
trời lạnh (hình 22):
Sau 15 phút "lội" bộ,
cuối cùng cũng đến được KDL Lý Thanh Long (sao không phải là KDL Khai Long???!)
(hình 23):
Giờ mới cảm nhận được niềm hạnh
phúc của người đi trong sa mạc chợt tìm ra ốc đảo. Nhưng... quái lạ... sao KDL
gì mà vắng teo thế này? Cổng mở rộng, bên trong KDL cũng hoang vắng không kém
gì bên ngoài. Chưa bao giờ cảm thấy hoang mang và lo sợ như thế này...
May mà có nhiều người đi cùng,
vậy mà vẫn thấy ghê ghê... Qua đêm ở một nơi thế này chắc chết quá!
Bằng cách nào đó (hình như là
nhờ 1080), đã tìm ra được số ĐT của đơn vị đầu tư KDL Lý Thanh Long.
.....
- Tụi em tra trên mạng, thấy nói là ở đây có KDL Khai Long. Nhưng tìm
hoài không ra, chỉ thấy có KDL Lý Thanh Long.
- Đúng rồi em, Lý Thanh Long hay Khai Long cũng
là một.
- Tụi em định ngủ lại đây 1 đêm, liên hệ với ai để đăng ký ah?
- KDL không có KS em ơi!
- Thế ở đây có nhà hàng không ah?
- Có, nhưng chỉ ngày lễ mới phục vụ thôi. Ngày
thường không có khách nên không bán.
- Vậy bây giờ tụi em có thể tham quan gì trong KDL không?
- Ngày thường thì chỉ có thể tắm biển thôi. Nếu
em muốn thì có thể mua vé vào chơi cho biết.
- Dạ, cảm ơn anh! Ah quên, em nghe nói trên đây có giếng Gia Long hay
Minh Mạng gì đó phải không ah?
- Đúng rồi, nhưng còn đang đào.
.........
Thấy buồn anh Google kinh khủng!!!!
(hình 24)
... Hối tiếc... Phải chi mình
đừng "thần tượng" anh Google đến thế!!!
Quyết định trong tích tắc: Bằng
mọi giá phải quay về TP. Cà Mau. Không ai dám ngủ bụi ở đây, kể cả người
"gan lì" nhất trong nhóm.
Nhưng... 5g chiều là deadline
vì đó là chuyến tàu cao tốc cuối cùng trong ngày... Khổ ghê!!
May mắn thứ 1: Quá giang được
một chiếc xe thồ gạch nhỏ nên chỉ mất 15' là đến được quán nước đầu bến Khai
Long.
F0: đây là xe chở vật liệu của Công ty từ bến
vào khu du lịch, phục vụ cho công tác xây dựng đang tiến hành. Nhân tiện có
khách có nhu cầu nên tài xế làm “kế hoạch ba” lấy tiền đi nhậu J
May mắn thứ 2: Có một chiếc vỏ
lãi đang neo sẵn dưới bến.
May mắn thứ 3: Có một người đang
ngồi trong quán nước, nếu không phải là chủ quán thì chắc cũng là người địa
phương. Hy vọng có thể hỏi được cách đón tàu về thị xã.
May mắn thứ 4: Có thể đi bằng
vỏ lãi ra lại ngã ba sông, từ đó đón tàu cao tốc về lại Cà Mau. Không sợ trễ
tàu nếu khởi hành ngay bây giờ.
May mắn thứ 5: Chiếc vỏ lãi
neo dưới bến là của chủ quán.
Nhưng....................
không may là chủ quán đã đi công việc, chiều muộn mới về. Người phụ nữ trông
coi quán chỉ là hàng xóm mà thôi.
5 điều may mắn trước đó vụt
tan biến như bọt xà phòng........
...........................
Sau khi uống xong mấy chai nước,
ăn vài cái bánh lót dạ và đang nghĩ đến chuyện vào nhà dân xin ngủ nhờ một đêm
thì cô hàng xóm chủ quán chợt lên tiếng:
- Hay để tui chở mấy anh chị về ngã ba sông để
đón tàu cao tốc?
- Chị có vỏ lãi riêng hả?
- Không, tui lấy cái vỏ lãi của chị Ba chở mấy
anh đi. Chờ tui kiếm cái máy nổ cái đã... Trước giờ tui mượn vỏ lãi của chị Ba
đi chợ hoài nhưng chèo tay không hà cho nên không biết cái máy nổ chị Ba cất ở
đâu...
- ????!!!!!!!!!!
Sau một hồi lục lọi, cuối cùng
cô hàng xóm cũng tìm được cái máy nổ. Thấy cô hăng hái gắn máy nổ cho vỏ lãi mà
cả bọn vừa mừng, vừa lo (mừng 3, lo 7). Chỉ mong cái máy nổ không... nổ để có
lý do không phải leo lên tàu.
- Xong rồi, mấy anh lên ngồi đi.
......
- Ủa, sao nó quay mòng mòng vầy nè.
......
- Được rồi. Mai mốt tui đi chợ sẽ mượn luôn
cái máy nổ để đi cho lẹ, hihi!
Cả bọn ngồi yên, không dám
nhúc nhích. Mặc cho cô hàng xóm "phấn khích" với phát hiện mới của
mình.
... Thời gian ngồi trên vỏ lãi
dài như hàng thế kỷ. Cuối cùng cũng đến được ngã ba sông. Cô hàng xóm cho vỏ
lãi cặp vào một quán nước. Cả bọn lóp ngóp trèo lên.
- Đợi khoảng nửa tiếng là có tàu tới đó. Nhớ
canh chừng đàng hoàng nha!
- Dạ. Cám ơn chị!
Đưa 300 ngàn và chào tạm biệt
cô hàng xóm mà cả bọn vẫn chưa hết hồi hộp. Một chuyến đi quá nhiều "cảm
giác mạnh"!!!
Về lại Cà Mau lúc 5 g chiều. Vội
vàng chia tay Cà Mau trong ánh chiều chập choạng (hình 25):
Bấy nhiêu "cảm giác mạnh"
đã quá đủ cho những trái tim vốn không thuộc hạng A. Hy vọng có thể được nghỉ
ngơi đúng nghĩa ở Bạc Liêu, vùng đất thuộc hàng trù phú nhất ở miền Tây Nam Bộ.
Dù đói rã rời nhưng cả nhóm
quyết tâm đi thẳng đến Bạc Liêu rồi mới ăn tối vì nghe nói (lại là nghe nói!!!)
Bạc Liêu là chốn ăn chơi nổi tiếng ở miền Tây (ăn + chơi lành mạnh [:)]!). Gần
8 giờ tối, xe đến Bạc Liêu. Sau một vòng tham quan, cả nhóm quyết định nghỉ đêm
ở KS Công tử Bạc Liêu vì nghe nói đây vốn là dinh thự xưa kia của anh chàng
giàu có + ăn chơi nhất vùng. Rất may là phòng Công tử vẫn còn trống (có lẽ là
vì giá phòng này đắt gấp đôi những phòng còn lại) nên mọi người quyết định thuê
ngay cho 2 cô nàng duy nhất trong nhóm (lady first mà, hihi!). Những người khác
thì ở phòng bình thường, gọi là phòng thường nhưng cũng khá rộng rãi, tiện nghi
và sạch sẽ.
Được cô tiếp tân xinh đẹp tư vấn
(phải công nhận con gái miền Tây có cách nói chuyện tuy bình dị nhưng rất dễ mến
[:)]!), cả bọn quyết định ra phố ẩm thực để ăn tối. Thức ăn đa dạng, giá mềm,
phục vụ tốt,... đúng là không uổng công mọi người nhịn đói đến tận 9g tối. Sau
1 tiếng đồng hồ "chiến đấu" với hơn 10 món ăn (chỉ tiếc là chẳng thể
nào tìm được mấy con tám cẳng hai càng [V]), cả bọn "ì ạch" lê bước về
KS.
Phòng công tử đẹp và sang trọng
nhưng... không biết là do không có người ở thường xuyên hay do... yêu khí (như
lời mấy anh chọc ghẹo) mà hai chị em thấy hơi lành lạnh. Phòng tắm lại bố trí hẳn
ở một nơi cách biệt với phòng ngủ nên... người này tắm thì người kia có nhiệm vụ...
đứng canh (mặc dù chẳng biết là canh cái gì [:D]!!!).
Tắm xong, hai chị em để nguyên
đèn phòng, leo lên giường và trùm mền kín mít. Hình như cái giường đang lắc
lư... lắc lư....
Nửa đêm..... hai chị em mở mắt
nhìn nhau rồi quáng quàng bật dậy, mở tủ tìm.... mùng. Công tử ngày xưa không
biết có chơi muỗi cảnh không mà bây giờ muỗi trong phòng nhiều kinh khủng. Thì
ra ngay từ lúc bắt đầu ngủ là hai chị em đã bị muỗi chích rồi mà không ai chịu
thức dậy tìm mùng cả. Phần vì sợ, phần vì... lười!!!
Giăng mùng xong, hai chị em ngủ
tới tận 7g sáng. Không còn cảm thấy cái giường lắc lư và căn phòng lạnh lẽo nữa...
Gặp nhau, câu đầu tiên mọi người
hỏi là: Đêm
qua công tử có về gặp hai chị em không?
- Có!
- Thật không? Ghê vậy?
- Thật mà! Công tử hóa thân thành... muỗi đến thăm cả đêm.
Các anh cười ồ, bảo đáng đời,
ai biểu ham ngủ phòng sang. Người ta ngủ phòng thường chẳng có con muỗi nào,
phòng sang thì đầy muỗi vì cửa sổ làm bằng gỗ (nội thất bằng gỗ mới sang...)
Chú tài xế xin được làm Công tử
(hình 26):
Cà phê sân vườn trong khuôn
viên KS (hình 27):
Toàn cảnh KS Công tử Bạc Liêu
(hình 28):
Bộ ghế cổ (hình 29):
Bình cổ (hình 30):
Something cổ (chẳng biết là
cái gì, chỉ biết chắc chắn nó là đồ cổ [:P]!) (hình 31):
Chân dung Công tử và phu nhân.
Nhìn là biết anh chàng này là dân ăn chơi thứ thiệt rồi. Phu nhân công tử thì
ngược lại - đẹp dịu dàng (hình 32):
Nghe nói vùng Sóc Trăng - Bạc
Liêu nổi tiếng về "đặc sản" bún nước lèo. 8g sáng, lên xe chạy vòng
quanh thị xã, quyết tâm tìm cho được quán bún nước lèo. 8g30, bao tử bắt đầu
réo gọi. Phở, hủ tíu, bánh mì,... mời mọc khắp nơi trong khi bún nước lèo thì vẫn
bặt vô âm tín. Quyết định dừng xe lại hỏi thăm. Cô bán bánh mì chỉ: cuối đường này có
quán bún nước lèo đó. À mà em ơi, bún nước lèo không bán buổi sáng đâu vì chiều
tối người ta mới ăn bún nước lèo....
Lại một thất bại nữa trong
chuyện ăn uống. Hình như chuyến đi này không có duyên thưởng thức đặc sản hay
sao ấy!!! [:V] [V] [V]....
Trên đường về lại TP, mọi người quyết định ghé thăm hai ngôi
chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng: Chùa Chén Kiểu và chùa Dơi (tên Khmer phiên âm qua
tiếng Việt là chùa Sà Lôn và chùa Mã Tộc). Đây là hai ngôi chùa Khmer lâu đời
nhất tại tỉnh Sóc Trăng, là tinh hoa kiến trúc của dân tộc Khmer.
Điểm đến đầu tiên: Chùa Chén Kiểu. Vì sao lại có tên là chùa
Chén Kiểu? Không có tourguide nên đành phải tự tìm hiểu một mình.
Cổng vào chùa: Vàng - đỏ - xanh, dường như đây là những màu
chủ đạo trong kiến trúc Khmer???! (hình 33):
Lối trang trí hoa văn sặc
sỡ đậm phong cách Khmer (hình 34):
Thay cho những cây cột đỡ khô khan là những nàng tiên nữ thật
xinh đẹp (hình 35):
Thấp thoáng trong rừng cây là những lăng mộ nhiều màu sắc
(hình 36):
Một tòa bảo tháp, hình như là để chứa di hài của các nhà sư
quá cố (hình 37):
Mỗi tòa tháp đều có kiến trúc riêng biệt, không cái nào giống
cái nào. Nổi bật nhất là tòa tháp có tượng 4 mặt - một đặc trưng của văn hóa
Khmer (hình 38):
Đây là nguyên nhân tại sao chùa có tên là Chén Kiểu. Tuy các
bức tường được chắp vá từ những mảnh chén kiểu nhỏ nhưng nhìn tổng thể lại rất
độc đáo và thú vị (vá nghệ thuật có khác [:)]!) (hình 39):
Người dân xung quanh tập trung trong chùa sinh hoạt, học
hành, mua bán,... Trông giống như một nơi dành cho các hoạt động công cộng hơn
là nơi thờ kính tôn nghiêm. Có lẽ đây là nét văn hóa đặc trưng của người Khmer
(hình 40):
Một nhà sư Khmer (hình 41):
Góc nhìn khác về khu bảo tháp (hình 42):
Hình như đây là rắn Naga, một sinh vật huyền thoại trong văn
hóa Khmer (hình 43):
F0: Viết đến
đây thì tác giả ngưng ngang không lý do. Có hỏi thì tác giả có phân bua là mất
hứng nên không viết tiếp được! Dù sao cũng cám ơn tác giả cho thấy một góc nhìn
về phần đất cực Nam.
PS: Chất lượng hình ảnh không cao do không có ảnh gốc mà phải copy lại từ bài viết. Mong mọi người thông cảm.
Con ba khía là con gì vậy anh HTC ?
ReplyDeleteChân dung Công tử Bạc Liêu không giống lắm
Anh so với ảnh này nhé ...?
https://www.google.com.au/search?q=huỳnh+thuỷ+lê&hl=en&client=safari&tbo=d&source=lnms&tbm=isch&sa=X&ei=yzvQUMzlNoW5iAfXyIHgAg&ved=0CAgQ_AUoAQ&biw=320&bih=416#i=3
để tôi hỏi lại tác giả
DeleteTuấn nhầm to rồi nhé!
DeleteHoàng Thủy Lê là nhân vật nam trong tiểu thuyết "Người tình" và được dựng thành phim, quê ở Sa đéc, Đồng Tháp. Hiện vẫn còn biệt thự của gia đình Hoàng Thủy Lê ở đó và cũng nhiều khách du lịch tới thăm.
Còn Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu, chẳng liên quan gì tới Người Tình người Pháp cả, mặc dù ông này cũng lắm vợ. Đón đọc bài của anh viết về Hắc - Bạch công tử sẽ biết rõ (sẽ ra vào ngày mai thôi).
Anh đã viết còm trong bài Hà Tiên của Tuấn, chắc không đọc kỹ thôi!
Bài viết rất dí dỏm. Không chỉ có từ "con bà khía" mà còn học thêm được một từ mới nữa là "vỏ lãi" (đọc hay phát âm không cẩn thận lại thành chữ ... "vô lại" thì phiền ;)
ReplyDeleteNgày xưa đọc truyện "Đất rừng phương nam" thấy có nhiều muông thú chim chóc lắm cơ mà. Cá, tôm, cua ghẹ thì cứ ra mà ... xúc về nướng. Bây giờ thấy tả đi về cực nam mà bị bỏ đói thì cũng hơi căng thẳng nhỉ. Mà sao quân ta liều mạng thật, không có phao bơi bảo hiểm gì mà đi ra tận cửa biển...
Công nhận là người miền Tây dễ thương thật.
Con ba khía trông khá giống con cua. Đây là thông tin về con ba khía search được từ anh Google ạ
ReplyDeletehttp://www.vinabooking.vn/kham-pha-du-lich/thong-tin/ba-khia-bac-lieu-700