Hỏi:
Em muốn xin các anh, các chị và các bạn tư vấn giùm em.
Con trai em một cháu đang học chuyên Tin lớp 11, em muốn cho theo ngành Công nghệ thông tin - vì em cũng thích ngành này. Hiểu biết của em về IT tương đối hạn chế, vì thế, rất mong nhận được tư vấn của các anh, các chị và các bạn về các vấn đề em đang băn khoăn như sau:
1./ Nên học về gì, phần cứng hay phần mềm ? Tại sao lại nên chọn học phần này?
2./ Nếu học ở trong nước, thì nên học ở trường nào ? Em thấy mấy thằng bé xin việc kể rằng, tốt nghiệp xong trường công chúng nó lại phải học thêm ở APTECH gì gì đó nữa thì mới ra làm được. Vậy, em có nên cho thằng con học ở APTECH, hoặc FPT luôn mà không học trường Đại học công lập hay không ? Các bác bớt chút thời gian giải thích rõ thêm cho em về vấn đề này thì bố con em biết ơn lắm lắm.
3./ Nếu đi học ở nước ngoài thì nên đi học về lĩnh vực này ở nước nào ? Cho em lời khuyên làm sao hài hòa cả về chất lượng đào tạo và học phí nữa - vì nhà em tài trợ tất cả các cháu đi học nước ngoài một lúc thì hơi "oải" về kinh tế (ơn trời, em có N cháu - N1 gái và N2 trai).
Cũng vì lý do kinh tế nêu trên, em đang nghĩ hay là cho cháu học trong nước vài năm cho nó cứng cáp (cả về nhân cách lẫn kiến thức) và đỡ về kinh tế cho bố nó *:) happy, rồi sau đó hãy đi học nước ngoài. Mấy anh bạn thì cứ bảo, nếu định cho đi thì nên cho đi luôn. Tuy nhiên em thấy làm theo phương án này cũng có vẻ hơi mạo hiểm - vì sợ các cháu còn non, sang đó thích chơi hơn thích học thì nguy lắm.
Rất mong các anh, các chị và các bạn có kinh nghiệm gì về các vấn đề nêu trên thì chia sẻ cho em với. Biết đâu, với lời khuyên của các bác mà nhà em lại nảy nòi ra ông Bill Gates, hoặc Steve Jobs "phảy phảy" thì quý hóa quá *:) happy.
Em xin cám ơn các anh, các chị và các bạn trước.
T
Trả lời #1 - Về ĐH FPT
Anh chỉ có ý kiến về ĐH FPT, những trường khác chắc là bọn em đã nghiên cứu (kể cả ĐH FPT):- ĐH FPT học theo chương trình của ACM, hiệp hội máy tính Mỹ cho môn Công nghệ phần mềm.
- ĐH FPT học chú trọng chuyên môn, học 1 năm 3 học kỳ, ko có nghỉ hè
- ĐH FPT học 2 ngoại ngữ: tiếng Anh và tiếng Nhật
- ĐH FPT học thêm những môn cần cho công việc như Quản trị dự án, làm việc nhóm, theo các dự án của FPT khi còn là SV. Nếu làm tốt được tham gia chuyên sâu các dự án của FPT, được nhận thù lao.
-
ĐH FPTtạo 1 môi trường nhân văn, lành mạnh cho SV.
- FPT hiện nhận hầu hết các SV tốt nghiêp ĐH FPT, nói chung khả năng có việc là cao.
Một vài bổ sung quan trọng về ĐH FPT:
1./ Về tỷ lệ học sinh giỏi trong sinh viên FPT:Hỏi: Một số người bảo "ĐH FPT là giành cho bọn học sinh trung bình con nhà giàu thôi". Vậy, anh có thể cho em biết thêm, sinh viên FPT có nhiều bạn là học sinh giỏi ở cấp 3 vào học không, hay chỉ có các cháu học lực "làng nhàng" thi vào thôi ?
Trả lời:
Trong số các sinh viên của ĐH FPT có một tỷ lệ không nhỏ là các học sinh giỏi quốc gia, các học sinh xuất sắc nhất của các trường THPT top đầu Việt Nam. Đa phần các em này theo học theo các chương trình học bổng Nguyễn Văn Đạo và học bổng tài năng FPT (Cấp 3 suất cho 3 học sinh giỏi nhất ở 100 trường THPT top đầu Việt Nam + các học sinh đạt từ giải 3 trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia). Liên tục trong 3 năm gần đây, các sinh viên và đội tuyển của ĐH FPT luôn nằm trong top 3 các trường đại học Việt Nam trong các kỳ thi Olympic Tin học sinh viên và lập trình ACM quốc gia, đứng đầu trong các đội Việt Nam dự thi khu vực. Năm 2012, ĐH FPT đã đứng đầu Việt Nam trong các kỳ thi này và được nhận bằng khen duy nhất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho Đơn vị xuất sắc nhất trong các kỳ thi Olympic Tin học sinh viên và kỳ thi ACM quốc gia.
2./ Về bằng tốt nghiệp của FPT
Hỏi:
Bằng tốt nghiệp của FPT có được đánh giá cao ngoài các Cty con của FPT hay không ? Nếu sau khi tốt nghiệp FPT mà muốn đi học tiếp ở nước ngoài thì họ đánh giá về bằng của trường mình thế nào ạ ?
Trả lời:
Về mặt pháp lý, bằng cấp của ĐH FPT được công nhận như bằng cấp quốc gia, có giá trị như của bất kỳ một trường đại học Việt Nam nào khác. Với các công ty, doanh nghiệp, chất lượng sinh viên đầu ra của ĐH FPT đã bước đầu được đánh giá khá tốt. Trong số hơn 500 sinh viên đã tốt nghiệp, 100% đã có việc làm và chỉ 50% trong số này làm việc cho FPT. Hơn 10% số sinh viên tốt nghiệp đã và đang làm việc tại nước ngoài. Nhiều em cũng dành được các học bổng danh giá đi học sau đại học như học bổng Erasmus Mundus của EU, học bổng Panasonic. Đặc biệt dù mỗi năm Panasonic chỉ cấp 3 học bổng cho Việt Nam đi học thạc sỹ tại Nhật, sinh viên FU đã liên tiếp dành được học bổng này trong 2 năm gần đây.
Trả lời #3 - Về đi học Tin học ở Mỹ
Bạn có biết là cả Steve Jobs lần Bill Gates đều bỏ học ĐH giữa chừng không nhỉ? Có lẽ vì cả hai đại sư huynh TGB và BQN nhà ta đều học một lèo đến tận tiến sĩ nên thành lập FPT hơi muộn, bây giờ FPT vẫn chưa to, chưa mạnh được như Microsoft hay Apple? j/k.Về chuyện cho con đi học nước ngoài hay trong nước thì cả nhà phải suy nghĩ với nhau thật kỹ. Cái này là tùy hoàn cảnh gia đình, tùy vào tính cách cũng như sự trưởng thành của mỗi cháu.
Nếu gia đình có ý định cho con đi học Computer Science (CS hay Tin học) ở Mỹ thì theo mình có 2 mục tiêu chính sau:
- tạo điều kiện cho cháu được hưởng sự đào tạo tương xứng nhất với khả năng của cháu.
- chọn phương án học bổng và đóng góp của bố mẹ có hiệu quả nhất và phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.
Cụ thể:
1./ Khả năng của cháu đo bằng điểm tổng kết cuối năm (GPA), thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, thành tích tham gia hoạt động ngoại khóa (ví dụ CLB "các nhà phát minh trẻ tuổi" gì đó), khả năng ngoại ngữ (với tiếng Anh là điểm thi TOFL hoặc SAT?), khả năng viết bài essay (cho college application).
Ngoài ra nếu là cán bộ lớp, ví dụ là lớp trưởng, tham gia tích cực hoạt động đoàn thể, xã hội (đi quyên góp giúp đồng bào bị lũ lụt, v.v...) cũng là những điểm + đáng kể.
2./ Chọn trường vừa tầm với trình độ và khả năng của cháu. Ví dụ nếu cháu học chuyên Tin học ở Ams loại đứng thứ hạng rất cao trong lớp thì có thể nghĩ đến các trường Top 10, 20 của Mỹ về CS.
Thường các trường cũng có thông tin về điểm tổng kết tối thiểu để được nhận vào khoa CS. Căn cứ vào đó để xem con mình có đủ điều kiện không.
Khi con mình chọn trường, có thể chia ra làm 3 loại:
A./ Thỏa chí bình sinh (Wish list): khoảng 1-3 trường mà cháu và bố mẹ mơ tưởng (dream ;) được đến học khoa CS. (Đại loại như Stanford, UC Berkeley, MIT, Princeton,... ;)
(Đối với h/s học ở Mỹ thì thường những trường này đòi hỏi GPA gần như tuyệt đối ~4.0, điểm thi SAT cũng phải rất cao - max là 2400. Có thể h/s nước ngoài thì không cần.)
B./ Trong tầm tay (Reachable): khoảng 3-5 trường mà cháu đủ tiêu chuẩn tối thiểu để vào học khoa CS. Nhưng không hoàn toàn chắc chắn 100% vì
- có thể năm đó có nhiều nguời nộp đơn hơn mọi khi
- hoặc dư tiêu chuẩn để được nhận vào học nhưng không biết năm đó có xin được học bổng / trợ cấp hay không, và xin được nhiều hay ít, ...
C./ Chắc như đinh đóng cột (Safety net): khoảng 2-3 trường mà chắc chắn 100% cháu sẽ được nhận vào khoa CS.
Hồ sơ xin học phải trả tiền fee không hoàn lại do đó cũng không nên apply nhiều quá, tốn tiền.
Nếu xin vào các trường trong cùng một hệ thống, v/d như các trường hệ UC ở California: UC Berkeley, UCLA (Los Angeles), UC San Diego, UC Santa Barbara, ...) thì chỉ nộp một lần fee.
3./ Thông tin về học bổng cho CS:
Học CS ở Mỹ khá đắt. Theo mình trường thật tốt có lẽ cũng phải ~30k/năm (trở lên). Xem trường nào có cho học bổng cho h/s nuớc ngoài thì mới xin, trừ phi là đủ khả năng tự túc hoàn toàn.
• Các trường Top 10 về CS, hoặc ivy leagues ... thường khó xin học bổng, phải rất giỏi, và chứng minh được nhà nghèo, v.v...
Tổng chi phí (từ túi bố mẹ) thường khoảng 40-45k/năm. Nếu không xin đuợc học bổng thì rất căng thẳng.
• Nếu xin được 1/2 hoặc 2/3 học bổng thì cũng đã là quá tốt rồi. Tuy nhiên cái này tùy hoàn cảnh gia đình.
• Học bống thường đuọc xét duyệt lại hằng năm, nếu là theo khả năng (merit-based scholarship) thì cháu phải tiếp tục học tốt để đuợc tiếp tục nhận học bổng cả những năm sau.
• Phải cân nhắc giữa trường tốt về CS và trường cho nhiều học bổng và điều chỉnh khái niệm trường loại A, B, C ở trên cho thích hợp.
Tất các những cân nhắc về học bổng ở trên hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng học tập của cháu. Nếu điểm cao thì dễ xin được học bổng hơn. Đối với những học sinh thật suất sắc thì nhiều khi các trường sẽ tranh nhau offer học bổng.
4./ Không phải cứ truờng lớn và nổi tiếng về CS là con mình sẽ đuợc huởng nền giáo dục tốt nhất trong mấy năm đầu. Nhiều khi sinh viên ở những truờng lớn và có tiếng tăm lại hay phải nghe TA (teaching assistant hay trợ giảng - lắm khi lại là người nuớc ngoài nói tiếng Anh khó nghe) dạy.
Những bài giảng nhập môn về CS rất cơ bản nếu đuợc các giáo sư lâu năm hoặc giỏi, có nhiều kinh nghiệm dạy thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Những người thầy này không chỉ dạy kiến thức mà còn biết đem lại nguồn cảm hứng học tập cho sinh viên trẻ. Họ sẽ để lại dấu ấn lâu dài trong sinh viên.
5./ Phải phân biệt truờng tốt, nổi tiếng về nghiên cứu về CS?, về đào tạo sau đại học (graduate school)? Hay về đào tạo đại học (undergraduate) về CS?
6./ Một cân nhắc nữa là chọn CS (Computer Science) hay Computer Engineering?
Cái này tùy theo sở trường của cháu, thích Tin học lý thuyết hay thực hành, có định học tiếp MS, PhD sau này không, v.v....
Bằng tốt nghiệp của cháu lúc ra có thể sẽ là BS hoặc BE (Bachelor of Engineering) hoặc thậm chí BA (Bachelor of Arts). Nhiều khi chỉ khác một tẹo nhưng rất quan trọng. Ví dụ như nếu là BA mà muốn học tiếp Cao học thì phải lấy thêm vài môn nữa.
7./ Một điều không kém quan trọng mà bố mẹ hay quên là 4,5 năm học đó cùng là một phần đời quan trọng của cháu. Nếu nó không phải cố gắng quá sức, như con bò kéo xe lên dốc thì có lẽ cũng phấn khởi, không bị "burned-out". Nói chung học căng quá không phải là tốt.
Cùng có những trường ở những nơi quá hẻo lánh, khỉ ho cò gáy thì nó sẽ thấy như bị đi đày.
Hoặc cũng có những trường toàn con cái con nhà giàu ăn chơi suốt ngày, cho nó học ở đó chưa chắc đã tốt.
Vài lời thay kêt luận:
Tiền bố mẹ đầu tư cho con nói chung là sẽ không quay lai mình đâu.
Nếu con đuợc nhận vào học truờng tốt, sau khi ra trường kiếm đuợc việc, lương khởi điểm 40-50k / năm thì có lẽ cũng bõ đầu tư 4 năm * 15-20k / năm - với điều kiên tiên quyết là nhận đuợc ít nhất 1/2 học bổng. Để mình có thể nghĩ một cách lạc quan rằng mình bỏ ra 1 đồng để lấy lại 1 đông, thực ra đâu có mất gì!
Như thế thì sau ~3 năm cháu đi làm là hoàn vốn (đừng quên thuế!) hoặc nghĩ một cách lạc quan là lãi gấp đôi ;)
Vậy cũng là một đầu tư quá thành công cho tương lai của cháu rồi.
Thực ra còn một mối lo chưa kể ra ở trên, mà hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, là con học xong nếu thành công thì nó sẽ ở lại, không về VN nữa.
Tuy nhiên, hãy tạm không nghĩ đến chuyện đó, mà nên xem xét cụ thể sau khi nghiên cứu xác đinh xem nên gửi hồ sơ vào trường nào đã.
Trên đây là một vài ý nhỏ của mình, hy vọng nó có ích đôi chút cho ai đó. Ít ra cũng thúc đẩy thêm cuộc thảo luận về đề tài thiết thực này.
Tham khảo:
1./ US News - Top 10 CS ở Mỹ (xếp hạng và chi phí tiền học 2012-2013, trong các trường lớn, có đào tạo từ đại học đến bậc Tiến sĩ):
- http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/rankings/engineering-doctorate-computer
- http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/rankings/engineering-doctorate-computer/data
2./ US News - World's Best Universities Computer Science http://www.usnews.com/education/worlds-best-universities-rankings/best-universities-computer-science
- ĐHTH Quốc gia Singapore (NUS) #9!
- ĐH Khoa học và Công nghệ Hongkong (HKUST) #13!
- ĐHTH Hongkong (HKU) và ĐHTH Melbourne cùng đuợc xếp hạng #21!
3./ US News - 10 trường ĐH ở Mỹ cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên quốc tế (trong năm học 2011-2012):
http://www.usnews.com/education/best-colleges/the-short-list-college/articles/2012/10/16/10-colleges-that-give-the-most-international-student-financial-aid
4./ National University Rankings (US News - 2012-13)
Các trường ĐHTH tư thục tầm cỡ quốc gia, đứng hàng đầu ở Mỹ, đào tạo từ đại học đến tiến sĩ, rất chú trọng về nghiên cứu cơ bản.
http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/rankings/national-universities
- #1 Harvard, #2 Princeton, #3 Yale, #4 Columbia & Chicago, #6 MIT & Stanford, #8 Duke & Pensivanya, #10 Caltech, ...
5./ National Liberal Arts College (US News - 2012-13)
Các trường ĐH tư thục nghệ thuật tự do (liberal arts), chú trọng vào đào tạo đại học cho một số ngành (chứ không phải tất cả các ngành)
http://colleges.usnews.rankingsandreviews.com/best-colleges/rankings/national-liberal-arts-colleges
- #1 Williams, #2 Amhert, #3 Swarthmore, #4 Middlebury, #5 Pomona, #6 Bowdoin, #7 Wellesley (trường nữ), #8 Carleton, #9 Haverford, #10 Claremont McKenna,...
- #12 Harvey Mudd cũng là một trường khá nổi về Tin học
Bổ sung cho phần "Tham khảo" một vài links về xếp hạng các trường (ở Mỹ và trên thế giới) về đào tạo Tin học (CS) và học bổng cho s/v nước ngoài. Đây chỉ là những thông tin ban đầu ...
ReplyDeleteCác con số nêu ra trong email không còn đúng nữa: đã điều chỉnh để cho phù hợp hơn với năm học 2012-2013.
ReplyDeleteBổ sung về ĐH FPT - Theo trả lời của 1 bạn đang làm việc tại ĐH FPT - courtesy anh Ngọc i-Xanh.
ReplyDelete