Tuesday, August 20, 2013

Nhân tài XĐTV - Thế hệ tương lai

Xin giới thiệu hai tài năng âm nhạc Diệu Linh và Diệu An qua các cuộc thi và biểu diễn âm nhạc ở nước Nga.

Joseph Haydn - Concerto for Piano in D Maj Part 1- Diệu Linh Trần và giao hưởng quốc gia Mát-xcơ-va


 
Joseph Haydn - Concerto for Piano in D Maj Part 3- Diệu Linh Trần và dàn nhạc thính phòng "Province"



Frédéric Chopin - Concerto for Piano Op.21, N.2 f-moll Part 1 - Diệu An Trần và dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mát-xcơ-va



Vừa rồi hai nghệ sĩ đàn piano trẻ tuổi này đã thực hiện một tour biểu diễn thành công lần đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh và cũng là lần thứ hai ở Việt nam.

Tối 16/8 vừa qua các cháu  Diệu An và Diệu Linh đã biểu diễn với dàn nhạc trong Festival Giai điệu mùa thu.

A. Vivaldi - Concerto for 2 violins A minor (sắp xếp lại cho 2 piano) - Diệu An Trần & Diệu Linh Trần và dàn nhạc Festival Giai điệu mùa thu


Ngoài ra, cũng trong chương trình Giai điệu mùa thu, ngày 19/8 hai cháu sẽ biểu diễn các tiết mục độc tấu và song tấu piano, trong khuôn khổ của chương trình với các nghệ sĩ của Đoàn thiếu nhi CH LB Nga từ quỹ tài năng Spivakov.

NCT bổ sung phần bình luận của khán giả Nina, người đã xem trực tiếp "Giai điệu mùa thu" tại TP Hồ Chí Minh 19/8/2013:
Trước tiên, xin cảm ơn VH đã post bài này và đã sưu tầm được những clip quý của các cháu Trần Diệu Ân và Trần Diệu Linh. Sau đây là toàn bộ ý kiến của Nina đăng trên forum "Nước Nga trong tôi":

Tình hình là mình vừa đi nghe chương trình "Giai điệu mùa thu" về, và cảm thấy nên chia sẻ một vài cảm xúc rất cá nhân, kẻo mình quên mất.
Trước hết là cám ơn Nhà hát thành phố HBSO đã ưu ái tặng mình một cái vé mời, thông qua sự trợ giúp của website Nhaccodien.info mà mình có hân hạnh là thành viên.

Sau đó mình phải tự khen mình - đã rút kinh nghiệm của các lần đi xem hòa nhạc, nên mình đã chủ động đến sớm. Vì mình đến trước giờ biểu diễn những hơn 20 phút, nên mình có thể gửi xe ngay bên hông nhà hát, không phải đi xa.

Và tiếp nữa, mình hài lòng nhận thấy pano của chương trình thiết kế khá đẹp (so với con mắt thẩm mỹ ba phải của mình thì cứ đơn giản, đọc rõ chữ là đẹp rồi!). 


Đã thế, tài liệu in ấn cung cấp cho khán giả khá là đầy đủ - chương trình chung, chương trình từng buổi diễn, giới thiệu tiểu sử nghệ sĩ...Thật may cho mình, vì bản tính hay quên, nên mình đã quên không in chương trình ra để cầm theo!

Buổi diễn đã bắt đầu rất đúng giờ. Nhân tiện nói thêm là vốn tính lười, nên dù nhìn chương trình có quá nửa là các tác phẩm mình chưa hề có khái niệm, nhưng mình cũng chả buồn tìm hiểu trước xem cái gì là cái gì.


Sân khấu vừa mở màn thì đã có một cô gái áo đầm trắng muốt, thắt lưng đỏ, nơ đỏ (trông như thiên thần ấy, ít ra là từ hàng ghế xa tít chỗ mình ngồi) ra chào khán giả để trình diễn Allegro appassionato của Camille Saint-Saens. Mình cảm nhận là cô bé Trần Diệu Ân rất cố gắng, nhưng chắc nhiêu đó là chưa đủ để lôi cuốn một khán giả có cảm nhận âm nhạc dở hơi như mình, mình chỉ cảm thấy rời rạc thế nào ấy, như khi phải vẽ đồ thị một hàm số không đủ trơn. Tiết mục thứ hai - Grave của Jan JiriBenda thì mình cảm thấy cuốn hút hơn, cây violin của cô bé Julia Pishchagina tóc vàng tết thành một bím dày khiến mình có cảm giác rất bay bổng. Và cây flute của Timur Dzhafarov khiến mình thích - bắt đầu Concertino của Gaetano Donizetti thì có vẻ cậu bé chưa tự tin lắm, nhưng càng lúc càng tốt hơn, đặc biệt phần cao trào. Tiết mục Russian Dance của bác Tchaikovsky được Kirill Evstratov thể hiện trên đàn dombra, một nhạc cụ dân tộc Nga. Cậu bé mặc quần áo dân tộc, và điệu nhạc cũng được phối và chơi rất dân gian, có cảm giác chỉ cần nhắm mắt lại, sẽ thấy các cô gái nông dân Nga đi ủng diện ra sân khấu nhảy.

Cây đàn accordeon của Lev Kaganer cũng tạo cảm giác dân gian suốt cả buổi diễn. Có ngày hội dân gian Nga nào mà thiếu đàn gió cơ chứ! Lev Kaganer khiến mình có cảm giác - đó là một cậu trai trẻ với cây đàn gió tại ngày hội làng, và tất cả các con mắt đều tập trung vào nghệ sĩ của làng với những giai điệu rất dân gian.

Tác phẩm Romance của Georgy Sviridov lại gợi cho mình rất nhiều cảm xúc về cái thời mình còn là sinh viên. Mình không để ý đến cây vĩ cầm của Julia Pishchagina, mình cũng không để ý đến accordeon nữa, mình chỉ thấy trước mắt mình là căn phòng ký túc xá, những buổi chiều đông tuyết rơi ngoài cửa sổ, và "Bão tuyết" của Pushkin. Cho nên chắc chắn là mình không khách quan rồi.

Sau đó là một sự thay đổi chương trình một cách bất ngờ với cô bé Sofia Kapralova múa điệu Gavot, nhạc của Jean-Baptiste Lully, và Timur Dzhafarov thổi flute đệm. Những động tác múa trên mũi chân của cô bé đã khiến cho cả khán phòng kinh ngạc, và họ vỗ tay dù tiết mục vẫn đang tiếp tục. Mình biết là không nên vỗ tay giữa tiết mục, nhưng cảm giác hân hoan của khán phòng là rất chân thực, nên mình cũng vỗ tay chung với tất cả.

Trước khi giải lao, thì Julia Pishchagina, Lev Kaganer và Kirill Evstratov cùng thể hiện Csárdás của Vittorio Monti. Bạn Martenzi thì nhận xét là cây vĩ cầm hơi bị át, nhưng hình như từ chỗ mình lại không có cảm giác ấy. Lạ thật!

Lúc giải lao thì mình gặp bạn Martenzi, và cặp mắt tinh tường đầy kinh nghiệm của bạn ấy đã phát hiện ra hàng ghế đầu tiên bên trái của khán phòng bỏ trống hoàn toàn. Thế là sau hai câu trao đổi, thì bọn mình quyết định di chuyển chỗ ngồi, và còn kéo cả bạn Betesym lên đó, để cho đỡ trống mà, kẻo nghệ sĩ thấy hàng đầu trống sẽ cảm thấy không thoải mái lắm. Tiếc là phần 2 của chương trình thì nhân viên quay phim của đài truyền hình chẳng lia máy đến khán phòng gì cả, chứ không thì mọi người sẽ thấy bọn mình ngồi ngay hàng đầu bên phải (nếu nhìn từ sân khấu xuống).

Vì ngồi từ hàng ghế đầu, nên bọn mình thấy ngay là ba lẵng hoa trên sân khấu tỏ ra không phù hợp lắm - chẳng nhìn thấy mũi chân của diễn viên đâu cả. Điều này là rất dở, vì tiết mục đầu tiên sau khi giải lao là Variation trong vở ballet “Giselle”. Theo trí nhớ tồi tệ của mình, và theo trang phục, thì đây là phần múa lúc Giselle vẫn còn sống và đang hạnh phúc trong tình yêu. Một lần nữa, tài năng của cô bé Sofia Kapralova lại chinh phục toàn bộ khán phòng.

Hai tiết mục tiếp theo thì mình không cảm nhận được lắm - cũng hay, nhưng không rõ ràng. Còn tiết mục mà mình nghĩ là ối người sẽ ghen tỵ với bọn mình - đó là variations trong vở ballet "Esmeralda" - chính là cái vở mà xem xong thì vợ chồng Putin tuyên bố ly dị ấy. Người thể hiện vẫn là Sofia Kapralova, cô bé tài năng này vẫn tiếp tục làm khán phòng kinh ngạc và vỗ tay không dứt.

Một tiết mục nữa do nghệ sĩ piano Việt Nam - Trần Diệu Ân thể hiện. Lúc này mình có cảm giác là tác phẩm của Chopin hơi quá sức của cô bé, còn bạn Betesym thì nhận xét rằng cô bé giữ nhịp rất tốt (ngồi cạnh người hiểu biết có lợi thế đấy!).

Nocturne của Aram Khachaturian - lại là một tiết mục mới toanh đối với mình, nên chỉ cảm nhận được là giai điệu khá hay, Julia Pishchagina chơi khá tốt, thế thôi.

Коробейники - giai điệu bài dân ca Nga với lời thơ của Nikolai Nekrasov chắc khá là quen thuộc với đông đảo công chúng vì đó là nhạc nền của trò chơi #Tetris nổi tiếng Cậu bé Kirill Evstratov với cây đàn dombra vẫn gợi được cảm giác dân gian và những thăng trầm trong cảm xúc của cái tôi trữ tình trong trường ca - anh chàng bán hàng vùng sâu vùng xa.

Allatango của Valery Saparov - tiết mục này mình chẳng hiểu lắm, cũng không ấn tượng lắm.

Ba tiết mục cuối của chương trình đều là các trích đoạn từ ballet "The Nutcracker" (Kẹp hạt dẻ - Щелкунчик) của Piotr Ilych Tchaikovsky, chuyển soạn cho 2 piano, do chắc là hai chị em Trần Diệu Ân, Trần Diệu Linh biểu diễn. Hai chị em ăn mặc rất giống nhau, chơi cũng rất ăn ý. Chỉ có điều bản tính xấu xa soi mói của mình lại thức dậy. Vì đây là trích đoạn ballet, nên mình chả cần biết kỹ thuật của pianist ra sao, chỉ thấy là - mình muốn sự nhẹ nhàng bay bổng trong điệu waltz của những bông hoa, cần sự nhẹ nhàng, thăng hoa trong adagio (chỗ này khi múa là hoàng tử liên tục làm động tác nâng cô bé Masha nhé!). Và trong điệu hành khúc mở màn của vở ballet, mình muốn được cảm nhận không khí ngày lễ (thì vở múa này viết cho bối cảnh Giáng sinh và Năm mới mà). Hai nghệ sĩ chưa thuyết phục được mình về điểm này. Nhưng cũng có thể, bản tính mình là xấu xa quá chăng?

 
Ảnh này thì không rõ lắm, mình chụp không đúng lúc.
Từ trái sang hình như là: một quan chức nào đó tặng quà, chắc là bà điều hành dự án quỹ Spivakov (mặc áo vét đỏ), pianist đệm 1, Trần Diệu Ân, Kirill Evstratov, Trần Diệu Linh, Julia Pishchagina, Lev Kaganer, Sofia Kapralova, Timur Dzhafarov, pianist 2.

Nhưng nhìn chung, đây là một đêm diễn thành công, và mình cảm thấy hài lòng nhiều hơn. Và vì ngồi hàng ghế đầu, nên bọn mình vỗ tay rất tích cực, lại hoàn toàn không quay phim chụp ảnh gì cả, tóm lại là cực gương mẫu. Mình chỉ chụp ảnh khi tất cả các nghệ sĩ ra chào khán giả, và một số khán giả lên tặng hoa thôi.

2 comments:

  1. Tình hình là Chi hội XDTV TP HCM đã tổ chức đi xem các cháu Trần Diệu Ân và Trần Diệu Linh biểu diễn "Giai điệu mùa thu" hôm 19/8.

    Người hô hào và đã gặp mặt các cháu hôm biểu diễn là PT Bình i-đỏ (hề hề hề), đã có xác nhận của bố các cháu, nhưng sau đấy anh Hề quên mất nhiệm vụ tường thuật lại buổi biểu diễn và gặp gỡ này. (Có khi anh Hề chui vào xó nào làm một giấc cũng nên).

    Hôm nay tình cờ sưu tầm được bài viết của Nina, vội đăng lên iCVA để mọi người có thể cảm nhận buổi biểu diễn này.

    ReplyDelete
  2. Hề hề hề,
    Cái nhà anh Công Thành này chỉ được cái giỏi chọc ngoáy. Đã biết tỏng là cái khả năng âm nhạc của bạn là một nửa con số 0 mà còn dí.
    Thú thực là đêm đó tui có đi xem và nghe các cháu biểu diễn cùng với con gái. Song do cái lùn về âm nhạc nên chỉ có thể phán mỗi một câu là rất hay và rất khoái. Chả phải mình tui mà thấy mọi người cũng vỗ tay rầm rầm. Còn nó hay thế nào thì đành chờ các nhà chuyên môn phân tích chứ mõ tui thì chịu chết.
    Về cảm nhận của con gái tui thì cháu nó rất khoái và xem ra có nhiều nhận xét về chuyên môn sâu hơn tui nhiều. Mặc dù cháu nó cũng chả có tí khiếu về âm nhạc nào. Thậm chí hát quốc ca còn sai nhạc. Ấy nhưng có nhẽ tại mình ngu nên thấy cháu có nhiều nhận xét kỹ càng hơn bố nhiều. Tất nhiên cũng do dốt nên chả biết đúng sai ra sao nên chỉ cười trừ với cháu nó thôi và cũng không dám đưa các nhận xét đó ra đây. Mong các chú các bác tự hiểu ngầm rằng thế là cháu nó tài hơn bố rồi.....
    Kết quả của việc đi xem này là bố con cùng vui vẻ và hiểu nhau nhiều hơn.
    Xin chân thành cám ơn các cháu và các nhà tổ chức đã cho bố con tui một buổi tối mãn thính và mãn nhãn.
    Hề hề hề

    ReplyDelete